Nha Trang Ngày Về

4-21-2012:

Sáng ngày 21 du thuyền Diamond Princess bỏ neo trong vịnh Nha Trang, nơi chúng mình thực tập những bài học vỡ lòng của người đi biển 50 năm trước. Tôi đứng trên boong đợi xuống tàu nhỏ để lên bờ, nhớ lại những ngày tháng cũ. Vẫn màu nước xanh thăm thẳm và những hải đảo chập trùng, nhưng tôi chợt thấy buồn vì mặt Hòn Lớn đã bị người ta khắc lên chữ “VinPearl”, và sợi dây cáp căng ngay vịnh làm mất đi cái vẻ thiên nhiên của biển.
Bến Cầu Đá hầu như vẫn như xưa, và con đường đưa chúng tôi về thành phố qua trường cũ, bây giờ đã được đổi tên là Hải Quân Học Viện, hình như bằng phẳng hơn. Trường cũ cũng cao và lớn hơn khiến Toàn không nhận ra nên ngơ ngác thở dài.
Con đường Duy Tân, bây giờ là Trần Phú, không còn những bãi đất trống, những căn biệt thư khiêm nhường, thay vào đó là những khách sạn nhiều tầng sang trọng mang tên ngoại quốc, đẹp hơn bất cứ bãi biển nào tôi đã từng đi qua. Bãi cỏ hình như cũng xanh hơn cùng với cát vàng lung linh trong nắng nhưng tôi không thấy một tà áo dài thướt tha những chiều lộng gió của những năm nào.
Xe bus ngừng lại gần cuối đường cho chúng tôi chụp hình. Lác đác vài bóng du khách ngoại quốc ngước mắt nhìn, không biết là những khách sạn sang trọng trên bờ biển của thành phố này sống ra sao vì “Việt Kiều” như chúng mình chắc là cũng khó bước chân vào những nơi lui tới của “đại gia”!
Trái lại với vẻ hào nhoáng của con đường Trần Phú, các khu phố bên trong gần khu Chợ Đầm hầu như vẫn như xưa, vẫn nhỏ hẹp và có vẻ nghèo nàn vì đông đúc người buôn bán lấn chiếm lề đường, và những cửa hàng vắng khách chỉ thấy chủ nhân ngồi buồn. Tôi và Quí đi lại những con đường xưa, cố tìm nhưng không nhận ra những căn nhà của những người con gái mà một thời bạn bè cũng lớp với chúng mình đã từng gắn bó yêu thương.
Trên đường trở lại tàu chúng tôi ghé thăm “Dinh Bảo Đại”, bùi ngùi đứng nhìn biểu đồ vẽ một triều đại từ vua Gia Long cho tới Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng, người đã không nghe lời Trạng Trình, “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân”, sống ở Cannes bên Pháp thay vì hoàng thành Huế của VN. Chắc là vận nước điêu linh và “gập thời thế, thế thời phải thế” chứ có vị vua nào không muốn ngồi trên ngai vàng ở đất nước cho thần dân chiêm ngưỡng, phải không bạn thân?
Nha Trang đối với tôi cũng như người tình đầu đời, người con gái đã bị ép gả cho người khác, và dù bây giờ “cô ấy” có đài các kiêu sa thì cô ấy cũng chỉ là của người. Tôi thỉnh thoảng vẫn nghĩ về người yêu cũ, vẫn muốn trở về đi qua ngõ xưa, nhưng chỉ thế mà thôi vì tôi biết hai chúng tôi mỗi người đều đã có một mảnh đời riêng, rất riêng. Cũng như Sài Gòn, tôi trở lại để thấy mình lạc lõng, Nha Trang ngày về mang lại cho tôi chút kỷ niệm êm đềm, cùng với tiếng thở dài luống tiếc chút hương xưa, thế thôi!