Chương XV
Những việc tống tiền

    
ho được có tiền làm việc nước, các văn thân ta hồi xưa, nhiều khi đã dùng đến những thủ đoạn ăn cướp hoặc gọi là tống tiền!
Nghĩ ra, đối với với những hạng cho vay hút máu của dân chúng, những hạng làm giầu bằng mọi lối tham ô nhũng lạm, đối với họ dù có phá cái túi tham tàn, lấy đồng tiền tanh tưởi để phụng sự một duyên cớ thiêng liêng, to tát, cũng chẳng làm sao!
Thế nhưng Đảng tôi thì cấm chỉ việc ấy. Chỉ nghĩ rằng: những việc ấy làm ra tất phải dùng đến tụi kẻ cướp. Mà tụi kẻ cướp thì có tất có những chuyện tàn bạo và lạm dụng. Cái đó sẽ mang tiếng lây đến Đảng.
Một mặt thì những việc ấy tất phải có đồng chí chỉ huy. Nếu khi việc vỡ, thì người đồng chí ấy tất phải mất hết danh dự với con mắt quần chúng. Hy sinh tài sản, hy sình tính mạng được! Thế nhưng bắt hy sinh đến danh dự, cái đó cũng thấy cực lòng cho các anh em.
Tuy Đảng có lệnh cấm, nhưng hình như trong vòng bí mật, anh Học vẫn làm. Một là làm tiền. Hai là để tập cho đồng chí tinh thần phấn đấu, tinh thần mạo hiểm.
Chứng cớ là một hôm anh sai tôi phải tìm nơi giấu một đồng chí vừa mới can vào một vụ cướp ở Ninh Bình… Anh bảo tôi:
- Giờ anh ra khách sạn Nam Lai, buồng số bốn, gõ cửa rồi lấy ngón tay trỏ đặt trước miệng, làm hiệu. Anh dặn người ấy ở yên đấy, và sớm mai đi với anh lên Hoà Bình bằng ô tô hàng, đến nơi, anh đem anh ta sang ngồi ở một cái hàng nước ở chợ Phương Lâm bên kia sông. Rồi anh lộn sang dinh Tuần phủ Hoà Bình, nhờ ông ta che chở hộ cho người đồng chí ấy.
Tôi đáp:
- Nhưng tôi không quen ông Tuần phủ ấy. Họ lại trói cổ cả hai đứa lại thì chết cha!
Anh Học cười:
- Ông ta người tốt, và biết tiếng anh qua các sách báo. Tôi đã cho điều tra biết ông ta rất mến anh và ao ước được biết mặt anh. Vì thế mà tôi phải sai anh việc này. Anh liệu đó mà tuỳ cơ ứng biến.
Tôi đã làm theo lời anh, vì đó là một mệnh lệnh mà tôi phải phục tùng tuyệt đối!
Dọc đường lên Hoà Bình, chúng tôi không nói với nhau câu gì cả. Tôi ngắm phong cảnh miền chung quanh: bãi cát trắng, lòng sông xanh; những hàng cây chênh chếch trên sườn núi; những túp nhà nho nhỏ chen trong các đám lá rừng; tất cả như một bức tranh Tầu dưới ngọn bút tài tình của một danh thủ…
Khi đền truớc dinh Tuần Phủ, tôi biết nếu lễ phép với người lính canh cửa, có lẽ không được việc.
Tôi dùng một thủ đoạn nhỏ: ngồi trên xe, tôi vênh mặt nhìn trời, và cặp cái danh thiếp vào hai ngón tay mà vẫy người lính:
- Ấy bác! Cầm cái này đưa vào cụ, nói có tôi ở Hà Nội lên chơi!
Trúng kế, người lính khúm núm, hai tay đỡ danh thiếp đưa vào. Ba phút sau, ông Tuần phủ Quách Vỵ hớn hở chạy ra. Ông kéo tôi ở trên xe xuống, khoác tay tôi giắt vào công đường.
Tôi vội vàng nói với ông:
- Chúng tôi có việc cần kíp, xin cho vào buồng riêng để tiện thưa chuyện.
Vào buồng riêng rồi, ông ngơ ngác hỏi tôi:
- Việc gì, ông cứ dạy.
Tôi đáp:
- Thưa cụ, chúng tôi có người anh em, hiện bị chính phủ truy nã rất gấp. Giờ đem lên nhờ cụ che chở hộ.
Ông Quách Vỵ trầm ngâm rồi hỏi:
- Thế ông bạn ở đâu?
- Ở bên chợ Phương Lâm.
Ông bèn gọi một người lính Mường, nói với họ một hồi tiếng Mường, rồi quay lại bảo tôi:
- Ông sang bên Chợ, bảo ông bạn đi theo tên lính này. Nhưng đi cách xa nhau chừng vài trăm thước.
Tôi đã dặn nó đứng lại chỗ ở một quãng vắng, rồi đưa ông bạn vào trong đồn điền tôi. Ở đây có thể yên tâm không lo ngại gì! Xong việc, ông về đây chơi với tôi…
Tôi vâng lời, vội vàng quay ra. Rồi lại vội vàng quay về. Đêm hôm ấy, ông Quách đã phát thệ trước mặt tôi, vào Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Và năm sau, gặp nhau ở Còn đảo, tôi mới biết người đồng chí mà tôi đem gửi ông Quách, tên là Ba Phang.