Chương V (B)
V/8 .- NGƯỜI NHÂN CHỦ

    
Nhân đây xin phân tích sơ qua hai danh xưng Dân chủ và Nhân chủ rất dễ bị lẫn lộn.
Dân chủ là một trong những hình thức cơ chế chính quyền mà điều đặc trưng là việc tuyên bố nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số và thừa nhận quyền tự do bình đẳng của mọi công dân. Đặt nặng quyền lợi của người dân trong một cộng đồng xã hội, một quốc gia… Điển hình của quyền lợi này là tự do ứng cử các chức vụ được quy định theo Hiến pháp hoặc bầu cử người đại diện cho mình ở các cơ chế lãnh đạo quốc gia, tỉnh, thành phố… Từ thể chế dân chủ mà phát sinh các quyền lợi khác như tự do tôn giáo, tự do lập đảng, hội đoàn, báo chí, hội họp, tự do đi lại, cư trú… nói chung là Nhân quyề
Trong khi đó Nhân chủ mang tính chất minh triết, chỉ ra đường lối xây dựng con người, xây dựng xã hội, giáo dục đại chúng biết trân quí giá trị nhân bản và đời sống con người trước “vũ trụ”. Chữ vũ trụ được hiểu là mọi vấn đề liên quan tới con người như cọng đồng xã hội, pháp luật, văn hóa, truyền thống, nghệ thuật, thiên nhiên… hoặc liên quan tới sự không để mình bị lôi cuốn, đam mê vì vật chất, danh vọng, quyền lợi bất chính…
Đức Khổng Tử hiểu chữ “Nhân” có nhiều bậc. Cao nhất là bậc Thánh nhân, dưới Thánh nhân là Quân Tử tức là người có nhân cách, đạo đức, mô phạm để giữ địa vị dìu dắt, làm gương cho đại chúng.
Triết gia Lương Kim Định, khi xét vị thế của người quân tử Đông Á, ông cho rằng: người quân tử mang một tầm vóc khác hẳn những vị kia (những mẫu người đặc trưng trên thế giới) một cách diệu kỳ:
Chữ quân tử hay nhẹ hơn, hiền nhân, mang ý nghĩa tương tự chữ nhân chủ, tuy nhiên nhân chủ mang tính chất minh triết, chỉ ra đường lối xây dựng xã hội, giáo dục đại chúng; còn quân tử, hiền nhân mang tính cách hoàn thiện của kẻ sĩ. Theo nguyên lý Tam tài (Thiên, Địa, Nhân°) cũng gọi là Tam hoàng°, mà hoàng đồng nghĩa với quân°, vương° nên quân, vương cũng chỉ vào nhân.
Chữ Vương
° Truyền thống văn hóa Miêu Viêm gọi Nhân (Người, mang tính đại chúng) là một trong Tam tài. Khi Hoa tộc thôn tính băc Miêu thì vua chúa Hoa tộc dành độc quyền vị thế Nhân trong Tam tài cho giai cấp thống trị mà thôi. Do vậy hoàng, quân, vương cũng có nghĩa là Nhân. Chúng ta thấy ngay sự độc chiếm của quý tộc Trung Hoa khi cố tình gò ép chữ Nhân mang tính đại chúng thành hoàng, quân, vương mang tính cá nhân với những uy quyền cường lực của dòng họ kẻ làm vua.
Chữ vương biểu thị bằng 3 nét ngang chỉ Thiên, Địa, Nhân; còn một nét sổ dọc ở giữa là quán thông Tam tài. Con người vừa thông với trời, thông với đất vừa nối kết giữa người với người. Cho nên nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đúng là những đức tính của con người nhân chủ đại chúng.
Nói rõ hơn, khi còn trong giai đoạn văn hóa nông nghiệp Bách Việt thuần túy, toàn dân đều cố gắng đặt mình trong ý thức làm chủ để xứng đáng là một trong ba ngôi: Trời là chủ, Đất là chủ và Người là chủ. Đến khi nền văn hóa này bị du mục Hoa tộc chiếm đoạt thì vua chúa Hoa tộc dành riêng ngôi vị Người là chủ cho kẻ làm vua mà thôi. Đó là khởi đầu của chế độ quân chủ phong kiến và chuyên chế: Tất cả mọi thứ (kể cả người) trong thiên hạ đều là của nhà vua.
V/9.- MỘT CHUYỆN VUI
Giống nhưng mà khác.
“Một chiều tối sau bữa tiệc vui ở tiệm ăn, có hai người bạn cùng nhau ra xe trở về nhà. Da mặt người có xe ửng hồng vì phản ứng của men rượu còn người bạn đi cùng thì có vẽ tỉnh táo. Họ thong thả ra bãi đậu xe để trở về nhà, người bạn nói:
- Anh để tôi lái xe cho.
- Không được đâu, xe này anh không quen, để tôi lái, cứ yên tâm.
- Này, chung quanh mấy cái restaurant này cảnh sát nó rình dữ lắm, anh không sợ nó bắt anh lái xe trong khi say rượu à? Chẳng những tù mọt gông mà còn bị tống về Việt Nam đó!
Người có xe chắt lưỡi:
- Việc gì phải sợ bạn ơi!
- Lo trước cho an toàn, rắc rối với luật pháp mệt lắm đa!
Người có xe gật đầu:
- Mình mới ngụm một tí là mặt đỏ lên như say rượu, thật là chẳng giống ai… OK! Đừng để người ta hiểu lầm là hay nhất. Vậy nhờ bạn lái xe dùm tôi.
Nói xong, người chủ xe trao chìa khóa cho bạn và dặn một vài chi tiết khác biệt của chiếc xe. Họ lên xe, rời bãi đậu và xe bắt đầu chạy qua quảng đường mà cảnh sát thường phục kích. Trong khi người bạn lo lắng nhìn ngược xuôi thì người kia vui vẽ âm ư một bài ca vui. Đến một ngã tư có bảng “Stop”, quả nhiên họ thấy một xe cảnh sát đậu khuất một tàn cây.
Người bạn nhanh nhẹn rà chân thắng. Xe đứng hẳn sau bảng “Stop” đúng luật. Anh sờ lên giây “seat-bell”, giọng nói mất hẳn tự nhiên:
- Cảnh sát kìa! Coi chừng, anh đã cài “seat-bell” chưa?
Người chủ xe cười:
- Bạn ơi, mình chỉ nên coi chừng kẻ xấu thôi. Nếu có cảnh sát ở đây thì mình càng yên tâm chứ! Tụi mình đóng thuế để họ bảo vệ an ninh cho mình cơ mà!
- Nhưng tôi sợ, tôi cũng có uống tý rượu, lỡ ra họ đo…
- Ây dà! Đo với thử… nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ mà quýnh lên! Mình giữ luật đâu phải vì sợ cảnh sát… mà vì an nguy của mình và của mọi người mà thôi.
Người bạn chép miệng:
- …!! Dù vậy mình cũng nên đề phòng chứ!
- Dĩ nhiên lúc nào mình cũng nên cẩn thận! Nhưng mà… nếu vô ý phạm luật, bị cảnh sát quay đèn thì mình nên khen họ chứ, sao lại đề phòng họ như đề phòng kẻ gian?… Vui vẽ nhận lỗi và tự hứa lần sau mình nên lái xe cẩn thận là hay nhất phải không?
- Thiệt! Tui chưa thấy ai tiếu lâm như anh à nghe!
Người kia mĩm cười tự nhủ: “!!! Kể ra… khi suy nghĩ của một người không giống đa số thì trở thành “tiếu lâm”, trở thành “mát” thật, dù sự suy nghĩ đó là chính đáng.
Qua chuyện vui trên, chúng ta có thể thấy rõ, tính nhân chủ thể hiện khá rõ nét ở một trong hai người bạn ấy. Vậy ai là kẻ nô lệ luật pháp, ai là người làm chủ luật pháp?
Bàn về xây dựng con người Nhân chủ, học giả Nguyễn Việt An góp ý như sau:
“Muốn xây dựng xã hội Nhân bản toàn diện thì phải có con người Nhân chủ. Con người Nhân chủ biết rõ mình ở đâu mà ra? Thành bởi gì? Ra đời để làm gì? Rồi trở về đâu? Nên sống sao cho ra sống, không quá lụy vào trời (tình cảm) hay quá ỷ vào đất (lý trí), không vướng vào ý hệ này, chủ nghĩa kia. Ngửng cao đầu tham dự vào cuộc sinh sinh hóa hóa với trời cùng đất.”
Biểu tượng ông Bàn Cổ mà người xưa để lại vừa mang cái giản dị đến độ một thiếu niên cũng tiếp nhận dễ dàng. Nó vừa mang cái thâm sâu, cao diệu mà những học giả uyên thâm cũng phải tìm học sảng khoái. Chuyện ông Bàn Cổ không nhắc tới tâm linh, đạo đức, luân lý, không nói tới quan niệm nhân sinh, không đã động đến con người lý tưởng, không có những cụm từ chứa đầy triết lý như nhân chủ, nhân trị, nhân bản, nhất nguyên lưỡng cực, nhị nguyên… của nhiều ngàn năm sau, nhưng mỗi người nghe, tùy mức độ tiếp nhận, đều có thể hiểu được mình, hiểu được người, thấu đáo được vũ trụ chung quanh. Để từ đó, tùy vị thế trong cộng đồng xã hội của mình, nhìn ra một lối đi chân, thiện, mỹ cho mình, cho người, cho xã hội, cho thiên nhiên, vũ trụ… như câu chuyện đã kể:
Ông càng lớn thì trời càng cao, đất càng dầy… Khi ông chết, mắt biến thành mặt trăng, mặt trời, máu mỡ chảy ra thành biển cả, thân xác rã ra thành những vùng đất, núi lớn trong thiên hạ, lông tóc đâm rể xuống đất mọc lên cây cối… Hai hình ảnh: Lúc mới sinh thì Trời Đất xuất hiện thật nhỏ trong tầm mắt bé sơ sinh; lúc chết thì thật vĩ đại… cho ta cái nhìn rất rõ nét giá trị của con Người trong vũ trụ vậy.
Toàn bộ câu chuyện đi từ những điểm thật nhỏ như đếm từng ngày, như đo từng thước, như cái liếc mắt, như khi vui lúc buồn… để rồi lớn lên, cao thêm, dày thêm… thoát chốc 18.000 năm bùng lên, hùng vĩ đến vô cùng, hành động đến vô cùng và kết quả cũng vô cùng! Quả nhiên là một lối nói ẩn dụ, mới nghe thì có vẽ mộc mạc, tiếu lâm đến độ hoang đường mà thực sự mang một tư tưởng trùm lấp không giới hạn và sự uyên thâm vô lượng có giá trị đến muôn đời về sau.
V/10.- KẾT LUẬN V
Xin đố quý độc giả một câu đố vui để kết thúc Chương V này:
Tại sao những loài sâu bọ sống trên thân xác ông Bàn Cổ trở thành loài người?
Tại sao loài sâu bọ lại biến thành người?
Ta thử ngưng lại vài phút, pha một tách trà thật ngon, thưởng thức cái mùi vị truyền thống… lắng nghe lòng ta nghĩ sao về loài sâu bọ này!…
- Ừ nhỉ! Kể cũng lạ, vì sao chúng lại thành người?
- Nhất định đây là một câu kết thúc cực kỳ quan trọng, nếu ta không thưởng thức, không “ngộ” được câu này thì coi như chuyện ông Bàn Cổ hoàn toàn hỏng!! Và bài luận này phải “sổ toẹt”!!
- Loài sâu bọ sống bám trên người ông Bàn Cổ chắc hẳn là những con chí, con rận, con ghẻ… Nhưng mà! Lý do nào thúc đẩy bọn chí rận này biến thành người mà không phải một con gì khác?
Trong một truyện dài dã sử mang tên “Nước Non Tiền Sử”, tôi có dành một đoạn viết về chuyện ông Bàn Cổ. Nay xin trích phần chót của đoạn đó như một suy tư, một gợi ý của người viết để quý độc giả thử nghiệm lại xem, may ra chúng ta khám phá thêm những ý tưởng mới qua câu kết hài hước, hóm hỉnh, vô cùng trầm mạc của người xưa!
……………………………..
“Một thanh niên đang đi ở vòng ngoài cùng, bỗng chen vào giữa câu chuyện:
- Thưa thầy! Vậy thì người ta bắt nguồn từ loài chí rận chứ không phải từ ông Bàn Cổ sinh ra hay sao?
Nghe hỏi, một cô gái có mặt trong nhóm bật cười, cô hóm hỉnh góp ý:
- Vô duyên không! Ông Bàn Cổ… là… đàn ông… làm sao sinh đẻ cơ chứ?
Cô vừa dứt lời thì lập tức những tiếng kêu thét vang lên ồn ào như vỡ chợ của bọn thanh niên đang đi chung quanh thầy Dực:
- Đúng lắm!
- Chí lý!
- Cha nào ấm ớ thế! Ông Bàn Cổ chứ đâu phải bà Bàn Cổ mà đòi đẻ! Tếu thật!
Cô gái thẹn, phân trần:
- Này! Tôi nói thế không đúng hay sao!!
Thầy Lê Dực tươi cười góp ý:
- Ông Bàn Cổ, ta gọi bằng ông, nhưng theo tôi nghĩ thì vị tất đã là ông hay bà. Người xưa dùng câu chuyện ông Bàn Cổ như một ẩn dụ, truyền đạt cho con cháu chứ thực tế làm gì có người nào kỳ lạ như ông Bàn Cổ phải không?
- Dạ đúng vậy thầy!
Thầy Dực đưa tay lên trán bóp nhẹ, chặp sau thầy nói tiếp:
- Vậy thì việc những con chí, con rận biến thành người cũng là một lối nói ẩn dụ. Ông Bàn Cổ không sinh đẻ ra loài người, nhưng những con vật dù nhỏ nhất, chẳng ra gì, nhờ sống trên người ông, thừa hưởng khí huyết, tinh thần, đạo lý và tư tưởng của ông, chúng đã trở thành loài người.
Một chiến sĩ đi bên cạnh nghe đến đó bất chợt thốt lên:
- À! Thưa thầy, con hiểu rồi… Loài người, nếu không có tư tưởng, không có đạo đức, luân lý, không có ý niệm tâm linh để duy trì cuộc sống cao đẹp, thì có khác gì những con chí, con rận… phải không thầy?
Mọi người nghe lời góp ý thì cùng ồ lên, bên cạnh cái ngạc nhiên hứng thú còn pha lẫn sự kính phục chân thành lời dậy của cha ông:
- Phải rồi! Nếu không thoát ra được cái thú tính thấp hèn thì con người khác gì loài chí rận!!”