Dịch giả : Lê Kim
Phần Kết

    
HỨ BẢY 1-5-1954
Điện Biên Phủ:
Trong đêm, bốn mươi ba lính tình nguyện đã nhảy dù cùng với hai mươi bốn tấn hàng.
Tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 lấp được đoạn chiến hào Việt Minh ở mặt Nam Eliane 2. Hai lô cốt bị phá hủy và phá hỏng.
Chiến hào Việt Minh đào sâu xuyên qua những lớp rào dây kẽm gai ở ba mặt Isabelle 5 hiện do một đại đội lê dương đóng giữ.
6 giờ sáng cuộc phản kích của tiểu đoàn dù lê dương số 1 đã đánh bật được địch ra khỏi các chiến hào gần sát Huguette 5 ở mặt Tây Nam..
Ban ngày pháo bắn tương đối nhẹ. Bắt đầu từ 17 giờ, pháo tăng cường bắn mạnh. Các tổ quan sát trên điểm cao phát hiện Việt Minh trong tư thế sẵn sàng xung phong tiến công.
Langlais điện về Hà Nội cho tướng Sauvagnac:
“Đêm nay, sau nhiều cuộc tiến công mạnh của Việt Minh vào Huguette 5, tám mươi lính dù lê dương đã bị loại khỏi vòng chiến. Cuộc chiến tranh sắp kết thúc. Ở Hà Nội chỉ cần giữ lại vài người là nhân viên văn phòng, hành chính kế toán và một ban tham mưu gồm bốn sĩ quan, năm hạ sĩ quan, hai mươi nhân viên kỹ thuật truyền tin, còn lại nên đưa hết lên Điện Biên Phủ. Ông đã núp sau lưng Tổng tư lệnh, từ chối tăng viện cho chúng tôi. Đây là lần cuối cùng tôi đề nghị ông hãy đặt địa vị vào chỗ chúng tôi. Ở Hà Nội mà không có họ và dù ông có cản trở, chúng tôi vẫn sẽ thắng. Lá thư này tôi chuyển tới ông kèm theo bản sao chép của tất cả các tiểu đoàn trưởng dưới quyền tôi là thư cuối cùng tôi gửi ông. Hết“.
 
 
 
ĐÊM 1 RẠNG 2-5-1954
Điện Biên Phủ:
Sau một loạt pháo bắn chuẩn bị rất mạnh, kéo dài ba giờ, Việt Minh mở cuộc tổng tiến công vào tất cả các cứ điểm còn lại ở mặt Đông và Tây, và cả cụm cứ điểm Isabelle ở mặt Nam.
Cuộc tiến công giai đoạn 3 của Việt Minh bắt đầu lúc 20 giờ 35. Sư đoàn 312 và 316 tiến đánh mặt Đông. Sư đoàn 308 đánh mặt Tây.
Ngay đợt đầu, Việt Minh đã chiếm được đỉnh đồi Eliane 1. Cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra ở từng căn hầm, từng miệng hố. Leguenne vừa được thăng cấp trung úy vài ngày giữ vững vị trí của mình cùng với đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn dù thuộc địa số 1. Périou mở cuộc phản kích từ Eliane 4. Đến sáng rõ lại phải quay về. Cả hai đại đội chỉ còn mười tám binh lính. Eliane 1 như vậy là mất hẳn. Huguette 5 bị mất vào lúc nửa đêm.
Dominique 3 đã bị đánh chiếm một nửa đến 2 giờ sáng thì hoàn toàn mất hẳn.
Huguette 4 bị thâm nhập ngay trong đợt đầu.
Đại úy Lucciani chỉ huy một đại đội lính dù lê dương tổ chức phản kích. Đến 3 giờ Việt Minh lại tiến công. Lính lê dương vẫn giữ vững.
Eliane 2 bị một đợt tiến công mạnh vào hồi 2 giờ 30.
Isabelle 5 bị tiến công lúc 2 giờ.
 
Sài Gòn:
Đại tá Lennuyeux đi công tác tại Paris từ 23 đến 27 tháng 4 đã trở về. Nhiệm vụ của ông là trình bày với chính phủ những phương hướng hoạt động sau khi Điện Biên Phủ bị mất. Ông đã được “trực tiếp gặp gỡ nói chuyện với những nhân vật dân sự và quân sự cấp cao nhất”. Ông ghi nhận, sau khi mất Điện Biên Phủ, “tình hình buộc phải điều chỉnh lại các binh lực để dù trường hợp nào cũng giữ được lực lượng viễn chinh Pháp Những cuộc điều chỉnh này phải được tiến hành ngoài các lý do chính trị. Vì vậy việc bảo vệ Lào có thể phải xem xét lại.
Tướng Navarre điện gửi chính phủ:
“Chiến thuật của Việt Minh nhằm bóp nghẹt Điện Biên Phủ, một mặt bằng cách dùng bộ binh tiến đánh các vị trí, mặt khác tạo một lưới lửa cao xạ ngày càng mạnh xiết chặt vòng tròn chung quanh tập đoàn cứ điểm. Quá trình này có thể đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến một cuộc tổng tiến công nhằm chiếm lĩnh toàn bộ Điện Biên Phủ bằng một trận đánh khi khả năng chống giữ bị suy yếu”.
 
 
CHỦ NHẬT 2-5-1954
Điện Biên Phủ:
Bước sang tháng Năm, đêm thường mưa giông mạnh và nóng.
Khi mặt trời mọc, bầu trời vẫn còn nhiều mây, nhưng đôi chỗ hửng sáng.
Điện Biên Phủ vừa bị một trận tiến công mạnh nhất kể từ hồi bắt đầu chiến sự. ở mặt Đông đã bị mất Eliane 1, Dominique 3. Mặt Tây mất Huguette 5. Mặt Nam mất Isabelle 5. Hai tiểu đoàn bị loại khỏi cuộc chiến, cụ thể là ba trăm ba mươi mốt binh sĩ bị chết hoặc bị bắt, một trăm sáu mươi tám bị thương.
Cao xạ Việt Minh bắn rất nhiều như không cần tiết kiệm đạn làm cho việc thả dù không chính xác Trong tổng số một trăm hai mươi tấn đã thả, có tới 50 phần trăm bị thất lạc.
Một máy bay quan sát kiểu Morane của lục quân và một máy bay Corsair của hải quân bị bắn rơi.
Kiểm kê kho: năm ngày lương thực, năm cơ số đạn 105, ba cơ số đạn 155, ba cơ số đạn cối 120. Trong các chiến hào, bùn dầy 60cm.
 
Hà Nội:
Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tối nay nhảy xuống Điện Biên Phủ.
17 giờ 15. Bộ tư lệnh họp trong thành, nghiên cứu kế hoạch Albatros.
THỨ HAI 3-5-1954
Điện Biên Phủ:
Đêm yên tĩnh.
Dù cao xạ bắn lên rất mạnh và có vài cơn giông nhưng đại đội 2 tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 vẫn nhảy xuống được. Một trăm khẩu pháo 57 và khoảng bốn trăm trọng liên đã được thả xuống.
 
Hải Phòng:
Tàu sân bay Bois Belleau cập bến cảng.
 
 
THỨ BA 4-5-1954
Điện Biên Phủ:
Ban ngày trời nhiều mây xám, không khí ô nhiễm.
Trong đêm, Eliane 2 đẩy lùi được hai cuộc tiến công của địch.
Huguette 4 bị mất lúc 3 giờ 45 phút.
Đại đội 3 thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 đã nhảy.
Một đại đội bộ binh gồm lính Pháp, lính lê dương người nước ngoài, lính Marốc, lính Thái cố chiếm lại Huguette 4, đến chiến hào ăn thông với Huguette 3 đã bị chặn lại.
Pháo bắn mạnh.
Đại đội 3 tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 vừa nhảy xuống, được lệnh đóng ở Eliane 3, sẵn sàng phản kích tại Eliane 2. Tất cả các hầm hố và cả lô cốt ở Eliane 3 đều chật ních, tới ba trăm lính bị thương..
Buổi chiều, một máy bay B26 bị bắn rơi.
Thả dù ở độ cao không đạt kết quả. Hầu hết số dù hàng đều rơi sang trận địa địch.
Hà Nội:
Tổng cao ủy Dejean và Tổng tư lệnh Navarre nghiên cứu kế hoạch xúc tiến ngừng bắn ở Đông Dương.
Geneve:
Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới dự hội nghị.
 
 
THỨ TƯ 5-5-1954
Điện Biên Phủ:
Những trận mưa lớn ban đêm cản trở các hoạt động quân sự. Nhưng bẩy mươi tư người thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 vẫn nhảy dù xuống được. Nhiều hầm hố bị ngấm nước mưa đã sụp đổ.
Đại đội 3 thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 tới Elìane 2 thay cho bộ phận còn lại của tiểu đoàn 1 bán lữ đoàn lê dương 13.ị
Buổi chiều, trời hửng. Pháo tăng cường bắn phá.
Những máy bay vận tải cỡ lớn C119 của Mỹ bay rất cao thả dù. Hầu hết số hàng đều rơi sang trận địa địch mặc dù cao xạ không bắn.
Kiểm kê kho: Ba ngày lương thực ba cơ số đạn pháo 105, hai cơ số đạn pháo 155, một cơ số đạn cối 120.
Hà Nội:
10 giờ cuộc họp trong thành tiếp tục. Các tướng Navarre, Bodet, Cogny tiếp tục nghiên cứu dự án Albatros.
12 giờ 15, Tổng tư lệnh Navarre đi Sênô rồi vào Sài Gòn.
 
 
THỨ NĂM 6-5-1954
Điện Biên Phủ:
Chín mươi tư lính thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1, đại đội chỉ huy và một phần đại đội 4 nhảy xuống cùng với đại úy tiểu đoàn trưởng Bazin.
Pháo tiếp tục bắn không ngừng. Việt Minh nhiều lần tiến công cố chiếm lô cốt hầm ngầm ở mặt Tây Eliane 2 (trên đồi A1).
Địch cải tạo địa hình tại các cứ điểm vừa chiếm được, nhất là tại Eliane 1 và Dominique 3, có đặt thêm nhiều vũ khí bắn thủng: trọng liên và chủ yếu là pháo không giật, bắn vào mọi vật di chuyển ở các cứ điểm chung quanh.
17 giờ, pháo chuẩn bị lại bắn dữ dội vào Eliane 2. Pháo không giật bắn rất trúng nhiều quả đạn vào các lỗ châu mai tại mặt Tây Nam Eliane 2.
20 giờ pháo bắn chuẩn bị vào Claudine 5.
 
 
 
ĐÊM 6 RẠNG SÁNG 7-5-1954
Điện Biên Phủ:
Đợt xung phong thứ nhất của Việt Minh vào Eliane 2 đánh vào mặt Tây Nam, đúng như dự đoán. Vì vậy, pháo bắn trả có hiệu quả ngăn được địch ngay trước những lớp hàng rào dây thép gai.
Các đợt xung phong tiếp tục đều đặn khoảng nửa giờ một đợt, nhằm vào bốn mặt cứ điểm. Lúc ngừng xung phong pháo lại bắn rất mạnh.
23 giờ đỉnh đồi nổ tung. Các vị trí cửa đại đội 2 đều bị phá hủy. Việt Minh từ mặt Đông xông lên chiếm cứ điểm.
3 giờ sáng đại đội 3 phản kích từ mặt Tây, giành lại được đỉnh đồi, phát hiện một hố sâu có đường kính rộng tới 50 mét đánh sập lô cốt cố thủ.
5 giờ sáng Việt Minh từ mặt Đông lại xông lên chiếm cứ điểm trong lúc những người lính phòng ngự cuối cùng đã bắn hết đạn.
Claudine 5 bị bắn pháo dữ dội từ 20 giờ tối hôm trước. Đến nửa đêm bị tấn công. 2 giờ sáng lính trong cứ điểm phải rút chạy.
Isabelle suốt đêm bị pháo bắn ác liệt nhất kể từ khi bắt đầu chiến sự.
Đến nửa đêm năm khẩu pháo còn lại trong cụm cứ điểm đều lần lượt bị phá hủy, chỉ còn một khẩu tiếp tục hoạt động.
Máy bay Dakota chở đại đội 1 thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 được lệnh của đại tá Langlais quay trở về Hà Nội.
 
 
 
THỨ SÁU 7-5-1954
Điện Biên Phủ:
Eliane 4 bị bắn pháo suốt đêm, đến 5 giờ sáng bị tiến công bằng bộ binh. 9 giờ: địch đã bám chân được. 9 giờ 40 phút Eliane 4 bị đánh chiếm hoàn toàn.
Tất cả các kho đạn đều trống rỗng. Trong đêm, tướng De Castries đề nghị tiếp tế gấp đạn súng cối tất cả các cỡ. Bốn mươi hai tấn hàng đã thả xuống nhưng không thu nhặt được một kiện hàng nào.
Đến buổi trưa, Việt Minh đã tới bờ phía Đông sông Nậm Rốm.
10 giờ sáng, như thường lệ tướng De Castries gọi điện trực tiếp báo cáo tình hình với tướng Cogny. Sau mười đêm không ngủ, giọng nói của Castries rất yếu.
Castries đề nghị cố thực hiện một cuộc hành quân rút chạy.
Dựa theo kế hoạch này sẽ phát cho tất cả lính dù và lính lê dương còn lại hai ngày lương thực ăn đường bằng đồ hộp nhẹ, gồm bánh biscuit, sôcôla bổ dưỡng và những đồng bạc trắng mà người Mông vẫn tiêu dùng để phòng thân.
15 giờ 30: Cuộc họp cuối cùng của Castries với Langlais, Bigeard, Pazzis.
16 giờ: Castries nói chuyện điện thoại vô tuyến với tướng Bodet ở Tổng hành dinh. Ra lệnh ngừng bắn vào 17 giờ.
17 giờ: Ngừng bắn.
18 giờ 30: Việt Minh gọi hàng Lalande chỉ huy phân khu Nam (Isabelle).
20 giờ: Đại đội 12 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 3 vừa ra khỏi Isabelle vài trăm mét thì bị chặn đánh.
Paris:
17 giờ, Tổng thống Laniel báo cáo trước Quốc hội: Điện Biên Phủ đã bị mất. Lúc này ở Đông Dương là 1 giờ sáng ngày 8 tháng 5 năm 1954.
 
 
THỨ SÁU 8-5-1954
Hà Nội:
1 giờ 30 nhận được điện từ Isabelle.
“Không rút quân được. Không tiếp tục gửi điện được”.
9 giờ, một máy bay của Bộ tư lệnh được lệnh bay lên Điện Biên Phủ nhưng không bắt được liên lạc vô tuyến với mặt đất. Máy bay lượn vòng ở mặt Tây Nam để quan sát.
Tiếp tục thả dù mười ba tấn thuốc và một ngày lương thực.
12 giờ: Máy bay quan sát không thấy một kiện hàng nào được thu nhặt.
13 giờ: Máy bay Beaver phát hiện nhiều đơn vị nhỏ khoảng năm mươi người hành quân có trật tự lên hướng Bắc, tổng cộng thoảng năm trăm người. Sau đó báo cáo thêm: đó là những binh sĩ Điện Biên Phủ bị bắt làm tù binh, có bộ đội Việt Minh áp giải.
16 giờ 45: Một máy bay Dakota phát hiện có những xe tải chạy đi chạy lại giữa khu Trung tâm Điện Biên Phủ với phân khu Nam ở Hồng Cúm. Đó là bộ đội Việt Minh đang đi thu nhặt dù.
 
 
THỨ BẢY 9-5-1954
Tin thu được từ Đài Tiếng nói Việt Nam:
“Ngày 8 tháng 5, Hội nghị Genève đã họp phiên đầu tiên bàn về Đông Dương. Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát biểu trước hội nghị.”
 

HẾT

PHỤ LỤC

TÊN CÁC VỊ TRÍ QUÂN SỰ THEO CÁCH GỌI CỦA PHÁP VÀ CỦA VIỆT NAM
Khi tiến hành cấu trúc các vị trí trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phía Pháp đặt tên theo thứ tự vần chữ cái A, B, C... tương ứng với thời điểm xây dựng.
Phía Việt Nam gọi theo địa danh sẵn có hoặc đánh số, cũng có những cứ điểm của Pháp ta không ghi số hiệu mà chỉ đánh dấu trên bản đồ.
Nhìn chung, có thể đối chiếu tên gọi các cụm cứ điểm ở Điện Biên Phủ theo cách gọi của Pháp và của Việt Nam như sau:
Anne Marie: cụm cứ điểm đầu tiên được xây dựng ngay sau khi Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh, gồm điểm tựa. Ta gọi là Bản Kéo như cách gọi của đồng bào địa phương.
Béatrice gồm 3 cứ điểm sát đường 41 từ Sơn La, Tuần Giáo đi vào Điện Biên. Ta gọi là Him Lam. Đồng bào dân tộc Thái còn gọi là Hin Đăm, có nghĩa là bản (hoặc đồi) Đá Đen.
Claudine gồm 5 cứ điểm thuộc phân khu Trung tâm gần sở chỉ huy của De Castries. Ta gọi Claudine 5 là vị trí 310.
Dominique gồm 6 cứ điểm trên dãy đồi phía Đông. Ta gọi Dominique 1 là đồi E1, Dominique 2 là D1, Dominique 8 là 505, Dominique 4 là 505A, Dominique 5 là D3, Dominique 6 là D2.
Eliane gồm các cứ điểm nằm cùng trên dãy đồi phía Đông. Ta gọi Eliane 1 là đồi C1, Eliane 2 là A1, Eliane 3 là A3, Eliane 4 là C2, Ellane 10 là đồi 506 và 507, Eliane 11 là 508, Eliane 12 là 509.
Epervier là khu vực có sở chỉ huy của De Castries, vị trí này không mang tên thiếu nữ, cũng không mang tên hoa, mà có nghĩa là “chim cắt”.
Françoise gồm 1 cứ điểm gần sở chỉ huy trung tâm. Dân địa phương gọi là Càng Na, ta gọi là vị trí 318.
Gabrielle gồm 3 điểm tựa bố trí trên một quả đồi bên cạnh đường cái từ Lai Châu xuống Điện Biên Phủ. Vì đây là một quả đồi đứng trơ trọi một mình nên ta gọi là đồi Độc Lập. Quả đồi hình thuôn dài, lính Pháp gọi là “tàu phóng lôi” (Torpilleur).
Vị trí này do Tổng tư lệnh Navarre chỉ thị xây dựng ngày 17 tháng 12 năm 1953 sau một loạt các vị trí trên, cho nên tuy cùng nằm trong phận khu Bắc với Anne Marie (vần A) và Béatrice (vần B) nhưng lại gọi theo vần G.
Huguette gồm 7 cứ điểm vây quanh sân bay. Ta gọi Huguette 1 là vị trí 206. Huguette 2 là 208. Huguette 4 là 311B, Huguette 5 là 311A, Huguette 6 là 105, Huguette 7 là 106.
Isabelle gồm 5 cứ điểm thuộc phân khu Nam. Ta gọi theo địa danh sẵn có là Hồng Cúm.
Junon gồm 3 cứ điểm sát gần cụm Claudine, bảo vệ cho sở chỉ huy của De Castries ở mặt Nam. Ta chỉ đánh dấu trên bản đồ.
Lily gồm 2 cứ điểm ở phía Tây Nam sở chỉ huy của De Castries, mãi tới tháng 4 năm 1954 sau khi ta đánh lớn mới bắt đầu được xây dựng.
Vì vậy, ta chỉ đánh dấu trên bản đồ mà không ghi số hiệu.
Như vậy là toàn bộ các cứ điểm của Pháp được sắp xếp theo thứ tự từ vần A đến vần L, không có vần K.
Ngoài các tên gọi chính thức như trên, Marcel Bigeard còn đặt tên cho hai quả đồi vô danh, nơi ta đặt pháo 75 mm bắn vào khu Trung tâm của địch quả đồi thứ nhất là Mont Chauve, tức “núi Hói” (núi trọc) vì trên đỉnh trụi hết cây cỏ như người hói đầu, chiến sĩ ta gọi là đồi Mâm xôi; quả đồi thứ hai là Mont Fictif tức “Núi Giả”, là nơi ta thường nghi binh cho nổ bộc phá làm giả trận dịa pháo để đánh lừa địch.
 

Người dịch


Xem Tiếp: ----