Phần III

    
au bữa cơm trưa, Vân lại nằm ở giường, gần bộ ván rộng tôi ngồi. Qua khe rèm tôi thấy nàng nằm vắt tay lên trán. Chốc chốc thấy nàng trằn trọc và thở dài. Tôi im lặng không biết nói gì. Trong khi quay cuồng lẫn lộn, óc tôi lại đẫm trong một sự êm ái man mác. Tôi nhìn về dĩ vãng, nhớ lại ngày gặp nàng, nhớ lại ngày nàng lấy chồng, nhất là những ý nghĩ âu yếm nàng đã dành cho tôi trong những ngày nàng lấy chồng. Nhớ lại những ngày cuối cùng ở Sông Cầu, tôi lên tiếng hỏi:
- Ngày tôi nằm nhà thương, tôi nghe người ta hay nhắc đến tôi mỗi lần nói đến chị và Nhã. Hình như Nhã nghi ngờ tôi lắm?
Vân quay sang nhìn tôi:
- Nhã có tính rất lạ, cứ nghi tôi với anh. Có hôm tôi vào Tuy Hòa, xuống Ngọc Lãng rồi về. Nhã nghe tôi vào Tuy Hòa, đinh ninh là cốt để gặp anh nên giận dỗi, tra hỏi. Thấy Nhã vô lý, tôi bực mình ngồi đặt chuyện gặp anh, thăm anh v.v… nói với em gái tôi. Nhã về tra hỏi em tôi. Nó không nói. Anh điên lên, rượt đánh cả nó nữa.
- Tôi nhiều khi thấy cuộc đời cũng oái oăm quá. Tôi gặp chị một lần không hề nhớ mặt, chỉ hôm nay mới thấy rõ ràng, thế mà ai ở Sông Cầu cũng đinh ninh là tôi với chị đã gì… ghê lắm. Tôi thì chưa hề hiểu chị, thành ra chỉ một mình nghĩ, một mình biết, có lẽ suốt cả đời sẽ cũng chỉ vậy, nếu hôm vừa rồi Uyển không tình cờ nói cho tôi biết.
Vân hỏi Uyển nói gì, tôi thuật lại các điều Uyển đã nói cùng tôi. Cuối cùng tôi hỏi nàng:
- Có phải chị đã nói như vậy không?
Nàng không trả lời. Sau một hồi ngần ngừ, nàng mở to mắt nhìn thẳng tôi:
- Nhưng thôi, việc đã qua rồi. Mình không có quyền nghĩ đến nữa.
- Nhưng còn cả cái hiện tại và cái tương lai của chị?
Nàng nói mau, vội vàng:
- Cũng mặc, mặc tôi. Anh không phải nghĩ. Anh không có quyền nghĩ đến nữa.
Thấy tôi nhìn nàng, nàng cũng nhìn tôi thật lâu rồi buồn rầu nói:
- Anh không có quyền nghĩ đến thật vì anh có bổn phận phải nghĩ đến chị đang có mang, phải nghĩ đến cháu sắp sinh. Bổn phận của anh nặng lắm. Chị bao giờ thì sinh hở anh?
- Có lẽ cuối tháng Một, chưa biết chắc.
- Anh có bổn phận phải lo cho chị thật chu đáo. Chị xa gia đình, xa quê hương, đi cùng anh về đây là chị yêu anh lắm. Anh có nhớ không?
- Nhớ lắm. Nên tôi bao giờ cũng lo cho nhà tôi. Chỉ có bây giờ thấy chị như đang đi vẩn vơ trên một con đường không có đích nên tôi không yên tâm.
Vân nhíu mày:
- Tôi đã nói, anh cứ yên tâm.
- Nhưng yên tâm thế nào được?
Thấy tôi mạnh giọng hỏi, Vân tròn mắt nhìn tôi rồi nghẹn ngào nói:
- Quên đi.
- Quên đi là một điều không phải dễ!
- Đành rằng thế, nhưng đã nhớ bốn năm hơn rồi. Bây giờ dù quên mà phải khổ cũng phải cố quên. Bốn năm khổ còn chịu đựng được thay!
Tôi không biết nói sao, chỉ nhìn nàng thôi. Nàng xem chừng như băn khoăn đau đớn trong lòng lắm nên nhìn thẳng tôi không chớp mắt.
- Quên đi.
Mặt trời ngã chiều. Tôi sắp sửa đi về. Tôi đứng lại gần nàng, cầm tay nàng nói.
- Em phải thu xếp cuộc đời cho nó quy củ, cho có phương châm nhất định. Anh đã nói, anh không hiểu rõ hoàn cảnh em cho bằng em được, nên anh không dám thu xếp dùm em. Anh chỉ xin em nhớ kỹ rằng ngày nào em còn vẩn vơ vô định như thế này là ngày ấy anh còn phải lo phiền về em, em nhớ chưa?
Nàng chỉ nhìn tôi mà không nói. Tôi nhìn xuống bàn tay nàng thon thả nằm gọn trong bàn tay tôi. Ngón tay dài, trắng và mảnh mai. Mắt tôi chạm phải chiếc nhẫn cưới nàng đeo ở ngón tay kề. Một ý nghĩ chua xót vương lấy óc tôi. Tôi chầm chậm đưa bàn tay lên môi. Rồi tôi nói khẽ:
- Thôi anh về!
Suốt ngày hôm sau, tôi cứ bị đôi mắt mở rộng, đen và sâu thẳm của Vân nhìn thẳng tôi, thật lâu, thật êm và thật buồn. Tôi cứ thấy mãi đôi môi của Vân nhếch một nếp nhăn đau đớn, thẫn thờ khuyên tôi: “Quên đi”. Tôi lại nghĩ miên man về nàng. Tôi không biết nàng đang đi đến đâu và đi như thế nào. Xét lại cuộc gặp gỡ hôm qua, tôi thấy tôi vẫn chưa hiểu nàng, chưa cùng nàng định rõ một thái độ nào, một lối xử thế nào cho rõ ràng cả. Tôi đâm ra lo lắng vì nàng, cho nàng. Những điều dự định khuyên lơn và an ủi chưa nói hết và chưa nói đủ. Tôi phải gặp lại nàng, chúng tôi phải thỏa hiệp với nhau về đường lối sống và nghĩ duy nhất dành cho nàng. Để tôi được yên tâm hơn.
Chiều đó tôi nhờ người tin cho nàng biết tôi cần gặp riêng nàng để bàn bạc thấu đáo hơn. Sau nhiều hồi lưỡng lự, nàng thuận theo lời tôi.
Đêm mát, lành lạnh. Sao sáng đầy trời. Chúng tôi ngồi bên cạnh nhau. Tiếng nước chảy rì rào ở đập nước bên cạnh làm tăng sự im lặng của cảnh vật xung quanh. Tôi bắt đầu xin lỗi nàng vì bắt buộc phải gặp nhau trong một hoàn cảnh không được đường hoàng như thế này, nhưng có thế này mới dễ nói, dễ hiểu, dễ thấu, để dễ quyết định. Tôi nhắc lại ngày gặp nàng lần đầu, mối cảm động nàng đã gây cho tôi và ý định tốt đẹp tôi đã dành cho nàng. Vân lẳng lặng nghe, thỉnh thoảng nhắc lại:
- Lạ quá. Hai người cùng một ý nghĩ mà hai người cùng không nói cho nhau nghe.
Nàng hỏi tôi:
- Tại sao cả hai người đều nghĩ giống nhau như vậy?
Tôi lắc đầu, không biết trả lời sao. Tôi nhắc đến những ngày nhớ nàng ở Đà Lạt, ở Sài Gòn rồi tôi kết luận:
- Như thế nghĩa là từ ngày xưa anh đã có yêu em. Bây giờ anh còn thêm cái nghĩa, nghĩa cũ đối với em nữa. Em tin anh là phải. Em nghĩ kỹ xem, em có tin anh không?
Nàng tựa đầu vào vai tôi, nói:
- Có.
- Em nhắc lại đi, em có hoàn toàn tin anh không?
- Có.
- Được rồi. Có được đức tin ấy là công việc đã giải quyết được một phần rất lớn rồi. Từ lâu, anh lo rằng em không có một người nào để tin cả. Nay em đã tin anh thì anh bảo em nghe. Em hiện có bốn mươi năm, năm mươi năm, sáu bảy mươi năm để sống nữa. Em cầm hằng mấy mươi năm dài dằng dặc ấy trong tay, em đã thấy quan trọng chưa.
- …
Định đoạt một việc gì, nhất là việc quan hệ đến đời mình, không phải dễ. Riêng đối với em càng khó hơn. Anh không muốn nhắc lại vì sao. Nên em cần phải nghĩ thật kỹ, và tham hiệp ý kiến với những người hiểu em và thật lòng thương em. Em nghĩ sao?
Nàng ngoan ngoãn nói:
- Nghĩ kỹ thì bao giờ em cũng nghĩ kỹ. Bây giờ có anh, em sẽ hỏi ý kiến anh mỗi lần phải định đoạt một việc gì khó khăn.
Tôi siết chặt tay nàng rõ lâu, tỏ tấm lòng thương yêu vô hạn đối với nàng. Tôi nói:
- Anh tin ở lời em. Mỗi lần phải định đoạt một việc gì quan trọng, em nhớ cho anh biết. Anh sẽ giải quyết cùng em. Anh sẽ xem em như em của anh. Anh lo cho em, em mà có thể nào, anh sẽ khổ tâm lắm.
Vân cầm tay tôi mân mê rồi nói:
- Anh không lo. Em cũng xem anh như anh của em vậy.
Nỗi êm đềm do tấm lòng thành thật của chúng tôi đã dành cho nhau khiến lòng tôi yên tĩnh lại. Tôi nhìn lên trời thăm thẳm sâu. Sao dày chi chít. Tôi nâng cằm nàng, chỉ về một ngôi sao sáng. Tôi nói:
- Anh gởi em cho ngôi sao sáng kia.
Đêm đã khuya, nàng giục về. Chúng tôi đứng dậy, đi song song nhau.
Vai nàng kề sát vai tôi.
Đường nhỏ gập ghềnh. Thỉnh thoảng, những bụi tre đứng vững chãi, bóng đen vươn cao.
Vai nàng kề sát vai tôi.
Tiếp theo, tôi có nhiều dịp để hiểu nàng qua những thư nàng viết. Lần nào nàng cũng khuyên tôi nên cố quên nàng đi để lo cho vợ tôi, cho đứa con sắp sinh của tôi. Muốn cho tôi yên tâm nàng nhắc đi nhắc lại rằng dù không gần tôi, nhưng mỗi khi nghĩ đến tôi, nàng có thể chống chọi lại tất cả những khó khăn ở đời. Tôi không dám tin rằng tôi đã có thể gây được cho nàng một ý chí vững chắc như thế.
Lâu lâu, tôi lại nghe một dư luận không tốt về nàng. Dư luận thường không do đàn ông chuyền đi. Có lẽ sắc đẹp đã làm bức thành bảo vệ cho nàng. Người đàn ông nào cũng ích kỷ, cũng yêu cái đẹp. Đàn bà hay nhắc đến nàng hơn. Đàn bà cũng lại ích kỷ như đàn ông, muốn mình đẹp hơn nữa và được bảo đảm chồng mình là của riêng mình. Tội nghiệp cho Vân, nàng hiện đang đẹp và đang không chồng!
Người ta đều như cho rằng Vân hiện đang say sưa chinh phục. Điều này nghe có vẻ đúng. Tôi thường nghe người ta, - những đàn ông - tả và so sánh sắc đẹp của nàng mà chưa hề nghe ai nói đến tâm hồn nàng cả. Không ai nghĩ rằng nàng có một tâm hồn, tâm hồn đặc biệt của riêng nàng, tinh tế, tế toái, phân biệt sâu sắc, ý thức rõ ràng những rung động muôn mặt của tình cảm.
Nàng viết cho tôi:
“…Hình như đã nhiều lần rồi, em viết và nói với anh rằng anh cứ thương em như em của anh vậy. Nhưng anh ơi, em đã dối lòng em nhiều quá. Ngoài miệng thì em bảo:
Coi em như em của anh đi! Nhưng lòng em nó không muốn thế đâu. Thôi, chúng ta xa nhau hẳn thôi. Thà xa nhau còn hơn là giả dối với nhau như thế. Một là được anh yêu, hai là xa cách hẳn đi, chớ cứ đóng kịch như thế mãi, khổ tâm em lắm…”
Không! Vân không ác tâm chinh phục ai. Lũ thiêu thân bị cháy cánh, đâu phải lỗi của ngọn đèn. Trong khi ấy, thỉnh thoảng nàng lại cho tôi nghe một vài nỗi thắc mắc: nàng muốn vào Nha Trang thăm Nhã bị bệnh nặng… rồi muốn vào Nha Trang vì nghe tin thầy Nhã mất. Độ một tháng sau, nàng tỏ ý muốn đi Bồng Sơn buôn. Rồi không hiểu tại sao bỗng cho tôi biết rằng đã đổi ý định, muốn rút đơn xin ly dị. Nàng hỏi ý kiến tôi. Tôi không biết nên trả lời như thế nào mà chỉ bối rối theo sự quay cuồng hỗn độn của tâm hồn nàng. Tôi phải gợi lên vẻ mặt sáng rỡ của nàng, tươi tỉnh như chỉ biết ở nụ cười. Tôi phải nhè nhẹ gợi lên tên nàng để tưởng nghe một sự êm đềm thoang thoảng: Thu Vân. Tôi tự hỏi sao tên nàng lại là Thu Vân. Mây mùa xuân có sáng sủa, nhẹ nhàng hơn không? Mây mùa hạ có rực rỡ huy hoàng hơn không? Sao nàng lại là mây mùa Thu, mùa Thu túc sái, mùa Thu sương giăng lá rụng, mùa Thu nghiêm nghị, trầm, buồn?
Cứ như thế, ngày tháng lặng lẽ trôi.
Vợ tôi sinh đứa con gái đầu lòng.
Vào một buổi bất ngờ, Vân đến thăm vợ tôi mà không cho tôi biết trước. Nàng đã lừa dịp tôi vắng nhà. Không biết hai người đàn bà đã tự giới thiệu với nhau như thế nào, nhưng chắc chắn là họ bỡ ngỡ không lâu. Vân thì biết rõ vợ tôi lắm. Không hiểu do đâu nàng biết vanh vách về thân thế vợ tôi, về tâm tính, về sở thích… biết nhiều hơn tôi nữa vì có cả những điều, hình như không có thật. Vợ tôi thì cũng đã quen với nàng qua những lời tôi kể lại và câu chuyện Clémentine tôi đang viết dở dang.
Chiều hôm ấy, vợ tôi báo tin cho tôi biết:
- Xế hôm nay có khách.
- ……?
- Cô Vân.
Đôi môi tôi nhíu lại vì việc xảy ra hơi đột ngột, tôi không kịp chuẩn bị.
- Em thấy thế nào?
- Đẹp… dễ yêu lắm.
Tôi lo lắng hỏi:
- Cô ấy đến nhằm lúc em đang làm gì?
- Em đang hái hoa bí.
Ngập ngừng một giây, vợ tôi tiếp:
- Em ngượng quá vì mình đang mặc cái áo cánh nâu. Và mời vào nhà thì lại để xem con mình nằm trong cái nôi bằng tre đan.
Tôi ái ngại nhìn kỹ vợ tôi.
Ba năm lam lũ trong hoàn cảnh chiến tranh, chúng tôi đã trót quen đi với sự bần hàn. Thói quen bắt đầu từ lúc nào, tôi cũng không có dịp nhận xét kỹ. Thoát được vòng vây của Pháp mà về đến đây, vợ tôi không còn mang theo được một tí đồ dùng gì thuộc thời đại văn minh cơ khí hết. Những cái áo cánh bằng vải thô tự tay vợ tôi may và nhuộm lấy. Chẳng khó gì: giã hột cau già để nhuộm màu nâu, giã than bếp để nhuộm màu xám. Đi đâu thì mặc quần lĩnh - mà ít có dịp đi đâu lắm - còn ở nhà thì mặc quần vải nhuộm chàm xanh rồi phủ bùn đen. Giặt dăm nước thì bùn đen bay đi, còn lỗ chỗ xanh. Tội nghiệp là vợ tôi tiếp Vân với bộ y phục nghèo nàn ấy.
Mà lại nhằm lúc đang hái hoa bí.
Tôi nghĩ đến cái giàn bí ngô của chúng tôi.
Đầu mùa thu, tôi gieo hột bí, chăm sóc để trông ngày ra trái. Nhưng lạ quá, giây bí không chịu kết trái mà cứ bò thật dài, bò mãi, cái giàn bí được nối dài, nối thêm, ba lần, năm bận, vẫn chưa đủ sức cho bí bò. Và cứ độc ra hoa đực! Vợ tôi lại sáng sáng cầm rổ ra ngắt hoa bí đực để luộc làm rau. Đời sống thanh đạm thật quá sức tưởng tượng. Nhưng thấy xung quanh ai cũng khổ nên chúng tôi không quên rằng mình đang khổ. Mùa đông, không còn được mặc áo len, áo choàng, áo nĩ, vợ tôi đành mặc một lần ba, bốn cái áo cánh vải.
Nhưng điều khiến cho vợ tôi đau khổ nhất là phải nuôi con trong sự thiếu thốn. Không có nôi, không có xe, không có màn tuyn, không có bình thủy để pha sữa và không có sữa, không có búp bê… không có gì cả! Vợ tôi tủi thân khi nghĩ rằng mới bốn năm năm trước, mình còn may áo đẹp cho búp bê, đặt trên xe, để ở phòng học…
Mười ngày sau, Vân gởi sang cho vợ tôi một người vú. Nàng phải về tận Sông Cầu để tìm thuê giúp. Vợ tôi cám ơn lắm vì vào lúc bấy giờ tìm thuê được một người vú khó hơn tìm bắn được một con voi. Cuộc giao thiệp giữa hai người đàn bà bắt đầu dưới dấu hiệu của sự thân ái.
Nhưng với tôi, Vân không ngớt là một nguồn gây bối rối. Vào hạ bán niên 1948, nàng vào làm việc ở Tòa Hành chánh tỉnh. Tôi có dịp để gặp nàng nhiều hơn, nhưng chỉ thấy và gặp chớ chúng tôi ít trò chuyện với nhau. Tính tôi thành thật quá, thành thật đến ngây thơ, cứ tưởng điều mình nghĩ là ai cũng biết rõ hết. Do đó mà chẳng lúc nào tôi tìm gặp nàng, hoặc nếu muốn sắp đặt một cuộc gặp thì phải có một chủ đích, với một ý nghĩa, một nội dung. Thật là công thức, thật là nguyên tắc! Tôi đã lý tưởng hóa một mối tình. Mối tình bắt đầu quá trong sạch, làm tôi e sợ không dám vẩn đục một tý. Cuộc sống tâm tình thành ra bị bức thúc đến ngạt thở.
Thảng hoặc mới có một sự cởi mở. Đó là những lúc tôi nhận được thư Vân. Xen giữa những đoạn hỏi thăm, thỉnh thoảng nàng để hé một mảnh lòng:
“…Nhìn ra ngoài trăng sáng… Cánh đồng Phú Long dải ánh trăng lạnh… Em tưởng tượng được đi cạnh anh… Nhưng thôi, nói nhảm anh đừng tin nhé!…
…Khuya, chợt tỉnh giấc, em nằm thao thức. Vụt mong: ước gì có cánh bay qua nhà anh, nhìn xem con anh ngủ. Chắc môi nó nở nụ cười giống anh…”
Sau những đoạn thư êm đềm như thế thì thường là những đoạn hối hận:
“…Đọc xong, anh đốt những thư em đi… Nhớ nhé. Và nhất thiết từ giờ em không gửi thư cho anh nữa. Em không gặp anh nữa đâu. Ghét em đi. Yêu chị cho rõ nhiều. Yêu bao nhiêu cũng chưa đủ. Ghét em đi. Đừng nói chuyện gì về em với chị. Anh nhớ nhé? Chị tốt lắm, tốt lắm… Nhưng làm đàn bà, em hiểu…”
Tôi đưa mắt nhìn ra xa lẩm bẩm nhắc lại:
- Nhưng làm đàn bà, em hiểu…
Tôi bắt đầu hiểu.
Vài bức thư của Vân, tôi xem xong, bỏ quên ở túi áo. Vợ tôi lúc đưa giặt, nhặt được, đem cài ở tập Clémentine đang viết dở. Mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ đến câu Vân viết:
Nhưng làm đàn bà, em hiểu…
Tuy vậy, tôi không thấy vợ tôi tỏ thái độ nào cả. Vẫn hiền lành, kín đáo. Thỉnh thoảng tôi nhắc đến Vân thì vợ tôi vẫn êm đềm nói đến nàng và không ngớt cám ơn nàng. Dù vậy, tôi không khỏi bị ám ảnh vì câu nói của Vân:
Nhưng làm đàn bà, em hiểu…
Tôi đi sâu thêm vào lý luận. Tôi đặt thêm giả thiết. Tôi tự hứa không nên chủ quan để đến nỗi nhìn lệch, nhìn cận thị. Tôi phải tinh tế hơn.
Thường thường những khi ru con ngủ, vợ tôi hay hát ru khe khẽ những điệu Valses của Strauss. Giọng nhạc nhí nhảnh, đầy tràn nhựa sống, say sưa, đầy ánh sáng, đầy màu xanh của bầu trời Áo quốc và sông Đa-nuýp thường làm cho vợ tôi quên bớt thực tại thiếu thốn để trở về với sự êm đềm hồi còn trẻ tuổi. Nhưng từ lúc nào không rõ, có lẽ chừng một hai tháng nay, thỉnh thoảng tôi nghe xen vào những điệu lạ, hơi buồn hơn. Hỏi, thì vợ tôi bảo:
- Bài Berceuse của Chopin.
- Bài Ave Maria của Schubert.
Tôi bắt đầu thoáng hiểu.
Tôi kính trọng đạo đức của vợ tôi, đã đành, nhưng tôi không có quyền làm nàng cô đơn hơn. Ngoài tôi và đứa con yêu dấu đầu lòng, vợ tôi yêu tha thiết những gì ở gần cạnh chúng tôi: con gà mái tơ vừa nhảy ổ, giàn bí đầy hoa vàng, bờ tre gần cửa sổ với những chùm lá nhọn rũ xuống, trông như những bàn tay và lóng lánh qua lũy tre là con sông xanh loang loáng nước. Vợ tôi cố yêu cái hoàn cảnh mới mẻ và thiếu thốn này, vừa cố quên đi dĩ vãng. Nhưng thỉnh thoảng dĩ vãng sống dậy mãnh liệt trong lòng nàng những khi nàng cô đơn. Tôi nhớ có đôi lần tôi đi đâu về, nhè nhẹ bước vào phòng, thấy nàng ngồi trước bàn viết, mười ngón tay thoăn thoắt chạy trên mép bàn, miệng lẩm nhẩm một điệu nhạc cổ điển và mắt nhìn thẫn thờ ra cửa sổ. Tôi đứng yên lặng, cảm động muốn rơi nước mắt. Như vậy, lẽ nào tôi còn muốn đem thiếu thốn cộng thêm vào thiếu thốn? Không, không được. Vợ tôi đã nghe theo bổn phận mà dập tắt đi những tiếng nói tình cảm. Tôi không hẳn làm trái lại nhưng tôi đã dễ dãi với tôi hơn. Như thế là không công bình. Phải, như thế là không công bình. Tôi phải công bình hơn.
Tôi nghĩ đến Vân. Và tôi gặp lại cái ý nghĩ tôi đã nhiều lần có về nàng: nàng đối với tôi như không có thật, như cái bóng, có lẽ không là cái bóng nữa mà chỉ là mùi hương thoang thoảng. Xung quanh tôi, mùi súng đạn, thực tại chiến tranh nhọc nhằn, nguy hiểm, những nhiệm vụ khắc khổ dồn dập như đè nặng lấy chúng tôi. Thỉnh thoảng gợi lên được một sự êm đềm, nghe một lời âu yếm thoáng qua, tôi có cảm tưởng như đang ở trong căn nhà hẹp mà được cửa sổ nhìn ra vườn hoa lá, thở một luồng không khí mát, ngợp vì một ít ánh sáng rung rinh và thoáng xa có tiếng chim ca.
Nhưng mùa qua chim dần lơi tiếng ca.
Tôi đã vì vợ tôi mà nghiêm khắc xét vấn đề thì cũng đã đến lúc tôi phải vì Vân mà sáng suốt giải quyết lối cư xử.
Vân hiện thời có thể không phải hoàn toàn là của anh Nhã, nhưng hoàn toàn không phải của tôi. Vân là của rủi may, của ngẫu nhiên, của định mệnh. Điều này chắc chắn lắm vì nàng trẻ và đẹp thế kia!
Hết những người này yêu nàng đến những người khác yêu và chuẩn bị yêu. Nàng quả là con chim đẹp đang dè dặt chọn cành mà đậu. Cuộc đời là vậy. Cuộc đời, tuy như con đường trăm ngã, nhưng ngã nào cũng rốt cuộc quy về một hướng. Ta hay tự phụ, không muốn đi theo con đường cũ của tối đại đa số những người khác đã đi. Ta tin rằng ta có thể khác người, ta mở những kỷ nguyên mới. Hão huyền cả! Phá xiềng xích, đạp vỡ thành kính, ta đi con đường của ta, say sưa, tin tưởng… Nhưng, nhẫn nại hơn và mạnh mẽ chắc chắn hơn, cuộc đời thường khéo sắp xếp thế nào cho ta trở lại con đường cũ của mọi người lúc nào ta không biết.
Vân cũng sẽ như mọi người, nghĩa là phải sắp đặt để tìm người cùng xây dựng cuộc đời. Tôi phải nhìn vấn đề một cách thực tế. Tôi không được ích kỷ. Hạnh phúc của nàng - phải là cứu cánh của mọi sự giải quyết. Tôi có nhiệm vụ phải xa nàng, nhường con đường rộng rãi cho một người khác sẽ tiến đến để cùng nàng song song bước.
Suy nghĩ kỹ, một chiều chúa nhật tôi ngồi đọc những thư nàng viết, sống lại từng mẫu tâm trạng kể từ lúc chúng tôi gặp nhau. Trí óc tôi lần lượt trở về với bốn năm dĩ vãng. Ngồi trước đống thư, tôi tưởng tượng như đang cầm tay nàng cùng đi trở về thăm lại cảnh cũ, những kỷ niệm ngày xưa, sống trọn một ngày bên nhau trước khi phải từ giã nhau mãi mãi, mỗi người đi theo một con đường, một định mệnh. Giờ từ giã đã đến.
Xóa hết dĩ vãng!
Tôi cầm diêm bật xòe lên châm vào đống lá thư.
Nhưng xóa hết dĩ vãng? Xóa hết? Liệu có xóa được không? Tiếng “xóa hết” nghe như giả dối và cái cử chỉ đốt cũng giả dối như vậy.
Tôi vứt que diêm xuống đất.
- Người ta không xóa được cái gì ở trong lòng, chỉ có thể gắn chôn chặt đi mà thôi, tôi lắc đầu lẩm bẩm.
Tôi xếp gọn các tờ thư lại, bỏ vào một phong bì lớn. Tôi dán lại cẩn thận, niêm lại thật kín. Tôi chôn những lời lẽ của nàng trong phong bì kín này, tự nguyện không mở ra đọc nữa cũng như tôi chôn mối tình của nàng trong lớp sâu thẳm của hồn tôi, tự nguyện không khơi vẩn lên nữa.
Phong bì đặt trước mặt tôi kia, những lời tâm tình đã chôn kín trong đó. Một sự cách trở đã xảy ra để mắt tôi không còn nhìn được nét chữ của nàng, để hồn tôi không còn rung động theo nhịp điệu của tâm hồn nàng rung động trong lời thư. Sự cách trở mỏng manh bằng sức mỏng manh của tờ giấy, nhưng lòng tôi đã nguyện thì giấy cũng đủ chắc, đủ bền, đủ gây một sự cách trở khó vượt.
Tôi ngồi lặng đi hồi lâu. Xung quanh tôi, cảnh vật hình như cũng lặng lẽ. Trong sự êm ả cô tịch, tôi lắng nghe có một vị đắng từ đâu đưa lên thấm nhẹ ở đầu lưỡi, vừa thoáng nghe một tiếng thổn thức, một tiếng thở dài…


Xem Tiếp: ----