Dịch giả: Ðặng Lương Mô
Chương 10
MacArthur
Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng”

    
ốt nghiệp thủ khoa trường võ bị Westpoint
Nguyên soái [1] Douglas MacArthur đã được chọn làm người thứ mười trong “Mười hai người lập ra nước Nhật”. Ðây là người ngoại quốc duy nhất được chọn.
Xét nước Nhật hơn 50 năm sau chiến tranh, người ta sẽ thấy ảnh hưởng vô cùng lớn của quân đội chiếm đóng Nhật Bản như tượng trưng bởi MacArthur. Việc Douglas MacArthur, một quân nhân Mỹ có cá tính cương cường, tổng chỉ huy quân đội Liên hợp quốc, đã thống suất Ðại Bản doanh chiếm đóng Nhật Bản, là sự kiện đã mang lại ảnh hưởng không nhỏ cho nước Nhật ngày nay.
Trước nhất hãy kể lại lý lịch của nhân vật này.
Douglas MacArthur sinh năm 1880 tại Little Rock, bang Arkansas, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Arkansas cũng là bang xuất thân của Tổng thống Bill Clinton, và Little Rock là thủ phủ bang này. Cha, Arthur MacArthur, cũng là quân nhân lục quân, đã hạ sinh Douglas trong khi đồn trú tại Little Rock.
Như vậy, ông không là người miền Nam chính tông. Trong sách tự truyện, MacArthur đã dài dòng kể rằng tổ tiên mình thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt Scotland. Sự kiêu hãnh về gia thế như vậy, đã ảnh hưởng tới ngôn từ và phong cách rất đặc trưng của ông.
Thời niên thiếu, cha ông đã giữ chức tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philipines, lúc ấy mới trở thành thuộc địa của Mỹ. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, Philippines đã được Tây Ban Nha cát nhượng cho Mỹ làm thuộc địa, do kết quả cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha.
Thời đó, Philippines chưa được khai phá mấy. Ðó cũng là thời kỳ người da trắng chiếm ưu thế và chủ nghĩa thực dân đang độ phát triển mạnh mẽ. Thiếu niên Douglas đã trưởng thành trong bối cảnh như vậy, với tư cách là con trai vị tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philippines.
Douglas lớn lên, vào học trường Sĩ quan Lục quân Westpoint, rồi tốt nghiệp thủ khoa với thành tích ưu tú một cách kỷ lục. Trường võ bị Westpoint là nơi đã đào tạo ra hầu hết sĩ quan của lục quân Hoa Kỳ. Thế mà thành tích của Douglas đến nay vẫn còn được truyền tụng. Nghe nói, ông đọc nhiều biết rộng và có trí nhớ kinh dị.
Năm 1905, nhân cha ông trở thành võ quan quan sát cuộc chiến tranh Nhật - Nga, còn ông đã là sĩ quan trợ lý, và do đó đã ở Nhật một thời gian ngắn.
Ðến thời kỳ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Mỹ tham chiến, ông đã đề nghị thành lập sư đoàn Rainbow (Cầu Vồng) gồm toàn binh sĩ đặc biệt tinh nhuệ. Ðề nghị được chấp thuận, ông đã đích thân làm tham mưu trưởng chỉ huy sư đoàn này. Tên Cầu Vồng là hàm cái nghĩa cầu nối giữa Mỹ với Âu châu và phô trương một sư đoàn tinh nhuệ như trong mộng. Nội việc đề xuất sự thành lập một sư đoàn tinh nhuệ, rồi đích thân đứng làm tham mưu trưởng, cũng đủ rõ cái ý thức êlít và ý muốn chơi trội như thế nào rồi.
Sau đó, năm 1919, ở tuổi 39, ông đã trở thành Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân và năm 1925, ở tuổi 45, ông đã được phong Trung Tướng [2] (Major General). Cả hai chức danh trên đều là kỷ lục về độ tuổi thấp nhất. Ðiều này chứng tỏ ông là thành phần siêu ưu tú của lục quân Mỹ vậy.
Tuy nhiên, cần chú thích ít nhiều về Douglas MacArthur. Ðó là, giai đoạn hoạt động nhất của đời quân nhân của ông, tức là những năm từ 1925 tới 1930, lại rơi vào thời kỳ giải trừ quân bị và đại khủng hoảng kinh tế.
Từ thập niên 1920 sang thập niên 1930, do Hiệp ước Washington và Hội nghị giải trừ quân bị London, Mỹ đã cắt giảm quân số so với các nước khác. Chỉ trong thời gian ngắn, chi phí quân sự của Mỹ đã rút xuống tới khoảng một phần trăm của tổng sản phẩm quốc dân (GNP), nghĩa là chỉ tương đương với chi phí cho lực lượng phòng vệ [3] của Nhật Bản ngày nay.
Hiệp ước Washington hạn chế số tàu quân sự. Nhật Bản thời đó, Anh quốc, và những nước khác cũng chịu sự hạn chế như vậy. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ Coolidge còn làm triệt để hơn, bằng cách bán chiến hạm đang đóng cho công ty điện ảnh, rồi cho quay phim cảnh đánh chìm. Ðối với quân nhân, thì đó không những là sự đau lòng về mặt kinh tế, mặt tổ chức, mà còn là sự nhục nhã về mặt tinh thần nữa.
Lục quân thì bì cắt giảm một số sư đoàn, võ khí quân trang cũng hầu như không được trang bị mới nữa. Toàn thế giới chìm đắm trong bầu không khí hòa bình, nơi nơi đua nhau ký kết hiệp ước bất chiến, lực lượng võ trang mỗi ngày một được thu nhỏ lại. Trong xã hội, địa vị quân nhân ngày một xuống thấp, cho nên, những phần tử ưu tú không còn gia nhập quân đội nữa.
Ở Nhật Bản còn có từ gọi thời đại này là “Thời giải giáp Taisho”. Người mặc quân phục vào cửa hàng liền bị chế diễu. Thậm chí, người ta còn nói “quân nhân thì không có ai chịu đến làm dâu cả”. Thời kỳ MacArthur hoạt động với tư cách là Trung Tướng, tham mưu trưởng, lại trùng với thời kỳ giải giáp dài hơn thời giải giáp ở Nhật Bàn này, là điểm đáng chú ý.
Cha là quân nhân, bản thân mình cũng là quân nhân ưu tú đậu thủ khoa Trường Sĩ quan lục quân Westpoint, Douglas MacArthur hẳn đã phải sống những ngày sầu muộn vì chí chẳng đạt.
Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản
Cùng với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc, phong trào đòi độc lập ở Philippines cũng dâng cao. Năm 1935, Douglas MacArthur trở thành quân nhân dự bị và được cử làm cố vấn quân sự xây dựng quân đội quốc gia Philippines. Cha đã làm tổng tư lệnh bộ đội Mỹ đồn trú ở đó, nay lại đến lượt MacArthur theo sự cam kết của tổng thống Roosevelt là sẽ trao trả độc lập cho Philippines, nên MacArthur đã được cử tới làm cố vấn quân sự, để xây dựng quân đội mới cho nước sắp độc lập này. Nhưng lần này, khác với MacArthur cha, MacArthur con hẳn không lấy làm phấn khởi bằng.
Với tư cách cố vấn sáng lập quân đội Philippines, Douglas MacArthur đã tham gia vào sự soạn thảo hiến pháp Philippines và đã chuẩn bị nhiều phương án cùng một lúc. Việc soạn thảo hiến pháp này của ông đã có sự liên hệ tới bàn thảo hiến pháp Nhật Bản. Nghĩa là, cái lý tưởng mà MacArthur ôm ấp đã có một sự liên tục nhất quán.
Sau khi hoàn thành xong vai trò cố vấn quân sự ở Philippines, ông đã giải ngũ. Nhưng tháng 7 năm 1941 (niên hiệu Showa thứ 16), trước tình trạng Nhật Bản và Mỹ sắp giao chiến, ông đã trở lại quân ngũ và nhậm chức tư lệnh lục quân Mỹ tại Viễn đông, đóng tại Philippines. Là quân nhân Mỹ, MacArthur quả đã có duyên với vùng Viễn đông. Thế rồi, năm tháng sau thì trận Chiến tranh Thái bình dương nổ ra. Năm tháng sau nữa, trước sức tấn công mãnh liệt của quân đội Nhật, ông đã rút lui qua đảo Mindanao, sang tới Australia. Lúc đó, ông đã phát ra lời nói đầu tiên “I shall return (Tôi quyết sẽ trở lại)” nay đã trở thành danh ngôn. Lời này hình như ông đã nói ra khi đặt chân tới Australia chứ không phải khi rời khỏi Philippines.
Khi tình huống chiến tranh trở bề có lợi cho Mỹ, MacArthur bèn mở cuộc phản công mãnh liệt. Lúc đó Mỹ có hai phương án phản công.
Một do đại tướng hải quân (đề đốc) Chester William Nimitz (sau thăng Nguyên soái) vạch ra, gồm tiến quân từ nhóm đảo Mariana lên chiếm đảo Iojima để tới Nhật Bản. Phương án này gọi là “cuộc tiến công kiểu những tảng đá dẫm chân”. Nghĩa là không đánh trên bộ nhiều, mà chỉ chiếm đoạt các hòn đảo để lập căn cứ không quân, rồi từ đó triển khai hàng không mẫu hạm ra phong tỏa từ ngoài biển, làm tiêu hao chiến lực của Nhật Bản đi.
Phương án thứ hai do đại tướng lục quân Douglas MacArthur vạch ra. Ông này nôn nóng chiếm lại Philippines, trù liệu tiến công từ Australia lên phía bắc, trước hết chiếm Tân Guinea, rồi từ Nam Thái bình dương đánh sang đảo Leyte, từ đó đoạt lại toàn lãnh thổ Philippines, rồi đánh qua Ðài Loan, Okinawa và từ đó đánh vào nội địa Nhật Bản. Nghĩa là ông chủ trương chiếm đoạt một vùng đất rộng lớn.
Nếu chỉ xét về mục đích của vấn đề là đánh thắng Nhật Bản, thì phương án của đề đốc Nimitz tỏ ra rất có hiệu quả, vì chi phí thấp mà vẫn thắng được. Nhưng, xét về chính trị, thì phương án của đại tướng MacArthur theo đó lần lần giải phóng từ Tân Guinea, tới Philippines, Ðài Loan, có hiệu quả lớn làm sáng tỏ chính nghĩa của trận chiến. Cứ xem cách đánh trận, ta đủ thấy cái ý đồ chính trị sâu xa của MacArthur.
Quân đội Mỹ rút cục đã áp dụng cả hai phương án, một mặt điều động hải quân phong tỏa Nhật Bản, một mặt điều lục quân đánh chiếm Philippines và Okinawa. Trong khi tiến hành chiến dịch này thì năm 1944, đại tướng MacArthur được thăng lên nguyên soái (tướng 5 sao).
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng. Tức khắc, Nguyên soái MacArthur được phong Tổng tư lệnh quân đội của Liên hợp quốc chiếm đóng Nhật Bản. Ông bay ngay tới Nhật Bản. Máy bay quân đội chiếm đóng hạ cánh xuống căn cứ không quân Atsugi lần đó là ngày 30 tháng 8. Lập tức, đại bản doanh được đặt ở Sở quan thuế Yokohama (sau này chuyển tới tòa nhà Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi, ở bên bờ hào Hoàng cung Tokyo). Sự chiếm đóng Nhật Bản thực chất bắt đầu từ ngày đó. Ngày 2 tháng 9, lễ ký kết Văn kiện Ðầu hàng đã diễn ra trên chiến hạm Missouri, để hợp thức hóa việc chiếm đóng này.
MacArthur để lại ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản, dĩ nhiên là vì ông đã đánh bại Nhật Bản, nhưng hơn thế nữa, chính vì chính sách ông đã thực thi trong sáu năm chiếm đóng Nhật Bản.
Năm 1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. MacArthur liền nhậm chức tổng tư lệnh quân đội Liên hợp quốc với quân đội Mỹ làm nòng cốt. Lúc ấy, ngoài cương vị tổng tư lệnh quân đội, MacArthur còn đối phó với mỗi sự việc bằng chủ trương chính trị của mình nữa. Ðiều này đã để lại ảnh hưởng trọng đại đối với tương lai của Nhật Bản.
Trong chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu, miền Nam tức là Hàn Quốc đại bại. Sư đoàn 24 Mỹ đóng tại Nhật Bản liền tới cứu viện. Nhưng gặp phải sức mạnh của đoàn chiến xa hạng nặng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Sư đoàn 24 hầu như bị tiêu diệt. Trung tướng sư đoàn trưởng Dean bị bắt làm tù binh. Liên quân Mỹ - Hàn bị dồn tới đường cùng ở “Ðầu cầu Pusan (Phẫu Sơn)”, tưởng như sắp bị quét xuống biển.
Nhưng, được tăng viện bởi Lộ quân 1, MacArthur liền triển khai một chiến dịch hào nhoáng. Ông cho đổ bộ lên Inchong (Nhân Xuyên) rồi cùng với lộ quân thứ 8 ở Ðầu cầu Pusan, đánh gọng kìm phá được đối phương. Cách đánh này chứng tỏ đường lối diễn xuất nhằm hiệu quả chính trị của MacArthur.
Mùa Thu năm 1950, khi liên quân Mỹ - Hàn dưới quyền chỉ huy của MacArthur đánh lần tới biên giới Trung Quốc ở phía bắc, thì một sự đảo ngược lại diễn ra. Tháng 11 năm đó, ông công bố quan điểm lạc quan rằng: “Cho đến lễ Giáng sinh, sẽ cho hai sư đoàn về nước”, chủ quan coi là “Ðến lễ Giáng sinh sẽ thắng”.
Nhưng, quân tình nguyện Trung Quốc đã ồ ạt kéo vào bán đảo Triều Tiên qua sông Áp Lục Giang, lúc đó mùa đông nên đóng băng cứng, đã phản kích mãnh liệt, khiến liên quân Mỹ Hàn bị thiệt hại nặng nề, phải bỏ chạy. Ðến nỗi Thượng tướng Walker chỉ huy Lộ quân thứ 8 bị tử trận, quân tướng và vũ khí khí tài của Mỹ bị mất gần hết.
Rơi vào cùng địa, MacArthur chủ trương oanh kích miền Bắc Trung Quốc, nhưng tổng thống Mỹ Truman lúc đó không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nên đã quyết định giải nhiệm Nguyên soái MacArthur.
Nguyên soái MacArthur bị giải nhiệm năm 1951, trở về tổ quốc. Lúc đó, tuổi đã ngoài 70, diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ, ông đã để lại danh ngôn “Old soldiers just fade away (Lính già chỉ còn nước biến đi thôi)”, rồi giải ngũ và từ quan. Có một thời gian, ông đã giữ chức Tổng giám đốc Công ty Remington. Cuối đời, ông ở khách sạn Vip Walt Astoria ở New York, vẫn duy trì lối sống hào hoa của mình. Năm 1964, ông mất ở tuổi 84.
Biến thành kiểu mẫu cho một “nước Mỹ lý tưởng”
Chính sách chiếm đóng Nhật Bản, do một quân nhân có cá tính mãnh liệt như kể trên triển khai, đã để lại cho Nhật Bản thời hậu chiến ảnh hưởng vô cùng lớn lao.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ðức cũng là nước chiến bại, nửa phía đông thì do Liên Xô kiểm soát, nửa phía tây do ba nước Mỹ, Anh và Pháp chiếm đóng. Nguyên soái Dwight Eisenhower (sau trở thành tổng thống Mỹ) đứng làm tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng. Chính sách chiếm đóng của ba nước Mỹ Anh Pháp là do văn quan Cao ủy McLloyd chỉ đạo. Nhật Bản thì thực chất do Mỹ đơn độc chiếm đóng, đồng thời Nguyên soái MacArthur, với tư cách tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng, đã thi thố mỗi quyền lãnh đạo, từ chính trị, kinh tế, tới cải chính hiến pháp, nghi lễ của hoàng gia, nhất thiết mỗi việc đều do một tay MacArthur quyết đoán cả.
Lúc đó, Nguyên soái MacArthur ôm ấp một giấc mơ lớn đối với Nhật Bản dưới sự thống trị của ông. Giấc mơ đó trước kia ông đã ôm ấp đối với Philippines và giờ đây là biến Nhật Bản thành một quốc gia dân chủ chủ nghĩa kiểu nước Mỹ. Ðiều này đã được thể hiện một cách rõ ràng trong “Thuyết Nhật Bản mười hai tuổi”, như sau:
“Hiện nay (nửa cuối thập niên 1940), Nhật Bản mới được 12 tuổi, mới có trình độ trung học đệ nhất cấp (cơ sở). Nhưng rồi đây, tốt nghiệp xong trung học đệ nhất cấp, tiến lên bậc trung học đệ nhị cấp (phổ thông), thành người trưởng thành ra làm việc xã hội. Cuối cùng, hẳn Nhật Bản cũng sẽ thành một nước người lớn bề thế như Mỹ. Quốc dân Nhật Bản phải biết nhắm tới mục tiêu ấy”.
Không riêng gì MacArthur, những người tri âm của Nhật Bản đời thứ nhất sau chiến tranh, như Tiến sĩ Edwin O. Reischauer (học giả Nhật Bản học, đại sứ tại Nhật 1961-66), cũng có cùng quan điểm:
“Mỹ và Nhật khác nhau ở nhiều điểm. Nhưng đó là vì Nhật Bản nghèo nàn về kinh tế, và lạc hậu về văn hóa. Rồi đây, Nhật Bản trở nên giầu có, văn hóa phát triển, trình độ dân chúng được nâng cao lên, thì ắt cũng thành một nước như Mỹ. Sự khác nhau giữa Mỹ và Nhật Bản chủ yếu là giai đoạn phát triển khác nhau. Trong thời chiến tranh, giới lãnh đạo Nhật Bản đã có những sai lầm, nhưng rồi đây, khi Nhật Bản trở thành một nước dân chủ, một nước công nghiệp giầu mạnh, thì cũng như nước Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ có nền văn hóa tự do coi trọng sự lựa chọn của cá nhân. Hơn thế nữa, Nhật Bản nên là như vậy”.
Tư tưởng trên đã được duy trì mãi về sau. Người ta tiếp tục nói “Nếu Nhật Bản trở thành một nước giầu có thì hẳn sẽ như Mỹ trở thành một nước dân chủ chủ nghĩa và tự do kinh tế”.
Tuy nhiên, MacArthur nói “Nhật Bản sẽ thành một nước như Mỹ”, thì “nước Mỹ” ở đây không phải là nước Mỹ hiện thực bây giờ, mà là nước Mỹ ông coi là lý tưởng, một “nước Mỹ phải nên như thế”.
Như đã kể, thời thiếu niên ông ở Philippines cùng với cha, từ năm 1935 lại đóng đồn ở Philippines, rồi trở thành tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng Nhật Bản, nên MacArthur đã ở hải ngoại nhiều hơn ở nước nhà. Vì vậy, ông đã mỹ hóa Tổ quốc hơn thực sự, đã có tư tưởng lý tưởng hóa Tổ quốc. Thế rồi ông tìm cách biến Nhật Bản thành “nước Mỹ lý tưởng đó”.
Vậy, “nước Mỹ lý tưởng của ông”, mục tiêu Nhật Bản nên tiến tới, là như thế nào?
Hãy là Thụy Sĩ của Viễn đông
Trước hết, về ngoại giao hãy rập theo Mỹ không nên thắc mắc gì cả. Với tư cách tổng tư lệnh quân đội chiếm đóng, điều này là đương nhiên. Nhất là năm 1949, sau khi chính quyền Tưởng Giới Thạch bị đuổi khỏi đại lục Trung Quốc, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, khiến cho khuôn khổ chiến tranh lạnh được xác lập ở vùng Viễn đông này, thì ý đồ biến Nhật Bản thành đồng minh có thể lợi dụng được trong phe Mỹ, lại càng trở nên mạnh.
Trong khuôn khổ chiến tranh lạnh, không phải ông chỉ nghĩ biến Nhật Bản thành nước đồng minh như một đàn em phục tùng Mỹ. Hơn thế nữa, MacArthur tin rằng, nếu Nhật Bản muốn được hạnh phúc, thì Nhật Bản phải nằm trong khối Mỹ, phải hợp tác và tuân theo Mỹ. Ðây không những là nhiệm vụ đương nhiên của một quân nhân Mỹ, một quan cai trị do Mỹ gửi tới Nhật Bản, mà đồng thời còn là niềm tin cá nhân của MacArthur, người đã lý tưởng hóa nước Mỹ.
Sau đó, về hình thức chính trị, ông đã cho xây dựng chủ nghĩa dân chủ nghị viện ở Nhật Bản, dựa trên hình thức dân chủ do đầu phiếu của Mỹ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, ông đã không áp đặt chế độ tổng thống, mà đã nhìn nhận chế độ thiên hoàng tượng trưng có một thủ tướng được nghị viện bầu ra, nghĩa là, thiên hoàng chỉ là tượng trưng, không được tham gia vào chính trị. Chính trị là việc của các nghị viên được bầu ra, của thủ tướng do các nghị viên bầu ra. Ở điểm này, ông đã không áp dụng chế độ tổng thống được trực tiếp bầu ra, mà lại chọn chế độ nội các nghị viện kiểu Anh quốc. Có thể ông đã lo ngại nếu tổ chức bầu cử tổng thống trên toàn quốc, thì khả năng sẽ có một nhân vật chống Mỹ đắc cử.
Ðồng thời, ông coi trọng quyền tự trị địa phương kiểu Mỹ và hi vọng quyền này bén rễ vững chắc. Nhưng, quan niệm về quyền tự trị của Nhật Bản và Mỹ khác nhau nhiều lắm. MacArthur hình như đã không hiểu rõ điều này.
“Con người ta ai cũng muốn tự mình cai trị xóm làng mình. Do đó, nếu phế bỏ Bộ Nội vụ, cơ quan trung ương thống chế các địa phương, rồi trực tiếp bầu cử tỉnh trưởng, thì chính quyền địa phương sẽ mạnh lên, sẽ có khả năng kiềm chế chính phủ trung ương”.
MacArthur hẳn đã nghĩ như vậy. Nghĩa là, nếu hạn chế tố đa ảnh hưởng của nhà nước trung ương thì quyền tự trị địa phương sẽ phát triển, dân chúng hẳn mong muốn như vậy. Ông đoán rằng quyền tự trị địa phương như thế kết hợp với nghị viện có quyền lực lớn mạnh, hẳn sẽ biến Nhật Bản thành một nước dân chủ.
Về kinh tế thì sao? Ở đây, MacArthur cũng đem mô hình kinh tế tự do cạnh tranh kiểu Mỹ vào và nghĩ rằng những xí nghiệp nhỏ và vừa không có khả năng gắn liền với sức mạnh quân sự, và nền nông nghiệp tự canh tác quy mô nhỏ, là tốt. Ông không hề nghĩ tới sức cạnh tranh quốc tế của những ngành nghề chế tạo Nhật Bản lại có thể lên tới mức 1 đôla xấp xỉ 100 Yen.
Sự lầm lẫn này không phải riêng gì MacArthur. Mỗi người Nhật cũng như mỗi người Mỹ đều nghĩ sai như vậy. Nếu MacArthur có sai, thì đó là điểm ông cho rằng người Nhật sẽ hài lòng dù cho mức độ kinh tế không được cao lắm, nhưng nếu được sống trong hòa bình. Vì vậy, ông nghĩ rằng Nhật Bản cần phải giải quyết ba vấn đề: giải tán các nhóm tài phiệt để cho xí nghiệp vừa và nhỏ dễ phát triển, cải cách ruộng đất và tổ chức công đoàn.
Nguyên soái MacArthur nghĩ rằng trước hết phải triệt để cho cạnh tranh tự do, phải giải tán những nhóm tài phiệt. Rồi để cho các nhóm tài phiệt không thành hình được nữa, phải có luật cấm độc quyền như Mỹ. Như vậy các xí nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội phát triển. Ðồng thời, phải giải phóng đất nông nghiệp, làm cho những người thuộc tầng lớp tiểu nông có ruộng đất canh tác trong tay. Nông dân có ruộng đất sẽ bảo thủ hóa và sự tập trung vào đô thị sẽ không còn nữa. Nếu cả nước là nông thôn với những gia đình tiểu nông, rồi rải rác có những xí nghiệp nhỏ và vừa xen lẫn vào, thì những xí nghiệp quân sự sẽ không có cơ hội phát triển, và Nhật Bản sẽ trở thành một nước hòa bình đẹp đẽ và không thể gây hại cho thế giới được nữa. Ðây chính là lý tưởng của MacArthur về hình ảnh một “Nhật Bản hãy là Thụy Sĩ của Viễn đông”.
Lý do là, một nước có địa hình phần lớn là núi đá với dân số vài triệu người như Thụy Sĩ thì không sao gây dựng được đại xí nghiệp. Nhưng, mức sinh hoạt quốc dân lại rất cao. Nếu là một nước như vậy thì cũng tốt lắm chứ. Mỹ hóa Thụy Sĩ, và tuy bỏ qua điều kiện địa lý vốn có của Thụy Sĩ hay chủ trương phát triển kinh tế đất nước bằng du lịch của Thụy Sĩ, song cái ý muốn cho Nhật Bản trở thành một nước hòa bình gồm có những tiểu nông và những xí nghiệp vừa và nhỏ, là ý tốt.
Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn
Về cải cách ý thức xã hội, MacArthur coi Nhật Bản là xã hội phong kiến cổ hủ, nên phải quảng bá sự “bình đẳng”. Sự bình đẳng nam nữ, xúc tiến tổ chức công đoàn, giải phóng đất nông nghiệp, v.v., đều là hướng tới mục đích đó. Cho tới cuộc chiến tranh Triều Tiên, thì thật sự ông đã ủng hộ phong trào lao động cánh tả. Việc này một phần cũng chịu ảnh hưởng của phái chủ trương chính sách “New Deal” [4] dưới thời Tổng thống Roosevelt.
Ông cũng nghĩ rằng muốn thực hiện bình đẳng thì phải phế bỏ chế độ đại gia tộc truyền thống của Nhật Bản. Nguyên soái MacArthur cùng nhóm cộng sự của ông cho rằng chế độ đại gia tộc của Nhật Bản chính là chế độ giai cấp gò bó dưới quyền gia trưởng, dòng trưởng, và chính thể chế thiên hoàng đã làm cho chế độ đại gia tộc đó bành trướng ra khắp nước Nhật thời tiền chiến.
Vì vậy, không những ông chủ trương phải bỏ chế độ đó, ông còn coi trọng sự bình đẳng nam nữ, đồng thời áp dụng chính sách bài xích “trật tự già trẻ”.
Thứ hai, ông dạy cái lẽ phải của sự “an toàn”. Trước nhất, an toàn tức là “hòa bình”. Không có gì nguy hiểm hơn là chiến tranh. Vì thế, ông đã tôn dương sự chối bỏ chiến tranh, coi mỗi hình thức chiến tranh đều là xấu hết. Thêm vào đó, ông triệt để phủ nhận bạo lực và vũ lực, thậm chí nghiêm cấm không cho thày giáo hay cha mẹ dùng “roi vọt yêu”.
Thứ hai, an toàn là “sức khỏe”. Trong nền hành chính và giáo dục thời hậu chiến, sức khỏe được chú trọng đặc biệt, sâu bọ và ký sinh trùng được nỗ lực khu trừ triệt để. Thời nay, người ta mới coi phương pháp canh nông bằng phân hữu cơ là tốt, chứ thời kỳ ngay sau chiến tranh, tới 70 phần trăm người Nhật có ký sinh trùng, cho nên thời đó phân hữu cơ bị coi là không có gì xấu bằng, lại dơ bẩn nữa. Người ta quan niệm nông nghiệp hiện đại phải dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Nghĩa là toàn nước Nhật đã được truyền bá ý thức vệ sinh như vậy. Ðây là cái ý nghĩ của quân đội Mỹ thời đó đối với tình hình vệ sinh của Nhật Bản. Thậm chí, người ta đã loan tin rằng rau Nhật Bản dơ bẩn, chớ có ăn.
Ngày nay, nhìn vào người Mỹ thường, người ta khó có cảm tưởng là họ quá bận tâm đến vệ sinh như vậy, nhưng quân nhân Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã đòi hỏi sự sạch sẽ hơn cả thực tế. Cũng có lẽ sự nhấn mạnh vào vấn đề vệ sinh, là họ muốn nói rằng Nhật Bản dơ bẩn nên phải coi chừng, đồng thời muốn phô trương rằng người Mỹ sạch sẽ như vầy kia.
Thứ ba, an toàn là “phòng chống sự cố, tai nạn”. Sự nhấn mạnh vào vấn đề an toàn để phòng chống tai nạn lao động, cũng đã có ảnh hưởng tới luật về tiêu chuẩn kiến trúc, luật phòng cháy chữa cháy, đồng thời đã đóng góp vào sự hình thành xã hội quy chế và tình trạng giá cả cao của Nhật Bản ngày nay.
Sự du nhập tư tưởng luân lý coi trọng an toàn của MacArthur đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội Nhật Bản, khiến Nhật Bản không những đã chối bỏ chiến tranh, mà còn phủ nhận mọi hình thức bạo lực khác.
Về văn hóa thì tuyên truyền văn hóa Mỹ là tối cao không phải đắn đo một hai gì cả. Hơn nữa, tượng trưng cho văn hóa Mỹ được tuyên truyền là “3 S”, tức là screen (điện ảnh), sports (thể thao) và sex (tính dục).
MacArthur còn lợi dụng giáo dục học đường để phổ cập văn hóa Mỹ. Trong chế độ 6-3, [5] ông đã cho vào đó hoạt động gọi là phòng Homeroom [6] và hội phụ huynh - thày cô (PTA: Parent Teacher Association).
Tuy nhiên, về giáo dục, hẳn đã có nhiều điều không được như MacArthur muốn. Ðây là vì ông đã duy trì chế độ giáo dục sơ đẳng (tiểu học) công lập và chế độ phân chia học sinh theo khu vực như các “trường quốc dân” cũ, trong đó đặt nặng vấn đề giáo dục đại trà và hủy diệt cá tính cá nhân.
Xem ra các cộng sự viên của MacArthur đã bỏ sót không thấy tinh thần hiếu học của người Nhật ngay từ thời mạc phủ Tokugawa. Chính MacArthur đã nhìn nhận và kinh ngạc: “Trẻ em trai gái Nhật đánh giầy cũng đọc báo”.
Cuối cùng, MacArthur đã cố tình phủ nhận chủ nghĩa tinh thần Nhật Bản, để cho Nhật Bản không trở lại chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa đế quốc nữa. Việc này, về một khía cạnh, là một “dòng chảy của sự hiện đại hóa”.
Chủ nghĩa hiện đại là coi trọng tính khách quan và văn minh vật chất. Ở Tây Âu, chủ nghĩa tinh thần thời Trung cổ đưa tới sự tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của tôn giáo. MacArthur đã nhân danh “hiện đại hóa” phủ nhận chủ nghĩa duy tâm, và tìm cách gieo trồng chủ nghĩa duy vật vào Nhật Bản. Ðể làm cho Nhật Bản cảm phục sự phong phú vật chất của Mỹ rồi tin tưởng vào Mỹ, Mỹ đã trọng dụng các học giả kinh tế học, các quan chức ngành kinh tế, để tuyên truyền quan niệm giá trị của chủ nghĩa năng suất: “Hãy học hỏi nước Mỹ giầu sang”. Nói cách khác, sau chiến tranh, năng suất đã trở thành một “chính nghĩa” như bình đẳng và an toàn vậy.
Mặt khác, MacArthur đã triệt để phủ nhận truyện thần thoại Thiên tôn Giáng lâm và “Tinh thần Nhật Bản”. Quân đội Mỹ đã cố tình tuyên truyền rằng Nhật Bản đã thua Mỹ vì kém về mặt vật chất. Lý luận này dễ cho người Nhật chấp nhận, vì họ đã chiến đấu dũng cảm mà vẫn thua, nên có thể chịu thuyết phục như vậy.
Tóm lại, MacArthur một bên trưng bầy nền văn hóa Mỹ lý tưởng hóa, bên kia để nguyên nền văn hóa cổ của Nhật, rồi tìm mỗi cách biến Nhật Bản thời hậu chiến thành một nước sùng bái Mỹ.
Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương trở nên trống rộng
Ý đồ như kể trên của MacArthur đã trở thành hiện thực như thế nào?
Kết quả có nhiều mặt: Chỗ thì đúng như ý muốn, chỗ thì không như ý muốn, có chỗ sau khi tiêm nhiễm tư tưởng MacArthur đã diễn ra phản ứng hóa học biến thành khác hẳn, v.v..
Trước nhất, về ngoại giao, ý đồ MacArthur đã hoàn toàn thành công. Từ sau MacArthur, và không kể từ sau năm 1991 trở đi, ngoại giao Nhật Bản chủ yếu là theo đuôi ngoại giao Mỹ. Chỉ có một lần duy nhất, nó hơi bị lung lay, là trong phong trào phản đối Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960 [7]. Ðối với Nhật Bản, sự phụ thuộc phe Tây phương đã mang lại lợi ích to lớn. Nhờ theo đuôi ngoại giao Mỹ đúng như MacArthur đã định, Nhật Bản đã được bảo đảm an ninh một cách ít tốn kém, có nguồn nhập cảng nguyên liệu và thị trường xuất cảng ổn định, như thế thực hiện được sự phát triển cao độ về kinh tế.
Trong thể chế chính trị, thì ý đồ của MacArthur về chủ nghĩa dân chủ kiểu đầu phiếu và nền tự trị địa phương, đã bị “trống rộng hóa” mau chóng, rồi biến thành kiểu tập quyền vào quan liêu ở trung ương.
Tự trị địa phương là do sự khuếch đại của tinh thần tự trợ cá nhân mà thành. Con người ta ai nấy đều tự mình giúp mình đi tìm hạnh phúc cho mình. Tinh thần tự trợ như vậy của cá nhân, nếu khuếch đại ra, chính là sự tự trị địa phương của Mỹ vậy.
Tự sức mình đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình, chính là cách sống nguyên lai của con người ta. Do đó, tự mình đóng cửa cài then, tự mình xua đuổi trộm cướp, là tốt nhất. Nhưng, một mình đơn độc thì không chống lại trộm cướp được, nên phải thành lập đoàn dân phòng. Dân phòng không thôi không đủ hiệu quả, thì bỏ tiền thuê “quan bảo an” [8]. Như thấy trong những phim kịch cao bồi, sự khuếch đại của tinh thần tự trợ là quyền tự trị địa phương, rồi nhiều địa phương như vậy kết tụ lại thành bang, nhiều bang hợp nhất lại thành quốc gia. Ðó chính là Hợp chủng quốc Hoa kỳ. MacArthur trông đợi Nhật Bản cũng phát triển theo mô hình này.
Thế nhưng, tư tưởng tự trị vốn không nẩy sinh ra từ cư dân địa phương Nhật Bản. Hơn thế, trước đó nữa, tinh thần tự trợ cũng không có ở Nhật Bản. Truyền thống nông thôn trồng lúa của Nhật Bản vốn là chủ nghĩa tập thể. Vì thế, khi chính quyền địa phương hình thành theo chỉ thị của MacArthur, chúng liền biến thành cơ quan được chính phủ trung ương chia xẻ quyền hạn cho, nhận trợ cấp để đại lý quyền hành chính của nhà nước trung ương.
Trong cuộc tranh luận về sự phân quyền địa phương ngày nay, người ta cũng chỉ nhiệt tâm thảo luận vấn đề chính quyền địa phương sẽ được chia xẻ những quyền hạn gì và nguồn tài nguyên nào của nhà nước trung ương. Thậm chí, có câu nói “ba mươi phần trăm tự trị”. Thật ra, đừng nói gì tới ba mươi phần trăm, chính quyền địa phương thực ra chỉ muốn làm cơ quan thầu khoán cho khỏe khoắn. Nhật Bản xưa nay là nước mà mạc tướng ra lệnh cho các phiên tướng di chuyển từ đất này sang đất khác. Ở trong một nước có truyền thống tập quyền trung ương như thế, lý tưởng của MacArthur đã không nẩy nở được.
Tiếp đến, chủ nghĩa dân chủ kiểu đầu phiếu cũng không được như lý tưởng. Nghị viện (Quốc hội) đã không trưởng thành được về mặt quyền hạn, mà thực chất đã chỉ biến thành cơ quan môi giới nguyện vọng điều trần tới cửa quan.
Ở Mỹ, mỗi khi tổng thống hay quan chức trung ương làm điều bất chính, thì lập tức Nghị viện mở cuộc điều trần để điều tra. Làm chính trị là việc của Phủ lập pháp (Nghị viện), còn Phủ hành pháp (Chính phủ trung ương) chỉ thi hành cho đúng chính sách đó thôi. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì tình trạng là ngược lại.
Trong Hiến pháp Nhật Bản, MacArthur chấp nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng khác hẳn với ở Mỹ, ông cũng đồng thời nhìn nhận quyền đề xuất luật pháp của chính phủ. Vấn đề then chốt là ngân sách, thì chỉ có chính phủ mới có quyền đề xuất. Kỳ lạ thay, Hiến pháp Nhật Bản quy định “ngân sách là do chính phủ đề xuất”. Thậm chí không thấy viết “dự thảo ngân sách” mà viết thẳng thừng là “ngân sách”. Sự kiện quan chức chiếm ưu thế đã có từ thời Okubo Toshimichi (Chương VIII). Thế mà, nay lại để lại một chế độ chéo cẳng ngỗng như vậy, cho nên, sự tập trung quyền lực vào tập thể quan chức trung ương, là chuyện tất nhiên. Ở điểm này, sự kỳ vọng và dự đoán của MacArthur cũng đã bị phản bội.
“Thể chế năm 55” đánh đổ chính sách giải thể tài phiệt và giải phóng đất nông nghiệp
Trên phương diện kinh tế, ý đồ của MacArthur về một xã hội cạnh tranh tự do giữa các trung tiểu xí nghiệp và tiểu nông tự canh tác cũng mau chóng trật đích. Thật ra, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, ý đồ của Mỹ (MacArthur) đã đổi thành ý muốn Nhật Bản làm tiền đồn.
Sau khi thu hồi được độc lập, Nhật Bản dần dần trở lại thể chất “quan liêu chỉ đạo” và “quan dân đề huề” như Okubo Toshimichi (Chương VIII) và Shibusawa Ei-ichi (Chương IX) đã quan niệm. Trong kinh tế và giáo dục, “Thể chế Showa năm thứ 16 (1941)” đã sống lại.
Một điều “không may” cho MacArthur là tình trạng thiếu thốn vật chất của Nhật Bản trong thời kỳ bị chiếm đóng. Thời đó, mỗi thứ đều thiếu thốn. Từ thực phẩm, quần áo, tới giấy in báo nếu không được phân phát thì không in báo được. Do đó chế độ “bao cấp” đã không thể tránh được. Và vì vậy, MacArthur đã không thể hủy bỏ cơ cấu quan chức quan liêu thống suất được.
Quan chức quan liêu thống suất kiểu Nhật Bản là trước khi chỉ định xí nghiệp, họ để cho ngành nghề liên quan nói chuyện với nhau đã. Ở đây, hình thức hòa hợp (“phe phen”) kiểu Shibusawa Ei’ichi đã len vào. Ðiện lực là như vậy, may dệt cũng vậy, ngành nghề nào cũng vậy.
Vì thế, đoàn thể ngành nghề đã thành hình một cách kiên cố. Ðoàn thể ngành nghề như vậy “bám dính” vào bộ sở chủ quản, tìm cách cắt bỏ xí nghiệp nào không chịu tuân theo ý kiến của đa số. Từ đó phát sinh ra “thể chế hòa hợp trong đoàn thể ngành nghề dưới sự lãnh đạo của quan chức”. Xí nghiệp thực hiện sự hiện đại hóa hay đại quy mô hóa dưới sự lãnh đạo của quan chức. Quan chức một mặt hạn chế sự vào cuộc của xí nghiệp mới, mặt khác lấy tiền công quỹ đổ vào xí nghiệp cũ bằng mọi hình thức như đầu tư, cho vay, tài trợ, v.v..
Như trên, khác với ý đồ của MacArthur chỉ muốn Nhật Bản thành một quốc gia phân tán làm nhiều mảnh nhỏ cạnh tranh tự do với nhau, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế dưới sự lãnh đạo của quan chức. Trên thực tế, cái gọi là “thể chế năm 55” đã xác lập. Trong đó, đại xí nghiệp đã chỉ hình thành trong các ngành nghề chế tạo, chứ nông nghiệp và lưu thông hàng hóa thì vẫn ở trạng thái quy mô nhỏ. Do đó, ở mỗi địa phương đã hình thành đủ loại tập thể lớn nhỏ gom góp những thành phần nhỏ lại thành “đoàn tàu hộ tống”.
Từ đó, ngành nghề chế tạo, nhất là ngành nghề chế tạo đại trà theo quy cách, đã phát triển lớn mạnh. Ðến nỗi riêng các ngành nghề này thì số lượng xuất cảng ngày càng tăng. Họ đã có sức cạnh tranh quốc tế có thể chịu đựng được hối suất 1 đôla bằng 100 Yen. Thế nhưng, các ngành nghề duy trì quy mô sản xuất nhỏ như lưu thông hàng hóa, nông nghiệp, hay những ngành nghề được sự bảo hộ của nhà nước như xây dựng, vận tải, truyền thông, thì giá thành lên cao đến nỗi tỷ giá hối đoái lên tới từ 1 đôla bằng 200 Yen, có khi tới 400 Yen. Nghĩa là so với các nước Âu Mỹ và các nước châu Á khác, Nhật Bản đã trở thành một xã hội khác hẳn về chế độ giá cả.
Với ý nghĩa này, hầu như tất cả ý đồ của MacArthur về mặt kinh tế đều không thực hiện được điều gì cả. Cơ chế do MacArthur lập ra để biến Nhật Bản thành một nước có cạnh tranh tự do, như luật cấm độc quyền đã không hoạt động có hiệu quả. Giải thể nhóm tài phiệt cũng chỉ xong ở chỗ loại bỏ gia đình tài phiệt ra khỏi nhóm tài phiệt mà thôi.
Luật cấm độc quyền bị vô hiệu hóa ở chỗ quan liêu làm như không biết đến. Ủy ban giao dịch công chính mà có chủ tịch là cựu quan liêu Bộ Kho bạc thuyên chuyển xuống, sẽ không hoạt động hiệu quả nữa. Thậm chí, Bộ Thương nghiệp quốc tế và công nghiệp và Bộ Kho bạc đã công nhiên chỉ đạo vi phạm luật cấm độc quyền.
Việc giải phóng đất nông nghiệp và duy trì nền nông nghiệp quy mô nhỏ, cũng chỉ được một đời. Ðất thì khó vứt bỏ đi được. Vì thế, nông dân được cấp đất nhờ sự giải phóng đất nông nghiệp, vẫn tiếp tục canh tác quy mô nhỏ. Nghĩa là, Nhật Bản đã trở thành “Thụy Sĩ ở Viễn đông” với nhiều nông gia quy mô nhỏ. Ðây là mưu mô quỷ quái để cảnh giới không cho Nhật Bản tái vũ trang.
Thế nhưng, cùng với sự hoàn thành “thể chế năm 55”, mưu mô trên cũng bị thất bại.
Những nông dân quy mô nhỏ được cấp đất trước kia vẫn cố thủ đất đai và tiếp tục làm nghề nông, đúng như MacArthur nghĩ. Bộ Nông nghiệp cũng áp dụng chính sách ưu đãi tiểu nông. Nhưng, con cháu những nông dân này, sau khi tốt nghiệp trung học, đã đua nhau ra thành thị đi làm công nhân cho xí nghiệp. Thành ra, các tiểu nông trở thành già nua, đồng thời kiêm thêm nghề khác.
Hiện nay, những người làm nghề nông ở Nhật Bản tập trung ở lứa tuổi 60. Nghĩa là nông dân vào nghề trong vòng 20 năm từ sau chiến tranh, bây giờ vẫn làm nòng cốt cho nông nghiệp. Những người dưới tuổi họ vào nghề nông rất ít. Khôi hài thay, chính vì giới trẻ nông thôn ra tỉnh thành làm công nhân, mà những thói quen ít thông thoáng như chế độ sống lâu lên lão làng hay chế độ làm công suốt đời đã hình thành, có lợi cho sự khuếch đại kinh doanh của các đại xí nghiệp. “Thể chế năm 55” đã có lợi vô cùng cho xí nghiệp, vì nhờ đó họ đã có thể chỉ thuê lớp người trẻ tuổi thôi.
Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc
Xét về mặt xã hội, việc tạo ra giới tiểu nông đã có lợi cho ý đồ của MacArthur. Ðó là sự giải thể chế độ gia tộc. Nhờ cải cách ruộng đất, cha mẹ ở lại nông thôn, còn con cái sau khi tốt nghiệp trung học, liền bỏ ra thành thị làm công nhân. Sự kiện này chia rẽ nơi cư trú của cha mẹ và con cái, và làm “hạt nhân hóa” gia đình.
Chính sách cải cách ruộng đất của MacArthur nhằm mục đích phân tán lực lượng lao động về nông thôn làm cho Nhật Bản không thể trở thành nước công nghiệp lớn được. Từ cuộc chiến tranh Triều Tiên trở về trước, Mỹ đã áp dụng chính sách này.
Thế nhưng kết quả là chỉ có lớp người trung và cao niên ở lại nông thôn, còn lớp trẻ mới tốt nghiệp thì ra thành thị làm công nhân, ở ký túc xá của xí nghiệp, và vì không phải nuôi gia đình nên sẵn sàng làm công với đồng lương thấp. Nghĩa là một tình trạng ngược lại với ý đồ của MacArthur đã xảy ra.
Một mặt, MacArthur cho rằng chế độ cha anh làm cốt lõi gia tộc, chính là nguyên mẫu của quốc gia dân tộc chủ nghĩa lấy Thiên hoàng làm đầu. Vì thế, muốn phá bỏ chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chế độ Thiên hoàng, trước hết phải đập bỏ chủ nghĩa gia tộc theo chế độ cha anh làm trưởng tộc. Ðây chính là căn nguyên của xã hội phong kiến Nhật Bản, ở đó người ta có thể tấn công tự sát nếu được Thiên hoàng xuống chiếu ra lệnh. Nghĩa là, ông đã áp dụng thuyết về “chế độ chuyên chế châu Á” của những nhà xã hội học cũ như Wittfogel [9] vào trường hợp Nhật Bản. MacArthur cho rằng nếu phá bỏ được chế độ này, Nhật Bản sẽ trở thành một nước hòa bình dân chủ. Thực tế là sự đập bỏ chế độ gia tộc đã sinh ra rất nhiều “người xí nghiệp”, giúp thực hiện được sự sản xuất đại trà theo quy cách.
Nói tóm lại, sự cải cách Nhật Bản của MacArthur là thay đổi quan niệm luân lý và ý thức thẩm mỹ, sửa đổi chế độ gia tộc và cơ cấu địa phương, đảo lộn tất cả giai tầng xã hội đi. Nhưng, ông đã không đả phá được thể chế quan liêu chỉ đạo, mà ngược lại đã giúp cho Nhật Bản thực hiện được giấc mơ từ thời Minh Trị là hình thành một xã hội công nghiệp hiện đại với sản xuất đại trà theo quy cách. Sự phủ nhận chủ nghĩa tinh thần đã biến người Nhật thành “người xí nghiệp”, thành “súc vật kinh tế”.
Cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ
Ở Nhật Bản ngày nay, ảnh hưởng quan trọng nhất do MacArthur để lại, là cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ. Ba điều được coi như đúng tuyệt đối là “năng suất”, “bình đẳng” và “an toàn”. So với bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản coi ba điều này là “chính nghĩa” một cách triệt để hơn hết. Tuy nhiên, cái “bình đẳng” ở đây không phải là “bình đẳng về cơ hội” của cách mạng Pháp hay nói trong bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ.
Bình đẳng về cơ hội” là “bình đẳng trước pháp luật”. Ai cũng được dự kỳ thi tuyển sinh, ai cũng được ứng cử, ai muốn làm nghề gì cũng được.
Nhưng, dự kỳ thi tuyển sinh thì phải có người đậu, kẻ rớt. Cùng làm một nghề thì cũng có người thành công, kẻ thất bại. Cùng có quyền trở thành cầu thủ bóng chày, nhưng có người thành siêu sao, có kẻ không thành gì cả. “Bình đẳng về cơ hội” đã sinh ra “bất bình đẳng về kết quả”. Ðể làm nhẹ bớt “kết quả bất bình đẳng”, chế độ đánh thuế lũy tiến đã được áp dụng vào những “người thành công về kết quả” và những “người thất bại về kết quả” thì được săn sóc tận tình bằng chính sách phúc lợi xã hội. Nghĩa là sự khác sai về kết quả cần phải được tu chính.
Nhưng, chủ nghĩa dân chủ Nhật Bản thời hậu chiến lại coi ưu tiên sự “bình đẳng về kết quả” hơn là “bình đẳng về cơ hội”. Vì coi trọng sự “bình đẳng về kết quả”, nên người ta đã kiềm chế “bình đẳng về cơ hội”. Không phải dùng thuế lũy tiến hay phúc lợi xã hội để tu chính sự “bất bình đẳng về cơ hội”, mà người ta đã hạn chế “bình đẳng về cơ hội” để tạo ra “bình đẳng về kết quả” bằng chủ nghĩa quan chức quan liêu thống suất.
Hiến pháp Nhật Bản do MacArthur để lại, bảo đảm quyền “tự do nghề nghiệp”, nhưng lại hạn chế sự vào nghề của người mới. Ví dụ, mở hiệu thuốc thì tự do nhưng sự thật là bị hạn chế bởi chế độ đăng ký. Trường hợp cây xăng cũng tương tự.
Như nói ở chương trước, trong “bình đẳng về kết quả”, thì “bình đẳng chiều dọc” được coi trọng ở Nhật Bản hơn là “bình đẳng chiều ngang”.
Nhật Bản ngày nay là nước đã thực hiện được sự “bình đẳng chiều ngang” nhất thế giới. Người ta nói, muốn biết sự bình đẳng kinh tế đã đạt được hay chưa, thì không gì thích đáng bằng so sánh “thu nhập năm giai đoạn”. Ðó là sự cách xa giữa thu nhập của một phần năm số người có thu nhập cao nhất so với một phần năm số người có thu nhập thấp nhất. Con số này ở Nhật Bản là 2,9, ở Mỹ là 9,4, ở Âu châu ít nhất là Ðức cũng là 6,0 còn các nước khác đều hơn 10. Ở các nước đang phát triển, con số này còn lớn hơn nhiều.
Còn “bình đẳng chiều dọc” thì bây giờ chỉ còn là vấn đề luân lý cá biệt của Nhật Bản thôi. Trong cái “bình đẳng” do MacArthur cổ súy, cũng có phần nào cái khái niệm “bình đẳng chiều dọc” từ thời mạc phủ Tokugawa. Biểu hiện của điều này là chế độ sống lâu lên lão làng. Ví dụ, cùng tốt nghiệp đại học rồi cùng vào làm công ty, nếu hai mươi năm sau mỗi người đều lên tới hàng trưởng phòng, thì như vậy là có “bình đẳng chiều dọc”.
Nông gia trồng lúa từ hai mươi năm trước, thì sau này vẫn nên tiếp tục trồng lúa. Bởi vậy để duy trì tình trạng này, phải bảo hộ những nhà nông như vậy [10]. Người bán lẻ bây giờ cũng vậy, cũng nên tiếp tục bán lẻ hai mươi năm sau. Vì thế, đã có đạo luật hạn chế những nhà hàng bán lẻ quy mô lớn (siêu thị).
Nhưng, nếu nhấn mạnh vào sự “bình đẳng chiều dọc”, thì sức lao động trở thành cứng ngắc. Thế nhưng, nếu thế hệ đổi mới, mọi thứ đều đổi hết. Ví dụ, đời cha làm ruộng, nhưng người kế nghiệp làm ruộng không nhất thiết phải là con. Cha kinh doanh tiệm bán lẻ, nhưng con không kế nghiệp cha. Nghĩa là, những người cùng thế hệ còn làm việc với nhau thì cấu tạo công ăn việc làm không thay đổi lắm, nhưng khi thế hệ mới xuất hiện thì cấu tạo ấy thay đổi hẳn đi.
Tư tưởng “bình đẳng” mà MacArthur đem vào đã đẻ ra một thứ “bình đẳng không có tự do” khác hẳn với ý đồ của ông.
Về “an toàn”, thì Nhật Bản đã đi quá xa so với ý đồ của MacArthur. Ông cho rằng Nhật Bản đã đẻ ra “đội đặc công quyết tử” thì Nhật Bản hẳn là “dân tộc không sợ chết”, không nghĩ gì tới an toàn cả. Vì thế, MacArthur đã đặt nặng vấn đề an toàn, cổ súy chủ nghĩa bình đẳng, ý thức vệ sinh và xã hội không sự cố, không tai nạn.
Thế nhưng, Nhật Bản đã đưa những việc này lên tới mức cực đoan. Ngày nay, người Nhật quan niệm rằng, chiến tranh là xấu tuyệt đối bất kể lý do là gì, hòa bình là tốt tuyệt đối. Vì thế, dù chỉ là gửi quân tham gia hoạt động hậu phương trong chiến tranh vùng Vịnh, hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng lập tức có đông người phản đối như một phản xạ tự nhiên.
Ý thức vệ sinh cũng trở nên cực đoan. Chẳng hạn, học trò tiểu học chơi ở bãi cát sợ bẩn tay nên đeo bao tay, quần áo hàng hiệu sợ vấy bẩn nên không chơi ở sân trường, v.v..
Thế rồi, để cho sự cố khỏi xảy ra, quan liêu đã tăng cường tiêu chuẩn quy cách, khắt khe hóa quy chế. Do đó, khi quan chức (chuyên viên) nói “không chừng có thể có sự cố” thì quy chế khắt khe nào cũng thông qua được. Những sự việc như vậy đã làm tăng quyền hạn của quan chức quan liêu trong thập niên 1980, và để công tác quản lý dễ dàng, quy chế và hạn chế độ được tăng cường vô tội vạ. Như đã viết, những vụ việc, như vụ động đất lớn Hanshin-Awaji, vụ ngộ độc vi khuẩn O157, vụ khủng hoảng hệ thống lưu thông tiền tệ, v.v., đã cho thấy rõ quy chế tuy khắt khe mà thực chất tính an toàn lại đạt được rất thấp.
Phủ nhận tinh thần sinh ra sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng
Một điều nữa là, do sự cổ súy ý thức về giá trị của nền văn minh vật chất, đồng thời phủ nhận những giá trị tinh thần như thần thoại Nhật Bản hoặc “hồn Yamato”, đã đưa Nhật Bản tới sự sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng một cách kỳ lạ. Chẳng hạn, thứ bậc công ty được xếp đặt theo quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ, công ty vừa và nhỏ mặc dầu có truyền thống và kỹ thuật tiên tiến đến đâu cũng không được kính trọng. Xưa kia, chủ nhân những công ty vừa và nhỏ cũng được giới kinh tài kính trọng. Nhưng nay, những nhà kinh doanh với doanh thu khoảng 100 tỷ Yen (khoảng non 1 tỷ đôla không còn lọt vào ghế Hội trưởng Phòng thương công Tokyo hoặc Osaka, hoặc Keidanren nữa.
Ở ngoại quốc, như ở Ðức, người ta thấy Hội trưởng liên hiệp công nghiệp Ðức (tương đương với Keidanren Nhật Bản) là những người như chủ công ty gọng kính Rosenstock hay giám đốc công ty dao kéo Henkel. Công ty nào cũng chỉ có số doanh thu khoảng từ 1 đến 2 tỷ đôla nghĩa là, người ta coi trọng truyền thống và kỹ thuật được người đời biết đến, cũng như nhân cách của nhà kinh doanh, hơn là quy mô kinh doanh của công ty.
Nhưng ở Nhật Bản, thì tất cả đều là số lượng. Thậm chí, tranh vẽ cũng tính giá bằng kích cỡ, bằng cân nặng. Số lượng đã thấm sâu vào xã hội, khiến nẩy sinh ra tư tưởng coi trọng kinh tế, sùng bái tiền bạc.
Xem như vậy đủ thấy sự phủ nhận tinh thần đã đi quá trớn. Có lẽ MacArthur không biết rằng Nhật Bản là nước không có tôn giáo theo đúng nghĩa của tôn giáo.
Như đã đề cập ở Chương I về Thái tử Shotoku, quan niệm tôn giáo của Nhật Bản là “hay đâu âu đấy”. Trong bối cảnh như vậy, sự phủ nhận truyện thần thoại, bác bỏ tính duy tâm đã khiến Nhật Bản có chủ nghĩa duy vật thật là quái dị.
Là quân nhân đồng thời là nhà chính trị
MacArthur là quân nhân, đồng thời lại là nhà chính trị. Là quân nhân, ông đã hoạt động trong ba lần chiến tranh: chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Ðối với một quân nhân Mỹ, như vậy ông đã ra trận khá nhiều lần. Không những thế, khi ở Philippines ông đã chuẩn bị bản hiến pháp để xây dựng một nhà nước mới. Ở Nhật Bản, ông đã lấn sâu rộng vào chính sách chiếm đóng. Như vậy, ông là nhân vật rất chú trọng tới vấn đề chính trị. Hơn hết tất cả, ông là người tự tôn tự đại, có ý thức êlít mãnh liệt.
Nhất là những cải cách của ông trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, phải coi là của một chính trị gia, hơn là của một quân nhân. Mà là một chính trị gia độc tài, chứ không phải kiểu chính trị gia được quần chúng nhân dân ủng hộ, hay kiểu chính trị gia đấu tranh phe phái.
Thông thường, một nhà chính trị phải vận động chiếm được sự ủng hộ của người khác, đoạt được phiếu trong tuyển cử hay trong nghị viện. Nhưng MacArthur thì có sức mạnh quân sự nước ngoài ở sau lưng. Vì thế, ông bất chấp các chính trị gia khác, không cần thỏa hiệp với quan chức, mà chỉ cần ra lệnh là được. Nói cách khác, ông chỉ cần làm chính trị kiểu đế vương.
Năm 1952, MacArthur đã định ra tranh cử tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa, nhưng không được. Lúc đó, người được chọn làm ứng viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa rồi đắc cử tổng thống, là Nguyên soái Eisenhower, tổng chỉ huy mặt trận Âu châu, thuộc lớp đàn em của ông trong hàng ngũ quân nhân lục quân. Xem như vậy đủ thấy MacArthur không phải là nhà chính trị quyền mưu thuật số, không phải là một người khôn khéo trong vấn đề vận động nghị viện.
Thế nhưng, trong khi làm chính trị ở Nhật Bản, ông đã tỏ ra thích phô trương và khéo léo. Ðồng thời, để cho người Nhật hiểu ông là một người Mỹ hào hoa, ông đã diễn xuất rất tinh vi.
Chẳng hạn, nếu xem bức hình chụp cuộc hội kiến giữa ông và Thiên hoàng Nhật Bản, người ta thấy Thiên hoàng mặc bộ lễ phục đuôi én, trong khi ông mặc áo sơmi trần. Muốn cho thấy Thiên hoàng chỉ là người thường chứ không phải thần thánh, thì đây quả là một hành vi có hiệu quả. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, ông có thể từ từ phản công đánh từ phía nam lên một cách ăn chắc, nhưng ông đã không làm như vậy. Ông đã dám cho đổ bộ lên Inchong, gần Seoul, một diễn xuất có tính chất kịch bản. Nói chung, ông rất khéo diễn xuất. Cũng may cho ông là ông đã thành công phần lớn nhờ vào “lượng vật chất” phong phú một cách áp đảo của Mỹ.
Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngoài đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm một giấc mơ muốn biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng.
Những ý đồ của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản ngày nay. “Thể chế năm 55”, một hình thức tu chính để triệt tiêu những ý đồ của MacArthur, nay đã băng hoại, nên bây giờ là lúc cần xét xem phần nào đáng nhân rộng ra, phần nào phải cắt bỏ đi.
Chú thích:
[1] Nguyên soái: Cấp bậc cao nhất trong quâ n đội, trên đại tướng (Ðại Tự Ðiển tiếng Việt, NXB VHTT, tr.1217); tương đương với Thống chế (?) (sách đã dẫn, tr.1588).
[2] Nguyên văn tiếng Nhật là Shosho. Trong Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, Shosho là “tướng 2 sao”, tương đương với Major General của Mỹ, và Trung tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì thế, ở đây dịch là Trung tướng.
[3] Nhật Bản ngày nay chỉ có Ðội Tự vệ (nguyên văn tiếng Nhật là Jieitai). Hiến pháp Nhật Bản (điều 9) đã chối bỏ chiến tranh, cho nên Nhật Bản không thể có Quân đội được. Vì thế, luật pháp Nhật Bản chỉ quy định một tổ chức quân sự đặt tên là Ðội Tự vệ, với chức năng thuần túy tự vệ.
[4] New Deal là đường lối cải cách cấp tiến của tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, chủ yếu nhắm vào bảo hiểm xã hội và phục hồi kinh tế (1933-1939).
[5] Học chế của Nhật Bản cho tới trước thềm đại học, là chế độ 6-3-3, nghĩa là 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cấp 1 (cơ sở) và 3 năm cấp 2 (phổ thông). Giáo dục bắt buộc (nghĩa vụ) là 9 năm đầu.
[6] Homeroom là phòng học dành riêng cho một nhóm học sinh nhất định hàng ngày tới lui sinh hoạt với một thầy cô nhất định (thầy cô phụ trách) để được chỉ bảo, hướng dẫn những điều cần thiết trước khi phân tán vào các lớp học khác nhau.
[7] Cuộc đấu tranh chống lại Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960, là phong trào quần chúng qui mô lớn nhất lịch sử cận đại của Nhật Bản. Nó đã lan rộng ra toàn quốc Nhật Bản, và trong những tháng 5, 6 năm 1960, mỗi ngày đều có hàng chục ngàn người biểu tình bao quanh trụ sở Quốc hội Nhật Bản. Thậm chí, tổng thống Mỹ đương thời là Eisenhower, đã phải hủy bỏ cuộc viếng thăm chính thức tới Nhật Bản dịp đó.
[8] “Quan bảo an” là dịch từ ngữ Sheriff của tiếng Mỹ. Ngày nay, Sheriff là quan chức có quyền cảnh sát của một quận, do dân bầu ra, phục vụ theo nhiệm kỳ. Nhưng thời kỳ Khai thác miền Tây, khi tình hình trị an còn thấp kém, Sheriff phần lớn là những tay súng bắn nhanh (fast draw gun man) được dân địa phương thuê. Rất nhiều phim truyện cao bồi Mỹ đã được xây dựng trên những truyền thuyết về những Sheriff bắn nhanh như vậy.
[9] Karl August Wittfogel (1896-1988), nhà nghiên cứu Trung Quốc từ thời Ðức Quốc xã, năm 1934 lưu vong sang Mỹ, làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung quốc của Ðại học Columbia ở New York.
[10] Nhật Bản có chính sách bảo hộ nông gia trồng lúa vô cùng triệt để. Từ trợ cấp, ấn định chỉ tiêu sản xuất, định giá gạo do chính phủ thu mua, nâng hàng rào quan thuế lên để ngăn chặn không cho gạo nhập cảng từ ngoại quốc vào, v.v.. Đến nỗi, giá gạo ở Nhật Bản bình quân cao hơn giá gạo trên thị trường thế giới khoảng 20 lần.