Bình yên ở trong lòng bàn tay

    
ôm nay vui, mẹ lại vừa cho tiền rủng rỉnh, bé quyết định rủ bà chị yêu dấu của mình ngồi cà phê ở một cái quán nào đó, lạ một chút, sang một chút, phong cách một chút, những cái quán mà hằng ngày hai đứa đi ngang, dù thích lắm nhưng vẫn cương quyết không... đạp thắng xe. Là lá la... la lá là... Gọi điện thoại nào.
Bà chị yêu dấu của bé đúng là cầm tinh con... con... chắc là con người, rề rà đến khiếp! Bé dừng xe trước cổng trường lâu lắm rồi, giờ hẹn cũng trôi qua rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng “nàng” xuất hiện. Nửa vòng kim đồng hồ rồi nghen, bắt bé đợi lâu quá là bé... xù à! Trăm lần như một.
Bà chị yêu dấu kia rồi, vừa đi, vừa tung tẩy cái ba lô, miệng thì cứ nói huyên thuyên với... anh bạn đi bên cạnh. Híc híc (cười chứ hổng phải khóc đâu à nha), người gì mà lùn có một khúc, lại không chịu mang giày cao gót nữa, đứng chỉ tới vai bé và anh bạn kia thôi. Lêu lêu!
Thấy bé vẫy tay, anh bạn hỏi:
- Bạn hả? Học trường nào vậy?
Chị cười, nháy mắt tinh nghịch:
- Em tui đó! Bye nghen, mai nhớ đem tập cho tui mượn nghen, không là tui giận đó!
Nói rồi leo lên xe, vòng tay qua ôm bé. Bé gật đầu chào rồi vọt thẳng. Bé biết, phía sau lưng hai chị em là ánh mắt ngơ ngác...
Quán xinh xắn từ lúc ở ngoài nhìn vào đến lúc ngồi xuống nhâm nhi nước và chắc đến lúc ra về, quán vẫn cứ xinh, xinh toàn diện, góc nào cũng xinh. Hai chị em chọn ngồi cạnh một mảng tường rêu vừa lốm đốm xanh, chân tường là những bông hoa túy quỳnh li ti. Nhạc hòa tấu dịu dàng. Chị ngồi, cứ xuýt xoa mơ ước: mai này chị sẽ mở một quán cà phê dễ thương như vầy! Bé chỉ cười cười, biết tỏng tòng tong, bà chị mình sắp mở một ngân hàng... mơ ước. Cái gì cũng đòi làm, từ nhà nghiên cứu động vật học đến một nhà phê bình sân khấu, rồi sứ giả thiện chí hòa bình, và đến bây giờ là một bà chủ quán cà phê! Tham quá trời trời. Từ một ước mơ chủ quán, câu chuyện đi sang trường học, hôm nay bé chỉ học có bốn tiết thôi, hai tiết dùng để kiểm tra môn Văn rồi, cô cho đề khó quá trời. Tối qua bé vừa ôm con Pooh, vừa học bài kỹ lắm, sáng nay viết tốc ký mới kịp hai đôi giấy. Chị nhớ cho bé mượn thêm sách viết về tác giả này nha, bé còn ôn để thi tốt nghiệp nữa đấy, bé muốn học đều và thi tốt nghiệp đạt loại giỏi mà. Chị gật gù, gì chứ sách thì chị nhiều lắm, bé chịu đọc sách văn là chị thuê xe tải chở cả kệ qua nhà bé liền. Nhắc đến sách mới nhớ, chị đem ra khoe với bé một cuốn truyện thiếu nhi bìa đã vàng, chắc chị vừa mua ở một tiệm sách cũ. Chị nói về nó một cách say mê, rằng từ ngày nhỏ xíu đã mê tác giả này lắm, chị đã mua nó về nhà nhưng bạn nào mượn rồi quên, vậy là mất tiêu cuốn sách. Bây giờ mua lại được cuốn sách, đúng năm đó xuất bản, đúng cái bìa đó, chị vui như gặp người bạn cũ. Xem nào, vụng quá, bàn tay bé dính rêu rồi. Lau tay đi. À, để chị coi chỉ tay cho. Trầm ngâm. Sao mà rối rắm vậy bé! Thầy bói chưa rành nghề, không coi nữa đâu. Tới lượt bé háo hức nói về những vị kem dâu, bạc hà, sô-cô-la, rồi những viên kẹo ở căn-tin trường...
Cứ vậy đấy, vèo một cái, hai tiếng đồng hồ. Chị lắc lắc tay bé: “Đi học Anh văn thôi!”. Ra khỏi quán, leo lên xe cho bé chở. Tuy là chị, nhưng chị mảnh khảnh lắm, hơi lùn và ốm, đi trong chiều thành phố, cứ sợ gió thổi bay mất. Bé nhỏ hơn chị đến ba tuổi mà to cao, còn phải hỏi, bé nằm trong đội tuyển bóng ném mà. Bé là học sinh lớp mười hai mà người ta cứ ngỡ bé là sinh viên đại học. Còn chị thì... sinh viên năm ba rồi mà mọi người cứ bảo học sinh cấp hai. Mà ngộ hen, người ta nói cùng cực thì đẩy nhau, nhưng chị với bé lại hút nhau mới... kỳ! Chẳng hiểu sao hai đứa lại khắng khít nhau đến vậy. Bé còn nhớ, năm đó bé học lớp sáu, chị học lớp chín. Hai đứa đều là nhân vật nổi tiếng trong trường chuyên cấp hai của quận, cùng học giỏi, sinh hoạt Đội giỏi, rồi tự nhiên thân nhau và thương nhau từ đó. Lớp mười, chị đi học xa, hai đứa vẫn liên lạc với nhau bằng đủ mọi cách. Từ điện thoại đến thư tay, rồi email... lãng mạn vô cùng. Hì hì, hà hà... ngày xưa ấy mà...
Quay về thì hiện tại tiếp diễn đi. Mà sao chị rầu rầu. Nhà bé là một công ty may tư nhân. Nhà thì rộng lắm, nhiều phòng ốc, nhưng quá trời lúc bé chẳng có lấy một chỗ để “dung thân”. Tình hình nghiêm trọng đến vậy đó. Phòng mẹ thì hay bị khóa, bạn trai của chị Hai hay ghé nhà buổi trưa và buổi tối, bé... ngại lắm. Phòng giám đốc thì mẹ ngồi làm việc, tiếp khách hàng, phòng của bé bây giờ biến thành kho hàng tạm thời luôn rồi. Nhiều phòng liên tiếp nữa là xưởng cắt may và phòng ở của công nhân. Nhiều hôm phải nhập và xuất hàng, ngay cả cái xó cầu thang còn sót lại, bé cũng không ngồi được. Vậy là bé lại leo lên xe đi ra đường dù lúc ấy không có giờ học, không chạy show thì chạy long nhong.
Bé gọi chị, không có giờ học ở trường là chị đi với bé liền, từ thư viện đến công viên rồi quán chè, quán cà phê cóc vỉa hè... đủ cả. Nhu cầu cấp bách về một chỗ ngồi học và khao khát có một chỗ nằm để nghỉ ngơi, sao mà khó quá không biết nữa! Chị lo lắng nhất là năm nay bé phải học rất nhiều, còn thi đại học nữa. Bé học ngành tự nhiên, cần một chỗ tươm tất để ngồi làm bài tập mà những hàng quán vỉa hè thì... chỉ dư thừa lộn xộn thôi. Ước gì chị là chị Hai của bé, chị hứa sẽ quan tâm đến bé hơn. A ha, lại góp vốn cho ngân hàng mơ ước nữa rồi! Đã vậy, góp thêm một ước mơ vào tài khoản nhé, chị sẽ làm nhà kinh doanh địa ốc, tặng bé một căn phòng nhé, có bàn học, có nhà vệ sinh, có mấy cái gối hình con gấu Pooh mà bé thích. Chịu không? Trời ơi, sao mà cười toe toét và gật đầu cái rụp nhanh vậy?
Trưa nay, hai chị em hẹn nhau ở gần trường chị, ngồi cạp bánh mì, chờ ca học buổi chiều. Dạo này bé sao đó. Vui buồn thất thường lắm, mà nỗi buồn thì cứ ăn hiếp niềm vui. Bé ít cười, cái răng khểnh trốn chui trốn nhủi đâu mất trong cái miệng xinh, lúc nào cũng mím mím lại như ngăn một điều gì đó đang chực trào ra. Bé thích gọi chị là Mập. Cứ Mập ơi, Mập à suốt ngày. Ngược đời chưa, người ta ốm như cây củi ấy. Nhưng cũng vui. Chị giả vờ tức giận, gọi bé là Pooh. Bé thích chí lắm, bé mê nhất là con gấu Pooh áo đỏ trong phim hoạt hình mà, vậy là cười tít mắt. Bất ngờ chị đánh vần: u bờ u bu. Vậy là cười vang. Nỗi buồn ơi, chào mi! Kể chuyện nghe nhé, đúng như bé và chị dự đoán, anh bạn của chị hôm trước cứ theo chị hỏi bé là ai miết. Bảo hai đứa là chị em, anh chàng không tin, tiếp tục hỏi chị em thế nào. Chị nghiêm chỉnh:
- Thì ông nội tui gọi ông nội của bé là... mày!
Anh bạn gật gù rồi giật mình: “Ơ...”. Chị cười phá lên, giòn tan. Kể lại cho bé nghe, hai đứa lại cười giòn tan lần nữa, cười rung rinh cả buổi chiều bận rộn, còn một ca học nữa mới được về nhà. Cố lên!
Hu hu... Nhưng ở đời có những chuyện đáng ghét. Kẻ mình muốn tống khứ đi thì cứ lì lợm ở lại. Nỗi buồn là một trong những kẻ lì lợm nhất trong những kẻ lì lợm đó. Chị ghét nó. Bé ghét nó.
Mẹ và chị Hai to tiếng với nhau vì chuyện kinh doanh của gia đình. Rồi tránh mặt nhau, rồi năn nỉ, rồi hòa, rồi to tiếng... Vòng tròn. Chị Hai sau giờ làm việc là rúc trong phòng riêng với bạn. Bé yêu mẹ nhất nhà. Nhưng bé không bao giờ có thể hiểu được mẹ, biểu đồ tâm trạng của mẹ là những đường cong không dự đoán trước, xuống lên theo sự đến đi, đĩnh đạc, đứng đắn của những người mà bé gọi bằng chú.
Mỗi bình minh, bé ra khỏi nhà, mang những thanh âm cãi vã, những giọt nước mắt giận hờn theo trong cái cặp táp vốn đã rất nặng nề sách vở cho một ngày học tập. Mỗi chiều tối, bé trở về nhà với cái tâm trạng mệt mỏi, cả ngày học và chạy loanh quanh ngoài đường, về đến nhà chỉ muốn nằm ngủ thôi. Nhưng mai còn nhiều bài tập lắm, thèm gặp mẹ một chút lắm, thèm một cái xoa đầu, thèm một chút bình yên cuối ngày lắm. May mà cửa phòng mẹ chưa khóa, bé còn một chỗ để nằm, lâu rồi, bé không được ôm con Pooh của bé ngủ. Ủa, mẹ đâu rồi? Bé quờ tay tìm con Pooh của mình, không đợi mẹ được nữa rồi, mắt bé díp lại rồi. Ngủ ngủ, Pooh... Pooh...
Hai chị em lại chọn chỗ ngồi cũ, bức tường bây giờ đã xanh hơn màu rêu phủ, mấy bông hoa túy quỳnh trưa nay bỗng khép nép bé nhỏ hơn giữa cái nắng chang chang không rõ mùa gì. Người chủ quán tinh ý đặt một chiếc dù trắng từ sớm, nắng chia bình hoa trắng trên bàn thành hai nửa không có tên gọi. Bé, lại nhìn xa xăm, lại mím mím môi như đang cố kìm nén để khỏi chực tuôn ra một điều gì đó bi kịch lắm, điều gì đó có thể làm buổi trưa níu chặt vào chân tường, có thể làm cho niềm vui của bé bị tắt ngấm, có thể (hay đã) làm nỗi buồn cười ngạo nghễ, đắc thắng.
Rồi môi xinh của bé cũng chịu cựa mình. Bé nói trong nghèn nghẹn buổi trưa... Không có nước mắt, những giọt nước nong nóng ấy không hào phóng dỗ dành bé. Nói rồi lại im, lại nhìn xa xăm chân trời. Bà chị yêu dấu bắt đầu bày trò:
- Đưa bàn tay coi nào?
Bé hỏi:
- Chi?
Rồi cũng đưa tay ra. Bà chị yêu dấu cầm bàn tay phải của bé, di di ngón tay của mình rồi phán lung tung. Trò coi chỉ tay này tuy cũ xì nhưng cũng làm cho bé vui chút ít. Có một người cầm tay mình và nói nhảm. Hi hi... Bất ngờ, chị nắm chặt tay bé, xiết chặt lắm, đến mức bé có cảm giác những cái xương của bàn tay gầy guộc kia đang cạ cạ vào những cái xương ù ù ú ú của bàn tay bé. Chị lại xòe bàn tay bé ra, đặt vào đó một... lọ thủy tinh nhỏ. Cái gì đấy? A, hũ mật của con gấu Pooh. Chị lại huyên thuyên:
- Con Pooh lúc nào cũng bình yên. Bình yên với Pooh nghĩa là được ăn suốt ngày. Tặng bé sự bình yên của con Pooh nè.
Lòng bàn tay bé, ngọt ngào (trong tưởng tượng vì hũ mật), ấm ấm vì bàn tay nhỏ xíu của chị. Hình như bình yên đang về, bé nhỏ và bình dị trong nắng trưa chói chang, những bông hoa túy quỳnh trắng xíu xiu đang ngủ gật trong bước chân bình yên đó.
Mà ngộ quá hen, coi bói gì mà kỳ vậy nè? Hà hà... Ngân hàng mơ ước của chị lại được góp vốn, bé có niềm tin, bà chị của mình là một bà thầy bói tài ba, một bà thầy bói không coi được số mạng, nhưng lại bói ra sự bình yên...
Là lá la...
Bé và chị, từ rất lâu, luôn bắt đầu bằng những câu chuyện không đâu, và cũng kết thúc bằng những câu chuyện không đâu...