13.Bạn có dám tỏ tình như thế không?

    
huyện xưa nhất trên trái đất có lẽ là chuyện tình. Và các chàng trai, các cô gái từ hàng chục thế kỷ qua đã nghĩ ra được nhiều cách tỏ tình. Từ cách xách cây đàn ghi-ta, nửa đêm đứng dưới khung cửa sổ nhà người đẹp, đến việc cho máy bay rải xuống sân nhà nàng một cơn mưa hoa hồng, hoặc như ông hoàng Ali Khan mua nước hoa đổ đầy bể bơi cho nàng Rita Hayworth tắm…
Mô đen ”cây đàn ghi-ta dưới cửa sổ“ là mốt nhà nghèo, còn cái trò ”mưa hoa hồng“ hay ”hồ bơi nước hoa“ là mốt nhà giàu.
Anh nhà nghèo kia yêu mà chỉ biết xách cây đàn đứng dưới cửa sổ, xem ra cũng chẳng có gì là tha thiết. Hành động ấy thiếu sáng tạo và biểu lộ sự lười biếng. Hai hành động nhà giàu tiếp theo thì nặng về phô trương tiền của nhưng cũng là lười biếng. Tiền bạc đã làm thay cho họ việc tỏ tình. Ðó là lối tỏ tình công nghiệp, lối tỏ tình của ông chủ ngồi trong văn phòng nhấn nút điều khiển từ xa. Nó còn tệ hại hơn việc nhờ bưu điện gởi hoa đến người đẹp bởi vì rất có thể vì sự nhút nhát mà người ta không dám trực tiếp đem hoa đến.
Những cách tỏ tình của các anh nhà giàu xem ra có vẻ giật gân, có vẻ độc đáo nhưng thật ra là nhạt. Họ có thể bỏ ra 30 triệu đôla để mua một bức tranh hay 100 ngàn đôla chỉ để mua chiếc giày rách của một nữ minh tinh nổi tiếng nào đó, thì việc rải một trận mưa hoa hồng trước sân nhà Brigitte Bardot có gì là đáng nói.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung có những nhân vật dễ thương hết sức. Cách tỏ tình của họ mây núi cũng phải xúc động, cây cỏ, sỏi đá cũng bùi ngùi rơi nước mắt. Ðó mới là những người tình thực sự. Tôi đọc Kim Dung đã hai mươi năm nay, những địa danh, những triều đại, tôi không nhớ nổi nhưng tôi biết có chàng Ðoàn Dự khi đi lạc vào một hang núi, nhìn thấy pho tượng một mỹ nhân đứng trên vách đá đẹp đến nỗi khiến chàng bủn rủn tay chân. Cạnh tượng của mỹ nhân có khắc dòng chữ “Kẻ nào lạy ta 1.000 lạy thì ta sẽ truyền bí kíp võ công“. Ðoàn Dự cung kính nói:
-Tại hạ vốn không thích võ công, nhưng vì ngưỡng mộ nhan sắc của cô nương, tại hạ sẵn sàng lạy 1.000 lạy.
Ðoạn chàng quỳ xuống trước mặt pho tượng, sụp lạy, đầu cúi sát một cách cung kính, trán chàng chạm liên tục trên nền đá, máu chảy ròng ròng.
Người thứ hai là Du Thản Chi. Anh ta yêu A Tử say đắm nhưng nàng lại rất ghét anh ta. Trong một tình huống nào đó, tôi không nhớ, A Tử bắt được Du Thản Chi và hành hạ anh ta, tra tấn bằng cách cột dây vào người rồi quay anh ta bay vòng vòng như máy bay trong sở thú. Sau đó A Tử sai rèn một mặt nạ sắt, nung đỏ lên rồi chụp vào mặt Du Thản Chi, xong dội nước lên đầu cho cái niềng co lại, siết chặt vô hộp sọ (kiểu như Tam Tạng niềng đầu Tôn Ngộ Không). Du Thản Chi ngã xuống đất ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, mở mắt ra, chàng nhìn thấy những ngón chân trắng hồng của người đẹp đang ngồi trên ghế, chàng bò tới, trườn tới gần và hôn những ngón chân xinh đẹp ấy bằng đôi môi sưng vù của mình.
Ðoàn Dự và Du Thản Chi tuy chỉ là nhân vật tưởng tượng, nhưng nó tượng trưng cho một cách tỏ tình si dại hết mình. Kiểu tỏ tình ấy đàn ông ngày nay không theo kịp.
°
Nhưng có một bài ca đã làm thay đổi ý nghĩ đó trong tôi. Ðó là ca khúc “Triệu Ðóa Hoa Hồng”. Bài hát kể chuyện một chàng họa sĩ nghèo yêu một cô ca sĩ. Nhưng chàng đã tỏ tình như thế nào?
Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì với túi tiền lép kẹp của mình? Một bức tranh? Một bài thơ? Một đôi giày môđen mới nhất? Hay một bó hoa?
Chàng họa sĩ đã chọn hoa hồng, nhưng không phải một bó mà là MỘT TRIỆU ÐÓA HỒNG. Tính sơ sơ, nếu 500 đồng VN một đóa thì một triệu đóa cũng đã tốn hết nửa tỷ bạc! Tỏ tình kiểu đó chỉ có dân nhà giàu cỡ ông hoàng Ali Khan (như đã nói ở phần trên) mới “chơi“ nổi.
Vậy mà chàng họa sĩ nghèo của chúng ta đã thực hiện được điều đó.
Bạn có biết chàng đã đào đâu ra tiền không?
Chàng đã bán căn nhà xinh xắn của mình!
Và nếu như có ai mua chàng, có lẽ chàng cũng bán nốt. Ðó là điều ”vĩ đại“ của chàng.
Vì tình yêu bạn có dám làm như thế không?