Buổi chiều trên đầu ngọn trúc

    
goài kia, chiều đang chín mọng trên ngọn trúc. Cây trúc trồng từ hồi nhà Cầm mới chuyển về đây, năm đó Cầm mười hai tuổi, giờ đã thành một bụi rậm rạp, có vẻ hạp thổ nên ngày càng vươn cao xanh tốt, chuyện hiếm hoi ở sân nhà thành phố. Chẳng tị nạnh gì với người bà con tên “tre” làm nên chiến công lịch sử, xuất hiện trong ca dao, đi vào điệu hát... Lá trúc cứ hồn nhiên xôn xao với gió...
Châu chạy ào vô nhà Cầm rồi ngồi dựa lưng vô tường thở hổn hển. Khắp người mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi thì đỏ bừng. Không vội vàng biết chuyện gì đang xảy ra, Cầm ngước đôi mắt rất đẹp của mình nhìn Châu, ánh nhìn xuất phát từ một đôi mắt có hàng mi dài và dày như một bức rèm quyến rũ để khoe đôi mắt to và sáng, lúc nào cũng ươn ướt, long lanh. Dù là lúc Cầm vui nhất thì đôi mắt ấy cũng phảng phất chút gì đó buồn rượi xa, ánh mắt ấy như muốn nói: hít sâu vô, thở ra chầm chậm nào... Hơi thở của Châu đang từ từ dịu lại. Cầm ấn vào tay Châu một chai nước lọc để lạnh và với tay nhấn nút cho cái quạt máy bắt đầu quay vù vù đủ làm mái tóc dài mượt đang cột cao của Châu tung tẩy.
- Ba má tao đang cãi nhau ầm ầm như sấm! Lại dọa bỏ nhau nữa chứ. Trước đây còn cố nhịn mỗi lần có tao ở nhà, giờ tao mất tác dụng rồi. Tao chịu không nổi, đã mở hết công suất loa rồi nhét headphone vào tai mà vẫn không nghe được nhạc nhẽo gì, chỉ nghe giọng ba má tao nhủng nhẳng. Kinh khủng. Tao có cái lỗ tai không biết nghe lời, bực thiệt. May còn nhà mày cho tao chạy về, nếu không tao chết mất.
Nói liền một hơi rồi Châu tu nước ừng ực. Ngày mới biết Châu, Cầm cứ nghĩ là Châu phải khác hơn, mạnh mẽ, quyết đoán và thực tế lắm. Nghĩ vậy mà không phải vậy, so sánh, liên tưởng trong đầu óc của Châu thì ngồ ngộ, cách ăn nói cũng ngồ ngộ theo, nửa thực tế, nửa mơ mộng, nửa quyết đoán, nửa mạnh mẽ, nửa... Tóm lại là dự đoán tính tình của Cầm về Châu, tất cả đều chỉ đúng có một nửa thôi. Vậy cũng hay, cuộc sống hấp dẫn hơn vì còn nhiều điều mới mẻ, khám phá những điều tưởng chừng như quen thuộc ấy cũng là một một thú vị trong đời. Chán cảnh phải bị tra tấn lỗ tai bởi những cuộc cãi nhau ầm ĩ của ba má, dạo này Châu gần như dọn qua ở hẳn trong nhà Cầm. Cũng vui, có bạn có bè.
Cột tóc lại cho gọn gàng rồi Châu bắt đầu đàn, cũng may còn cây đàn làm Châu dịu lại. Cầm thấy Châu lật sách bài “Những con mắt trần gian” của Trịnh Công Sơn. Trong mắt Cầm, những con chữ cạnh khuôn nhạc đang nhảy múa những điệu van xin như cảm xúc của nó: “... Những con mắt trần gian xin nguôi vết nhục nhằn, những con mắt muộn phiền xin gây lại niềm tin...”. Lần nào bực bội chuyện gì đó, Châu cũng lật sách ra đúng bài này, có lẽ nó hợp với tâm trạng Châu hay là một lý do nào khác đại loại thế. Cầm cũng thích bài này, nhưng Cầm tin là mỗi đứa có một lý do khác nhau và “cảm” bài này theo cách khác nhau. Từ nhỏ, ba đã bảo Cầm giống bà cụ non, làm gì cũng từ tốn. Châu thì ngược lại, làm cái gì cũng mang cái vẻ vội vã, gấp gáp. Như trường hợp chiều nay là thường xuyên, lần đầu tiên Cầm còn lo lắng, riết rồi quen. Chỉ đến nhà Cầm chơi thôi Châu cũng như một cơn lốc nhỏ, ào đến, ào đi. Duy nhất một trường hợp là Châu không mang theo bên mình dáng vẻ “lật đật” đó, ấy là lúc Châu đụng đến cây đàn guitar. Từ từ so dây lại, kiểm tra xem sáu dây có sợi nào bị lạc không rồi sửa lại tướng ngồi, tay phải bắt đầu tạo ra âm thanh trên khoảng dây ngay cái cửa ngõ tròn vo của thùng đàn, tay trái chạy dây trên cần đàn, nhanh nhưng lại rất khoan thai. Sau khi chơi đàn là lúc Châu ít “lật đật” nhất, hình như sự từ tốn, điềm đạm trong phong cách lúc chơi đàn còn sót lại chút ít. Tính tình thế mà có thể ngồi “mọc rễ” và nhận nhiều giải thưởng với cây đàn guitar, nhiều người thấy chuyện đó của Châu rất lạ lẫm, trừ Cầm.
Đàn xong, Châu ngồi thừ một lúc rồi bật tivi lên, bấm đổi kênh liên tục, rồi lại tắt. Có lẽ Châu định tìm một thứ âm thanh nào đó đỡ ngột ngạt một chút nhưng rồi rất nhanh, lại chán nghe mấy cô phát thanh viên nói xí xô xí xào bản tin thời sự, có thể làm Châu liên tưởng đến những âm thanh cãi vã xủng xoẻng của ba má khi nãy. Kéo Cầm nằm lăn ra giường, Cầm di di ngón tay trên mặt Châu, chỗ những ả mụn đang có xu hướng bành trướng. Châu chạy lại săm soi khuôn mặt mình trong gương rồi quay qua cười nhe răng với Cầm. Chán, lục lọi ba lô Châu mới biết mình để quên mấy cuốn sách giáo khoa ở nhà, lại hối hả chạy về nhà lấy, mai ở trường có tiết kiểm tra. Chạy ào xuống lầu thì gặp mẹ Cầm, chắc cô mới đi làm về đang loay hoay tưới bụi trúc, tiếng nước nghe rào rào. Mới nghe thôi đã cảm thấy mát. Phải chi giờ này đang đứng dưới vòi sen trong nhà tắm thì thích nhỉ!
- Cô ơi, cô “tưới” con luôn đi, con bị thiếu nước nè!
Nói xong Châu đã phóng xe chạy mất nhưng cũng biết phía sau lưng mình là một nụ cười hiền lành và câu mắng yêu nào đó của mẹ Cầm.
Về đến nhà là Châu đi thẳng vào nhà tắm. Tiếng nước tưới cây của mẹ Cầm vẫn còn đủ sức quyến rũ Châu. Nhẹ hẳn người, Châu vừa lau tóc cho khô vừa đi quanh nhà. Nhà không còn ai, ba má bỏ đi đâu rồi, vậy cũng tốt, Châu cũng cần ít thời gian yên tĩnh cho mình, ở nhà mình, trong phòng mình - chứ không phải ở nhà Cầm. Nằm trên cái giường thân yêu, Châu khoan khoái thưởng thức sự tĩnh lặng hiếm hoi này. Không thể hiểu nổi, sao ba má lại... Quyết định chuyển suy nghĩ sang hướng khác thôi, sao mà người lớn phức tạp quá, Châu ước chi mình đủ thờ ơ để không phải nghĩ về chuyện hục hặc giữa ba má, lần nào nghĩ đến chuyện này Châu cũng bị cơn đau đầu hành hạ kéo theo bực bội, gắt gỏng. Mai ở trường kiểm tra Văn một tiết, Châu lại ước. Mới có mấy phút thôi mà Châu đã ước đến hai điều rồi, như thế có gọi là hoang phí không nhỉ? Thôi kệ, miễn là điều ước đó xứng đáng, Châu ước phải chi Châu và Cầm còn học chung...
Điện thoại nhà đổ chuông inh ỏi, Châu cầm máy nhưng không nghe ai nói gì cả, chỉ nghe xa xa vọng lại mấy câu hát:... Ôm cuộc sống trong tay, bên đời quá rộng, tuổi đời mênh mông quá... [1] Châu biết ai gọi mình rồi, đã quy ước với nhau thế mà. Liếc nhìn đồng hồ, tám giờ kém, đến giờ cơm rồi. Nghĩ đến cơm, Châu bỗng nghe bụng đói cồn cào. Soạn nhanh sách vở cho ngày mai rồi Châu co giò phóng thẳng ra khỏi nhà.
Xung quanh là một màu trắng toát. Sau một giấc ngủ dài hai ngày đêm, đó điều đầu tiên Cầm nhận biết. Cầm cựa mình, nghe sột soạt, mẹ chạy vô rồi gương mặt lộ vẻ vui mừng, ôm chầm lấy Cầm. Cầm thấy nóng hổi trên người mình những giọt nước mắt của mẹ nhưng Cầm không nghe tiếng mẹ khóc. Bác sĩ vô phòng nói chuyện với mẹ. Cầm biết được điều đó vì thấy môi của hai người chuyển động. Cầm mở miệng định hỏi mẹ chuyện gì đã xảy ra nhưng lưỡi cứng lắm, khó khăn lắm mới đẩy được cái lưỡi đi theo những điều mình muốn nói, nhưng cả Cầm cũng không nghe được mình nói gì... Hình như mẹ khóc nấc lên. Cầm cảm nhận được nhịp nức nở của mẹ và thoáng thấy dáng mẹ chạy ra khỏi phòng. Nhìn hết một lượt mọi người, không thấy Châu đâu cả, phải đợi Châu thôi, may ra Châu hiểu được chuyện gì và nói cho Cầm nghe với... Cầm quay mặt vô tường và nước mắt bắt đầu chảy dài trên gương mặt. Cầm nhớ rồi, tan học ngày thứ hai, Cầm đang đi bộ về nhà, qua khúc lề đường đông đúc, người ta bày bán nhiều thứ và để xe chật kín, Cầm phải bước xuống đi dưới lòng đường. Trí nhớ của Cầm dừng lại ở chỗ đó...
Đến chiều thì Châu ghé, thấy Cầm đã mở mắt ra, Châu vui hẳn. Việc Châu làm đầu tiên là kéo tay Cầm ra ô cửa sổ của phòng bệnh rồi hai đứa cùng nhìn xuống khoảng sân phía dưới. Khá đông bệnh nhân đang tha thẩn đi dạo quanh thảm cỏ mướt xanh, người nghệ nhân đã khéo léo cắt tỉa cả một thảm cỏ dài và rộng thành những đường lượn sóng ngắn dài khác nhau như chập chùng sóng biển ngoài khơi ùa vào đây. Lác đác hoa trong những cái bồn cao cao tươi xinh trong nắng mới. Mỗi lần nhìn thấy cỏ hoa xúng xính trên đất, Cầm có cùng một cảm giác, Cầm thấy cuộc sống này rộng ra... Châu dìu Cầm trở lại giường ngồi, theo phản xạ tự nhiên, Cầm nói chuyện, lặp lại y chang cái cảm giác ban sáng, Cầm ôm miệng mình... Châu xót xa lắm, niềm vui ít ỏi lúc vừa bước vô phòng đã tắt ngấm, chần chừ một lúc rồi quyết định đưa Cầm xem bệnh án. Chữ bác sĩ bay nhảy, tuy khó đọc nhưng Cầm cũng kịp hiểu lõm bõm sợi dây thần kinh nào đó do bị va chạm mạnh quá đã đè lên một số dây thần kinh khác. Kết luận gọn lỏn: Cầm bị mất khả năng nghe nói tạm thời. Những giọt nước mắt thi nhau chảy dài xuống gương mặt. Bệnh nhân Nguyễn Thiên Cầm, cây-đàn-trời từ nay không thể tạo ra thanh âm bằng sức lực tự nhiên của mình, cũng từ nay không tiếp nhận bất kỳ âm thanh từ bên ngoài nữa. Hết rồi, ước mơ thi vào Nhạc viện chấm dứt rồi! Cầm không còn ước mơ nào khác đâu, mà sống không có mục tiêu và mơ ước thì sống để làm gì? Tiếng nấc không thanh âm mới ngột ngạt bức bối làm sao. Châu quay đi. Buổi chiều rồi tối rồi những buổi sớm mai và ban trưa âm u trong đôi mắt ướt long lanh của Cầm, từ bây giờ, đôi mắt lúc sinh ra đã ngân ngấn buồn ấy lại phải gánh thêm một nỗi buồn số phận, đôi mắt ấy sẽ kiêm luôn công việc của cái tai nghe...
Mất gần cả năm, Cầm mới quen với những thay đổi lớn lao này: không thể đi học văn hóa được nữa, đi học đàn lại càng không, không tự chạy xe, không giao tiếp với mọi người bằng hai hành động nói và nghe... Mất thêm một năm nữa để cảm giác hụt hẫng của cây-đàn-trời nhỏ dần và nỗi buồn lắng xuống nhẹ nhàng hơn. Cầm từ chối đi học ở trường khiếm thính. Với Cầm, mọi thứ đang bình thường trở lại, Cầm biết tự chăm sóc bản thân mình, cũng may mẹ là cô giáo cấp ba nên Cầm đề nghị mẹ dạy tiếp chương trình học cho mình, mẹ và con thường trao đổi với nhau bằng cách viết giấy, những cuộc bút đàm ấy cũng dần dần thay thế được đối thoại của hai mẹ con. Bạn bè thỉnh thoảng ào đến thăm, cười nói huyên thuyên, Cầm và các bạn đang tuổi ăn tuổi nói mà. Mỗi lần như thế Cầm không buồn, chỉ mở mắt rất to, nhìn mọi người rất sâu rồi cười nhẹ nhàng. Rồi bạn bè vắng dần, ngôi nhà lại càng lặng lẽ hơn. Đôi lúc Cầm nhớ mấy cái CD nhạc cũ, đi tìm nó rồi bật lên, ngồi đó. Những lúc như thế Cầm tưởng tượng quanh mình là một dòng âm thanh đang thao thiết chảy tràn, rồi lại vuốt ve cây đàn guitar cũ. Thế nào chút nữa Cầm cũng sẽ nhắc Châu chơi bài gì đó cho cây đàn đỡ nhớ. Cầm hoàn toàn có thể chơi đàn theo quán tính cho đỡ nhớ chứ, nhưng Cầm không làm như vậy, còn có Châu mà. Có lần vô tình, Cầm đụng vào dây đàn, dây đàn rung lên, có lẽ nó đã phát ra thanh âm rồi và Cầm cũng rung lên bần bật. Từ đó, Cầm đi đứng khẽ khàng hơn, đặt vật này lên vật kia cũng rất nhẹ tay, Cầm sợ mình tạo ra tiếng động. Cũng từ đó, Châu chơi guitar không phải vì mình hoàn toàn, một nửa là vì Cầm.
Càng ngày, đôi mắt Cầm càng đẹp, đôi mắt có hàng mi dài và dày như một bức rèm quyến rũ để khoe đôi mắt to và sáng, lúc nào cũng ươn ướt, long lanh, dù là lúc Cầm vui nhất thì đôi mắt ấy cũng phảng phất chút gì đó buồn rượi xa. Châu cũng cảm thấy mình được an ủi ít nhiều vì điều đó. Cầm tự dưng bị lấy mất thanh âm, đôi mắt có đẹp cách mấy cũng là bất công với Cầm, nhưng với đôi mắt còn lại Cầm đến với cuộc sống bình thường. Lúc đầu hơi khó khăn, Châu nói rồi viết ra từ ngữ, câu văn mình vừa nói để Cầm nhận ra khẩu hình. Có nhiều câu nói đùa làm Cầm cười-không-âm-thanh, những lúc đó, mắt Cầm cũng cười nhưng sao không thoát khỏi nỗi buồn âm u trong đó, Châu thấy nghèn nghẹn. Giờ thì Cầm có thể ít nhiều nghe mọi người nói bằng mắt, đi đâu, làm gì, Cầm cũng mở to mắt như cố thu vào mình tất cả để bù đắp cho đôi tai khiếm khuyết của mình. Chắc là từ đó, Châu và Cầm cùng thích bài “Những con mắt trần gian”, những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng, nhìn lại nhau con mắt lo âu xin vỗ về muôn yêu dấu... Mỗi lần nghe lại bằng cách đọc lời và cố nhớ giai điệu của bài hát, Cầm vẫn không hiểu hết bài hát, chỉ thấy mình còn may nhiều thứ lắm. Cầm còn đôi mắt, Cầm đã từng nghe được bài hát này “trọn vẹn” trước kia...
Chiều nay, Châu sẽ ghé nhà Cầm để ăn mừng. Lại vừa được thêm một giải thưởng guitar cấp thành phố. Những năm cấp hai còn học chung, Cầm và Châu là đôi song tấu guitar ấn tượng nhất trong bảng thi đấu của trẻ em, giờ còn lại mình Châu thôi...
Châu lại chạy vô cái ào, không có cặp sách, chắc đã về nhà rồi mới ghé Cầm. Chưa kịp thở xong Châu đã gào lên:
- Chắc tao điên quá mày ơi! Cứ về đến nhà là nghe ba má tao cãi nhau chí chóe. Không có loại nhạc nào có thể “rửa” tai của tao được nữa rồi. Đôi lúc tao ước chi người bị tai nạn là tao, để tao gánh chịu chuyện đó cho. Tai tao bây giờ chỉ nghe những âm thanh chát ngầm vô bổ thôi...
Cầm lờ mờ hiểu ra, chắc ba má Châu lại cãi nhau một trận to. Chuyện này kéo dài mấy năm nay rồi. Chỉ biết đưa cho Châu một chai nước lọc thật lạnh để cô nàng hạ hỏa. Cầm chợt nghĩ đến gia đình mình, ba đi làm ở nước ngoài chứ nếu ba cũng ở nhà, không biết hai ngưới lớn có cãi nhau ầm ĩ như nhà Châu không... Đối thoại giữa ba và hai mẹ con Cầm là email đều đặn mỗi tuần một lần. Ba không gửi thư, không dám gọi điện thoại về Việt Nam, sợ tốn tiền. Ba đang tiết kiệm từng đồng cắc một suốt ba năm ròng, cuối năm nay thì đủ tiền đưa Cầm sang nước ngoài phẫu thuật. Cầm lấy tờ giấy ghi dòng chữ: “Ăn nói lung tung thế, không hay đâu. Châu mà bị tai nạn nữa thì ai đi thi guitar chứ?”. Châu đã bình tĩnh trở lại, không nói năng gì cả, nhìn Cầm cười một cái như đứa trẻ con biết lỗi rồi lại bật tivi lên, chuyển hết kênh này qua kênh khác... Chút nữa thôi, thế nào Châu cũng sẽ lôi cây đàn guitar xuống nghêu ngao bài “Những con mắt trần gian” cho coi.
Cầm lại nghĩ về người ba nhạc công của mình. Cuộc sống chắt chiu của ba suốt ba năm qua và những cái email nhen lên trong Cầm một tia hy vọng, giúp Cầm không chạy trốn cuộc sống này. Cám ơn ba nhiều lắm, ba ạ, dù kết quả phẫu thuật của Cầm cuối năm nay thế nào...
Ngoài kia, chiều như mọi chiều đang chín mọng trên đầu ngọn trúc. Lá trúc cứ hồn nhiên xanh, hồn nhiên lao xao với gió... Ước mơ của Cầm bây giờ bình dị lắm, Cầm mong sau một giấc ngủ dài trong bệnh viện, Cầm lại trở về đây với ngôi nhà thân yêu của mình có mẹ, có Châu, nghe được lời của lá trúc hồn nhiên...
Chú thích:
[1] Ca khúc Tuổi đời mênh mông của Trịnh Công Sơn.