Chương XXXXII
Con số 13

    
uy anh Học bị bắt, nhưng các đồng chí của anh ở trong nước còn nhiều. Trước hồi Yên Bái, kể cả đảng viên, đoàn viên, nguyên ở Bắc kỳ đến 7 vạn người. Sau hồi Yên Bái, bị bắt kể đến hơn 3 nghìn.
Con số 3 ngàn dẫu to, song mới chỉ là gần 1 phần 20 của tống số. Cố nhiên trong đó có nhiều kẻ a dua, một lần thất bại thì kinh hãi nằm yên, hay chạy theo Đảng khác. Thế nhưng đó chính là một dịp tốt để lựa lọc đồng chí. Những anh em trong Đảng sau cuộc cải tổ hồi ấy, lại có vẻ hăng hái và bền bỉ hơn xưa. Chứng cớ là sau khi anh Học bị bắt, Ám sát đoàn vẫn hoạt động như thường. Và công việc lại ghê gớm, tung tích lại bí mật có phần hơn trước nữa. Nói tóm lại, việc anh Học bị bắt đối với Đảng tuy là một vết thương, song không phải vết thương trí mạng. Mật thám cũng biết rõ anh Học chỉ là một người trong Trung ương đảng bộ mới. Chúng muốn dò Anh để bắt những người trong đó, nhờ thủ đoạn một tên lính Lê dương.
Tên lính này, vào coi ngục, tìm cách vin chuyện với Anh. Lại tự xưng mình là người đảng Cộng sản Ăng Lê, đối với Anh, hắn rất đem lòng ái ngại. Rồi ngày một, ngày hai, hắn gạ đưa thư giùm cho các đồng chí bên ngoài. Ranh mãnh, Anh thử viết thư gửi cho một vài kẻ đảng viên cũ, khi bị bắt đã nộp anh em để gỡ tội xem sao, thì chỉ mấy hôm sau, những kẻ đó đã bị bắt đem về Hoả Lò!
Anh vờ đem việc đó mà trách nó, rồi nhờ nó gửi hộ một bài Anh viết, để đăng sang một tờ báo Ăng Lê nào đó xuất bản ở Nhật hay ở Tầu. Bài báo ấy, chẳng hiểu tại sao lại đăng trên một vài tờ báo xuất bản ở bên Pháp hồi ấy. Anh lại xin giấy bút để viết cho viên Toàn quyền Đông Dương và các nghị viên trong Hạ nghị viện bên Pháp. Hai bức thư ấy, báo Pháp cũng có đăng. Đến bức thư Anh gửi cho viên Hội trưởng hội “Nhân quyền”, nghe nói rằng có, song tôi tìm mãi chưa thấy đâu có, những tài liệu ấy sẽ chép trong phần phụ lục.
Ở Hoả Lò bấy giờ vừa Quốc Dân Đảng, vừa Cộng sản, số người chật lên. Để huấn luyện và làm khuây khoả anh em, các bạn xuất bản một tờ báo viết tay, gọi là “Tù nhân báo”. Tôi chưa tìm được một bài nào của Anh viết, trong tờ báo quý hóa ấy!
Anh bị giam hơn ba tháng trời. Chiều ngày 16 tháng 6, anh và các đồng chí trong số án chém, tất cả 13 người bị giải đi Yên Bái. Từ trong buồng giam kín bước ra qua trại giam ngoài, anh chào anh em nghỉ lại. Anh vừa đi vừa nói: “Chúng tôi chắc đi chết đây! Các anh sống lại cứ công việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu. Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa. Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mệnh cũng có ngày thành công!
Anh em chào tiễn các anh. Và buổi sáng hôm sau, suốt cả Hoả Lò, thường phạm cũng như quốc sự phạm đều bỏ cơm không ăn, để tỏ tình liên lạc. Anh và 12 đồng chí với đội lính khố xanh, đi chuyến tàu đêm lên Yên Bái. Theo sau là bọn mật thám cùng hai người cha đạo. Trên tàu, các anh vẫn cùng nhau chuyện phiếm.
Anh Chính cười:
- Đến Yên Bái, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào bốn anh Thinh, Hoàng, Thuần, Thuyết, chẳng đứng chực sẵn chúng ta ở sân ga!
(Bốn anh này đã bị chúng giết ở Yên Bái cùng một ngày trước các anh).
Anh Học thì cãi lý với Cố Ân:
- Việc gì chúng tôi phải ăn năn? Chúng tôi chỉ là kẻ thất bại, chứ đâu phải là kẻ có tội!
Rồi anh đọc mấy câu thơ tiếng Pháp:
"Mourir pour sa patrie,
"C'est le sort le plus beau
"Le plus digne... d'envie...
 
dịch nghĩa là:
Chết vì tổ quốc
Chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng…
Khi đến Yên Bái, chúng giam các anh vào nhà pha. Rồi bắt đầu từ 5 giờ rưỡi sáng hôm 17 tháng sáu, các anh đã lần lượt bước lên đài vinh dự.
Đó là một khoảng đất ở gần trại khố xanh, chung quanh có lính ta, lính lê dương vác súng đứng vòng tròn. Các anh, từng người một, do lính lê dương dẫn từ trong ngục thất Yên Bái bước ra. Trước khi ra, chúng đưa rượu cho Anh uống, nhưng anh từ chối, chỉ đòi hút điếu thuốc lào. Người chết trước nhất là Nguyễn Như Liên, đến người thứ mười một là Nguyễn Văn Chuẩn, chỉ hô được hai tiếng “Việt Nam…” thì tên lính lê dương đứng cạnh đã bịt mồm không hô ra tiếng nữa!
Anh Phó Đức Chính thứ mười hai, đòi đặt anh nằm ngửa để xem lưỡi máy chém nó xuống như thế nào! Anh hô được đủ bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế”.
Anh Học lên cuối cùng, tỏ ra vẻ cực kỳ bình thản. Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất vọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế”.
Nhưng không biết trong khi nhìn quanh ấy, tia mắt anh có gặp tia mắt một người không?