Chương 5
HÀ VỸ DƯỚI ÁCH THỐNG TRỊ CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
NĂM1945 Ở ĐỊA PHƯƠNG
1. HÀ VỸ DƯỚI ÁCH THỐNG TRỊ CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ TAY SAI

    
ăm 1858 thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Sau gần 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, năm 1884 Triều đình nhà Nguyễn đã phải ký hiệp ước (Patơnốt) bán nước, công nhận sự đô hộ của Thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam
Khi thực dân Pháp thiết lập được ách thống trị trên đất nước ta, chúng thi hành chính sách cai trị áp bức bóc lột đối với nhân dân ta nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng
Về chính trị: Thực dân Pháp bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, chúng sử dụng bộ máy hành chính phong kiến và giữ các tục lệ làng xã để áp bức bóc lột nhân dân buộc người nông dân phải thực hiện nghĩa vụ sưu thuế nặng nề với nhà nước thực dân
Về kinh tế: Thực dân Pháp đặt ra hàng trăm thứ thuế như thuế đinh (thân), thuế điền thổ và hàng năm lại tăng thêm …(năm 1897 mỗi suất đinh một năm phải nộp 2,5 đ đến năm 1908 đã tăng lên 4,8 đ bằng 16 lần so với thời Nguyễn…) Bọn địa chủ phong kiến dựa vào thế lực của thực dân Pháp đã phát canh thu tô cho vay nặng lãi để bóc lột nông dân. Khi người nông dân túng quẫn chúng đã mua rẻ ruộng đất làm cho người nông dân không còn ruộng để canh tác phải làm thuê cho chúng khiến người nông dân phải bần cùng hoá. Ngoài thuế, người nông dân còn phải chịu nỗi khổ cực vì các hủ tục và các tệ nạn xã hội như ngôi thứ, ma chay, cưới xin, nghiện hút, cờ bạc …
Do nền kinh tế nông nghiệp làm một vụ lại bấp bênh, năng suất thấp cộng với sưu cao thuế nặng nên đời sống đa
phần người dân Hà Vỹ (cũng như các làng khác quanh vùng ) vô cùng cực khổ đói nghèo.
Đại bộ phận các gia đình trong thôn có đời sống rất thấp, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà gianh vách đất, cả ngõ Đương ở Giao Tác chỉ có bốn gia đình có nhà ngói sân gạch, ngõ Ba giầu có hơn nên số nhà ngói sân gạch nhiều hơn, gia đình nào gọi là giầu cũng chỉ có vài ba cái nhà ngói, mấy mẫu ruộng, có trâu cày, thóc vài tấn thừa ăn... tiện nghi sinh hoạt cũng chẳng có gì đáng giá, cả làng cũng chỉ có hai cái nhà gác hai tầng lợp ngói bình thường, đường làng ngõ xóm chật hẹp, phần lớn là đường đất, vào mùa mưa lầy lội bẩn thỉu đi lại khó khăn
Đời sống dân ta càng khổ hơn từ khi phát xít Nhật nhẩy vào xâm chiếm Đông Dương (T9-1940). Khi vào Hà Nội, ở nông thôn chúng bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, thầu dầu để cung ứng cho chiến tranh, chúng vơ vét thóc lúa để nuôi quân lính, thế là dân ta lại phải chịu sự áp bức bóc lột của đế quốc Nhật vì phải chịu "một cổ ba tròng" nên dân ta lại càng vô cùng điêu đứng. Đã thế lại còn phải chịu thiên tai lũ lụt như năm 1943, 1945 vỡ sông làm cho bao nhiêu người chết đói và chết bệnh. Sau trận lụt sông năm 1945 ở Hà Vỹ rất nhiều gia đình cực khổ, cơm chẳng có mà ăn mọi người phải ăn cháo hoặc độn ngô khoai sắn, có gia đình phải đào cả củ rợ, củ chuối để ăn … quần áo rách rưới vá chằng vá đụp, anh chị mặc chặt, em phải lấy dùng, trời rét chăn không có phải đắp bằng chiếu hoặc mền bông cũ, khố tải hay bằng các quần áo đụp nên rất bẩn thỉu sinh ra ghẻ lở bệnh tật và có nhiều chấy rận …
Đời sống vật chất thiếu thốn kéo theo đời sống tinh thần cũng nghèo nàn lạc hậu, 90% người dân không biết chữ chỉ có một số con em gia đình khá giả mới có điều kiện đi học chữ Nho, mãi đến những năm 30 của thế kỷ XX ở đình làng mới mở lớp dậy chữ Quốc ngữ. Tình trạng vệ sinh ở làng xóm cũng rất tồi tàn lạc hậu, mỗi thôn chỉ có một cái giếng xây gạch để lấy nước ăn, mọi việc tắm rửa giặt rũ đều dùng nước ao, nước ngòi. Người ốm không có thuốc điều trị chỉ chữa bằng các loại thuốc Nam thuốc Bắc hoặc các loại thuốc lá dân gian do các ông Lang bắt mạch bốc thuốc chữa cho. Phụ nữ mang thai không được ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, phải kiêng khem vô lý, khi sinh đẻ lại do các bà đỡ dùng liềm cắt rốn (nhau) mất vệ sinh, nên đứa trẻ sinh ra dễ bị nhiễm trùng hay ươn sài khó nuôi, tình trạng "hữu sinh vô dưỡng” - có đẻ mà không nuôi- thường diễn ra phổ biến
Ngoài ra tệ mê tín dị đoan với việc lập điện thờ lên đồng, bói toán, đội bát hương ở thôn nào cũng có. Do dân trí thấp nên nhiều người bị chết oan, tuổi thọ bình quân dân làng không quá 45.
2. HÀ VỸ TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 
Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, nhân dân ta không cam chịu nô lệ đã liên tiếp đứng lên chống thực dân Pháp trên phạm vi toàn quốc, tiêu biểu là các phong trào Đông du, Đông kinh Nghĩa thục, Việt Nam Quang phục hội đặc biệt là Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương) đã có ảnh hưởng rất lớn đến các làng xã của huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh trong đó có Hà Vỹ
Khoảng tháng 5 năm 1928 do tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, ông Nguyễn Văn Cừ (sau này là Tổng bí thư của Đảng) đang học ở trường Bưởi Hà Nội (khi đó mới có 17 tuổi) phải bỏ học, ông Cừ đã về Giao Tác dậy học (chừng vài tháng) để lẩn tránh bọn mật thám truy tìm. Ở đây ông đã được gia đình cụ PhóTổng giúp đỡ che chở. Do có công giúp đỡ ông Cừ, nên gia đình cụ Phó Tổng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen
Sau khi ông Cừ đi "vô sản hoá" ở Hòn Gai nên điều kiện trở về để bắt nối liên lạc với các cán bộ cách mạng của Hà Vỹ bị gián đoạn.
Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng đã thống nhất các tổ chức cách mạng ở Việt Nam. Từ đó cách mạng Việt nam đã có một Đảng Mác xít thống nhất lãnh đạo. Hà Vỹ vốn là một làng quê có nhiều thanh niên đi làm thợ khắp nơi lại rất gần Đình Bảng và chùa Dận (nơi có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng về ở và hoạt động) nên những tư tưởng cách mạng và những sách báo tài liệu tin tức thời sự trong nước cũng được lan truyền về Hà Vỹ kịp thời. Một số thanh niên tiến bộ trong làng nhờ đọc các báo Cờ giải phóng của Đảng đã tiếp thu được ánh sáng cách mạng chỉ chờ thời cơ có người về giác ngộ là sẫn sàng tham gia phong trào Việt Minh
Từ cuối năm 1942 phong trào cách mạng ở vùng Từ Sơn, Tiên Du sau một thời gian bị địch khủng bố bắt đầu
hồi phục, nhiều cơ sở cách mạng được gây dựng lại.
Đầu tháng 3 năm 1943 ông Nguyễn Trọng Tỉnh người Đình Bảng là cán bộ hoạt động cách mạng (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản) đã về Hà Vỹ phát triển phong trào và đã thành lập tiểu tổ Việt Minh đầu tiên ở Giao Tác gồm hai thành viên là Đỗ Nguyên Tỷu (tức Hoàng Viết Phục - Tỷu theo tên lý lịch), Đỗ Văn Đỉnh (tức Khôi) và sau phát triển thêm một số thanh niên giác ngộ như Đỗ Văn Thiền (tức Thành), Phạm Văn Uyển (tức Công), ghép tên của bốn người là “ Khôi Phục Thành Công” sau có thêm Đỗ Văn Thể (tức Khoa), Đỗ Nguyên Sướng (tức Hải), Đỗ Văn Hữu (tức Sơn) và Lê Văn Soang v.v. Từ Giao Tác các thành viên đã tuyên truyền sang Đại Vỹ và đã kết nạp thêm được Dương Văn Phách, Lê Liêm, Nguyễn Văn Tám (Thiều) và Nguyễn Văn Thiết tham gia phong trào Việt Minh. Đến cuối năm 1943, Hà Vỹ đã có 15 hội viên Cứu quốc. Trên cơ sở các tổ Việt Minh của hai thôn, Uỷ ban Việt Minh xã Hà Vỹ được thành lập do Đỗ Nguyên Tỷu làm Chủ nhiệm.
Hoạt động của các tổ Việt Minh lúc đó là rải truyền đơn, dán áp phích ở các chợ, các nơi công cộng, đọc sách báo tài liệu cách mạng để biết được đường lối chủ trương của Đảng mà tuyên truyền quần chúng hiểu được kẻ thù của cách mạng mà tham gia và ủng hộ Việt Minh …
Từ đầu năm 1944 phong trào Việt Minh ở Hà Vỹ phát triển khá mạnh và đều khắp, thu hút được nhiều quần chúng tiến bộ tham gia.
Ngày 15 tháng 3 năm 1944 ông Lê Đình Thiệp (thay ông Nguyễn Trọng Tỉnh) thuộc đội công tác của Trung ương Đảng được cấp trên cử về Giao Tác tổ chức lễ kết nạp (tại nhà anh Tỷu) cho ba thanh niên là Đỗ Nguyên Tỷu, Đỗ Văn Đỉnh và Đỗ Văn Thiền vào Đảng Cộng sản Đông Dương và lập ra chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà Vỹ, đồng chí Đỗ Nguyên Tỷu được bầu làm Bí thư chi bộ. Ngày hôm đó đã đánh dấu một sự kiện quan trọng nên mọi người đã gọi ngày 15 tháng 3 là ngày “mốc son lịch sử”. Đến tháng 7 năm 1944, chi bộ được công nhận chính thức (cũng do ông Thiệp thay mặt Đảng tuyên bố và công nhận). Tháng 9 năm 1945 chi bộ lại kết nạp thêm anh Đỗ Văn Hữu (tức Sơn) vào Đảng và công nhận Đỗ Nguyên Sướng (tức Hải) là cảm tình của Đảng.
Do đội công tác của An toàn khu Trung ương rút khỏi khu vực Từ Sơn đã không kịp giới thiệu chi bộ Hà Vỹ với Ban Cán sự huyện Từ Sơn, trong khi đó đ/c Tỷu lại đi thoát ly nên chi bộ Hà Vỹ không hoạt động rồi mất liên lạc với cấp trên, vì thế tổ chức đã không biết đến chi bộ Hà Vỹ mà giao nhiệm vụ. Điều đó đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. (Ông Lê Đinh Thiệp đã nhận lỗi thiếu sót trong lời xác nhận của mình)
Việc kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng là điều hết sức bí mật không thể công khai hoặc cho nhiều người biết được, chỉ có người trong cuộc mới biết, nay cả ba đ/c ấy đều đã mất nhưng năm 1965 đ/c Đỗ Nguyên Tỷu (khi đó mới có 45 tuổi) đã viết tài liệu “Tóm tắt lịch sử cán bộ Đảng Hà Vỹ” và đã được ông Lê Đình Thiệp (đang là Thứ trưởng bộ Nội vụ) trực tiếp về kết nạp xác nhận thì điều đó là hoàn toàn đáng tin cậy.
Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, các cơ sở Việt Minh được mở rộng sang hai thôn Đại Vỹ và Châu Phong. ở Giao Tác đã thành lập được các đoàn thể Cứu quốc (CQ) của Mặt trận Việt Minh:
- Đoàn Thanh niên CQ do anh Đỗ Văn Đỉnh làm bí thư
- Đội Tự vệ chiến đấu do anh Đỗ Văn Thiền làm đội trưởng
- Hội Phụ nữ CQ do chị Đỗ Thị Tịnh phụ trách
- Tổ Phụ lão CQ do ông Đỗ Văn Thìn làm Tổ trưởng
- Đội Thiếu niên CQ do Đỗ Văn Phái (em anh Tỷu) làm đội trưởng có Lê Văn Kiên và Đỗ Nguyên Lãng tham gia (1) 
Những ngày tháng của năm 1944 ở Hà Vỹ có nhiều cán bộ cấp trên về hoạt động cách mạng, ngoài ông Nguyễn Trọng Tỉnh và Lê Đình Thiệp còn có một số cán bộ khác như các đ/c Thịnh, Cao, Can... Hai ông Tỉnh và Thiệp đã ở nhà cụ Điện Trung (bố ông Đỉnh), gia đình ông Tỷu, còn các đ/c khác ở nhà Cụ Thìn và bà Năm Đội. Đó là những cơ sở rất an toàn tin cậy, làm nơi hội họp đi lại ăn ở và làm việc của các cán bộ về hoạt động cách mạng ở địa phương Hà Vỹ
Trong những ngày về hoạt động ở Giao Tác, các ông ấy đã được các gia đình trên che chở giúp đỡ, bảo vệ, chính vì vậy mà gia đình cụ Điện Trung và bà Đỗ Thị Tịnh (vợ ông Tỷu) ở Giao Tác mới được Nhà nước tặng bằng có công với nước.
Vào cuối năm 1944 đầu 1945, tổ chức Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc lần lượt được hình thành ở các thôn Đại Vỹ và Châu Phong.
Các đoàn thể này rất tích cực hoạt động như tuyên tuyền cho Việt Minh, rải truyền đơn, rán áp phích, bảo vệ và giúp đỡ cán bộ cấp trên về hoạt động, tham gia các cuộc mít tinh bí mật trong vùng do Việt Minh tổ chức v.v..
Những ngày tháng đó có nhiều người truyền cho nhau bài thơ khóc anh Hoàng Văn Thụ - một lãnh tụ của Đảng- bị thực dân Pháp bắt được do không chịu khuất phục chúng đã xử bắn anh ở Hà Nội. Bài thơ đó không rõ ai sáng tác nhưng đã gây xúc động lòng người có anh đã chép vào sổ tay để phổ biến, trong đó có những đoạn như sau:
…Mắt anh đã say mầu lý tưởng,
Đường anh đi không lượng gần xa,
Tám năm xa nước xa nhà,
Đời anh đã trải phong ba dạn dày,
Cùng đồng chí ra tay chèo chống,
Lái con thuyền vượt sóng trùng dương......
...Anh Thụ ơi! Kìa xem muôn vạn,
Lớp hùng binh ngạo mạn tưng bừng,
Tuốt gươm thề thốt vang lừng,
Gương Hoàng Văn Thụ ta cùng noi theo,
Cờ khởi nghĩa bay vèo trước gió,
Đoàn quân đi cây đổ núi rung,
Xông pha rửa nhục non sông,
Và cùng rửa hận anh hùng Việt Nam.
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng đã ra chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Được gần nơi ra chỉ thị cùng với các địa phương khác, Hà Vỹ đã tiếp nhận được ngay tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Cán bộ Việt Minh đã nói chuyện và tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ kẻ thù chính của dân tộc ta lúc bấy giờ là phát xít Nhật, kêu gọi người dân không nộp thuế bán thóc cho Nhật và chính quyền tay sai. Vụ thuế năm 1945 cán bộ Việt Minh đã chỉ đạo quần chúng đấu tranh không chịu nộp thuế cho Nhật. Mọi việc thu thuế ở địa phương thực tế là do cán bộ Việt Minh điều hành. Việt Minh cùng Lý trưởng xã Hà Vỹ đã đưa 10 tấn thóc mới thu của dân giao cho “Quán Bảo anh” - là một tổ chức cứu tế của Việt Minh đặt tại chùa Quậy. Số thóc này sau được đem phân phát cho những người bị đói do trận lụt năm 1945 ở địa phương, nên đã cứu được nhiều người không bị chết đói lúc bấy giờ.
Phong trào cách mạng cả xã lên cao, tháng 6 năm 1945 cán bộ Việt Minh đã tổ chức mít tinh tại đồng Tróc được quần chúng hăng hái tham gia, chính quyền phong kiến hoàn toàn rệu rã không đảm đương được các chức năng của một chính quyền cơ sở về các mặt như đời sống, bảo vệ trị an, đắp đê chống lụt… Trong tình hình đó các đoàn thể Việt Minh đã đứng ra giải quyết như một chính quyền thực thụ.
Đầu tháng 8 -1945 lực lượng cách mạng đã phát triển đều khắp ở các thôn, khí thế sôi sục đánh đuổi phát xít Nhật giành lại độc lập tự do cho đất nước trong quần chúng nhân dân Hà Vỹ lên rất cao, chỉ chờ lệnh khởi nghĩa là vùng lên cướp lấy chính quyền
3. HÀ VỸ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (THÁNG 8 NĂM 1945)
Tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu Trung Quốc, Nhật đầu hàng phe đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương hoàn toàn tan rã, chớp thời cơ đó, Đảng ta đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tin đó được truyền về Hà Vỹ đã gây được không khí phấn khởi sôi động chưa từng có. Dưới sự chỉ đạo của cán bộ Việt Minh, đội tự vệ đã tổ chức tốt việc chống cướp giữ làng, bảo vệ tài sản cho nhân dân, giữ vững trật tự an ninh cho thôn xóm và chuẩn bị sẫn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu khi có lệnh khởi nghĩa, các tổ phụ nữ tham gia may cờ, thanh niên tham gia luyện tập quân sự, cắt khẩu hiệu v. v.
Sau khi có lệnh tổng khởi nghĩa, Uỷ ban nhân dân Lâm thời xã Hà Vỹ được thành lập. Uỷ ban do ông Đỗ Văn Hối (Đại Vỹ) làm Chủ tịch, ông Đỗ Văn Hưởng (Châu Phong) làm Phó Chủ tịch và ông Đỗ Văn Đỉnh – Khôi (Giao Tác) làm uỷ viên. Để điều hành công việc, mỗi thôn bầu thêm một Chủ tịch thôn (trưởng thôn). Đại Vỹ là ông Nguyễn Văn Kiên, Châu Phong là ông Phạm Văn Ngân, Giao Tác là ông Đỗ Văn Chỉnh.
Uỷ ban nhân dân Lâm thời đã tiến hành tịch thu triện bạ, sổ sách giấy tờ khế ước của chính quyền phong kiến xã Hà Vỹ và tổ chức một cuộc mít tinh tại đình làng rồi tuyên bố giải tán chính quyền phong kiến tay sai ở tất cả các thôn trong xã.Từ đó chính quyền của cách mạng cơ sở đã thực sự thuộc về nhân dân lao động. Hà Vỹ đã bước sang một trang sử mới.
Chú thích:
  1. Theo Tài liệu “Tóm tắt lịch sử cán bộ Đảng Hà Vỹ” do ông Đỗ Nguyên Tỷu viết,  đã được xác nhận của ông Lê Đình Thiệp – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ ngày 18/3/1965

Truyện Hà Vỹ - Lịch Sử và Văn Hóa LỜI NHÀ XUẤT BẢN LỜI TÁC GIẢ Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 4 (2) Chương 4 (3)
  • Đã xem 20043 lần. --!!tach_noi_dung!!--


    Chương 4 (2)
    2. PHONG TỤC TẬP QUÁN VÀ LỄ HỘI

    --!!tach_noi_dung!!--
        
    .1. Các phong tục tập quán
    Các làng xã Việt Nam nói chung và làng Hà Vỹ nói riêng cùng với nhà nước phong kiến là một khối thống nhất và có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Mọi chủ trương của nhà nước đặt ra như thế nào là các làng phải theo đúng như vậy, nhưng làng Hà Vỹ đã chuyển hoá chủ trương của nhà nước ra thành cái của riêng mình cho phù hợp với địa phương mình ở. Đó là những “Hương ước” phong tục riêng được các vị có chức sắc trong làng soạn ra để duy trì kỷ cương của làng. Trong bản “Hương ước” của làng đều thể hiện phong cách riêng có tính nguyên tắc “pháp luật” của nhân dân Hà Vỹ. Chẳng hạn như cách phân phối ruộng đất khác với thời Gia Long hoặc bỏ thuế của nhà nước cũng được địa phương biến hoá thành của mình, việc lấy vợ gả chồng trong và ngoài làng, cách bầu bán nhiêu, tư văn ngôi thứ ở đình làng… Điều đó đã được qui định trong bản “Hương ước” một cách đầy đủ, chặt chẽ. Do phong tục của làng có nhiều nét tốt đẹp nên Vua Tự Đức khi về làng Hà Vỹ đã ban tặng cho làng bốn chữ “ Mỹ tục khả phong” nhân một lần nhà Vua đi kinh lý các tỉnh phía Bắc (năm Tự Đức thứ 22 -1869. Làng Đình Sấm và làng Trang Liệt (Sặt) cũng được vua Tự Đức ban cho bốn chữ trên).
    Những phong tục của làng được mọi người tuân theo đó là:
    2.1.1. Việc cưới xin.
    Phần lớn trai gái ở Hà Vỹ thời phong kiến đều cưới tảo hôn (kết hôn sớm).
    Cưới thường qua ba bước sau đây:
    - Lễ ăn hỏi. Khi nhà trai “ướm” được cô nào ưng ý, muốn lấy cho con trai mình đều nhờ ông hoặc bà mối đến nói chuyện với nhà gái trước. Khi được nhà gái chấp nhận thì nhà trai tiến hành lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi thường có một buồng cau độ 200 quả, đủ lá trầu và vỏ cùng với 0,5 kg chè ngon. Những thứ đó đem đến nhà gái. Nhà trai đi ăn hỏi gồm có ông hoặc bà mối và một số ông bà có tuổi trong họ. Khi đến nhà gái ông (bà) mối là người đảm nhiệm “đối ngoại” mọi việc. Khi lễ ăn hỏi xong thì người con gái coi như đã “có nơi có chốn ” không ai dám “đặt vấn đề ” nữa, còn “chàng rể tương lai” được đi lại công khai không sợ ai xì xào bàn tán. Thời gian tổ chức đám cưới thường sau vài tháng hoặc vài ba năm tuỳ theo hoàn cảnh gia đình hoặc tuổi tác
    Trong quá trình chờ cưới có khi “cô dâu tương lai” lại chê người con trai mà thay đổi ý kiến, nếu gia đình nhà gái “chiều” con thì người con gái phải tự mình đem trầu cau tới nhà trai xin trả lại. Sau khi trả cau thì người con gái lại được “tự do” coi như chưa có gì
    - Lễ xin cưới. Khi nhà trai muốn tổ chức đám cưới cho con thì ông (bà) mối và một số người có tuổi gần nhất trong họ nhà trai đi đến nhà gái xin cưới. Khi nhà gái nhất trí thì cả hai bên bàn bạc chọn “ngày lành tháng tốt” rồi nhà gái “thách cưới”. Lễ cưới thường gồm có: thịt lợn 50 kg, gạo tẻ 100 kg, gạo nếp một nồi (13 kg), rượu trắng 5 lít, gà quả, tiền mặt tuỳ theo từng nhà và từng thời kỳ
    - Lễ cưới. Ngày “Đại lễ” ở cả hai bên nhà trai và nhà gái đều rất tưng bừng nhộn nhịp đông vui người ra kẻ vào, người tiếp khách, người làm cỗ nấu nướng… Khi cưới, nhà trai không phải đi mời họ hàng nội ngoại, bà con hàng xóm láng giềng ai có lòng thì đến giúp và mừng. Còn nhà gái phải đi mời, họ mới đến ăn. Đi ăn cỗ ở nhà gái không phải mừng (vì cỗ là do nhà trai lo)
    Hôm cưới, nhà trai chọn giờ tốt đi đón dâu. Đoàn nhà trai thường có đủ thành phần ông bà, chú bác, cô dì nội ngoại “song toàn” và không có “bụi” cùng chú rể và phù rể đến nhà gái đón dâu. Khi đoàn nhà trai đến gần cổng nhà gái thì bị chặn lại vì cổng nhà gái đóng (gọi là đóng cổng rể). Khi nhà trai đưa cho ít tiền lẻ, thì nhà gái mới mở cổng cho vào. Đoàn đón dâu vào nhà, được nhà gái mời vào các vị trí định sẫn, sau đó chàng rể đến bàn thờ để lễ tổ tiên gọi là “lễ gia tiên”. Trường hợp nhà gái là trưởng họ thì lễ tại nhà, nếu trưởng họ ở nhà khác thì cả hai vợ chồng đều phải đến nhà ông trưởng họ để lễ. Làm lễ xong, hai họ mới ăn uống chuyện trò vui vẻ. Khi ăn xong, nhà trai cùng đại diện nhà gái đưa dâu về nhà trai. Trong đoàn nhà gái có một cụ cao tuổi người phúc hậu con cháu đông đủ được nhà gái chọn, cụ đó cầm ba nén hương chập lại với tờ giấy hồng ra tới đầu ngõ châm lửa đốt. Đến nhà trai, đầu tiên phải làm lễ tơ hồng, sau đó lễ tổ tiên cuối cùng là ăn uống hát xướng tuỳ theo khả năng từng nhà. Nói chung cưới xin thời phong kiến ăn uống, thách cưới thường tốn kém. Dù nhà giầu hay nhà nghèo đều phải theo phong tục chung của địa phương. Tuỳ theo giầu nghèo mà mức độ ăn uống to hay nhỏ. Nhiều gia đình vì quá nghèo nên lấy vợ cho con rất khó khăn.
    Cũng có gia đình vì biến cố đột ngột cha hoặc mẹ sắp chết, người mối phải đến nhà gái để xin cưới gấp gọi là cưới “chạy tang”. Cưới “chạy tang” thường tiến hành theo bước cuối cùng nhưng việc ăn uống thì đơn giản hơn.
    Ngoài hai loại cưới trên còn có loại “cưới chui”, cưới “kế mẫu” và cưới “lấy lẽ”
    Cưới chui (không hợp pháp) cũng phải tiến hành ba bước như trên nhưng về hình thức có đơn giản hơn nhưng việc thách cưới cũng không phải ít
    Cưới “kế mẫu” là trường hợp người vợ cả đã có con nhưng còn nhỏ lại ốm sắp chết (hoặc đã chết còn đắp chiếu nằm trên giường). Nhà trai nhờ người mối đi dạm hỏi một người đàn bà đã được chọn. Khi nhà gái chấp thuận thì tiến hành cưới ngay với nghi lễ giản đơn. Sau khi làm lễ “tơ hồng” xong, hai vợ chồng cùng với họ hàng đưa thi hài người vợ cả vào áo quan. Người vợ kế phải đội khăn tang đưa ma vợ cả ra đồng
    Còn cưới “lấy lẽ” là do vợ chồng lấy nhau lâu ngày mà không có con hoặc chỉ có con gái. Gia đình nhà chồng muốn có con trai để “nối dõi tông đường” khi đó người vợ cả lấy vợ lẽ cho chồng. Cũng có trường hợp vợ chồng tuy đã có con trai con gái nhưng nhà giầu cần có người làm nên người chồng phải lấy thêm vợ lẽ hoặc trong quá trình chung sống với người vợ cả không hạnh phúc không hợp nhau hoặc do già do xâú v.v người chồng lại có máu “giăng hoa” muốn thoả mãn nhu cầu dục vọng của mình nên đã cưới thêm vợ lẽ dù cho vợ cả có đồng ý hay không. Lấy vợ lẽ, thách cưới cũng cao, có tổ chức cưới nhưng đơn giản hơn.
    Cưới xin dù giầu dù nghèo dù hình thức nào đều phải nộp “cheo” cho làng. Nếu lấy vợ lấy chồng trong xã thì “phải nộp cho làng 8 quan tiền, nếu lấy ngoài xã phải nộp 20 quan” (một quan là 60 đồng)
    Dưới chế độ phong kiến, trai gái không có quyền tự do yêu đương mà thường do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, trai gái con nhà giầu, nghèo thường không lấy được nhau dù có yêu nhau tha thiết chỉ vì hai bên không “môn đăng hộ đối”. Vì vậy đã làm cho bao mối tình tan vỡ hoặc cam chịu suốt đời. Việc cưới xin tốn kém đã gây cho bao gia đình sau khi cưới vợ cho con đã khốn khổ túng thiếu phải “kéo cầy” trả nợ
    Kể từ khi hoà bình lập lại (1954), việc cưới xin ở Hà Vỹ đã thay đổi rất nhiều. Trai gái được tự do tìm hiểu và phải đến tuổi trưởng thành (nam 20, nữ 18 tuổi theo Dương lịch) mới được kết hôn và thực hiện theo luật hôn nhân qui định, một vợ một chồng, phải đăng ký kết hôn trước chính quyền địa phương mới là hợp pháp. Việc cưới xin cũng đơn giản hơn - cưới theo lối đời sống mới- chỉ có trầu cau, nước chè, thuốc lá cuốn, cỗ bàn đơn bạc lại hạn chế nên rất tiết kiệm, có thời kỳ vài đám còn cưới tập thể ở đình
    Ngày nay do đời sống người dân khá giả, nên việc cưới xin ở Hà Vỹ lại linh đình tốn kém hơn trước rất nhiều. Để tổ chức cho ngày cưới, cả hai gia đình nhà trai cũng như nhà gái đều dựng rạp có phông màn trang trí cầu kỳ, nhà nào cũng thuê bàn ghế, bát đĩa, ấm chén, khăn trải bàn, trên bầy hoa tươi… rất lịch sự, trang trọng, trước ngày cưới, họ hàng ruột thịt đã đến ăn “dựng rạp” hàng vài chục mâm… Buổi chiều và tối có nhiều người hàng xóm láng giềng, họ hàng bạn bè thân thích trong làng… đến chơi ăn trầu uống nước, có bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí tiếp đãi… Ngày đại lễ ngoài họ hàng còn có bạn bè khách khứa đến dự rất đông, cỗ bàn ăn ở nhiều nhà, từ vài chục đến hàng trăm mâm với nhiều món ăn ngon … Người đến ăn cưới thường mừng cho bố mẹ cô dâu, chú rể khá nhiều (tuỳ theo quan hệ) có khi bố mẹ chẳng phải chi ra là mấy vì “ăn bồ giả đấu” nên việc cưới cho con hay cháu cũng dễ dàng chẳng phải lo lắng như xưa. Mặc dù ăn uống hai ba ngày, cả họ no say, chỉ có điều người thân vô cùng vất vả… Có lẽ sau này, con cháu chúng ta sẽ không tổ chức cưới xin như ngày nay nữa… mà theo mốt cưới của các nước châu Âu, châu Mỹ mới là tiến bộ văn minh
    2.1.2 Việc ma chay
    Dưới chế độ phong kiến, ở Hà Vỹ việc tổ chức ma chay thường là: Gia đình nào có người “hấp hối” thì phải lo chuẩn bị việc “hậu sự “ cho người quá cố. Tuỳ theo hoàn cảnh gia đình mà đóng hay mua quan tài, vải liệm, khăn trắng, áo xô, gạo thịt, trầu cau v.v. Khi người ốm đã tắt thở, gia đình phải bàn với họ nội để lo tổ chức lễ tang với các việc như là: khi nào vào quan, cho khăn những ai, từ năm tháng hay ba tháng (việc chở người mất - khăn trắng, khăn vàng, khăn đỏ …đều theo qui định của Thọ Mai Gia Lễ)... hình thức tổ chức ra sao, chôn cất ở đâu, ai đi đào huyệt, ai làm cỗ v.v. Người chết được quàn ở trong nhà ba ngày để mọi người đến phúng viếng cúng tế.
    Nếu người mất là nam từ 50 tuổi trở lên được hưởng chữ “Phúc” viết hai chữ Hán “Công bố” còn dưới 50 tuổi viết hai chữ “Trung tín”, nữ giới khi đã xây dựng gia đình được viết hai chữ “Trinh thuận”, nếu ai không đạt được “Trinh thuận” (lấy hai đời chồng…) thì viết hai chữ “Nghĩa mẫu” hoặc “Nghĩa mẹ” (nay vẫn theo như vậy)
    Việc tế lễ gồm có:
    - Đại hành (người đại diện cho họ đứng ra)
    - Thăng du (chuyển linh cứu lên nhà táng)
    - Đạo lộ ( tế giữa đường và ném vàng)
    - Thanh phân hậu thờ (người đào mộ chứng kiến cho vong hồn)
    - Ngũ lễ (gồm tám ngũ hoặc tại ngũ)
    - An sang ( khi công việc đã yên ổn )
    Cách đưa đám thường là:
    - Đi trước là cờ phướn, câu đối của con cháu
    - Sau đó là bộ phận khênh bình hương, tiếp đó là các cụ lão rồi đến phường kèn trống
    - Quan tài (do hàng bàn khênh). Khi khênh từ trong nhà ra cổng con cháu phải ngồi quỳ gù để bắc cầu cho linh cữu của bố (hoặc mẹ) đi qua
    - Đi trước quan tài là con trai trưởng hoặc cháu đích tôn (nếu con trưởng không còn hoặc đi vắng) chống gậy, (bố gậy tre, mẹ gậy vông) áo xô trắng thắt lưng dây chuối hoặc dây rơm. Khi tới huyệt mọi người giãn ra hai bên để hạ huyệt và tổ chức việc lấp mồ đắp mả
    Việc khênh quan tài người chết ra đồng là do từng Giáp đảm nhiệm, trong mỗi Giáp (phe) có các ông Lềnh và ban hàng Bàn (ban chân khiêng) làm nhiệm vụ khiêng rước và chôn cất. Ông Lềnh Cả cầm lệnh đánh làm hiệu lệnh, hàng bàn khiêng quan tài. Có một cụ cao tuổi nhất của Giáp làm nhiệm vụ cầm bó đuốc nắm hương đang cháy đi trước linh cữu cho đến nơi chôn cất
    Nhà nghèo thì việc tổ chức đám tang thường đơn giản, Nếu thày dậy học chết thì các môn sinh phải đi đưa đám. Nếu thày dậy thợ chết thì hàng hiệu phải đi đưa đám.
    Gia đình có tang thường phải làm cỗ để mời họ hàng nội ngoại khách khứa xa gần, bà con hàng xóm đến ăn, tuỳ theo giầu nghèo hay sang hèn, họ hàng đông hay ít mà ăn to hay ăn nhỏ, cỗ đám ma thường đơn giản hơn cỗ đám cưới nói chung đều theo phong tục địa phương. Sau ba ngày chôn cất, gia đình con cháu phải cúng cơm hàng ngày. Đến 49 ngày (tuần tứ cửu) và 100 ngày con cháu lại phải tổ chức cúng cho người chết và mời họ hàng thân thích đến ăn.
    Gia đình có người chết cũng phải thực hiện “lễ nộp ma” cho làng. Nếu người lớn chết thì phải nộp cho Giáp Tư văn, hạng nhất 40 quan tiền, hạng nhì 30 quan, hạng ba 20 quan. Nếu trẻ nhỏ mất cũng phải nộp theo mức hạng nhất 6 đồng, hạng nhì 4 đồng, hạng ba 2 đồng nếu nghèo quá thì làng miễn cho (5)
    Ngày nay việc ma chay cũng khác xưa. Gia đình nào có người quá cố phải báo tử cho chính quyền xã biết. Người chết thường không được để quá 24 tiếng trong nhà. Gia đình nội tộc gần, phải họp bàn để phân công cho mọi người trong họ làm những việc cần.
    Các nghi lễ điếu phúng người quá cố cũng rất trang trọng tôn nghiêm. Suốt từ lúc phát tang cho tới 10 giờ đêm, trước linh cữu người quá cố có nhiều đoàn đến viếng trong tiếng nhạc hiếu rất bi thương. Đám ma cụ nào cũng có vòng hoa của chính quyền địa phương, hội người cao tuổi và các đoàn thể cơ quan đến viếng (nếu con cháu người quá cố là cán bộ cơ quan Nhà nước). Việc tổ chức lễ tang thường do Ban Lễ tang của địa phương lo liệu. Mọi nghi thức tang lễ đều được thống nhất cho tất cả mọi người trong làng, không phân biệt giầu nghèo hay sang hèn. Cũng như trước đây, khênh quan tài đều do ban lềnh (hàng bàn) đảm nhiệm. Quan tài trước đây ban lềnh phải khiêng trên vai, nay đã có xe chở từ cổng nhà ra đến tận huyệt ngày nay con cháu không phải ngồi quì để cho quan tài đi qua như trước nữa. Những cụ mất có tuổi thọ cao từ 70 trở lên, khi đưa đám được nghỉ giữa đường (từ 70 đến 79 nghỉ 1 lần, từ 80 đến 89 nghỉ 2 lần và trên 90 tuổi nghỉ 3 lần). Từ khi Hà Nội có nhà thiêu xác Hoàn Vũ đã có một số gia đình đem người quá cố đi thiêu rồi lấy tro xương đem về xây luôn mả tròn, việc thiêu xác là một sự tiến bộ vì không phải cải táng, lại rất vệ sinh gọn nhẹ, không tốn đất để mả dài, không phiền hà đến họ hàng, tốn kém cho con cháu, việc này nên khuyến khích các gia đình làm theo
    Ngày nay cũng do kinh tế khá giả, đời sống được nâng cao nên việc tổ chức ma chay thường rất tốn kém. Đối tượng cho khăn đều mở rộng từ ba tháng trở lên, có gia đình cho khăn không theo qui định như ngày xưa nữa ( tức không theo Thọ Mai Gia Lễ).
    Sau khi đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, do lời mời của gia đình tang chủ, họ hàng nội ngoại, khách khứa gần xa, gia đình thông gia, bà con hàng xóm, bạn bè thân hữu … thường trở lại gia đình có tang ăn uống để chia buồn với gia đình tang chủ. Cỗ bàn đã được ban “hậu cần” của họ chuẩn bị suốt đêm khá chu đáo từ vài chục đến hàng trăm mâm (tuỳ theo từng gia đình) cũng vô cùng vất vả tốn kém, thiết nghĩ việc ma chay nên giảm bớt thì hơn
    2.1.3. Tục trọng xỉ (trọng tuổi)
    Trong làng xã, người được trọng vọng nhất là các cụ già. Trong nhà, ngoài đường gập các cụ già phải chào hỏi thưa bẩm tử tế dù là quan tước cấp cao hay Lý trưởng, Chánh tổng cũng vậy
    Những buổi cần họp ở chốn đình chung để bàn và giải quyết một số công việc của làng xã như lấy lính, sửa đình xây cầu cống hoặc phạt vạ người nào đó có tội v.v. thì Lý trưởng đều phải cho mõ tới tận nhà các cụ mời. Khi có đình đám hội hè ăn uống, các cụ phải được ngồi “chiếu cao cỗ đầy”. Nếu cụ nào không đi được thì phải sai mõ mang phần đến tận nhà cho các cụ chu đáo.(6 ) Đứng đầu các cụ lão là Trùm trưởng. Trùm trưởng là người cao tuổi nhất và phải có uy tín đối với mọi người trong thôn xóm. Người nào trúng chức ngôi Trùm trưởng người đó phải nộp 10 quan tiền để khao làng. Trong một làng chỉ có một Trùm trưởng, nhưng khi làng cần tiền để chi tiêu vào việc công, thì làng bàn định có thể bán từ 2 đến 4 ngôi Trùm trưởng nữa với số tiền mỗi ngôi là 50 quan. Các ngôi Trùm trưởng này đều được hưởng đầy đủ các quyền lợi như ngôi Trùm trưởng chính
    Người 50 tuổi (tuổi mụ) mới được lên lão và phải nộp lễ lên lão, hạng nhất nộp 15 quan, hạng nhì 10 quan, hạng ba 5 quan, ngoài ra còn phải sửa lễ xôi gà ra đình thờ. ở chốn đình chung vị trí chỗ ngồi cũng phân biệt ngôi thứ rất rõ ràng, người cao tuổi hoặc có chức sắc trong làng phải được ngồi chiếu trên
    Tục trọng xỉ là một truyền thống lâu đời của nhân dân Hà Vỹ, là đặc điểm của công xã nông thôn còn được lưu truyền mãi về sau. Kính lão là bản chất tốt đẹp của dân tộc ta, ai nhiều tuổi đều được tôn trọng không phân biệt giầu nghèo sang hèn.
    Ngày nay việc trọng xỉ không còn được như xưa nữa, các cháu ra đường gập người nhiều tuổi thường không chào hỏi, dù người đó có họ hàng xa. Thật đáng buồn cho lớp trẻ con cháu chúng ta, tuy có học mà không biết tục trọng xỉ là gì. Các ông bà, cha mẹ, các thày cô giáo cần quan tâm giáo dục các cháu hơn để tục trọng xỉ được duy trì mãi mãi cho các thế hệ mai sau vì đó là nét đẹp văn hoá của quê hương
    2.1.4 Mua nhiêu
    Dưới thời phong kiến, ở Hà Vỹ, việc mua nhiêu và quan viên rất phổ biến. Mua nhiêu là sự tự nguyện của người dân, ai có tiền đều mua được. Nhưng mua được “chức nhiêu” cũng rất tốn kém. Chỉ có những người giầu có mới mua được. Việc mua nhiêu ở Hà Vỹ vào cuối thế kỷ XIX thường là: Trong làng có ông Lềnh đi vận động những nhà “có máu mặt” và phải là “hiền lành tử tế, ba bốn đời không có dấu vết gì”. Nhiêu cũng có hai loại: Nhiêu hàng thôn và nhiêu hàng xã. Nhiêu hàng thôn thì chỉ khao trong thôn, còn nhiêu hàng xã thì phải khao cả xã tốn kém hơn nhiều. Người được mua nhiêu phải là đàn ông tuổi từ 18 trở lên và phải nộp cho làng 70 quan tiền và phải khao làng ba lần mất 150 mâm cỗ.
    Lần thứ nhất gọi là lễ “dập bút” lần này mời các ông nhiêu, Lý trưởng, Phó lý trong làng đến ăn uống ở nhà
    Lần thứ hai gọi là “khao” mời dân làng các cụ ông từ 50 tuổi trở lên có cả Lý trưởng, Phó lý các vị chức sắc trong làng ra đình ăn uống linh đình
    Lần thứ ba gọi là “vọng” để mời những người có chân sóc vọng, nhiêu hàng thôn, nhiêu hàng xã có cả tân và cựu Lý trưởng, Phó lý cũng ra đình ăn uống
    Nhiêu hàng xã tuy rất tốn kém nhưng vẫn có nhiều người mua và cố để mua vì một chức nhiêu ngoài sự hãnh diện “vinh dự “ ra còn được hưởng nhiều quyền lợi như: Miễn các loại phu phen tạp dịch trong thôn xã, được đi ăn uống nhiều ở chốn đình chung trong những lần người khác mua nhiêu. Quyền lợi của ông nhiêu về mặt nào đó cũng ngang với Lý trưởng, Phó lý như việc ăn uống ở đình đều được mõ đi mời tận nhà, được chia phần khi vắng mặt, được mọi người tôn trọng kính nể dù là còn ít tuổi, ngay cả vợ cũng được thơm lây gọi là “bà nhiêu”
    Việc mua nhiêu là một sự bầy vẽ của chế độ phong kiến đặt ra nhằm để chè chén ăn uống, một tai hoạ trong xã hội phong kiến, tuy làng có được một ít tiền để làm việc công như sửa đình, xây cống, lát đường …nhưng là một gánh nặng của người dân lao động. Chức “nhiêu” thời phong kiến được dân làng gọi gắn với tên và tồn tại mãi cho đến ngày nay.
    Phong tục tập quán của Hà Vỹ còn biểu hiện trong cách bố trí chỗ ngồi ở chốn đình chung. Đó là cách chia đặt ra tổ chức:
    - Nóc hàng xã
    - Nóc hàng thôn, và
    - Nóc hàng giáp
    Hàng năm có một bữa ăn ở đình vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ÂL) gọi là lễ Vân Can. Ngày đó, đối tượng được ăn là các ông nhiêu hàng xã và các tân cựu Lý trưởng, Phó lý. Nóc hàng xã tuy phần nhiều là những người trong bộ máy chính quyền thôn xã nhưng về ngôi thứ vẫn phải tôn trọng theo lệ làng. Ai là người nhiều tuổi nhất vẫn được ngồi mâm trên cỗ đầy. Trong ngôi đình kể cả khi ăn uống hay họp bàn thì vẫn phải tôn trọng qui định “cứ vai vế mà ngồi”. Nóc hàng thôn tập trung ở ngôi đình làng, hàng năm làm một bữa ăn vào rằm tháng Tám (15/8 ÂL)
    Trong nóc hàng thôn chia chỗ ngồi trong đình theo góc đình, thôn nào ở góc đình nào thì thôn đó được ngồi ở góc đình đó. Chẳng hạn thôn Đại Vỹ ngồi góc đình phía Bắc, thôn Giao Tác ngồi góc đình phía Nam …
    Trong nóc hàng thôn tuy ngồi trong nửa ngôi đình hoặc ngồi ghé nhưng vẫn phải theo thứ tự qui định: Nhiều tuổi ngồi trên ít tuổi ngồi dưới
    Nóc hàng Giáp. Khi ăn uống họp hành đều tiến hành ở đình làng có thể nói nóc hàng Giáp sử dụng ngôi đình làng thường xuyên
    Giáp chia theo dòng họ, một giáp có thể có hai, ba dòng họ và ở hai hoặc cả ba thôn tham gia
    Giáp Rào Thịnh (thôn Giao Tác) có một số gia đình họ Đỗ chuyển cư từ Giao Tác sang Châu Phong ở đã nhiều đời, nhưng mỗi khi Giáp có công việc thì những gia đình họ Đỗ đó vẫn phải trở về Giáp mình ở Giao Tác gánh vác
    Cả làng có sáu Giáp: Trong đó thôn Đại Vỹ có ba giáp, Giao Tác có hai giáp còn Châu Phong chỉ có một giáp vì Châu Phong có nhiều người tham gia các giáp của Đại Vỹ và Giao Tác
    Kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay việc mua nhiêu, mua quan viên đã không còn nữa vì đó là những hủ tục chẳng tốt đẹp gì của chế độ phong kiến đặt ra. Việc bãi bỏ các hủ tục là một sự tiến bộ của làng quê tránh được sự tốn kém gánh nặng cho dân.
    2.1.5 Tín ngưỡng
    Lòng tin vào tôn giáo tạo ra sức mạnh vô hình đã chi
    phối tâm hồn tư tưởng của con người. Ngoài tôn giáo còn có tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị Thành hoàng, thờ các vị có công với làng hay dậy học truyền nghề...
    a)Thờ cúng tổ tiên.
    Đây là phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Việc thờ cúng là biểu hiện lòng hiếu thảo của đạo làm con làm cháu đối với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời. Đây là việc làm có ý thức của nhân dân Hà Vỹ đối với tổ tông sinh thành và nuôi dưỡng con cháu, là hiện tượng phổ biến trong làng xã Hà Vỹ vẫn còn in đậm và tồn tại cho tới ngày nay. Việc thờ cúng tổ tiên là một “truyền thống dân tộc” có lịch sử lâu đời truyền từ đời này đến đời khác ở nước ta, nó còn là một đạo lý làm người “uống nước nhớ nguồn, ăn qủa nhớ người trồng cây”…
    b) Giỗ họ.
    Hàng năm các họ đều có tổ chức ngày giỗ Tổ họ hoặc Tổ chi (khi phân chi có nhà thờ riêng). Giỗ được tổ chức tại nhà thờ họ. Ông trưởng họ đứng ra làm cỗ vì ông trưởng họ được cấy số ruộng họ, phần hoa lợi lấy ra dùng để chi phí đèn hương và cỗ bàn trong ngày giỗ tết. Số ruộng đất dùng để chi phí hương hoả không được bán hoặc chuyển nhượng cho ai. Ngày giỗ tổ chỉ có các con cháu của các cụ trong chi và phân chi được đến ăn họ. Trong những ngày như vậy họ có thể mời phường hát về “phục vụ” cho vui. Ngày giỗ họ là một ngày họp mặt đông đủ các con cháu trong họ, các cụ nhiều tuổi thường kể cho con cháu nghe những thành tích hoặc truyền thống tốt đẹp của họ mình, ông trưởng họ có thể nhắc lại những điều chúc thư của ông Tổ căn dặn con cháu làm những điều tốt cho làng cho nước để giáo dục các thế hệ con cháu cần học tập noi theo
    Ngày nay các họ ở Hà Vỹ vẫn cúng giỗ Tổ họ (hay Tổ chi) như trước đây, giỗ vẫn được tổ chức tại nhà thờ họ, nhưng kinh phí để làm giỗ họ là do các thành viên tham gia ăn họ đóng góp (vì ruộng đất của họ không còn)
    c) Giỗ hậu.
    Những người không có con trai hoặc không có ai cúng giỗ thì làng cúng giỗ cho. Những người ấy khi sống, họ đã để một số ruộng đất cho các nơi họ định nhờ cúng giỗ sau khi chết. Nếu nhờ Chùa thì sư cúng, nếu nhờ họ thì trưởng họ cúng nếu nhờ ngõ thì trưởng ngõ cúng nếu nhờ đình (thường là những người có chức sắc và giầu có) thì làng cúng. Ngày nay giỗ hậu không ai cúng nữa vì không ai có ruộng cung tiến cho họ, cho ngõ, cho làng, hay đình chùa như trước
    2.2. Lễ Hội
    Ở đình làng Hà Vỹ trước đây hàng năm thường tổ chức Lễ Hội từ ngày 12 đến ngày 30 tháng Giêng. Theo lệ từ ngày 1 Tết Nguyên đán, cụ thủ Điện làm lễ động thổ ở đình. Ngày 10 tháng Giêng, các ông chạ làm lễ mộc dục (rửa đồ thờ)
    Ngày 12 bắt đầu Lễ Hội. Xa xưa khi Châu Phong chưa làm nghè thì sáng sớm ngày hôm đó mọi thành viên tham gia Lễ Hội phải sang tập trung ở đình làng để cùng hai thôn Đại Vỹ và Giao Tác tổ chức Lễ Hội. Sau năm 1917 khi Châu Phong có nghè thì sáng hôm 12, Châu Phong tổ chức rước kiệu trên có bát hương sang đình. Khi kiệu sang đến sân đình thì hai ông thủ Điện, thủ Bạ ở đình nhận bát hương rồi đặt lên hương án trong đình. Sau đó các quan viên kỳ mục trong làng làm lễ nhập tịch bằng cỗ xôi gà. Lễ xong thì tổ chức rước Thần ra Cầu Đê theo qui định: Thôn Châu Phong rước Thần, thôn Đại Vỹ rước Văn còn thôn Giao Tác rước Mã. Cũng ngày 12 tháng Giêng làng làm lễ lên lão cho những người đến tuổi 50 (tuổi mụ)
    Từ ngày 13 đến ngày 29, hàng ngày đều có tế lễ với lễ vật được qui định và phân cho các Giáp phải làm. Trong những ngày đó đều có các chầu hát (hát chầu văn, ca trù…) phục vụ các cụ bô lão, các vị chức sắc và quan viên của làng ăn uống tại đình rất tốn kém.
    Ngày 30 mãn tịch đóng cửa đình. Châu Phong lại rước kiệu trên đặt nồi hương khi rước sang về nghè và thường tổ chức hội tiếp đến ngày mồng 6 tháng Hai mới hết
    Ngoài kỳ hội chính còn có các ngày lễ (theo âm lịch) sau đây:
    - Giỗ các vị Thánh vào các ngày 10 tháng Tư (giỗ Tam Giang), 10 tháng Bẩy (giỗ Thuỷ Hải và Đăng Giang), 12 tháng Chín (giỗ Khổng Chúng) và 10 tháng Một - tháng 11 (giỗ Đông Hải)
    - Xuân tế và Thu tế vào ngày 13 tháng Hai và tháng Tám tế tại Văn Chỉ của làng để cầu mong cho làng có nhiều người đỗ đạt
    - Thanh minh (mồng 3 tháng Ba) do các Giáp làm, cỗ có xôi và bánh chay
    - Trung thu (rằm tháng Tám) cũng do các Giáp biện lễ như lễ Xuân tế
    Để lo liệu mọi công việc trong những ngày Lễ Hội,
    làng phải cử Cai đám từ phe giáp các thôn. Cai đám lấy từ tuổi 49 là những người khoẻ mạnh không dị tật không tang chở … Cai đám phải ăn ở tại đình trong những ngày Lễ Hội.
    Ngày Lễ Hội ở đình Hà Vỹ thường rất vui, ngoài tế lễ hát chầu văn, ca trù còn có hát tuồng (thường do đoàn tuồng cổ của Châu Phong diễn), chọi gà, cướp chài, đấu vật… có năm còn đốt pháo bông. Trong những ngày hội hè người dân thường nghỉ công việc đồng áng mà đi xem hội, nhiều người còn chơi cờ bạc (tổ tôm, sóc đĩa, thò lò, tam cúc…) cả làng ăn uống lu bù.... tốn kém. Vì thế dân ta thường có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Cũng vì lệ làng mà “đứng mất ngôi, ngồi mất nghiệp” nên nhiều người đã phải bỏ quê hương “tha phương cầu thực” để khỏi phải gánh vác ngôi thứ việc làng.
    Trong ngày Hội còn có một nghi thức độc đáo là đọc Mục Lục vào ngày 14 tháng Giêng. Bản Mục lục của đình làng Hà Vỹ làm vào thời hậu Lê (thế kỷ XVI)
    Để mọi người biết được toàn văn bản Mục lục của đình làng, xin in ra đây bản Mục lục (đánh máy vi tính lại) bằng chữ Hán và chữ Nôm cùng bản dịch và phiên âm của tác giả từ bản chép tay của gia đình cụ Đỗ Duy Lục thôn Giao Tác còn giữ được
    Bản mục lục này là một áng văn tuyệt tác nói về quê hương Hà Vỹ một thời rực rỡ, đồng thời là những lời giáo huấn của ông cha để lại cho con cháu muôn đời về đạo lý làm người. Tuy đã mấy trăm năm rồi nhưng ngồi ngẫm lại mới thấy những lời dậy bảo của cha ông thật là thâm thuý, nó vẫn còn giữ nguyên giá trị, nhất là trong thời buổi hội nhập và kinh tế thị trường này - đạo đức có phần coi nhẹ, thật đáng lo ngại. Rất mong các cấp chính quyền, ông bà cha mẹ, các bậc bề trên, các thày cô giáo … hãy quan tâm giáo dục các thế hệ con cháu chúng ta và phải có biện pháp cứng rắn ngăn chặn kịp thời nhưng trước hết mình phải là người gương mẫu.
    --!!tach_noi_dung!!--

    Đánh máy : Đào Anh Minh - Hiệu đính: HuyTran
    Nguồn: NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN
    VNthuquan.net - Thư viện Online
    Được bạn: Ct.Ly đưa lên
    vào ngày: 20 tháng 6 năm 2012

    --!!tach_noi_dung!!--
    --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--