Luyện thi

    
hi cái nắng mùa hạ oi nồng bắt đầu đổ xuống, khi phượng ở góc đường nghi ngút đỏ, khi ve kêu rỉ rả, hả hê, tôi mười tám tuổi bước vào một “giải đấu” quan trọng của cuộc đời. Qua “vòng đấu bảng” - tức là kỳ thi tốt nghiệp - tôi sẽ phải dốc sức chiến đấu ở cả ba mặt trận: hai “cúp” đại học và một “cúp” Cao đẳng sư phạm của tỉnh. Tôi thì có vẻ không thích lắm với cái “cúp” cao đẳng. Nhưng bố, mẹ tôi bảo: “Phải chiến đấu vì phong trào”.
Lúc đầu, tôi định tự đóng cửa tập luyện rồi đi thi nhưng bố tôi bảo: “Mình là cầu thủ chân đất, tỉnh lẻ. Trình độ kỹ thuật, ý thức chiến thuật chưa cao, phải ra ngoài thành phố học hỏi thêm, với lại cũng phải cọ sát cho quen với sân bãi, với áp lực lớn”. Mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ sang nhà bác hỏi xem ông anh họ tôi có về thì cho tôi ra ở nhờ. Bao giờ cũng vậy, mẹ tôi luôn là người quan tâm nhất đến chúng tôi.
Và tôi đi, lòng phơi phới lắm, ông bác ra đón tôi ngoài ngõ bảo: Cố lên, cố lên, tất cả vì màu cờ sắc áo nghe không. Tôi rưng rưng nắm chặt quai ba lô mà nói với mọi người rằng sẽ làm tất cả sức mình.
Tôi tá túc ở nhà anh chị tôi dưới Thanh Trì - trong một khu tập thể. Nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau tôi đạp xe theo anh lên Cầu Giấy. Thành phố to lớn, ồn ào quá, tôi thấy mình lạc lõng đến thảm thương. Tôi ghi tên vào lớp A6 ở lò luyện thi Sư phạm I. Nghe “giới chuyên môn” bình luận rằng lớp này toàn “huấn luyện viên” danh tiếng, chất lượng cầu thủ được đào tạo chẳng kém gì cầu thủ được huấn luyện ở Ajax Amxtecdam thuở nào. Ghi tên và nộp lệ phí xong tôi nhận được một tờ giấy coi như thẻ xuất trình để ra, vào lớp. Đang lơ ngơ nhìn sau, nhìn trước thì thấy ai đập mạnh vào vai. Tôi giật mình ngoảnh lại thấy một cái kính cận cười toe toét. Đông à?
- Ơ, ơ, anh.
- Anh Việt đây mà, mày ra đây ôn thi à?
- A, a, anh Việt, anh học ở đây à?
- Ừ, anh đang học trường này. Vào đây, vào đây.
Anh Việt kéo tôi vào quán, ấn xuống ghế cạnh hai anh khác đang phì phèo hút chung một điếu thuốc lá. Ê, đây là em tao, cùng xã đấy, nó ra ôn thi.
Hai anh kia gật gù hỏi tôi đủ thứ, đúng là cầu thủ ngoại hạng có khác - đầy kinh nghiệm. Tôi tròn mắt lên mà nghe chuyện của các anh. Đột nhiên anh Việt hỏi tôi:
- Mày ở đâu?
- Em ở bên Thanh Trì.
- Thanh Trì à? - Anh nhăn mặt.
- Làm sao anh? - Tôi thảng thốt.
- Không, không sao... nhưng hơi xa, phải “di chuyển” nhiều.
- Nhưng an tâm về tư tưởng - Anh gầy gầy nói - Thôi cũng được.
Sáng hôm sau, tôi đến lớp. Chao ôi là đông, phải đến một trăm người chứ không kém. May mà chị dâu tôi lo xa sợ tôi lạc đường nên bắt đi từ sớm không thì chỉ còn nước đứng ngoài. Nóng như một cái chảo lửa. Vẫn những bài bản cũ, những cách thức cũ mà tôi đã từng được rèn tập, hay là tôi chưa đủ trình độ để hiểu được những cái tinh vi, huyền diệu từ vị “huấn luyện viên” kia?
Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, hình như toàn “cầu thủ phong trào” như tôi, có những cặp mắt chăm chú, có những cặp mắt lờ đờ, mệt mỏi pha trộn với lo lâu. Tan học, tôi theo dòng người chảy từ tầng bốn xuống đất, bỗng thấy ai dẫm vào chân mình. Quay sang, nghe một giọng miền Trung nặng nặng. Đại ý là cậu ấy xin lỗi vì sơ ý.
- Không sao. Cậu quê ở đâu?
- Thanh Hóa.
- Tớ ở Hải Hưng. Cậu học trường nào?
- Lam Sơn.
- Ôi - Tôi suýt la lên - Chuyên Lam Sơn. Chuyên Lam Sơn là siêu lắm đấy. Chuyên Lam Sơn mà vẫn đi ôn thi lớp cấp tốc à?
- Ừ thì không muốn nhưng bố mẹ cứ ép - Cậu ta nói với một câu đại ý như thế.
Sáng hôm sau tôi đến thì gặp Hùng và Tuấn. Mừng như bạn bè lâu năm mới gặp nhau. Chúng nó cũng đăng ký học lớp A6, tại sao lại thế nhỉ, lớp tôi đã quá tải rồi mà. Chúng tôi kéo nhau đến khu nhà học - giảng đường khoa kỹ thuật công nghiệp thì phải. Một gã chừng ít tuổi hơn chúng tôi, mũ lưỡi trai đội ngược, không cài hai cúc áo ngực, ngồi lên một chiếc ghế chắn ngang lối đi cầu thang. Thì ra gã soát vé. Nhưng mà mắt gã cũng lờ đờ lắm. Cô trông xe hỏi: Hôm qua có xem bóng đá không? Thấy hàm răng gã cười cười. Hùng bảo tôi và Tuấn cứ lên trước, còn nó lừng khừng đi ra phía cuối dãy nhà. Tôi và Tuấn leo lên cầu thang. Vừa bước đến tầng hai, Tuấn rẽ trái.
Ở tầng bốn cơ mà! Tôi nghĩ Tuấn không biết. Nó ra hiệu cho tôi im lặng. Tôi ngơ ngác đi theo một đoạn xa, Tuấn gọi Hùng ở dưới sân. Hùng nhìn quanh. Tuấn móc trong túi ra một viên sỏi cuộn cái thẻ vào viên sỏi rồi ném xuống. Tôi bừng tỉnh. Thế mà chúng mày không bảo tao trước, đỡ phải nộp lệ phí.
Một chiều, tôi đạp xe về đến Mai Động thì gặp Trọng cùng lớp.
- Mày ôn ở đâu đấy?
- Bách Khoa, cùng chỗ bọn thằng Anh.
- Ăn chè không, tao khát quá.
Hai đứa ngồi dưới một gốc cây to. Bà cụ hàng chè kể đã bán hàng hơn bốn mươi năm.
- Chỗ mày có đông không?
- Đông lắm.
- Cũng đông lắm à. Bọn lớp mình có mấy đứa?
- Bốn. Tao, Tú, Anh với Hương.
Tôi thấy mặt nó khác khác khi nhắc đến tên Hương, nên tiếp:
- Hay nhỉ!
- Hay cái gì?
- Ờ, ở chỗ tao có một thằng chuyên Lam Sơn cũng đi ôn thi cấp tốc.
- Sao mày biết nó là chuyên Lam Sơn.
- Thì nó bảo với tao.
- Nó cho mày đi chợ Kỳ Lừa rồi! Được cài vào đấy! Cho thêm danh tiếng í mà!
Đang mùa bóng đá nhưng chị tôi cấm không cho xem. Lại ra lệnh cho ba đứa cháu tuyệt đối không để tôi mó tay vào việc gì, chỉ có học, học và học. Chị tôi là bộ đội thông tin đã về nghỉ hưu, sáng nào cũng chở rau lên phố bán, chiều muộn mới về. Bốn chú cháu ăn sáng xong tôi vơ quyển sách rồi đi liền.
- Trưa chú có về không?
- Không, tối chú mới về, hôm nay chú học cả ngày.
- Vâng, tối chú về bọn cháu bảo cái này, hay lắm.
Tôi đi đến khu lớp học hôm trước. Sao vắng tanh thế nhỉ. Thôi chết chuyển địa điểm rồi. Tôi cuống lên mãi mới tìm ra A6.
Hùng và Tuấn trọ ngay trong ký túc xá của trường Đại học Sư Phạm I. Buổi trưa, chúng rủ tôi vào. Ăn cơm về, Tuấn nhăn nhó kêu đau bụng. Tôi đứng ngoài hành lang. Mấy anh sinh viên vừa chuẩn bị hòm xiểng ra về, vừa trêu các cô bạn gái. Cái gì mà “Tình yêu có từ khoa Sinh, tỏ tình toàn bằng cóc nhái...”. Hùng bảo hôm sau về sẽ xem điểm thi tốt nghiệp, nó kể lại hôm qua có cậu bạn quê Thái Bình được tin trượt tốt nghiệp khóc mếu ra về.
Tối, tôi về hai đứa cháu túm lấy, thì thào: Này chú biết không? Biết gì? Ở nhà bên có chị Minh cũng ôn thi giống chú. Thế thì sao chứ?
Chị ấy hơi bị xinh đấy, cũng thi Đại học Sư Phạm. Chú sang cưa đi. Tôi cười. Cháu bảo thật, chị ấy chưa có người yêu đâu. Thằng em chị lúc chiều vừa sang đây. Chúng cháu bàn nhau rồi, vừa nói đã thấy thằng kia thập thò ngoài cửa. Tôi cười, ừ, chúng mày giúp chú nhé. Đúng lúc ấy, chị tôi về, nghe chuyện mắng át đi: Rõ trẻ con vớ vẩn, để cho chú tập trung vào học.
Rồi thì lũ trẻ vẫn cứ tìm mọi cách để cho tôi và cô bé ấy gặp nhau. Đầu tiên là đứa em sang nhà nói với tôi là mang cho chị nó mượn tờ giấy có in sơ đồ các địa điểm thi của trường Đại học Sư Phạm. Tôi cũng muốn biết cô bé ấy mặt mũi ra làm sao nên mang sang tận nơi. Phải thừa nhận Minh khá thông minh và sắc sảo, dĩ nhiên là xinh xắn. Chúng tôi nói vài ba câu xã giao. Bỗng nghe: Ối! Vội đứng lên. Thì ra bọn trẻ hai nhà chen chúc nhau theo dõi chúng tôi đến nỗi ngã díu vào nhau.
Thấm thoắt đã là chẵn mười năm. Tôi đạp xe bao buổi mưa, buổi nắng trên tuyến đường Thanh Trì - Cầu Giấy, để bây giờ cứ nghe những tên phố, tên đường ấy lại thấy thân thương, nhưng có những người cùng luyện thi với tôi, đến bây giờ vẫn không gặp lại nên đã trở thành xa lạ...