Phần I

    
ột ngày đầu tháng chín năm 1942, tôi nhận được bức điện tín: “12 tháng 9 tới ga Hà Nội Stop Tìm dùm chỗ trọ Stop Hoàng Gia Lý”.
Tôi cầm bức điện tín, lòng rộn ràng vì bất ngờ. Hoàng Gia Lý là bạn tôi. Vào dịp hè, tôi về quê ở Ngân Sơn. Lý ghé lại nhà thăm và ngỏ ý sang niên khóa mới theo tôi ra Hà Nội học. Ba năm nay anh học ở Huế. Tôi tưởng rằng đó chỉ là một dự định nông nổi. Người ta ai cũng có thể dự tính nhiều điều, dự tính cả những điều mà họ biết trước hơn ai là không bao giờ thực hiện được.
Tôi học chung lớp với Lý khi tôi bắt đầu học lớp Ba trường phủ. Tôi bồi hồi nhớ lại cái cảm giác lo sợ rộn ràng khi đặt bước chân đầu tiên vào trường phủ. Từ nhỏ tôi phải học ở trường xã, một cái trường bằng ngói ở mỏm đầu núi. Muốn lên đến trường phải trèo một cái dốc dựng đứng. Người chọn địa điểm này để cất trường ý chừng đã quan niệm rằng trường giáo phải ở một nơi thật thanh tịnh, cách biệt hẳn với sự sinh hoạt của mọi người xung quanh. Đây là lần đầu tiên mà làng tôi, - nói rằng cả vùng tôi thì mới đúng, - có được một cái trường Nhà nước. Trước đó, người ta học chữ Nho. Trong khi chúng tôi cắp sách đến trường học vần B ba cái trứng, L quả lê, T quay tơ… v.v… thì trong xóm vẫn có nhiều đứa nhỏ như tôi và lớn hơn, ôm sách chữ Nho và mang cả nghiên cả mực đến học các thầy đồ. Hình như bất chấp cả bánh xe tiến hóa, bất chấp cả sự thế đã đổi thay, thầy đồ vẫn sang sảng giảng Tam tự kinh, vẫn dùng roi mây, vẫn bắt quì vỏ mít và vẫn bắt học trò tưới vườn chuối cho thầy, nấu nước pha trà hầu thầy. Thầy giáo trường Nhà nước thì như vẫn còn mang nặng tàn tích của thời kỳ Khổng Mạnh xưa kia mà chưa hoàn toàn biến đổi. Thầy là cái dấu nối giữa hai thời đại, thầy mặc áo dài và mang guốc. Vì quen mắt với bàn chân dơ nên được nhìn hai bàn chân sạch của thầy, sạch đến thấy được cả gân xanh và móng chân trắng nằm gọn trên đôi guốc mộc nép giữa quai guốc da, chúng tôi có cảm tưởng rằng đó là biểu hiện đầu tiên của văn minh. Lâu lâu, vào dịp Tết, thầy đi đôi giày vải trắng thì chúng tôi mừng như chính mình được ăn diện sang trọng. Khi ông Thanh tra tới thì thầy đội thêm cái khăn đóng đen. Trông thầy thật quả là sang trọng nhất vùng.
Lúc tiễn chân ông Thanh tra xuống khỏi cái dốc ngược, lúc nghe tiếng xe ô-tô của ông Thanh tra rồ máy, lúc thấy thầy và ông cai trường hổn hển leo lên hết bực chót của cái dốc, mặt đỏ kè, mồ hôi ướt vã đầy mặt và thấm qua áo, chúng tôi thấy thương thầy hết sức. Sau này, chúng tôi được biết rằng thầy và ông cai trường sở dĩ mệt như vậy không phải là vì leo lên leo xuống cái dốc mà vì phải đẩy xe cho ông Thanh tra. Cái xe ô-tô chết tiệt phải quay mới nổ và thường thì quay mà không nổ.Ông cai trường có nhiệm vụ quay. Ông Thanh tra ngồi cầm tay lái. Quay mươi vòng không nổ thì ông cai bỏ tay quay rồi cùng thầy giáo ra sau đẩy. Thật tội nghiệp cho cái thời xa xôi mà lũ nhỏ chúng tôi mới bắt đầu tiếp xúc với văn minh cơ khí. Nhiều đứa mỗi lần nghe còi xe vang lên ở đầu cầu là rủ nhau vội vã chạy xuống dốc trường. Khi xe chạy vụt qua, các anh nhảy xổ ra giữa đường, hít lấy hít để đám bụi mù sặc mùi ét-xăng, rồi khen rối rít: Thơm quá! Thơm quá!
Sở dĩ có hiện tượng đó là vì học trò của trường đa số là lũ trẻ góp nhặt ở năm, bảy làng lân cận. Nhiều anh từ nhỏ đến giờ cha mẹ bắt chuyên môn chăn bò, anh đến trường đem theo sự u mê (danh từ thầy giáo dùng để mắng chúng tôi) và sự bướng bỉnh. Nhưng rất phong phú về trò chơi: u mê, lên đồng, nhảy lò cò, đánh mạng, đánh đáo. Có nhiều chị chuyên môn đi hái củi đến nỗi tóc cháy vàng hoe. Đi học, họ làm như đi củi, mang theo muối vò chung với lá é để giờ ra chơi chạy vào bụi bờ bứt lá dang chấm muối ngồi ăn. Một số khác vốn quen với ruộng rẫy nên mỗi khi người ta dỡ khoai, đào sắn thì họ chạy tới cả đoàn để mót, để xin. Những củ khoai lang sống nhỏ bằng ngón tay út được nhai giòn tan và nuốt ngon lành. Chúng tôi ngây thơ hơn cứ nhìn rồi bắt chước lần lần. Ngây thơ thật, vì tuy là lớp Đồng Ấu song bạn của chúng tôi có nhiều anh tuổi có đến hai mươi và lực lưỡng thì y như những nhà nông thực thụ. Đến giờ ra chơi, họ vật tay suýt làm gãy cả chân bàn. Chúng tôi thành kính nhìn những bắp thịt nổi cuồn cuộn ở cánh tay, ở cổ, nhìn màu đỏ hừng hực ở mặt, ở vành tai và ở tròng mắt. Sự quê mùa còn đọc được ở quần áo nữa. Quần thì vừa ngắn vừa chật. Áo cũng vậy. Quần áo toàn bằng vải to thế mà mẹ mua cũng không đủ nên thường may ghép đến hai màu. Nhiều khi áo xanh mà hai túi trắng. Có lúc cả áo trắng mà một tay áo lại màu xanh. Đi học thì cột một mo cơm, kèm đùm mắm.
Với cái quá khứ chung chạ bất ổn ấy, khi bước chân vào trường phủ, tôi thấy không khí trang trọng hết sức. Trường cất cạnh phủ đường, ở mãi cuối một cái sân rộng. Trên sân có trồng nhiều bồn hoa huệ sắp đặt thành những hình cân đối. Những thân cây bàng cao che rợp cả sân, trường học thành có vẻ oai nghiêm xa cách. Nhất là muốn đến trường, chúng tôi phải đi qua một trong bốn cửa thành: cửa tiền, cửa hậu, cửa tả, cửa hữu, xây cất theo kiểu cổ bằng gạch dày hàng bốn, năm thước, trên có vọng môn cao. Đi ngang qua mặt phủ đường, chúng tôi còn bị choáng ngợp vì màu trắng của cái sân rộng sạch như lau, vì hai chú lính lệ gác cửa, vì mấy khẩu súng thần công há miệng đe dọa.
Trường chia làm hai phòng học, có hai thầy, thầy Tài dạy lớp Sơ đẳng, mặc âu phục; thầy Tùng dạy hai lớp, lớp Đồng Ấu và Dự bị, luôn luôn vận áo sa đen, nhưng rất chải chuốt tươm tất. Thầy ít nói nhưng hay mỉm cười. Mắt thầy cũng cười nữa. Học trò hay thì thầm với nhau:
- Cô cháu, em họ bà Lại mê thầy Tùng.
Hoặc:
- Thầy Tùng viết thơ cho chị Dung, cháu ông thông Nhất.
Có lần tin tức ly kỳ hơn:
- Thầy Tùng đi coi hát trường ở Phú Mỹ với cô Cẩm em thầy thông Ba. Chị Oanh cháu thầy đội Lệ, nghe nói nổi ghen nên ra sông tự tử.
Có chuyện tự tử ly kỳ nên chúng tôi càng chăm chú nghe. Nhiều cái miệng tròn lại. Nhiều vẻ mặt nghiêm trang một cách khôi hài. Chúng tôi tò mò nhìn thầy Tùng: thầy vẫn ăn diện chững chạc, vẫn mỉm cười bằng mắt và bằng môi. Thành ra chúng tôi bán tín bán nghi, không biết chuyện vừa rồi là đúng hay bịa. Nhưng có điều chắc chắn là thầy Tùng hay cười, vì thầy sung sướng, thỏa mãn. Sau này, mỗi lần nghĩ đến, tôi hay trở về cái kết luận: ái tình làm cho con người tươi vui, bồng bột.
Ngoài những chuyện tình do thầy Tùng đóng vai chính, còn rất nhiều chuyện tình khác nữa mà vai chính bên nữ là các cô em hay cháu của các thầy Lại mục, thông Nhất, thông Nhì, thông Ba, đội Lệ, v.v… Tội nghiệp cho các tiểu thư phải sống ẻo lả ở một phủ lỵ quê mùa. Tâm hồn đa cảm đa sầu của các cô đẹp như những dây hoa bị cỏ mọc lây lất ở một vùng đất cát khô cằn. Nhưng quả các cô đã làm đẹp cho cái phủ lỵ quê mùa này thật. Ngày chợ phiên Thành, bên cạnh màu đen cố hữu của áo và quần của người mua bán, thỉnh thoảng lướt qua một tà áo xanh lục, một màu áo tím. Đó là hai màu mà lúc bấy giờ các cô thích mặc hơn cả. Hai màu này đã làm tươi lên những khung cảnh trong ngày thơ ấu của tôi ở phủ lỵ Tuy An.
Bạn học của tôi lẽ tất nhiên là sang trọng hơn hồi ở Ngân Sơn. Tên cũng đẹp hơn. Không còn những: Hồ Văn Láu, Ngô Đột, Trần Lía. Không còn một xâu anh em ruột cách nhau hàng năm, sáu tuổi mà vẫn cùng học chung một lớp (vì trường mới mở lần đầu) và tên của họ nối tiếp nhau như một tràng chuỗi: Nguyễn Tao, Nguyễn Tui, Nguyễn May, Nguyễn Mắn hoặc Lê Lãnh, Lê Lụa, Lê Tơ, Lê Thao. Lần đầu nghe những cái tên đẹp khiến cho mỗi lúc thầy giáo kêu đến, tôi có cảm tưởng như nghe một tiếng đàn: Lê Hoàng Mai, Ngô Gia Lưu, Trần Thị Kiều Thư, Bùi Thị Niệm Nhi. Giờ tập thể thao, thầy Tài bắt mặc đồng phục: áo sơ mi ngắn, quần đùi bằng vải tám trắng - thực ra thì vàng vàng - cổ áo, vành tay áo, vành ống quần viền đỏ (!). Lại có hai đường đỏ chạy dọc ở hai ống quần nữa. Bữa mặc biểu diễn đầu tiên, sân tập như đông thêm. Lạ mắt vì mấy cái viền đỏ cứ chạy loanh quanh trước mặt, chúng tôi thấy ngượng ngượng một cách lý thú. Giữa cái rừng trăng trắng đo đỏ ấy có riêng một anh mặc một bộ cùng kiểu nhưng lại màu đen viền trắng. Vải trang đầm đen nhánh, vải tàu bay trắng tinh, đường may cẩn thận. Thầy Tài gọi:
- Hoàng Gia Lý, sao không mặc một màu cho giống anh em?
- Thưa thầy, bà nội con mới may bộ này cho con. Bà con bảo đẹp.
- Ồ, thôi cũng được.
Tôi ngạc nhiên cho mãi đến sau này: thầy là một nhân cách bao dung khó có. Chúng tôi nhìn anh Hoàng Gia Lý. Anh mặc bộ đồ quả thật đẹp, nhất là da anh trắng. Đôi mắt sáng và nét mặt rạng rỡ, thông minh. Thân Lý mảnh khảnh. Tôi lưu ý đến Hoàng Gia Lý từ đấy. Anh có một vết sẹo dài chạy dọc theo cằm… sau này quen anh, tôi thấy nó không xấu mà hình như hơi có duyên là khác. Vì khi nghĩ rằng cái sẹo ấy mất đi, tôi sẽ thấy vẻ mặt ấy không phải là vẻ mặt của Lý nữa. Nó sẽ trơ trẽn, thiếu sự đậm đà.
Hỏi anh con ai, anh trả lời:
- Cháu bà Cử Hai.
Nhà anh là một căn phố buôn bán ở con đường chính. Bà anh buôn hàng vải, khá to. Anh lại cũng có một căn nhà ở cửa Đông, nằm mé ở đồng ruộng. Nhà có vườn trồng cây mát mẻ. Lần đầu tiên đi qua nhà anh thấy ở ngõ có trồng cây bông giấy màu đỏ và có hoa tigôn bò khắp mặt rào, tôi cho là nhà anh sang trọng. Vì hoa giấy đỏ chỉ ở nhà thương mới có trồng và hoa tigôn tôi thấy bò chung giàn với dây thiên lý ở giàn hoa quan phủ. Nhưng dù có lòng mến Lý, tôi cũng không khi nào nói chuyện riêng thân mật với Lý. Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng, khi cần, trao đổi với nhau vài câu về việc học.
Hết niên khóa, tôi lên lớp Nhì, phải ra trường tỉnh ở tận Sông Cầu để học. Mỗi lần lên lớp phải dời trường, như thế là hầu hết các bạn tôi đều nghỉ học. Vả lại, lúc bấy giờ sự học còn quí nên mãn lớp Ba có cấp bằng Sơ học yếu lược là các anh đã dư sức làm ông Lý trưởng hay ông Chánh, Phó tổng rồi.
Ra Sông Cầu tôi không ngờ được gặp lại Lý. Tôi nhớ mãi một hôm tôi ghé lại thăm anh ở nhà trọ, anh mời tôi một bát bánh canh hai xu. Từ đó, thỉnh thoảng hai chúng tôi rủ nhau đi tắm biển. Vì khờ nên có lần hai đứa đều bị hàu cắt đứt da ngón chân. Những chiều chủ nhật, hai đứa lấy đá đập trái bàng khô để lấy nhân ăn. Có bữa rủ nhau đi khèo trái keo hay hái trái tra.
Hết năm lớp Nhì A (còn gọi là lớp Nhì đệ nhất niên hay lớp Nhì nhỏ), bỗng không thấy Lý đi học nữa. Dù ngày hè tôi vẫn về nghỉ ở quê cả ba tháng, dù nhà Lý cách nhà tôi không quá bốn cây số, nhưng tôi không thân với Lý đến mức phải háo hức đi tìm thăm bạn.
Cứ như thế, tôi học cho hết năm lớp Nhì B, hết năm lớp Nhất ở Sông Cầu. Đỗ Tiểu học xong, tôi cùng một người bạn ra học ở trường Cao đẳng tiểu học Qui Nhơn. Thế là tôi không hề gặp Lý nữa.
Lâu lâu, chợt nghe trong câu chuyện với bạn bè ở quê nhà, tôi được nghe người ta nhắc đến Lý. Thoạt đầu là tin Lý thôi không đi học để về học chữ Nho. Tôi nghĩ cũng phải, vì ông của Lý là một cử nhân Hán học (ngớ ngẩn thay lý luận). Nhưng người kể chuyện giải thích:
- Lý có một người cô lấy chồng giàu ở Thạch Thành. Nhà buôn thuốc Bắc. Lý học chữ Nho để ngồi bán thuốc Bắc.
Tôi ngây thơ hỏi:
- Đi học hơn chớ? Còn nhỏ mà đi làm công?
- Không phải làm công. Cô Lý cưng Lý lắm.
Tôi ờ… ờ, không nghĩ sâu sắc thêm, không lý luận thêm. Bẵng đi một độ không biết bao lâu, chợt tôi lại ngẫu nhiên được nghe tin tức về Lý.
- Lý đi học…
- Tôi biết rồi. Lý đi học chữ Nho để bán thuốc Bắc cho nhà cô Lý ở Thạch Thành.
Người bạn tôi mỉm cười có vẻ như thương hại.
- Ai nói vậy? Lý thôi bán thuốc Bắc lâu rồi. Cô Lý cho đi học lại.
- Học ở đâu? Quá tuổi rồi.
- Lý xuống Tuy Hòa, học ở trường tư thục Bình Minh.
- À… à… Ở Tuy Hòa mà cũng có trường tư thục à?
- Có chớ. Nhưng này…
Tôi đang sắp lơ đãng thì cái giọng “nhưng này…” hơi bí mật bắt tôi lưu ý.
- Sao?
- Lý và một cô bạn học thương nhau ghê lắm.
- Cô nào vậy?
- Cô Xuân, con ông chủ khách sạn Đồng Nhơn.
- Ông Đồng Nhơn ở Sông Cầu mà!
- Ờ, nhưng đã dời về Tuy Hòa năm kia. Ở Tuy Hòa buôn bán phồn thịnh hơn.
- Chắc họ nói thêm đấy. Còn nhỏ mà!
- Họ khóc lóc với nhau. Họ thề với nhau nữa mà!
- Khóc? Thề? Chắc không có đâu!
- Mày ngu lắm.
- Kệ tao.
Câu chuyện đã kết thúc một cách hết sức ngớ ngẩn. Lý yêu và được yêu lại là một điều tự nhiên, tôi có thể tin được, vì Lý trắng trẻo xinh trai, nhưng tôi vẫn cho là người ngoài họ phóng đại. Khóc với nhau? Thề nguyền với nhau? Hơi khó tin.
Sau đó mấy năm, ngẫu nhiên tôi nhận được bức thư của một anh bạn cũ, anh Dưỡng ở từ Tuy Hòa gởi tới. Lúc bấy giờ tôi đang học ở Hà Nội. Trong thư Dưỡng nói rằng hiện đang dạy học cho trường Bình Minh ở Tuy Hòa. Bình Minh? Hừ, cái tên nghe quen quen. Trong thư trả lời, tôi bắt Dưỡng viết rõ ràng hơn về cái trường anh hiện đang dạy. Dưỡng làm theo lời tôi. Thì ngẫu nhiên thay, trường Bình Minh chính là nơi khởi đầu mối tình Xuân-Lý. Tôi nhân dịp, bắt Dưỡng kể rõ ràng hơn về mối tình này.
Sau đây là đại lược những điều Dưỡng kể:
Vào Sơn Hòa được một năm, cô Lý cho Lý học lại. Vì quá tuổi, không xin vào trường Nhà nước, nên Lý phải xuống Tuy Hòa học ở trường Bình Minh. Cùng học một lớp có Xuân, con gái ông Đồng Nhơn. Hai người yêu nhau. Ông Đồng Nhơn biết được, đánh mắng con nhiều lần, rồi ông giao cho vợ kiểm soát con. Tính ông nghiêm khắc, vợ sợ lắm, tuân lời răm rắp. Nhưng vì quá sợ mà bả trở lại che chở cho con, sợ ông đánh con nặng tay. Rốt cuộc, họ ở trong cái vòng luẩn quẩn.
Hết năm lớp nhất, Xuân ra trường Đồng Khánh ở Huế học. Lý vào Nha Trang. Họ vẫn thư từ khắng khít với nhau luôn. Hai năm sau, Lý bỏ Nha Trang ra Huế học luôn, hai người có dịp gặp lại nhau.
Trong giai đoạn này, có lần Dưỡng viết cho tôi:
- Ông Đồng Nhơn tức tối lắm khi nghĩ rằng con mình không thuộc quyền điều khiển của mình nữa. Ông định rút con về, không cho đi học nữa, nhưng bạn bè khuyên giải lại thôi. Ông có đến nhà bà cô Lý ở Thạch Thành, yêu cầu rầy la ngăn cản Lý. Bà cô chỉ hứa ậm ừ. Hai bên có cãi nhau. Tức quá ông thề không bao giờ gả Xuân cho Lý. Nhiều điều kiện “độc địa” được kèm theo để đảm bảo lời thề ấy.
Ở một căn gác trọ xa xôi giữa phố Ngõ Trạm, tôi đọc bức thư của Dưỡng, vừa ngồi vẩn vơ nghĩ đến Lý. Tôi tưởng tượng một anh chàng trắng trẻo xinh trai, hơi rụt rè. Ừ, bản chất của Lý hình như là dè dặt rụt rè lắm mà! Thế mà khi yêu thì lại cuồng nhiệt đến thế? Tiếp theo, tôi thương hại Lý vì mối tình ngang trái của anh ta. Ông Đồng Nhơn, theo lời Dưỡng, theo những sự việc nhiều người thuật lại, quả rất nghiêm khắc. Vả lại, vào trường hợp ông, ai cũng dư điều kiện để nghiêm khắc vì kẻ phải đối phó chỉ là con mình và nghiêm khắc chỉ có lợi cho mình. Tương lại của Lý chưa có gì đảm bảo là sáng sủa hơn tương lai của Xuân cả. Gia đình của Lý thì lại không hơn gia cảnh ông. Lý luận một lát, tôi thấy quả Lý đã gặp trở ngại trong tình yêu. Nhưng lạ chưa, đồng thời vẩn vơ thương hại Lý, đồng thời tôi thấy rằng Lý sung sướng. Được yêu người, được người yêu, chẳng thú vị sao? Trở lực bên ngoài chỉ làm tăng giá trị của tình yêu. Họ càng thêm sung sướng vì thấy mình thêm xứng đáng với người yêu của mình. Thật mâu thuẫn. Tôi quay ra thương hại ông Đồng Nhơn hùng hổ nhưng bất lực. Và, lạ chưa, tôi lại quay ra ghen với Lý, vì tôi chưa được hưởng một mối tình cay đắng, đậm đà như thế.
Biết được những uẩn khúc của mối tình ấy nên tôi không tin rằng Lý sẽ ra Hà Nội, mặc dù chính anh gặp tôi và nhờ tìm chỗ trọ giùm. Học ở Huế chẳng thích sao? Ngày nghỉ được gặp chị Xuân chẳng êm đềm sao. Nhưng thực tế là bức điện tín hiện nằm trong túi áo sơ mi tôi đây và tôi đang lên ga Hà Nội đón Lý đây. Tôi tự nhủ:
- Lại có những biến chuyển mới.
Tàu tới. Từ toa hạng nhì, Lý nhanh nhẹn nhảy xuống. Anh mặc sơ-mi chẽn, quần short trắng. Đôi bít tất thể thao trắng bó ống chân. Tôi ngạc nhiên thấy đôi chân vạm vỡ, trái ngược với khuôn mặt mảnh mai. Chúng tôi bắt tay nhau. Lý nói trước:
- Tôi cứ sợ anh không nhận được điện tín. Thấy anh lên đón, mừng quá!
Tôi không biết nên nói lại lời gì. Tôi cứ bị ám ảnh vì mối tình của anh, nên tự nhiên tôi coi anh như khác với mọi người; do đó, tôi có cảm tưởng rằng phải tìm những lời gì đặc biệt để trao đổi cùng anh. Túng quá, tôi phá tan sự im lặng bằng một câu nhảm:
- Ở Huế nóng lắm phải không anh?
- Tôi không biết rõ. Tôi ở Tuy An ra thẳng đây.
- A! Anh không ghé lại Huế?
- Không.
Ngừng một giây, tôi tiếp:
- Nguyễn Đức Tâm làm gì rồi? (Tâm là bạn cũ của chúng tôi)
- Làm thư ký ở Sở Đạc điền, Sông Cầu.
- Nguyễn Chín?
- Ở nhà. Nay đã đổi tên lại: Nguyễn Duy Minh.
Tôi mỉm cười một mình. Đổi tên cũng là một công việc.
Hai chiếc xe cao-su đưa chúng tôi về nhà trọ ở phố Sinh Từ. Lý bàn ngay đến việc học. Anh quyết định xin vào học lớp Seconde (1 ) trường Thăng Long. Chiếc bàn nhỏ dành cho phần anh, sáng hôm sau đã đầy những sách vở, chồng xếp tươm tất. Có lẽ, đồng thời anh cũng đã quyết định đoạn tuyệt với cái quá khứ mơ mộng thiết tha để xây dựng lại một cuộc đời cần mẫn, trong sạch. Tôi lắng nghe anh đọc những định luật hình học, những công thức hóa học mà lòng vui vẻ bâng khuâng. Phải, bâng khuâng vì nhìn anh, tôi có cảm tưởng như nhìn một con chim nhỏ vừa thoát khỏi nanh vuốt của một con ó dữ tợn. Phải, bâng khuâng vì tôi nghĩ, không biết ở ký túc xá trường Đồng Khánh, cô Xuân cũng ngồi nhẩm học công thức hóa học tươi tỉnh như anh hay úp mặt vào gối mà thổn thức? Thật rắc rối là anh Lý. Anh đem lại cho tôi không biết bao nhiêu ý nghĩ vẩn vơ. May thay, không lúc nào tôi phải suy nghĩ vẩn vơ lâu. Hoặc có lúc thì anh Hòe vụt thích thú ngâm lên hai câu Kiều, hoặc có lúc thì anh Tuy ở phòng bên chạy sang hỏi vớ vẩn. Anh Hòe ở chung phòng với chúng tôi, học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật. Anh quê ở Sơn Tây, có đặc tài ngâm Kiều. Khi anh bắt giọng lên ngâm thì dù mải mê làm toán hay mầy mò tìm một chữ Anh làm bài dịch, chúng tôi cũng đều phải lắng tai nghe. Nghe xong chưa đủ, thế nào sau đó, khoái trá, chúng tôi cũng ba hoa bàn tán về thơ hay văn. Nếu có người này biết quí thì giờ thì bao giờ cũng có một hay hai người khác quên khuấy mất điều đó để gợi ra vấn đề mà bàn nhảm. Tức quá, chúng tôi sửa lại câu Kiều anh hay ngâm:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
ra:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi gậm giường.
cho có vẻ tồi. Anh bình tĩnh ngâm câu thơ tồi đó. Thế mà chúng tôi vẫn lắng tai say mê nghe.
Anh Tuy ở phòng bên hình như chỉ ở nhà chơi không chịu đi học đâu cả. Ngồi buồn, anh hay sang phòng khác để kiếm chuyện nói nhảm. Anh làm ra bộ lừng khừng, như người mất trí. Có lẽ anh đã đọc ở một cuốn sách nào người ta tả một nhân vật có tài nhưng suy nghĩ quá thành ra lừng khừng. Nhà bác học lừng khừng trông chắc sang trọng nên anh ta cũng bắt chước cái vẻ lừng khừng ấy. Anh xăm xăm đi tới phòng chúng tôi, dừng lại, hỏi trỏng vào:
- Buồn không?
Hồ Văn Nghĩa, người Sa Đéc, nhỏ nhất trong bọn chúng tôi hay trả lời lại:
- Buồn. Đi đâu đó?
- Đi phiêu lưu.
- Nơi đâu?
- Một nơi vô định.
Thường đến đây thì Lý can thiệp:
- Nghĩa! Học đi. Đừng nói nhảm.
Có phải Lý đã lành bệnh rồi chăng?
Điều xét đoán của tôi sẽ không lầm nếu thỉnh thoảng chừng dăm ngày anh không nhận một lá thư phong bì xanh nhạt mà anh đọc một cách tha thiết say mê. Đọc xong, anh bỏ mọi công việc để ngồi trả lời ngay. Rồi vội vã thay quần áo, anh đi ra đầu ngõ để bỏ vào thùng thư. Suốt ngày hôm đó, tôi thấy anh hút thuốc nhiều hơn thường lệ, anh quen tay gạt tàn thuốc lá mặc dù ở đầu ngọn lửa không kịp có một ngọn khói thuốc lá nữa. Nhưng qua một đêm, sáng ngày hôm sau, anh lại bận bịu bên sách vở.
Một hôm nhìn thấy Nghĩa ngồi mạng một miếng rách ở vai áo. Lý nói:
- Ném nó đi. Mạng làm gì?
Nghĩa nhìn anh:
- Uổng anh. Mình chịu khó ngồi mạng một chút, mặc đỡ được vài tháng nữa.
- Làm trai phải lo những việc lớn. Ngồi tủn mủn những việc nhỏ mọn, tốn thì giờ.
Có đêm, Hòe thấy Lý ngồi châm điếu thuốc này nối theo điếu thuốc khác. Hòe bảo:
- Lý bỏ thuốc lá đi. Hút tốn lắm. Anh xem, mỗi ngày đêm một bao hết hai cắc.
- Hai cắc hay hơn, điều ấy không cần. Vấn đề là thuốc lá có đem lại cái thích gì hay không? Với tôi, thuốc là kích thích sự suy nghĩ. Hút thuốc, tôi thấy thú. Tôi không nghĩ đến hai cắc đó nữa. Mua được cái thú, hai cắc nghĩa lý gì?
Một hôm, cả phòng đi vắng chỉ còn mình tôi. Lý tâm sự:
- Có lẽ tôi thôi học anh ạ.
Tôi ngạc nhiên hỏi vội:
- Sao thế? Còn bốn tháng nữa thi. Mà anh học khá, có hy vọng đỗ lắm.
- Tôi biết vậy, nhưng sốt ruột lắm. Ngồi học bình tĩnh sao được trong khi tình hình biến chuyển bốn bên.
Tình hình biến chuyển? Quả tình hình có biến chuyển, nhưng có quan hệ gì đến lũ học sinh chúng tôi, đến anh Lý? Lúc bấy giờ chúng tôi đang ở vào khoảng đầu năm 1942. Nước Pháp bại trận ở Âu châu đã mở đường cho Nhật tràn vào Đông Dương. Nhân tâm xao xuyến. Những giá trị cũ lung lay trong không khí mới. Những cô đầm cong cớn không còn nghênh ngang ở trên phố Tràng Tiền mà được thay bằng những anh lính Nhật lùn, đi lạch bạch với vỏ gươm dài lê thê. Người ta hay bàn tán đến thời sự. Nhiều người vì không ưa Pháp nên hóa ra ưa Đức và Nhật. Thật hết sức là đơn giản. Họ không cần biết Đức thế nào, Nhật thế nào. Mặc dù vậy, họ vẫn lý luận rất hăng, thương ghét ra mặt.
Lý hay vắng nhà. Nhiều bữa để phần cơm cho anh đến mãi muời giờ đêm mà vẫn không thấy anh về ăn. Tôi không muốn dò xét cử chỉ Lý, nhưng tôi vẫn thấy có bổn phận phải hỏi thăm. Nếu để mặc thì có vẻ vô tình quá. Tôi hỏi:
- Độ rày bận gì mà thấy anh hay về trễ?
Lý ấp úng:
- Có mấy vấn đề ở trường.
Tôi thường bỏ lửng không hỏi tiếp, hoặc bằng cách giả như bận việc gì, hoặc bằng cách lật đật chạy đi đâu đấy.
Nghỉ Tết năm ấy, Lý và tôi về quê ăn Tết. Tàu hỏa chạy gần tới Huế, Lý bảo tôi:
- Lát nữa tàu đậu ở Huế, tôi xuống ga có chút việc. Anh coi chừng dùm mấy cái va-li của tôi.
Tôi gật đầu, biết ngay chút việc đó là việc gì. Khi tàu chạy chầm chậm qua mặt ga Huế để sắp sửa dừng lại, tôi đưa mắt qua cửa sổ nhìn những người đứng đợi ở sân ga, đoán xem cô Xuân là ai. Người nào cũng có thể là cô Xuân vừa có thể không phải là cô Xuân. Khi tàu dừng hẳn, đưa mắt qua lại vài vòng, tôi thấy chỗ Lý đứng là một thiếu nữ mặc toàn đồ trắng. Chiếc nón lá che mặt chỉ lộ từ nửa má xuống cằm. Khi tàu huýt tiếng báo hiệu khởi hành, khi Lý đã nhảy lên tàu rồi, tôi có phương tiện để nhìn nàng kỹ hơn. Đó là một thiếu nữ chừng mười chín tuổi, gương mặt tròn. Nước da trắng phù hợp với đôi mắt hiền dịu. Màu áo, màu guốc đều trắng. Cả cái quai nón cũng trắng.
Tết xong, vào học lại chừng được nửa tháng thì một tối Lý bảo tôi:
- Tôi đã xin thôi học rồi. Ngày mai tôi vào làm ở Tòa Đại sứ Nhật Bản, phòng quân sự.
Tôi gật gù suy nghĩ một giây rồi mới nói:
- Cũng được. Anh đã nghĩ kỹ?
- Đã.
- Có đi làm anh cũng vẫn còn ở trọ tại đây?
- Chắc thế. Cũng có thể tôi sẽ không được ở đây với các anh nữa. Nhưng đó là việc sau này. Hiện giờ chưa biết.
Nửa tháng sau, nhằm bữa tối tôi đi xi-nê về khuya, - có lẽ lúc bấy giờ đã 11 giờ rưỡi, - mở căn phòng, tôi thấy Lý ăn mặc tươm tất ngồi bên cạnh một cái rương và một cái va-li lớn. Bao nhiêu sách vở trên bàn đều dọn sạch, chăn màn cũng thu xếp đâu mất.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Anh chuẩn bị đi đâu đấy?
- Tôi đợi anh từ tối đến giờ. Tôi đã phải giã từ chủ trọ và giã từ khắp các bạn bè rồi. Chỉ còn anh. Nội đêm nay tôi phải dọn sang Sở Hiến binh.
- Sao lại ở Sở Hiến binh? Anh làm ở Tòa Đại sứ chớ có làm ở Sở Hiến binh đâu?
- Họ chuyển tôi sang đó.
- Đừng chịu! Làm ở đó khổ cực.
- Tôi thấy rằng làm ở đâu cũng vậy. Miễn là họ có thể giúp đỡ mình.
- Giúp cái gì? Anh cần gì phải ai giúp?
- Có.
Nói đến đấy, Lý ngập ngừng rồi thôi. Tôi nói tiếp:
- Làm ở Sở Hiến binh đi khuya về sớm không có giờ giấc nhất định, nhọc lắm. Vả lại, còn nguy hiểm nữa.
- Điều đó tôi biết.
- Thế sao anh không từ chối? Toyo Menka, Showa Tsusho, Mitsubishi Kaisha, Yokohama Speciebank… bao nhiêu chỗ cần người. Sức như anh vào làm ở những chỗ đó thong thả, điên dại gì lại đi làm Hiến binh.
Lý lầm lỳ không trả lời. Cuối cùng, anh đứng dậy giơ tay cho tôi.
- Thôi tạm biệt anh. Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Tôi cám ơn anh đã giúp đỡ tôi trong những ngày đầu bơ vơ ở Hà Nội.
- Điều đó không đáng kể.
Lý vội vã nói tiếp, như sợ tôi nói thêm:
- Tôi sẽ thỉnh thoảng ghé thăm anh. Khi có việc gì cần hỏi tôi, anh cứ lại Sở Hiến binh ở cuối đường Gambetta hoặc viết thư cũng được. À… nhưng nhớ rằng hỏi Hoàng Gia Lý thì không ai biết được đâu đấy. Bây giờ tôi là Hô-ka-Li.
- Là cái gì?
- Hô-ka-Li.
- Hô-ka-Li là cái gì?
- Là Hoàng Gia Lý, phát âm theo Nhật ngữ.
- Hô-ka-Li.
Tôi đưa tay cầm lấy tay anh mà trong óc lật qua lật lại mấy chữ Hô-ka-Li. Cái tên đã đổi rồi thì không biết cuộc đời và mối tình của anh có còn giữ vẹn như xưa không?
Từ đó, thỉnh thoảng đi phố, tôi có gặp Lý. Những khi nhìn Lý đi ô-tô hòm tôi thấy vui vui, nhưng mỗi khi thấy anh đứng trên xe nhà binh mui trần với một tốp lính là lòng tôi thấy bùi ngùi, ái ngại. Tôi cứ băn khoăn tìm hỏi không hiểu vì sao Lý lại bỏ đi làm như vậy.
Vì yêu nước? - Có thể lắm.
Vì danh vọng sự nghiệp? Cũng rất có thể?
Vì tình duyên có sự trở ngại? - Sao lại không?
Lâu lâu, Lý ghé lại nhà trọ thăm lũ chúng tôi. Anh hay đem theo quà. Có lần là những tập sách tuyên truyền về Đại Đông Á với những hình đẹp. Hồ Văn Nghĩa thích ảnh đẹp nên vồ lấy ngay. Có lần anh chỉ cho chúng tôi xem ảnh của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và ông Chandra Bose rồi giảng cho chúng tôi nghe những bài báo viết bằng tiếng Nhật ca tụng tinh thần Quốc gia của các nhà ái quốc này. Có lần anh đem đến một cái bánh tổ làm tại Nhật Bản do quân bưu đưa sang. Anh em phòng tôi và các phòng khác chia nhau mỗi người một miếng nếm thử. Có lần anh không đem đến gì cả mà chỉ uể oải tìm chỗ nằm rồi nói:
- Mệt quá.
Chúng tôi ái ngại nhìn anh gầy đi. Nước da xanh và hố mắt sâu xuống. Nhưng sợ anh buồn nên chúng tôi không ai nỡ nói. Chỉ có Nghĩa nhỏ nhất nên hay hấp tấp nhất, nói không kịp nghĩ:
- Anh Lý ơi! Sao anh ốm dữ quá vậy? Bộ ở trong quân đội nhịn đói sao anh?
- Nói bậy mày. Lý đạp lại.
- A!… nói vậy thì chắc là tại anh ăn ngọt không được chớ gì. Tôi nghe lính của họ ăn món gì cũng ngọt lịm hết. Kho cá mà ngọt quá chè đa…
- Ăn ngọt mạnh chớ sao. Mà, tao đâu có ốm, Nghĩa?
Vừa nói, Lý vừa xắn tay áo lên đưa ra đưa vào cho nổi bắp thịt.
Gặp bữa ăn, Lý hay ở lại ăn chung với chúng tôi. Nhìn anh ăn uống vui vẻ, pha trò vui vẻ mà cảm động. Anh gắp thịt luộc chấm mắm tép cặp với rau rồi vừa bỏ vào miệng vừa nói:
- Đúng là tinh thần Việt Nam.
Hòe đùa:
- Việt Nam banzai (vạn tuế)
Tôi bùi ngùi bảo Lý:
- Thế thì chiều nay anh ở lại đây ăn cơm. Chiều nay có giả cầy nấu với mẻ đấy. Nhằm vào món anh thích.
Lý vui cười:
- Đúng lắm, tôi thích giả cầy lắm. Nhưng chiều nay không ở lại được. Thôi xin hẹn lần sau.
Ăn chưa xong bữa, chợt Nghĩa đứng dậy lấy áo khoác vào người (Nghĩa có tật ăn cơm phải ở trần) rồi lật đật chạy xuống cầu thang. Một lát sau nó rầm rập chạy lên, mở vội gói cầm tay, bày ra mấy phong bánh in.
Lý khen:
- Sang quá ta! Tráng miệng bằng bánh in đậu xanh mỡ.
Hòe giảng giải:
- Không đâu. Hôm nay thằng Nghĩa nó thết anh đấy. Ngày thường thì tráng miệng bằng thèo lèo thôi. Đêm qua nó lại đánh cò quay ăn một hơi được hai mươi tám bao Cotab đó anh Lý ơi!
- À!…
Nghĩa “à” to một tiếng như chợt nhớ ra, vội lại ngăn tủ lấy năm bao Cotab đưa cho Lý.
- À, suýt nữa tôi quên. Anh cầm năm bao thuốc về hút.
Lý mỉm cười:
- Cái món “tương tư thảo” này, mày cho bao nhiêu tao cũng nhận.
Thăm chơi xong, Lý giã từ chúng tôi. Tiếng giày anh gõ lộp cộp trên sàn gỗ, quá hiên ngang mạnh bạo so với cái thân hình mảnh khảnh. Trọng tâm người anh như đã rơi thấp xuống ngang đế giày. Đôi vai cong cong. Cái đầu hơi chồm ra trước. Tôi nhớ một bữa nào trước đây, Nghĩa nó nói với tôi:
- Anh ơi, tôi coi cái tướng anh Lý ngó lao đao quá.
Một ngày tháng Năm, tôi nhận được một bức thư của Dưỡng, trong đó có một đoạn Dưỡng viết:
“Anh có biết hiện giờ Lý ở đâu không? Xuân có gởi thư hỏi tôi, nhờ tôi viết thư hỏi thăm anh. Xuân bảo chỉ có anh là biết địa chỉ của Lý thôi. Xuân đã viết năm cái thư cho Lý rồi mà không thấy trả lời. Không biết Lý có nhận được không? Hay Lý hiện không còn ở đấy…”
Tôi dè dặt không trả lời ngay cho Dưỡng. Đợi hôm nào gặp Lý hỏi lại đã. Nếu Xuân không được tin chắc chắn là tại Lý không muốn viết đó thôi. Tựu trung, hẳn có một uẩn khúc gì đây.
Hôm Lý ghé thăm, tôi đưa đoạn thư của Dưỡng cho Lý đọc. Anh lướt qua thật nhanh, trầm ngâm một giây rồi chậm rãi nói:
- Anh đừng cho biết địa chỉ của tôi. Cứ lờ đi đừng trả lời. Nếu Dưỡng cứ nhắc đi nhắc lại thì anh cứ nói rằng lâu ngày không gặp tôi. Tôi nhờ anh điều đó.
Nói xong, anh kêu xe tay rồi vội vã chào tôi:
- Tôi cần về sở gấp để sang Gia Lâm. Lúc nãy bom ném ở Gia Lâm. Thiệt hại khá nặng.
Chiến tranh mỗi ngày mỗi tràn lấn sang Việt Nam, đã đến giai đoạn phi đội Mỹ chiếu cố đến các căn cứ quân sự Nhật ở Việt Nam, thả bom trúng đích hơn và thường xuyên hơn. Sài Gòn bị ném bom. Hà Nội bị ném bom. Tháng Mười năm 1943, tôi nghỉ học chạy tản cư về quê.
Lý tiễn chân tôi ra tận sân ga. Anh bùi ngùi nói:
- Thế là tôi bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh. Tôi không còn được cái thú vô tư của người đứng ngoại cuộc như các anh để thản nhiên xem người khác chém giết nhau.
- Đã chắc gì thản nhiên.
- Nhưng cũng gần vậy.
Khi tàu gần chạy, anh đưa cho tôi một phong thư và nói:
- Khi nào gặp Dưỡng, nhờ anh trao dùm thư này cho Dưỡng, để Dưỡng đưa lại cho Xuân. Có lẽ đây là cái thư cuối cùng của chúng tôi.
Khi tàu chạy, anh đứng lẫn sau những cột trụ, sau những người đi lại.