36.Phim Mỹ đủ thứ chuyện

    
ột tên móc túi chuyên nghiệp và một kẻ lừa đảo, đó là hai nhân vật chính của phim NGƯỜI ANH HÙNG.
Nhưng ai trong số hai nhân vật ấy là anh hùng?
Ðó là một câu hỏi kỳ quặc.
Nhưng câu trả lời còn kỳ quặc hơn: cả hai đều là những người anh hùng và cả hai đều là những tên vô lại.
Một câu trả lời cũng giựt gân kiểu Mỹ!
Diễn viên chính Dustin Hoffman thủ vai tên móc túi chuyên nghiệp. Nghèo khổ, ít học, bị vợ bỏ. Hắn đi móc túi, đi bán đồ cũ, hắn lừng khừng như một gã khờ nhưng - bằng kinh nghiệm - hắn hiểu cái xã hội mà hắn đang sống hơn bất cứ ai trong chúng ta. Hắn dạy con hắn: Hãy thu mình lại. Cuộc đời là rừng rậm. Và đầy cạm bẫy.
Nhưng cuốn phim đã chứng minh một cách kỳ thú và đầy bất ngờ cho nội dung ”triết học“ ấy.
Lại một phim Mỹ khác – độc đáo và nhiều tai tiếng, trước đây có chiếu ở các rạp, hiện bị cấm: BẢN NĂNG GỐC.
La Rochefoucauld, một triết gia người Pháp cho rằng bản năng gốc chính là LÒNG ÍCH KỶ, còn Freud thì cả quyết rằng bản năng gốc là TÍNH DỤC (libido). Phim BẢN NĂNG GỐC có lẽ dựa trên quan điểm của Freud nhưng các nhà làm phim Mỹ đã khai thác những cảnh làm tình kèm với án mạng hơi nhiều và đã gây ra tai tiếng không ít. Dẫu sao Sharon Stone cũng đã trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ cuốn phim này, thực tế cô đã gây được những ấn tượng mạnh mẽ.
Cách đây chừng năm sáu năm, ở Pháp người ta đã trao giải thưởng văn học Goncourt cho cuốn tiểu thuyết Noce barbare (Hôn lễ man rợ). Nhà xuất bản Trẻ cũng đã ấn hành bản dịch tác phẩm viết về sự ẩn ức tình dục này. Nội dung cuốn sách xoay quanh một thứ mặc cảm mà Freud gọi là complex d’Oedipe (mặc cảm loạn luân). Ðiều đó chứng tỏ tình dục là một đề tài khá phổ biến trong văn học và điện ảnh Âu Mỹ.
Nhưng trong phim SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU thì diễn viên đoạt giải Oscar Anthony Hopkins đã trưng bày cho khán giả xem một bộ mặt mới của con người. Một bác sĩ điên, một nữ cảnh sát trẻ tuổi và một tên pêđê độc ác. Jodie Foster thủ vai cô cảnh sát thông minh và nhân ái. Lúc nhỏ cô đã từng chứng kiến cảnh người ta giết hàng loạt những con cừu. Quá khiếp đảm cô đã ôm lấy một con cừu non và chạy trốn. Và bây giờ thì cô lại đối mặt với tên bác sĩ điên. Hắn không giết những con cừu nhưng hắn giết và ăn thịt người.
Còn tên pêđê lại là một dạng bịnh lý khác, hắn thích giết những cô gái đẫy đà, lột da lưng, tự tay may áo để õng ẹo với những son phấn lòe loẹt trên mặt. Phim kết thúc bằng cái chết của tên pêđê và sự sổ lồng của bác sĩ điên. Một kẻ ăn thịt người vẫn còn lẫn lộn trong xã hội, giữa bầy cừu im lặng. Hắn đội lên đầu chiếc mũ mềm và mỉm cười đi lẫn vào đám đông. Hắn cũng vô danh như mọi người.
Với một chùm những giải Oscar gắn lên ngực, SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU có quyền bắt chúng ta suy nghĩ về tính ẩn dụ của một nhân vật khác thường như thế.
SIÊU QUẬY vừa xuất hiện ở các quầy cho thuê băng đã nổi tiếng như cồn. Diễn viên chính là một chú nhóc mới biết… bò. Bị bọn xấu bắt cóc, cậu ta chỉ dùng nụ cười với hai hàm răng sún và… nước đái để làm bọn chúng (và cả khán giả) điên đầu. Kỹ thuật dàn dựng và ráp nối tuyệt hảo đã treo hơi thở người xem bằng những pha… bò ngoạn mục qua những giàn giáo trên tầng cao chóng mặt.
°
Với một núi đôla, tài năng và máy vi tính, điện ảnh Mỹ có tham vọng tạo ra một thế hệ phim thần thoại vi điện tử. TERMINATOR (Người Máy Hủy Diệt) CHIẾC MĂT NẠ… đã vượt xa Tôn Ngộ Không và đẩy Tây Du Ký, Aladin Và Cây Ðèn Thần, Trộm Mắt Phật… vào viện bảo tàng nghệ thuật.
Về kỹ xảo điện ảnh xưa nay không có gì sánh nổi Terminator. Phim có một lô giải Oscar về đủ thứ nghệ thuật nhưng kỹ xảo lạ lùng của máy vi tính đã đứng trên mọi giải thưởng. Nó có thể đập con người vỡ vụn thành trăm mảnh, rồi chảy thành nước và những giọt nước ấy tự tìm nhau, gom lại, nhóm lên thành một con người. Nó có thể bắn một viên đạn vào giữa mặt, lủng một lỗ to bằng nắm tay hoặc xé toạc thân thể của diễn viên Arnold Schwarzie như miếng giẻ rách rồi tự động liền lại như bình thường. Một con người có thể biến thành nền gạch bông và ngược lại.
Không có gì là thần thánh cả.
Ðó chỉ là sản phẩm của kỹ thuật số.
Nhưng phim Mỹ vẫn chưa dừng lại ở đó. Hai bộ phim TỐC ÐỘ và LỜI NÓI DỐI CHÂN THẬT (True Lies) đã leo lên tới đỉnh cao của sự giựt gân.
Giựt gân? Hai tiếng này đã nghe nói từ lâu lắm rồi, đã có hàng trăm phim giựt gân được chiếu khắp thế giới trong suốt ba mươi năm nay, nhưng đứng cạnh LỜI NÓI DỐI CHÂN THẬT và TỐC ÐỘ thì ba mươi năm ấy đành run rẩy và tan biến vào hư vô. Hoàn toàn vô nghĩa.
°
Tình dục, quái đản, giựt gân và… siêu quậy đó là những thuộc tính điển hình của phim Mỹ. Những điều thái quá, những “tác hại“ của nó nhiều bài báo cũng đã phân tích. Nhưng bên cạnh những điều đó không ai có thể phủ nhận một sự đa dạng và độc đáo của đề tài, một kỹ thuật làm phim siêu đẳng của một nền điện ảnh khổng lồ ít ai sánh nổi.