Chương 4


Chương 1 (4)

    
ÔI THAO THỨC SUỐT ĐÊM, Như một người không quen uống cà phê bị dụ dỗ uống một tách cà phê đậm vào buổi tối và đành mở mắt nhìn bóng đêm. Cô nhỏ cho tôi uống tách cà phê xế trưa, tôi đã không ngủ được. Để nhớ cô ta. Cô nhỏ này bí mật quá, ly kì quá. Cô ta thông minh một cách tinh quái. Nhưng dễ thương lạ lùng. Cô đến từ đâu, cô về đâu, tôi không hỏi. Cô ta có hỏi tôi gì đâu. Vậy tôi chẳng nên hỏi cô ta. Cứ coi cô ta đến tựa gió, đi tựa mây cho nó huyền ảo. Tôi nhớ chiếc răng khuểnh của cô ta là chiếc lá, là nhất diệp lạc. Rừng biết bao nhiêu lá. Vườn cam biết bao nhiêu lá. Tôi cần nhớ một chiếc lá viết hoa. Thế là tôi đã đếm được lá, đã trả lời được câu ca dao Đố ai quét sạch lá rừng. Dại chi quét lá. Tôi nhặt lá và ép giữa những trang thơ cách mạng. Dũng gặp Loan rồi. Chàng đâu them xuống phố chợ nữa. Chàng mơ mộng sẽ có ngày viết cho Loan một bức thư trên chiếc thuyền độc mộc giữa giòng suối lớn. Cô nhỏ không hẹn hò. Cô chỉ hỏi vu vơ “ông có tới giòng suối tên rất thơ”. Nếu tới giòng suối không có cô, dù tên giòng suối rất thơ, tôi cũng sẽ thấy nó thường thôi, cô ạ! Tôi bị cô nhỏ bỏ bùa. Tôi là ông sư trong ca dao. Cô nhỏ đeo yếm thắm. Anh nhớ tiếng, nhớ hình, anh nhớ ảnh. Quả thực, tôi nhớ cô nhỏ. Xin lỗi lãnh tụ, tôi tạm quên người. Tôi tạm quên người đến chiều mai. Chiều mai, có thể, tôi sẽ mãi mãi quên người. Hoặc tôi sẽ giả vờ yêu lý tưởng cao cả, yêu loài người và coi khinh tình yêu riêng lẻ giữa một người với một người. Tôi mong chóng sáng. Đêm gì dài dữ vậy! Tôi thù đêm. Tôi gay gắt với đêm. Rồi tôi cười một mình. Cô nhỏ tưởng tôi già lắm đấy. Tôi làm cách mạng nên râu tóc cách mạng theo. Tóc rậm bù cách mạng. Râu ria tua tủa cách mạng. Tôi chít khăn giữ tóc khỏi lòa xòa, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, trông càng già nua! Chẳng Dũng tí nào. Rất cách mạng phó lý. Tại sao cô nhỏ chịu khó nói chuyện với anh cách mạng phó lý. Theo đúng truyền thống của mấy anh mầm non cách mạng, tôi vác sự để cao cảnh giác ra tìm câu trả lời chính xác. Và tôi lại buồn cười. Phải tặng cô nhỏ một ngạc nhiên rụng rời mới được. Tôi đốt nến, nằm úp bụng trên sàn nứa viết nhật ký. Lúc này, tôi sống thật với tôi. Với tôi, cậu trai mê gái. Với tôi, cậu trai ngây ngất bụi phấn mê hồn. Viết nhật ký hết cả chữ nghĩa, tôi thức theo nến lụi làm thơ. Làm thơ thời gian trôi rất nhanh. Chưa xong bốn câu đã tàn một ngọn nến. Và khi xong một bài thơ nhỏ bé, gà rừng đã gáy vang. Tôi không hề thấm mệt. Buổi sáng, tôi kiếm lý do thoái thác vô rừng cùng anh em. Tôi xuống trại hỏi thăm giòng suối mà chiều nay cô nhỏ sẽ tới. Chẳng ai biết tên giòng suối tôi mong tìm. Tôi buồn bã, men theo con suối bên vườn cam. Đi lên. Đi ngược lên. Đi mãi. Tôi dừng chân ở đoạn suối trong vắt nhìn rõ sỏi đá dưới đáy. Tôi sẽ đi bao lâu để tới đầu ngọn suối? Cô nhỏ, cô ác quá, cô hứa hẹn mơ hồ, cô bắt tôi lặn lội hoài công. Làm gì có “giòng suối tên rất thơ” ở chốn này. Họa chăng, giòng suối ấy ở trong tâm tưởng cô. Tôi về đây, cô nhỏ ạ!
Khi đến vườn cam, trời sắp trưa. Tôi nhào xuống suối ngụp lặn. Nước suối làm tươi mát tâm hồn. Vậy mà tâm hồn tươi mát vẫn không giúp tôi đoán nổi và đoán rõ ý nghĩa của cô nhỏ tinh ranh. Con sóc, con kiến, con nai, con khỉ, con thỏ của tôi ơi, khéo mà tôi sẽ phản cách mạng. Để ngược giòng suối, lên tận đầu ghềnh thách đố của tình yêu. Đưa tay vuốt mặt, tôi chợt nhớ chưa sửa soạn tặng cô nhỏ ở giòng suối mơ hồ sáng nay. Tôi về nhà, san bằng lớp chông cách mạng tua tủa trên mép, trên cằm mình. Và, buổi trưa, với khuôn mặt trai lơ, tôi vào vườn cam có ý chờ cô nhỏ. Tôi sửng sốt vô cùng. Cô nhỏ đang ngồi đợi tôi. Cô nhoẻn miệng cười mưa hạ:
- Em đến trước. Em đến sớm hơn…
Tôi hỏi:
- Cô đến sớm hơn ai?
Cô nhỏ ngắm nghía tôi. Cô hơi nghiêng đầu bên trái, bên phải rồi đứng dậy, xoa tay:
- Ông làm cách mạng!
Tôi lặng người, không hiểu phải giải thích thế nào. Thì cô nhỏ đã nói:
- Ông cách mạng râu ria, đầu tóc và quần áo! Cuộc cách mạng giải phóng sự hóa trang và giành quyền son trẻ. Hôm nay em không them gọi ông bằng ông nữa. Em cũng cách mạng lối xưng hô. Em gọi ông là chú nghe?
Tôi có lối thoát, mừng quýnh, bèn tham dự cuộc chơi đùa vơi cô nhỏ.
- Đừng gọi tôi là chú.
- Sao vậy?
- Có vẻ chú tiểu, chú tài, chú nhỏ, chú bếp, chú bồi.
- Gọi là bác nhé?
- Bác có vẻ tôi đeo kính lão, hút thuốc lào vặt quá.
- Là anh?
- Tạm thế đi.
Cô nhỏ trề môi:
- Ông anh khó tính và khôn bỏ xừ.
Tôi cười:
- Rỡn, tôi dại nhất thiên hạ.
- Xí, ông mà dại. Ấy quên, anh mà dại. Biết anh dại, em đã chả them đến sớm hơn anh. Em sợ anh lọt tuốt vô rừng sâu, cọp nó vồ anh mất xác hay anh chết đuối ở suối độc khi nghe em đi tìm giòng suối có tên thơ nên em phải đến sớm.
- Nghĩa là không có giòng suối tên rất thơ?
- Sao cô còn sợ tôi lạc?
- Một mình ông không thể tìm thấy giòng suối đó.
- Cô tìm thấy à?
- Em cũng không thể tìm thấy. Em và anh cùng tìm, sẽ thấy.
Tôi bước gần cô nhỏ:
- Thú thật là tôi ngu ngơ, cô Diệp ạ!
Cô nhỏ chớp mắt:
- Anh định vào vườn cam rồi đi tìm giòng suối?
Tôi đáp khẽ:
- Tôi đi tìm giòng suối đó suốt buổi sáng nay.
Cô nhỏ cúi đầu:
- Suốt đời, nếu anh đi một mình, dễ gì đã thấy giòng suối đó. Anh có nghĩ sẽ đi một mình anh suốt đời không?
Tôi nghe cô nhỏ hỏi, lòng bồi hồi xao xuyến.
- Cô em.
- Dạ.
- Cô hứa với tôi chắc chắn có giòng suối đó, tôi nguyện sẽ đi một mình, suốt đời tôi.
- Anh không đi với em?
- Tôi tính hỏi cô có bằng đi với tôi không.
- Ngay bây giờ?
- Bất cứ lúc nào cô muốn.
- Dù anh chẳng biết em là ai?
- Cô đã biết tôi là ai chưa?
- Em biết. Anh không phải là di dân cuốc đất. Di dân cuốc đất không đọc thơ Nguyễn Bính. Anh là một nhân vật nam kỳ tuyệt trong tất cả tiểu thuyết cách mạng mà em đã say mê. Anh là Dũng của Nhất Linh. Người ta có thể hóa trang được hết, trừ đôi mắt. Mắt anh thú nhận những che dấu của anh. Em tinh khôn hở, anh? Em lãng mạn hở, anh?
Tôi vươn tay níu một cành cam. Và buông vội. Vài chiếc lá bị cưỡng ép chết, rơi rụng. Cô nhỏ hỏi tôi:
- Anh cần biết về em không?
- Không.
Chúng tôi cùng ngồi bên nha, dưới gốc cam quen thuộc của tôi. Tôi thấy chẳng nên dấu diếm cô nhỏ điều gì về sự có mặt của tôi ở chốn rừng hoang này. Cô nhỏ đã biết, một phần. Tôi kể nốt. Tôi không sợ truông nhà Hồ, phá Tam Giang. Tôi không đợi phá Tam Giang cạn, truông nhà Hồ nghiêm canh mới dám vượt vô. Nghe tôi kể chuyện, cô nhỏ thích thú lắm. Cô bảo tôi là kỷ niệm tuyệt vời của đầu đời niên thiếu của cô. Cô sẽ không bao giờ quên tôi. Cô nhỏ là người đi tìm niêm rung động đầu tiên cho tuổi trẻ cô. Bụi phấn mê hồn cách mạng đã gây xao xuyến tim tôi, còn gây xao xuyến cả tim cô nhỏ. Chúng tôi lãng mạn như nhau. Có tuổi trẻ nào không bị ảnh hưởng phóng xã lãng mạn?
- Anh Hoài.
- Cô sắp bảo tôi xạo?
- Em sắp hỏi anh…
- … Về đời sống của tôi ở đây?
- Không đâu, anh ạ! Em muốn hỏi anh rằng em có vẻ gì Liễu Trai không.
- Có vẻ thì sao?
- Thì em thích lắm. Em thích những gì hư ảo. Anh thấy chưa, những gì hư ảo nuôi mộng mị của mình xanh tươi hoài.
- Cô là hư ảo?
- Được chứ, anh?
- Cô sẽ nuôi mộng của tôi xanh tươi hoài?
- Nếu anh biết mộng. Mà anh đã biết mộng, vì anh dám một mình đi tìm giòng-suối-không-có.
Giòng-suối-không-có! Cám ơn cô nhỏ đã giúp tôi soi sáng con đường tôi đang đi. Cũng chỉ là hư ảo chăng? Làm gì còn cách mạng ở thời đại này. Làm gì còn Dũng, còn những Dũng tóc lộng bay, hồn phơi phới đi làm cách mạng như ông già trồng cây mận giữa đường nắng. Để chẳng bao giờ nghĩ trở lại thụ hưởng trái mận đầu. Bây giờ, cách mạng là toan tính lời lỗ, và tôi, theo cô nhỏ đi tìm giòng-suối-không-có, tôi sẽ thấy hư ảo. Nhưng trước đó, hư ảo đã làm hồn tôi xao xuyến.
- Tôi có nên đi suốt đời không, cô em?
- Không ai đi hết đời mình. Như em, em chỉ ở đây hết mùa hè.
- Rồi cô về đâu?
- Một nơi kỷ niệm ám ảnh ta khôn nguôi. Anh cũng sẽ về nơi ấy.
- Bao giờ cô về?
- Còn đi với anh tìm giòng-suối-không-có của em. Mai chúng ta khởi sự.
- Cô Diệp.
- Dạ.
- Cô là cõi hư ảo?
- Vâng. Có gì tuyệt mà không là hư ảo? Chúng ta hãy như tiểu thuyết. Đừng soi mói những chi tiết vô lý của tiểu thuyết. Bởi tiểu thuyết là nơi chốn vẽ vời bằng tưởng tượng. Đừng bắt tiểu thuyết phải thể hiện một cái gì. Vì thế, định hỏi rõ ngọn ngành về anh, em đã không hỏi nữa.
- Tôi bắt chước cô.
Cô nhỏ không bé nhỏ như tôi đã nghĩ. Người ta sẽ soi kính hiển vi vào câu chuyện tôi đang kể đây mà phẩm bình này nọ. Rằng tại sao cô nhỏ già nua vậy, rằng cô nhỏ không hề tìm thấy ở cuộc đời. Họa chăng là ở…tiểu thuyết! Đây là tiểu thuyết mà. Đâu phải chuyện thật đời người. Tiểu thuyết có Nước Bồng với những tiên nữ nghìn năm không nhạt má hồng, với những tiên ông vạn năm không úa màu râu bạc. Tiểu thuyết còn có cả Âm Ty với những ma vương quỷ sứ hung bạo. Chẳng ai phê phán đó là chuyện tầm phảo không có ở cuộc đời. Và, người ta ao ước lên trời và sợ hãi xuống đất. Thế nhưng người ta cứ bắt buộc tiểu thuyết của các văn sĩ ký tên phải y hệt cuộc đời. Người ta đòi tước quyền tự do sáng tạo. Người ta đòi văn sĩ ghét kẻ mà người ta ghét, yêu kẻ mà người ta yêu. Và đó là trách nhiệm! Bằng không đều là giả tạo, vô lý. Sự thật thường ít khi nằm trong đám đông toa rập. Sự thật càng hiếm hoi trong tiểu thuyết thuần túy. Tiểu thuyết thuần túy chỉ có chuyên chở một mục đích khiêm tốn. Là giải buồn những ai phiền muộn. Bởi người ta thích cải đạo, thích bắt nó vận chuyện hàng tấn sứ mạng cao cả trên lưng nên nó đáng thương như con lừa ngu ngốc. Có lẻ, một ngày kia, tôi sẽ viết tiểu thuyết, hoang đường như chuyện thần tiên. Tôi không muốn những người đọc tiểu thuyết của tôi cầm dao chặt bẩy sự hư ảo để tìm một sợi sư thật cuộc đời. Tôi chỉ muốn những người đọc tiểu thuyết của tôi giải khuây vài giây phút phù du, thoát khỏi cuộc đời khốn khó hiện tại, bay bổng lên cõi tiên hoặc là đà trên cánh rừng mộng để bắt gặp cái hạnh-phúc-không-có-ở-cuộc-đời-thật trong nụ hôn của hoàng tử đánh thức công chúa tưởng đã chết ngàn năm.
- Anh Hoài.
- Chi nữa, cô em?
- Anh đang nghĩ gì thế?
- Nghĩ một tiểu thuyết mà cô em là nhân vật chính.
- Tiểu thuyết hoang đường?
- Tiểu thuyết đã hoang đường rồi.
- Nhưng em có thật?
- Cô chỉ là thực với tôi. Với cuộc-đời-có-thêm-người-thứ-ba, cô là mộng.
Tôi bật cười. Cô nhỏ ngạc nhiên:
- Anh cười em?
Tôi cười lớn hơn.
- Cười cuộc-đời-thật, cô em ạ! Cô cũng nên cười, với tôi. Cuộc-đời-thật thích mộng và chán thực. Tất cả đều mong mỏi được sống như mộng nhưng khi đọc tiểu thuyết tôi viết về mộng, họ sẽ bảo chẳng thực tí nào.
Cô nhỏ nói:
- Họ tham lam. Em không tham lam. Em nghĩ rằng anh nên viết tiểu thuyết về em cho em đọc thôi.
Và cô hỏi:
- Bao giờ anh viết?
Tôi đáp:
- Khi chúng ta tới ngọn giòng-suối-không-có của cô em.
Cô nhỏ cười hóm hỉnh:
- Anh mãi cuốc đất, thì giờ đâu đi tìm giòng-suối-không-có?
Tôi vươn tay toan khoác lên vai cô nhỏ thì cô nhỏ đã xích xa khỏi tầm tay của tôi. Cô nhỏ trách nhẹ:
- Anh không sợ mộng tan à? Hãy để yên giọt sương đọng trên đầu lá và ngồi ngắm nó lung linh dưới nắng đào.
Tôi vội vàng xin lỗi cô nhỏ. Và trả lời câu hỏi thách đố của cô:
- Tôi bỏ cuốc đất. Đất là thực chán ngán.
Cô nhỏ đã xích gần tôi như lúc đầu.
- Giòng-suối-không-có rồi cũng sẽ chán ngán nếu chúng ta tìm thấy và cùng soi rõ mình dưới nó.
Cô nhỏ đứng dậy:
- Em phải về.
Tôi nói:
- Nắng chưa tắt và chúng ta chưa định hôm nào khởi sự đi tìm giòng suối.
- Chúng ta sẽ định.
- Hôm nào?
- Một hôm nào đó, chưa hẳn đã là ngày mai. Mùa hạ của em ở đây còn dài. Biết đâu chừng em chả ở đây mãi với anh.
- Tôi đưa cô em về nhé?
- Thôi. Đừng đưa anh sẽ không phải đón. Anh nhắm mắt lại, quay lưng về phía em. Em ghét chia tay có hẹn hò hay vĩnh biệt. Hãy nghe em kẻo mộng sẽ là thực chán ngán.
Tôi lại ngoan ngoãn nghe lời cô nhỏ. Thoắt một cái, bước chân cô đã xa vắng. Còn phảng phất một làn gió thương yêu. Tôi mở mắt, khu rừng cam lặng ngắt. Tôi rời vườn cam như một người ra khỏi chiêm bao. Đó là một cảnh đời thật mà mỗi người đều có một lần gặp gỡ bất ngờ. Và không thể bắt nổi ai tin rằng chính mình đã hành hương giữa miền kỳ diệu ấy. Giải thích chiêm bao, tốt hơn, nên dành cho bọn thầy bói ngu xuẩn và bịp bợm. Chẳng ai nên bảo với ai rằng mình đã, một lần bơi lội giữa giòng suối mộng ảo. Và giòng suối mộng ảo, thoáng giây bắt gặp thôi, cũng đủ làm những phiền muộn của đời ta ngủ ngoan khi nó thức giấc. Nó ru ta êm ái ngàn năm.