Chương 6
HÀ VỸ XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ MỚI VÀ KHÁNG
CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)

1. XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ MỚI , CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(Từ T9-1945 đến T4-1949)

    
ách mạng tháng Tám thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân cả nước trong đó có nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Tuy cách mạng thành công nhưng Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lại phải đương đầu với vô vàn khó khăn thử thách, chống chọi với thù trong giặc ngoài, tình thế tưởng chừng như "ngàn cân treo sợi tóc"
Trong bối cảnh chung của cả nước, chính quyền nhân dân xã Hà Vỹ cũng phải đối phó với không ít khó khăn ác liệt
Ngày 22 tháng 8 (rằm tháng Bẩy năm Ất-Dậu ) vỡ đê sông Cà Lồ làm ngập lụt một vùng rộng lớn trong đó có Hà Vỹ, đồng ruộng ngập chìm làm cho toàn bộ lúa mùa và hoa mầu mất trắng. Trong làng, nhiều gia đình nước cũng ngập đến tận mái gianh (vì Hà Vỹ là nơi trũng nhất) cây cối ăn trái trong nhà đều chết cả do bị ngập nước lâu ngày
Sau hơn một tháng, nước mới rút hết, để ổn định nơi ăn chốn ở, mọi người phải tu sửa lại nhà cửa, nhiều nhà phải làm lại vì tường bị đổ, nhà bị xiêu, công việc rất nhiều và bề bộn. Lụt đã để lại những hậu quả vô cùng khó khăn, nhiều gia đình lương thực không còn phải ăn cháo loãng cầm hơi hoặc đào củ chuối củ rợ để ăn, có người đã chết vì đói. Lụt sông đã làm cho môi trường và nước ăn nhiễm bẩn nên ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người, do đó bệnh dịch tả, đậu mùa, sốt định kỳ…đã phát sinh, thuốc thang lại không có, đã làm cho nhiều người chết thêm vì bệnh.
Trước tình hình đó, chính quyền cách mạng đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả do trận lụt gây ra, mọi người giúp nhau dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống. Chính quyền đã phát động phong trào cứu đói, lập quĩ "hũ gạo chống đói" hưởng ứng lời kêu gọi của cụ Hồ
Để chống đói lâu dài, chính quyền đã triển khai ngay chiến dịch tăng gia sản xuất. Vận động mọi người cấy tái giá các diện tích lúa mùa và trồng thêm khoai lang, rau mầu ngắn ngày trên các chân ruộng cao.
Do tinh thần hưởng ứng tích cực của người dân, tuy khó khăn vất vả nhưng kết quả đã cứu được nhân dân khỏi tai hoạ chết người do trận lụt gây ra
Nhằm xây dựng đời sống mới, chính quyền các thôn đã quyết định bãi bỏ mọi hủ tục lạc hậu của chế độ phong kiến để lại như mua nhiêu, chứa quan viên, giảm bớt các lễ thức gây tốn kém trong tang ma, cưới xin...và kêu gọi mọi người dân thực hiện triệt để quyết định này. Trên các tường ở đường làng thanh niên viết khẩu hiệu kêu gọi mọi người thực hiện "đời sống mới" “ bài trừ mê tín dị đoan”…
Hưởng ứng phong trào "diệt giặc dốt " của Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi " một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", chính quyền các thôn đã phát động phong trào Bình dân học vụ (BDHV) để dậy chữ Quốc ngữ cho toàn dân.
Các thôn Đại Vỹ, Giao Tác, Châu Phong đều đã thành lập các Ban BDHV. Ban này có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo các lớp học, vận động người đi học và cử người ra dậy với tinh thần "người biết chữ dậy người chưa biết chữ, người biết nhiều dậy người biết ít". Các lớp học được tổ chức theo từng ngõ, không phân biệt trẻ già trai gái, ai muốn học lớp nào thấy phù hợp đều được học. Với nhận thức "diệt giặc dốt, diệt giặc đói cũng như diệt giặc ngoại xâm" nên mọi người đều hăng hái tham gia. Việc tuyên truyền cổ động cho phong trào BDHV rất đa dạng phong phú bằng nhiều hình thức như "đố chữ" đặt ở cổng chợ, cổng làng ai đọc được thì được vào, ai không đọc được thì phải chui v.v. Ngày ấy thường có câu ca:
“ Lấy chồng biết chữ là tiên,
Lấy chồng mù chữ là duyên con bò”
để động viên mọi người nhất là con trai phải cố mà học bình dân cho biết chữ không thì ế vợ như chơi. Để dễ phân biệt hai chữ cái giống nhau, người dậy thường đặt ra các câu thơ lục bát như là:
“O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ tức là khác nhau “
“o, ơ hai chữ khác nhau,
ơ thì có dấu móc câu trên đầu" v.v
Nhờ tinh thần tích cực vận động của Ban chỉ đạo và sự cố gắng tham gia học tập của toàn dân, nên chỉ sau vài tháng, phong trào BDHV đã thu được kết quả khá, hàng trăm người từ chỗ không biết chữ nay đã biết đọc biết viết, nạn mù chữ ở Hà Vỹ đã xoá được một phần. Do kết quả của phong trào BDHV mà ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, tổ chức vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, đa số các cử tri đi bầu đã tự tay viết vào lá phiếu - thực hiện quyền công dân thiêng liêng của mình.
Để xây dựng cuộc sống mới, chính quyền các thôn đã phát động phong trào làm vệ sinh làng xóm nhà cửa, tuyên truyền mọi người giữ vệ sinh ăn sạch, uống sạch, ở sạch để hạn chế những tác hại do dịch bệnh gây ra
Nhằm bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân và giữ ổn định trật tự trong thôn xóm, chính quyền các thôn đều thành lập đơn vị tự vệ, ban đêm ngủ tập trung ở các điếm làng để làm nhiệm vụ tuần tra, ban ngày canh gác kiểm tra giấy tờ của người lạ mặt vào làng để bảo vệ thôn xóm và tài sản của nhân dân
Sau bốn tháng lãnh đạo và quản lý các mặt công tác ở Hà Vỹ dưới chế độ mới trong điều kiện đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng vì nhân dân phục vụ, các cán bộ Việt Minh và chính quyền lâm thời cơ sở đã làm được khá nhiều việc tốt, được quần chúng nhân dân trong thôn rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền mới.
Cùng với kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946, xã Hà Vỹ còn tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã. Đây là sự kiện quan trong trong đời sống chính trị của nhân dân, lần đầu tiên người dân Hà Vỹ được thực hiện quyền công dân là tự tay bầu ra những đại biểu ưu tú vào cơ quan chính quyền ở địa phương mình.
Sau cuộc bầu cử dân chủ, Uỷ ban hành chính (UBHC) xã Hà Vỹ được thành lập cùng với các bộ phận giúp việc
UBHC đầu tiên của xã Hà Vỹ gồm các ông:
1. Đỗ Văn Chù (1) (thôn Châu Phong): Chủ tịch
2. Nguyễn Văn Chuyền (thôn Châu Phong): Phó Chủ tịch
3. Nguyễn Văn Kiên (thôn Đại Vỹ): Uỷ viên
4. Lê Văn Tít (thôn Đại Vỹ): Uỷ viên
Sau khi chính quyền xã được thành lập, đội ngũ cán bộ các thôn cũng được kiện toàn. Các đại biểu trong Hội đồng nhân dân (HĐND) ở từng thôn cũng là những cán bộ chủ chốt lãnh đạo các đoàn thể và chỉ đạo các hoạt động ở thôn. Công tác trọng tâm nhất trong giai đoạn bấy giờ vẫn là tăng gia sản xuất để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, củng cố lực lượng vũ trang, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở từng thôn xóm, tiếp tục và duy trì phong trào BDHV, ra sức xây dựng đời sống mới làm cho làng xóm có một khí thế phấn khởi hồ hởi khác hẳn với chế độ thực dân phong kiến thối nát trước đây.
Cùng với việc xây dựng chính quyền mới, thúc đẩy phong trào hoạt động cách mạng ở các thôn, nhân dân Hà Vỹ còn tích cực đóng góp sức người sức của vào công việc chung của cả nước
Những ngày đầu tháng 9 năm 1945 chính quyền xã Hà Vỹ đã huy động hàng trăm lượt dân công, đóng góp hàng nghìn cây tre để hàn khẩu chỗ đê sông vỡ, đồng thời phối hợp với các địa phương khác trong huyện tôn cao các đoạn đê bị vỡ, góp phần bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống nhân dân
Tháng 1 năm 1946 nhân dân Hà Vỹ sôi nổi hưởng ứng "Tuần lễ vàng" do Chính phủ kêu gọi. Nhiều người giầu có trong làng đã ủng hộ các hiện vật quí giá bằng vàng, bạc như hoa tai, nhẫn, xà tích, vòng cổ …cho Nhà nước.
Sau hơn một năm, dưới sự lãnh đạo của Chính quyền mới, nhân dân Hà Vỹ từng bước thoát khỏi khó khăn, ổn định đời sống, hình thành được cơ sở chính trị - xã hội của chế độ mới tạo được lòng tin của nhân dân vào chính quyền mới và thắng lợi của Cách mạng.
Chính phủ do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã sáng suốt chèo lái con thuyền Việt Nam không bị nguy cơ tiêu diệt mà vẫn giữ vững được những thành quả của Cách mạng, đặc biệt là đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc (1-6-1946), ra bản Tuyên ngôn Độc lập (ngày 2 tháng 9 năm 1945) để công bố với thế giới rằng "Nước Việt Nam là một nước độc lập...". Nếu nước ta không bị bọn thực dân Pháp trở lại xâm lược thì nhất định dân ta đã được sung sướng ấm no chẳng kém gì các nước trong khu vực và trên thế giới.
Song, dã tâm của bọn thực dân Pháp rất tham lam, muốn chiếm nước ta một lần nữa, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Pháp và đã ký Tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946. Đây là bước nhân nhượng cuối cùng của ta nhưng bọn thực dân càng thể hiện thái độ ngoan cố và hiếu chiến, nguy cơ chiến tranh không thể nào tránh khỏi
Ngày 23 tháng 9 năm 1945 giặc Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta ở miền Nam. Nam bộ đã bắt đầu kháng chiến, đầu tháng 12 -1946 quân Pháp liên tiếp gây hấn ở Hải Phòng và Hà Nội, buộc quân ta phải tự vệ chiến đấu. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:
“ Hỡi đồng bào cả nước…Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên.. ". Thế là từ đó cả nước ta bắt đầu bước vào một cuộc chiến tranh lâu dài khốc liệt với bọn thực dân Pháp hiếu chiến
Cùng với cả nước, nhân dân Hà Vỹ sẫn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương làng xóm theo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài dựa vào sức mình là chính với tinh thần " Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ....." như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi
Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp nhiều thanh niên Hà Vỹ đã xung phong ra nhập quân đội để chiến đấu với kẻ thù xâm lược như các anh Dương Văn Bách (Ba), Lê Văn Bẩy, Lê Quốc Trọng, Ngô Văn Năm (Hỗ), (Đại Vỹ), Đỗ Đức Khôi (Đỉnh), Đỗ Bàng Hiệp, Đỗ Tùng Sơn (Hữu), Đỗ Đức Bốn (Hổ) (Giao Tác)... Trong đó có một số anh đã tham gia đội quân Nam tiến
Do vị trí của Hà Vỹ xa các thị trấn huyện lỵ và xa đường quốc lộ số 1, số 3 nên Hà Vỹ còn được yên ổn vài ba năm. Vì vậy những năm đầu của cuộc kháng chiến, Hà Vỹ là nơi đón nhận nhiều gia đình ở nam phần Bắc Ninh như Thượng Cát, Lệ Mật… (bên kia sông Đuống về phía Hà Nội) và các vùng ven đô, sát đường quốc lộ như Yên Viên, Mai Lâm, Đông Hội…về tản cư
Mặc dầu chiến sự chưa lan tới quê hương, nhưng các hoạt động chuẩn bị chiến đấu vẫn được triển khai tích cực. Để chuẩn bị chiến đấu, từ đầu tháng 11 năm 1946 Hà Vỹ bắt đầu rào làng, đào hầm hào để xây dựng làng chiến đấu. Lực lượng tự vệ ở các thôn được củng cố, tăng cường và thường xuyên luyện tập.
Theo quyết định của trên, UBHC Hà Vỹ được đổi
thành Uỷ Ban kháng chiến hành chính (UBKC-HC) cho phù hợp với tình hình. Uỷ ban này vẫn do các ông Đỗ Văn Chù và Nguyễn Văn Chuyền (thôn Châu Phong) làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch
UBKC-HC lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị mọi mặt để chiến đấu lâu dài, lực lượng tự vệ được chuyển thành dân quân du kích và được bổ sung quân số đồng thời cũng tăng cường trang bị thêm vũ khí đạn dược.
Việc xây dựng làng chiến đấu vẫn tiếp tục được củng cố, rào làng vững chắc, đào thêm hệ thống giao thông hào (nhà nọ sang nhà kia dài hàng trăm mét lan toả khắp ngõ) để tránh máy bay oanh tạc và cất dấu lương thực đồ dùng...
Về sản xuất vẫn phải huy động nhân dân cấy hết diện tích và theo đúng thời vụ để đảm bảo lương thực lâu dài cho dân
Về văn hoá-xã hội, các thôn đều tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá, thu hút đông đảo thanh niên phụ nữ tham gia, thực hiện cưới xin theo đời sống mới, đơn giản hoá các nghi thức việc tang, kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh...tạo thành một nếp sống mới trong nhân dân.
Do chiến sự chưa lan tới Hà Vỹ, quê hương vẫn còn yên ổn, nên các đoàn thể thanh thiếu niên phụ nữ hoạt động rất sôi nổi, dân quân du kích hàng ngày luyện tập, đêm ngủ tập trung hăng hái tham gia các cuộc mít tinh biểu tình do Việt Minh tổ chức. Phong trào văn hoá văn nghệ cũng phát triển rất mạnh nhiều bài hát cách mạng như Tiến quân ca, Du kích ca, Diệt phát xít, Bao chiến sĩ anh hùng… được phổ biến rộng rãi và được hát tập thể trong các cuộc mít tinh hay những đêm biểu diễn văn nghệ ở địa phương.
Nhiều lời ca như: “ Cùng nhau đi hồng binh, liều thân cho nòi giống, cho thế giới đại đồng, tiến lên quân hồng” hoặc “ Tiến lên đường, tới xa trường, ta xứng danh là cảm tử quân ”… tạo ra một khí thế hào hùng cách mạng làm nô nức phấn chấn lòng người.
Từ đầu năm 1948 Hà Vỹ là nơi đóng quân của bộ đội
Từ Sơn và là trụ sở làm việc của một số cơ quan huyện (2).
Nhân dân Hà Vỹ nhất là thôn Châu Phong đã giúp đỡ hàng tấn lương thực, hơn 100 bộ quần áo cho bộ đội địa phương đóng tại thôn
Ngoài ra, nhân dân Hà Vỹ đã hoàn thành nhiệm vụ nộp thuế cho cấp trên, mua tín phiếu kháng chiến, hưởng ứng phong trào "gửi áo mùa đông binh sĩ"...
Thực hiện các nhiệm vụ cho kháng chiến, công tác xây dựng Đảng cũng được tiến hành đồng bộ.
Ngày 06 tháng 01 năm 1948 các đồng chi Đỗ Văn Thiền (3) (Giao Tác) Dương Văn Phách và Lê Liêm (Đại Vỹ) được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt ở Chi bộ ghép Thiết-Hà-Châu (Thiết Bình, Hà Khê và Cổ Châu). Sau khi được xét chuyển đảng chính thức, ba đồng chí được tách ra để thành lập Chi bộ Hà Vỹ, sau đó chi bộ kết nạp thêm Nguyễn Văn Thân, Lê Thị Lễ và Nguyễn Văn Bẩy (Châu Phong) vào Đảng để cùng trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến ở địa phương (4)
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chi bộ Hà Vỹ đã phân công các đảng viên đi sâu đi sát các phong trào của quần chúng và lựa chọn một số quần chúng tích cực có giác ngộ cách mạng có năng lực và thành tích công tác để bồi dưỡng xét kết nạp vào đảng, nên số lượng đảng viên của ba thôn được tăng lên nhờ đó mà công tác ở cơ sở cũng tốt hơn
2. CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG VÀ THAM GIA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC  (TỪT4-1949 ĐẾN T10 -1954)
2.1. Hà Vỹ hợp nhất với xã Ngũ Hà thành xã Liên Hà
Hà Vỹ và Ngũ Hà trước đây đều thuộc tổng Hà Lỗ huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nên có những phong tục tập quán khá giống nhau, vị trí địa lý lại gần nhau, do đó nhân dân hai xã đã từ lâu có những mối quan hệ khăng khít về nhiều mặt
Để hình thành thế liên hoàn giữa các thôn làng cũng như yêu cầu chỉ đạo kịp thời thống nhất trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp ở địa phương, tháng 4 năm 1949 theo quyết định của trên, hai xã Hà Vỹ và Ngũ Hà được nhập thành một xã mang tên Liên Hà. Từ đó chính quyền và chi bộ của hai xã cũng phải sáp nhập làm một
Hội nghị hợp nhất hai chi bộ được tổ chức tại chùa Quậy. Cả hai chi bộ khi đó có 91 đảng viên, hội nghị đã bầu ra Chi uỷ Đảng xã Liên Hà, trong đó Hà Vỹ chỉ có hai đ/c tham gia Chi uỷ đó là: Dương Văn Phách - phụ trách Dân vận và Lê Liêm - phụ trách Tuyên huấn (cả hai đ/c đều ở thôn Đại Vỹ)
Ngoài Chi uỷ còn có bốn ban là: Tuyên huấn, Tuyên truyền, Đảng vụ và Kinh tế, mỗi ban có ba đảng viên phụ trách. Chi bộ chia thành tám tổ Đảng theo đơn vị thôn do các tổ trưởng Đảng phụ trách trực tiếp
Hội nghị đã ra Nghị quyết và xác định nhiệm vụ của
quân và dân Liên Hà trong giai đoạn trước mắt để các tổ Đảng và chính quyền các thôn theo đó thực hiện
Ngay sau hội nghị, chính quyền và các đoàn thể đã hợp thành một mối. Mỗi thôn có một cán bộ phụ trách hành chính và một cán bộ phụ trách quân sự. Chi uỷ chỉ đạo các tổ Đảng, phân công từng đảng viên phụ trách các mặt công tác ở thôn
Cũng như các thôn ở bán xã phía Bắc các thôn của Hà Vỹ cần tập trung vào một số việc sau:
a) Củng cố lực lượng vũ trang, huy động nhân dân đào thêm hầm trú ẩn, hào giao thông và hầm bí mật, rào làng đắp luỹ nhằm xây dựng mỗi thôn là một làng chiến đấu; tăng cường tuần tra canh gác, bảo đảm an toàn cho nhân dân kể cả dân đến tản cư …
b) Tiếp tục vận động nhân dân tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất khi giặc chưa tới, giao số ruộng công điền công thổ còn lại cho những gia đình nghèo thiếu ruộng cấy
Thực hiện Sắc lệnh 78SL ngày 14/7/1949 của Chính phủ về giảm tô. Chi bộ đã chỉ đạo các tổ Đảng vận động nông dân đòi các chủ ruộng phải giảm tô cho những người nông dân thuê ruộng. Nói chung ở cả ba thôn các chủ ruộng đều chấp nhận yêu cầu này