PHỤ LỤC II
10 GƯƠNG GIAO TẾ - XỬ THẾ “ĐẮC NHÂN TÂM”

l. Thích Ca Mâu Ni
2. Mahatma Gandhi
3. Thánh Francois dAssise
4. Louis Pasteur
5. Vương Dương Minh
6. Socrate
7. Abraham Lincoln
8. Benjamin Franklin
9. Thánh nữ Claire de Montfascone
10. Bảo Thúc Nha
 
 
1) Thích Ca Mâu Ni - Ngày nọ, khi chưa xuất gia đắc đạo, Thái tử Thích Ca vào chơi trong cảnh vườn thượng uyển. Chàng Ưu Đà Di sai cả đoàn mỹ nữ bao quanh giúp vui Thái tử. Mỗi cô đều ra đủ chước khích dục tà dâm của Người. Cô đi phớt qua, son phấn bay rất thơm. Cô kề vai, da mịn và mềm. Cô nắm tay trong như ngọc, trắng như ngà. Cô hôn hít ngọt ngào. Có cô giả trật chân nắm lấy lưng quần Ngài. Cô khác lại đứng một bên mà thốt nho nhỏ vào tai rằng: “Tâu Thái tử, xin Ngài chiếu cố cho, em sẽ ra đủ lối để hầu Ngài”. Có cô lại ra tuồng say, bèn thả quần ra và đến ngay trước mặt vịn vai Thái tử mà cười. Nhiều cô lại ca lên, ca về ái tình, dâm tình, vừa ca ngâm vừa uốn éo theo. (Kể theo truyền Phật Thích Ca của Đoàn Trung Còn, Phật học 1, in lần thứ 4 trang 23). Trước cảnh quyến rũ hoa nguyệt ấy, Thích Ca không động tâm. Là người, tự nhiên Thích Ca có lòng ham muốn về xác thịt. Song Thích Ca tự chủ, kềm hãm thú tính, về sau, Thích Ca còn can đảm hơn nữa ở chỗ dứt bỏ vợ con, cha mẹ, chức quyền, của cải, lâu đài nguy nga tráng lệ để đi tu hành. Cho đến ngày nay, trừ Chúa Giêsu chưa ai nếu cho nhân loại được gương hãm dục và siêu thoát bằng Thích Ca.
2) Mahatma Gandhi - Hồi nhỏ Gandhi tính tình phóng túng, lười biếng, nhát gan. Ông hay theo bè bạn tìm những thú vui nhục dục. Có lần ông bị mẹ rầy nặng vì ăn cắp tiền để mua thuốc hút. Mới 14 tuổi, Gandhi cưới cô vợ 13 tuổi, đã không biết cách cư xử với vợ lại còn ghen bóng ghen gió, nên vợ chồng thường gây gổ với nhau như bầm bầu. Con người như vậy mà tại sao khi ly trần hàng mấy triệu dân Ấn sa lệ? Không! Phải nói đúng hơn là cả thế giới bùi ngùi thương tiếc. Không phải chỉ Thủ tướng Nehru gục đầu vào thầy Gandhi khóc nức nở mà thôi. Bao nhiêu vĩ nhân trên thế giới ngẩn ngơ khi nghe tin Gandhi bị ám sát. Theo Albert Einstein, hàng trăm triệu người được Gandhi chế ngự không phải bằng láo xược, mưu gian mà bằng đời sống cao thượng, thanh khiết. Tại sao một người hồi nhỏ tính tình xấu xa như vậy mà lão thành qua đời ai cũng tiếc thương và Liên Hiệp Quốc phải kéo cờ tang?
Ông yêu nước ông thật, ông ghét cay ghét đắng bụng dạ thực dân của người Anh, bấy giờ đang đặt ách thống trị vào cổ dân tộc ông. Trên bờ sông Sabarmeti, ông dọn một căn nhà nhỏ hẹp, ẩm thấp giữa đám dân nghèo nheo nhóc để sống cam khổ với họ và luyện tâm tính. Đời của ông bắt đầu khổ hạnh, ông chia tay gia đình, sống xa vợ, bỏ nghề luật sư, ở một mình ăn uống đạm bạc, mặc toàn vải thô thế cho quần và ở trần. Hằng ngày hết đọc các cuốn Ghita hay Imitation Jesu Christi thì ông đi diễn thuyết, hô hào giải phóng dân tộc. Lời lẽ của ông thông minh mà êm dịu. Đường lối của ông ôn hòa, ông vào tù ra khám như cơm bữa mà ông vẫn tha thứ kẻ thù hại ông, ông luôn tranh đấu cho dân tộc Ấn theo đường lối “bất hợp tác” và “bất bạo động”. Trong ông rọi hào quang của con người thấm nhuần đạo giáo. Mà những nét đặc biệt nhất là khiêm tốn, tự nhiên, hiền lành, giản dị và trong sạch. Không biết sao mà đất Ấn Độ đã sinh ra một Thích Ca lại còn là nơi chôn nhau cắt rún của một Gandhi, kẻ được gọi là “lương tâm của nhân loại”, bạn nhỉ?
3) Thánh Francois d’Assise - Có lần Thánh Francois de Assise chữa lành một người cùi. Thế là cả trại cùi mà Thánh viếng bao xung quanh Thánh để xin được phép lạ thuyên giảm bệnh cùi. Thánh hội họ lại rồi quỳ gối giữa họ bằng một giọng chân thành tha thiết: “Thưa anh chị em! Phép lạ ấy là do Đấng Năng chớ không do tôi. Vì khi lo chăm sóc anh chị em, chính tôi muốn được mắc bệnh cùi để tôi chóng được về cùng Thượng đế. Xét cho kỹ là tôi vụ lợi và ích kỷ đấy”. Ai nấy nghe lời khiêm tốn chân thành và đầy lòng cao cả ấy của Thánh cảm động mà không còn muốn bao vây xung quanh Thánh vì sợ Thánh bị lây bệnh mà họ phải mất đi tấm lòng của một người an ủi đời họ bớt cô độc trong cảnh khổ, sầu, thảm...
4) Louis Pasteur - Bạn thử đọc mấy dòng này coi lòng có cảm động không: “Thưa ba... Nhờ ba mà con kiên tâm trong công việc thường nhật. Ba đã kiên nhẫn, đức ấy làm đời người hữu ích mà ba còn có lòng kính phục các vĩ nhân... Ba dạy con nhìn cao học rộng tìm mọi cách tiến lên.
”“Thưa má... Lòng hăng hái của má đã truyền lại cho con. Nhờ thấm nhuần tình cảm má gieo cho con mà con hòa hợp được cái vĩ đại của khoa học với cái vĩ đại của quê hương.”
“Thưa ba má... Tại đây (Paris) hơn mọi chỗ, nhân đức và tật xấu, ngay gian, giàu nghèo, tài ba và đần độn đều lẫn lộn và đụng chạm với nhau. Song hễ có nhiệt tâm thì ở đây cũng như ở các nơi khác, người ta vẫn giữ được lòng giản dị và chính trực”.
Đối với kẻ sinh thành mình, Louis Pasteur viết như vậy. Và đây là lời ông ngõ với cha mẹ người yêu: “Tôi không có gì để một thiếu nữ cảm được. Song dựa vào các kỷ niệm cũ, tôi nhận thấy rằng ai quen biết tôi lâu đều cũng mến tôi...” Thực thâm thúy và chân thành.
Còn đối với người yêu ông viết sao? Trong một bức thư viết cho cô Marie, người sau này là cánh tay mặt của ông trên đường nghiên cứu khoa học, ông viết: “Về sau cô sẽ thấy bề ngoài của tôi lãnh đạm, rụt rè khiến cô không thích, song lòng tôi thì yêu cô vô cùng”.
Đối với ai, Pasteur vẫn là một tâm hồn ngay thẳng, tự nhiên, giản dị. Ai cũng phục tài ông và mến tính ông là phải.
5) Vương Dương Minh - Lúc chưa thành nhân, ông có lần hỏi thầy: “Thưa thầy, ở đời việc gì cao hơn hết?”. Thầy đáp: “Thi đỗ, làm quan giúp nước”. Ông không đồng ý với thầy, thưa: “Như vậy con không cho là cao. Làm Thánh mới thực là cao”.
Một chiều nọ, ở Giang Tây tại Hồng Đô, trong đêm hợp cẩn mà Vương Dương Minh đi đâu mất. Cha mẹ làm quan to sai nha trảo kiếm khắp nơi. Sáng hôm sau ông mới về, hỏi ra là tại chiều hôm qua ông gặp một đạo sĩ thuyết về phép dưỡng sinh, mê nghe đến quên mất đêm động phòng!
6) Abraham Lincoln - Nếu bạn coi tướng để thương hay ghét thì nhìn tướng của Lincoln, bạn ghét ông ngay. Ông cao như tre miễu, gầy ốm như con nhái khô. Đầu thì nhỏ, hai tai bự như tai voi. Má hóp. Da nhăn như da bà lão. Tay chân lông không. Nhưng tính tình của ông thì cho đến bây giờ nhân loại chưa có được mấy vì nhân tính tình tốt bằng ông.
Hồi nhỏ, ông sống nghèo như chó đói, ăn phải ăn bốc vì trong nhà không có đĩa bát, muỗng nĩa. Áo quần rách rưới, dơ bẩn như nùi giẻ. Ông làm mướn cho hết chủ này đến chủ kia. Nhờ chăm học, ông học luật mau tiến phát và vào nghệ luật sư. Có lần cãi cho một thân chủ nọ, thân chủ đền ơn ông 25 Mỹ kim, ông trả lại 10 Mỹ kim. Không bao giờ biết ai có tội mà ông biện hộ. Lúc làm Tổng thống, ông sai tướng Grant chỉ huy ở Vicksbung. Bao nhiêu tướng tá ganh tỵ và nói xấu Grant đủ điều. Nhưng Grant càng bị nói xấu, ông càng xử tốt với Grant, tin tưởng Grant hơn, sau còn phong chức Tổng Tư lệnh cho ông này nữa.
Có người nọ giữa chiến trường mà quăng súng đào ngũ. Người ta định xử tử. Ông ra lệnh thả và nói: “Nếu ở giữa chiến trường chưa chắc tôi không bỏ súng đào ngũ”.
Sau khi ông bị ám sát, máu chảy lênh láng, bao nhiêu người vừa sụt sùi khóc, vừa lấy bông gòn thấm máu nhểu dọc đường để làm bảo vật như “thánh cốt”.
7) Benjamin Franklin - Người đã phát minh cây thu lôi, đã được hàng triệu dân châu Mỹ, châu Âu kính mến mà ông lại cư xử không mấy ai khiêm tốn bằng. Gần xuống mồ mà ông còn viết thêm cuốn “Tự truyện”. Ông nhờ người chép làm nhiều bản gởi sang Anh, sang Pháp để nhờ người sửa cho những chỗ sai lầm, thiếu sót. Chính ông nói: “Càng già tôi càng ngờ vực óc phán đoán của tôi”.
8) Thánh nữ Claire de Montfascone - Ngày nọ có người hỏi Claire de Montfascone tại sao lúc nói chuyện với ai, bà cứ ngó xuống đất mà không nhìn vào mặt người đối thoại. Bà đáp: “Tôi thấy không cần ngó bởi vì người ta chỉ nói chuyện bằng lưỡi thôi. Đôi mắt của vua Đavit sẽ khỏi đổ bao nhiêu giọt lệ, nếu ông biết làm chủ những cái ngó nhìn của ông”. Ngay lúc còn nhỏ, thánh nữ không chịu cho mẹ hay chị để than mình mặc y phục ít kín đáo. Không bao giờ chân tay thánh nữ chịu để động chạm đến da thịt trần của ai cả. Càng lớn tuổi, thánh nhân càng hành khổ than thể của mình để diệt dục.
9) Bảo Thúc Nha - Bảo Thúc Nha còn có bạn là Quản Trọng. Hai người đi buôn, lúc chia lời, Quản lấy phần hơn cho mình mà Bảo không giận lại còn nói tại Quản nghèo cần tiền tiêu hơn mình. Quản làm việc gì cũng hỏng, Bảo cho là tại chưa gặp thời chớ không phải trí thấp. Đi đánh giặc, lúc ra quân, Quản đi sau, lúc thắng trận, Quản đi đầu, Bảo không cho là hèn nhát, trục lợi mà cho là tại Quản còn mẹ già, vì hiếu nên phải bảo toàn tấm than. Quản Trọng nói: “Sinh ra tôi là cha mẹ, mà hiểu tôi thì chỉ có Bảo Thúc Nha”. Trong cuộc xử tiếp với bạn bè, thử nghĩ ta có xứng cho bạn kính yêu như Bảo Thúc Nha vậy không?