25.Cặp song tấu ghi-ta huyền thoại

    
âu chuyện bắt đầu tại một khu rừng rậm của tiểu ban Ceará trên vùng núi phía bắc Brazil, nơi bộ tộc da đỏ Tabajaras sống cách ly hẳn với người da trắng.
Mặc dù rất hiếu hòa nhưng những người Tabajaras vẫn không có thiện cảm với người da trắng. Họ thường tự hào rằng bộ tộc Tabajaras có một nền văn minh cao.
Một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng của người Tabajaras là tộc trưởng Mitanga. Ông là cha của 30 người con. Và hai trong số con ấy đã làm nên câu chuyện thần kỳ nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới.
Vào một buổi sáng cách đây hơn ba mươi năm, hai chàng trai người da đỏ tên là Musaperi và Herundy đang dạo chơi trong rừng thì nhận ra các dấu hiệu của những người da trắng vừa bỏ đi sau một bữa tiệc liên hoan picnic trên bãi cỏ xanh bên cạnh một lối mòn. Musaperi và Herundy nhìn thấy một cái hộp lớn màu đen bị bỏ sót lại.
Tò mò, hai chàng trai đem cái hộp về nhà, nhưng họ không dám mở ra vì sợ nó nổ. Trước đây đã có những người trong bộ tộc Tabajaras nhặt được những khẩu súng đem về, và trong lúc tò mò táy máy tay chân, họ đã làm súng nổ, gây kinh hoàng cho nhiều người.
Lần này thì Musaperi và Herundy cẩn thận hơn, họ đem giấu chiếc hộp đen vào một nơi kín đáo, suốt hai tuần liền.
Cuối cùng, vì thấy cái hộp có vẻ hiền lành và không có dấu hiệu gì là nó sẽ phát nổ, hai chàng trai bèn đem nó ra ngắm nghía và quyết định mở nắp hộp.
Vật đựng bên trong là một cây đàn ghi-ta. Nhưng họ không hề biết nó là một nhạc cụ, cho đến khi một người chạm ngón tay vào sợi dây đàn.
Những âm thanh ngân lên. Chúng cuốn hút hai chàng trai một cách thần bí. Herundy cầm cây đàn trên tay và bắt đầu mò mẫm.
Một tiếng gọi thần bí nào đó của thiên tài bẩm sinh đã vang lên trong tâm hồn chàng và những ngón tay chàng tự khám phá ra các hợp âm, các giai điệu. Chỉ mấy hôm sau hai chàng trai đã sử dụng được cây ghi-ta, đệm theo những bài dân ca hoang dã của bộ tộc Tabajaras. Họ yêu cây đàn đến nỗi quyết định rời bỏ bộ lạc để hòa nhập vào thế giới của người da trắng, nơi xuất thân của cây đàn ghi-ta.
Rio de Janeiro là nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến phiêu lưu của hai chàng da đỏ trẻ tuổi. Ðến lúc này họ vẫn chưa hề biết một nốt nhạc và hoàn toàn xa lạ với những lý thuyết, những quy luật về hòa âm. Tuy vậy những buổi biểu diễn của họ đã gặt hái được nhiều thành công. Âm nhạc của họ đã mang lại vẻ sơ khai, hoang dã. Phần nhạc điệm táo bạo, phóng túng và đầy ngẫu hứng của họ đã gây được ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc trong những bài dân ca của bộ tộc Tabajaras.
Sau đó là một cuộc hành trình dài sáu năm ở Nam Mỹ và cuối cùng dừng chân tại miền bắc Mexico. Họ lấy biệt danh là Natalicio và Antenor. Tên tuổi của họ vang dội khắp nơi nhưng những người ái mộ lại thích gọi họ là “Những chàng Tabajaras“ (Los Indios Tabajaras).
Bấy giờ họ quyết định ngưng các buổi diễn ”võ rừng“ của mình để học nhạc. Mỗi người chọn một thầy khác nhau. Antenor học chuyên về hòa âm (accompaniment) và Natalicio học chuyên về giai điệu (melody). Họ học thêm nhạc cổ điển và dân ca Brazil. Họ chơi nhạc Bach, Beethoven, Chopin, Rimsky, Korsakoff, Falla và Albéniz.
Sau hai năm học nhạc, hai chàng nhạc sĩ da đỏ tiếp tục cuộc hành trình của mình đến các nhà hát kịch tại những thủ đô Nam Mỹ. Sau đó là chuyến đi biểu diễn dài ngày ở Châu Âu. Họ đã ra mắt khán giả ở Madrid, Barcelona, Roma, Athens và Lisbon. Họ đã học hát và nói tiếng Ý, Ðức và Hy Lạp. Ðó là chưa kể tiếng Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha mà họ đã từng học trong những chuyến lưu diễn ở Châu Mỹ La Tinh trước đây.
Ðến lúc này, chương trình biểu diễn của họ đã rất phong phú với các tác phẩm cổ điển Châu Âu, những bài dân ca mang đặc nét châu Mỹ La Tinh, cộng thêm những giai điệu hoang dã của bộ tộc Tabajaras.
Họ đã gặt hái được những thành công rực rỡ và nổi tiếng khắp thế giới. Họ đã đi rất xa trong âm nhạc, và rất xa bộ lạc của mình, nơi mà trước đây tình cờ họ đã nhặt được một cái hộp màu đen trên bãi cỏ cạnh một lối mòn trong rừng.