Chương 3

    
ỡ xong hai xe bắp cải, tụi nhỏ xúm lại ở một góc chợ. Chúng cởi áo quần móc lên mái lều, ngồi chờ toán làm vệ sinh đem xe xịt nước tới.
Thằng Quý Dơi xách chiếc ná cao su đến vỗ vai Mẫn:
-Mày cá không? Tao bắn chết con se sẻ đậu trên mái nhà kia cho coi.
Mẫn hỏi lại:
-Cá gì?
-Cá hai chục đi!
-Rồi, cá năm chục ăn hai chục đó. Bắn đi.
-Chắc không? Đưa tiền cho thằng Mè cầm. Nó sẽ làm trọng tài.
Mè là đứa nhỏ trạc mười sáu tuổi nhưng nhỏ con và đen sạm như người Miên. Nó đếm lấy bảy chục bạc của hai đứa rồi hỏi:
-Đâu? Con chim nào?
Quý Dơi nói:
-Nó đậu trên mái nhà đó.
Mẫn giục:
-Bắn lẹ đi rồi còn lấy tiền mua cóc ăn chơi.
Quý Dơi lấy viên sỏi to bằng ngón tay cái lắp vô ná. Nó tin ở tài nó nên giương ná bắn liền. Con chim trúng đạn lảo đảo lăn xuống mái ngói nhưng lăn được mấy vòng thì nó gượng lên được rồi bay mất hút trong quãng trời chói nắng. Quý dơi quay lại, bảo thằng Mè:
-Đưa hết tiền cho tao!
Mẫn xua tay:
-Sức mấy! Mày bảo bắn chết con chim mà bây giờ nó bay mất rồi, phải đưa tiền cho tao chớ.
-Nhưng tao bắn trúng.
-Chắc gì trúng? Có khi viên đạn bay xợt qua đầu, nó sợ quá, nó té thôi. Đồng ý không Mè?
Thằng Mè cười toe toét:
-Được chim là được tiền. Mất chim là mất tiền.
Mẫn hỏi Quý Dơi:
-Xử vậy mày chịu chưa?
Quý Dơi đáp:
-“Nô” đi nghen! Nhưng con chim nó bay rồi, tao nhường cho mày đó.
Mẫn tóm gọm bảy chục bạc trong tay thằng Mè.
Ba đứa ngồi xuống quanh một cây trụ điện chờ xe xịt nước.
°
Ba năm qua, chính phủ thay đổi, cuộc sống thay đổi, chiến tranh thay đổi, cái gì cũng thay đổi khủng khiếp nhưng đời sống Mẫn không có gì thay đổi. Nó vẫn làm việc từ sáng đến chiều tối: dọn quét vựa rau cải, gọt tỉa bắp cải, dỡ cải từ xe vận tải xuống, khuân vác các giỏ cần xé… ngày nào cũng như ngày nào.
Nó gọi người gặp trên xe lửa năm nào là gì Tư. Dì Tư góa chồng chỉ có một đứa con gái nhỏ tên là Lý. Lúc Mẫn mới đến ở, Lý mới có bảy, tám tuổi chi đó, đi tắm hãy còn ở truồng. Bây giờ con Lý đã gần mười hai tuổi, tóc dài tới ngang lưng nhưng vẫn lởm chởm và cháy nắng vàng hoe. Mẫn thì lớn hẳn. Nó không mập, nhưng cao và chắc. Nó đã tự kiếm ra tiền như một phu khuân vác lành nghề. Nó không phải đứa hung dữ nhưng tụi nhỏ ở chợ Cầu Muối nể nó vì nó sòng phẳng và giỏi chịu đòn.
Hơn mười giờ, toán làm vệ sinh đem xe xịt nước đến. Bọn nhỏ xúm xít quanh mấy người đàn ông đang mở ống nước dưới đường rồi cho máy bơm nổ.
Người đàn ông đội chiếc mũ cối bằng nhôm vừa xịt nước vừa hét đuổi mấy người đàn bà và con gái vẫn còn đứng xớ rớ quanh các xe vận tải. Ông ta quét ngọn nước ngang qua chân họ và la “tránh! tránh!”. Mấy cô nhảy dựng lên, cười khúc khích. Rác rưởi, lá cải rơm khô trôi lềnh bềnh trôi lềnh bềnh trên mặt đường nhựa và chảy xuống lỗ cống. Vòi nước mạnh lùa chúng đi rào rào. Mặt đường sạch bóng và tụi nhỏ đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột.
Quý Dơi đứng chàng hảng, đón đầu vòi nước. Một tay nó bụm mặt, một tay nó che háng. Ba bốn đứa khác theo sau nó, hô:
-Một, hai, ba “A–lách–xô”
Chúng ào tới ngược luồng nước. Người đàn ông cầm ống nước coi bộ cũng chịu chơi cái trò nghịch ngợm nên anh ta mở hết ga cho cái vòi nước xịt thật mạnh. Quý Dơi la lên, lệnh cho tụi nó:
-Nhào tới nè! Cướp ống nước xịt mấy giả chơi tụi bây! Coi chừng té đó!
Người đàn ông cố gắng xịt nước dưới chân chúng cho chúng té xuống nhưng chúng vẫn tiếp tục tiến tới được và sắp đoạt được ống nước. Lúc ấy có tiếng lão già râu quặp (bí danh của lão xếp toán làm vệ sinh) la hét bảo tắt máy nên người giữ vòi lật đật hãm vòi nước lại.
Tụi nhỏ la lối om sòm:
-Ê! Mới chơi mà đã thua.
Chúng nó vừa la vừa nhảy giữa chợ, vừa vuốt mặt. Lão xếp vác đòn gánh rượt thì chúng chạy biến đi mất trong đám đông. Và tức khắc chúng lại có mặt ngay ở góc chợ, vừa mặc quần áo vừa cười. Chúng trở lại công việc.
Quý Dơi leo lên trần xe. Mẫn giục:
-Lẹ đi! Quăng lẹ đi, đừng giỡn nữa.
Thằng Quý Dơi dùng chân hất mạnh trái bắp cải tròn như một trái banh da. Mẫn đưa tay đón lấy trái bắp cải nặng trịch và xếp vào đống. Quý Dơi ném tiếp một trái nữa:
-Chụp nè! Thủ môn!
Mẫn đưa một tay ra nhẹ nhàng đón lấy. Một chị đứng bên đống bắp cải hỏi Mẫn:
-Mấy rồi?
-Băm bảy.
-Trời ơi, mấy ông nội này lo giỡn không hà. Lẹ lên tui còn chở đi chớ. Trưa quá rồi!
Mẫn nói:
-Khỏi có lo đi bà chị. Nháy con mắt. Rồi! Bốn mươi, bốn mốt. Liệng hai trái một lượt luôn đi Quý Dơi. Đó! Thấy chưa! Bốn ba, bốn lăm, bốn bảy… Đủ trăm bây giờ!
Chị đàn bà lột trái chôm chôm bỏ vô miệng, nói:
-Thôi, làm từ từ cũng được. Coi chừng rớt nát hết khó bán lắm đó cha nội.
Mẫn cứ mải miết làm việc, miệng không ngớt đếm “sáu lăm, sáu bảy, sáu chín…”. Trong chốc lát đã đủ số bắp cải cho người đàn bà.
Mẫn chia tiền xong cho tụi bạn thì chị ấy nói:
-Nè, cho tụi bây chôm chôm nè. Chia nhau mà ăn.
Chị ta ném cho Quý Dơi chùm chôm chôm đỏ tía rồi ngồi lên xe ba–gác đi thẳng lên chợ Bến Thành.
Mẫn đang ngồi ăn mấy trái chôm chôm trên cái máy nước thì con Lý đến. Nó nói:
-Cho em ăn với, anh Hai!
Mẫn còn hai trái đưa hết cho con bé. Lý bóc chôm chôm ra ăn và nói:
-Má biểu anh với em về nấu cơm. Ăn xong còn lựa đậu phộng cho má nữa.
Con Lý nghịch ngợm ném vỏ chôm chôm vào người Mẫn rồi cười. Chiếc vỏ rớt ngay trong lòng nó. Mẫn nhặt lên săm soi thấy còn sót lại một chút cơm trong lòng vỏ láng bóng, liền gỡ ra ăn rồi tung chiếc vỏ lên trời mất hút giữa ánh nắng chói mắt.
Vừa về đến nhà, hai đứa đã thấy bà lão ăn mày ở cạnh nhà quờ quạng chiếc gậy tìm cách bước lên chiếc sân gạch. Mẫn hỏi:
-Bữa nay khá không, bà Chín?
Bà lão ăn mày cười. Cái miệng móm xọm. Bà lần mò đi ra phía sau trái nhà. Lý nói:
-Con trai bả mới gởi thơ về hồi sáng, em đưa cho thằng Hà rồi, không biết bây giờ nó đi đâu mất.
Lý vừa nói dứt thì đã có tiếng gọi cửa ơi ới của bà lão:
-Hà ơi! Bớ Hà! Về tao biểu đây!
Lâu lắm mới thấy có tiếng dạ của một thằng nhỏ ở từ phía nào đó. Thằng Hà ăn mặc rách rưới bẩn thỉu nhưng mặt mũi nó cũng khá sáng sủa. Hồi trước nó cũng đi học, từ khi ba nó bị bắt lính thì nó mới ở nhà. Bà nội nó đui mù, không ai nuôi nên phải đi ăn xin, còn má nó thì đi ở đợ trên Phú Nhuận. Từ khi nghỉ học, nó đi lang thang tối ngày. Từ Xóm Gà ra bờ sông, chạy xuống khu nhà thờ, khu chợ. Ham mê cái thứ gì không biết mà suốt ngày nó ở ngoài đường. Tuy vậy, thỉnh thoảng nó cũng đem về một ít cá câu được.
Nó đứng khuất sau cây cột nên bà lão mò mãi mà không thấy đứa cháu. Bà lão hỏi:
-Hà, mày đâu?
Nó giương mắt ra nhìn, thích thú nhìn bà nội nó đang quờ quạng và nhất định không chịu lên tiếng. Đến khi bà lão dẫm phải cây cần câu thì nó mới la lên:
-Ôi! Nội ơi! Nội đạp gãy cần câu của con hết.
Bà lão chụp được cái vai nó, hỏi:
-Có cá không?
-Cá đâu mà cá? Bộ dễ câu lắm sao nội?
Bà lão lần cái túi vải lấy ra ba chục bạc cắc đưa cho thằng Hà và bảo:
-Thôi, con ra chợ mua bó rau muống với chai nước tương. Nội ở nhà nấu cơm. Đi mau về nghen Hà! Trưa rồi đó.
Thằng nhỏ cầm ba chục bạc đi thẳng ra đường còn nói vô:
-Có cái thơ của ba. Con cất trong cái gối đó.
Nó đi thẳng ra chợ. Trước khi đến hàng rau, thằng nhỏ phải đi qua một dãy hàng trái cây và chè xôi đủ loại, nơi mà nó thèm muốn bao lâu nay được dừng chân lại ăn cho thỏa thích. Nhưng có bao giờ nó được năm đồng bạc trong túi. Ôi! Mấy trái chuối to tròn vàng rực, mận thì đỏ tươi… Nhưng mấy món đó cũng không ngon bằng thạch. Chè thạch ăn với nước đá mát cả ruột, lại có tí dầu chuối thơm muốn chết luôn. “Thôi! Mình ăn một chục cũng được”. Nó nghĩ nhanh rồi ngồi xuống nói với bà bán chè thạch:
-Bán cháu mười đồng đi.
Người đàn bà múc thạch trắng ra một cái chén nhỏ. Nước thạch trong vắt, thơm ngát và ngọt lịm. Ôi! Sao mà ít quá, mới húp có ba cái đã hết sạch.
-Bán mười đồng nữa –nó nói –Bán gì ít quá, ăn không đã gì hết.
Ô, ăn thạch phải húp mạnh một hơi mới sướng. Mát ơi là mát! Ngọt thanh cái cần cổ, ôi chao!
-Cho cháu mười đồng nữa đi Bác ơi! Ngon quá trời! nó lại kêu tiếp.
Ăn xong nó mới giật mình:
-Chết cha! Hết tiền mua nước tương và rau muống rồi!
Tay nó cầm ba chục bạc, do dự không muốn đưa, nhưng người đàn bà đã giật phăng đi mất. Thằng nhỏ liếm mép, nói lầm bầm:
-Ngon quá! Chết mồ tổ. Ngon quá!
Khi ấy nồi cơm ở nhà đã chín. Bà lão mù lòa nhắc cái bếp xuống khỏi cái bếp làm bằng ba viên gạch, bà mò mẫm đặt nồi cơm trên giường tre nhỏ rồi bắc nước lên bếp đợi thằng Hà đem rau muống về. Soong nước đã sôi rào rào từ lúc nào mà chẳng thấy tăm hơi thằng cháu nhỏ đâu cả. Khi không nghe tiếng nước sôi nữa thì bà biết soong nước đã cạn khô, bà nhắc soong xuống bếp và rủa lầm bầm:
-Thằng quỷ nhỏ đem tiền đi luôn rồi.
Nhớ lại cái thư của đứa con trai để dưới gối, bà lão mò mẫm lấy ra rồi cầm cái chén lại nhà con Lý. Thấy bà Chín tới, Mẫn hỏi:
-Thằng Hà nó không về sao bà?
-Nó đem ba chục bạc đi đâu mất tiêu rồi. Cháu cho bà xin chút nước mắm về ăn cơm, sẵn đọc dùm cái thơ.
Mẫn bóc thơ ra đọc. Nó đọc chậm rãi từng tiếng, thỉnh thoảng lại mỉm cười khi gặp những chữ viết sai chính tả. Đọc xong nó xếp bức thư lại, bỏ vào phong bì và nhét vào tay bà lão ăn mày. Bà già ngồi im không buồn cầm lấy bức thư. Lát sau bà hỏi:
-Chớ thằng Hợi nó kêu ai bằng “em” vậy?
-Thơ này ảnh gởi cho vợ ảnh nên mới kêu bằng “em”.
Bà lão chớp chớp cặp mắt mù lòa đỏ loét:
-Mày đọc lại coi có chỗ nào nó thăm tao không?
-Không đâu! Đây là thơ ảnh gởi cho vợ ảnh mà.
Nước mắt tràn ra trên đôi mắt đục ngầu, chảy hoen các nếp nhăn, bà lão ăn mày run run nói:
-Nó đi cả năm nay mới gởi thơ về mà nó cũng chỉ biết có vợ con nó, còn tui nó không nói tới tên. Lúc nó bị người ta bắt, tui đem cơm đem nước, tui khóc hết nước mắt. Con vợ nó giờ đi ở đợ trên Phú Nhuận. Tui phải ăn mày, ăn xin ngoài chợ từng đồng bạc để nuôi con nó, đêm nào tui cũng cầu trời khấn phật phù hộ cho nó mà nó có biết gì tới tui.
Bà lão gục đầu trên hai cánh tay đặt trên đầu gối, khóc thút thít. Nước mắt nhiểu xuống đôi bàn chân to lớn, bè ra, nứt nẻ, xơ xác. Những ngón chân cùn, khô đét của những tháng ngày kéo lê trên đất cát lầm than đui tối.
Mẫn chợt nhớ đến mẹ mình cũng đã sống những ngày khốn khổ như thế trước khi chết. Những người mẹ đau khổ cả đời để rồi cuối cùng trở về với cát bụi trong một nấm đất hiu quạnh của một nghĩa địa tồi tàn nào đó.
Cây xoài mình trồng trên mộ mẹ ngày nào bây giờ chắc lớn lắm, chắc có tàng rộng sum xuê và kết trái mây mùa rồi.
Từ khi làm ra tiền, nó vẫn cố ý để dành mỗi ngày mấy chục bạc để một ngày nào đó nó sẽ trở về và xây cho mẹ một ngôi mộ bằng xi-măng thật đẹp.
Người ăn xin đã thôi khóc nhưng vẫn ngồi bất động trong dáng ngồi úp mặt trên hai đầu gối. Vai áo bạc thếch, vá víu chằng chịt, cái quần lãnh đen đã biến thành màu da lươn bị gián nhấm nhiều vết loang lổ. Bà ngồi im lìm như đã chết khô từ lúc nào cái tấm thân nghèo nàn, khốn khổ, cái biểu hiện tàn bạo cùng khốn lầm than của kiếp người.
Lý bưng chén nước mắm và con cá nục lên, thấy bà lão ngồi yên, nó gọi:
-Bà Chín, về ăn cơm đi, trưa rồi.
Bà lão ngẩng lên, hai con mắt vô hồn mở to hướng về phía Lý, cái đầu lắc lư trên chiếc cổ đẫm mồ hôi.
Bà chống tay đứng dậy, nhận chén cá từ tay Lý rồi mò mẫm bước ra cửa.
Cơm trong nồi đã nguội từ lúc nào.
Bà lão cố nuốt từng miếng cơm khô trộn lẫn nước mắt.