Chương V (tt)
CÁCH NÓI CHUYỆN: BỚT THẤT NHÂN TÂM

- 27 ĐỪNG
- 35 PHẢI
 
 
27. ĐỪNG
1. Đừng già hàm
2. Đừng cứ “bổn cũ soạn lại”
3. Đừng làm người ta ngượng
4. Đừng có giọng “sư tàng”
5. Đừng cho mình là “ông biết hết”
6. Đừng cươp lời
7. Đừng kiểu cách
8. Đừng tự quảng cáo
9. Đừng chỉ trích
10. Đừng nói hành
11. Đừng nói ngược
12. Đừng nhạo báng
13. Đừng vụng về
14. Đừng thày lay
15. Đừng làm đòn xóc hai đầu.
16. Đừng ngốc bậy
17. Đừng mò ó
18. Đừng đổi tính luôn
19. Đừng “thả vịt”
20. Đừng ba xạo
21. Đừng ham cãi lộn
22. Đừng háo danh
23. Đừng hấp tấp
24. Đừng quá tâm sự
25. Đừng thân mật bừa bãi
26. Đừng có giọng sách vở
27. Đừng nói sai tiếng mẹ đẻ và khoe khoang ngoại ngữ
 
 
35 PHẢI
1. Phải nói ít
2. Phải nghe và hỏi nhiều
3. Phải khen thành thực
4. Phải nói điềm đạm, kỹ lưỡng và hòa hoãn
5. Phải cẩn ngôn
6. Phải tế nhị
7. Phải biết cười
8. Phải luôn thành thật
9. Phải có nhân cách tao nhã
10. Phải ngó mắt vào người đối thoại khi nói.
11. Phải tránh tranh cãi về chính trị, tôn giáo và dị miền, chủng.
12. Phải quan tâm khi kẻ khác tâm sự hay nói về họ.
13. Phải biết bỏ qua và nhịn thua.
14. Phải tự chủ khi bị chỉ trích.
15. Phải có lòng nhân hậu và tha thứ khi kẻ khác nói sai sót.
16. Phải nói với phong cách nhiệt tình chứ không nói theo kiểu thông tin suông và lãnh đạm.
17. Phải biết tha thiết nói cái gì kẻ khác thích.
18. Phải tháo gỡ hơn là trói buộc.
19. Phải cởi mở đón nhận, hiệp thoại hơn là khép kín, lãnh đạm và độc thoại.
20. Phải đề phòng người không có khả năng hoặc không có thiện chí tiếp thu chính xác điều ta nói.
21. Phải để phòng người nghe ngoài mặt “vâng - dạ” mà nơi tâm phủ định ta và sau lưng ta xuyên tạc hết những gì ta nói với họ do thành tâm thiện chí.
22. Phải nhớ có vô số sự thật không nên và không tiện nói ra.
23. Phải đề phòng sự hèn yếu, bộc bạch tâm sự bừa bãi khi quá xúc động do sợ hãi, mừng vui, hối hận, si tình, phẫn nộ hay bị dụ dỗ.
24. Phải dùng tâm tự kềm hãm khi xét thấy không tối cần phải thông tin.
25. Trước mặt người đẹp (cho tu mi) và trước nặt người hùng hay tài hoa (cho bồ liễu) phải đề phòng tật “sút ốc tâm lý”, nghĩa là nói như diều đứt dây theo đà cao hứng bỏ ngỏ.
26. Phải biết phân tích các lời nói của kẻ khác để nắm bắt cái thâm ý tế nhị nằm trong sâu niệm nội tâm, mà xuyên qua tâm lý nói chuyện họ vô tình bày tỏ cho ta.
27. Phải luôn cân nhắc coi làm thinh có lợi hơn hay không và nếu nói, phải đo lường trước tác dụng hoặc hậu quả của điều mình nói.
28. Phải ý thức rằng nói chuyện chơi để giải trí, để xã giao, để gây thiện cảm, không có nghĩa là lên lớp, là đứng trên bục giảng bài. Hãy nói chuyện hân hoan như con chim họa mi bay nhảy tung tăng trên muôn cành hoa lá.
29. Phải nhớ trong mọi hình thức nói chuyện, sự mềm mỏng bao giờ cũng vẫn hơn, không ai thích kẻ khác chẻ óc mình ra để nhét chân lý mà ai cũng thích lý luận bằng tim hơn bằng óc.
30. Phải nghĩ đến cái về lâu về dài trong lời hứa hẹn của người đối thoại với ta, để ta tránh cái tật nông nổi, vội vàng tin người mà quyết định điều gì khiến ta về sau hối hận thiên thu.
31. Phải nhớ rằng “Con người biến hóa, thay đổi khôn lường”. Cho nên không quên rằng câu chuyện nào cũng hàm ẩn cái tương đối, kể cả những chuyện có lời thề sông hẹn biển. Biết vậy, tốt nhất là phải cân lời nói hơn cân vàng và chớ có bao giờ nghĩ rằng giữa câu chuyện người xã giao với nhau mà có cái gì bất di bất dịch.
Người ta không bao giờ nhớ câu chuyện như đã từng quên những món ăn trong quá khứ.
32. Phải coi chừng người nghe sẽ đem đến người thứ ba những lời phê phán, chỉ
trích của ta. Và họ đem sự méo mó, xuyên tạc, lệch lạc, khiến người thứ ba ấy hiểu lầm ta. Không biết thánh thì sao, chứ gần như bất cứ phàm nhân nào - kể cả bậc người tu hành thâm niên, đều khó có cảm tưởng tốt về kẻ chỉ trích mình. Lời chỉ trích độc hại hơn mũi tên tẩm độc dược: Nó có khả năng phá hoại thiện cảm thậm chí nơi kẻ đã từng nhiều năm thụ ân mà bị người thi ân mình chỉ trích. Sự thông tin của người bép xép, thọc mạch, trống miệng, đòn xóc hai đầu, bao giờ cũng đầy kẻ hở, sai lạc và gây thù chuốc oán cả.
33. Phải luôn chú tâm dùng lời nói chân thành mang đến cho mọi người nghe niềm vui, niềm tin, chữ tín, tấm lòng nhân hậu, sự ăn chắc mặc dày và phải luôn luôn hướng câu chuyển vào mục đích giải trí lành mạnh hoặc những giá trị Chân, Thiện, Mỹ cùng Phúc lạc. Phải giới hạn tối đa những trò chuyện tào lao, hoang phí thời giờ với những kẻ lắm mồm nhiều chuyện ba hoa. Những loại trò chuyện đó làm giảm nơi ta khí lực tâm linh, hao mòn nghị lực và làm nghèo nàn dũng lực tinh thần cùng nhân cách của ta. Càng hãm khẩu, càng thinh lặng trầm tư mặc tưởng con người ta càng xúc tích dũng lực tâm linh. Phong cách trầm mặc đó tạo xung quanh “bản ngã” ta một vòng đại hào quang điềm đạm, tự nhiên biến ta thành người dễ thương, khả kính và có uy tín trong lời nói nhất là khi ta hứa hẹn với ai một điều gì.
34. Phải vô cùng cẩn ngôn khi trao đổi mọi vấn đề với người ngoại quốc, nhất là khi họ là người trí thức siêu năng. Có người bên ngoài cười cười, nói nói huyên thuyên ra vẻ tốt bụng mà ta “thấy vậy chứ không phải vậy”. Lắm người ngoại quốc Âu Mỹ thuộc giới học cao hiểu rộng, bề ngoài ra vẻ ngô nghê, ngốc nghếch nhưng bụng dạ, trí khôn của họ xét đoán, nhận thức, phê phán, đánh giá cực kỳ sâu sắc.
Cũng phải tuyệt đối cân đo lời nói khi tiếp xúc với một số Việt kiều mà tâm tính của họ bị biến chất sau nhiều năm là lưu dân ở xứ lạ quê người. Họ có một não trạng đặc thù, một lối nhận thức, suy nghĩ, riêng biệt khi trở lại quê hương. Sự suy bụng ta ra bụng người trong câu chuyện coi chừng có thể vì vui miệng làm cho lời nói của ta bị nhiều cái hớ và kẻ hở.
35. Phải giới hạn tối đa việc kể lể tâm sự về quá khứ sinh hoạt tình cảm ái ân của mình trong lúc cao hứng nói chuyện với người yêu hay giữa vợ chồng mới kết hôn. Phải phân biệt lòng chân thành, trung thực thủy chung với sự trống miệng bừa bãi và những xưng thú không cần thiết. Có biết bao cảnh gia đình xào xáo thậm chí có nhiều đám hỏi không đi đến đám cưới là do những cuộc tâm sự về quá khứ, quan hệ tình yêu mà người ta vụng dại kể lể theo kiểu “kiểm toán” sạch sành sanh cho người yêu hay cho người phối ngẫu mới thành hôn của mình. Loại tâm sự “ngu si đần độn trong cơn yêu dấu” đó người ta đâu dè chừng đầu tư cho sự bức phá của tật nhỏ nhen hiệp lực cùng bụng dạ ghen bóng ghen gió tấn công chiếc nhẫn cưới của vợ chồng sau nhiều năm đầu ấp tay gối với nhau, về phía người vợ, các loại “phanh phui dĩ vãng tình yêu” nào ai có hỏi mà mình lại khai đó của chồng, gần như nếu không nói là luôn luôn tạo nên cái cớ “cho vợ” có thành kiến không tốt đẹp gì cho cái đường viền trái tim của chồng. Người ta đừng quên rằng bất cứ bà vợ nào, dù quân tử đến đâu, cũng đều dự tưởng để cho chắc ăn là chồng mình bao giờ cũng có khả năng ngoại tình (mà các bà vợ có loại khả năng ấy không nhỉ?). Thứ dự tưởng ngàn đời cố hữu ấy của cả giới “quần thoa” lẫn giới “tu mi” vốn đã nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình mà nếu có được các loại thày lay tâm sự nói trên cung cấp cho cứ liệu ghen tuông nữa, thì thử hỏi gia đình làm sao tránh được đắng cay?