Bạn của Liên

    
iên có rất nhiều bạn trai, cũng như gái. Chúng tôi chia những bạn trai của Liên thành nhiều hạng:
Những “ông” do tôi giới thiệu với Lan. Dùng chữ ông cũng rất đúng vì bạn của tôi thường là những người đã ra đời hoặc có nghề nghiệp hẳn hoi.
- Bạn của anh Lam hễ gặp là biết ngay. Cứ những ông nào đến nhà mình quần áo ngay ngắn, mặt mũi hoặc lừ lừ như sắp đánh nhau với ai, hoặc vênh váo như quen với họ là một điều vạn hạnh. Nhất định là bạn anh Lam. Sáng chủ nhật vừa rồi anh đi vắng; Lan, Liên đang ngồi ăn bánh cuốn ở phòng khách thì một ông mặt đen xì và má bạnh sang hai bên, diện một bộ com lê cũng đen như ông ta, thò đầu vào. Cửa thì mở toang, đứng ngoài đường có thể nhìn thấy rõ me ở tận trong bếp đang rán lạp xường; Lan và Liên đang ngồi ở giữa nhà trước mặt để một đĩa bánh cuốn cao bằng tháp Eiffel. Thế mà ông ta vẫn đàng hoàng đập cửa cộp cộp và dõng dạc hỏi “Có ai trong nhà không?” Lan lo cho cái cửa quá! Me vừa chửa xong. Ông ấy mới dịu dàng gõ có mấy cái mà bản lề đã sắp long ra.
- Thế Liên trả lời ra sao?
- Chị Liên làm sao mà trả lời được...
- Cảm động hả?
Liên vội cãi:
- Không! Đâu có! Em đang vội nuốt miếng bánh cuốn mà không nổi. Gớm! Sao bà hàng cho nước mắm cay thế!
Lan tiếp:
- Thấy chị Liên đỏ mặt lúng túng (không phải vì ông ta mà vì ớt cay), Lan vội đứng dậy trả lời “Dạ! thưa ông hỏi ai đấy ạ?” Lan biết đâu đó là bạn anh. Lan đoán ông ta là ông thầu khoán bạn của ba vì trông mặt ông ấy sừng sững như một bức tường, ông ấy không chịu bước hẳn vào cứ đứng ở giữa cửa oang oang hỏi “Tôi muốn hỏi ông Lam. Tên tôi là Xuân! Trần văn Xuân, kỹ sư cầu cống”. Em thấy chị Liên có vẻ sợ hãi, đứng dậy lùi lùi vào trong nhà và không quên... mang theo đĩa bánh cuốn...
- Lan chỉ nói láo! Chị đâu có sợ. Sở dĩ lùi vào trong nhà là vì áo vừa mắc vào đinh rách một miếng lớn chưa kịp vá.
- Đáng kiếp chị! Sau khi Lan đã trả lời anh đi vắng, ông ấy đứng trán nhăn lại suy nghĩ đến mấy phút đồng hồ. Em chỉ mong ông ấy nghĩ nhanh nhanh. Vì em biết chị Liên ăn bánh cuốn còn nhanh hơn nhiều...
Liên hỏi tôi:
- Ông ấy làm nghề gì hở anh?
- Hắn làm ở công chánh và hắn là kỹ sư cầu cống.
- Chắc me thích ông ấy lắm vì nhà mình có mấy cái cống hễ trời mưa là tắc tị.
Tôi cười vì câu nói ngộ nghỉnh của Lan.
Sau hôm đến chơi không gặp tôi. Xuân năng lại thăm gia đình tôi lắm. Lan và Liên đặt cho Xuân cái tên hiệu là “ông cống đen” vì Xuân là kỹ sư cầu cống và người lại đen. Tôi biết Xuân rất có cảm tình với Liên nhưng lại không thạo cách nói chuyện với các cô. Đầu đề Xuân hay đề cập đến nhất và tỏ ra rất thông thạo là “cầu cống đường xá v.v...”

Liên than thở với tôi:
- Em ngồi trong nhà nghe anh Xuân nói chuyện với me và Sơn mà sốt cả ruột. Anh ấy chịu khó mang cả cá bản đồ đường xá ở Việt Nam đến giảng cho Sơn nghe. Nào là đường rựa, đường đá, đường đất, cầu gạch, cầu sắt, cầu treo...
Tôi thất thật tội nghiệp Xuân. Hắn rất thật thà và thẳng tính.
Tôi còn giới thiệu cho Liên một số rất nhiều các bạn khác nữa. Mỗi người đều được Lan, Liên hoặc gia đình tôi đặt cho một tên hiệu. Một anh được đặt tên là “Technicolor” vì bao giờ hắn cũng mặc áo màu “sặc sỡ”. Tôi đã có lần đánh cuộc với Lan, Liên, một chầu ciné, nếu anh chàng ta mặc một chiếc áo trắng. Tôi đã thua cuộc (có lẽ vì Lan, Liên xui chàng ta). Một anh chàng có cái tên hiệu rất lạ là “Fool Ridicule” mà Tuyết, Liễu phiên âm là “Phun Ri đi cùn”. Anh này rất đa cảm và lãng mạn, trong một bữa tiệc thân mật nhân ngày sinh nhật của Liên anh ta đã say sưa hát một bài hát Mỹ. Lan, Liên chỉ nhớ hai chữ Fool Ridicule nên dùng luôn để đặt tên hiệu cho Văn.
Một anh khác tính nết rất kín đáo và hay ngượng. Quen với gia đình tôi đã hơn một năm và hễ bao giờ đến chơi anh cũng hỏi “Các bác đâu?” và nhất định chào hỏi các bác xong mới dám ra ngồi nói chuyện với Lan, Liên. Tôi viết Lan, Liên là vì anh ta không dám ngồi đối diện một mình với Liên. Lan bực lắm “Tại sao phải có Lan anh ta mới dám nói chuyện với chị Liên. Bắt Lan làm ‘bối cảnh’ mệt chết đi thế này, con trai gì mà nhát thế. Chị Liên ăn tham thật đấy nhưng chị ấy có ăn thịt anh ta đâu mà sợ”. Anh ta vì gia đình khá giả nên cò dịp đi chơi Huế, Nha Trang, Đà lạt. Hễ mỗi lần đi đâu về anh lại đến ngay nhà tôi, nhưng nếu Liên hỏi:
- Nha Trang có gì lạ không anh?
Anh ta lúng túng trả lời:
- À! Cũng không có gì lạ. Trời nắng to và nóng lắm!
Nếu Lan có hỏi:
- Đà lạt có gì lạ không anh?
- Dạ! Cũng không có gì lạ. Trời lạnh nên rét lắm!
Nếu Sơn hỏi:
- Huế có gì lạ không anh?
Câu trả lời lần này dài hơn một chút. “À! Huế?... Huế không rét như Đà lạt và cũng không nóng như Nha trang”.
Anh ta về rồi, Lan giả vờ đóng vai anh ta. Liên, Du hỏi: “Saigon có gì lạ không anh?” “Á! À! Sàigon có nhiều ôtô lắm”, “Quả đất có gì lạ không anh?” “Dạ! quả đất vẫn quay quanh” “Tôi có gì lạ không anh?” “Dạ! Anh rút rát như con gái”. Đoạn cả nhà cười có vẻ thú vị lắm.
Chúng tôi đồng ý đặt cho anh ta cái tên hiệu “anh chàng không có gì lạ”.
“Không có gì lạ” có đôi mắt to như mắt nai rất đẹp và hiền từ. Tuy nhiên ngồi nói chuyện anh luôn luôn tránh nhìn thẳng vào mắt Liên, quay mặt ra phía khác, hoặc ngắm mấy chiếc ôtô chạy ngoài đường, hoặc đếm những con mối trên trần nhà. Lan có lần trêu:
- Sao anh thích nhìn ra đường thế?
Anh ta chữa thẹn:
- À!... không nhìn trời đấy chứ!
- Lan lại tưởng anh không muốn nói chuyện với chị Liên và Lan.
Anh cuống lên:
- Có! Có chứ!
(Dĩ nhiên câu chuyện của anh ta lại quanh quẩn trong cái vòng. Có gì lạ không? Không có gì lạ).
Đến thăm gia đình tôi, các ông bạn trai của Liên không những e ngại những câu nói trêu cợt hóm hĩnh của Lan, Du mà còn e ngại cả đến những đồ đạc của chúng tôi nữa.
Cơm nước xong tôi thường ngồi ở trên ghế, gác chân lên bàn làm việc và hút píp. Trong nhà có lẽ chỉ có bàn ghế của tôi là vững chắc và đáng tin cậy nhất vì không phải là cạm bẫy người. Từ mấy tháng nay Liên luôn than thở:
- Me ơi! Tại sao me không mua thêm mấy chiếc ghế mới. bàn ghế nhà mình cũ quá rồi... Ngồi ghế như ngồi trên võng và hễ đứng dậy là nó (cái ghế) tự động ngã lăn đùng ra. Nếu không có cái ghế tai hại thì hôm nọ chàng “cống đen” đã dề cờ la rê (declarer) với Liên rồi.
Lan và me tôi tò mò hỏi:
- Tại sao Liên biết chàng ta sắp tỏ tình?
- Liên biết chứ! À! quên! Liên đoán thế vì thấy chàng ta lại đả động đến “chương trình năm năm” và hình như có chuyện gì muốn nói với Liên mà chưa dám. Mặt đỏ lên và lúng túng e ấp hoài...
(Chương trình ngũ niên của Xuân, gia đình tôi không ai là không thuộc lòng. Hễ gặp me tôi là Xuân lại đem chuyện đó ra nói. Hai năm đầu: công danh, tức là thi đỗ lấy bằng kỹ sư công chánh. Năm thứ ba: sửa soạn nền tảng gia đình, tức là kiếm thật nhiều tiền. Năm thứ tư: lấy vợ. Năm thứ năm: sản xuất, tức là đẻ con).
- Thế rồi, đúng lúc chàng ta ngả người ra tựa vào ghế và quả quyết mở miệng thời cái ghế gẫy một chân... Chàng ta ngã một cái bằng trời giáng và cụt cả hứng...
- Cũng may cho hắn! Nếu không có cái ghế dám chắc Xuân sẽ thất tình, vì Liên sẽ từ chối.
Tôi an ủi Liên:
- Liên đừng lo! Lần sau muốn tỏ tình chắc hắn sẽ mang theo ghế ở nhà đến. Hắn cẩn thận lắm mà...
Me tôi biết chuyện và vì có cảm tình vối Xuân, nên những lần sau Xuân đến chơi, bà lại bắt Lan mang chiếc ghế chắc nhất ra mời khách ngồi. Lan trái lại không mấy ưa Xuân, trông chẳng khác gì anh phu làm đường.
Rồi Lan nhất định chỉ mang chiếc ghế cũ kỹ ọp ẹp nhất mời Xuân ngồi. Chiếc ghế này có cái tật kỳ khôi là nếu ngồi chớm ở nửa ngoài của mặt ghế thì không sao, nếu dịch quá vào trong thời chuyển động nghiêng ngả và kêu cót két.
Có lần Sơn thương hại Xuân, mặc một bộ com lê mới may mà không dám vắt chân chữ ngũ vì sợ ngã, nên mang một bình dầu chạy đến bơm vào mấy khe ở kẽ ghế cho đỡ kêu. Chúng tôi không ai dám cười vì sợ Xuân ngượng. Xuân về rồi, Sơn bị mẹ tôi và Liên mắng cho một trận. Du cười bênh:
- Sơn có sáng kiến hay đấy chứ! Giá nó bơm cho anh chàng ta một ít dầu vào người có lẽ chàng ta sẽ nói năng và tỏ tình chơn tru hơn.
Trước cửa nhà tôi sừng sững một cây cao, nhưng có một đặc điểm lạ lùng. Nói đến mùa lá rụng, mùa hoa xấu rụng ai cũng tưởng tượng ra một cảnh tượng ngoạn mục. Những cái cây của chúng tôi vào mùa thu cũng bắt đầu trút lá, chỉ khác bám vào chiếc lá là một con sâu bằng ngón tay út. Không hiểu loài sâu này có ác cảm gì với chúng tôi mà từ mấy năm nay nhất định lập nghiệp ở trên cây. Lan, Liên bèn đặt cho khoảng thời gian này trong năm là “mùa sâu rụng”.
Lan, Liên, me tôi cũng như bao thiếu nữ và đàn bà khác, rất sợ sâu. Đến mùa sâu rụng tôi, Du và Sơn không hề giật mình khi nghe những tiếng kêu rú của Lan, Liên. Chốc chốc, Liên lại đùng đùng chạy vào phủi quần áo và tóc rối rít gọi:
- Anh Du! Anh Lam! Nhanh giúp em một tay. Nguy đến nơi rồi...
Du đang ngồi chấm bài không ngửng đầu lên, đủng đỉnh hỏi:
- Hả!..., Cái gì đấy?
- Anh Du! Có con sâu đang bò trên quyển “thơ” của em. Em đang xem nó rơi đánh bộp xuống giữa trang sách. Kinh quá, anh ra giết nó hộ em đi!
- Liên đọc thơ ai đấy?
- Anh chỉ hỏi vớ vẩn!... À? thơ của Th. t. T. (một nhà thơ phái bí hiểm).
- Liên đừng lo! Con sâu đó không hiểu nổi thơ của Th. t. T. đâu. Bò được hai, ba giòng chàng ta chắc cũng rức đầu chuồn ngay ấy mà... Thật đáng thương cho nó. Rơi đâu không rơi lại rơi đúng vào thơ Th. t. T...
Con sâu biết thưởng thức thơ cũng khá lạ, nhưng ngoài ra con sâu còn gây ra nhiều chuyện ngộ nghỉnh và tai hại hơn nữa cho những ông khách của Liên.
Hôm chàng “bản đồ” đang ngồi nói chuyện với Lan, Liên ở phòng khách. Câu chuyện đang vui, Lan đòi chàng cho xem ảnh cô em gái, vì chàng ta quảng cáo hoài em gái xinh lắm. Đúng lúc chàng ta rút chiếc ảnh trong ví ra, dơ lên để mọi người trông rõ, thời cả Lan lẫn Liên cũng kêu rú lên vùng dậy bỏ chạy vào trong nhà trong. Chàng ta tái mặt lại vì giận và ngượng. Tôi và Du sau đó lại phải mất công giải thích!à vì có hai con sâu lớn đang ôm nhau rớt xuống vai chàng ta nên Lan, Liên sợ bỏ chạy, chứ không phải vì trông thấy “dung nhan” cô em gái trong ảnh mà mọi người hoảng hốt đến như vậy.
Càng nhớn lên, Liên càng xinh ra và cũng tương tự như bao cô gái khác cùng tuổi và xinh đẹp, Liên bắt đầu bỏ khá thì giờ vào việc chăm chút nước da, làn tóc. Ngoài những buổi đi học Lan, Liên không đánh phấn sáp và ăn mặc suềnh soàng, nhưng hễ có dịp đi đâu với tôi Lan, Liên làm khổ các anh trai không ít vì trang điểm hàng thế kỷ không xong.
Rất nhiều bạn tôi biết tôi có nhiều em gái, nên có vẻ thèm thuồng số phận của tôi. Hoàng độc thân và nhà con một, đến thăm tôi có lần thú với tôi:
- Anh thật sướng! Đi đâu về gọi một tiếng, ba, bốn cô em chạy ra chiều chuộng.
Hắn nhìn chiếc cốc cắm mấy bông hoa hồng bạch trên bàn làm việc của tôi, thở dài:
- Tôi thì chẳng bao giờ có ai bầy cho một lọ hoa tươi đẹp như thế kia trên bàn. Bàn tay đàn bà lướt qua đâu là để lại những dấu vết thật yêu kiều...
Tôi không ngăn nổi nụ cười thương hại nở trên môi. Hắn đâu biết đó là hoa hồng tôi bỏ tiền ra mua và cắm lấy. Hắn thật chưa biết các cô con gái lúc đến tuổi, lôi thôi và phức tạp đến thế nào. Riêng tôi những “dấu vết yêu kiều” của phụ nữ tôi biết rõ lắm.
Trong gia đình tôi không có bàn trang điểm riêng cho các cô, nên mỗi khi Lan, Liên sắp đi chơi đâu thời tôi và Du tự động phải ngừng viết lách học hành. Vì Lan, Liên tự động ôm đồm “đồ lề” như son phấn, gương lược đến, tuy không trực tiếp xâm chiếm chỗ ngồi của chúng tôi, nhưng chỉ để:
- Cho chúng em nhờ một góc bàn để trang điểm. Một tí thôi! Xong ngay ấy mà...
Lan nghịch ngợm vừa trang điểm vừa trêu Du. Để xem phấn có ăn da không, Lan lấy bông phấn đập vào má Du một cái khiến Du ho sặc sụa. Đã thế còn ngây thơ hỏi:
- Phấn có ăn da không anh?
Du càu nhàu:
- An với uống gì! Đi ra đằng kia!
Tôi thì mãi viết đang khát nước tiện có cốc đầy nước Liên vừa rót, tôi vớ lấy uống một hơi. Ngụm nước có mùi vị kỳ lạ nên nuốt vào ngừng luôn ở cổ họng không chịu trôi đi. Miệng lúng búng không biết nhả nước ra đâu, tôi hỏi Liên:
- Mm! Mm!... Ngước... ngủa...ng... iên... ngó... ngấn...
Liên thản nhiên hỏi:
- Nước có phấn hả?... Đáng kiếp! Nước em rót để pha phấn đây chứ, ai bảo anh uống vào? Nhả ra trả em đi... Thôi! Tiện đây anh cầm hộ em cái gương này một tí. Gương gẫy mất chân rồi...
Một tay cầm gương để Liên soi, tôi vừa viết càu nhàu:
- Hai tay của Liên đâu mà lại nhờ anh...
Liên gắt:
- Anh chẳng ga lăng chút nào cả!.... Vẽ hộ em cặp lông mày cho nó cong. Họa sĩ để làm gì.
Số phận Du cũng không hơn gì tôi. Hắn đương chải cho Lan 500 cái để tóc mượt, sở dĩ hắn không dám phản đối vì nếu hắn bất phục, Lan sẽ không đưa hộ hắn bức thư cho nàng “keeng keeng”. Hắn ngâm y ỷ một câu thơ “Vì đàn bà... hề... ta phải lụy đàn bà...”
Lan bĩu môi:
- Anh ngâm thơ tồi thế, thi sĩ ai dám làm thơ nữa. Vào trong nhà lấy cho em hộp phấn cũ của me. Nhanh lên!
Du lừng khừng vào trong nhà. Chúng tôi nghe thấy hắn lục lọi lủng cũng đến năm phút. Đoạn tiếng hắn vọng ra:
- Lan ơi! Có đến một chục hộp phấn cũ tích trữ ở đây. Lấy hộp nào?
Lan trả lời không ngần ngừ:
- Hộp nào anh lắc thấy lục cục thì mang ra đây cho em.
Du mang hộp phấn cũ lắc kêu lục cục ra và trước hai cặp mắt ngạc nhiên của tôi và Du, Lan mở hộp phấn lấy ra hai quả ô mai chia cho Liên một, Lan một và ăn chóp chép. Du vặn hỏi:
- Sao các cô kỳ thế? Ai lại để ô mai trong hộp phấn. Không logique tí nào hết!
Nhưng cái óc logique của Du đâu có bì nổi với lối lý luận logique của đàn bà. Lan trả lời:
- Hộp không để làm gì, nếu không phải là để đựng...
Một giờ đồng hồ sau, trang điểm xong, Lan, Liên kéo nhau đi phố để lại trên hai chiếc bàn của tôi và Du những vết tích thật yêu kiều: vết son phấn dây trên bàn, tóc rối, các miếng bông đánh mặt, cặp tóc... v.v...
Tôi kêu sao không dọn sạch, Liên bảo:
- Tối nay thết chúng em xi nê. Thế nào em chẳng phải trang điểm. Bầy sẵn đấy cho tiện. Mà các anh đừng có đụng vào “đồ lề” của bọn này. Cái gì cũng để đúng chỗ của nó rồi đấy!...
Buổi tối trước khi trang điểm, sửa soạn quần áo Liên cẩn thận hỏi tôi:
- Anh lấy vé hạng gì đấy để em liệu mặc quần áo?
- Fauteuil, bốn mươi đồng...
- Chà! Anh Lam giầu ghê! Thế thì anh phải cho chúng em đến sớm trước giờ chiếu 40 phút.
Tôi gật đầu ưng thuận và không lộ vẻ ngạc nhiên vì thừa biết Liên có cái tật bao giờ cũng phục sức sao thích hợp với mọi trường hợp. Vào cuối tháng tôi thết một chầu xi nê vé hạng bét. Liên ăn mặc trang điểm qua loa và chỉ chịu vào rạp khi đèn đã tắt hết cho đỡ ngượng nếu chẳng may gặp ai quen. Còn khi được ngồi hạng vé khá sang, Liên bỏ hàng giờ đồng hồ trang điểm thật lộng lẫy, đến thật sớm, và lúc vào rạp khoan thai tiến đến chỗ ngồi trước những cặp mắt chiêm ngưỡng của các ông. Không những chính mình diện, Liên còn bắt Lan diện theo các có bạn.
Lan, Liên ríu rít gọi nhau, động viên thêm cả me tôi, Tuyết, Liễu giúp hai cô con gái lớn sửa soạn. chương trình biểu diễn của các cô có vẻ đầy hứa hẹn.
Phim hay và hấp dẫn nên rạp chiếu bóng đông đầy những người. Mọi sự sảy ra đúng như ý Liên mong muốn. Đứng mười lăm phút trước cửa rạp để các ông trẻ tuổi ngắm Lan, Liên; để Liên, Lan tìm xem có cô nào đẹp bằng mình hay không. Một sự tìm tòi luôn luôn vô hiệu quả vì bao giờ các cô khác cũng xấu và vô duyên ghê gớm, kinh khủng. May ra có cô nào đẹp thì cũng chỉ... gần bằng Liên thôi. Các cô hằn học quan sát lân nhau và sì- sào bàn tán, nói xấu nhau.
Tôi và Du lẳng lặng đứng bên cạnh các cô, vì cũng như thường lệ chúng tôi chỉ là những đồ vật bối cảnh phụ thuộc vô giá trị.
Trước khi phim chiếu nửa tiếng. Liên lôi chúng tôi vào rạp. Du giữ vé nhưng khi Lan, Liên ngừng lại ở hạng 40$, Liên làm điệu nghiêng nghiêng cái đầu sửa lại làn tóc, mắt mơ màng trong một giáng điệu khả ái và Lan liến thoắng nói để khoe cái giọng trong vắt thanh tao của mình, thời Du vẫn xăm xăm tiến bước. Liên gọi:
- Anh Du! Chờ người “classeur” đã nào. Sao cái rạp này bất lịch sự thế. Chẳng ai đưa chỗ cả...
Du đáp ngắn ngủi:
- Các cô đi theo anh. Anh biết chỗ ngồi rồi.
Lan, Liên miễn cưỡng theo Du. Liên buổi tối đó lại diện chiếc áo hoa vàng mới may, quàng chiếc khăn kim tuyến, quà tôi tặng vào dịp sinh nhật vừa qua, Lan đi giầy cao gót lần này mới là lần thứ hai, thứ ba gì đó, bước còn chập chững và trông nhớn hẳn lên.
Có tiếng người gọi tên tôi. Quay lại mới biết là anh chàng “cống đen” cũng xem phim này và ngồi cùng với bà cụ. Chàng ta đứng dậy trịnh trọng ngả đầu chào Liên và khen một câu rất sáo và cũ rích:
- Cô Liên tối nay thật lộng lẫy!
Vì đèn trong rạp không sáng lắm nên khó ai có thể cả quyết cảm động có khiến chàng ta xầm màu hơn tí nào không. Chàng ta còn săn đón hỏi:
- Anh và Lan, Liên ngồi ở đâu vậy?
Liên đáp ngay:
- Dạ cũng gần đây thôi ạ!
Đúng lúc đó ở xa kia từ hàng ghế hạng bét, Du bắc loa tay gọi qua đầu bao nhiêu khán giả:
- Liên, Lan, chỗ ngồi ở đây cơ mà!
Rồi hắn lấy tay chỉ chỉ vào mấy chiếc ghế sát có thể nói là dí mũi vào màn ảnh. Bao nhiêu cặp mắt đều đổ rồn về phía chúng tôi đứng. Liên, Lan mặt tái lại vì ngượng. Liên mắt chớp chốp đã chực khóc. Chàng “cống đen” ngượng cũng không kém, lí nhí:
- À!... Ngồi gần thế... có lẽ xem không được rõ. Hay để tôi đổi vé hộ.
Liên định há miệng tôi chặn ngay:
- Cám ơn anh! Anh để chúng tôi tự nhiên.
Tôi thản nhiên từ từ dẫn Lan, Liên mặt đã đỏ hoe đi xuống gần màn ảnh. Mấy ông tre trẻ bảo nhau, giọng khá lớn:
- Trời ơi! Uổng quá! Người đẹp thế kia mà phải ngồi hạng bét...
- Bậy nào! Chắc mấy nàng cận thị nặng.
Khi đến mấy hàng ghế hạng bét, chúng tôi thấy Du ngồi vắt chân chữ ngũ, xem chương trình và nhai kẹo cao xu. Hắn không buồn quay đầu lại, đưa ba cái vé 40$ cho Liên.
- Các cô lên trên ấy mà ngồi. Ai bảo xuống tận đây làm gì. Anh ngồi chơi một tí. Người ta thích cô độc mà,...
Liên đỡ lấy vé, mặt tươi hẳn lên. Lan, chẳng nể nang đá luôn cho Du một cái vào đầu gối khiến hắn nhăn mặt kêu:
- Trả thù hả! Gớm sao con gái thùy mị thế!