Chương II
NƯỚC XÍCH THẦN VÀ NƯỚC XÍCH QUỶ

II/1.-BỐI CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI THỜI ĐẠI VUA ĐẾ MINH

    
hờ sự phát triển rực rỡ của nền nông nghiệp dưới thời đại Thần Nông Đế Viêm°, xã hội Miêu, Viêm mà về sau gọi là Bách Việt đã có những phát triển vô cùng khởi sắc trên nhiều lãnh vực. Cư dân nông nghiệp sinh tụ đông đảo, đời sống an lạc, sung túc… Thời gian này tương ứng với giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Bắc Sơn kể từ 7.000 đến 1.000 năm trước Công nguyên).
° Thời đại Thần Nông Đế Viêm:
Thời kỳ 1.- Từ vua Thần Nông Đế Viêm đến cháu ba đời là vua Đế Minh từ năm 3118 đến 2879 tr.CN kéo dài 239 năm.
Thời kỳ 2.- Từ vua Đế Minh chia nước cho hai con lập thành hai triều đại Xích Thần (Bắc Miêu) và Xích Quỷ (Nam Miêu).
A.- Triều đại Xích Thần:
- Đế Nghi 2.879 – 2.813/tr.CN
- Đế Lai 2.813 – 2.704/tr.CN
- Đế Du Võng 2.704 – 2.636/tr.CN
B.- Triều đại Xích Quỷ:
- Kinh Dương Vương 2879 – (?) tr,CN
- Lạc Long Quân năm (?) – 2.704/tr.CN
Từ năm 2704 tr.CN trở về trước là giai đoạn độc lập và thanh bình được coi là cảnh thái hòa đã đạt. Sau chiến tranh Trác Lộc 2704 tr.CN, nước Xích Thần (Bắc Miêu) hoàn toàn bị tiêu diệt, nước Xích Quỷ (Nam Miêu) thì mất vua (Lạc Long Quân), lạc tướng đến độ triều đình tan rã. Bà Âu Cơ về đất Tương Dạ (trên Cánh Đồng Tương) lập đàn, phong cho con trưởng Lạc Long Quân thuộc Hồng Bàng Thị (con của người mẹ họ Hồng Bàng) lên làm Hùng vương và đổi tên nước là Văn Lang. Sau họ Hồng Bàng còn có 17 họ khác thay nhau làm Hùng vương. (Xin xem phần khảo luận ở đoạn sau).
Năm 1959, mặc dù chính quyền Trung Hoa Cộng sản không công bố nhưng báo chí Đài Loan có đăng một bản tin xuất phát từ các nhà khoa học khảo cổ ở bảo tàng viện Hồ Nam. Bản tin cho biết họ tìm được tại di chỉ khảo cổ Xinqlang, phía Đông hồ Động Đình khoảng 50 km những miếng đất sét nung hình chữ nhật có ghi những chữ chân chim và họ giải đoán là bảng ghi những con số thu hoạch nông nghiệp và chăn nuôi của những quý tộc xã hội Miêu.
Họ xác định những mảnh đất nung này có niên đại 4.600 năm tr. CN + 100. Việc phác giác những cổ vật tiền sử ở Xinqlang đã xác nhận trước khi “văn minh!” du mục Hoa tộc tràn tới thì Nam Miêu đã có văn minh chữ viết.

Trong giai đoạn tiền sử này, vùng Bắc Việt Nam dù là vùng rìa của trung tâm văn hóa Động Đình, các chuyên gia ngành khảo cổ học và tiền sử học đã tìm thấy nhiều di chỉ quan trọng điển hình nhất là tại Bắc Sơn. Đấy là giai đoạn tân thạch khí với những đồ đá mài và sơ kỳ kim loại đồng thau, phát triển nghi lễ mai táng, thuần hóa trâu bò, kỹ thuật đan tre, mây, lát. Phát minh đồ gốm văn hoa chải, tiền đá Hòa bình và nghề dệt và nhất là nghệ thuật ca múa, hát nói, vè, hát ru em, hò giã gạo, chèo thuyền…
Xã hội Việt cổ đã hình thành những cộng đồng và tổ chức làng xã, đình, miếu, chợ búa, văn nghệ hát nói, ca múa… Như thế, nếu vùng Bắc Việt Nam đã đạt được những thành quả như trên thì vùng trung tâm Động Đình chắc hẳn còn cao hơn.
Tuy nhiên, vào cuối thời vua Đế Minh (2789 Tr.CN), cháu ba đời vua Thần Nông Đế Viêm°, một số khó khăn có tầm vóc an nguy quốc gia và sự sinh tồn của xã hội Miêu cổ đã bắt đầu xuất hiện:
II/1A.-Một vài khó khăn mới của xã hội Miêu tộc
Xã hội nông nghiệp Miêu tộc sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Đất nước vốn không có biên giới nên đồng ruộng lan tràn hết đồng bằng này qua đồng bằng khác. Sự phát triển nông nghiệp rộng ra về mọi phía, nhất là về phía Nam, nhờ vùng này khí hậu ẩm ướt, ấm cúng, mưa thuận gió hòa… khiến việc liên lạc giữa trung ương và các tộc địa phương mỗi ngày một trở nên khó khăn, chậm chạp. Việc điều động nhân dân thực hiện những công tác công ích không thể thích ứng với đường lối lãnh đạo của chế độ Liên minh Bộ tộc mà đứng đầu là những vị vua gọi là Thiên tử°
° Thiên tử: Khi sử gia nổi danh nhất Trung Hoa, Thái sử công Tư Mã Thiên (thuộc một dòng họ chuyên viết sử từ thời nhà Chu đến thời cực thịnh nhà Hán) tả lại cuộc chiến tranh Hoa–Miêu tại Trác Lộc năm 2704 tr.CN, ông gọi người lãnh đạo các bộ lạc du mục Hoa tộc là Cộng chủ trong khi đó ông gọi người lãnh đạo liên minh Xích Quỷ là Cổ Thiên tử Xi Vu.
Tại sao ông ấy không gọi Hiên Viên là Thiên tử?
Cho tới giai đoạn này, Hoa tộc chỉ là những bộ lạc du mục gọi là hậu. Tù trưởng bộ lạc gọi là hậu chủ. Từng đoàn, từng lũ, man rợ y như các giống du mục khác trên thế giới thời đó, họ kéo nhau đi tìm đất sống. Họ xâm nhập đất Bắc Miêu và gặp sự chống cự của cư dân nông nghiệp Miêu tộc, họ liền họp nhau “công kênh” một hậu chủ hùng mạnh nhất là Hiên Viên lên làm “Cộng chủ” (chữ của Tư Mã Thiên) để gọi người lãnh đạo các hậu. Như vậy có nghĩa là họ chưa lập quốc, chưa xưng vua, xưng vương, xưng đế gì cả. Họ chỉ là một đám Rợ du mục cường bạo, dã man mới tập trung lại…
Như vậy danh hiệu Thiên tử là danh hiệu của các vị vua Miêu tộc đã có từ rất lâu về trước chứ không phải của Hoa tộc.
Theo quan niệm nông nghiệp cổ đại, Thiên tử là người đứng đầu Thiên hạ và Thiên hạ thì không hạn định biên giới. Thiên tử thay Thiên hạ tế giao trời đất, nghiên cứu thiên tượng để đoán thời tiết và định ngày tháng nước lớn, nước ròng, gió mây, mưa nắng để chỉ cho dân biết mà làm mùa. Thiên tử chấp hành ý dân như ý trời, gìn giữ đức hiếu sinh bằng lòng nhân như cha mẹ vỗ về, giáo huấn con và gọi đấy là nhân trị hay vương đạo, vương hóa. Các bộ tộc tự trị đối với Thiên tử ngoại trừ việc hằng năm cung cấp đồ tuế cống (cống phẩm), đóng góp dân quân và lương thực mỗi khi thiên tử cần đến để duy trì công đạo và tôn trọng quyền tài phán của Thiên tử.
Xem thế, vai trò lãnh đạo xã hội nông nghiệp Miêu tộc rất nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhân ái… thích hợp với bản tính người nông nghiệp mà xã hội du mục vốn chuộng cường lực và thực tiển khó có thể có được.
Đây là vấn đề cốt lõi, là khởi đầu của mọi nghi vấn văn hóa giữa hai dân tộc Việt và Hoa mà phía Việt luôn luôn là kẻ gánh chịu mọi áp đặt cực kỳ phủ phàng trước cường lực Hoa tộc trong suốt 5000 năm lịch sử chiến tranh và hòa bình của hai dân tộc Hoa, Việt.
Về sau, khi Hoa tộc làm chủ Bắc Miêu (nước Xích Thần) thì họ tiếp tục duy trì truyền thống lãnh đạo của xã hội Miêu tộc vì họ quá ít nhân lực và chưa đủ sức mạnh để trực tiếp cai trị một vùng đất quá rộng lớn và người thì đông đảo. Họ phong hàng vạn tộc trưởng Bắc Miêu làm vua chư hầu. Tuy nhiên, họ không duy trì được thanh bình lâu dài vì bản tính dã man, hung bạo, chỉ chú trọng thực tiễn cường lực và truyền thống độc đoán của du mục. Chính sách Nhân trị của Miêu tộc chỉ áp dụng vài trăm năm đầu, về sau chỉ còn là khẩu hiệu “cho vui”. Các chư hầu gốc du mục Hoa tộc nuốt dần các chư hầu gốc Miêu tộc khiến từ hàng vạn chư hầu thời Đế Nghiêu, Đế Thuấn xuống còn vài ngàn thời Thương. Cho đến thời Chu thì còn lại vài trăm… vài chục… rồi 7,6 chư hầu.
Sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp thế kỷ 13 có nhắc việc: “Vua Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng rồi lãnh đạo quân đội đánh nhau với Hiên Viên ở Bản Tuyền. Đế Lai thua trận bị giết”. Từ chứng liệu này và đoạn sử Tư Mã Thiên vừa dẫn trên, chúng tôi tìm được người lãnh đạo Liên minh Xích Quỷ chính là vua Đế Lai. Thật rõ ràng, vua Đế Lai khi cầm quân tại Trác Lộc và Bản Tuyền là cựu thiên tử (ông đã truyền ngôi cho Đế Du Võng) chứ không phải đương kim thiên tử, vì thế sử Tầu gọi ông là cổ thiên tử Xi Vu có nghĩa là “cựu vương xấu xí và khoác lác”.