Chương XI
SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA ISRAËL

    
ấy nét chính của kinh tế Israël
Kinh tế là vận mạng của một quốc gia. Hoạt động nào cũng tuỳ thuộc kinh tế: “phú chi” và “giáo chi”. Chiến tranh thắng hay bại phần lớn nhờ kinh tế. Kinh tế có vững thì nội trị mới yên, ngoại giao mới mạnh.
Hoạt động kinh tế đã quan trọng nhất mà lại khó khăn nhất. Israël là nước mới thành lập, lại rất nhỏ, cho nên càng gặp nhiều nỗi khó khăn.
Thế giới ở trong một hoàn cảnh chính trị, mà sự phân công cho các quốc gia là điều không thể quan niệm nổi. Mười năm trước một vài chính khách Việt Nam bảo: nhân loại vẫn còn đói, vẫn còn thiếu thực phẩm, vậy thì tại sao mình không chuyên về canh nông mà lo phát triển kỹ nghệ làm gì làm sao có thể cạnh tranh về kỹ nghệ với Mỹ, Nhật, Đức, Pháp được? Tại sao ư? Nếu chuyên về canh nông thì nguy hiểm lắm. Nếu vì một lý do chính trị nào đó, khách hàng quan trọng nhất của mình không mua lúa cho mình nữa thì chết, lại rất có thể xảy ra một biến cố nào đó mà dân mình sẽ không có lấy một manh bố tời để che thân, như nông dân miền U Minh trong thế chiến vừa rồi. Cuba chuyên sản xuất đường mà chịu nhiều tủi nhục, bóc lột; vài nước ở Nam Mỹ chuyên trồng chuối mà có hồi lâm nguy về kinh tế. Cho nên trên thế giới hiện nay, nước nào cũng rán lo tự túc càng nhiều càng quí. Ngay những nước nhỏ một vài triệu dân cũng phải vậy, nếu còn muốn được tương đối tự do một chút, khỏi phải lệ thuộc về mọi phương diện.
Đó là tình trạng bi đát của các nước nhược tiểu như Việt Nam, Israel.
Vấn đề là làm sao sản xuất được tạm đủ mọi cái tối cần thiết, do đó phải có một nền kinh tế đa phương ( économie diversifiée).
Riêng Israel, còn thêm một bó buộc nữa. Nước thì nhỏ mà ba phía là địch, muốn chống xâm lăng thì dọc các biên giới, ngay cả trong sa mạc Neguev nữa cũng phải có dân ở, phải có những làng xóm tự vệ được, để hoang chỗ nào là địch có thể lẻn vào chỗ đó. Mà muốn cho dân cư ở khắp nơi thì chỉ có cách là phát triển canh nông chỉ có canh nông mới thực sự lan rộng mà “chiếm” được mọi nơi; kỹ nghệ chỉ tập trung ở một địa điểm nhỏ hẹp thôi. Vì vậy dù là giữa sa mạc sự khai phá rất tốn kém mà chính quyền Israel cũng không thể bỏ hoang. Có khai phá thì mới lập làng xóm được và làng xóm sẽ xây cất đồn luỹ, đồn binh. Ở Israel canh nông là một phương tiện chống địch và bảo vệ quốc gia.
Đã bị bó buộc như trên, Israel còn gặp rất nhiều khó khăn nữa.
Diện tích chỉ có 20.700 cây số vuông, bằng ba tỉnh lớn ở Nam Việt Nam. Chiều dài được bốn trăm cây số mà chiều ngang có chỗ chỉ có 15 cây số, sự bảo vệ thật khó khăn. Chỉ một phần tư đất đai là trồng trọt mới có lợi; một nửa 10.000 cây số vuông là sa mạc, còn một phần tư nữa là rừng (ít có gỗ tốt) và những cỏ xấu.
Lại thêm nỗi thiếu nước, thành thử khó khai phá. Ba phần tư đất trồng trọt được luôn luôn thiếu nước Khoáng sản nghèo nàn: Hắc hải có một số khoảng chất, nhưng phí tổn để khai thác khá nặng.
Sa mạc có mỏ phốt phát; mỏ Timma sản xuất mỗi năm được vài ngàn tấn đồng, thiếu hẳn mỏ sắt, mỏ than. Dầu lửa chỉ đủ cung cấp từ 5 đến 10% nhu cầu của dân chúng. Điện lực rất kém, một phần vì không thoả thuận được với Jordanie để dùng những giòng nước, thác nước ở sông Jourdain, hồ Tibériade.
Tình hình xung đột của các quốc gia Ả Rập làm cho sự phát triển kinh tế của Israel chậm lại, bị hạn chế. Các quốc gia đó bao vây kinh tế Israel, cấm Israel dùng kinh Suez. Israel không mua được dầu lửa, thực phẩm, khoáng chất của họ, đương nhiên cũng không bán được gì cho họ. Hồi 1920, già nửa sản phẩm Palestine xuất cảng qua các nước chung quanh, hiện nay không còn được lấy vài phần trăm. Có hồi hãng xe hơi Renault của Pháp muốn lập một xưởng lắp xe ở Israel, sau phải bỏ vì sợ Ả Rập tẩy chay, và cũng sợ có chiến tranh thì xưởng bị tàn phá.
Nên kể thêm mốt khó khăn nữa trong mươi năm đầu: sự hồi hương của một triệu người Do Thái ở khắp nơi. Phải lo tiếp thu, định cư cho họ, dạy dỗ họ. Chính phủ Israel đã phải tiêu vào việc đó biết bao nhiêu tỷ bạc.
Nhưng Israel cũng được một số yếu tố thuận lợi.
- Trong chiến tranh người Ả Rập tản cư, để lại nhà cửa, đất đai (kh&ociri, thì người Do Thái nào biết mình sắp chết, cũng lập tức cho gả cưới con, dù chúng chỉ mới vài ba tháng, để chúng thành gia thất, thành “người”, không phải là trẻ mồ côi, mà khỏi bị nhà cầm quyền Ả Rập bắt.
Họ lạc hậu đến nỗi thấy xe hơi là hoảng hốt tưởng nó là quái vật bị ma quỉ điều khiển; thấy nữ y tá chích thuốc là thét, khóc lóc. Vậy mà nhà cầm quyền Israel cũng phải tìm cách chích thuốc ngừa bệnh cho họ trước khi đưa họ lên máy bay về Israel. Người ta phải moi trong Thánh kinh một câu hay vài chữ nào, xuyên tạc ý nghĩa đi rồi giảng cho họ rằng trong thánh kinh đã có dạy phải chích thuốc, họ mới chịu đi cho chích: Họ không tin y sĩ, không tin khoa lọc, chỉ tin Thánh Kinh. Thánh kinh có cho phép làm thì mới được làm, những con người như vậy mà sống chung với những kỹ sư, luật sư Anh, Pháp, Đức…, thì gây ra biết bao vấn đề.
Máy bay đã sẵn sàng cất cánh, mới họ lên, họ khăng khăng từ chối, bảo “Chúa dạy ngày Sabbat không được làm một việc gì cả: tại sao máy bay dám bay?”. Thế là máy bay phải đợi họ. Có một phụ nữ đẻ trên phi cơ đương bay. Họ nhốn nháo cả lên, đốt lửa sưởi ấm nữa mới khổ cho chứ.
Xuống sân bay ở Israel, mỗi người trong bọn họ chỉ có một bọc quần áo và một ve nước; phải đưa họ tới những chỗ tạm cư, tập cho họ làm quen với lối sống hiện đại.
Vụ hồi hương bắng phi cơ đó, người Israd gọi là công tác “Bức thảm bay” (Tapis magique) ở thế kỷ XX, và những người hồi hương cho hành trinh đó là “cuộc hành trình cuối cùng của kiếp lang thang”.
Một người trong bọn họ ghi lại cảm tưởng như sau: “Chúng tôi đương sống trong cảnh đày ải và đợi ngày được Cứu tội mà không biết bao giờ nó đến. Một người trong bọn tôi đi tới kinh đô rồi về báo cho chúng tôi: “Có một quốc gia ở Israel. Chúng tôi không biết tin đó có đúng không. Ngày tháng trôi qua, không có tin tức, dấu hiệu gì nữa. Rồi tin đồn lại tăng lên. Nhiều người từ xa về bảo chúng tôi: “Ở Israel có một ông vua”. Sau đó họ lại tới bảo: Có một đạo quân ở Israel, một đạo quân anh dũng. Sau cùng họ tới và bảo: Có chiến tranh ở Israel, những đau khổ đó bảo rằng Chúa Cứu thế sắp ra đời”. Chúng tôi vẫn ở trong cảnh đày ải, không biết rằng những tin đó có đúng không. Chúng tôi vẫn mong được cứu tội và nóng ruột làm sao (…) Thế rồi một hôm, một mật thư của sứ giả tới: “Đứng dậy, anh em ơi! đứng dậy, giờ đã điểm. Non sông chúng ta đợi các con cái về xây dựng lại những cảnh đổ nát, trồng trọt lại những chỗ bỏ hoang mà cứu rỗi cho non sông và cho chúng ta”.
“Chúng tôi bán hết nhà cửa, đồ đạc… Chúng tôi đem theo những cuốn Thánh pháp và các đồ vật thiêng liêng. Và chúng tỏi sửa soạn thức ăn thức uống để lên đường. Và từ khắp nơi ở Yemen từng bọn người đó tới, nóng lòng muốn thấy đất Israel… Tới nơi người ta gom chúng tôi vào một trại lớn gần châu thành… Chúng tôi nằm la liệt trên cát, từng gia đình một, nóc nhà là vòm trời, bão cát hất tung lên, và chúng tôi cầu nguyện cho cuộc “aliya” (Aliya có nghĩa là lên. Người Do Thái không nói “về” Israel mà nói “lên” Israel như ta nói thượng kinh (lên kinh đô) vì cho Israel là đất cao quí hơn cả các nơi khác. Đi xứ khác, họ bảo là “xuống”) của chúng tôi: “Ước gì cánh chim đại bàng đưa chúng tôi về xứ! Và chúng tôi được bay bổng lên trên không”.
Con chim đại bàng đó là phi cơ của hãng Near East Air Transport (Hãng Hàng Không Cận Đông). Và những con người chất phác chưa bao giờ thấy chiếc xe đạp đó, vui vẻ, tin tưởng bước lên phi cơ, vì trong Thánh kinh đã có câu: “Trên cánh con chim đại bàng, Ta đã đưa các con về với Ta”.
Từ 1948 đến 1960 người Do Thái ở khắp nơi về Israel thành năm đợt.
Đợt đầu từ khi tuyên bố Độc lập cho tới đầu năm 1950, đương chiến tranh mà họ ùn ùn đổ về (341.000 người), phần lớn là những người thoát khỏi cảnh diệt chúng ở châu Âu, rồi tới Do Thái Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, cả Trung Hoa nữa (5.000).
Một phần lớn chiếm những nhà Ả Rập bỏ trống (Ả Rập vì chiến tranh mà phải tản cư), một phần ở tạm trong lều hoặc các căn nhà tiền chế. Một số xung phong ra mặt trận hoặc giúp đỡ trong quân đội, còn thì làm lung ở hậu phương.
Sau khi đình chiến, tình trạng thất nghiệp hoá ra nan giải: chính quyền phải kiếm công việc cho họ làm: sửa chữa nhà cửa, đường sá, xây cất, khẩn hoang…
Đợt thứ nhì, năm 1951-1952 cũng vẫn đông. Người ta phải cấp tốc xây dựng những “làng nấm” (nhà thấp nhỏ, giống nhau, ở trên nhìn xuống như một đám nấm) ở ngoại ô các châu thành và tại những nơi đương phát triển. Họ bắt đầu tự tổ chức đời sống, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền.
Đợt thứ ba, số hồi hương giảm xuống, mỗi tháng chỉ còn khoảng 1.200 người (năm 1949, có hồi mỗi ngày phải tiếp thu hàng ngàn người), chính quyền gởi cán bộ lại dạy dỗ họ: dạy tiếng Hébreu, dạy nghề, nhất là nghề nông. Tới giữa năm 1954, tình trạng đã ổn định.
Đợt thứ tư, từ 1954, vì những biến cố xảy ra ở Bắc Phi, số hồi hương lại tăng lên. Chính phủ không đủ tiền, phải hạn chế: cho vô trước những người nào mà đời sống lâm nguy (như bị các nước khác trục xuất, nghi kị), rồi những gia đình nào có một người có nghề đủ sống; còn những người đau ốm tàn tật mà không có thân nhản cấp dưỡng nổi thì không được tiếp nhận. Người ta đưa ngay những người mới vô tới một nơi họ có công việc làm liền.
Đợt thứ năm, từ 1956 gồm những Do Thái ở Ai Cập (vì có chiến tranh Israel - Ai Cập) và Hungary (sau cuộc nổi loạn ở Hungary tháng 10-1956). Người ta gom những người cùng một xứ, cùng một nền văn hoá, để tránh mọi sự xích mích.
Những cuộc hồi hương đó gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền nhưng cũng rất có lợi cho Israel, vì người bao giờ cũng tạo ra của cải, một số người Do Thái ở phương Tây còn đem của cải về xứ sở nữa.
Một triệu hai trăm ngàn người hồi hương đã đem sức ra xây dựng Israel trong các xưởng máy, các trại ruộng (điều đáng chú ý là họ không ưa vô các Kibboutz), các trường học, và trong năm 1967 nhờ họ một phần lớn mà Israel đã chiến thắng được khối Ả Rập. Nếu lúc đó Israel không có được trên hai triệu người thì làm sao có thể động viên được 300.000 người để đưa ra ba mặt trận.
Số người Do Thái ở Israel hiện nay vào khoảng hai triệu bảy mà trong số Do Thái trên thế giới vào khoảng hai chục triệu (3) non mười triệu ở Hoa Kỳ và Canada, phần lớn đại phú, giúp đỡ cho đồng bào của họ ở Israel được rất nhiều, về phương diện tài chính cũng như về phương diện ngoại giao vì họ có địa vị cao trong các nước đó; ba triệu Do Thái ở Nga vì tình hình chính trị, cách biệt hẳn với Do Thái ở Israel (hình như chính quyền Nga không cho họ về Israel); ở Pháp và Anh có hết thảy độ một triệu Do Thái, Còn thì rải rác ở khắp các nước trên thế giới.
Đa số những người Do Thái còn ở ngoại quốc đó không muốn về Israel (trừ khi nào có một biến cố lớn như cuộc diệt chủng ở Đức trong thế chiến vừa rồi (điều này chắc không xảy ra được nữa): và như vậy cũng hay cho Israel, vì nếu họ đòi về cả thì không đất đâu để chứa cho hết.
 
Người Ả Rập hồi hương
Ngoài trên một triệu người Do Thái hồi hương còn phải kể một số người Ả Rập hồi hương nữa.
Tổng số họ với những người Ả Rập không tản cư trong chiến tranh 1948-1949 lên giới 180.000.
Theo Hiến pháp, họ được coi như bình đẳng về mọi phtrơng diện với người Do Thái, không bị kỳ thị về chủng tộc, tôn giáo, nhưng tình cảnh của họ cũng rắc rối và thật khó xử.
Họ là công dân Israel, nhưng cố nhiên, làm sao quên được những đồng bào của họ ở bên kia biên giới, ở Jordanie, Gaza, Syrie, Liban. Có nhiều gia đình một nửa ở Israel, một nửa phiêu bạt ở các quốc gia Ả Rập. Họ phải nhìn những đất đai nhà cửa của đồng bào họ, bà con họ, vì tị nạn bỏ lại mà bị Do Thái chiếm cứ, khai khẩn, nhìn những giáo đường của họ bị tàn phá hoặc bỏ hoang thì lòng nào mà không chua xót? Một số giới Do Thái biết điều, nhân từ, che chở thương hại họ, càng làm cho họ thêm tủi. Mà số đó rất ít, đa số đều nghi kị, khinh bỉ họ. Cho nên luôn luôn họ có mặc cảm tự ti. Họ áp dụng phương pháp làm việc của các người Do Thái, mức sống của họ cao hơn đồng bào họ ở các xứ láng giềng; họ được tổ chức hợp tác xã nghiệp đoàn, được bầu cử, thành lập đảng phái, có ghế trong Quốc hội, và trong Quốc hội, đảng Cộng sản thường bênh vực họ, nhưng họ không được nhập ngũ, và trong những thời chiến tranh giữa Israel và Ả Rập, họ càng thấy bứt rứt, tủi nhục, bị nghi kị làm gián điệp, phản quốc gia đương nuôi họ. Mà nếu không phải là phản Israel thì cũng là phản Islam. Lại thêm cái nỗi ở Israel, luật pháp bắt hôn lễ phải làm ở nhà thờ, vậy là cấm Do Thái kết hôn với Ả Rập là kỳ thị chủng tộc chứ còn gì nữa? Sự sung sướng về vật chất của họ càng làm cho lòng họ thêm bị dằn vặt.