Thằng quái

    
uốt từ sáng đến tận khuya, trong nhà tôi luôn vang lên những lời than phiền và ư trách mắng.
- Trời ơi! Sắp đến giờ đi học rồi mà đánh thức “thằng quái” này không nổi! Sao nó ngủ say thế!
Đó là Lan vừa kêu ca vừa tìm đủ mọi cách, đánh thức “thằng quái”, vì tối hôm trước nó đã dặn:
- Chị Lan, mai đánh thức em dậy 6 giờ đấy.
Ba tôi bảo:
- Lấy nước đổ vào tai nó.
- Liên, Lan cứ cắt đứt dây để màn rơi xuống phủ vào mặt nó là nó phải bò dậy.
Du tàn nhẫn:
- Lan đánh thức nó làm gì cho mệt. Đẩy mạnh cho nó lăn cổ xuống đất.
Me tôi tâm lý hơn:
- Chúng mày cứ ăn hết phần điểm tâm của nó đi. Me nhất định đến mai nó sẽ dậy từ 4 giờ sáng.
Liên buổi trưa đi học về đã la lên:
- “Thằng quái!” chị đã dặn bao nhiêu lần vẫn không chừa. Bàn của chị đâu phải bàn để kìm chữa xe. Chết tôi rồi! Dầu xe rây bẩn cả vào tập “thơ”.
Du, khi thay quần áo, tuy tính điềm đạm mà cũng phải càu nhàu:
- Tôi cam đoan với cả nhà là hôm nay “ông quái” ông ấy đã mặc nhầm cái áo trắng tôi mới đưa thợ giặt là hôm qua. Áo nào mà được diễm phúc ngài ấy dùng tới một lần thì chỉ còn đành đem làm rẻ lau xe.
“Thằng quái” hay “Ông quái” là tên hiệu cả nhà đặt cho Sơn, đứa con trai đứng hàng thứ năm trong gia đình. Tôi đoán trong bất cứ gia đình nào đông con cũng “may mắn” có một đứa con trai đến tuổi mới lớn như Sơn, sinh ra hình như chỉ để làm phiền và gây tai họa cho tất cả mọi người. Trong trường hợp mọi người đều vui vẻ và dễ dãi thì không sao, những hành động tư tưởng ngộ nghĩnh và quái gở của Sơn khiến ai cũng bò ra cười nhưng trái lại, nếu mọi người đang bực mình sẵn, hắn sẽ làm bất cứ ai cũng phải điên lên.
Tùy lúc Sơn có thể là một trận bão lốc, một con bò rừng lạc vào thành phố, một nhà thám hiểm, khoa học gia kiêm họa sĩ, một thằng “ngu ơi là ngu” (Lời Lan nói), một người thích cô độc và ưa phá hoại.
Về thể chất Sơn lớn “như thổi”. Nghe thấy một bà bạn của me tôi đến chơi và dùng danh từ “nhớn như thổi” để khen Sơn. Ba tôi vẫn như thường lệ, thích phóng đại và khôi hài đã càu nhàu:
- “Như thổi” Hừ; không biết thổi bằng gì mà phồng to thế!
Ba tôi lo ngại nhìn Sơn lớn. Không phải là cho tương lai Sơn, hay sợ rằng rồi đây nó có nên người hay không mà vì một lý do rất thực tế: những quần áo cũ của ba tôi trước kia thải ra, Sơn nếu mặc hơi dài còn sửa lại được, nhưng hiện tại Sơn đã cao hơn ông hai, ba phân thì chẳng nhẽ để me tôi nối mãi hai ống quần cho dài ra cũng phiền.

Sơn thì mặc kệ không thấy gì phiền hết, miễn có quần mặc là được.
Ba tôi không muốn sắm thêm quần áo mới cho Sơn vì sợ hao hụt quỹ gia đình. Theo ông, Sơn - và thỉnh thoảng chính chúng tôi, những con trai lớn - đều không có tài gì giữ quần áo như ông. Thích mang những thí dụ thực tế và cụ thể ra để chứng minh những lời nói của ông đều nói có sách mách có chứng, ông mắng Sơn:
- Mày thì chỉ có quần áo sắt mới chịu nổi. Cái áo sơ mi tao mặc ba năm nay không rách thế mà vừa đưa cho mày chưa được ba tiếng đồng hồ đã rách tan nát.
Lan và Liên thì thầm với nhau.
- Gớm! Quần áo ba đã thải ra thì ai mặc nổi. Cũ đến nỗi vừa cầm lên đã bục. Chắc là ba mua từ đời Hồng Bàng thứ 17.
Từ đó trở đi dựa vào lời mắng của ba tôi, Du gọi Sơn là người của “thời đại sắt”. Cái gì nó dùng tới đều cần phải làm bằng sắt, giầy sắt để chạy nhảy, đũa sắt để ăn, và giường sắt để nằm (điều này không cần lắm vì giường ngủ hiện nay của nó quả thật làm bằng sắt).
Sơn có đôi mắt đen, sâu và to giống đôi mắt me tôi, lông mày đậm, da cháy đen vì nắng, chân tay dài quá khổ. Còn dáng đi thì không biết tả ra làm sao, vì Sơn một là chạy, hai là ngồi hay nằm chứ nó không bao giờ chịu đi như mọi người.
Tóc không bao giờ chải (dù ba tôi đã cẩn thận mua riêng cho Sơn một cái lược bằng aluminium) và rất ít khi húi. Có khi cả nhà xúm lại dục, mắng, đe dọa Sơn mới chịu húi đầu, nhưng ngày mà nó chịu đi húi đầu không hiểu tại sao lại đúng vào ngày thứ hai; mà ngày thứ hai thì ông thợ cạo quen với gia đình tôi lại nghỉ làm việc. Sơn hay bị ba tôi mắng vì cái tội để tóc dựng đứng lên ở trên đầu. Ông dọa nếu Sơn vẫn để tóc thế ra đường cảnh binh sẽ tưởng là tù vượt ngục.
Đang tuổi lớn, đói suốt ngày, nên Sơn có thể ăn bất cứ lúc nào và bất cứ thứ gì, miễn là ăn được. Cái tội ăn nhiều của Sơn phản hẳn với một nguyên tắc của ba tôi “Ăn lấy hương, lấy hoa chứ không phải ăn no lấy béo”. Sức lớn của Sơn chỉ làm ông lo ngại, nhưng sức ăn của Sơn nhiều phen làm ông kinh hãi. Ông không muốn công nhận như mọi người là cơ thể Sơn đòi hỏi rất nhiều thức ăn và chất bổ, ông cho sự ăn nhiều của Sơn là một cái bệnh, mà đã bệnh thì có thể chữa được.
Ông hay nói đến cái bệnh ăn nhiều của Sơn đến nỗi me tôi phải gắt lên:
- Nó đói thì nó phải ăn có gì là lạ!
Ba tôi cãi:
- Đói thì ăn xong phải no chứ. Vừa buổi trưa mắt tôi thấy nó ăn đến sáu, bảy bát cơm, thế mà một lúc sau xuống bếp đã thấy nó lục chạn ăn cơm nguội. Không biết dạ dày nó to đến thế nào mà chứa được lắm thế.
Rồi ba tôi nhất định tuyên truyền cho cái thuyết “Ăn lấy hương, lấy hoa” của ông vì không những có Sơn ăn nhiều và chúng tôi ai cũng ăn khỏe cả.
Ba tôi bảo chúng tôi:
- Chúng mày không biết chứ ăn quá độ rất hại. Phải ăn thế nào khi đứng dậy bụng còn đói (chúng tôi nhìn nhau và cùng thầm đồng ý là nguyên tắc “ăn mà bụng vẫn còn đói” này không thể áp dụng được, chúng tôi quen ăn để... no mất rồi). Ăn nhiều sẽ phát triển những lớp mỡ ở trong người, người nào trong cơ thể nhiều mỡ thì đầu óc không được minh mẫn và suy xét chậm chạp. (Ảnh hưởng của ăn nhiều đến trí óc mà ba tôi đem ra nói để dọa chúng tôi cũng không làm chúng tôi tin, vì không ai tính nhẩm tiền chợ và các chi phí nhanh và đúng bằng me tôi chắc cơ thể nhiều mỡ nhất nhà).
Nói hoài mà thấy chúng tôi vẫn lộ vẻ nghi ngờ, ba tôi quay sang dùng tâm lý. Ba tôi bảo Lan và Liên:
- Con gái muốn đẹp phải ăn ít. Nếu không sẽ béo. Trông me chúng mày thì biết.
Lan, Liên đã có vẻ nao núng. Hai người lo ngại nhìn me tôi. Có thể là ba tôi có lý. Nhưng Du cũng có mặt ở đây xen vào:
- Lan, Liên đừng có sợ. Nếu ăn nhiều sẽ béo bằng me thì ăn ít sẽ gầy như ba.
Lan, Liên quay sang ngắm thân hình gầy của ba tôi. Lan, Liên bảo nhau thà béo như me còn hơn gầy như ba. Thế là cái thuyết ăn lấy hương lấy hoa của ba tôi từ “20 năm nay” chỉ có mỗi ba theo nổi. Về vấn đề ăn, me tôi dĩ nhiên đứng về phe chúng tôi. Trong những bữa cơm đầu tháng ngoại trừ những món ăn chính bầy trên mâm ở dưới bếp bao giờ me tôi cũng lo xa trữ sẵn những món ăn phụ. Mấy đứa con trai thường có khi về nhà không đúng bữa, nên thích cái lối lo xa này của me tôi lắm. Bất cứ giờ nào trong ngày nếu cần, me tôi có thể dọn ngay ra một mâm cơm phụ, rất đầy đủ món ăn bổ béo. Ba tôi có gắt, me tôi chỉ điềm đạm nói:
- Ông gàn lắm! Có tiền không để cho chúng nó ăn thì còn để làm gì.
Ba tôi bực lắm, ông luôn luôn mắng chúng tôi là thực bất tri kỳ vị và rồi tất cả nhà sẽ bị đau dạ dầy hết. (Nhưng trong khoảng mấy năm gần đây ba tôi cảm thấy những triệu chứng là có lẻ chính ông đau dạ dầy).
Khi đi làm về ông có thói quen mua những thức ăn như thịt quay, thịt ngỗng nhưng vì theo nguyên tắc ăn ít mới ngon lâu, nên mỗi thứ ăn chỉ mua dăm ba miếng. Ông bày những món ăn (hương hoa) đó riêng vào những đĩa nhỏ và nhấm nháp một mình. Vừa nhấm nháp ông vừa tán tụng nghệ thuật ăn của người Nhật. Ông khen họ đã thấu hiểu cái đẹp của sự ăn chứ không ăn xô bồ như chúng tôi. Ông kêu:
- Tao không hiểu tại sao chúng mày thích ăn nhiều, ăn cho sướng miệng. Và me chúng mày nữa, đi chợ cái gì cũng phải mua cho thật nhiều.
Du, Liên và Lan tức lắm. Chúng bàn với nhau:
- Ba ăn ít thì ba cứ ăn việc gì ba chỉ trích chúng mình ăn nhiều.
- Liên dốt lắm! “Chỉ trích” cũng là một món ăn của ba. Nếu ai thấy bữa cơm nào ba không “chỉ trích” anh thưởng 100$.
Giải thưởng treo từ nửa năm mà chưa ai được.
Thỉnh thoảng để cám dỗ chúng tôi, ba tôi cho mâm các con nhớn một đĩa những món ông mua về. Chúng tôi không hề từ chối và mỗi người chỉ động đũa một lần là đĩa đã rỗng không như dưới ảnh hưởng của phép lạ.
Lan, Liên và Sơn giả vờ cãi nhau:
- Ơ! Ba vừa cho một đĩa đầy thịt mà đã hết rồi. Phần của Lan đâu?
- Sơn mang cái kính hiển vi của Sơn lại đây. May ra thấy thịt ở chỗ nào để mà gắp chứ!
- Gớm! Cái chú khách bán thịt cho ba cắt thịt tài quá! xếp 500 miếng lên nhau mới dày bằng một tờ giấy pelure.
- Sơn! Tắt cái quạt đi! Gió thổi bay thịt của ba cho đi đâu hết cả rồi.
Tuy hay bị mắng, nhưng việc gì trong gia đình cũng phải nhờ đến Sơn. Cái xe Đức của Du máy trục trặc, cái xe velosolex của ba tôi phun nhiều khói quá. Cái đèn làm việc của Lan giây bị hỏng, cái khóa cửa rĩ cần phải cho dầu, đều được mọi người sẵn lòng giao cho Sơn đảm nhiệm việc chữa chạy.
Sơn rất thích chữa máy móc, tháo lắp v.v... nhưng lại có cái tật là không bao giờ làm được việc gì hoàn toàn.
Cái xe Đức của Du sau khi được Sơn chữa khỏi bệnh máy trục trặc thì lại nổ to ghê gớm và phanh kêu ken két ầm cả phố. Xe Vélosolex cửa ba tôi không hiểu Sơn chữa ra sao không phun khói nữa, nhưng lại chạy khặc khà khặc khừ như người ốm dở và thỉnh thoảng lại đứng lại... nghỉ lấy sức. Còn cái đèn của Lan thì Sơn tháo ra lúc lắp lại nhầm giây nên nhấp nha nhấp nháy làm Lan tức đến phát khóc. Lúc cần đến bật hoài đèn nhất định không sáng, đến lúc tình cờ đụng vào thì lại sáng lên như trêu tức. Còn cái cửa sau khi Sơn cho dầu rồi thì khóa lại được nhưng mở không được... Bị me tôi mắng, Sơn lúi húi chữa lại thì lần này khóa mắc kẹt, mở không được khóa cũng không được nốt.
Nhiều khi bị mắng Sơn bực mình kêu lên:
- Tại sao mọi người không chịu làm lấy mà lại bắt Sơn làm hộ. Làm xong mọi người lại chê là không hoàn toàn. Thật bất công!
Tuy hay kêu ca phải làm nhiều việc nhưng Sơn thường rất hăng hái quá độ và không đúng chỗ, đúng lúc. Bị mắng là không chịu săn sóc đến xe cộ, Sơn chăm lắm; hễ khi Du, ba tôi, hay tôi vừa đi đâu về là Sơn đã lôi ra một lô những dụng cụ sửa chữa như kìm, búa, khóa, môlét, tournevis v.v... bày la liệt ra đất và không cần biết là xe có hỏng hay không, Sơn tháo xe ra lắp lại, gõ, đập thình thình ầm cả nhà. Nếu Du ngạc nhiên hỏi:
- Xe anh hỏng gì mà Sơn sửa chữa?
Sơn điềm nhiên trả lời:
- À! Rồi nó sẽ hỏng nên sửa chữa trước.
Lý luận của Sơn làm Du phì cười. Mọi người cũng hay chế riễu tài chữa xe của Sơn:
- Sơn tài ghê! Nếu xe không hỏng thì nó chịu khó ngồi gõ đập một hồi tự nhiên xe hỏng thật.
- Ê! Sơn đập khe khẽ chứ! không khéo chút nữa anh phóng nhanh, máy xe của anh lại văng đi một đàng, xe một nẻo thì nguy to.
Sơn còn có một đặc điểm là không bao giờ thèm hiểu tại sao những hành động của nó lại ảnh hưởng đến mọi người chung quanh đến thế, cho nên Sơn hay để lộ những tình- cảm vui vẻ hay thích thú của tâm hồn hắn một cách ồn ào.
Buổi tối khi mọi người đều chăm chú đọc sách, người học bài thì tự nhiên Sơn hét lên một tiếng và đập tay xuống bàn đánh rầm một cái. Một người lạ chưa có dịp sống gần Sơn nhất định sẽ hoảng hốt và ngay đến chúng tôi tuy đã quen với những tiếng hét của
Sơn cũng phải giật mình. Sơn vừa hét xong liền bị mọi người xúm lại mắng.
Liên bực tức:
- Thằng quái làm chị giật mình kim đâm cả vào tay. Sao không ra đường mà hét?
Ba tôi chua chát:
- Thật là thừa cơm đâm rửng mỡ. Đói nhăn răng rồi tha hồ mà hét.
Me tôi thực tế nhất dặn Sơn:
- Sơn ạ! Cái bàn ọp ẹp lắm rồi đấy! Sơn có đập thì đập khẽ thôi!
Vừa bị mắng xong nhưng chỉ năm phút sau Sơn quên bẵng mất lại hét lên một tiếng nữa và tấn tuồng cũ lại tái diễn.
Sơn hay hỏi tôi và Du rất nhiều câu hỏi quái gở nhưng có khi lại rất hà tiện lời nói và chỉ ra hiệu hoặc nói nhát gừng.
Có lần Lan, Liên đang ngồi ở nhà trong tự nhiên Sơn ở nhà ngoài bước vào gọi dật:
- Chị Lan!
- Cái gì?
Nó ngoắc tay chỉ ra nhà ngoài. Lan kêu lên:
- Thế là nghĩa lý gì! Mồm Sơn để đâu sao không nói lên!
Sơn chỉ nói cộc lốc:
- Bạn!
Nó giơ hai ngón tay lên. (Thế có nghĩa là có hai cô bạn đến chơi đang chờ Lan ở ngoài phòng khách).
Đến me tôi nhiều khi cũng phải bực mình. Tự nhiên Sơn chạy vào gọi:
- Me!... Me!...
- Cái gì mà ồn lên thế!
- Tiền!
- Tiền gì? Sơn vừa lấy 5$ xong còn xin thêm à?
- Không tiền me đưa để con đi mua thuốc như me dặn lúc sáng ấy mà.
- Sao Sơn không nói thẳng ra?
Lan, Liên bảo nhau.
- Thằng quái sau này lớn lên muốn tỏ tình với cô nào cũng tiện. Hắn chỉ việc giơ một ngón tay lên nói độc một chữ “yêu” là đủ.
Sơn cũng không bao giờ chịu hiểu là các cô con gái đến tuổi lớn như Lan, Liên rất khác Sơn. Nó ngạc nhiên khi thấy Liên bỏ hàng giờ để chải một kiểu tóc hoặc trước khi đi đâu lưỡng lự không biết nên mặc áo màu gì. Có hôm thấy Liên đứng ngẩn người không biết nên mặc áo màu xanh hay màu vàng. Sơn đến gần góp ý kiến:
- Việc gì chỉ phải lôi thôi. Áo vàng mạng có một chỗ, áo xanh mạng hai chỗ, vậy chị nên mặc áo vàng.
- Nhưng màu vàng mặc vào buổi chiều không hợp với màu da.
Sơn ngơ ngẩn hỏi:
- Màu da? Màu da thì dính dáng gì đến áo? Sơn mặc áo sơ mi có cần hợp với màu da Sơn đâu?
- Im mồm đi! Mày là con trai biết gì mà nói.
Sơn không chịu thua:
- Thế cái mũi chị buổi tối không đánh phấn trông tròn như hòn bi ve thì chị mặc áo gì cho đỡ tròn.
Liên hét lên một tiếng vớ lấy cái phất trần và đánh cho Sơn hai cái vào đầu.
Sơn suýt soa:
- Chị Liên ác ghê! Thế mà hôm nọ anh Văn đến chơi chị lại đóng kịch làm ra vẻ hiền từ và săn sóc đến em. Nếu anh ấy biết chị ăn tham và...
Nói đến đây Sơn rút lui khỏi tầm phất trần của Liên và chạy biến ra ngoài mất.
Có lần đến giờ ăn cơm, một người bạn trai của Liên tới chơi, Liên ra tiếp và khi Sơn ra gọi vào ăn cơm Liên bảo:
- Chị no lắm! Cứ ăn trước đi.
Sơn khoái lắm vì nó được thêm phần món ăn của Liên. Xong bữa, đến phiên Liên rửa bát (vì hôm đó người làm của gia đình tôi về quê vắng), Sơn chạy ra nói oang oang:
- Chị Liên! Me bảo chị vào rửa bát.
Liên đỏ mặt lừ mắt ra hiệu bảo Sơn im. Sơn lại hiểu lầm nên vào nhà bảo với me tôi; giọng nói của Sơn ồm ồm, cả nhà đều nghe thấy:
- Chị Liên không chịu rửa bát me ạ!
Khi khách về rồi cả nhà xúm lại mắng Sơn:
- Lần sau có khách cấm Sơn không được gọi chị vào rửa bát. Nghe không?
Sơn cãi:
- Me bảo Sơn ra nói vói chị đấy chứ!
Me tôi mắng thêm:
- Me tưởng khách đã về rồi. Con trai đã lớn rồi không ý tứ gì cả.
- Thế người ta biết chị Liên phải rửa bát thì đã làm sao?
- Làm sao? Người ta khinh gia đình mình nghèo đến nỗi phải rửa bát lấy.
- Nhưng nhà mình có mượn chị Vân cơ mà!
- Dễ thường người ta biết chị Vân hôm nay về quê à.
- Ừ nhỉ!
- Mày biết là mày ngu chưa?
- Ừ nhỉ! Sơn ngu thật!
Liên còn hậm hực:
- Mà cấm Sơn không được ra mời chị vào ăn cơm khi chị đang tiếp khách.
- Tại sao?
- Mời chị vào ăn cơm mà không mời khách là đuổi khéo người ta về.
- Ừ nhỉ! Nhưng sao chị không mời anh ấy vào ăn một thể.
- Mới quen ai lại mời ăn cơm ngay, với lại hôm nay nhà mình “tu tiên” mời sao được.
- Ừ nhỉ!
- Mày thì chỉ biết ừ nhỉ! Ừ nhỉ! Ngu như con cầy ấy!
- Ừ nhỉ!
Trong gia đình tôi lại thêm một danh từ mới để dùng. Ngu theo lối “ờ nhỉ” tức là ngu như thằng quái, ngu xong mới biết mình là ngu.