Chương 1 (2)
CHÍNH TRỊ

    
ịch sử tranh đấu của dân tộc Việt Nam được viết bằng máu, nhưng vẫn bị cai trị quá lâu, cái gì cũng khoán trắng cho thực dân, nên không ít thì nhiều, người dân Việt Nam vẫn có tinh thần ỷ lại vào người Pháp.
Bởi thế, khi công cuộc cướp chính quyền hoàn toàn thành công thì việc trước tiên là ngỡ ngàng, và kể đến là dành quyền ăn to nói lớn.
Lúc này, quả thật người dân Việt Nam đứng trước ngã ba đường, không biết đặt chân vào nẻo nào: Quân chủ hay Dân chủ? Cộng sản hay Quốc gia? Đứng trong hay đứng ngoài Liên hiệp Pháp?
Quân chủ hay Dân chủ không cần phải bàn cãi nữa, vì Việt -Minh đã nhanh tay chuẩn bị trước rồi, và tuyên bố nước Việt Nam là một nước Dân Chủ Cộng Hoà.
Thể chế có lẽ không phải là vấn đề làm bận tâm Việt Nam trong lúc này, vì các ông vua về sau của triều đình nhà Nguyễn đều hoàn toàn do thực dân Pháp đặt lên, chẳng có công trạng gì với đất nước, không gây trong tâm hồn nhân dân Việt Nam một ấn tượng tốt đẹp. Bởi thế, dẫu có một thiểu số người giàu cảm tình khi nghe chiếu thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại (do Trần Huy Liệu và một số cán bộ cao cập Cộng sản soạn thảo) có vài đoạn cảm động, phải xụt xùi rơi nước mắt, thì đa số vẫn điềm nhiên khi biết chuyện ông Bảo Đại đã trở thành công dân Vĩnh Thuỵ, làm cố vấn tối cao cho chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều quan ngại nhất của nhiều tầng lớp nói chuyện Việt Nam là sau khi đã giành được chính quyền cùng nền độc lập thì nên theo chủ nghĩa nào: Tam Dân của Tôn Dật Tiên bên Trung Hoa hay Cộng sản của Xô viết!
Bao nhiêu năm tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà, các nhà cách mạng Việt Nam đã chia thành hai ba phe, nào Cộng sản Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc tế, nào Quốc dân Đảng, nào Bảo hoàng v.v… Các phe phái này đã có sự bất đồng ý kiến sâu sắc, đã có những cuộc đấu tranh cục bộ đi đến chỗ tố cáo, sát hại lẫn nhau ngay hồi còn hoạt động trong vòng bí mật.
Sau ngay cướp được chính quyền, chuyện “những nhà cách mạng Việt Nam đấu tranh với nhau” càng trở lên quyết liệt hơn, phe Cộng sản nắm ưu thế, nhờ dựa vào lực lượng quốc tế và sự lớn mạnh của Hồng quân Trung Hoa, nhưng phe quốc gia nói clmng cũng không vừa, ỷ vào sự hiện diện đạo quân thứ 5 của tướng Lư Hán để chống đối Cộng sản.
Nên nhớ rằng hồi này, thế lực của Chính phủ Tưởng Giới Thạch ở lục địa Trung Hoa còn mạnh mẽ, phe Cộng sản Mao Trạch Đông chỉ mới gây thanh thế vùng miền Bắc nước Tàu, nhưng những người am hiểu tình hình đều nhận định rằng trước sau thế nào Tưởng cũng thua, Mao sẽ thắng.
Sự tin tưởng này, một phần dựa vào hoàn cảnh chủ quan và khách quan của chính ngay nước Tàu; phần khác, vì hình như Hoa Kỳ chưa hiểu Cộng sản là gì, nên thiếu hẳn một chính sách dứt khoát rõ ràng đối với vấn đề Trung Hoa.
Nhiều tài liệu, nhất là những tài liệu ghi trong cuốn “Nga sô tại Trung Quốc” của Thống chế Tưởng Giới Thạch, chứng tỏ sau ngày Đệ nhị thế chiến kết thúc, Hoa Kỳ vẫn tưởng nước Tàu đang ở trong tình trạng giống hệt hồi thế kỷ thứ 19, khi những nước tư bản Âu châu, dẫu nhỏ bé như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, cũng có thể bắt nạt được Trung quốc, buộc Trung quốc phải ký hoà ước và nhường đất làm tô giới.
Vi là người trong cuộc, lại đang ở hoàn cảnh phải dựa vào Hoa Kỳ, nên thủ tướng Tưởng Giới Thạch đã không khẳng định nhưng vẫn xác nhận cho mọi người thấy rằng sở dĩ Quốc Dân Đảng Trung Hoa phải bỏ lục địa và chạy ra đảo Đài Loan là vì “nội công - ngoại ứng”. Nội công, Tưởng Giới Thạch có ý ám chỉ đến bọn hèn nhát. bọn thối nát, chưa đánh đã tính đến chuyện liên hiệp đầu hàng. Còn “ngoại ứng”, phải chăng Tưởng Giới Thạch muốn nói đến chính sách của Hoa Kỳ?
Nói về những lầm lỗi trong chiến lược chống Cộng ở Trung Hoa, tổng thống Tưởng Giới Thạch cho rằng lỗi lầm thứ nhất là Trung Hoa quốc gia đã chấp nhận các điều khoản ghi trong hiệp định Yalta, ký kết giữa Mỹ - Nga - Anh mà không có sự hiện diện của Trung Hoa, và chính phủ Hoa Kỳ cũng chẳng thèm hỏi ý kiến Tưởng Giới Thạch trước. Hiệp ước này là một mật ước có nhiều điều khoản trái ngược với chủ quyền Trung Hoa Quốc gia, mở đường cho Hồng quân Nga sô xâm nhập vào vùng Đông Bắc nước Tàu, giúp Cộng sản Mao Trạch Đông cơ hội bành trướng.
Lỗi lầm thứ hai là việc Trung Hoa quốc gia đã phải bó buộc để Mỹ đứng làm trung gian hoà giải trong cuộc nội chiến với Cộng sản. Trong cuộc hoà giải này. Nhiều phen Mỹ đã dùng áp lực buộc Tưởng phải liên hiệp với Cộng. Hơn thế, chính phủ Hoa Kỳ còn viện trợ cho Cộng sản Trung Hoa tiền bạc, vũ khí, quân trang quân cụ để kháng Nhật, và năm 1947, khi cuộc chiến tranh Quốc Cộng bước vào giai đoạn cao độ thì Chính phủ Truman lại cúp viện trợ 500 triệu Mỹ kim cho Trung Hoa Quốc gia.
Cộng sản Việt Nam, nhờ tổ chức quốc tế nên biết rất rõ nội tình Trung Hoa và tình hình thế giới; họ cũng thông hiểu chính sách thiếu rõ rệt cúa Hoa Kỳ, nên dù có sự hiện diện của đạo quân Lư Hán, họ cũng tìm đủ cách đàn áp phe quốc gia như thường.
Phe quốc gia, vừa chuộng hình thức, vừa chủ quan, vừa anh hùng cá nhân chủ nghĩa, vừa chia rẽ, nên trong mặt trận đấu tranh cục bộ với Cộng sản đã thiếu kế hoạch, thiếu nhất trí, rốt cuộc hoặc bị Cộng sản lợi dụng, hoặc bị hất ra ngoài rìa.
Quả thật tình hình chính trị Việt Nam sau cuộc khởi nghĩa mùa Thu năm Ất Dậu rối bời. Phe Cộng sản tuy nắm chính quyền, nhưng ở Nam Bộ, thực dân Pháp đã theo gót quân đội Anh, đổ bộ Sài gòn và mưu toan đặt lợi ích đô hộ, còn ở đất Bắc thì đạo quân của tướng Lư Hán làm khó dễ đủ điều, nào đòi đút lót tham những, nào âm thầm tiếp tay giúp các phe phái quốc gia, nhất là Quốc dân Đảng chống lại chính quyền.
Trong khi đó mọi tầng lớp chống cộng nổi lên, tố cáo đích danh Việt Nam là Cộng sản trá hình, hỏi toạc lý lịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành cho quốc dân biết.
Tại Hà Nội, Quốc dân Đảng lập trụ sở ở đường Quán Thánh, mở các lớp đào tạo cán bộ quân sự - chính trị nòng cốt để trường kỳ đấu tranh với Việt Minh. Quốc Dân Đảng còn cho xuất bản tờ báo “Việt Nam Hồn” và ấn hành nhiều truyền đơn, nhiều cuốn sách tố cáo tội ác Việt Minh sát hại người quốc gia và chỉ trích chủ nghĩa duy vật Mác-xít.
Sự tranh chấp giữa Cộng sản Việt Minh và Quốc Dân Đảng nhiều khi trở nên cao độ với những cuộc thủ tiêu ám sát, bắc cóc, các vụ phá hoại ngấm ngầm hay công khai.
Người Quốc dân Đảng và nhiều thanh phần quốc gia khác, còn có tập thể công giảo công khai bày tỏ thái độ chống cộng dứt khoát. Đáng lưu ý nhất là khu tự trị Bùi Chu- Phát Diệm và những hoạt động Liên đoàn Công Giáo địa phận Vinh; Liên khu lV…
Tại Phát Diệm, dưới sự lãnh đạo của Đức Giám mục Lê Hữu Từ, cố vấn tối cao của chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dân đã đoàn kết nhất trí một lòng, lập khu tự trị, không để cho Cộng sản Việt Minh đột nhập vào, và cũng chẳng hợp tác với chính quyền đương thời.
Khu tự trị Bùi Chu- Phát Diệm là cái đinh đâm cạnh sườn Việt Minh, là một chướng ngại vật lớn lao chặn ngang trước mặt mà Việt Minh không làm gì nổi.
Ảnh hưởng lớn lao nhất của khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm là tạo thế tranh đấu cho những phần tử quốc gia Liên Khu lV từ Huế trở ra Thanh; trong đó, những hoạt động của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam địa phận Vinh là đáng kể nhất.
Liên đoàn này tổ chức rất qui củ công suất hệ thống dọc và hệ thống ngang. Trên toàn địa phận, có một Ban chấp hành gồm nhiều ban như Tuyên-Nghiên- Huấn, Giáo dục, Vận động, Tài chánh v.v… Xuống đến là các địa hạt, các xứ và các họ đạo.
Ngoài Ban chấp hành chung, còn có những Ban chấp hành của các đoàn thể như Thanh Niên Công giáo, Phụ nữ Công giáo; Thiếu Niên Công giáo v.v. và đoàn thể hoạt động hăng say nhất là là đoàn thể thanh niên.
Đoàn thể thanh niên trong Liên Đoàn Công Giáo trong Liên đoàn được huấn luyện đầy đủ về cả hai mặt: Lý tưởng và Quân sự. Trước hết, họ được nhồi vào óc tinh thần của một công dân Công giáo, có những nhiệm vụ đối với Thiên Chúa và tổ quốc, vừa phải tuân thú chính quyền, nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ tín ngưỡng không để Cộng sản duy vật vô thần phá hoại.
Thứ đến, họ được huấn luyện quân sự qua những lớp huấn luyện tập thể, một tuần tới một tháng, có khi lâu hơn, nói là để chống thực dân Pháp, nếu chúng đổ bộ tới đây, nhưng bên trong còn nhằm mục đích chống lại công an Việt Minh, nếu họ có thủ đoạn đàn áp khủng bố.
Nói chung, về phía Công giáo, chỉ có khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm là có lực lượng võ trang với súng ống mua của Trung Hoa Quốc gia, tuy không dồi dào lắm nhưng cũng tạm đủ để bảo vệ Khu, còn ở Liên Khu lV, thanh niên Công giáo chỉ tự vệ bằng giáo mác, gậy gộc.
Lúc bấy giờ, Việt Minh còn yếu thế và đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là sự hiện diện của đạo quân Lư Hán từ vĩ tuyến 18 trở ra, nên họ dùng thủ đoạn mơn trớn, vuốt ve nhiều hơn là khủng bố.
Tại khu tự trị Phát Diệm - Bùi Chu, bên trong đôi bên gầm gừ nhau, giữ miếng nhau, nhưng bề ngoài, chính quyền Việt Minh bày tỏ một thái độ thật mềm dẻo; thỉnh thoảng, Đức Giám mục Lê Hữu Từ nhận được giấy mời lên Hà Nội họp với cụ Hồ, và cụ Hồ cũng phái một số nhân vật cao cấp Trung ương về tận Phát Diệm vấn an sức khoẻ Đức Giám Mục cố vấn Tối cao và thăm viếng khu tự trị.
Hồi này, khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm có rất nhiều huyền thoại về Đửc Giám mục Lê Hữu Từ, vị Giám mục Lê Hữu Từ ngày được người Công giáo ngưỡng mộ tôn sùng, coi như một vị Thánh sống.
Chính những huyền thoại đã làm tăng thêm niềm tin của người Công giáo trong tinh thần chống Cộng, và huyền thoại được đồn đi xa, đến nỗi suốt một dãy từ Huế ra tận Thanh Hoá, hầu hết người Công giáo đều cho rằng khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm là một vùng bắt khả xâm phạm.
Quả thật, khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm là vùng bất khả xâm phạm hồi bấy giờ; biết bao nhiêu nhân sĩ, chiến sĩ quốc gia chống Cộng từ Huế trở ra và từ Hà Nội trở vào, muốn tránh nạn bắt bớ, khủng bố, thủ tiêu của công an Việt Minh, đã tìm cách chạy về khu tự trị ẩn trú.
Trong khoảng thời gian từ 1946 đến 1952, khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm dung nạp đủ mọi thành phần, bất phân tôn giáo, chính kiến, đảng phái, miễn không phải tay sai Cộng sản hay những tên phá hoại của thực dân Pháp. Nhiều nhân vật giữ những chức vụ quan trọng trong hàng ngũ quốc gia, cả bên chính quyền lẫn bên quân đội từ thời Đệ Nhất Cồng hoà đến nay, đều từng nhờ khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm dung thân sau khi Việt Minh cướp chính quyền, nên mới sống sót.
Cũng nhờ ỷ vào thế lực khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm, năm 1946, khi phong trào chống Việt Minh Cộng sản lên cao độ, thì ở Hà Nội. một số thanh niên trí thức Công giáo cho xuất bản tờ báo “ HỒN CÔNG GIÁO” làm cơ quan ngôn luận, nhằm bài bác lý thuyết vô thần, đồng thời trả lời những luận điệu bôi nhọ, vu khống giáo hội Công giáo Việt Nam của tờ SỰ THẬT và tờ CỨU QUỐC do chính quyền Việt Minh xuất bản.
Hai tờ báo Cộng sản này viết những loạt bài vừa đề cao lý thuyết duy vật vô thần, vừa hạ nhục Giáo Hội, vừa khuyến khích bổn đạo các tu sĩ, Linh mục bất tuân lệnh các đấng bản quyền, đặc biệt nhằm vào Đức Khâm mạng Toà Thánh Dooley và các truyền giáo trong Hội Thừa Sai Pháp.
Việt Minh cũng bắt đầu tổ chức “Giáo hội Công giáo tự trị” mua chuộc được một số linh mục Việt Nam và đưa những linh mục này đi diễn diến thuyết khắp nơi, vừa công kích giáo hội dưới thời thực dân Pháp cai trị, vừa kêu gọi tất cả mọi công dân công giáo ủng hộ Việt Minh.
Tổ chức Giáo hội Công giáo tự trị ban đầu cũng muốn bắt chước đúng như bên Nga sô, nhưng vì gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của Giáo dân, và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Pháp, nên không thành hình.
Sự chống đối của người Công giáo, dầu quy mô, song không có tính cách trực tiếp đe doạ đến chính quyền Việt Minh vừa mới điều kiện thành lập, nên Việt Minh cũng chẳng quan tâm nhiều.
Việt Minh biết rõ tâm lý và nhược điểm của tập thể này, miễn đừng đụng chạm vội đến sự tự do tín ngưỡng của họ; đừng phá sập nhà thờ, Thánh đường của họ: đừng bắt bớ giam cầm các hàng Giáo phẩm của họ, và vuốt ve mơn trớn bề ngoài đôi chút là tạm êm ngay.
Hai tờ báo tờ SỰ THẬT và CỨU QUỐC không ngớt dùng luận điệu bôi nhọ, công kích giáo hội Công giáo, nhưng tại hầu hết các địa phương, cán bộ chính quyền lại tỏ ra mềm dẻo; họ sốt sắng tham dự hầu hết các cuộc lễ lớn do Công giáo tổ chức; họ cũng ngang nhiên tới dự những cuộc hội họp của Liên đoàn Công giáo và bình tĩnh nghe các diễn giả đả kích Cộng sản duy vật vô thần.
Trong những ngầy đầu tiên sau khi vừa cướp được chính quyền, các hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng làm cho Việt Minh ngán nhất. Đoàn thể đối lập này hoàn toàn mang màu sắc chính trị và đấu tranh tích cực chứ không tiêu cực như Công giáo, vì họ có lực lượng võ trang và súng ống trong tay, lại thêm được sự che chở của đạo quân Lư Hán.
Đạo quân Trung Hoa Quốc Gia dưới quyền chỉ huy của tướng Lư Hán tràn vào Bắc Việt ngày 28-8-1945, sau khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội vừa được mười hôm. Trong đạo quân này còn có sự hiện diện của một số đông cán bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng từng hoạt động cách mạng bên Trung Hoa, và nay về nước để trực tiếp đấu tranh với Cộng sản.
Khi đạo quân Lư Hán vừa vượt biên giới Hoa-Việt thì các cán bộ Quốc Dân Đảng đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Họ dựa vào thanh thế quân Tàu giải tán các Uỷ ban Nhân dân của Việt Minh vừa mới thành lập chưa được mấy ngày, và thay vào đó bằng những Uỷ ban Hành chính do cán bộ Quốc Dân Đảng phụ trách.
Trên thực tế, lúc bấy giờ, Việt Minh chỉ lo tìm cách củng cố chính quyền Trung ương ở Hà Nội, còn tại các tỉnh sát biên giới Hoa - Việt bỏ mặc cho Việt Nam Quốc Dân Đảng muốn làm gì thì làm, cũng như họ để mặc cho người Công giáo tự do thành lập khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm.
Ngoài việc củng cố chính quyền Trung ương, Việt Minh còn dồn hết lực lượng vào công cuộc vận động quần chúng, cố lôi kéo quần chúng, không để quần chúng rơi vào ảnh hưởng của các thành phần đối lập.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, khi Pháp còn cai trị Việt Nam, các cán bộ Cộng sản đã từng nhấn mạnh với quần chúng về những cảnh bị áp bức bóc lột như sưu cao, thuế nặng v.v… Bởi thế, ngay sau khi vừa cướp được chính quyền, Việt Minh liền ban hành ngay những Sắc lệnh liên quan tới các vấn đề đó.
Cướp chính quyền ngày 19-8-1945, qua ngày 28-8-1945, Chính phủ Việt Minh ban hành Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; ngày 7-9-1945, Sắc lệnh bãi bỏ thuế môn bài ra đời; và ngày 14-9-1945 lại ban hành Sắc lệnh giảm thuế thổ trạch.
Những biện pháp thuế má trên đây chỉ nhằm mục đích, vận động lôi kéo quần chúng trong lúc đầu, khi các đoàn thể đối lập đang hoạt động mạnh. Vì sau đó không bao lâu, khi những thành phần đối lập bị tiêu diệt thì dân chúng lại “được” đóng thuế gấp đôi.
Ngoài việc thu phục cảm tình của quần chúng bằng những biện pháp giảm thuế, miễn thuế, chính phủ Việt Minh còn lo đặt cho tân chế độ một nền tảng pháp lý trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến.
Cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến bấy giờ được tổ chức theo lối liên danh, tuỳ dân số mỗi đơn vị bầu cử nhiều hay ít mà ấn định số đại biểu, tất cả các ứng cừ viên của chính quyền đứng chung một liên danh, đối lập đứng chung một liên danh.
Bề ngoài, cuộc bầu cử có vẻ tổ chức thật dân chủ, dù liên danh chính quyền hay liên danh đối lập cũng được một số bích chương và truyền đơn như nhau, nhưng bên trong, phe đối lập hoàn toàn bị lép vế.
Hồi đó, đa số cử tri Việt Nam còn mù chữ, nên trong ngày bầu cử, mỗi phòng phiếu đều có một ban viết giúp cử tri: ban này là cán bộ Việt Minh, khi cử tri cầm thẻ bầu cử vào phòng kín, được ban viết giúp hỏi ý kiến ưng chọn ai, nhưng khi viết vào phiếu bầu thì họ tự ý điền tên những người thuộc liên danh chính quyền; do đó, tất cả, các đại biểu của chính quyền đều đắc cử với số phiếu tối đa, chẳng hạn Hồ Chí Minh có số phiếu bầu 99,9%, còn tất cả các ứng cử viên đối lập đều bị loại.
Trong cuộc vận động bầu cử, cán bộ Quốc Dân Đảng chỉ hoạt động được ít nhiều tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh dọc biên giới Việt - Hoa. Tại Hà Nội, tờ báo Việt Nam Hồn của Quốc Dân Đảng không ngớt viết bình luận hoặc phiếm luận chỉ trích các ứng viên của chính quyền, kể cả ứng cử viên Hồ Chí Minh.
Cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến cũng như các Sắc lệnh giảm thuế, miễn thuế, chỉ là những hình thức bề ngoài, chứ sự thực bên trong, mọi vấn đề đã được Ban Thường vụ Đảng cộng sản đề ra từ trước và nay cứ theo đó mà thi hành.
Trước ngày khởi nghĩa cướp chính quyền, Đảng cộng sản Đông Dương đã họp hội nghị toàn quốc từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945. Đại hội qui tụ đại biểu ba miền Nam - Trung - Bắc, Ai-Lao và một số chi nhánh ở ngoại quốc (không có đại biểu của Cao-Mên) và họp với tính cách khẩn cấp để nhận định tình hình.
Đại hội này quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khắp toàn quốc, đồng thời vạch kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời và ấn định, chính sách phải thi hành cho Chính phủ ấy.
Đại hội đưa ra một bản nghị quyết dài gồm 11 khoản:
1. Nhận định tổng quát tình hình thế giới.
2. Nhận định tình hình tổng quát Đông Dương.
3. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
4. Vấn đề ngoại giao.
5. Việc tuyên truyền cổ động.
ó. Nhiệm vụ quân sự.
7. Nhiệm vụ kinh tế.
8. Vấn đề giao thông.
9. Vận động các giới và các đảng phái.
10.Vấn đề cán bộ.
11. Vấn đề Đảng.
Khoản 3 nói về những chủ trương của Đảng có những đoạn đáng chú ý như việc tịch thu tài sản của đồng bào, cải cách ruộng đất, tránh xung đột với quân đội Pháp De Gaulle, giao thiệp thân thiện và tránh xung đột với quân đội các nước Đồng minh Mỹ - Anh - Trung-Hoa quốc gia kéo vào Đông Dương giải giớp quân đội Nhậtv..v.
Khoản 9 nói về công cuộc vận động các giới và các đảng phái, nhấn mạnh đến việc vận động thương gia, vận động phú hào, vận động công chức và quan lại, vận động đồng bào theo các tôn giáo và vận động các đảng phái đối lập v.v.
Như vậy, có nghĩa là mọi sự Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng theo một kế hoạch, và các đảng phái quốc gia đối lập bị đặt trước một sự đã rồi, khiến trở tay không kịp.
Để tránh tiếng cực đoan, Việt Minh lồng cho nghị quyết nêu trên của Đảng cộng sản một hình thức quốc gia, bằng cách tiếp ngay sau đó, triệu tập Đại hội quốc dân tại Tân Trào, trong vùng chiến khu Việt-Bắc.
Đại hội này khai mạc chiều ngày 16-8-1945, qui tụ hơn 60 đại biểu Bắc-Trung - Nam, đại biểu các sắc tộc, đại biểu các tôn giáo, và Việt kiều ở Ai Lao, Thái Lan.
Đại hội này được Việt Minh tuyên truyền là một “Đại hội quốc dân” gồm đủ các giởi, các đảng phái, các thành phần, chớ không phải của riêng gì Đảng cộng sản, và đi đến quyết định thành lập “Uỷ ban dân tộc giải phóng”, lúc cần, Uỷ ban này có thể biến thành chính phủ lâm thời.
Dầu tránh tiếng cách nào thì các đảng phái quốc gia đối lập lúc bấy giờ cũng không khỏi nghi ngờ việc Việt Minh muốn thiết lập một chính quyền Cộng sản tại Việt Nam, và qua những hoạt động gấp rút của Việt Minh; mọi xung khắc với các đảng phái quốc gia càng trở thành cao độ.
Quả thật Việt Minh đã hành động một cách hết sức gấp rút. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh thì ngày 16-8-1945, Võ Nguyên Giáp chỉ huy một số du kích tiến chiếm thị xã Thái Nguyên lúc 2 giờ rưỡi chiều. Số du kích này có tất cả 450 người (tương đương với một tiểu đoàn).
Sở dĩ Việt Minh phải chọn Thái Nguyên cướp chính quyền trước tiên là vì tại đây, nếu thành công, ngoài việc thu được một số vũ khí, họ còn ngăn cản không cho những cán bộ Quốc Dân Đảng từ bên kia biên giới Trung Hoa tràn về.
Hồi bấy giờ, trong thị xã Thái Nguyên có hai bộ phận quân sự chính: lính Bảo An khoảng 400 người với 600 súng trường cùng một số súng máy, đóng tại trại lính Tây cũ gần Bến Tượng, sát nách dinh Tổng Đốc.
Bộ phận thứ hai với khoảng 120 lính Nhật võ trang đầy đủ, đóng tại trại khố xanh và dinh Công sứ cũ, giáp cầu Gia Bẩy. Đánh chiến được hai trại này, du kích Việt Minh có thể thu được khoảng gần ngàn khẩu súng,
5 giờ rưỡi sáng ngày 17-8-1945, viên Tỉnh trưởng Thái Nguyên đầu hàng, trao 600 khẩu súng cho Việt Minh, và họ dùng số vũ khí này trang bị ngay cho bốn chi đội tân binh vừa mới tuyển mộ từ Bắc Giang lên.
Riêng trại lính Nhật ở đây không chịu đầu hàng, và kéo dài tình trạng giằng co với quân du kích Việt Nam đến 7 ngày, mãi khi phái viên của Bộ tư lệnh Nhật ở Hà Nội lên dàn xếp thì quân Nhật mới bằng lòng trao vũ khí cho Việt Minh và nhờ Việt Minh hộ tống về Hà Nội.
Sau Thái Nguyên, Việt Minh phải gấp rút tổ chức cướp chính quyền ngay tại thủ đô Hà Nội.
Tại Hà Nội, cán bộ Việt Minh đã lén lút hoạt động trong quần chúng từ lâu, nhưng công cuộc cướp chính quyền không phải dễ dàng như ở các tỉnh.
Thứ nhất, dân Hà Nội là dân trí thức, gồm đủ mọi giới, mọi thành phần, mọi đảng phái; họ không phải là hạng người dễ tuyên truyền, dễ lôi cuốn như ở nông thôn, và nơi đây, ngoài Việt Minh, các đảng phái đối lập cũng có sẵn cán bộ cùng một số cơ sở vững chắc.
Thứ đến, về phía quân đội Nhật, tuy đã nhận được lệnh đầu hàng Đồng minh, nhưng vẫn có trách nhiệm duy trì trật tự an ninh tại Việt Nam và giúp chính quyền Trận Trọng Kim trong mọi hoạt động. Vì thế, sau ngày 15-8-1945, họ càng tăng cường việc canh phờng; xe tăng thiết giáp luôn luôn chạy tuần tiễu trên khắp các đường phố; súng liên thanh đủ cỡ được đặt tại nhà máy nước, nhà máy điện, nhà bưu điện và các cơ quan trọng yếu của chính quyền.
Việc quân đội Nhật tăng cường canh phòng và tuần tiễu như vậy, trước hết vì họ sợ dân chúng Việt Nam trả thù, bởi từ 1940 đến nay, họ đã phạm nhiều tội ác đối với người dân Việt Nam, nhất là qua trận đói kinh khủng chỉ mới cách đó mấy tháng.
Cướp chính quyền giữa thủ đô trong một tình trạng như vậy, khó tránh khỏi một cuộc xung đột đẫm máu, và chưa chắc đã dễ thành công, nhưng Việt Minh vẫn phải tiến hành gấp rút, vì họ nhận được tin tướnig De Gaulle đã dùng đường lối ngoại giao, vận động với các nước Mỹ - Anh trả lại Đông Dương cho Pháp một khi quân đội Nhật đầu hàng, và hiện họ đã sẵn sàng 7 ngàn quân võ trang đầy đủ, đang đợi ở Ấn Độ để chiến dịch quân đội Anh kéo sang Saigon theo tinh thần hiệp ước Postdam. Ngoài ra, Việt Minh cũng biết 200 ngàn quân sĩ khác của Trung Hoa quốc gia sắp sửa từ Quảng Đông - Quảng Tây kéo vào Bắc phần Việt Nam với nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra. Như vậy, nếu chẳng nhanh tay cướp chính quyền, thì các các đảng phái quốc gia khác tranh mất.
Ngày 15-8-1945, Nguyễn Khang, một uỷ viên Bắc Kỳ Bộ Việt Minh Bắc Kỳ, phụ trách Thành bộ Hà Nội, mang lệnh khởi nghĩa về thủ đô, và mở phiên họp đặc biệt tại toà nhà đồ sộ số 101 đường Gambetta, nay là phố Trần Hưng Đạo, để bầu Uỷ ban lãnh đạo khởi nghĩa.
Một yếu tố thuận lợi khiến Việt Minh hăm hở tổ chức cướp chính quyền ngay giữa thủ đô Hà Nội là thái độ quá hèn yếu và nhân nhượng của Kham sai Phan Kế Toại.
Trước ngày Nhật đầu hàng, Phan Kế Toại đã phong phanh nghe việc Việt Minh sắp đảo chính, nên vội vã mời Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa cùng một số cán bộ cao cấp khác của Việt Minh vào Dinh thương thảo. Trong cuộc thương thảo này, Khâm sai Phan Kế Toại yêu cầu Việt Minh tham gia chính quyền hiện hữu và đừng bạo động với quân đội Nhật, vì tuy Nhật sắp thua nhưng vẫn còn đủ sức đè bẹp phong trào khởi nghĩa.
Khâm sai họ Phan còn bày kế hoạch cho Việt Minh là bề ngoài cứ hoà hoãn và điều đình với Nhật để nhận lấy chủ quyền, rồi tới khi quân Đồng minh vào lại đứng ra điều đình với Đồng minh. Nhưng ý kiến và kế hoạch của họ Phan bị đại biểu Việt Minh bác bỏ, viện lẽ rằng chính quyền Trần Trọng Kim do phát xít Nhật lập nên, mà Nhật lại quá tham lam ác độc, nên quần chúng không tín nhiệm chính quyền đó. Hơn nữa, Đồng minh không đời nào chịu công nhân một chính quyền thân Nhật, và như vậy, sẽ chẳng cả cuộc điều đình nào thành công.
Trong khoảng thời gian mấy ngày sau khi Nhật đầu hàng, bầu không khí tại thủ đô Hà Nội rất ngột ngạt, nhiều tin đồn được tung ra làm dân chúng hoang mang, truyền đơn Việt Nam được rải khắp nơi càng khiến người dân Hà Thành thêm hồi hộp…
Người Nhật thì tăng cường tuần phòng canh gác; Khâm sai Phan Kế Toại thì lững lờ, không có lập trường dứt khoát, chỉ biết “trông và chờ”; các đảng phái quốc gia thì chạy tới chạy lui lăng xăng, kẻ bàn thế này, người bàn thế nọ, không ai đưa ra được một đường lối rõ ràng để chạy đua với Việt Minh.
Giữa bầu không khí ngột ngạt đó, ngày 17-8-1945, hội nghị Tư vấn Bắc Bộ nhóm họp phiên bất thường ở Trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức. Chương trình nghị sự đề ra rất lớn, với các vấn đề trọng đại như kinh tế, tài chính, chính trị, quân sự v.v…
Trong cuộc thảo luận, có nhiều đại biểu phát biểu hăng say; và có nhiều ý kiến mâu thuẫn trái ngược; kẻ thì nói tới sức mạnh của Việt Minh, người thì mạt sát công kích và cho rằng Việt Minh chỉ là đoàn thể “ma” và hoàn toàn không có thực lực.
Người phát biểu hăng nhất và chỉ trích Việt Minh mạnh mẽ nhất trong hội nghị Uỷ ban Tư vấn là nhà văn Khái Hưng. Khái Hưng hoàn toàn phản đối những ý kiến thiên vị Việt Minh, và cùng với những đồng chí khác, Khái Hưng muốn hội nghị đi đến chỗ lập “Uỷ Ban Cứu Quốc”.
Tiếng rằng hội nghị Uỷ ban Tư vấn Bắc Kỳ, nhưng trong đó, có một số cán bộ Việt Minh len lỏi vào, vì thế, không khí hội nghị có nhiều lúc trở nên căng thẳng, biến thành cuộc tranh luận tay đôi giữa Việt Minh và những phần tử quốc gia.
Tuy hội nghị diễn tiến một cách bất lợi cho Việt Minh, họ bèn dùng chính sách khủng bố tinh thần, bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình gần trụ sở hội Khai Trí Tiến Đức, cho nổ mấy phát súng thị uy và hô khẩu hiệu.
Nghe súng nổ, các đại biểu tham dự hội nghị Uỷ ban Tư vấn mất bình tĩnh; một số gan lỳ ngồi lại tại chỗ, nhưng cũng có một số tìm cách rút lui, bởi thế, hội nghị phải tạm giải tán.
Sáng 18-8-1945, do sự cổ võ của những phần tử quốc gia, hội nghị Uỷ ban Tư vấn lại tái nhóm, nhưng trong khi đang hăng say thảo luận thì có tin Việt Minh đã chiếm toà soạn báo TIN MỚI, Khâm sai Phan Kế Toại đã từ chức, và Việt Minh đã ra tuyên bố cướp chính quyền.
Song song với hội nghị Uỷ ban Tư vấn Bắc Kỳ, các đoàn thể quốc gia còn tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội vào chiều ngày 17-8-1945, thu hút khoảng 20 ngàn người. Cuộc mít tinh đông đảo này chứng tỏ lực lượng quốc gia ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội cũng mạnh lắm, nhưng vì thiếu lãnh đạo, thiếu tổ chức và nhất là không có vũ khí trong tay, nên đến phút chót, bị Việt Minh phỗng mất.
Nguyên Việt Minh đã lén lút cho đội tuyên truyền võ trang xung phong của họ trà trộn vào đám đông biểu tình. Đội này tìm cách sát tới diễn đàn rồi bất thấn nhảy lên, chĩa súng vào các nhân viên trong ban tổ chức, dồn họ vào một góc, chiếm lấy máy phóng thanh, điều khiển đám đông quần chúng tham dự mít tinh theo ý riêng của họ.
Dưới áp lực của nhiều mũi súng trường trong tay đội võ trang tuyên truyền Việt Minh, đám quần chúng vô tội bị điều động tuần hành tới phủ Khâm sai Phan Kế Toại và hội quán Hội Khai Trí Tiến Đức, làm áp lực với Hội Nghị Tư vấn.
Đây là cuộc khủng bố công khai đầu tiên của Việt Minh đối với các phần tử quốc gia, diễn ra ngay giữa Hà Nội, khiến từ đó, cuộc xích mích kéo dài và càng ngày càng trở nên trầm trọng.
Cuộc đàn áp khủng bố đám biểu tình của các phần tử quốc gia chiều 17-8-1945 thành công càng hối thúc Việt Minh tiến hành nhanh chóng công tác cướp chính quyền.
Tối 17-8-1945, Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội họp ở ngoại ô Cầu Giấy quyết định dùng võ lực khủng bố đàn áp tinh thần quần chúng và những phần tử chống đối. Với quyết định này, võ khí giấu ở các khu vực chung quanh Hà Nội được bí mật chuyển vào thủ đô, phân phát cho đội tuyên truyền xung phong và dân quân tự vệ.
Lúc này, Việt Minh đưa ra quyết định dứt khoát hẳn hòi; chỉ khủng bố các phần tử đối lập quốc gia, và coi họ là kẻ thù trước mắt, tuyệt đối không chủ trương đánh Nhật như trước kia.
Kỳ thật, Việt Minh muốn đánh Nhật lúc này cũng không có lực lượng, vì Nhật tuy đầu hàng Đồng minh nhưng toàn bộ vũ khí vẫn còn nguyên vẹn trong tay, Việt Minh trêu vào họ là tự sát.
Việt Minh lại thừa biết với địa vị một nước bại trận, nhất định quân đội Nhật ở Đông Dương không dám dùng vũ lực đàn áp quần chúng Việt Nam nổi lên cướp chính quyền, vì hành động như vậy là gây thêm căm thù, và sẽ bị trả thù khi võ khí đã bị tước hết.
Vì nhận định đó, Việt Minh thảo rất nhiều truyền đơn bằng tiếng Nhật, nói rõ cho quân đội Nhật biết họ không có gì phải sợ hãi, vì họ đã bại trận, muốn họ đứng ngoài cuộc, không mảy may can thiệp vào chuyện chính trị nội bộ Việt Nam.
Qua nhiều cuộc thảo luận bí mật, Việt Minh đã biết chắc thái độ của Nhật bất can thiệp vào cuộc khởi cướp chính quyền, nên giờ phút này, họ phải ra tay nhanh chóng, sợ để chần chừ, khi đạo quân Lư Hán kéo vào Việt Nam thì xôi hỏng bỏng không, bị loại ra khỏi guồng máy chính trị mới.
Về phía chính quyền Trần Trọng Kim thì chẳng có chuyện gì đáng quan ngại, vì Khâm sai Phan Kế Toại đã từ chức tối 17-8-1945, trao quốc ấn cho Uỷ ban Chính trị do bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ làm Chủ tịch và ông Hoàng Xuân Hãn làm Uỷ Viên.
Ngày 18-8-1945, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa đề nghị với Việt Minh chưa nên cướp chính quyền vội vàng, hãy chờ Uỷ ban lấy hết các vũ khí trong tay quân đội Nhật, nhưng Việt Minh không chấp thuận và đòi bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ phải từ chức.
Chính quyền trong tay bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ là chính quyền do Khâm sai Phan Kế Toại giao lại, với tư cách là Uỷ ban chính trị do đại hội bất thường Uỷ ban Tư vấn Bắc Bộ họp tại hội quán Hội Khai Trí Tiến Đức bầu ra. Như vậy có thể nói trước cuộc Tổng khởi nghĩa của Việt Minh, chính quyền tại Hà Nội đã lọt vào tay các chiến sĩ quốc gia chống Cộng.
Ngày 18-8-1945, Lê Trọng Nghĩa, đại diện Việt Minh vào Bắc Bộ phủ yêu cầu bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ từ chức và trao chính quyền lại cho họ, nhưng bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ cùng những nhân viên khác trong Uỷ ban Chính trị nhất định không chịu.
Trước sự việc giằng co như vậy, sáng 19-8-1945, Việt Minh liền huy động một số lớn đồng bào nội ô và ngoại ô biểu tình trước quảng trường Nhà hát lớn, trương nhiều biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng. Dẫn đầu đoàn biểu tình là đội tuyên truyền xung phong với 40 khẩu súng đủ loại. Số súng này một phần tước được của quân đội Pháp nhân cuộc đảo chính của Nhật hôm 9-3-1945, và phần khác vừa mới cướp của Nhật trong mấy ngày lộn xộn vừa qua.
Với 40 khẩu súng, đánh Nhật thì không thể, nhưng lại dư sức thị uy với quần chúng và những phần tử quốc gia đối lập; và để tăng thêm thanh thế, Việt Minh còn võ trang cho một số người tham gia biểu tình những thứ khí giới thô sơ như dao găm, mã tấu, cán bộ Việt Minh như Nguyễn Huy Khôi, Lê Trọng Nghĩa lớn tiếng đe doạ và hô quần chúng tiền lên cướp chính quyền.
12 giờ trưa 19-8-1945, đoàn biểu tình biến thánh tuần hành thị uy, chia làm nhiều toán, một toán tới Bắc Bộ phủ, leo hàng rào nhảy, vì các cửa sắt đều đóng kín, tước vũ khí của khoảng 50 lính Bảo An có phận sự canh gác tại đây.
Toàn thứ hai kéo vào dinh Khâm Sai, tức toà Thống Sứ cũ, dùng võ lực buộc bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ và các nhân viên trong Uỷ ban chính trị trao trả chính quyền.
Toán thứ ba kéo tới chiếm toà Thị chính, Thị trưởng Trần Văn Lai bằng lòng từ chức ngay.
Các toán khác, toán thì tới trụ sở cảnh sát trung ương Hà Nội, toán thì kéo xuống chiếm trại lính Bảo An, buộc viên đại uý chỉ huy ở đây mở cửa kho để họ tràn vào cướp hết vũ khí.
Trong khi đoàn tuần hành kéo đi khắp thành phố như vậy thì đội võ trang Việt Minh thỉnh thoảng lại bắn súng thị uy, làm cho những kẻ yếu bóng vía mất tinh thần, và tạo cho thủ đô bầu không khí khấn trương.
Nói chung, các toán Việt Minh kéo tới đâu cũng chẳng gặp một trục trặc nào, và giành chính quyền một cách dễ dàng như lấy đồ chơi trong túi, chỉ khi kéo tới trại lính Bảo An, vừa tước xong vũ khí thì quân đội Nhật ập đến, với 4 xe tăng trí súng đại liên chặn 4 góc đường, và mỗi khu phố có thêm một toán lính Nhật võ trang đầy đủ canh gác.
Sau khi đã bố trí bên ngoài xong xuôi, quân Nhật liền kéo một đại đội vào trại lính Bảo An, đặt hai khẩu súng máy giữa sân, còn binh sĩ thì súng gắn lưỡi lê, ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Sứ hiện diện bất ngờ của quân đội Nhật làm hàng ngũ Việt Minh lúng túng, và mọi người đều tưởng thế nào cuộc xung đột cũng xảy ra, nhưng may thay, sau hơn 4 giờ dàn xếp, mọi sự tạm êm và quân đội Nhật rút lui.
Nguyên quân đội Nhật hay tin Việt Minh đã kéo tới trại lính Bảo An cướp hết vũ khí, họ liền sợ số vũ khí sẽ quay lại bắn giết họ, nên Bộ tư lệnh Quân đội Nhật phái một chi đội thiết giáp và một số đơn vị bộ binh tới thu hồi.
Hiểu rõ lý do sự xuất hiện của quân đội Nhật, đại diện Việt Minh liền cấp tốc tới Bộ tư lệnh Nhật giải thích và bảo đảm rằng họ sẽ không động chạm tới một sợi lông chân quân đội Nhật, nếu Nhật chịu ở yên, không can thiệp vào chuyện chính trị nội bộ của Việt Nam trong lúc này.
Khi thu thập và đúc kết những tài liệu liên quan tới tình hình chính trị Việt Nam hồi tháng 8-1945, người ta nhận thấy hễ chỗ nào có cơ sở của các đảng phái quốc gia là ở đó Việt Minh lo chuẩn bị cướp chính quyền trước tiên, chẳng hạn cuộc cướp chính quyền ở Thái Nguyên và ở Hà Nội vừa tường thuật.
Cuộc khởi nghĩa tại Yên Bái cũng xảy ra trong cùng một mục đích, nghĩa là vừa cướp chính quyền, vừa tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng, vì ở đây, Quốc dân Đảng có nhiều hạ tầng cơ sở nhờ những hoạt động cách mạng liên tục từ 1927.
Có thể nói Yên Bái là nơi Việt Minh cướp chính quyền sớm nhất, vì ngay từ ngày 5-7-1945 (hơn một tháng trước ngày quân Nhật đầu hàng Đồng minh), các lực lượng võ trang Việt Minh đã tập kích một số đồn binh Nhật và tước võ khí các toán lính Bảo An của chính quyền Trần Trọng Kim.
Sau Yên Bái, Thái Nguyên, các tỉnh miền thượng du Bắc phần, dọc biên giới Việt - Hoa cũng bị Việt Minh lừa thế cướp chính quyền một cách tương tự; vì vậy, khi các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng theo đạo quân Lư Hán trở về thì mọi sự đã xong xuôi.
Tại miền Nam Trung phần, nhất là hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, nơi Quốc Dân Đảng có những cơ sở vững chắc và là nơi quần chúng có tinh thần đấu tranh cách mạng rất cao, nhờ truyến thống từ thời phong trào Cần Vương lưu lại, Việt Minh ra tay nhanh không kém, vì họ sợ nếu chần chừ, sẽ không đương đầu nổi với các chiến sĩ cách mạng có tinh thần quốc gia.
Nhin chung khắp toàn quốc, chỉ có ở Huế và Sài gòn là Việt Minh cướp chính quyền chậm nhất, vì ở Huế là kinh đô triều Nguyễn, còn có vua Bảo Đại đang tại vị; và ở Sài gòn thì nào các giáo phái, nào phong trào học sinh - sinh viên - thanh niên không có xu hướng theo Cộng sản, nào Đệ tứ quốc tế v.v… nên Việt Minh không dễ gì ra tay.
Tại Huế, ngày 22-8-1945, Việt Minh mới lập xong Uỷ ban Khởi nghĩa do Tôn Qang Phiệt làm chủ tịch, và đến 22-8-1945, Uỷ ban này họp quyết định giành chính quyền vào ngày 23-8.
Sáng 23-8-1945, Uỷ ban Khởi nghĩa Huế gởi thư cho Hoàng đế Bảo Đại, báo tin công việc cướp chính quyền, đồng thời hứa bảo đảm tính mệnh cùng tài sản cho nhà vua. Bảo Đại không chính thức trả lời văn thư này, nhưng phái người ra thông báo rằng sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện.
12 giờ 30 cùng ngày, một toán Việt Minh võ trang súng lục, cải trang thành vị quan lại với khăn đóng áo dài the, dùng xe hơi tới tư dinh Phạm Quỳnh. Tới nơi, họ rút súng ra, buộc họ Phạm lên xe rồi cho đi mất tích.
Một toán Việt Minh khác kéo tới tư thất ông Ngô Đình Khôi, anh ruột cố tổng thống Ngô Đình Diệm, dùng võ lực bắt ông và người còn trai duy nhất là Ngô Đình Huân dẫn đi. Tất cả ba người này sau đó đều bị Việt Minh thủ tiêu và vùi xác tại một vùng cách xa thành phố Huế mấy chục cây số.
Riêng thủ tướng Trần Trọng Kim thì chạy sang tá túc bên toà Khâm Sứ, dưới sự che chở của binh lính Nhật, nhưng qua ngày 24-8-1945 thì ông ra khỏi nơi đây vào lúc 14 giờ.
Các vị Tổng trưởng, Bộ trưởng khác trong Nội các Trần Trọng Kim, kẻ thì không có mặt ở Huế lúc bấy giờ, người thì ngoan ngoãn giao công sở lại cho Việt Minh, trong số có Phan Anh và Vũ Văn Hiền.
Trong ngày 23-8-1945, vua Bảo Đại vừa nhận được thư của Uỷ ban Khởi nghĩa Việt Minh ở Huế, vừa nhận được điện văn của Uỷ ban cách mạng Bắc Bộ từ Hà Nội gửi vào yêu cầu thoái vị.
2 giờ chiều ngày 24-8-1945, vua Bảo Đại đánh điện ra Hà Nội cho Chính phủ lâm thời Việt Minh, xác nhận việc thoái vị và yêu cầu cử đại diện vào nhận lãnh quyền hành.
Ngày 26-8-1945, Việt Minh họp tại Hà Nội quyết định cử một phái đoàn vào Huế. Phái đoàn gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận và do Trần Huy Liệu làm trưởng phái đoàn.
Ngày 27-8-1945, phái đoàn này rời Hà Nội vào Huế, và chiều ngày 29-8-1945, Bảo Đại tiếp kiến phái đoàn tại điện Kiến Trung, chấp nhận nghi lễ thoái vị do Việt Minh đưa ra.
Chiều 30-8-1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại chính thức được cử hành tại cửa Ngọ Môn một cách trịnh trọng, vua Bảo Đại mặc đại trào đứng đợi sẵn và đọc chiếu thoái vị.
Vua Bảo Đại bằng một giọng trầm buồn đọc chiếu thoái vị giữa sự hân hoan của đoàn đại biểu Việt Minh và giữa dự nức nở trong tim của những người thuộc Hoàng tộc.
Sau lễ thoái vị, Trần Huy Liệu đứng ra nói mấy lời rồi giơ tay nhận chiếc ấn vàng cùng thanh kiếm vàng giát ngọc do Bảo Đại trao cho.
Cuộc khởi nghĩa mùa Thu năm Ất Dậu là do công lao của toàn dân, nhờ lòng yêu nước thúc đẩy. Nhưng trước ngày khởi nghĩa bùng nổ, Việt Minh đã hội họp bí mật tại chiến khu Việt Bắc, cử ra chính phủ lâm thời, không dành một ghế nào cho đoàn thể cách mạng khác từng góp phần xương máu trong việc đấu tranh chống thực dân, giành độc lập cho nước nhà.
Chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập gồm 14 nhân vật, được gọi là “Nội các Thống nhất quốc gia”, nhưng bao nhiêu Bộ quan yếu như Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính v.v… thì cán bộ nòng cốt cao cấp Việt Minh nắm, chỉ có cụ Ưng Hoè Nguyễn Văn Tố được mời giữ Bộ Cứu tế xã hội và ông Nguyên Văn Xuân, bộ trưởng không giữ Bộ nào.
Trong Quốc hội Lập hiến đầu tiên cũng vậy. Hầu hết các đại biểu đều là người của Việt Minh, họ chỉ dành một số ghế tối thiểu cho vài nhân sĩ tên tuổi để làm cảnh bề ngoài; vì thế, cuộc tranh cướp sau này càng trở nên ác liệt hơn.
Đa số quần chúng Việt Nam hồi bấy giờ chưa hiểu Việt Minh là gì, nhưng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện, họ mang máng biết đó là Cộng sản.
Riêng đối vì các đảng phái quốc gia, nhờ hoạt động cách mạng chung với nhau từ hồi còn bí mật, ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, nên họ hiểu rất rõ Việt Minh, và sớm nhận thức rằng cần phải ngăn chặn, không để Việt Minh reo rắc chủ nghĩa cộng sản trên dân tộc Việt Nam.
Vì xung khắc về chủ nghĩa như vậy, nên tình hình chính trị Việt Nam hồi bấy giờ thật hỗn loạn, nhất là thủ đô Hà Nội và những tỉnh mà lực lượng hai bên nghiêng ngửa nhau như Quảng Nam, Quảng Ngãi và ở dọc biên giới Việt - Hoa.
Cuộc tranh cướp càng trở nên sôi nổi khi đạo quân 200 ngàn người của tướng Lư Hán tràn vào Việt Nam, dồn Việt Minh vào thế phải nhượng bộ ít nhiều, vừa để lấy lòng các phe phái quốc gia, vừa đánh lạc hướng các nước Đồng minh, nhất là Hoa Kỳ.
Một trong những nhượng bộ đáng kể của Việt Minh hồi bấy giờ là Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán hôm 11-11-1945; tiếp đến, mở rộng chính phủ và Quốc hội cho các đảng phái quốc gia tham dự.
Vì Chính phủ, họ mời cụ Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch nhà nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng nắm Bộ Nội vụ thay Võ Nguyên Giáp, ông Nguyên Tường Tam điều khiển Bộ ngoại giao vốn do Hồ Chí Minh kiêm nhiệm trước đây.
Về Quốc hội, Việt Minh đặc cách dành một số ghế cho đại biểu các đảng phái, khỏi phải bầu. Đồng thời, họ mời Cựu Hoàng Bảo Đại và Đức cha Lê Hữu Từ làm Cố vấn tối cao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy được chia một số ghế trong Nội các và trong Quốc hội, nhưng những cuộc tranh cướp vẫn xảy ra, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, và phía quốc gia vẫn bị chèn ép đủ điều, ngay cái chuyện Quốc hội họp, các đại biểu phe quốc gia đòi thay lá cờ đỏ sao vàng bằng một lá cờ khác làm quốc kỳ cho nước Việt Nam cũng không thành công, vì Hồ Chí Minh viện lẽ rằng lá cờ đó đã thấm máu bao nhiêu chiến sĩ. Không đổi được màu sắc lá quốc kỳ thì mầm mống tranh cướp vẫn còn, và đó là một trong những nguyên nhân đưa đến chiến tranh Việt Nam.