---~~~mucluc~~~---


Phần Kết

- Anh!
- Hử?
- Anh đừng có bỏ em mà đi như đêm rồi nữa nhé!
Mặc dầu buồng ngủ của Liễu vẫn chỉ cứ được soi mờ bằng bóng đèn chong, Lưu cũng đã đắp mền lại cho bạn, nhưng vì Liễu lại nằm nghiêng qua phía chàng để gác tay gác chơn lên người chàng, nên hóa ra chính chàng bị cái mền mà Liễu tốc ra lúc day nghiêng, đắp lấy chàng.
Luu bỏ thế nằm ngửa, quay qua nói với bạn thành thử cũng lại tốc mền và hai người bị ngăn cách nhau bằng cái mền.
Chàng thì thầm:
- Anh rất muốn ở lại đây cho tới bốn giờ sáng, ngặt sẽ không biết nói sao với ba má.
- Anh đi rồi, em nghe trơ trọi quá. Thà là như trước đây, không có anh thì thôi, chớ anh đã vào trong đời em rồi thì em nghe thiếu anh ghê lắm, sau khi anh ra về.
- Anh cũng vậy, anh nghe thiếu em ghê lắm, khi về tới nhà.
Liễu vụt thấy rằng chỉ có hôn nhơn mới giải quyết được tình cảnh bất toại nguyện của hai người, nhưng nàng cố ngăn mình nói ra điều ấy. Nàng đã quyết định cho mà không đòi hỏi thì không nên để bạn mình hiểu lầm về thiện chí của nàng. Hơn thế nếu Lưu mà bước tới rồi bị bên nàng khước từ, nàng sẽ khó chịu không biết bao nhiêu.
Ðể an ủi bạn, Lưu hôn nhẹ lên tóc nàng rồi nói:
- Má anh hễ cho ăn cái gì mà may mắn ngon miệng cả nhà và rủi ro món ấy lại thiếu, thiếu không phải vì nó thiếu thật, mà vì ngon miệng quá, nên ai cũng ăn nhiều hơn cái khẩu phần thường của họ, hễ có chuyện như vậy xảy ra thì má anh nói: “Nên thiếu mới nghe ngon”.
Ban đầu anh cười chế giễu má anh rằng bà nói gượng để an ủi những người chưa đã thèm, nhưng về sau, anh thấy rằng má anh có lý.
Như vậy có lẽ ta nên hài lòng với tình trạng thiếu nhau nầy chăng?
- Anh nói có vẻ triết lý lắm, mà triết lý của anh cũng có vẻ đúng lắm. Nhưng cho dẫu nó đúng, em cũng chẳng thích theo.
- Anh cũng vậy.
Ðúng là tâm trạng và nhơn sinh quan của tuổi trẻ là tuổi không bền chí hưởng rất nhiều cái ít mà cứ muốn tận hưởng cho thật nhiều, cho ngấy ra cũng được.
Và ý thức về họ, đôi bạn cười xòa với nhau và Lưu lại phủ đẩy những cái hôn lên Liễu.
Sự thương yêu trong sạch ấy dĩ nhiên phải đưa tới sự thương yêu kém lịch sự và một lần nữa, Liễu được bạn của nàng yêu.
Đêm nay, chàng mệt hơn đêm rồi, và nếu không có sợi dây thắt gút, không biết chàng sẽ xuống sân mà không gặp tai nạn dọc đường hay chăng. Lưu tự hỏi như vậy lúc chàng buông sợi dây ra và vẫy tay tạm biệt bạn của chàng.
Nửa tiếng đồng hồ sau đó, lúc dỗ giấc ngủ, Lưu lấy làm thắc mắc về điều nầy lắm: là lần yêu bạn thứ nhì, người chủ động vẫn cứ là chàng. Nhưng giờ nhớ lại mọi chi tiết, chàng tế nhận ra là Liễu đã khuyến khích chàng, đã đòi hỏi một cách kín đáo và khéo léo thế nào mà một người con trai khác hơn chàng, chắc không dè rằng có sự kiện ấy.
Đã có kinh nghiệm trong đường tình ái xác thịt, Lưu lại nhận định rằng Liễu bồng bột ghê 1ắm, bồng bột gấp hai, gấp ba người khác, lúc được chàng yêu.
Mà thôi, chàng tự nhủ để khỏi băn khoăn, mỗi người mỗi thể chẩt, và đó không phải là một tội lỗi, một hư hèn của một phụ nữ.
° ° ° ° °
Đêm sau, đêm thứ ba, đúng theo ước hẹn trong đêm rồi, Lưu vào thăm bạn trễ hơn thường lệ mười lăm phút. Chàng phải đợi sợi dây nàng thòng xuống, tức đợi nàng ăn cơm xong, lên lầu mở cửa sổ, v.v... chớ không thể vào buồng nàng để đợi nàng trong đó như trước đây. Đợi bạn tại sân, có thể gặp rủi ro, nên họ thấy giải pháp chắc ăn hơn hết là kẻ phải đợi phải là Liễu.
Lưu lên tới nơi là rút dây lên liền. Chàng toan ẵm Liễu lên cho nàng nhìn sao mà khỏi ngước mỏi cổ, thì Liễu nói:
- Hú vía cho tụi mình đó nha.
Lưu hơi hoảng hỏi:
- Gì đó?
- Ba với má có vô hồi sớm, trước bữa ăn.
- Thật là hú vía. Nhưng đó là một cuộc báo động. Làm thế nào đề phòng rủi ro về sau?
- Em cũng chẳng biết, để rồi xem. Chỉ rắc rối là cô em ngạc nhiên sao dạo nầy em ăn cơm tối xong là rút vô buồng ngay.
- Trời ơi, đó lại là một bài toán bể đầu nữa! Chính anh cũng gặp rắc rối đó, ba má, nhứt là con Bích cứ hỏi anh đi đâu mà đi mãi mỗi đêm. Hình như là con Bích nó đoán biết cái gì. Khổ quá!
- Thôi dẹp hết. Em bịa với cô rằng dạo nầy em mệt trong người, thì anh cũng nên bịa chuyện như em để giải thích sự năng đi đêm của anh.
- À, anh cần giải thích chính với em đây, sự vắng mặt của anh, tối mai.
- Sao vậy?
- Có một buổi diễn thuyết rất quan trọng.
- Hông, buổi diễn thuyết nào cũng không quan trọng hết.
Liễu ngã vào người chàng và nhõng nhẽo nói như vậy.
Bấy giờ Lưu mới ẵm bạn lên. Chàng nâng Liễu lên thật cao, cho trán nàng chạm phải mũi chàng, rồi hạ nàng xuống và giải thích:
- Diễn giả là một nhà luật học Ðức, nói về đề tài “Pháp luật và tập quán”, anh cần phải nghe mới được.
- Nhất định không. Nếu đêm mai là tối chúa nhựt em còn tha thứ được, chớ chỉ là ngày thường thôi thì anh phải vào đây với em.
- Sao tối chúa nhựt anh lại được buông tha?
Lưu vừa đưa bạn lại giường, vừa hỏi như vậy.
- Vì chúa nhựt em đi Biên Hòa với anh buổi sáng, buổi tối thiếu anh, em đỡ nhớ phần nào.
- À, đi Biên Hòa. Té ra chúa nhựt nầy ta đi Biên Hòa?
- Dĩ nhiên. Ta phải đi hành hương ở các nơi mà ta đã gặp gỡ nhau mới được.
Lưu mở ngay cây đèn đầu giường, ngóc đầu dậy và nói:
- Anh phải ngắm lại cô gái dìu ông nội đi thăm bà nội mới được.
Ðôi bạn nhìn nhau rất lâu, rồi Liễu cười hỏi:
- Có tìm lại được cô gái ấy hay không?
- Có, nhưng cô ta đã hết trẻ con nữa rồi.
- Có tiếc không?
- Trái lại nữa. Nhờ hết trẻ con mà cô ta đẹp hơn lên bội phần.
Lưu cắn một ngón tay của Liễu, ngậm ngón tay ấy và nói tiếp:
- Ngày ấy anh muốn cắn em như thế nầy.
- Tồi. Không hề nghĩ thanh cao hơn?
Lưu không đáp. Chàng vẫn lấy làm kỳ cho thể chất của người đàn bà. Không, Liễu không giả dối đâu, khi hỏi câu đó, khi mắng chàng tồi. Quả ngày ấy, nàng không có nghĩ quấy, mặc dầu nàng có bị chàng đánh sét lên đầu đi nữa. Phụ nữ họ rất trầm tĩnh về phương diện nhu cầu sinh lý, và Liễu đã “phụ nữ”, y như bao nhiêu phụ nữ khác.
Nhưng giờ nàng không phụ nữ nữa, hay chỉ còn “phụ nữ” một cách đặc biệt mà thôi, phụ nữ theo một loại riêng. Đó là hạng phụ nữ sinh lực vượt bực.
Liễu là một phụ nữ đặc biệt loại đó, thứ phụ nữ mà chàng thấy tả trong loại sách chuyên môn, và có nghe bạn hữu nói đến nhiều lần.
Lúc chàng chuẩn bị tuột dây, Liễu căn dặn:
- Mốt, chúa nhựt, mặc dầu đi Biên Hòa với nhau ban ngày, nhưng tối vẫn phải vô đây nhé.
- Nếu đêm mai anh cứ đi nghe diễn thuyết?
- Em không đủ can đảm tự tử thì em sẽ xé xác anh ra.
Lưu rợn người lên trước cái câu có vẻ là nói đùa ấy. Lời thì là lời nói đùa thật đó, nhưng giọng nói của Liễu thế nào mà Lưu không còn nuôi ảo tưởng nào được hết, và chàng phải hiểu rằng lời hăm dọa đó là một cái lịnh.
Người con trai nào mới cưới vợ, hoặc mới có nhơn tình lần đầu, cũng lạm dụng ái tình quá mức nhu cầu thật sự của họ. Nhưng rồi tự họ, họ trở lại bình thường trong cuộc giao tiếp với người đàn bà họ vẫn còn yêu y như trong những ngày đầu.
Lưu thì khác. Chàng ở trong tình thế bị động và không lạm dụng, chàng vẫn bị lạm dụng mà lạm dụng quá mức rất cao, thành thử cái ngày mà tự chàng, chàng muốn trở lại bình thường, tới sớm hơn là những người con trai khác.
Nhưng không thể được.
Tự ái của giống đực ngăn chàng đầu hàng, còn kiếm cớ để nghỉ ngơi thì không cớ nào mà không bị bác bỏ một cách cương quyết.
Thế nên, sáng chúa nhựt hôm nay, sau mười hai ngày họ yêu nhau, Lưu rất nhẹ người mà được vào thăm bạn một cách trong sạch. Liễu trặc chơn, nghỉ đi Biên Hòa một chuyến, nên nằm nhà.
Ðây là lần đầu chàng đi thăm người yêu ban ngày, rất bồn chồn trên đường vào Gia Định, để xem cảm giác ra sao vì từ giây phút mà chàng tỏ tình với Liễu tới nay, họ chỉ gặp nhau trong một thứ ánh sáng mờ.
Cái bữa ăn sáng lần trước được tái diễn, y hệt như trước với những món ăn món uống trước. Nhưng con Toto thì thân hơn với chàng. Liễu cười nói:
- Em cố ý không thay đổi gì hết để giúp anh sống lại những giây phút của buổi ban đầu.
- Cám ơn em, nhưng anh lại không biết làm gì để giúp em sống thụt lùi như anh.
- Anh đã giúp rồi, hôm ta đi Biên Hòa, bằng cách đứng nói triết lý trên cầu gỗ.
Ðịa danh Biên Hòa nhắc Lưu một ngày mà chàng còn ngấy, nên chàng nhìn lại bạn kỹ hơn. Không, bề ngoài, gương mặt của Liễu không có mang những dấu hiệu mà người bình thường cho là sự bộc lộ bên ngoài của một cá tánh dâm đãng. Tin tưởng của ta sai lầm về vấn đề ấy. Không có dấu hiệu bên ngoài nào cả, mà nếu có thì có lẽ đó lại không phải là dấu hiệu dâm đãng.
Liễu có vẻ người lớn ra phết: và nàng đẹp hẳn ra. Ấy, về phương diện nầy thì có dấu hiệu đây. Nàng đã thành đàn bà trông thấy, nhưng mà cũng chỉ trông thấy đối với những người thường gần gũi nàng mà thôi, thành thử dấu hiệu thành đàn bà, cũng không phải hẳn là dấu hiệu.
Sau bữa ăn sáng, cần có buổi tắm nắng và Liễu hứng những tia cực tím của mặt trời vẫn trong bộ y phục ngày ấy, tức là chiếc din màu đỏ và săng-đai [21] trắng.
Nàng vẫn đi giày muyn [22] mũi nhọn nhưng không còn đánh nhịp 3/4 nữa vì chơn nàng trặc, đau lắm, cục cựa rất khó khăn.
- Người lớn đang nghĩ gì?
Lưu hỏi đùa bằng cách nhắc lại hai tiếng “người lớn” chế giễu của chàng.
Nhưng Liễu không cười, nghiêm trang đáp:
- Bây giờ em mới nghe em thật là người lớn. Em đã trường thành thật sự rồi anh.
- Có chắc lắm không?
- Chắc một trăm phần trăm. Hôm nay em sáng tác được một bức tranh và đó là bức tranh đầu mà đáng kể của em.
- Sẽ cho anh xem chớ?
- Cố nhiên. Lát nữa vào nhà, anh sẽ thấy. Trong em, cái gì cũng thay đổi cả, từ cơ thể đến cảm nghĩ. Em tự tin hơn, bên trong, còn bề ngoài thì em thấy em chững chạc hơn trong lúc đi đứng, nói năng.
- Nào, ta vào nhà xem tranh coi nào.
Thật ra thì Lưu không nôn nao xem tranh của cô nữ họa sĩ tập sự nầy. Chàng không quen tắm nắng như Liễu, nên ngồi lâu ở đây khó chịu, chàng chỉ muốn tránh cái khổ dịch nầy mà thôi.
- Vội dữ vậy à?
- Vì anh nóng xem tranh.
Ðôi bạn đồng đứng lên để vào nhà.
Bức tranh vẽ bằng goách của Liễu còn nằm trên giá, giá nầy đặt bên khu đồ cổ của phòng khách.
Vừa bước qua khỏi ngưỡng của, Liễu đã chỉ tay vào hướng đó và nói:
- Em đặt tên bức họa nầy là “Nắng trưa trên đường phố”.
Thoạt thấy bức vẽ, Lưu ngỡ đó là tranh trừu tượng vì không nhận ra hình dáng của cái gì rõ rệt cả, nhưng nghe bạn nói như vậy, chàng mới hay rằng là không phải và mới cố tìm hình trong tranh.
Tranh đen trắng. Ðó là một điểm làm cho Lưu ngạc nhiên. Thường vẽ tranh như viết văn, những người mới sáng tác rất ưa huê dạng, trong tranh thì bằng màu mè, trong văn thì dùng sáo ngữ rất kêu. Y như các phim dở cần téc-ni-cô-lo [23] để che lấp cái rỗng của nội dung phim, cái vụng của hình thức phim.
Cho đến cả đề tài tranh cũng không phải là đề tài mà những người mới vẽ ưa chọn lựa. Thường thì người ta thích vẽ cảnh đẹp, người đẹp, vì đầu đề ấy cứu vãn được sự không đẹp của chính bức tranh, người xem tranh, ít ra cũng có cái gì để mà xem.
Nắng trưa là một đề tài không thể gạt gẫm như nắng sớm trong vườn hoa, ao sen trong thảo cầm viên hoặc thiếu nữ chải tóc, thiếu phụ dỗ con ngủ dưới ánh đèn mờ.
- Ðẹp lắm! Lưu khen.
- Lấy lòng hả?
- Không, anh khen thật tình và anh tin rằng em sẽ đi xa lắm.
Lưu rất dốt lý thuyết hội họa. Nếu bảo chàng cắt nghĩa cái đẹp của một bức tranh, chàng sẽ không biết nói sao hết, nhưng chàng phân biệt được một bức tranh đẹp với một bức tranh chỉ hào nhoáng bên ngoài.
Vẽ nắng, Liễu diễn tả bằng yếu tố trái ngược lại. Nàng vẽ bóng đen nhiều hơn là ánh sáng, bóng râm mát của một đoạn đường nào đó không biết, nhưng chính nhờ thế mà ánh nắng gay gắt của một buổi trưa Sàigòn, một buổi trưa của mùa hè suốt năm, nổi bật lên.
Lưu biết rằng đây không phải là một bức danh họa, vì một sinh viên năm thứ nhứt còn phải học hỏi, tìm tòi trong nhiều năm nữa, nhưng đó là một bước tiên phuông không chập chững chút nào. Mắt Lưu rời bức tranh, đặt vào người bạn của chàng.
Qua lịch sử các nước và Việt Nam, chàng nhận thấy rằng những người đàn bà dâm đãng thường thì rất lắm tài, bất cứ trong địa hạt nào, doanh thương, chính trị, nghệ thuật.
Chàng không biết rằng một bản chất dâm đãng là nguyên nhân gây hậu quả của tài năng, nhưng chắc chắn là hai thứ đó liên hệ mật thiết với nhau.
Nếu những người đàn bà dâm đãng ấy mà không có tài, hay nói cho đúng hơn, không trổ tài được, là tại họ điên loạn trước khi tài họ xuất hiện.
Hình như là tài hoa nơi họ chỉ trổ được khi họ còn giữ được một mức thăng bằng nào đó và nó tiến lên song song với bản chất dâm đãng của họ, càng dâm, họ càng tài, mà khi bản chất nầy vượt quá độ tối cao, sự thăng bằng bị cắt đứt và khách tài hoa trở thành một con bịnh.
Ðã bảo những người đàn bà dâm đãng, tài ba lỗi lạc trong bất cứ địa hạt nào, mà cũng nên biết thêm rằng những người ấy luôn luôn nghe thích hoạt động trong một địa hạt nào đó, chớ không hề cam phận sống tối tăm đời sống nội trợ thường, mà học toàn những ngành hoạt động cần nhiều năng khiếu và tài ba, văn nghệ, chánh trị, khoa học, doanh thương v.v... chớ cũng không phải hoạt động thường, như dạy học, chẳng hạn, mà đủ cho họ.
Nhờ thế mà người ta mới nhận thấy sự liên hệ giữa tài năng và bản chất dâm đãng chớ nếu họ bằng lòng với một đời sống tối tăm thì không ai dè có sự kiện, có hiện tượng ấy cả.
Xem bức tranh hứa hẹn nầy rồi, Lưu không còn thắc mắc vì sự quá bồng bột trong yêu đương của Liễu nữa. Nhưng một mối lo ngại lại nổi lên. Liệu Liễu có giữ được mãi sự thăng bằng hay không?
Những nét vẽ của Liễu có thể đặt nàng vào họa phái dã thú. Lối vẽ ấy, và cái đề tài nóng bức tuy thế mà còn được tiết chế lại bằng cách vẫn ở trong quan niệm cổ điển phần nào, là vẽ có hình có dáng, con mắt phàm phu nhìn kỹ còn biết được nàng vẽ cái gì.
Lưu không cả quyết rằng các họa sĩ trong các phái trừu tượng là người điên, nhưng dầu sao, họ cũng hơi hơi mất thăng bằng phần nào, và thấy rõ là Liễu như cố giữ thăng bằng là tuy không cổ điển hoàn toàn nhưng cũng chưa ngã hẳn qua trừu tượng, mặc dầu đề tài mà nàng chọn có hơi bộc lộ cái sinh lực chực bùng nổ lên của nàng.
Liệu Liễu sẽ làm chủ được lâu dài tâm thần và bản ngã nàng hay không?
Liễu bỏ bạn đứng đó, chạy ra sau có việc gì ấy không rõ, đã thân nhau quá rồi, nàng thấy bổn phận cầm khách của nàng được giảm cho nên không cần có mặt luôn luôn.
Đứng một mình, Lưu buồn, bước lại cái tủ sách mà Liễu nói rằng là chứa toàn công báo.
Quả đúng như vậy. Ông cựu Ðốc phủ sứ Trịnh Đức Hải mê công văn như người ta mê thơ, và mỗi mười hai quyển. “Công báo Đông Dương” được đóng lại thành một tập bìa da dê thật, với chữ mạ vàng nơi gáy in rất khéo.
Tuy nhiên trong mớ công báo ấy cũng có xen vài quyển sách thường, chẳng hạn như “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký, “Minh tâm bửu giám” cũng của Trương Vĩnh Ký.
Bỗng người tình của cô nữ họa sĩ tập sự lặng người đi, trước một quyển sách, à không, trước hai quyển sách đóng chung lại thành một tập, chân gáy sách mang tên bà nội ruột của Liễu mà chàng biết được vào một đêm nàng tâm sự về gia đạo với chàng: Bà Nguyễn thị Yến!
Tên của hai quyển sách nầy được khắc rõ trên gáy sách. Đó là quyển “Cầm ca tân điệu” và quyển “Hà hương phong nguyệt”.
“Hà hương phong nguyệt” là một tiểu thuyết khiêu dâm khét tiếng của thế hệ trước nữa, thế hệ ông nội của Liễu, do nhà văn Lê Hoằng Mưu biệt hiệu Mộng Huê Lầu sáng tác bằng văn biền ngẩu, có đoạn bằng cả thơ lục bát nữa mà không sắp chữ để in như thơ, mà sắp liên tục như là văn xuôi vậy.
Đó là những điều mà chàng được biết một cách tình cờ, trong câu chuyện của những người cao niên, chớ chàng chưa hề được đọc, được thấy mặt cái tác phẩm đã trở thành quí giá vô song vì quá hiếm hoi ngày nay.
Chàng thừ người ra, tự hỏi sao một bà Ðốc phủ sứ lại đọc sách khiêu dâm, mà nhứt là trang trọng cất giữ, chưng bày quyển dâm thư ấy ra như thế nầy.
Lưu kéo thử cửa tủ thì thấy tủ không có khóa. Chàng mở tủ ra, và vừa thò tay vào đó thì Liễu trở lên với hai ly mãng cầu xiêm trộn đường, ướp nước đá, có lẽ chính tay nàng soạn lấy nãy giờ.
Lưu hoảng sợ, còn chưa biết tính sao thì Liễu cười hỏi đùa:
- Ăn cắp sách gì đó, ông luật sư?
Vừa nói, nàng vừa bước lại gần chàng để xem chàng tò mò về cái gì.
Lưu điếng người, rất sợ Liễu biết về tác phẩm nói trên và ngăn cản chàng. Nhưng chắc là Liễu không biết vì nàng không hề đọc sách trong tủ nầy. Vả lại nàng không thấy tên của quyển sách.
Vì lụp chụp và không quan tâm đến cử chỉ của bạn, nàng chỉ đọc sơ qua tên của quyển đầu thôi:
- Cầm ca tân điệu, chắc là bà nội học thêm nhạc lý ta.
- Cho mượn nhé?
- Anh đọc thứ đó làm gì cho nhức đầu?
- Ðâu có, anh rất cần vì anh đang học đàn tranh.
- Vậy à? Thì cứ lấy đi.
Ðôi bạn ăn món ăn có tính cách giải khát mà Liễu đã mang ra từ nãy đến giờ trong im lặng. Lưu bận nghĩ ngợi về quyển dâm thư mà chàng vừa phát kiến trong một tủ sách ba đời, nên không nói gì, còn Liễu là chủ nhà, nhưng lại nghe mình là bà chủ nhà, nên có khuynh hướng nhường việc ăn nói lại cho chồng.
Lâu lắm, nàng bỗng dặn khẽ:
- Tối anh vào trễ một tiếng đồng hồ nhé.
Lưu giật mình hỏi:
- Hử!
- Tối anh vô trễ một tiếng đồng hồ vì tối nay ba má tới thăm ông nội. Ba má không ở lâu, như anh đã có dịp thấy! Nhưng em lại không biết giờ giấc ba má đến thì anh cứ lùi lại cho thật lâu là chắc ăn.
- Ừ.
Chị người nhà bưng ra hai ly nước ướp lạnh. Lưu ăn thật lẹ, chàng đã làm rốc ly rồi trong khi ly mãng cầu của Liễu chỉ mới vơi phân nửa.
Chàng vội vàng uống cạn ly nước mát rồi nói:
- Thôi để anh về, vì anh còn bận ghé Ða Kao có chút việc.
- Nhớ lời em căn dặn nhé.
- Rất nhớ.
Tiễn bạn ra cổng, Liễu hơi ngạc nhiên mà nhận thấy bạn nàng sao mà như là lo âu, bối rối buồn bực vì cái gì.
- Anh sao vậy? - Nàng hỏi.
- Gì?
- Trông anh như người mất hồn.
Lưu gượng cười hề hề rồi đáp:
- Hơi hơi khó chịu vì mùi vanille của mãng cầu.
Một lần nữa, chàng lại nói sự thật, nhưng vẫn nói láo như thường. Quả chàng không chịu được mùi vanille mà nhiều người rất ưa, nhưng chàng lo ra đâu có phải vì thế.
- Vậy à? Em có biết đâu. Hèn chi mà Bích rất không ưa kem vanille. Em biết thì từ rày em tha anh chất ấy! Anh nên nghĩ đến chuyện khác là một lát nó quên đi.
- Anh buồn nôn lắm! Thôi, anh đi em nhé.
Hai tiếng “buồn nôn” của Lưu giúp Liễu không thắc mắc trước sự ra đi không bịn rịn, quá lạnh lạt của bạn nàng, vì nàng đinh ninh rằng Lưu rất khổ sở vì mùi vanille, mà ai không ưa mùi vị gì, buồn nôn trước mùi vị ấy lắm, mà không thiết đến gì nữa cả.
° ° ° ° °
Về tới nhà, Lưu hối hả lên lầu, hối hả vào buồng mình vì chàng rất sợ Bích thấy quyển sách rồi tò mò đòi xem.
Bích đang bận dưới bếp và quả nàng có thấy quyển sách nhưng nàng không tò mò, vì bận, với lại vì tưởng đó là sách luật.
Lưu khép của buồng lại rồi ngồi 1ại bàn viết của chàng và mở sách ra liền.
Mùi mốc meo ẩm ướt và mùi bụi thời gian xông lên nực nồng, làm cho chàng nhảy mũi ba bốn cái liên tiếp.
Sách khổ lớn, khổ cổ điển của miền Nam vào đầu thế kỷ nầy mà hiện nay nhiều sách xưa tái bản, như là “Thuyết Đường diễn nghĩa”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lâm Sanh Xuân Nương” v.v... vẫn còn theo.
Giấy sách đã vàng khè, sờ nghe nó giòn lắm, nên chi Lưu lật sách rất cẩn thận.
“Cầm ca tân điệu” quả thật là một quyển sách dạy đờn có phụ lục in những bản lớn, những “bản thầy” và chắc bà cụ cần cái phụ lục nầy chớ phần nhạc lý phía trước không có gì đáng đọc, đối với một con người đã chơi đàn từ lâu rồi như bà cụ nầy. Vâng, trên gáy sách có in năm được đóng bìa là năm 1930, mà năm đó, bà cụ đã ba mươi rồi, còn Liễu thì cho chàng biết bà cụ hay đàn tranh hồi thuở còn con gái lận.
“Hà hương phong nguyệt” là một quyển tiểu thuyết rất mỏng và Lưu rất ngạc nhiên khi lật tới trang chót, thấy một chữ CHUNG to tướng rồi mà sau đó, còn một xấp giấy gì nữa ấy.
Hết trang chót rồi tới cái bìa, bên trong quảng cáo cho nhà xuất bản, tự gọi là tiệm sách, bằng thơ lục bát:
Đôi lời ngỏ với lục châu
Khui tiệm buôn bán đã hầu mười năm
Nhờ ơn chư vị hảo tâm
Gởi thơ buôn bán tri âm bấy chầy.
.....
Dưới bài thơ quảng cáo còn một bài nữa, viết tay. Bài thơ nầy không biết tác giả là ai, nhưng sách xưa nào của miền Nam cũng mang nó nơi bìa, do chủ của quyển sách viết lấy để mắng khéo bạn mượn sách, Lưu đã có dịp đọc bài thơ nầy ở nơi khác rồi. Thơ rằng:
Có tiền mua lấy để mà coi
Mất công cho mượn, mất công đòi
Quân tử đưa ra nào có tiếc
(Nhưng) Mất công cho mượn mất công đòi
Nhìn tuồng chữ, những nét mực đã phai màu, Lưu bùi ngùi nhớ đến một thời, không xa 1ắm, vì mới có nửa thế kỷ đã qua mà thôi, nhưng người thời ấy đã ra tro bụi hết cả rồi, và cảm nghĩ của họ, lời ăn tiếng nói của họ bị thế hệ nầy biến khác đi hết.
Nhưng con người muôn thuở vẫn có nơi họ, từ ngày ấy và tiếp tục nơi con cháu họ bây giờ. Họ đã làm dâm thư, đã đọc dâm thư.
Lưu lại lật qua trang rồi chết sững.
Lâu lắm và lâu lắm chàng mới ra khỏi cơn hôn mê mà trong đó hai bóng ma hiện lên. Hai bóng ma? Vâng, hai bóng ma phụ nữ, vì đây là bút tích của bà cụ điên lâu đời đang nằm trên Dưỡng trí viện Biên Hòa.
Không hiểu sao, Lưu vội xếp sách lại không muốn đọc nữa, mặc dầu tập chót, tập:
Nhựt ký
của bà Trịnh Đức Hải.
Nhũ danh Ngô Thị Hường
gợi tò mò của chàng ghê lắm.
Tấn thảm kịch của thế hệ thứ nhứt trong gia đình Liễu, tấn thảm kịch đoán thấy ấy đã xô chàng vào gia đình họ Trịnh nhưng giờ đã muộn lắm rồi, chàng đã yêu Liễu rồi thì không nên biết gì hơn, nếu quả có thảm kịch nầy.
Đã tới giờ cơm rồi, nên Lưu thay đồ mát để xuống nhà.
Không có gì lạ xảy ra trong bữa ăn, mặc dầu chàng bị kích thích quá mức, ngồi không yên nơi. Cả nhà như đoán biết rằng chàng đã yêu, mẹ chàng và Bích lo sợ lúc đầu, rồi qua một tuần lễ, người ta đâm chán đi vì thấy mình bất lực ngăn cản chàng, nên rồi những lời hỏi đon hỏi ren không còn nữa, mà cũng chẳng ai buồn theo dõi, rình rập xem chàng buồn hay vui.
Hôm nay Lưu ăn thật ít và thật vội vàng, nhưng đến cô Bích tò mò là như thế mà cũng chẳng buồn ngạc nhiên. Ăn xong, chàng lên lầu liền.
NHỰT KÝ
Của.............
Giấy viết nhựt ký là giấy gọi là “giấy ống Bồ” rất được trọng dụng ngày trước trong các gia đình giàu có. Tờ giấy thật dầy, thật nặng, màu ngà, đưa lên mặt trời thấy hình một con voi giữa tờ.
Khổ giấy to hơn khổ sách một ít, và được cắt xén trước khi viết nên nó bằng y cỡ của quyển sách đóng chung với nó.
Hình như là người viết đã dùng mực Tàu, nên tập nhựt ký xem cứ như là mới viết vì giấy ống Bồ màu ngà không ngã màu mà mực Tàu cũng “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Bàn tay run run, Lưu lật qua tờ đầu của tập nhựt ký, tờ mang tên họ người viết, dùng làm bìa và những trang nhựt ký bắt đầu.
8 Octobre 1925 - Dọn nhà đã xong, thật là nhẹ.
Nếu như đây là những tờ sách, Lưu đã không nghe sao cả, vì sách sử chẳng hạn thường nói đến những ngày tháng xa xôi hằng nhiều thế kỷ xưa. Nhưng mấy dòng chữ nầy lại là chữ viết tay, lại còn như mới ràng ràng, chàng không sao mà không có ảo tưởng rằng mình đang sống cùng thời với người viết nhựt ký.
Rồi ảo tưởng ấy tan biến liền, chàng ý thức về khoảng xa cách giữa bà cụ nầy và chàng, giữa năm 1925 và năm 1965. Ðúng bốn mươi năm rồi, nên chàng nghe nao nao buồn về kiếp phù du của con người.
Lưu đọc tiếp những điều bà cụ ghi trong ngày 8 tháng mười dương lịch năm 1925 ấy
...................................................................................................... là nhẹ.
“Tình đời nghĩ cũng nực cười. Khi ông nhà mình, từ Nam Kỳ Soái phủ đổi xuống làm ông Quận ở Cai Lậy thì hương chức hội tề dưới ấy họ gởi người, gởi ghe lên Sàigòn để chở đồ đạc nhà mình xuống dưới ấy.
“Nay ông nhà mình lại đổi trở lên Gia Định thì vợ con phải chịu cực nhọc chớ không ai giúp hết. Có đón mà không có đưa.
“May là ông nhà mình làm quan thanh liêm đa!
“Chắc họ bận đón người mới, có công đâu mà tiễn người cũ là kẻ mà họ hết nhờ cậy.
“Nhưng ông nhà mình lại là người mới ở tỉnh thành Gia Định nầy, cớ sao lại... À, dân ở đây là dân Sàigòn mà, đâu có sợ quan như dân ở tỉnh.
“Bọn hội tề họ cũng giỏi tin tức lắm đó chớ. Các ông Quận sắp đáo nhậm quận của họ, tên gì, từ đâu đến, họ biết trước hết thảy, đi rước ăn khớp, trơn vo vo”.
9 Octobre 1925 - Ông nhà mình chỉ mới là Tri Huyện hạng nhứt thôi, mà được giữ chức Thơ ký tỉnh [24] thôi thì cũng tạm an ủi được.
Chỉ phiền là bổng thì có cao hơn nhưng lộc lại khô queo. Đi chủ quận, có thanh liêm tới bực nào, lộc cũng dồi dào, không nhận cũng chẳng được với họ.
15 Octobre 1925 - Ông Huyện ổng lại ưa Sàigòn hơn tỉnh mới kỳ. Ở đây đã khô queo, còn gặp cảnh củi quế gạo châu nữa, làm sao mà vợ chồng khá lên cho được. Ðể mình ráng thuyết ổng thử coi.
22 Octobre 1925 - Mình vừa đọc hết tiểu thuyết “Tiền bạc bạc tiền” của Hồ Văn Trung tự Biểu Chánh. Hay quá! Ông ấy cũng là một viên Tri phủ Tây học mà làm văn hay như nhà nho.
Mình không hiểu tại sao dạo nầy thiên hạ lại mê tiểu thuyết “Châu về Hiệp phố” của Phú Đức đăng trong nhựt trình Trung Lập Báo dữ vậy không rõ. Trong tiểu thuyết của Phú Đức chỉ thấy oánh lộn và oánh lộn chớ đâu có nói chuyện thế thái nhơn tình như trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
À, chắc ông Huyện nhà mình ổng nhiễm bạn đồng liêu của ổng là ông Phủ Trung, tự Biểu Chánh, nhiễm cái quan niệm không ưa tiền bạc trong tiểu thuyết của ông ấy, nên mới đòi nằm rục xương rục cốt tại đất Bà Chiểu nầy.
12 Novembre 1925 - Hồi chiều nầy, đi vòng lớn Hàng Sanh thú vị quá. Xe song mã êm thiệt, sang thiệt.
Mình thích chí, thưởng thằng Xê-ít [25] Chà-và tới năm cắc.
Khi xe chạy qua cầu Hội Đồng Sầm, ông Huyện của mình ổng thấy đám đất ở đầu cầu, dựa bờ rạch nước xanh um như nước biển, ông mê chết đi.
Ổng đòi mua miếng đất ấy để cất nhà.
Mình phải ráng làm cho ổng đổi ý. Ổng mà cất nhà tại đất nầy thì ổng sẽ vận động ở Sàigòn trọn kiếp, không làm sao mà ngóc đầu lên được!”
Lưu ngừng đọc, ngó mông vào khoảng không.
Hình ảnh của Sàigòn ngày xưa hiện lên, lũ lượt kéo qua trước mắt chàng như những hình trên mặt của một cây đèn kéo quân.
Bóng ma dĩ vãng nổi lên rất đông đúc, và mặc dầu người viết những trang nhựt ký nầy hiện còn sống, chàng vẫn có cảm giác rằng “'nàng” là một bóng ma.
“Nàng”? Vâng, không làm sao mà Lưu hình dung được rằng kẻ viết những dòng nầy là bà cụ sáu mươi trên Biên Hòa. Chàng chỉ thấy trước mắt chàng một thiếu phụ hăm sáu, đài các tột bực vì “nàng” là vợ của một công chức trong cấp “quyền uy”, cao cấp nhứt của người bổn xứ.
Thì ra, chỉ trong vòng có bốn mươi năm mà Sàigòn thay đổi rất nhiều, thay đổi từ ngọn đến gốc cho đến cái việc nho nhỏ là tiểu thuyết đăng báo, cũng đã trải qua bao cuộc bể dâu. Thuở ấy ông Phú Đức vừa lên mà giờ không ai nói đến ông nữa cả.
24 Décembre 1925 - Ðêm nay Chúa giáng sinh và mình đã bại trận, vì ông Huyện ổng cho mình biết rằng ổng đã mua miếng đất đó rồi.
Thôi, số phận ai nấy chịu, không làm sao mà cưỡng lại được số trời.
Nhưng buồn quá, cái đêm Chúa giáng sinh nầy! Mình về với ông Huyện đã bốn năm rồi mà vẫn hiếm hoi, không sanh nở lần nào hết.
Ông Huyện ổng buồn lắm, bên cha mẹ chồng mình buồn lắm. Không khéo, họ lại xúi ổng kiếm vợ bé thì chết mình!
Một lần nữa, Lưu vội xếp sách lại rồi đi nằm liền. Lần nầy chàng hoảng sợ thật sự, chớ không phải chỉ do dự như trước bữa cơm trưa nữa.
Bà Huyện Hường đã nói lên hai tiếng “vợ bé”. Mặc dầu Liễu đã đính chánh rằng bà nội ruột của nàng chỉ là vợ thứ thôi chớ không phải vợ bé, không có gì chứng tỏ rằng nàng biết hết sự thật, và có thể cô giáo Yến sắp ra sân khấu rồi đây.
Lưu nằm một hơi rồi ngủ quên luôn. Khí hậu Sàigòn vào mùa nóng nực làm cho nặng mí mắt của mọi người sau bữa cơm trưa, kể cả những người có niềm riêng, có lo nghĩ lớn.
Khi Lưu giựt mình thức dậy thì chàng nghe bần thần vô cùng, như vừa đau ốm mới khỏi. Chàng vừa sống với ma trong một âm khí nặng nề nó đè nặng lên cơ thể và tâm thần chàng.
Lạ quá, chuyện đời xưa, chuyện Lê Lợi, Trịnh Sâm chẳng hạn, sao mà ta đọc, ta nghe dửng dưng, nhưng chuyện xưa ít ít, xưa chừng vài mươi năm lại như có linh hồn và linh hồn của nó còn phảng phất đâu đây, mặc dầu đó là những chuyện lặt vặt, bì sao cho được chuyện người anh hùng núi Lam đánh giặc dựng nước. Hay có lẽ chính vì đó là những chuyện lặt vặt nên ta nghe nó có sự sống? Vâng, những người kể chuyện hay là những người hay nói cà kê về những chi tiết nho nhỏ quanh câu chuyện đã thổi sinh khí vào câu chuyện và làm sống dậy những vật vô tri, vô giác, những người khuất bóng, như một tay phù thủy hà hơi cho một xác chết đứng lên mà hoạt động.
Chàng dậy, xuống dưới nhà để tắm, và tắm xong, nghe khỏe khoắn lạ, chàng lại lên lầu để đọc tiếp tập nhựt ký của người thiếu phụ hiếm hoi, làm như là hễ trong người ta thơ thới thì ta có thể chống trả với bất kỳ niềm đau, nỗi buồn nào, không phải sợ nó nữa.
18 Janvier 1926 - Hồi Sáng, mình đi sắm Tết ngoài chợ Bến Thành.
Mấy thằng xe nước của Xã Tây [26] là mấy thằng dịch vật. Mình phải nói với ông Huyện để ổng mét với ông Phó Xã mới được.
Chúng nó tưới đường [27] mà hễ gặp đàn bà con gái thì xịt nước vào người ta rồi rộ lên mà cười với nhau. Thật là coi rẻ nhân phẩm của người dân.
Nhưng từ thuở giờ chúng nó chỉ dám xịt mấy chị áo bà ba thôi, bữa nay quân đó lại cả gan xịt vào các bà các cô sang trọng nữa.
Nhưng nhờ vậy mới có sự can thiệp của mình (và mình mới gặp lại Yến).
“Rồi, cô giáo Yến đã ra sân khấu rồi đây!” Lưu lẩm bẩm như vậy. Và kể từ trang nhựt ký nầy, không gì ngăn chàng đọc tiếp được hết, bởi chàng đã lọt vào bộ trái khế răng cưa của guồng máy nó lôi cuốn chàng vào đó mãi.
Trọn đời, chàng không hề đọc dâm thư “Hà hương phong nguyệt” mà chàng đã mượn để xem cho biết tiểu thuyết ấy kể câu chuyện gì, vì khi chàng đọc hết quyển nhựt ký nầy thì tai họa xảy ra liền trong đời... chàng.
Đêm nay, chàng sẽ không vào thăm bạn, vì chàng bận đọc nhựt ký, bất kể Liễu trách móc hay giận hờn về sau. Nhưng không bao giờ có cái về sau ấy cả.
19 Janvier 1926 - Mới tái ngộ hôm qua, nay đã phải xa nhau rồi. Yến có về quê ăn Tết và nó đến từ giã mình [28]
Yến trẻ hơn mình một tuổi. Nó tuổi dần.
Mấy ông thầy coi ngày, coi tuổi, họ nói lẩm rẩm mà đúng lắm đó chớ. Tuổi dần số phận long đong lắm. Yến nó lịch sự [29] ghê hồn, vậy mà mãi tới bây giờ nó cũng chưa lấy chồng được [30].
Hay là chỉ tại tình thế chớ không phải vì cái tuổi Dần của nó? Ừ, phụ nữ mà làm thầy, làm bà, thì người ta ít dám vói tới lắm. Những người bậc ông thì họ tìm con gái nhà giàu, chớ không cần cô giáo cho lắm. Tội nghiệp!
6 Février 1926 - Bữa nay là mùng 6 tháng giêng ta. Ông Huyện ổng muốn “1ấy” ngày tốt nên cho thợ đào móng để xây nền nhà. Mình ưa kiểu nhà lai hơn, nhưng ổng lại thích kiểu nhà Tây chánh hiệu. À, mà ổng thích kiểu nhà Thụy Sĩ mới là kỳ cho chớ.
Tới đây tập nhựt ký mất rất nhiều trang, không biết được là bao nhiêu vì các trang không được đánh số, thì tập nầy nhảy vọt đến gần một con trăng.
30 Mars 1926 - Đám ma Quách Đàm lớn ghê hồn, từ cổ chí kim, chưa hề nghe nói đám nào rình rang đến như vậy, kể cả đám ma vua chúa nữa.
Ông ấy giàu quá sức, dám đổ tiền ra cất một cái Chợ Lớn nhứt nước, chợ Bình Tây, rồi tặng không nhà nước.
Nhưng rồi cũng không còn gì, nghe đâu vợ con ổng thấy rằng đã sạt nghiệp rồi thì cho sạt nghiệp luôn nên lãng phí quá lẽ trong đám ma nầy. Bất kỳ ai, lạ hay quen mặc kệ, mà đến phúng điếu là họ tặng lại một trăm đồng bạc, thành ra tất cả cắc-chú trong Chợ Lớn đều phúng điếu ông ấy, mà họ đông hàng trăm hàng ngàn, tiền tặng lên tới bạc triệu.
Mà chưa hết đâu. Ngày đưa đám bất kỳ ai đi theo xe tang cũng được tặng một cây quạt giấy xếp lại trong đó có giấu một tờ giấy năm đồng, thành ra đám ma đi từ sáng tới chiều mà cái đuôi vẫn còn.
Thật là điên của.
Năm mươi năm sau, không biết còn ai nhớ tới Quách Ðàm hay chăng?
Kiếp người phù du quá! Năm mươi năm sau, mình sẽ ra sao mặc dầu bây giờ mình là bà lớn An Nam đầu tỉnh?
Nói rằng ở Sài gòn không lễ lộc là sánh với tỉnh kìa, chớ vẫn có. Hôm Tết họ đi lễ rượu sâm-banh [31], rượu cổ-nhác [32], thùng nầy đến thùng kia, không có chỗ mà cất cho hết.
Ông Huyện ổng biểu mình làm mặt xấu, ra Sài gòn kêu các hiệu Épicerie [33] mà bán rẻ lại. Nghe đâu các quan khác họ cũng làm như vậy hết.
Thì cũng như các tang gia giàu có vậy mà. Tràng hoa cườm, họ biết cất đâu vì người ta phúng điếu hàng trăm cái, nên rồi tràng hoa ấy ba ngày sau trở về tay các nhà sản xuất.
2 Avril 1926 - Yến có tới chơi. Trời, sao mà bây giờ lỡ thời rồi, nó lại đẹp hơn hồi thời con gái?
Yến tệ quá! Nó cũng dạy học ở Bà Chiểu đây chớ nào có xa xôi gì, vậy mà biết địa chỉ mình từ lâu, nó ít khi để chơn tới đây. Nay có việc cần mình, nó mới chịu “dời gót ngọc” đến. Quả thật gót của nó là gót ngọc. Loại guốc ngù ngà [34] đã xưa rồi, xưa tới năm sáu năm vậy mà nó mang, trông vẫn cứ đẹp, vì cái gót son của nó, cho đến mình là đàn bà mà thấy cũng mê.
Không biết nó làm gì mà bị đổi tuốt xuống Hà Tiên. Nó cầu cứu với mình để nhờ ông Huyện giữ nó lại.
Ông Huyện khó tánh ghê hồn, nhứt là về chuyện nhà nước thì ổng luôn luôn răm rắp, một với một là hai, hễ ai có tội mà kẻ ấy là em cháu ổng, ổng cũng không tha.
Khó nghĩ quá! Nó là bạn thâm giao của mình, vừa mới gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, vui mừng quá không lẽ lại để cho xa nhau nữa.
Vả lại mình cũng cần một người bạn gái lắm.
Mình ưa đi coi hát, mà ông Huyện ổng lại không thèm đi, đàn bà có chồng đi đêm một mình, ai còn coi mình ra gì.
Vợ ông Cò-mi [35] Hồ tối ngày cứ gầy sòng, không còn biết trời đất là gì nữa thì không chơi với con mẹ đó được.
Để mình nói thử với ổng coi sao.
5 Avril 1926 - Ứ hự! Nghe ông Huyện ổng nói mà mình mắc cỡ. Con Yến, mình khoe với ổng là bạn xí-cốt [36] của mình, nhưng ổng coi hồ sơ của nó rồi thì ổng hỡi ôi.
Sỡ dĩ nó bị đổi là do sự can thiệp của con mẹ Cò-mi Hồ. Con mẹ nầy dữ thiệt. Nó ra tới ngoài Sở Học Chánh Nam Kỳ thì con Yến không chết sao được.
Cứ theo lời ông Huyện thì con Yến nó nhí nhảnh ghê hồn đi, bề ngoài thì cũng nghiêm trang như ai, nhưng thật là nó lẳng lơ không chịu được.
Nó đẹp như vậy mà nó cứ cười tình với đàn ông thì có phải nó là con hồ-ly muốn hớp hồn người ta hay không?
Ông Huyện ổng nói thật ra thì chưa có gì đáng tiếc, nhưng ông Cò-mi Hồ là một thằng ngốc. Ai đời chỉ mới được đàn bà con gái liếc mắt đưa tình và cười “miếng-chi” [37] với là đã mừng húm, chạy về khoe ầm lên với vợ là “anh đây có số đào hoa ghê lắm”.
Hèn chi mà con mẹ Cò-mi mê tứ sắc con mẻ không sợ sao được. Con mẻ phải ra tay trước để trừ hậu hoạn chớ.
14 Avril 1926 - Yến nó đến thăm để tạ ơn, vào xế chúa nhựt hôm nay.
Nó nói tại tánh vui vẻ của nó làm cho nó bị nghi oan.
Rất có thể là nó chỉ bị nghi oan thôi, trong hồ sơ cũng đã ghi như vậy. Nhưng quả thật nó lẳng không chối được.
Nội cái thân thể gợi tình, nội cái lối ăn mặc quái ác của nó, toàn sa-teng [38] láng bóng, nội cái gương mặt chiếm lòng của nó, cũng đủ cho anh hùng chết lên chết xuống rồi, phương chi nó lại còn những trò xảo thuật khác nữa.
Ông Huyện ổng thẳng thắn lắm, nói với ai là ổng ngó ngay vào người đó, vậy mà ổng cứ phải trốn cặp mắt láo liên của con Yến, nó cứ trừng cứ liếc xéo ổng mãi và mỗi lần nó liếc xéo là nó mỉm cười một nụ cười giả đò e thẹn.
Con nầy bậy quá! Nó sẽ khổ vì cái nết của nó. Không biết trong bụng nó có xấu hay không, chớ bề ngoài thì trừ đàn ông ra, chắc không ai ưa nó hết.
Lưu ngừng đọc, phóng tầm mắt ra ngoài.
“Cái cô giáo Yến trai lơ nầy là bà nội ruột của Liễu đây. Liễu có giống bà nội của nàng hay không? Không. Ít lắm là ở bề ngoài. Ngày nay một người con gái có tác phong như Liễu có thể gọi là nết na vậy. Còn cái việc Liễu chùn lén với mình, cũng chẳng có gì đáng coi rẻ nàng. Tại phong tục dễ dãi đi, lễ giáo bớt nghiêm khắc đi, vả gương sống quanh ta như thế, nên ai cũng không thấy đó là hư hèn cho đến mức vứt đi “không còn xài được” như ngày xưa nữa.
Lưu nghĩ vậy, nhưng chàng vẫn không an tâm, bởi tập nhựt ký còn dài và không rõ tâm sự của bà cụ mất trí trên Biên Hòa còn ký gởi trong đó điểm quan trọng nào không.
Một lần nữa, Lưu lại muốn xếp tập nhựt ký lại: Đã muộn mất rồi và chàng đã có trách nhiệm với Liễu. Chàng không thể bỏ rơi Liễu bất cứ vì lý do nào, trừ phi Liễu đi lấy chổng, mà như vậy là Liễu bỏ rơi chàng, lương tâm chàng sẽ bình yên.
Biết quá nhiều có hại ghê lắm. Dầu sao, chàng cũng sẽ bớt yêu Liễu phần nào, nếu bà nội của nàng đã làm tội ác. Chàng chỉ mới biết rằng bà lẳng lơ mà thôi, thế mà chưa chi, chàng đã bất giác có ý nghĩ nghi ngờ Liễu cũng lẳng lơ như thế, nhưng dưới hình thức khác, tế nhị hơn, khó thấy hơn.
Nhưng rồi tò mò lại một lần nữa thắng lý trí của chàng.
16 Avril 1926 - Ông Huyện nhà mình sao mấy bữa rày có vẻ buồn. Mà không, ổng có vẻ tư lự như bận nghĩ gì quan trọng lắm.
Ổng lo ra luôn luôn, cả trong bữa ăn mà vợ chồng đối diện với nhau, không sao mà không đàm đạo với nhau được.
Vậy mà mình có hỏi gì thì ổng giựt nẩy mình, hớt hơ, hớt hải, hoảng hốt lên.
Thật là khó hiểu.
Ông Huyện ổng làm việc giỏi lắm, vấn đề khó khăn nào, ổng giải quyết cũng xuôi rót, bằng vào lời của thầy thông ngôn Ðược hay tới đây chơi.
Ổng lại là người trầm tĩnh nhứt, có gì lo lắng, không hề ai biết được, ở sở cũng vậy, mà ở nhà cũng thế. Hồi còn ngồi Quận, có lần dân họ biểu tình đông hằng ngàn, đội đơn đòi tha thuế.
Sau đó ổng được giấy ban khen vì ai khác mà ở vào địa vị ổng, đã bắn dân biểu tình, dẹp yên họ được thật đó, nhưng sau lại sẽ rắc rối không biết bao nhiêu.
Hôm ấy ổng tỉnh bơ, bạo dạn ra khỏi châu thành, tìm gặp đám người biểu tình, rồi luận bàn với họ thế nào mà một tiếng đồng hồ sau, họ đi về mất hết.
Ổng lo về cái nhà chăng? Không, số tiền do người thầu khoán dự trù, thấp hơn số tiền dành dụm của hai vợ chồng nhiều lắm. Thầu khoán nó đã lấy phân nửa tiền rồi, mà nhà lại xong được hai phần ba, không có gì trục trặc hết.
Hỏi ổng việc vua quan dạo nầy ra sao, ổng nói không có gì lạ, nước nhà thạnh vượng, việc nước thạnh trị, vua ta mới lên ngôi năm ngoái, có đi học bên Tây, coi bộ khá lắm.
Trong tỉnh thì bình yên vô sự, dân tình thuần thục, ai cũng lo làm ăn, trộm cướp ít hơn mọi năm nhiều lắm.
Mình sợ ổng làm việc nhiều nên mệt và khuyên ổng xin nghỉ phép.
Ổng như chợt nhớ ra điều ấy, mừng rỡ lắm và nói lễ Phục Sinh ổng sẽ đi Đà Lạt.
Ổng hỏi mình có đi hay không, mình sợ hãi lắm, xin ở nhà. Nghe họ nói hai bên đường sao mà hố sâu ba bốn mươi thước, nghe mà lạnh mình, đường lại lên đèo xuống dốc quanh co như chữ chi [39], ghê quá.
30 Avril 1926 - Ông Huyện ổng không có đi Ðà Lạt, mặc dầu ổng đã chuẩn bị tỉ mỉ chuyến đi ấy. Mấy bộ đồ nỉ may để mặc vào mùa đông hồi ổng còn học Luật ngoài Hà Nội, ổng đã gởi tiệm lớn của Tây ngoài đường Catinat để chải và hấp lại.
Vậy mà rốt cuộc ổng nằm nhà.
Mình nghi quá!
Con Yến nó tới chơi nói rằng lễ Phục Sính nó không đi đâu hết, và sẽ ở lại đây cho có bạn với mình suốt tuần mà học trò nghỉ lễ.
Ổng không có mặt, nhưng chắc chắn là ổng có nghe. Ổng đang tiếp khách ngoài trước, con Yến nó ngồi trong buồng với mình mà nó nói lớn quá như là nói vói ra với ổng.
Quả, nó đã tới hôm lễ Phục Sính vừa qua, và định nằm vạ ở nhà mình nên xách va-ly [40] theo.
Có bạn cũng vui. Mình với nó “Câu tôm” và đánh “Xó-hỏ”.
Chỉ phiền là bận tiếp bạn, miếng ăn miếng uống của ông Huyện không ai lo, bỏ phú mặc bọn tôi tớ chúng nó nấu nướng không xong xuôi gì hết ráo.
Vậy mà lạ thay. Ông Huyện ổng vui ghê đi, ăn thật nhiều.
Mọi khi tới mùa nực thì trong bữa cơm, tối nào ổng cũng càu nhàu. Tại nóng quá, ổng ăn không ngon, mà ổng cứ đổ cho mình không lo điều khiển bếp núc. Mà chính tay mình nấu, y như bao nhiều năm rồi, như vậy có tức hay không.
Nay ổng mệt, người ở nấu, ổng lại khen nấu khéo, và ăn quên thôi.
Ổng vui, ăn biết ngon, nhưng mình lại lo, mình nghe linh tính báo rằng sắp có biến vì cái món khác vị cho ổng là cô gái lỡ thời ngồi đối diện với ổng mỗi bữa ăn.
Con Yến nó đã đẹp trội mình nhiều lắm rồi, giờ mình già đi vì mấy năm làm nội trợ, nó lại lên, không biết nhờ cái gì.
Hôm đêm 26 trăng tốt quá, nó nói với ông Huyện: “Anh Hải ơi, để em đàn cho anh nghe nhá!”.
Ấy, ban đầu “quan Huyện”, rồi “anh Hường”, rồi bây giờ “anh Hải”.
Ông Huyện thích chí lắm, nói: “Ừ, nghe danh Yến mà chưa hề được hân hạnh nghe tiếng đàn. Vậy Yến cho nghe vài bản đi!”
Ấy, ông Huyện cũng vậy, ban đầu “cô giáo”, sau đó thì “Chị”, giờ thì cứ “Yến” trống không.
Ông Huyện ổng sai trẻ nhắc ghế ra hàng hiên trên lầu, căn nhà lầu ở đường Albert Ier [41] cho cả ba, “Yến” của ổng, ổng và mình.
Té ra cái túi may bằng vải kaki mà Yến nó xách theo với chiếc va-ly là túi đựng cây đàn tranh của nó. Mình nhà quê quá có biết đâu, mà cũng chẳng tò mò hỏi nó để biết. Giờ nó mang túi lên lầu, rút đàn ở miệng túi ra, mình mới hay.
Mình không trách ông Huyện nhìn sững những ngón tay đang sửa dây đàn của Yến. Chính mình là đàn bà mà còn mê mẩn, mắt không rời những ngón tay ấy.
Các cô gái tân thời [42] không để móng tay dài như các cụ ngày xưa, thành thử Yến nó phải đeo những ngón tay giả bằng thau.
Nó chỉ mới bấm nhẹ lên dây đàn vài tiếng “dạo qua, tuy chưa nên khúc tình đã thoáng hay”. “Rồi thì nghe bứt rứt mấy dây não nuột”, nó dạo nghe mê hồn đi lận.
Đó rồi nó đi bản Tứ Ðại Oán trước. Ông Huyện cứ thỉnh thoảng chắc lưỡi một tiếng.
Trăng sáng đầu hôm với gương mặt chị Hằng thấp thoáng sau cành me, như trợ lực với Yến để làm cho không khí mùi mẫn thêm.
Trời ơi! Sao ba má mình hồi đó lại cấm mình học đàn! Mình chỉ đàn cho chồng mình nghe, trong một khung cảnh như vầy, cũng đủ cho mình thấy sung sướng lắm rồi, và chắc chắn là ông Huyện không thể mơ một người nào khác hơn mình.
Bản Tứ Đại Oán đã dứt từ lâu mà cả ba cứ im lặng, như để lắng nghe dư âm của điệu nhạc nức nở sầu ấy.
Trong khi đó thì Yến cứ thỉnh thoảng nhấn nhẹ vài dây đàn rồi cày sơ những ngón tay xinh của nó lên mấy hàng dây ấy.
- Yến có biết ca không? Ông Huyện hỏi.
- Dạ thưa anh, em biết, nhưng giọng không tốt.
- Khéo khiêm nhượng thì thôi. Cứ ca một bản cho trăng rụng thử coi.
Yến cười rất dễ thương, nó cười giọng nhõng nhẽo, cười với ông Huyện ấy chớ không phải với toàn thể thính giả trong đó có mình đâu.
Hai người họ trao đổi niềm riêng với nhau qua ca nhạc và mình là người dư. Có đau chưa!
Vì tình ai, nên thân tôi phải chịu đắng cay.
Đau lòng trong lúc chia tay!
Khi ra đị, đã ghi tiếng hẹn.
Dám đâu tôi.
Đó là cái điệu nhạc mê hoặc thứ nhì, bản Văn Thiên Tường, điệu nhạc mê hoặc hơi theo giọng ca ru hồn của Yến, nó vừa gảy, vừa ca, không biết có đúng nhịp nhàng gì lắm hay không nhưng ông Huyện không biết nhạc, mình cũng vậy, thì cứ lơ-tơ-mơ.
Trăng rụng đâu không thấy, chỉ thấy chính người mê âm nhạc của Yến là ông Huyện như đang bay lên cung trăng.
Lại im lặng rất lâu, rồi thình lình ông Huyện ngâm lên:
Những ngón tay tiên vũ trên đàn
Âm thanh hấp hối vẫn dư vang
Hồn ai nức nở sầu chi nhỉ?
Khiến kẻ râu mày đến lệ chan.
Không biết ông Huyện làm thơ có đúng luật đúng niêm gì hay không, nhưng ổng ứng khẩu mà cũng có vần có điệu được như vậy thì hẳn ổng đã bị xúc động vô cùng, và được ai gợi hứng mạnh lắm.
Lại im lặng, nhưng không lâu lắm, và Yến cất tiếng ngâm:
Niềm riêng chỉ biết gởi tiếng đàn
Phong hóa ngăn tim gái kêu vang
Hiểu thấu lòng ni, người đâu tá?
Canh chầy ấp ủ mộng chứa chan.
Trời ôi, thì ra họ xướng họa với nhau! Cầm kỳ thi họa là bốn thứ giải trí mà ông Huyện rất ưa, nhưng mình lại chỉ biết làm bánh mứt ngon, thêu thùa khéo!
Mình rưng rưng nước mắt tủi thân là một con người dư trong đời tình cảm của ông Huyện. Không, mình chỉ là một nội trợ, chính Yến mới là bạn đời của ông.
Cho đến thơ các cụ làm sẵn mà mình còn không thuộc, thì Yến nó ăn đứt mình rồi, tuy không biết thơ của nó hay hay dở, mà nó đã họa nguyên vần được là hai người ấy có thể hòa tấu với nhau rồi.
Bỗng mình nổi khùng lên, định giựt cây đàn tranh lên mà nện lên đầu con Yến cho đến nát cây đàn mình mới hả giận cho.
Nó cả gan ghẹo chồng mình trước mặt mình chớ?
Canh chầy ấp ủ mộng chứa chan
là mộng gì? Có phải là mộng được chồng mình yêu hay không?
Nhưng rồi mình lại không dám lố bịch quá! Bởi có câu thơ trên đó, câu thơ ấy sẽ gỡ tội cho nó và mình sẽ bị thiên hạ chê cười.
Hiểu thấu lòng ni, người đâu tá.
Câu thơ ấy có thể cắt nghĩa1à nó chưa biết người hiểu lòng nó là ai, nên mới còn tự hỏi như vậy. Thế thì nếu nó có mộng được yêu ai thì ai đó, còn mơ hồ, chưa rõ hẳn là ai.
Vậy mới là tức chết đi thôi! Hai người họ qua mặt mình một cái vù mà mình không làm gì được họ thì có trào máu họng hay không chớ!
Đêm ấy, mình nằm day mặt vô vách, nhưng ông Huyện ổng bất đếm xỉa tới mình. Ổng cứ gác tay lên trán, đôi mắt mở trao tráo mỗi lần mình lén quay qua nhìn ổng. Và ổng thao thức suốt đêm.
Con Yến nó ngủ ở buồng trong, tức buồng tại cầu thang lầu. Buồng hẹp lắm, để dành cho khách, không có cửa.
Ông Huyện ổng cứ đi xuống dưới nhà mãi, một đêm không biết mấy lần, ổng mở cửa sau, dĩ nhiên là đi nhà vệ sinh rồi. Nhưng tại sao đi hoài suốt đêm, không biết mấy mươi lần?
Con Yến là con chết dầm! Tối hôm sau, nó đòi ngủ với mình, có phải là quân cố lì hay không? Nhưng ông Huyện ổng lại chiều ý nó, ra lịnh cho mình thỏa mãn nó.
Riêng ổng, ổng sai trẻ trải ghế bố ngoài hiên trên lầu “để ngủ cho mát”, ổng nói như vậy.
Nhưng ông Huyện là ông trời của mình, trời muốn, mình đâu có dám cãi, mặc dầu mình sốt ruột ghê lắm vì mùng ghế bố hẹp quá, ổng sẽ bị muỗi đốt.
Trời, con Yến là con quỷ, chớ không phải là con người! Nó cứ theo hỏi mình những lạc thú mà một người con gái lấy chồng được hưởng. Thật là quá quắc lắm.
Nó hỏi, tức nó chưa biết, tức nó là gái tân. Nhưng một trinh nữ con nhà, có giáo dục, có học thức, có địa vị, lại là một nhà mô phạm nữa, mà đủ can đảm thốt ra những tiếng mà có lẽ người đàn bà có chồng là mình, trọn đời sẽ không bao giờ dám nói đến, thì hẳn nó mắc một chứng bịnh chớ không phải là người thường nữa rồi.
Chứng bịnh ấy, mình nhớ đâu như là có nghe ai nói tới một lần rồi. Thiếu gì gái lỡ thời, ở vậy tới ba mươi, thiếu gì góa phụ hăm hai, họ thủ tiết tới già cũng không sao, còn nó, tuy muộn chồng, nhưng cũng chỉ mới hăm lăm thôi, vậy mà nó cũng đã thành quỷ rồi.
Cũng may đêm ấy là đêm chót, mai hết lễ, nó sẽ xách va-ly mà đi, không thôi có đêm nó sẽ bắt xác ông Huyện chớ chẳng chơi.
3 Mai 1926 - Khổ quá! Chiều chúa nhựt hôm nay nó lại dẫn xác đến.
Mấy bữa rày ông Huyện ổng lại ăn cơm không được và lại càu nhàu. Ổng nhớ nó, nhưng cứ qui tội mình chểnh mảng việc bếp núc.
Thấy mặt nó là ổng tươi tỉnh ngay như ruộng hạn hán gặp một đám mưa lớn.
Ổng đề nghị đi ăn cơm Yêng Yêng [43], rồi đi xe song mã Vòng Lớn.
Nhưng ra tới Sàigòn thì chương trình bị đổi, vì còn quá sớm nên đi chơi mát xong mới ăn cơm.
Ông Huyện nhường cho con Yến lên xe trước, đoạn nói với mình:
- Ta đi chơi theo Tây mà làm khác Tây, Tây nó cười. Vậy để anh ngồi giữa.
Mình chưa kịp có ý kiến, ổng đã thót lên xe, vói xuống đỡ mình lên, nhưng mình hất tay ổng, không nhận sự giúp đỡ ấy.
Từ ngày ông Huyện thuyên chuyển về Bà Chiểu, mình đã đi xe song mã Vòng Lớn với ổng không biết mấy mươi lần rầi, lần nào cũng vui vẻ thú vị không biết hao nhiêu.
Lần nầy lòng mình nát ngướu như tương. Mình hồi tưởng lại mấy năm hạnh phúc qua, rồi rưng rưng nước mắt vì thấy sẽ không còn gì nữa.
Không rõ có thật là quân Tây Tà chúng nó có cái lịch sự kỳ cục như vậy hay không, hay là ông Huyện ổng gạt mình, nhưng cho dẫu là có đi nữa, cũng mặc kệ lũ nó, mình là người An-Nam phải theo lễ giáo tổ tiên, chớ sao lại con gái gì mà ngồi khít một người đàn ông1ạ đã có vợ rồi, mà cứ cười nói huyên thiên không chút gì e thẹn hết.
Ông Huyện nói:
- Để lát nữa qua khỏi đường Hàng Sanh rồi tới đầu cầu anh sẽ chỉ Yến coi cái vi-la [44] anh đang cho cất gần xong. Đẹp lắm.
- Cha, ở vi-la thì sang quá!
Con khốn kiếp! Nó thèm ở vi-la và nó sẽ cướp địa vị của mình để được sống trong biệt thự ấy.
Xe mới chạy tới Một Hình [45], mình kêu nhức đầu, chóng mặt, đòi về. Ông Huyện ổng không chịu hủy cuộc đi chơi, có tủi thân cho kẻ đau ốm chưa! Đành rằng mình giả bịnh, nhưng ổng biết đâu được và đáng lý ổng phải xử sự như là vợ của ổng đau ốm thật sự.
Đằng nầy ổng cứ để mình đi. Mình gọi xe kiếng [46] để về Ðất Hộ [47] một mình.
Trời ơi, mình khóc không còn giọt nước mắt nào hết. Mình đã dại, giận lẩy để cho hai người ấy tự do với nhau trên xe.
Thế là họ có dịp tâm sự với nhau, cái dịp mà nếu mình không quá nể ông Huyện, không bao giờ lại xảy ra bằng buổi sơ giao ca nhạc, và nếu mình không dại dột, lại xảy ra thật sự hôm nay.
Thôi thế là hết! Ði chơi mát Vòng Lớn, tốn bao nhiêu thì giờ, mình dư biết. Ăn cơm Tây cũng vậy. Vậy mà ông Huyện cho tới một giờ khuya mới về nhà!
Ngày mai, mình sẽ lại tiệm thuốc Bắc mua thạch-lục để từ giã cõi đời cho xong!.
Lạ quá hồi mười hai giờ rưỡi, tuy mình cũng xốn xang, bứt rứt, nhưng mình không hề thốt ra cái câu ngắn: “Thôi, thế là hết!” vì mình còn hy vọng là ông Huyện gặp bạn bè gì, hay gặp rủi ro nào, rủi ro mặc dầu còn tệ hơn là phản hội của ổng nữa, nhưng mà cũng không phải là trời sập [48]. Nhưng ổng về tới nhà sau đó có nửa tiếng đồng hồ thì mình nghe trời đã sập rồi.
Không, lần nào đi ban đêm về trễ, vì bạn bè níu kéo hay vì các lý do khác nữa, ổng đều hỏi thăm hỏi lom coi mình có mong đợi ổng hay không, có lo sợ hay không. Lần nầy thì ổng rón rén như một tên ăn trộm, sợ động mình giựt mình thức dậy.
Mà nhứt là vì... trời ơi, tôi đau tôi chịu sao cho thấu! Nhứt là vì ổng len lén giở mùng nhè nhẹ để chun vô, mình nghe rõ mùi hương của xà-bông thơm Marseille hiệu “Cô Ba” mà con Yến nó ướp thơm nó hồi chiều nầy.
Ừ, nó nực nồng mùi xà-bông “Cô Ba”, có lẽ nó gội tóc, nó giặt khăn ê-sạc, nó giặt áo gì cũng bằng xà-bông ấy hết nên mới thơm một cách om sòm như vậy.
Đành rằng ông Huyện ổng đã ngồi sát nó trên Ca1èche [49], nhưng gió đồng trống thổi bay hương ấy ra sau xe hết, mùi xà-bông “Cô Ba” chỉ bám vào ổng được trong một căn buồng kín mà thôi và với điều kiện hai người đụng chạm nhau rất thân mật mà thôi.
Trời ơi, tôi đau và tôi phải khóc thầm vì tôi được giáo dục toàn trong tinh thần “phu xướng, phụ tùy”, trong tinh thần “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”.
Con gái nhà nho không được phép ghen ồn ào mà xấu hổ tông môn, nhứt là không được phép ghen bóng ghen gió. Vâng, nếu vụ nầy mà đưa ra ánh sáng thì cả cha mẹ tôi cũng sẽ bảo rằng tôi ghen bóng ghen gió vì cái bằng chứng ấy rất mong manh và phù du, sáng ra thì không còn gì của cái mùi xà-bông “Cô Ba” ấy nữa hết.
Con Yến thật là một con quỷ! Nó đã trắng trợn tâm sự với mình là nó muốn chồng ghê lắm. Giữa bạn gái với nhau, trong buồng kín, vậy mà mình nghe nó nói mình cũng phải đỏ mặt.
Nhưng mình có dè đâu mà nó không biết tiết chế dục tình như một người đàn bà Việt Nam có giáo dục, dầu luống tuổi đến đâu cũng phải ráng đè nén mà chịu.
Tệ hơn thế, nó lại buông cương dục vọng của nó với chính chồng của bạn nó. Mà ông Huyện có phải là một người trăng hoa đâu cho cam. Ổng là người đứng đắn. Tại nó là con hồ-ly-tinh, nó quyến rủ ổng vào đường tội lỗi.
Dầu sao mình cũng đau, vì dầu sao chồng mình cũng đã phản bội, tại ổng hay tại con Yến gì, kết quả là ổng cũng đã phản bội.
Ổng đã phản bội ngay trong lúc mình còn xuân sắc, giữa lúc mà hạnh phúc gia đình đang ấm êm, chớ nào phải nhan sắc mình đã sa sút, nào phải vì mình đã đùm đề con dại, bầy hầy vì lũ con, già héo vì sanh nở đâu.
Trời ơi là tôi đau!.
Tôi đau vì ngoài giấc mơ yêu thiếu nữ bông lông của tôi, tôi chỉ có một mối tình và quyết gắn bó với mối tình ấy cho tới lúc đầu bạc răng long. Ông Huyện là nguồn an ủi độc nhứt của đời tôi, từ khi tôi xuất giá, mà cha mẹ tôi kể như tôi đã chết rồi và tôi cũng thấy như vậy: yêu chồng hay là chết, chớ không còn con đường nào khác hết.
Giờ tôi trở về với cha mẹ tôi được hay không? Chắc chắn là ba tôi sẽ mắng nhiếc tôi là con gái không biết phận mình, uổng công dạy dỗ của ông. Má tôi sẽ binh vực tôi, nhưng má tôi lại không có quyền, đành để cho ba tôi bắt ép tôi trở về với chồng tôi.
Nhưng cái lẽ sống độc nhứt của tôi, lại ôm cầm thuyền khác rồi, hóa ra tôi không còn biết bờ bến nào mà tắp vô nữa.
Trở về nhà cha mẹ chồng tôi chăng? Cha mẹ chồng tôi đã hơi lạnh lạt với tôi từ một năm nay mà các cuộc đi cầu tự của tôi đều vô hiệu quả. Ông Huyện ổng lấy vợ bé hay có mèo tuy cha mẹ chồng tôi sẽ không dám ra mặt binh, chớ ông bà sẽ mặc nhận là ông Huyện có lý.
Họ chỉ cần một đứa cháu để lo hương khói về sau, chớ niềm đau của một con dâu nào có đáng kể gì?
Tôi sẽ không bị xua đuổi như đuổi tà tại nhà cha mẹ chồng, nhưng tôi sẽ kéo cuộc đời vô sự của tôi ở bên ấy làm gì? Không, tôi không còn bờ bến nào nữa hết?
20 Mai 1926 - Chị Cò-Mi Nhan đề nghị một giải pháp khiến mình phải suy nghĩ nhiều quá.
Tội nghiệp chị ấy, chị ấy thấy quầng mắt mình bị sâu vì thiếu ngủ, má mình thỏn vì bỏ ăn, chị ấy thương xót lắm.
Chị ấy oanh liệt quá, đã đưa mình đi bắt ghen, nhưng ông Huyện ổng trốn làm sao mà tài tình, không thể nào dọ hỏi cho ra manh mối hoặc tìm được cái ổ uyên ương của hai người ấy.
Ông Huyện ổng đi luông tuồng mỗi đêm và suốt đêm.
Mình phải bảo vệ hạnh phúc của mình mới được rồi chết cũng chẳng muộn.
Nhưng giải pháp của chị Cò-Mi Nhan thật là kỳ kỳ. Chị ấy đề nghị mình với Má Bảy. Má Bảy chỉ giúp không chớ không lấy tiền như mấy thằng cha thầy bùa, thầy ngải chúng đã rút của mình non một ngàn bạc rồi mà ông Huyện ổng vẫn cứ mê con Yến như thường...
Má Bảy là một bà đỡ già giúp việc tại nhà thương Bạc Hà, phụ tá cho vị đốc tơ coi về việc lục-xì [50] gái điếm có giấy.
Tục danh Má Bảy là của bọn gái điếm Sàigòn tặng má, để mà nịnh má, vì lũ chúng nó sợ má như sợ cọp, má có thể chơi ác, mạnh tay, thì chúng nó đau đớn, mà má cũng có thể dễ dãi, má cho chúng về sớm vài ba ngày, 1ắm khi thấy con nào bịnh nhẹ, lờ đi, vì thật ra là má lục-xì chớ ông đốc-tờ ấy ổng chẳng thèm làm cái khỉ khô gì hết ráo!
Thành thử má Bảy có lẽ là bà già có uy quyền nhứt Sàigòn, vì má có thể uy động trong vòng một tiếng đồng hồ, năm chục cô gái trời đánh thánh vật, bảo oánh ai, chúng nó oánh liền,
oánh thật nặng và thật mạnh để tỏ dạ trung thành với má Bảy mà cũng để tháo cũi số lồng cho tánh du côn của chúng nó mà chúng nó không có nơi xả xú-báp [51].
Nhưng vai trò quan trọng nhứt của lũ ấy không phải là oánh mà dọ thám. Lũ nó dĩ nhiên là thổ công của các phòng ngủ nhỏ, lữ quán lớn của Sàigòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh. Như vậy ông Huyện với con Yến có trốn đằng trời cũng không thoát. Mình chỉ cần đưa ra một tấm ảnh nhỏ cho má Bảy là xong.
Khi nào tìm được tung tích họ, chính mình sẽ điều khiển trận đánh.
Hay lắm, nhưng mà làm sao é! Thân danh một bà Tri Huyện hạng nhứt, một bà Thơ ký đầu tỉnh mà phải nhờ đến tay bọn gái giang hồ sao mà mình nghe không ổn chút nào.
Dẫu sao, mình cũng phải nể ông Huyện không thể trao ảnh của ổng cho bọn đĩ điếm chúng nó xem, và dầu sao một mạng phụ phu nhơn cũng không nên cho phép quân ấy đứng gần. Bọn điếm “có giấy” là hạng người hạ cấp nhứt nước, bẩn thỉu hơn cả phu đổ thùng vệ sinh về đêm nữa.
Chị Cò-Mi chỉ cự nự mình ghê 1ắm! Tất cả các mạng phụ phu nhơn ở Sàigòn không ai là không nhờ má Bảy, cái bà đỡ vô cùng danh tiếng ấy, mà chỉ mình mình là không biết và không muốn nhờ.
1 Juni 1926 - Mình đã quyết định rồi. Nhờ sự trợ lực của má Bảy. Ông Huyện ơi! Ông có hay hay không là khi giao bức hình của ông cho má Bảy, em đau như là đã xô ông xuống đống bùn nhơ, vì rồi má Bảy sẽ để hình ông chuyền tay con điếm nầy đến tay con điếm khác!
Xin Phật Trời biết nỗi lòng của tôi! Tôi có muốn thờ Trời, thờ Phật với một tấm thân lây mùi lũ buôn hương đâu, nhưng mà vì hạnh phúc gia đình, nên tôi sẽ biến ra thành nữ trùm của một lũ mà Diêm Chúa cũng nhờm gớm không chịu mở cửa Địa Ngục cho chúng nó xuống dưới ấy.
5 Juin 1926 - Tụi ấy giỏi thiệt! Mới có năm ngày, Sàigòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh lại rộng lớn vô cùng, như vậy mà tụi nó đã khám phá được cái ổ bí mật của đôi uyên ương ấy rồi. Đó là phòng ngủ Đào Nguyên ở Chợ Lớn.
Ông Huyện ổng khôn thật, Chợ Lớn đông đảo, lộn xộn, rất khó tìm. Phòng ngủ Ðào Nguyên lại là phòng ngủ hạng cá kèo, không xứng với thể thống của ổng. Chọn chỗ đó, ổng đánh lạc hướng mọi cuộc truy tầm.
6 Juin 1926 - Đêm nay sẽ tấn công đây! Hồi hộp quá. Từ bé đến lớn, mình không hề có đánh ghen lần nào hết.
Nhưng chị Cò-Mi Nhan sẽ đi theo hỗ trợ mình. Chị ấy rất sợ mích lòng ông Huyện rồi có hại cho tương lai nghề nghiệp của chồng chị. Nhưng chị ấy quyết hy sinh vì bạn. Thương quá!
Phòng ngủ Đào Nguyên ở Quảng Tống Cái (Rue de Canton) [52], một con đường nhỏ hẹp, vầy đoàn đứng nơi đó dễ bị lộ tung tích lắm! Thế nên đã hẹn nhau tại ngã tư Ðại lộ Galliéni và Đại lộ Tổng Ðốc Phương, gần miếu Minh Hương Gia Thạnh.
Ý trời đất ơi bọn quỷ sứ! Vừa trông thấy chúng nó, mình đã bắt buồn mữa rồi, mặc dầu con nào cũng dồi phấn trắng toát, môi đỏ lòm và thơm mùi xà-bông “Cô Ba”. Nếu không có má Bảy, chắc mình không dám tiến đến cái đám hồ-ly-tinh ấy.
Má Bảy giao người rồi đi về ngay vì má không hề tham dự vào các cuộc đánh ghen, chỉ giúp tay chơn bộ hạ cho các bà thôi.
Chính chị Cò-Mi Nhan trực tiếp điều khiển lũ nầy chớ không phải mình. Chắc lũ ấy ngỡ người vợ ghen là chị ấy.
Lầu bốn từng. Cứ theo tin tức lượm được thì căn phòng ấy ở trên chót vót hết.
Chị Cò-Mi Nhan dúi vào tay bọn bồi phòng mỗi đứa một đồng bạc mà từng nào cũng có bọn nầy đứng canh gác tại đầu thang lầu hết.
Mình mệt quá, không biết vì mình phải leo lên rất nhiều nấc thang hay vì sợ.
Thật là kỳ, trong tay có hơn hai mươi nữ binh hung dữ, vậy mà lại sợ có hai người.
Ðã tới từng thứ tư rồi. Chị Cò-Mi Nhan kề miệng vào tai mình mà nói: “Chính chị phải lên tiếng. Em không thể quá trực tiếp được, xin chị biết cho. Chị sẽ kêu lên như vầy... như vầy”...
Trời ơi, tôi sắp ngất rồi đây! Sao tim tôi đập mạnh quá thế nầy? Bọn quỷ sứ chúng nó đã xăn tay áo, đã vén quần, giống hệt mấy con chó bẹc-giê đang chực sẵn trước cửa một cái bẫy chuột loại bẫy lồng, đợi cửa lồng mở ra là làm thịt con chuột liền.
Chị Cò-Mi Nhan phải xô mình, mình mới nhúc nhích được, mà căn phòng số 14 chỉ còn cách có mấy thước thôi.
Mình nghẹn ngào rất lâu trước cánh cửa khi vẳng nghe trong tiếng cười dài của phụ nữ. Lâu lắm, mình mới nắm được cái hột xoài bằng sứ trắng, rồi lặp lại cái câu mà chị Cò-Mi Nhan đã dạy: “Ông Huyện ơi! Trưởng tòa [53] với lại nhà chức trách đã coi số phòng ngủ rồi, ông có bế môn trong ấy cũng vô ích. Vậy mở cửa ra để giàn xếp là hơn”.
Tiếng cười trong ấy tắt ngay, và im lặng hoàn toàn. Chị Cò-Mi chị ấy nện gót của guốc ngù ngà của chị tài thế nào mà nghe như là tiếng đế da của lính Mã tà [54], mà của nhiều người mới là giỏi chớ!
Lâu lắm... Chắc con Yến nó đã ngất đi rồi và chắc ông Huyện ổng đang tìm mưu.
Mình lại thét lên, lần nầy đã hết nghẹn rồi: “Còn đợi mã-tà phá cửa phải không? Hễ ông Cò ra lịnh thì cửa bị phá liền và không tốt lành gì đâu”.
Chìa khóa vặn mình trong ổ khóa, nhưng vặn chưa trọn một vòng rồi ngưng lại: Ông Huyện ổng do dự.
Rồi “rụp” một cái, chìa khóa đã trở mình hết một vòng. Bọn quỷ sứ lấn tới, giựt cửa để xông vô buồng.
Ông Huyện ổng đã có kế hoạch. Ổng định đón nhà chức trách để dàn xếp, vì ổng biết họ nể ổng. Thế nên ổng xuất hiện ra liền, đứng ngay giữa cửa để... Nhưng nhìn qua một lượt, ổng biết rằng ổng đã bị mình gạt và rất lanh trí, ổng xô những nữ binh xung phong vào trước và nạt lớn:
- Mấy con nầy! Tụi bây không biết tao1à Xếp Mược [55] đây hay sao chớ? Bộ tụi bây muốn ở tù rục xương hả?
Mấy con quỷ sứ đâu có hỏi lai lịch của người đàn ông, hoặc của bà vợ sai chúng đi đánh ghen làm gì, và giờ nghe như vậy, chúng nó đâm sợ, do dự, rồi thối lui, đoạn ùn ùn kéo nhau nhạy xuống lầu.
Mình xem lại thì chị Cò-Mi Nhan đã biến mất đâu hồi nào rồi. Chị ấy không nhát gan, nhưng chị ấy sợ ông Huyện thù rồi hại chồng chỉ, nên chỉ mới “tam thập lục kế dĩ đào vi thượng”.
Mình chỉ còn một mình. Nhưng hai kẻ kia phải sợ mình, nên mình không xuống tinh thần.
Và bấy giờ cơn điên của mình bốc lên đùng đùng khi mình thấy con Yến nó đang vội vàng mặc áo, nên mình thét lớn đến khan cả cổ: “Nè con phản bạn, bà xởn tóc mầy đêm nay, để ngày mai mầy vác cái đầu xấu hổ của mầy vô trường, chưng lục quốc cho học trò coi! [56]
Nói rồi mình xông vô liền. Nhưng ông Huyện ổng chụp lấy mình rồi ôm mình chặt cứng.
“Buông tôi ra, không thôi tôi cắn lưỡi tôi chết bây giờ". Mình thét lên như vậy, và con Yến vội choàng khăn ê-sạc vào và bươn bả đi ra.
Mình đủ thì giờ rượt theo nó, nhưng ông Huyện vẫn không buông tha mình.
“Tức chết đi thôi, trời ơi, ông giết tôi đi còn hơn là làm như vầy”.
Hai người giằng co với nhau rất lâu và khi chợt nghĩ rằng con Yến đã cao bay xa chạy được rồi, mình uất nghẹn lên, hoa cả mắt, nghe tay chơn mình lạnh ngắt rồi thì mình không biết gì nữa hết...
7 Juin 1926 - Ai đem mình về nhà?
Trời ơi, đầu cổ mình chôm bôm như một con mẹ điên, áo quần mình nhàu nát hết! Trời ơi! Chồng mình giết mình! Ông ấy đã nhẫn tâm mạnh tay với mình quá và bây giờ mình nghe ê ẩm khắp thân thể.
Trời ơi! Lần nầy thì phải mua thạch lục chắc chắn, không do dự được nữa!
Nhưng lạ, sao mình lại nghe vui vẻ như thế nầy. Ðể mình bắt chước con Yến mình ca Văn Thiên Tường thử coi.
Vì tình ai, nên thân tôi phải chịu đắng cay.
...................................................
...................................................
Dám đâu tôi sai chạy nghĩa tơ duyên
Tuy ngọc nát, hương chìm!
Ông Huyện ơi! Ông ở đâu rồi! Ông có nghe hay không? Tôi đâu có thua kém gì con Yến. Tôi xuống ở hai tiếng “Hương chìm” mùi mẫn hơn con Yến đêm trăng ấy nhiều lắm có phải không?
Và tôi ngộ [57] lắm có phải không ông? Chính ông đã nói như vậy khi nhìn tôi vào một đêm trăng kia, cách đây lâu lắm mà vợ chồng ta đi chơi trên sông Bảo Định dưới Mỹ Tho.
Ô hay! Con bướm, con bướm mi vô đây làm gì? Ô hay! Lửa! Trời ơi, bớ mã-tà ơi! Có một cục lửa lớn bằng cái tủ nó bay vô buồng của tôi đây, cứu tôi với, bớ mã-tà.
Những dòng chữ cuối cùng, bà Lê Thị Hương viết nguệch ngoạc như mèo cào, mặc dầu chữ của bà rất đẹp.
Rồi im lặng hoàn toàn, sau lời kêu cứu cuối cùng ấy, im lặng cho đến ngày tận thế. Người viết nhựt ký không chết, và còn sống mãi cho đến ngày nay tại dưỡng trí viện Biên Hòa, nhưng đêm tối của vô thức đã trùm lên đầu bà, kể từ buổi sáng ngày mồng bảy tháng sáu dương lịch năm 1926, cách đây non nửa thế kỷ.
Mỗi lần ông cựu Đốc Phủ Sứ Trịnh Đức Hải, một ông già lẫn lụ, tức cũng đang ở trong cõi vô thức như bà Lê Thị Hường, lên Biên Hòa để thăm người vợ tào khang của ông, một cuộc hành hương của người mang nặng mối hận ngàn thu, một cuộc hành hương mà cho mãi đến khi lẫn lụ rồi, ông vẫn còn đòi đi, mỗi chuyến đi thăm như vậy đôi vợ chồng già nầy đã nhận diện được nhau, sau nhiều giây nỗ lực vô biên và cả hai đều cùng rơi lệ, cũng chỉ trong mấy giây thôi, rồi cả hai rơi vào cõi vô thức đen tối.
Thế hệ thứ ba biết xúc động trước cảnh đau lòng đó, nhưng tuyệt nhiên không hay biết gì về tấn thảm kịch đã xảy ra trong gia đình họ Trịnh.
Không chắc chắn là Liễu không biết gì cả đâu.
Lưu xếp tập nhựt ký lại, xem đồng hồ tay thì đã mười giờ đêm rồi.
Từ đầu hôm tới giờ, chắc Liễu đã mong đợi chàng ghê lắm, và chắc Liễu sẽ còn mong đợi nhiều đêm nữa, vì không hiểu sao Lưu nghe như là Liễu không còn là Liễu nữa.
Chàng rất ý thức rằng ngay cả chính cái thể chất nhiều dục tình của Liễu mà Liễu còn không có trách nhiệm thì tội lỗi của bà nội của nàng, làm thế nào mà ảnh hưởng đến nết hạnh của nàng ngày nay được.
Nhưng như đã bảo, chàng rất oán những kẻ đến sau, vì tai họa trong chính gia đình chàng, và đã do dự rất lâu trước khi tỏ tình với Liễu, bởi chàng cũng đã oán luôn con cháu của những kẻ đến sau nữa. Ðó là tâm trạng của chàng lúc chàng mới gặp Liễu, giờ chàng đã dễ dãi hơn, nhưng một quan niệm không phải một sớm một chiều là thay đổi được.
Ta có thấy là ta lầm đi nữa, ý thức ta đã chấp nhận sự thật mới đi nữa, cũng vẫn còn sự trễ nãi của lòng ta, nó chậm chạp, không sao bước kịp với lý trí, vì nó bị đánh dấu nặng hơn.
“Thật là oái oăm, Lưu nghĩ thầm và rất tức cho sự may rủi ở đời, nếu mình tò mò về cái tủ ấy sớm hơn, mình đã rút lui trước khi dấn bước quá xa trên đường tình thì có đâu ngày nay phải khó xử không biết bao nhiêu như thế nầy.
“Không, Liễu không có trách nhiệm gì cả!”
Lưu cứ lặp đi lặp lại câu ấy mãi để tự thuyết phục mình, nhưng nó cứ làm sao ấy! Ðêm nay nằm nhà, chàng không sợ bị Liễu khiển trách, hơn thế chàng không có ý muốn đi thăm Liễu tối mai hay tối mốt gì cả.
Nhiều tấn thảm kịch còn ghê rợn hơn, còn dễ nhờm tởm gấp trăm lần thế nầy nữa đã xảy ra trong nhiều gia đình, nhứt là trong chốn thâm cung của nhiều triều đại trên thế giới, nhưng người đọc sử chỉ nghe ghê ghê hơi hơi thôi. Trong vụ nầy, nhân chứng, hơn thế, nạn nhân còn sống, mà sống làm sao? Sống rất là thê thảm! Chàng đã thấy nạn nhân ấy một lần rồi, đã đau xót không biết bao nhiêu, thành thử tiết lộ của tập nhựt ký không có gì...giựt gân nầy lại hiện lên dưới một thứ ánh sáng làm rởn óc chàng.
Nhưng tại sao bà Nguyễn Thị Yến lại không thủ tiêu nhựt ký tố cáo của bà Ngô Thị Hường? Đây là một thắc mắc lớn đã khiến cho Lưu ngẩn ngơ khi đọc mấy trang đầu. Chàng đã không giải đáp được, và giờ đọc xong rồi, thắc mắc ấy lại biến ra một điều quái gỡ nào không rõ, khiến chàng nghe hơi sờ sợ. Có lý nào mà kẻ sát nhơn chẳng những không xóa dấu vết, lại còn trang trọng chưng bày dấu vết ấy ra?
Lưu nằm nhà suốt tuần lễ vì càng lùi ngày đến đó, càng không dám đến, thêm một đêm không tới là chàng nghe tội mình nặng thêm hơn đối với Liễu và rất kinh sợ sự trừng phạt mà Liễu để dành cho chàng.
Nhưng phải dứt khoát, thà là chịu trừng phạt chớ không thể bắt Liễu phải sốt ruột rồi đau khổ, tội nghiệp cho Liễu không biết bao nhiêu. Dứt khoát là đến để xem sao, để biết cái gì sẽ xảy ra lúc chàng đến, để biết số phận chàng, dứt khoát là dứt khoát giùm cho Liễu ấy, chớ riêng chàng, chàng đã dứt khoát rồi. Chàng sẽ không cho Liễu biết gì cả và cứ tiếp tục yêu Liễu như trước đây, như không có gì xảy ra hết. Không, Liễu không có trách nhiệm nào.
Không biết ông Huyện Hải, đêm đầu đi với có giáo Yến, rồi khuya về nhà, ông ấy đã hồi hộp thế nào chớ Lưu thì chàng cứ muốn cho xe chạy thẳng.
Khi chị người nhà chạy ra mở cổng cho chàng, chị ta nói:
- Trời, lâu lắm mới lại thấy cậu.
Luu giựt mình, như đó là lời phiền trách của Liễu, nhưng chàng bật cười. Quả lâu thật, đối với chị ấy, vì chàng chỉ vào ban đêm, một cách bí mật thì như là không có vào, đối với những người khác hơn Liễu.
Con Toto không sủa mà còn chạy ra mừng chàng nữa là khác. Có một đêm kia, nó làm chàng hết cả hồn vía. Chàng tuột dây xuống gần tới đất thì nó nhảy lại, khiến chàng điếng người ngỡ nó toan ngoạm chơn chàng. Nhưng, dễ thương quá, nó chỉ ngoắt đuôi và hửi chơn chàng mà thôi.
Đêm ấy có lẽ nó được thả ra hơi sớm chớ cứ theo lời Liễu thì dạo sau nầy vì nó hung tợn quá nên tới mười một giờ mới dám trả tự do cho nó.
Lưu hỏi:
- Có cô Liễu ở nhà không chị? Và chơn cô ấy đã bớt đau chưa?
Chúa nhựt trước Lưu tới đây thì chị nầy có việc phải đi ra ngoài nhà ông Long nên chị ta chưng hửng tự hỏi sao mà Lưu không tới lại biết cô chủ nhỏ nhà nầy trặc chơn.
- Dạ có, cô Liễu đã đỡ nhiều lắm, đi gần gần không sao hết. Thưa mời cậu vô nhà.
Họ đã đi tới thềm, và Lưu bước lên tam cấp một mình trong khi chị người nhà chạy vòng ra sau do ngã sau hông nhà.
Sáng chúa nhựt trước, Lưu cứ tự cho phép mình vào đại trong buồng khách, nhưng sáng nay, chàng dừng chơn tại ngưỡng cửa mà còn chưa dám chắc rằng mình sẽ được đứng nơi đó lâu hơn mười phút đồng hồ chăng, vì chủ nhà có thể cho người nhà bảo rằng cô ta không thể tiếp khách.
Nhưng Liễu xuất hiện ra liền nơi cửa sau của phòng khách nầy. Nàng mặc bi-da-ma và có lẽ chỉ mới ăn sáng vừa xong.
Lưu kinh ngạc hết sức mà thấy bạn của chàng mỉm cười, nụ cười của nàng héo hon thật đó, nhưng vẫn cứ là một nụ cười. Nàng vừa đi ra, vừa cười thật khẽ, chỉ bằng một tiếng thôi.
- Anh!
Mấy hôm sau Lưu mới hiểu được thái độ của Liễu bấy giờ. Đêm đầu, nàng tuyệt vọng rồi nổi giận lên, thề sẽ tuyệt tình với Lưu. Thề bán sống bán chết, nhưng rồi lại cứ mong đợi chàng hằng đêm, và đoán rằng Lưu hẳn phải đau ốm, có tang ma gì, hay gặp tại nạn xe cộ nào mới bặt tin như vậy. Họ đã chia tay nhau trong nụ cười sáng chúa nhựt trước kia mà!
Mong đợi tức là tha thứ. Tha thứ nhưng vẫn còn hờn. Nụ cười héo hon nầy có nghĩa như vậy đó.
Lưu hỏi bạn:
- Em đi còn hơi cà nhắc một chút. Có đau đớn lắm không?
- Ðau ở đó thì ít. Chắc anh đã biết em đau ở đâu nhiều hơn.
- Anh đến để tạ tội với em đây và nếu được em tha thứ thì anh sẽ không bao giờ làm cho em buồn nữa, và tối nay anh sẽ có kẹo cho em nhỏ của anh.
Lần đầu tiên Lưu thấy bạn của chàng cười thẹn thùa. Đó là cái cười xinh đẹp nhứt và dễ mê nhứt của một người con gái.
Trong lời hứa biếu kẹo của Lưu có chứa đựng một lời hứa khác nữa mà chàng đã vô tình hay cố ý cho xen vào trong đó thì không rõ, nhưng Liễu cứ thấy rằng đó là một ám chỉ để lấy lòng nàng, nên nàng mắc cỡ mà tưởng bị bạn đoán đúng mơ ước thầm kín của nàng.
- Hông, anh đừng đến nữa, em hổng buông dây xuống đâu.
Khi một người con gái miền Nam đã lớn xác rồi mà thay hai tiếng “không” và “không có”, bằng hai tiếng “hông” và “hổng” là họ nhõng nhẽo đến ta muốn cắn họ lận.
- Em không buông dây xuống thì anh leo cây anh lên.
- Em sẽ cho anh “leo cây”.
Lưu cười ngất trước lối chơi chữ của bạn chàng. Leo cây của Liễu tức là chờ suông mãi mà không được vào vì nàng sẽ đóng cửa sổ lại.
- Anh sẽ gọi ầm lên cho em coi, hay anh vác đá chọi cửa.
- Du côn!
- Du côn lâu rồi.
Không khí đã nhẹ nhiều, y như là trời vừa chuyển đám mưa đầu mùa, áp lực đè xuông nặng nề quá rồi bỗng một ngọn gió thổi qua, mây bay hết và dân chúng thở ra nhẹ nhõm.
- Nhưng hổm nay anh bận gì, nói em nghe coi nào?
- Cảm cúm.
- Có thật không?
- Anh chưa bị em bắt quả tang đã nói láo lần nào kia mà.
- Vậy thì thôi vậy. Em muốn ra ngoài ấy ghê đi nhưng cái chơn cà nhắc mà đi thì rất khó giải thích lý do đi của mình, phương chi người ấy lại đã nghi ngờ, không rõ người ấy sẽ tiếp mình ra sao.
Rồi để gỡ lại mấy tiếng “người ấy” lạnh lạt đó, Liễu hỏi:
- Cô Bích vẫn mạnh khỏe chớ anh?
- Như thường.
- Cô ấy có nhắc nhở gì tới em hay không?
- Có, nhưng nó nhắc hơi khác trước.
- Nghĩa là làm sao?
- Nghĩa là chỉ để dọ ý anh chớ không có thúc hối như trước.
Liễu không buồn mà bị mất cảm tình của Bích. Nàng thấy rằng hôn nhơn giữa Lưu và nàng rất khó mà thành, thì được Bích nhìn nhận hay chăng, không còn là một thắc mắc đáng kể nữa.
Lưu cầm quyển sách mượn trên tay một cách tự nhiên, không che giấu, cốt cho Liễu đừng chú ý đến, và quả lúc chàng vào đây tới giờ, Liễu không hề đếm xỉa tới quyển sách đó. Lưu mong cho bạn chàng đi ra sau giây lát như hôm nọ, chàng sẽ cất lẹ quyển sách vào tủ là xong.
Nhưng Liêu bây giờ lại nhìn cái món đáng sợ ấy và hỏi:
- Anh đọc tiểu thuyết xưa có thích hay không? Có một lần, em chụp được quyển “Chuyện giải buồn” của Paulus Huỳnh Tịnh Của, em xem phải câu chuyện quỷ nhập tràng, sau đó em không dám ngủ một mình cả tháng lận.
Lưu đùa để khỏa lấp vụ sách vở:
- Sao không gọi anh?
- Quỉ! Hồi đó người ta mới có mười bốn tuổi. Cho xem coi quyển gì đó.
Lưu cuống lên. Chàng ấp úng nói:
- Sách cũ quá, rất hôi bụi, bụi giấy hay bụi thời gian gì ấy chớ không phải bụi của không khí. Nó sẽ làm cho em hắt hơi, đừng có lật, không tốt đâu.
Vừa nói, chàng vừa làm cử chỉ nhỏ một cách bất giác để bảo vệ quyển sách.
Liễu nhìn bạn nàng, ngạc nhiên vô cũng. Nàng sanh nghi, không biết nghi cái gì, nên nói nửa đùa nửa thật.
- Chắc trong đó có dán một bản đồ chỉ chỗ chôn giấu kho tàng nào trong họ em, và anh muốn chiếm đoạt kho tàng ấy hả?
- Ơ... hơ... không... ơ... sao em lại nói vậy?
- Vì anh bối rối trông thấy.
- Không, anh đâu có bối rối.
- Lạy ông tôi ở bụi nầy. Ðâu đưa em xem coi nào!
- Nói chơi chớ em không nên coi. Ðây là một quyển dâm thư.
- Cũng cứ không sao. Anh thành kiến dữ vậy hả?
- Em đừng coi. Em đọc, anh sẽ giận em, không nói giỡn đâu. Nhưng đã trễ lắm rồi, em sẽ tò mò, vậy anh không trả sách nầy.
Lưu hối hận và tức mình quá rằng chàng đã ngốc. Một quyển sách cũ ba thế hệ mà Liễu không thèm biết tới, chàng còn mang đến trả làm gì. Nếu chàng giấu luôn thì giờ đây chàng đâu có phải điên cái đầu như thế nầy.
“Có cả khối thằng tủ sách của chúng nó làm bằng hàng trăm quyển sách mượn của người khác đó đã sao, mình lương thiện làm gì cho rắc rối đến bí đường bí ngõ? Tức chết đi thôi!”
Liễu đột ngột hỏi, như chợt nhớ một bổn phận của chủ nhà:
- À, anh uống gì?
- Cố nhiên là nước lạnh.
- Nước lạnh, chị Tư ơi!
Trong khi đợi nước, Liễu nói:
- Em vừa hoài thai một bức tranh thứ nhì. Sáng chúa nhựt tới anh vô đây để đi Biên Hòa với em, anh sẽ thấy cái phác họa.
- À hai tuần rồi ta không có đi Biên Hòa.
- Từ đây, anh với em đi, để ông nội nghỉ ngơi. Vả lại ông nội không có đòi hỏi nữa.
Lưu nhìn xa vào khoảng không. “Ông nội không có đòi hỏi nữa”. Nạn nhân đã bị quên hẳn rồi. Cái người cuối cùng đi hành hương máy móc vì thói quen, và gợi nhớ tình chồng vợ cho bà cụ trên ấy cũng đã hết biết đòi hỏi máy móc rồi. Dĩ vãng đã chết thật là chết, chết một trăm phần trăm.
Chị người nhà bưng nước ra, tiến đến trước mặt khách để đặt ly nước mát trên chiếc bàn con và thật thấp kê cạnh ghế ngồi, loại bàn để gạt tàn thuốc và nước uống riêng cho từng người khách.
Thình lình một bàn tay đưa tới chụp lấy quyển sách. Lưu đang lo ra và giựt mình thì mới hay rằng Liễu đã nương bóng chị người nhà để làm cái hành động ăn cướp nầy.
Sự có mặt của chị Tư ngăn chàng tranh giành quyển sách với Liễu. Chàng cố mỉm một nụ cười còn héo hon hơn là nụ cười của Liễu khi chàng mới vào nhà nầy nữa, và nói, giọng cố bình thản:
- Thật ra thì chỉ là một quyển sách dạy đàn.
- Ai biết đâu.
Liễu nói câu đó khi trở về ghế của nàng, Chị người nhà thì đã biến đi rồi. Nàng giữ sách chặt chẽ ghê hồn và Lưu thấy rằng nếu không đánh nhau, không làm sao mà cướp lại được món đồ tai hại ấy!
Liễu sẽ xấu hổ quá sức rồi đoạn tuyệt với chàng chăng? Nhưng không, kẻ đã biết quá nhiều thì nàng có lợi mà để kẻ ấy trong vòng thân yêu của nàng. Nhưng mà... nó làm sao ấy! Lưu suy luận như vậy nhưng vẫn không an lòng. Chàng lo sợ cái gì chàng cũng không biết nữa.
Chàng chỉ còn mong cho Liễu lật mấy trang đầu, gặp nhạc lý cổ, đọc không hiểu gì cả, chán quá, nàng dẹp sách đi.
Tiểu thuyết “Hà-Hương-Phong-Nguyệt” thì văn rất sáo, nàng đọc văn câu chắc phải bật cười, rồi bỏ cuộc.
“Vái trời cho Liễu nó đừng xem tổng quát như mình, lật mau để xem sơ từ đầu đến cuối”.
Ðôi bạn nói thêm vài câu chuyện nữa, Lưu cố bình tĩnh, cố vui với cuộc đàm thoại, nhưng vẫn không che giấu nỗi lo lắng của chàng. Chàng rất sợ hãi mà bắt chợt được cái cười bằng mắt rất tinh ranh của Liễu, cái cười ngụ ý rằng không thể giấu gì được đâu.
Và họ chia tay nhau trong lời hẹn tái ngộ đêm sau.
° ° ° ° °
Tám giờ rưỡi.
Lưu đi lững thững trên đại lộ Bạch Đằng sau khi gởi xe trước rạp Cao Đồng Hưng. Chàng không vội gì vào thăm bạn theo lối leo cây, càng trễ càng tốt. Hễ trễ thì sẽ không bao giờ cha mẹ của Liễu bắt gặp, còn Liễu phải đợi cũng chẳng sao vì đứng trong buồng mình mà đợi ai, đâu có phải sốt ruột.
Thình lình chàng ngạc nhiên hết sức: đèn trên lầu của Liễu sáng choang. Chàng dừng bước lại, tính đợi một hồi xem sao. Hay là cái chuyện tưởng tượng của chàng biến thành sự thật một cách ngộ nghĩnh như vậy? Chàng đã tưởng tượng để mà lo sợ, lúc đứng đợi Liễu trong buồng của nàng, tưởng tượng rằng mẹ của Liễu vào đây rồi ngất đi vì một cơn đau tim, người nhà khiêng bà ấy lên lầu.
Chàng đợi. Nhưng lâu quá mà đèn cứ sáng. Không thể nói rằng Liễu thắp đèn giây lát để tìm cái gì. Lạ nhứt là cửa sổ đóng kín mít, chàng chỉ thấy ánh đèn qua lá sách cửa thôi.
Chàng đánh bạo đi lại trước đó xem sao! Sao lạ thế nầy? Có tiếng la hét trên ấy, mà đó là tiếng con gái. Lại có tiếng người xôn xao, hình như là đông người lắm.
Lưu nhìn lại dưới nhà thì giựt mình mà thấy một chiếc Mercedès sơn đen láng bóng như chiếc giày da vẹc-ni [58] đang đậu nơi sân. Chắc chắn đó là xe của ông Trịnh Ðức Long.
Lẽ nào chuyện tưởng tượng tầm ruồng của chàng lại thành sự thật? Nhưng nếu thế thì trong nhà phải êm ru chớ sao lại la hét và xôn xao. Hay là mẹ Liễu đã chết thình lình? Nhưng không, nếu thế thì Liễu chỉ kêu khóc thảm thiết chớ đâu mà có la bài hãi và thét lên, rú lên như vậy đâu.
Lưu vội bước lui lại, núp sau một gốc cây thị trồng trước nhà lân cận nhà của Liễu. Tiếng người nghe đã xa, nhưng vẫn cứ còn, không tăng mà cũng không giảm.
Chàng đứng đó suốt một tiếng đồng hồ, chịu là không thể đoán được cái gì đang xảy ra trên ấy, rồi buồn bã trở gót đi về nơi gởi xe.
Suốt ngày hôm sau Lưu bồn chồn không học hành gì được cả, cứ trông cho trời mau tối để không phải đi tình tự mà đi nghe ngóng tin tức.
Vừa bét mắt, chàng đã phải uống thuốc an thần, mặc dầu đêm rồi chàng uống lu bù viên. Hôm nay chàng phải cố mà nhịn món cà-phê sáng mà chàng đã ghiền từ mấy năm rồi. Uống cà-phê vào tức là hủy bỏ hiệu nghiệm của thuốc an thần vậy, mà chàng thì bứt rứt ghê lắm, thần kinh không được trấn an, chàng sẽ nhảy lang ba như một con khỉ.
Lưu muốn vào ngay trong Bà Chiểu để hỏi thăm tin tức về cái chuyện khó hiểu đêm rồi, đã khó hiểu lại có vẻ là một tấn thảm kịch, chớ không phải là một chuyện nhỏ nó xảy ra trong bất cứ gia đình nào. Một thiếu nữ la hét thì có gì đâu mà phải lo. Có thể nàng tức giận người nhà vì chuyện đó, mà cũng có thể xin với cha mẹ nàng một cách chính thức và quyết liệt, hôn nhơn với chàng, nhưng không được chấp thuận, thế là nàng nổi loạn. Nhưng linh tính dường như báo cho Lưu biết rằng có chuyện chẳng lành.
Ðịnh như vậy, nhưng Lưu nghĩ lại thì chưa phải lúc vào trong ấy. Buổi sáng là buổi mà nhà ai cũng bận rộn cả, không nên bắt người ta tiếp khách, cho dẫu là đứng ngoài sân để hỏi qua vài câu chuyện. Nhưng phải đợi tới chiều mới vào được trong ấy để lấy tin thì chàng sẽ hóa điên mất.
Thế nên chàng dung hòa hai lối xử thế: chàng không vào trong đó ngay, mà cũng chẳng đợi tới chiều, mà sẽ đi lấy tin hồi mười một giờ. Giờ đó người ta cũng chưa rảnh rang, nhưng họ cũng chẳng quá bận rộn như vào những giờ sáng sớm.
Và Lưu ra đi lập tức mà chẳng ăn uống gì hết. Chàng không có nơi nào để mà đến cả, nhưng nằm nhà thì bứt rứt xốn xang, nên đi cho nó hoạt động đôi chút để đỡ sốt ruột vậy thôi. Hồi đúng mười một giờ, chàng gọi cổng nhà Liễu trong hồi hộp. Cũng cứ chị người nhà đã quen thân chạy ra mở cổng cho chàng, nhưng chàng không vào, mà cũng không dám tỏ ra mình có biết cái gì. Chị người nhà hôm nay buồn hiu và có vẻ bối rối lắm khi thấy mặt người bạn trai của con của chủ nhà.
- Cô Liễu đã về chưa chị?
Chị ta do dự giây lát rồi ấp úng đáp:
- Cô của em bịnh cậu à.
- Sao vậy? Cô ấy bịnh nặng hay nhẹ, tôi vào thăm có được không?
Lần này chị người nhà do dự lâu hơn khi nãy, nhưng rốt cuộc chị ấy cũng nói sự thật vì chị ta biết rằng không thể giấu mãi được.
- Thưa cậu, cô em đã lên cơn điên thình lình và đã được chở đi Biên Hòa khi sáng.
- Lên cơn điên? Trời ơi, sao kỳ lạ như vậy?
- Em cũng không biết nữa.
- Nhưng hồi nào?
- Ðêm rồi, hồi bảy giờ tối.
- Trời. Nhưng trước đó, có dấu hiện gì hay không?
- Đêm trước, sau khi cậu về rồi thì cô em thức khuya lắm.
- Sao chị biết?
- Vì cô em để đèn trên lầu sáng đêm. Nhưng cũng chẳng có gì xảy ra. Nhưng sáng lại thì cô em bơ phờ mệt nhọc vô cùng và suốt ngày chẳng ăn uống gì hết. Tối lại thì bắt đầu la hét và em đã cho người đi báo động với ông bà ở Sàigòn. Ðêm rồi ông bà ở luôn trong nầy để giữ cô Liễu vì cô ấy đã nhiều lần toan nhảy từ lầu xuống sân.
- Nhưng ai đưa cô Liễu đi Biên Hòa?
- Thưa, ông với bà em.
- Có nghe thầy thuốc nói sao không?
- Dạ, nhà thương chưa biết gì hết. Họ cứ nhận cái đã rồi sẽ hay.
- Trời ơi.
Lưu kêu lên như vậy rồi tần ngần đứng lặng rất lâu. Đoạn chợt tỉnh, chàng nói:
- Thôi, cám ơn chị, tôi phải đi Biên Hòa ngay mới được.
Lưu đi Biên Hòa thật và lúc gần tới nơi, chàng mới chợt nhớ ra rằng là nhà thương mở cửa thả gà, nhưng chỉ trong những giờ làm việc mà thôi, chớ không phải là mở tối ngày sáng đêm. Chàng vào một hiệu cà-phê cắc-chú ăn một tô mì, uống một cái cà-phê sữa đá và ngồi đó để chờ đợi giờ làm việc. Ngồi đó, Lưu cứ lo rằng nay mai mình cũng sẽ được đưa vào nhà thương điên vì chàng nghe hai chơn chàng cứ muốn chạy nhảy, đó là dấu hiệu bị kích thích đến tột độ. Đồng hồ tay của chàng hôm nay bị chàng nhìn mặt thường quá. Chàng ăn uống ngoài thành phố, biết cái thời gian phải tốn để đi vào trong nhà thương thế nào mà tới nơi là mở cửa, nên chàng phải canh đồng hồ để không phí phút nào hết.
° ° ° ° °
Liễu còn đập phá la hét, và dĩ nhiên là nàng không nhận ra người thăm viếng. Chàng nhìn Liễu mà rưng rưng nước mắt khi nhớ lại bà nội lớn của nàng cũng đã lâm bịnh vào tuổi thanh xuân, và phải chôn chặt đời cụ ở đây suốt gần nửa thế kỷ. Liễu trẻ hơn bà cụ, và có thể bị bỏ quên lâu hơn. Khoa tâm bịnh học đã tiến bộ nhảy vọt, nhưng vẫn còn bất lực trước nhiều trường hợp, chớ không phải ai cũng may mắn như cô em gái của chàng đâu. Bà cụ khi xưa không khỏi bịnh vì y học còn kém, nhưng ngày nay khoa tâm trí có giỏi hơn thật đó, nhưng cũng có chán vạn người đành chịu cảnh chỉ còn xác mà không hồn.
Lưu không ở đó mà nhìn Liễu lâu hơn mười phút vì càng nhìn chàng càng nghe đau. Chàng đến văn phòng để xin được vị y sĩ chuyên môn trị bịnh tiếp chàng trong năm phút. Chàng được thỏa nguyện ngay, và khi gặp mặt ông ấy, chàng hỏi thăm về sự may mắn được trị lành hay không của Liễu.
Vị bác sĩ nầy không phải là giám đốc nhà thương nhưng cũng là người học chuyên khoa ở ngoại quốc. Ông ta đưa cả hai tay lên trời rồi nói:
- Tôi chỉ mới khám, chưa biết gì hết. Còn đợi thử máu, thử nước tiểu, nhưng cũng chưa chắc đã biết gì. Thường thì gia đình phải hợp tác mới được. Anh là gì của cô ấy?
- Thưa bác sĩ, tôi chỉ là bạn mà thôi.
- Như vậy tôi chẳng mong gì ở anh hết. Chỉ có gia đình cô ấy mới biết ở cô ấy bị những chuyển động tâm tư nào.
- Thưa bác sĩ, tôi dám quả quyết với bác sĩ là tôi biết nhiều hơn gia đình của cô ấy.
Nhà chuyên môn trẻ tuổi nhìn Lưu giây lát rồi hỏi:
- Là y sĩ, tôi không có quyền xía vào đời tư của con bịnh. Nhưng về bịnh nầy thì chẳng những tôi có quyền mà còn có cả bổn phận nữa. Hình như anh là... là... bạn ơ... hơ... bạn thân hả? Mà thôi, ta cứ nói thẳng ra. Anh là gì, xin nói thật cái nào.
- Thưa bác sĩ, tôi là nhơn tình của cô ấy, nhưng tôi sắp xin cưới cô ấy làm vợ. Do một sự tình cờ, tôi đã khám phá ra một sự bí mật trong gia đình của cô ấy.
Rồi chàng kể tỉ mỉ những điều mà tập nhựt ký xưa đã tiết lộ, với lại sự có thể rằng Liễu cũng vừa biết bí mật trong họ của nàng cách đây vài hôm. Xong chàng hỏi:
- Bác sĩ có thấy dây liên hệ giữa tấn thảm kịch xưa và chứng bịnh nay chăng?
- Thấy, và tôi cám ơn anh đã cho biết những điều mà có thể gia đình họ ém nhẹm luôn.
- Nhưng tại sao mà nạn nhơn ngày nay, không chịu trách nhiệm về tội ác mà người xưa đã gây ra, lại đến hóa điên, thưa bác sĩ! Và liệu cô ấy sẽ lành bịnh hay chăng?
- May ra thì cô ấy sẽ lành bịnh.
- Thế nghĩa là bác sĩ không chắc lắm?
- Không. Anh nên biết rằng chiếc máy Tivi coi bộ thì lộn xộn như vậy chớ chẳng có gì phức tạp lắm như bộ máy của con người. Phương chi bịnh nầy không là bịnh của bộ máy cơ thể mà là của bộ máy bản ngã thì nó một trăm lần phức tạp hơn.
- Thần kinh của cô ấy hỏng hay chưa, thưa bác sĩ?
- Không, không có con bịnh nào ở đây mà hỏng thần kinh cả. Bản ngã là cái khác, không liên hệ đến thần kinh đâu.
- Nhưng tại sao cô ấy hóa điên vì một chuyện không do cô ấy gây ra mà cũng không làm hại cô ấy, vì tôi không bao giờ có đoạn tuyệt với cô ấy khi trót biết?
- Anh không nên biết nhiều quá. Ðó là những điều mà tôi không có quyền nói ra. Nhưng cốt là cô ấy lành bịnh. Chắc anh chỉ mong bấy nhiêu đó thôi chớ gì?
- Vâng.
- Vậy thì anh cứ hy vọng. Tôi sẽ làm hết sức tôi. Nhưng tôi không dám hứa gì hết đâu.
Lưu cám ơn vị bác sĩ trẻ tuổi có vẻ đồng lứa với chàng rồi xin phép đi ra. Chàng trở lại trại mà Liễu đang nằm để chờ được điều trị, nhưng không hiểu sao rồi chàng lại không vào thăm Liễu lần thứ nhì mà chỉ đứng nhìn đây đó thôi.
Dưỡng Trí Viện Biên Hòa!
Đã bao thế hệ người rơi lệ tại đây, mỗi lần họ ra về sau khi thăm viếng người thân yêu của họ?
Đây là là nơi nương náu cuối cùng của những cuộc đời bị “Chém treo ngành”, không đứt đoạn ngon lành mà còn dính lại với thế gian bằng một sợi chỉ mong manh như tơ nhện, mấy giây ý thức trong một ngày, một tuần, một tháng. Ðau xót là ở điểm đó.
Không, Liễu chưa hề nhận diện được chàng lần nào cả. Nếu chuyện ấy đã có xảy ra, chắc Lưu tự tử ngay tại nhà thương vì chàng không sao chịu đựng nổi một cảnh như vậy.
Lưu lại dừng bước nơi cầu gỗ, lại nhìn dòng suối dưới kia. Không biết bao nhiêu nước đã chảy và sẽ chảy dưới cầu, dòng đời cứ trôi đi băng băng và chính cả chàng cũng có lẽ không ở lại đợi Liễu nữa, trong khi ấy thì cô nữ sinh viên xinh đẹp, dễ thương, không có tội tình gì cả, lại có thể sẽ phải chôn vùi kiếp thanh xuân của cô ở nơi nầy.
° ° ° ° °
Tò mò là cái bịnh lớn của Lưu, nên chỉ trong tuần lễ sau đó, chàng tìm chơi với sinh viên y khoa. Bịnh điên không được dạy trong phân khoa mà phải đi học ở ngoại quốc, tuy nhiên một số sinh viên tò mò vẫn tự lực nghiên cứu. Lưu biết thế nên quyết tìm một anh sinh viên để hỏi về cái điều mà người y sĩ trên Biên Hòa đã giấu chàng.
Nhiều sinh viên đã giới thiệu với Lưu một anh tên là Cần. Anh ta là nội trú và hiện đang phục vụ tại nhà thương Bình Dân.
Lưu viết lên giấy những điều mà chàng đã kể cho vị y sĩ trên Biên Hòa nghe và được cho gặp mặt Cần, chàng được Cần hứa sẽ tiếp chàng hai hôm sau đó tại buồng riêng của hắn trong nhà thương Bình Dân.
Nội trú là một cái chức, chớ không phải có nghĩa là kẻ được ăn ở trong trường đâu. Nhưng các nhà thương rất cần nội trú, nên đều có sắm buồng riêng cho nội trú ăn ở, vì họ làm việc đôi khi hai mươi trên hai mươi bốn giờ, không có cơm để mà ăn, còn nghỉ thì sau hai ba tiếng đồng hồ làm việc liên tiếp, họ chỉ được nghỉ mười lăm phút, nếu không có sắm buồng cho họ thì họ sẽ chết mất bởi họ sẽ chẳng được nghỉ phút nào cả.
Những nội trú thì thường ngày sau trở nên bác sĩ thầy hết ráo bởi họ quá giỏi, phải thật giỏi mới thi và giựt được chức nội trú, và đậu rồi thì họ lại giỏi thêm vì bị bắt làm việc tối ngày sáng đêm, chẳng có cái gì mà họ chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết hết.
Họ làm việc như con voi, thế mà cái anh Cần nầy lại còn tìm cách nghiên cứu thêm về một ngành chuyên khoa mà đỗ bác sĩ rồi thì người ta mới phải đi học, nếu người ta thích ngành đó.
Lưu chỉ được Cần tiếp có nửa phút đồng hồ, nhưng chàng biết rõ bọn nội trú nên không bị mích lòng, và cũng chẳng bị mích lòng khi Cần ăn nói với chàng một cách xẳng lè, anh ấy không có thì giờ để nói văn hoa và để lịch sự, con gái đẹp tìm anh ta, anh ta cũng chẳng có thì giờ để tiếp họ thì đực rựa được tiếp nửa phút đồng hồ là một đặc ân lớn. Chính anh ta đã nhắn lời bắt Lưu phải viết ra giấy những điều hỏi. Vì anh ta không có thì giờ để nghe anh hết và anh ta sẽ đọc giấy đó lúc anh ta ăn cơm, nếu anh ta không quên, vứt mất giấy đi.
Lưu đã vào nhà thương năm đêm, ngủ tại căn buồng của Cần, và chỉ gặp được hắn vào đêm thứ năm thôi. Những đêm khác, thỉnh thoảng hắn cũng có về phòng nhưng vừa đặt lưng xuống là bị gọi ngay. Những người nội trú họ phải làm tất cả mọi việc khó khăn mà trong một nhà thương lớn thì một đêm xảy ra không biết bao nhiêu là trường hợp phải nhờ đến nội trú.
Đêm nay, Cần chỉ bị gọi có hai lần, mỗi lần độ một tiếng đồng hồ thôi. Như vậy Lưu có dư thì giờ để kể cho hắn nghe chuyện của Liễu. Nhưng mà rồi không dư, vì hắn bắt kể tỉ mỉ hơn cả người chép chuyện nầy đã chép, bởi khi chép lại tập nhựt ký, kẻ chép chuyện không có chép đầy đủ, bỏ bớt những đoạn mà Lưu không muốn đọc. Tuy rồi rốt cuộc chàng vẫn có đọc, nhưng chàng đã không muốn thì người chép truyện cũng không muốn cho bạn đọc đọc thấy làm gì.
Ðó là những đoạn mà bà Trịnh Ðức Hải nhũ danh Ngô Thị Hường cho cô giáo Nguyễn Thị Yến là con quỷ, đêm cô Yến đòi ngủ chung với bà để hỏi cho biết ra sao những lạc thú mà một phụ nữ lấy chồng đã được hưởng.
Ðó là những đoạn mà bà Ngô Thị Hường rủa cô giáo Nguyễn Thị Yến là con quỷ khi cô nầy tâm sự với bà là cô ta muốn chồng ghê lắm. Cô ta đã tả sự muốn chồng ghê lắm của cô ta.
Cần lại bắt kể đi kể lại nhiều đoạn mà hắn đã nghe rồi, chắc chắn hắn muốn nắm thật vững câu chuyện, thật vững các yếu tố để rồi hắn phối hợp lại, để thử lập một hệ thống nào.
Hắn ngủ giỏi không thể tưởng tượng được và khi hắn thấy rằng hắn nghe đã đủ rồi thì hắn ngáy pho pho liền khiến Lưu thất vọng hết sức vì chàng đinh ninh rằng sẽ được nghe giải thích ngay.
Sáng ra, hắn bảo Lưu đi về, rồi hai hôm sau trở lại để ngủ với hắn.
Lưu tìm người bạn trung gian để phàn nàn cái ông lang băm tương lai kỳ dị ấy thì thằng bạn nó cười ngất mà rằng:
- Mầy không biết rằng muốn làm nội trú phải có sức khỏe như một con trâu cổ không thôi sáu tháng là ho lao mất. Tại nó phải ăn ngủ mót, tức là lượm được phút nào dư, chúng nó ngủ phút nấy để gỡ gạc, mà có ăn mót được cũng nhờ sức khỏe trâu cổ nói trên. À, còn cái vụ hai đêm sau trở lại có lẽ vì nó đã mệt rồi, cần ngủ, và cần không bị mầy phá đám vài bữa để nó lấy lại sức chớ không có gì mà phiền.
Sinh viên Cần giống hệt một người cao niên chớ không phải là còn đồng lứa của Lưu, hắn tiếp không lạnh mà cũng chẳng nồng, bình tĩnh không thể tưởng tượng được.
Hắn nấu nước bằng rê-sô [59] điện để pha cà-phê phin [60] cho hai người rồi hỏi:
- Tuần nầy anh có đi thăm “nàng” hay không?
Hắn chỉ gọi Liễu bằng “nàng” từ đầu đến cuối.
- Không.
- Anh nên đi thăm “nàng” thường hơn, để mà xa nhau cho khỏi ân hận.
- Trời, té ra anh cho rằng Liễu không thể khỏi?
- Nào tôi có nói như vậy bao giờ đâu. Chính vị bác sĩ điều trị “nàng” còn chưa thể biết “nàng” sẽ khỏi hay chăng, huống hồ là tôi. Nhưng anh nên xa “nàng” khi nàng khỏi bịnh. Như vậy lời khuyên của tôi là lời tiên liệu rằng nàng sẽ khỏi ấy chớ.
Nầy, giờ đây, không phải một người bạn nói chuyện với một người bạn đâu nhé mà một y sĩ dìu dắt một thanh niên trước hôn nhơn đây, nghe không?
Các cụ ta thường khuyên: “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”. Tôi cũng khuyên như vậy nhưng với mục đích khác các cụ. Các cụ chỉ nhắm đạo đức, tôi, tôi nhắm khía cạnh sức khỏe. Người mình lấy vợ lấy chồng không bao giờ kể đến điểm ấy trừ khi nào họ thấy cô hay cậu gì đó sắp chết đến nơi họ mới từ chối.
Má tôi thường kể rằng thuở tôi chưa sanh ra đời tức trước trận thế chiến có rất nhiều gia đình họ sởn sơ mấy chục đời bỗng nhiên tàn lụn, tuyệt dòng luôn vì cưới phải một cô gái ho lao vì bịnh ho lao thuở ấy chưa trị được, nhứt là ở thôn quê ta. Riêng tôi, tôi đã thấy một người bạn cưới phải một cô vợ cùi. Cha cô ấy không cùi, ông nội cô không cùi nhưng ông cố của cô ấy thì cùi. Bịnh cùi đôi khi lặn đi vài thế hệ để rồi tái hiện nơi một thế hệ nào đó. Chọn dòng rất là cần thiết, về phương diện sức khỏe của con cái về sau, bởi vậy cho nên cố mà tránh bị sét đánh lên đầu vì bị tiếng sét rồi thì ta không còn đủ minh mẫn để mà chọn nữa.
Lưu quậy điên cuồng đầu muỗng dưới đáy ly cà-phê sữa, mặc dầu dưới ấy không còn lấy một nguyên tử đường hay sữa đặc gì hết ráo.
Chàng nói:
- Nhưng chúng tôi đã trót yêu nhau rồi. Nếu tôi phụ Liễu khi Liễu khỏi, Liễn sẽ lại điên trở lại nữa.
- Không, nàng có thể điên trở lại vì nguyên nhơn khác chớ không vì sự bặt tin của anh, nàng cầm bằng như đã mất anh ngày nàng lên cơn điên.
- Té ra vì sợ tôi không yêu nữa bởi những tiết lộ của...
- Không. Anh đã biết bí mật ấy mà còn hẹn tối đến, thì nàng không sợ mất anh vì cái biết của anh đâu. Nhưng nàng biết rằng anh không coi trọng nàng nữa.
- Không, tôi đã bất kể tập nhựt ký.
- Lý trí thì như vậy, nhưng không làm sao mà nàng còn được nguyên vẹn là nàng nơi lòng anh.
- Theo anh thì tại sao Liễu lại lên cơn điên?
- Nói chuyện chi tiết trước cái đã, trước hết tôi rất ngạc nhiên về cái điều ông Trịnh Đức Long cấm con gái của ông học nhảy đầm trong khi cả ông lẫn bà, từng tuổi ấy mà vẫn
la cà ở các hộp đêm. Nhưng biết hết mọi việc, tôi không còn lấy đó làm lạ nữa.
Ông Long ổng nghe trong người ổng, ổng biết ổng đã thừa tự của mẹ ổng một bịnh không may là bịnh dâm đãng. Để cứu con ổng, ổng bắt nàng khuê môn bất xuất, nhưng vẫn không cứu được vì có chàng hiệp khách leo dây lên lầu.
Theo tôi thì kể từ thế hệ bà nội của nàng, sự thăng bằng tâm trí đã đứt rồi. Anh nói rất đúng rằng có một sự liên hệ mật thết giữa bịnh dâm đãng và tài hoa, và nếu thăng bằng tâm trí mà giữ vững được thì tài hoa ấy sẽ lên đến tuyệt đỉnh.
Bà Nguyễn Thị Yến đàn hay, ca giỏi, vẽ khá, lại xuất khẩu thành thơ nữa, nghĩa là cũng là một thứ nghệ sĩ kha khá rồi, nhưng bà không lên cao hơn được là vì bà đã mắc bịnh tâm trí rồi.
- Bà ấy đã mắc bệnh tâm trí?
- Ừ, nhưng anh đừng hiểu lầm. Cái mà tôi gọi là bịnh dâm đãng thật ra không phải là một cái bịnh. Nơi một số người, hạch sanh dục làm việc quá tốt thì nó như vậy. Những người đó không có trách nhiệm gì hết, mà họ cũng chẳng có gì phải xấu hổ. Nhưng bà cụ ấy quả có mắc bịnh tâm trí thật sự, và cháu nội của bà ấy thừa tự những gì mà bà ấy mắc phải.
Vị y sĩ trên Biên Hòa, ông ấy không nói hết sự thật cho anh nghe không phải vì ông ta xấu bụng đâu, nếu ông ta nói ra rồi anh sợ, không cưới nàng thì sao? Y sĩ không có quyền xía vào những chuyện tình cảm của người khác bằng cách nào hết, trừ phi anh đòi hỏi một cuộc khám nghiệm có chứng chỉ kèm theo, nhưng cũng chỉ được phép đòi hỏi điều ấy với nàng, rồi nàng xin giấy tờ sao đó thì xin chớ anh xin trực tiếp thì không được.
Tôi thì khác, tôi còn là sinh viên, tôi chưa thề và tôi nói với một người bạn, anh hiểu chưa?
- Hiểu.
- Ngày sau tôi đỗ bằng y khoa rồi, tôi tuyên thệ rồi thì tôi cũng phải dè dặt như ông ấy, cho dẫu là với bạn thân. Nhưng anh cũng nên biết rằng tôi chưa phải là y sĩ chuyên môn về bịnh tâm trí thì những gì tôi nói ra đây, anh chỉ nên tin có chừng mực thôi, vì tôi có thể sai lầm lớn. Anh nên cân nhắc vậy, chớ xem lời tôi nói là khuôn vàng thước ngọc, rồi về sau bắt tội tôi không được đó nghe.
- Tôi sẽ không nghe lời anh mà có lẽ không nghe vì quá yêu nàng, chớ không phải vì không tin anh, tức tôi sẽ liều mà xin cưới nàng, nếu xin được. Nhưng bà cụ mắc bịnh gì?
- Bà cụ ấy đã mắc hai chứng bịnh tâm trí, một chứng nhẹ và một chứng nặng.
Ừ, một chứng nhẹ và một chứng nặng. Chứng nhẹ của bà tiếng Pháp gọi là Cynisme mà ta tạm dịch là chứng “Mặt dạn mày dày”. Sự dâm đãng nơi bà, tôi đã gọi là một chứng bịnh nhưng nó là bịnh cơ thể, hạch sanh dục phát triển mạnh quá, chớ không phải là một chứng bịnh tâm trí đâu. Nhưng phơi bày thèm khát của mình ra cho bạn hữu nghe là mặt dạn mày dày rồi. Bà Ngô Thị Hường không dám nghe, anh không dám đọc đoạn ấy kia mà.
Nhưng cái chứng bịnh tâm trí nặng nhứt của bà là chứng Sadisme mà tự điển Ðào Duy Anh dịch là bạo dâm nhưng không đúng. Sadisme là sự khoái trá mà mình hưởng được khi mình hành hạ người khác.
Tại sao bà Yến lại không thủ tiêu tập nhựt ký tố cáo của bà Hường?
Có phải chăng là bà nghe thú vị vô song mỗi lần bà đọc lại niềm đau mà bà Hường phơi bày ra trong ấy.
Ðứng về phương diện tâm bịnh học, cô giáo Yến là một người điên rồi, chớ không phải là người tâm trí bình thường nữa.
Một người đàn bà như cô giáo Yến cá tánh và bản ngã mạnh vô cùng và con cháu của bà ấy thừa tự của bà ấy nhiều hơn là của ông Trịnh Đức Hải về những gì thuộc tinh thần, thông minh, tâm trí v.v...
- Ðúng như vậy. Tôi có xem tranh của Liễu và đoán rằng Liễu sẽ đi xa lắm.
- Ừ. Đó là chưa kể nàng mắc phải chứng dâm đãng như bà nội của nàng, cái chứng bịnh mà anh nói nhẹ ra là bồng bột. Tuy nhiên nàng sẽ khỏi làm xằng như bà nội của nàng và có thể là một người vợ hiền trọn đời vì nhu cầu nơi nàng chưa hành hạ nàng bao nhiêu là nàng đã được thỏa mãn rồi.
Nhưng nàng luôn luôn có khuynh hướng dễ bị mất thăng bằng tâm trí và tâm thần của nàng đã có tỳ có vết do một cuộc thừa tự tai hại.
Bất kỳ ai cũng có bị chấn động tâm thần thật mãnh liệt, ít năm là một lần trong đời của họ, nhưng tại sao lại có người điên, có người chịu đựng được và qua khỏi cơn khủng hoảng? Là tại có kẻ tâm linh bị tỳ vết vì một cuộc thừa tự nào đó, còn những người khác thì tâm linh lành mạnh. Nàng đã hưởng một cuộc thừa tự tai hại, như tôi vừa trình bày”.
A, đây là câu hỏi mà Liễu đã đặt ra và chàng đã không đáp được, trong buổi đầu mà họ mới quen nhau. Lưu hỏi thêm:
- Nhưng tại sao Liễu lại không thừa tự ở phía bên ông nội?
- Đã bảo những người mắc bịnh dâm đãng là những người có cá tánh rất mạnh thì sự truyền tính của kẻ đó lấn mất sự truyền tính của người hôn phối của y. Bà cụ ấy tràn ngập ông cụ trong sự truyền tính cho con cháu.
Chính tâm thần em gái của anh cũng bị tỳ vết nào đó, nên cô ấy mới mắc bịnh chớ có hằng ngàn thiếu nữ sầu tình thì tại sao chỉ có vài người là điên mà thôi? Nhưng tỳ vết nơi cô ấy chắc là mong manh lắm chớ không sâu đậm như nơi cô kia, nên chi cô em của anh mới lành bịnh sau ba tháng được điều trị.
Tôi xin giải thích tiếp về trường hợp của nàng.
Nàng là người tốt, được giáo dục tốt, và thấy nếp sống của ông cha mình lành lặn, nàng yên trí rất mạnh rằng dòng họ nàng là một dòng họ đạo đức.
Ông Tri Huyện Trịnh Ðức Hải quyết nằm lì ở Sàigòn, hy sinh chỗ tốt là chức Quận trưởng ở khắp các nơi để được ăn hối lộ hầu làm giàu thì hẳn đạo đức nhà họ Trịnh đã sáng tỏ.
Ông đã leo lên tới chức Ðốc Phủ Sứ mà sản nghiệp chỉ là một ngôi biệt thự cất trên một đám đất nê địa, mà thuở ấy thuộc vùng ngoại ô xa, biệt thự nầy, năm 1925, giá không tới năm ngàn đồng, năm ngàn đồng thuở ấy to thật đó, nhung không quá đáng đối với địa vị chức tước của ông.
Yên trí như vậy, nàng phải bị chấn động tâm thần, nghe như trời long đất lỡ khi đọc tập nhựt ký mà anh đã vụng về gợi tò mò cho nàng phải đọc.
Thế là mất thăng bằng, sau một cuộc chấn động như vậy.
Uống vừa xong một ly cà-phê thật bự, mà lại là thứ cà-phê ngon hảo hạng nữa, thế mà Cần cứ lăn ra mà ngáy pho pho được như thường sau đó.
Lưu nhìn người thầy thuốc tương lai nầy và nghĩ rằng con người thuộc ca-líp như hắn, không bao giờ mà điên được. Chỉ có những kẻ cần thuốc an thần như chàng mới có thể điên mà thôi.
1965
Chú thích:
[1] ê-sạc = écharpe: khăn choàng cổ
[2] rô-đa = rodage: chạy xe cho trơn máy
[3] conformisme: chủ nghĩa thủ cựu
[4] ca-rô = carreau: ô vuông
[5] cua = faire la cour: theo đuổi, tán tỉnh phái nữ.
[6] mu-xoa = mouchoir: khăn tay
[7] cao-bồi = cowboy
[8] tuy-dô = tuyau: ống, có nghĩa là nguồn tin bí mật được nói, mách riêng
[9] ba-gai = pagaille, pagaye: cứng đầu, lộn xộn
[10] ba-lông = ballon: trái banh (quả bóng)
[11] chalet: nhà cất bằng gỗ
[12] ma-ky-dê = maquiller: trang điểm
[13] công-tắc = contacteur: cái ngắt điện kép
[14] nê-địa: đất bùn
[15] nê-ông = néon
[16] ca = car: xe
[17] tốc-kê = toqué: khùng, gàn
[18] ba-nô = panneau: tấm bảng (quảng cáo, yết thị) - cửa làm bằng nguyên một tấm ván lớn.
[19] bin = pile: đèn bấm
[20] trái boa = poire: trái bấm (bằng cao su) có hình trái lê.
[21] săng-đai = chandail: áo len cổ cao
[22] giày muyn = mule: loại giày dép có phần trước bít, gót để hở. Giày có đế cao để đi ra ngoài, giày có đế thấp là dép đi trong nhà.
[23] téc-ni-cô-lo = Technicolor: kỹ thuật phim màu
[24] Dưới thời Pháp thuộc, ở miền Nam, chức Thơ ký đầu tỉnh (Secrétaire de Province) to gần bằng phó tỉnh trưởng và có quyền thay thế vị quan ấy! Thường thì lên tới Tri phủ hạng nhứt, hoặc Đốc phủ sứ mới được giữ chức Thơ ký đầu tỉnh.
[25] Xe song mã là một loại xe ngựa “đờ-luýt” của Sài Gòn ngày trước, trước khi ô-tô được thông dụng. Xe cho thuê mỗi tiếng đồng hồ là hai đồng bạc, dành cho nhà giàu đi dạo mát vòng lớn, tức qua các đường Thống Nhứt, Hồng Thập Tự, Thị Nghè Gia Định, trở về Võ Duy Nguy, Hai Bà Trưng bây giờ. Xê-ít là ám chỉ danh từ Saїs, người đánh loại xe ấy, thường là người Mã Lai.
đờ-luýt = de luxe: xa hoa, xa xỉ
[26] Tòa Đô Chính thuở ấy.
[27] Thuở đó, đường phố Sài Gòn chưa cán nhựa, bụi bặm bám đầy trời nên mỗi hôm đều có xe nước đi tưới đường bằng vòi mạnh gần như vòi chữa lửa.
[28] Thuở ấy ở miền Nam học trò nghỉ ăn tết tới một tháng đúng.
[29] Ðẹp (Tiếng cổ miền Nam).
[30] Thuở ấy, hăm lăm là luống tuổi quá rồi.
[31] champagne: rượu bọt
[32] cognac: rượu mạnh chế tạo từ nho.
[33] épicerie: tiệm bán đồ gia vị, thực phẩm
[34] guốc ngù ngà: guốc ngù không có quai nhưng có một cây trụ nhỏ gắn ở đầu guốc để người đi guốc kẹp lại giữa hai ngón chân. Ban đầu ngù làm bằng đồng, về sau làm bằng ngà cho đẹp và sang hơn.
[35] cò-mi = commisaire: ủy viên, ty trưởng, cảnh sát trưởng...
[36] bạn xí-cốt = bạn chí cốt: bạn rất thân.
[37] cười “miếng-chi”: cười mỉm, cười duyên
[38] sa-teng = satin: hàng vải láng bóng
[39] chi: chữ chi 之: chữ Hán viết có dạng giống như chữ Z.
[40] va-ly = valise: xách, giỏ đựng quần áo
[41] Tức đại lộ Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao ngày nay.
[42] Thuở ấy gái tân thời cắt móng tay thật sát.
[43] Quán cơm Tây danh tiếng nhứt Sàigòn vào thời ấy, đọc là Y-ÊN Y-ÊN.
[44] villa: biệt thự
[45] Trước Vũ trường Mỹ Phụng ngày nay.
[46] Loại xe bốn bánh do hai ngựa kéo, mui và cửa kiếng, không sang như xe song mã nhưng vẫn cứ là một thứ xe song mã tiện nghi nhưng giá thuê rất rẻ.
[47] Tên đúng của khu mà Tây gọi trại ra là Dakao, và ta lại bắt chước Tây một cách vô lý.
[48] Thuở ấy đường phố Sàigòn, trẻ con tập xe đạp trên đó được, thì những rủi ro dọc đường không dáng sợ như bây giờ.
[49] Tên Pháp của xe song mã thuở ấy mà giới trí thức lại ưa dùng tên Pháp hơn là tên Việt.
[50] lục-xì: khám bịnh gái mãi dâm
[51] xú-báp = soupape: nắp hơi, van
[52] Tức đường Triệu Quang Phục ngày nay.
[53] Danh từ xưa chỉ viên thừa phát lại.
[54] Danh từ xưa chỉ cảnh sát viên.
[55] Chef Service des Moeurs: Trưởng ty kiểm tục ở Ðô Thành.
[56] Thuở ấy phụ nữ mền Nam chưa phi-dê và cô nào mà bị xởn tóc là đầu họ tố cáo ngay. Xởn tóc là hình phạt nặng nhứt mà các bà vợ ghen ban cho tình dịch của họ.
[57] Ðẹp.
[58] vẹc-ni = vernis: men, nước sơn bóng.
[59] rê-sô = réchaud: lò nấu
[60] phin = filtre: lọc cà-phê.

HẾT

Xem Tiếp: ----