Chương 7 (tt)
3. HÀ VỸ CÙNG CẢ NƯỚC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1965-1975)

    
au những thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam, tháng 2 năm 1965 đế quốc Mỹ chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”. Để ngăn chặn sự tiếp viện của quân dân miền Bắc, chúng đã dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc đồng thời đưa một lực lượng lớn quân đội Mỹ vào tham chiến ở chiến trường miền Nam. Kể từ tháng 4 năm 1965 chiến tranh đã lan rộng trên phạm vi cả nước. Trước tình hình cả nước có chiến tranh, Đảng ta đã xác định: Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, của nhân dân từ Bắc chí Nam. Đảng kêu gọi cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, nhằm bảo vệ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ xã Liên Hà, các chi bộ ở Hà Vỹ đã kịp thời phổ biến các nghị quyết của Trung ương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ là: Động viên nhân dân đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, toàn dân phải chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sẫn sàng chiến đấu cùng cả nước kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên đất nước chúng ta.
Đầu tháng 4 năm 1965, máy bay Mỹ lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Hà Nội. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của tập thể và nhân dân, theo sự chỉ đạo của Ban phòng không sơ tán xã, các lớp Mẫu giáo, Vỡ lòng, cấp I và cấp II đều phải sơ tán vào các địa điểm hẻo lánh ven làng để tránh máy bay địch bắn phá. Mỗi thôn đều thành lập các đội cứu thương, cứu sập hầm, cứu hoả và được tập huấn nghiệp vụ để có thể xử lý tốt khi giải quyết hậu quả xẩy ra. Tất cả các nơi công cộng, nơi tập trung đông người như trụ sở, chợ búa, trường học… và từng nhà dân, đều phải đào hầm (hố cá nhân, hầm chữ A - hầm kèo tre…) để trú ẩn khi máy bay địch bắn phá. Để sẫn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, lực lượng dân quân du kích các thôn được củng cố và tăng cường cả về quân số và trang bị kỹ thuật. Để trực chiến bắn máy bay địch, xã đã bố trí hai trận địa ở cầu Rợ (Châu Phong) và vườn Trên (Giao Tác). Mỗi trận địa có một tiểu đội được trang bị một trung liên cùng với một số súng trường để bắn máy bay tầm thấp. Ngoài ra mỗi thôn có một đại đội dân quân gồm cả nam lẫn nữ, để sẫn sàng làm các nhiệm vụ khi cần đến
Nhằm bảo vệ phía bắc Thủ đô Hà Nội, quân đội đã xây dựng một trận địa pháo và rađa ở đồng Rành thôn Châu Phong, các đội viên dân quân du kích của ba thôn Hà Vỹ cũng phải tham gia trực chiến trên trận địa này.
Do vị trí địa lý của Hà Vỹ (cách xa các trung tâm thị trấn, nhà máy ) nên nhiều cơ quan, xí nghiệp và nhân dân đã chọn về sơ tán. Để giúp đỡ họ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ăn chỗ ở cho những bà con về sơ tán.
Năm 1966 chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng khắp miền Bắc. Ngày 29-6-1966 máy bay Mỹ bắt đầu ném bom vào địa phận Hà Nội mà điểm đầu tiên là kho xăng Đức Giang gây cho ta khá nhiều thiệt hại.
Năm 1967 chiến sự lại càng ác liệt, có thời kỳ máy bay địch liên tục đánh phá Hà Nội, ngày nào cũng có báo động hai ba lần, làm cho tinh thần nhân dân hết sức căng thẳng, mệt mỏi. Các đội trực chiến túc trực ngày đêm để sẫn sàng chiến đấu. Các đội cứu sập hầm, chữa cháy, tải thương của các thôn hàng ngày đều phải trực chiến 24/24 giờ
Tuy thời kỳ này, máy bay Mỹ vẫn chưa đánh phá vào địa bàn Hà Vỹ nhưng đã có một bộ phận lực lượng chiến đấu của Hà Vỹ được điều đi tăng cường giúp đỡ các xã trong huyện như Uy Nỗ, Xuân Canh, Cổ Loa…(là trọng điểm đánh phá của địch), anh chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 7-12-1967, máy bay Mỹ bắn phá xã Xuân Canh, chúng đã ném xuống hàng loạt bom nổ chậm. Lực lượng xung kích của Hà Vỹ được điều lên cùng bộ đội giúp xã bạn khắc phục hậu quả. Trong trận này một người con của Hà Vỹ là anh Phạm Hồng Thập (thôn Châu Phong) là bộ đội đã hy sinh khi tháo bom nổ chậm
Cùng với việc tổ chức phòng tránh và trực chiến hàng ngày, công tác tuyển quân cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của xã. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, và phong trào “Ba sẫn sàng” (3 ), thanh niên Hà Vỹ hăng hái viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ vào bộ đội và thanh niên xung phong có anh chưa đến tuổi 18 đã xin đi bộ đội để được cầm súng ra chiến trường tiêu diệt kẻ thù. Ngay trong năm 1965 Hà Vỹ đã có vài chục thanh niên lên đường tham gia chiến đấu, cùng với các nhiệm vụ trên các chi bộ còn chỉ đạo các HTX đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo đủ lương thực thực phẩm tại chỗ đồng thời chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Do yêu cầu sản xuất thời chiến, đầu năm 1965 hai HTX Đại Vỹ và Giao Tác nhập thành một HTX lấy tên là HTX Hà Vỹ. Việc sáp nhập thành các HTX lớn có mặt tích cực là: Tập trung được nguồn vốn, nhân lực, thống nhất kế hoạch sản xuất giảm bớt số cán bộ gián tiếp … song lại bộc lộ nhiều bất cập như việc điều hành sản xuất thiếu đồng bộ kịp thời, nhiều khi chồng chéo lẫn nhau gây lãng phí lớn… Sản xuất gập nhiều khó khăn do năng lực cán bộ yếu, nguồn nhân lực phải dàn trải vì một bộ phận lớn lao động trẻ khoẻ đi bộ đội và thanh niên xung phong. Ngay năm đầu tiên (1965) một số chân ruộng sâu không cấy cầy được hoặc cấy không đúng thời vụ, nên cho năng suất thấp.
Để khắc phục nhược điểm do cách “bình công chấm điểm” và để tăng thời gian và năng xuất lao động của xã viên, các HTX đã thực hiện cải tiến quản lý vòng hai. Các công việc trên đồng ruộng đã áp dụng chế độ khoán. Nhờ cách khoán này mà các HTX đã cấy hết diện tích đúng thời vụ nên có nơi đã cho thu hoạch khá.
Công tác thuỷ lợi tiếp tục được đầu tư. Giữa năm 1965 điện lưới Quốc gia đã về đến thôn. Nhờ có điện, các trạm bơm điện Láng Mây, đồng Rợ được thay thế cho trạm bơm dầu. Năm 1966 đào mương K4 để dẫn nước tưới tiêu cho các cánh đồng thôn Châu Phong và Đại Vỹ. Nhờ có nước mà năm 1966 máy cầy đã làm việc được trên một số chân ruộng của An Bài và Giao Tác. Cũng năm 1965 trạm bơm Trịnh Xá hoàn thành, bắt đầu phát huy tác dụng, cung cấp đủ nước cho cánh đồng các xã. Hệ thống mương máng đã hình thành, các đường bờ vùng, bờ thửa hoặc đường liên thôn được mở rộng và tôn cao như đường từ Châu Phong sang Hà Lỗ (do XN Thi công cơ giới sơ tán tại địa phương trợ giúp). Cũng trong thời gian này, huyện đã cho đắp con đường nối từ Dục Nội đến Ngọc Lôi gọi là đường Nam Hà (do thợ đấu ở tỉnh Nam Hà làm, cũng là phía Nam xã Liên Hà). Đó là con đường quan trọng trong chiến tranh để vận chuyển đi lại từ Đông Anh sang Từ Sơn mà không phải đi theo đường quốc lộ số 3 qua Yên Viên vừa xa vừa không an toàn như trước nữa. Đường liên thôn phía đông từ Đại Vỹ qua Giao Tác nối với đường Nam Hà cũng được đắp trong thời gian ấy.
Cùng với hệ thống mương máng, các trạm bơm điện được nâng cấp và ổn định vị trí như trạm bơm đồng Bài tưới tiêu cho cánh đồng Đại Vỹ, trạm cầu Đá tưới tiêu cho cánh đồng Giao Tác, trạm đồng Rợ, đồng Mìn đồng Chiền tưới tiêu cho cánh đồng Châu Phong
Đến năm 1967, hệ thống mương máng trạm bơm của Hà Vỹ tương đối hoàn chỉnh làm cho đồng ruộng các thôn chủ động được tưới tiêu nên nhiều cánh đồng các thôn đã cấy được hai vụ lúa mà còn làm thêm một vụ đông, trồng khoai tây, khoai lang tăng thêm nguồn lương thực.
Cùng với sản xuất lương thực, chăn nuôi tập thể tiếp tục được đẩy mạnh do đó đã đóng góp cho Nhà nước một khối lượng thực phẩm vượt mức nghĩa vụ.
Tuy nhiên, sản lượng lương thực, thực phẩm trong những năm đầu chiến tranh phá hoại tăng không đáng kể vì thời tiết không thuận, lại thêm trình độ canh tác chăn nuôi còn nhiều yếu kém trong khi yêu cầu phân phối thời chiến phải chia thành nhiều phần: phần nộp thuế và nghĩa vụ với Nhà nước, phần để lại địa phương phục vụ cho chiến đấu, tái sản xuất, lập quỹ công ích nên phần để chia cho xã viên còn lại rất ít, do vậy đời sống xã viên còn gập nhiều khó khăn thiếu thốn. Mức ăn theo chỉ đạo chung chỉ được từ 13 đến 18 kg thóc một người một tháng. Với mức lương thực như vậy mà thức ăn chất đạm (thịt cá) lại ít thì sao đủ chất. Nhưng với tinh thần “vì tiền tuyến lớn” vì “đồng bào miền Nam ruột thịt” nhân dân Hà Vỹ vẫn chịu đựng và khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, luôn tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân (1968) ở miền Nam đã làm rung chuyển chế độ Mỹ Nguỵ, nội bộ chính phủ Mỹ hoang mang và mâu thuẫn gay gắt, nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh kịch liệt, đẩy bọn xâm lược Mỹ và Nguỵ quyền tay sai vào thế bị động buộc chúng phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở ra và phải cùng với ta ngồi vào bàn hội nghị ở Pari. Để chi viện cho chiến trường miền Nam nhanh chóng thắng lợi, miền Bắc phải huy động cả lực lượng quân dự bị vào chiến trường. Trong năm 1968 Hà Vỹ đã huy động một lực lượng thanh niên nhập ngũ, để có đủ quân số, đã lấy cả những người tái ngũ, những người con độc nhất. Nhiều người tuy có bố mẹ già hoặc đông con, gia đình lại khó khăn nhưng khi có lệnh vẫn sẫn sàng hăng hái lên đường nhập ngũ.
Đêm ngày 30-8-1968 một máy bay Mỹ bị lực lượng phòng không của ta bắn cháy đã rơi xuống cánh đồng Láng Mây Giao Tác. Hai tên giặc lái đã phải đền mạng (một tên tan xác) trên mảnh đất quê ta. Dân quân du kích đã kịp thời giải quyết hậu quả, thu nhặt các chiến lợi phẩm nộp lên trên, còn xác tên giặc lái, ta đem chôn ở bãi tha ma đồng Tróc (sau này ta đã trao trả hài cốt tên giặc lái ấy cho phía Mỹ)
Sau gần bốn năm, đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc nhưng không lay chuyển nổi ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của nhân dân ta mà còn bị thiệt hại rất nhiều (hàng nghìn chiếc máy bay hiện đại của Mỹ bị quân ta bắn rơi cùng với nhiều phi công Mỹ chết và bị bắt), nhân dân thế giới (kể cả nhân dân Mỹ) thì phản đối quyết liệt…Vì thế tháng 11-1968 chúng buộc phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, thế là nhân dân Hà Vỹ lại được sống trong bầu không khí yên bình.
Để phát triển nông nghiệp, công tác thuỷ lợi tiếp tục được đầu tư, mương M7 từ Láng Giỗ đến cánh đồng Giao Tác hoàn thành, phong trào làm bèo hoa dâu, trồng điền thanh để làm phân xanh được nhân rộng, các giống lúa mới có năng suất cao như nông nghiệp 5, nông nghiệp 8, bao thai lùn… được đưa vào gieo cấy. Vụ cấy thử nghiệm đầu tiên là vụ chiêm xuân năm 1970-1971, mặc dù lúc đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc nhưng vẫn cho năng suất cao, hơn hẳn các giống lúa cũ. Đến vụ mùa, các giống lúa mới này được cấy đại trà. Rất tiếc là khi lúa đang lên xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, thì những trận mưa lớn kéo dài làm cho đồng ruộng Hà Vỹ bị ngập úng. Cũng vì mưa lớn trên diện rộng nước thượng nguồn đổ về làm nước sông Hồng, sông Đuống lên cao, do đó đê Cống Thôn sông Đuống bị vỡ gây ra trận lụt sông cho cả vùng bắc Đuống. Hà Vỹ lại một lần nữa ngập chìm trong biển nước. Hơn một nửa số dân Hà Vỹ phải đi sơ tán đến ở nhờ các xã có địa thế cao như Vân Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Cổ Loa.
Trận lụt năm 1971 làm cho mùa màng mất trắng, nhà cửa, tài sản của dân bị thiệt hại nặng nề. Do đó đời sống nhân dân càng khó khăn hơn, nhà nước phải cứu trợ một phần lương thực cùng quần áo thuốc men. Để ổn định đời sống nhân dân, chi bộ đã chỉ đạo chính quyền, HTX tiếp nhận và phân phối nguồn lương thực và hàng cứu trợ của Nhà nước cho dân, dùng quỹ phúc lợi xã hội trợ cấp thêm cho những gia đình chính sách, gia đình có khó khăn quyết không để người dân bị chết đói do không có cái ăn
Để chống đói, chi bộ cùng với chính quyền các thôn thực hiện phong trào cấy tái giá và đẩy mạnh sản xuất vụ đông ngay sau khi nước rút, đồng thời huy động toàn dân trồng nhiều loại rau mầu ngắn ngày, như khoai lang, khoai tây để bổ sung phần lương thực bị thiếu
Tháng 4 -1972 sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ bị phá sản, chúng lại dùng không quân và hải quân đánh phá trở lại miền Bắc nước ta với cường độ ác liệt và bằng kỹ thuật hiện đại hơn nhằm ép ta ở hội nghị Pari. Thế là Hà Vỹ cùng với nhân dân miền Bắc lại bước vào cuộc sống thời chiến. Sau hơn ba năm được sống trong cảnh yên bình, hàng ngày không phải nghe còi báo động có máy bay, giờ đây mọi người lại phải đào hầm (hố cá nhân, hầm kèo tre) đi đâu cũng phải mang theo mũ rơm tránh đạn. Cảnh thời chiến, mọi sinh hoạt đều phải hết sức khẩn trương con người tất bật hơn nhiều, ngoài công việc gia đình còn phải tham gia các công tác đoàn thể …ngày đi làm hợp tác, tối đi làm dân quân không lúc nào nghỉ cả
Tuy vất vả khó khăn nhưng đồng ruộng lại được lớp phù xa bồi thêm do lụt sông, thời tiết thuận hoà nên cả hai vụ lúa năm 1972 đều được mùa khá.
Trong cả hai lần đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc kể cả cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm dùng B52 đánh vào Hà Nội, xã Liên Hà chúng ta chỉ có thôn Lỗ Khê là thiệt hại nhất (27 người chết, 12 người bị thương, gần 100 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng nặng) ngoài thôn Lỗ Khê, Hà Phong cũng là thôn bị hại do một quả bom hơi rơi vào làng làm cho 88 căn nhà bị bốc mái có gia đình bay cả nhà, còn các thôn khác của xã trong đó có Hà Vỹ rất may là không bị một quả bom nào rơi vào làng nên không thiệt hại gì về người và của.
Sau khi bom Mỹ trút xuống Lỗ Khê đêm ngày18-12-1972 (13 tháng Một năm Nhâm Tý), các lực lượng xung kích của tất cả các thôn trong xã đã tới Lỗ Khê, lực lượng này đã cứu được 36 người đang ở dưới hầm bị kẹt hoặc dưới các đống gạch, chuyển 10 người bị thương đến Trạm Y tế xã cấp cứu.
Trước những đau thương mất mát của một thôn trong xã, nhân dân cả xã đã dấy lên phong trào giúp đỡ Lỗ Khê: 38 ngôi nhà đổ sập được dựng lại, gần 100 ngôi nhà bị hư hại được sửa chữa. Các gia đình bị thiệt hại còn được nhân dân các thôn trong xã giúp nhiều lương thực, thực phẩm, quần áo đồ dùng thường ngày…
Thất bại trong chiến dịch dùng máy bay chiến lược B.52 (con chủ bài của không lực Hoa Kỳ) đánh phá Hà Nội 12 ngày đêm cuối tháng 12 -1972 đã làm phá sản cố gắng cuối cùng của đế quốc Mỹ trong mưu đồ cứu vãn chiến tranh, buộc chúng phải ngừng ném bom miền Bắc và ngồi lại bàn đàm phán với ta tại hội nghị Pari, chấp nhận các điều kiện của ta, cuối cùng đã phải ký với ta hiệp định Pari ngày 27-01-1973.
Theo Hiệp định Pari, Mỹ phải công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và phải rút hết quân đội Mỹ về nước. Hiệp định Pari được ký kết, đó là thắng lợi rất lớn của nhân dân ta, mở ra một cục diện mới cho cách mạng Việt Nam. Cùng với cả nước, nhân dân Hà Vỹ vô cùng hân hoan phấn khởi, từ nay mới có điều kiện tập trung công sức đẩy mạnh sản xuất với qui mô lớn trong điều kiện hoà bình
Năm 1973, được huyện hỗ trợ kinh phí, các HTX dùng cơ giới kết hợp với lao động thủ công đã tiến hành san lấp các ao chuôm kể cả các hố bom do máy bay Mỹ gây nên, chia lại lô, xoá thửa nhỏ, đắp lại bờ vùng làm thành những thửa ruộng lớn để cải tạo đồng ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hoạt động. Đầu năm 1975, Hà Vỹ đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông. Được như vậy là kết quả của một qúa trình lao động đầy gian khổ hàng chục năm trời vì chủ yếu là làm thủ công, nguồn vốn lại thiếu, HTX phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho thuỷ lợi.
Tuy nhiên trong thời kỳ này, sản xuất nông nghiệp của HTX các thôn còn chưa ổn định còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên: Vụ Đông-Xuân 1972-1973 cho thu hoạch khá nhưng đến vụ mùa do mưa nhiều ngập úng nên toàn bộ diện tích trũng bị mất, làm cho sản lượng lúa giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của xã viên
Sang năm 1974, 1975 tình hình sản xuất có khả quan hơn do thời tiết thuận, cả hai năm đều được mùa. Vì vậy sản lượng lương thực đạt khá cao (cả xã đạt trên 3200 tấn) nhờ vậy mà giá trị ngày công của xã viên cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay (2,1kg) việc chăn nuôi tập thể vẫn được duy trì và phát triển
Sau hội nghị Pari, tuy miền Bắc đã được hoà bình song miền Nam vẫn còn chiến tranh, sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của bọn tay sai vẫn còn tiếp diễn, nhân dân miền Bắc vẫn còn phải chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Trong thời gian này, chi bộ và lãnh đạo các thôn đã huy động lương thực thực phẩm để chi viện cho miền Nam ruột thịt, số lượng đều vượt mức kế hoạch trên giao. Sự chi viện của nhân dân Hà Vỹ đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc: Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập tự do, cả nước được hoà bình thống nhất
Trong điều kiện khắc nghiệt của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do đế quốc Mỹ gây ra, sự nghiệp văn hoá giáo dục y tế ở địa phương vẫn được duy trì và phát triển. Từ năm học 1966 -1967 xã có hai trường cấp I, hai trường cấp II, trường Bổ túc văn hoá, trường Mẫu giáo - Vỡ lòng, đặc biệt huyện mở thêm trường cấp III đặt ở Liên Hà thu hút gần 500 con em trong xã và các xã lân cận. Năm học 1968-1969 các trường sáp nhập thành một trường cấp I và một trường cấp II. Tổng số học sinh các cấp hàng năm đạt từ 3000 đến 3200 em, số giáo viên cũng tới 100 người. Tập thể giáo viên khối lớp 3 và lớp 4 nhiều năm là tổ Lao động XHCN.
Năm 1971 các trường phổ thông đã đưa lao động vào chương trình đào tạo, trường Mẫu giáo - Vỡ lòng được mở rộng lên 14 lớp, liên tục được công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc, tập thể giáo viên luôn là tổ Lao động XHCN.
Phong trào bổ túc văn hoá vẫn được duy trì và phát triển. Đến năm 1968, Liên Hà hoàn thành phổ cập cấp I cho tất cả cán bộ và nhân dân. Năm 1969, Phòng Giáo dục Đông Anh xây dựng Liên Hà thành điển hình theo mô hình giáo dục của Cẩm Bình - lá cờ đầu của ngành giáo dục lúc đó
Công tác văn hoá, văn nghệ, có phần sôi nổi hơn thời kỳ trước, thôn nào cũng có đội văn nghệ, thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con xã viên, các đơn vị bộ đội, dân quân du kích trên các trận địa bắn máy bay địch. Việc cưới xin, ma chay, cải táng …đều hết sức tiết kiệm
Công tác thông tin bằng hệ thống truyền thanh của các thôn cũng hoạt động đều đặn, hàng ngày đưa các tin chiến thắng từ tiền tuyến lớn miền Nam cũng như số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc cho nhân dân biết. Các tin về sản xuất và thi đua trong xã cũng được tuyên truyền cổ vũ kịp thời. Công tác y tế, vẫn làm tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, Trạm Y tế luôn được túc trực để kịp thời giải quyết các tình huống do máy bay địch bắn phá gây ra.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các bộ phận ban ngành đoàn thể trong xã. Mỗi ban ngành đều có các phong trào riêng để góp vào thành tích chung của xã
Ngoài phong trào “Ba sẫn sàng” của thanh niên, “ Ba đảm đang” của phụ nữ còn nổi lên phong trào “Thi đua quyết thắng” của dân quân du kích. Những phong trào này là những lực lượng xung kích chủ lực luôn có mặt ở những nơi gian khổ và nguy hiểm nhất trong tất cả các mặt công tác của địa phương
Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ và nhân dân Hà Vỹ đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu huy động nguồn lực toàn dân để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn để giải phóng niềm Nam thống nhất đất nước. “ Xã đã huy động 712 thanh niên ra nhập quân đội, 150 người tham gia TNXP và dân quân hoả tuyến, đóng góp cho Nhà nước hơn 3000 tấn lương thực, 903 tấn thực phẩm, hàng trăm ngàn ngày công tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 129 con em Liên Hà đã hy sinh vì tổ quốc, 42 chiến sĩ đã để lại một phần xương máu tại các chiến trường... Đảng Bộ và nhân dân xã Liên Hà đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975)
“Với những thành tích đóng góp đó, cán bộ và nhân dân Liên Hà (trong đó có Hà Vỹ) đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quí như:
- 01 Huân chương kháng chiến hạng ba (1974)
- 01 Huân chương Lao động hạng ba
- 5 Huân chương quận công
- 33 Huân chương chiến công (9 hạng nhất, 12 hạng nhì, 12 hạng ba)
- 433 Huân chương chiến sĩ vẻ vang (80 hạng nhất, 144 hạng nhì, 208 hạng ba)
- 60 Huy chương chiến sĩ vẻ vang
- 80 Huân chương chiến sĩ giải phóng (10 hạng nhất, 33
hạng nhì, 37 hạng ba)
- 20 Huy chương chiến sĩ giải phóng
- 14 Huân Huy chương do Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Lào tặng 
Chú thích :
(1) Nội dung trong chương này được trích dẫn một phần trong cuốn “ Liên Hà - Truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng”. Những đoạn trong ngoặc kép được trích dẫn gần như nguyên văn  
(2) Chủ nhiệm HTX ở Đại Vỹ là ông Ngô Văn Lục; Châu Phong là ông Phạm Văn Lĩnh ; Giao Tác là ông Đỗ Việt Dũng, còn An Bài (xóm Trại - Giao Tác ) là ông Đỗ Văn Cự
(3) Sẫn sàng chiến đấu dũng cảm, sãn sàng ra nhập quân đội, sẫn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất…, sẫn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần đến