Phần I

    
iếng con Tô sủa kéo dài báo tin có khách đến. Người ở lục cục ra mở cổng. Có tiếng nói xì xào rồi tiếp đến tiếng giày sào sạo trên sỏi. Sơn ngẩng nhìn ra khung cửa. Ánh đèn chiếu ra vẽ một khung ánh sáng hình chữ nhật gãy đôi ở bực thềm. Chàng hơi bực mình vì có khách vào giờ này. Tám giờ rưỡi tối là giờ riêng tư, là giờ người ta bắt đầu sống cho riêng mình. Chàng chờ xem ai sắp quấy rầy mình.
Ở khung cửa hiện ra một người đàn ông tay xách va-li. Người ấy thấy Sơn, vội la lên:
- Anh Sơn! Vậy mà tôi cứ sợ lầm nhà.
- A, anh… anh Lộc!
Sơn mừng rằng mình đã nhớ kịp tên người bạn. Chậm một chút sẽ mang tiếng là vô tình biết bao. Lộc còn bỡ ngỡ, phần vì ánh đèn chói, phần vì con Tô hung tợn cứ án ngữ ở cửa nên chưa bước vào, còn Sơn thì còn lò mò chân tìm dép thì một người đàn bà hiện ra đứng bên cạnh Lộc. Sơn reo lên:
- A, có cả chị Thúy nữa. Chào chị. Hôm nay hai vợ chồng anh chị đi hưởng tuần trăng mật chắc.
Thúy cười:
- Chào anh. Lâu ngày quá bọn em mới xuống thăm anh.
Đôi dép đã tìm được rồi, Sơn vừa nhìn bạn vừa đứng dậy ra đón thì lại một người đàn bà khác hiện ra thêm.
Sơn lúng túng:
- A, còn…
Thúy đỡ lời:
- Có hai cô bạn nữa cũng…
Trong khi Thúy còn tìm chữ để nói tiếp thì Sơn đã ra đến hiên. Quả vậy, không phải chỉ một cô mà đến hai cô. Một cô đứng nép sau bồn hoa hoàng anh, tay mân mê một cành hoa nở. Sơn vội mời:
- Xin mời anh chị và hai cô vào nhà.
Một cái bắt tay, một nụ cười thân mật và hai cái nghiêng mình khe khẽ. Cả đoàn người vào nhà. Thấy những người mới đến không thù hằn với chủ mình, con Tô ngoắt đuôi mừng. Lộc và Thúy bỏ va-li lại ngồi ở xa-lông với Sơn. Hai cô bạn ngồi ở đi-văng.
Lộc nói:
- Bọn em ở Đà Lạt xuống. Nhân nghỉ lễ Khổng tử, tòa thị chính tổ chức cho anh chị em nhân viên xuống chơi Nha Trang ba ngày. Cả đoàn ăn nghỉ tại khách sạn Liên Mai. Bọn em muốn nhân tiện ghé lại ở chơi nhà anh. Hai cô bạn… à quên, quên chưa giới thiệu với anh hai cô bạn.
Lộc chìa bàn tay ngửa về phía từng cô:
- Cô Oanh thư ký tòa thị chính.
- Cô Trúc Đào, sinh viên.
Sơn cúi chào rồi giải bày trường hợp mình:
- Anh chị Lộc và hai cô ghé ở chơi, đối với tôi là một sự vui vẻ. Tôi chỉ sợ nhà tôi đơn chiếc, không có ai tiếp đãi chu đáo mọi người. Tôi sống độc thân với một người ở nhỏ.
Lộc ngắt lời:
- Anh khỏi phải lo, vì mọi người đều biết rõ hoàn cảnh của anh. Anh đừng bận rộn gì về chúng tôi hết. Anh cứ coi như không có chúng tôi ở đây.
- Và ngược lại, các bạn cứ tự do như chính ở nhà các bạn. Các bạn cứ coi như không có tôi ở đây.
Cả chủ lẫn khách cùng cười. Qua một câu thực tình mà tan hết giá băng của sự bỡ ngỡ. Câu chuyện hàn huyên tiếp theo liền. Những người quen ở Đà Lạt được nhắc đến cẩn thận. Như tra ở một quyển tự điển, tên của họ tuần tự được Sơn đọc lên. Lộc, Thúy làm nhiệm vụ giải thích.
- Vợ chồng anh Tân hả? Độ rày phát tài lắm. Vừa tậu thêm hai cái vi-la.
- Chị Bê giã từ Đà Lạt hơn một năm nay rồi. Sau khi anh ấy mất chừng sáu tháng, chị về Huế luôn.
- Cụ Sang ở bưu điện? Về hưu. Thằng Ngợi, - anh còn nhớ thằng Ngợi ngọng con cụ Sang không? - thằng Ngợi năm nay thi ra dược sư… Cô Oanh và Trúc Đào ngồi đó để nhắc chừng về những tin tức mới nhất của các nhân vật Sơn hỏi mà vợ chồng Lộc Thúy không nắm chắc tình hình.
Sau nửa giờ, câu chuyện uể oải. Những cái ngáp được khéo léo nuốt đi. Sơn đề nghị mọi người thay áo quần rồi rửa mặt đi nghỉ. Sắp đặt chỗ ngồi cho bốn người khách không phải là một việc dễ dàng. Sơn đưa chìa khóa tủ áo cho Thúy vừa bảo:
- Chị Thúy và hai cô tùy tiện sắp đặt chỗ ngủ. Con ở nhà tôi nhỏ, chỉ quen săn sóc một mình tôi thôi nên tôi chắc nó sẽ không làm vừa lòng các chị. Nó sẽ mau rối trí và nhất định thiếu sáng kiến. Các chị cứ mở tủ tự nhiên.
Một lát sau, ở bên phòng ngủ vang lên những tiếng cười vui vẻ. Họ pha trò với nhau, họ nghịch nhau khiến Sơn ngồi nói chuyện với Lộc ở phòng khách cũng thấy vui lây. Mười một giờ, Sơn và Lộc cùng sang phòng ngủ thì phòng ngủ đã được sắp đặt tươm tất. Ba người đàn bà mặc áo ngủ màu sặc sỡ trông như những cái hoa. Màu trắng của ba chiếc mùng đổ dài xuống, ánh đèn nê-ông lạnh, càng khiến cho vẻ mặt và màu áo của họ gây không khí ấm áp. Lộc chung giường với Sơn. Hai cô Oanh và Trúc Đào nằm một giường. Thúy nằm ở đi-văng. Vì Sơn vào giường trước nên bị Lộc đẩy vào nằm trong. Thành giường phía Sơn nằm hóa ra kề với thành giường bên cạnh. Không biết ai nằm ở kề mình chừng năm tấc kia. Sơn lắng nghe tiếng thở đều đặn, nhè nhẹ. Chàng nghe tiếng trở mình. Chàng khẽ nhìn sang; qua ánh sáng dịu của chiếc đèn giường, có một đôi mắt đen mở rộng nhìn mình.
Sáng hôm sau là ngày lễ. Mọi người đều ngầm cho phép mình dậy trễ như những nhà quí phái. Đến tám giờ thì nhà Sơn rộn hẳn lên. Những dáng người lướt qua, lộn lại từ phòng ngủ sang phòng rửa mặt làm Sơn hoa mắt. Chàng cứ lầm người này với người nọ. Bữa điểm tâm được thu xếp mau. Vì chỉ có một cái lọc cà phê cá nhân nên cô Oanh nhanh nhẹn đưa sáng kiến:
- Em sẽ có cách để hầu cà phê mọi người.
Nàng chạy tìm ở “xắc” một vuông vải mới rồi mở tủ lấy một cái bát sứ. Nàng trải vuông vải. Đổ cà phê vào. Nước sôi đổ tiếp theo. Nàng cầm thìa khuấy một lát rồi túm vuông vải bỏ ra một bên. Một bát cà phê đậm, thơm được chia ra năm tách.
Sơn khen:
- Cô Oanh nhanh trí quá.
Lộc nói:
- Anh chả phải khen. Huynh trưởng gia đình Phật tử đấy.
Sơn quay sang Trúc Đào:
- Còn cô?
Trúc Đào thẹn, má ửng hồng:
- Em kém lắm.
Sau bữa ăn sáng, cả năm người đi biển. Aùnh nắng gay gắt của Nha Trang làm cho hai cô Oanh và Trúc Đào bỡ ngỡ. Cứ đi một lát, họ lại nhìn mặt trời và nhìn xuống cánh tay mình. Có lúc họ đứng dừng lại, đưa tay kéo má của bạn lại xem màu má ửng hồng rồi khen:
- Ồ, chị đẹp quá.
Xuống biển, chỉ Lộc và Oanh tắm. Trúc Đào, Thúy và Sơn thuê ba cái ghế xếp nằm nhìn ra biển. Chín giờ bắt đầu có gió ngoài khơi hây hây thổi vào. Người tắm đông. Trúc Đào chỉ vào đám đông đang tắm, bảo Thúy:
- Chị Thúy này, sự cách biệt về tuổi tác, về tiền tài được giảm nhẹ hết sức giữa những người tắm biển. Chị thấy không, bỏ đi những vật bám theo như quần áo, đồ trang sức, ô-tô, con người ở trần và đứng trước vũ trụ có vẻ bình đẳng với nhau.
Sơn quay sang Trúc Đào:
- Cô triết lý…
Trúc Đào cười:
- Thưa ông, chỉ là một ý nghĩ vẩn vơ.
Sơn nhìn vẻ mặt của Trúc Đào. Đôi mắt dịu, mơ màng và do đó rụt rè. Môi có duyên nhưng hơi lạnh. Khuôn mặt của cô Oanh ấm áp hơn. Màu da ngăm ngăm và tròng đen của đôi mắt đen láy. Nụ cười tươi hơn, vui hơn. Sơn đang miên man suy nghĩ thì Thúy chỉ tay gọi:
- Kìa, anh xem bà kia. Đôi bắp chân no tròn và ngắn như hai củ hành.
Trúc Đào sắp sửa cười, bỗng giơ “xắc” che mặt. Nàng quay sang thân mật bảo Sơn:
- Mấy ông mãnh ở ghế bố bên kia cứ đặt ống dòm nhìn sang.
Thúy bảo:
- Nhìn sang Trúc Đào đấy.
- Không phải.
- Không phải sao Trúc Đào giấu mặt?
Sơn đỡ lời:
- Thật không phải đâu. Họ nhìn sang bà “củ hành” đấy mà.
Thúy và Trúc Đào phá ra cười.
Sau giấc nghỉ trưa, Lộc giục:
- Mời các bà các cô dậy đi thôi. Hai giờ rồi.
Tiếng Oanh hỏi:
- Thế hồi sáng họ hẹn với mình mấy giờ cùng đi hòn Chồng?
- Hai giờ.
- Chết chưa. Thế thì trễ mất rồi còn gì?
- Thì trễ mất rồi chứ sao!
Giọng Lộc đắc thắng. Trúc Đào vừa ngồi dậy xong, liền nằm xuống trở lại:
- Đã lỡ trễ rồi thì thôi, nằm ngủ luôn.
Lộc la lên:
- Không được đâu. Dậy đi thôi, các bà ơi. Tôi nói thế chứ thật ra mới có hai giờ kém mười lăm. Các bà trang điểm mau lên thì vừa.
Các bà dậy trang điểm theo lời Lộc yêu cầu nhưng nhất định không mau lên tí nào hết. Họ vừa cười đùa, vừa nghịch nhau, vừa chải đầu. Họ khen nhau tóc mịn, chê nhau tóc rụng, rồi từ đó chuyển sang hàng uốn tóc lạnh, rồi kiểu tóc Lý Lệ Hoa. Với Lý Lệ Hoa, họ xâm nhập vào địa hạt điện ảnh quốc tế với Deborah Kerr, James Stewart… Đến một lúc hăng tiết, họ bỏ cả lược, bỏ cả thỏi son, bỏ cả “húp” phấn để hùng biện. Lộc lại thúc giục:
- Hai giờ đúng rồi, trời ơi!
Họ cười xòa nhận lỗi rồi lại tiếp tục chải, bôi môi, thoa phấn. Tay dịu dàng, mắt mê mãi, họ đắm đuối nhìn bóng mình trong gương. Sắc đẹp làm cho họ thận trọng tay. Họ chầm chậm quay qua, chầm chậm nhìn lại, chầm chầm ngước mắt lên, chầm chậm nhếch mắt một tí, mỉm cười một chút. Thật đúng là những con hổ uyển chuyển, không vội vàng vì tin chắc ở sức mạnh của mình. Tiếng giày sốt ruột, tiếng giày hậm hực của Lộc cứ tha hồ nện. Lúc mặc áo xong, bôi nước hoa xong, lũ lượt bước ra đến cổng thì đồng hồ vừa chỉ đúng hai giờ rưỡi.
Trên giường, bỏ ngổn ngang những đống quần áo. Ở mắc áo đầy ắp những chiếc áo dài màu sặc sỡ. Sơn nhìn giây lâu những chiếc áo dài, tưởng tượng thấy những thân hình uyển chuyển mà chiếc áo đã ôm ấp. Vải ni-lông mịn láng như da thịt. Chàng bước lại gần một chiếc áo ai mắc ở cây trụ màn. Một mùi nước hoa nhẹ thoang thoảng, mùi nước hoa tử-la-lan thầm kín. Và cũng thầm kín, có thoáng mùi thơm của da thịt. Lòng Sơn xúc động. Chàng bỗng thấy người đàn bà quí giá hết sức đối với cuộc sống của một người đàn ông như chàng. Nét tươi đẹp của giọng nói, mùi thơm của đôi má, đôi môi… bẳn đi từ lâu lắm rồi, chàng đã quên nghĩ đến một người đàn bà. Cuộc sống tạm đầy đủ với ăn, ngủ, đọc sách, đi dạo và làm việc. Bấy nhiêu công việc choán hết thì giờ của chàng khiến chàng quen dần với nếp sống bình lặng, thản nhiên. Bóng dáng một người đàn bà dịu dàng thỉnh thoảng cũng có lướt nhẹ qua tâm trí chàng nhưng chàng đều cố gạt đi. Chàng nghĩ đến những sự phiền phức do người đàn bà đem đến để khỏi phải suy nghĩ lâu. Không ngờ hôm nay…
Có tiếng gót giày gõ nhẹ ở ngoài hiên. Sơn bước ra phòng khách thì thấy Trúc Đào.
- Sao cô về sớm thế?
- Em không thích đi.
- Mấy người kia đâu?
- Thưa ông, họ đi hòn Chồng.
Ngần ngừ một giây. Trúc Đào tiếp:
- Vợ chồng anh Lộc chị Thúy động một tý là cãi nhau. Em bực mình nên bỏ về.
Sơn nhún vai:
- Cãi nhau theo kiểu Lộc Thúy, đó là một hình thái yêu nhau khi vợ chồng đã bắt đầu có tuổi. Dĩ nhiên đó không phải là hình thái duy nhất… chắc cô hiểu thế.
Trúc Đào lắc đầu:
- Em không hiểu.
Sơn cười:
- Thế thì để rồi sau này cô sẽ hiểu.
Trúc Đào cũng cười vì câu trả lời ngộ nghĩnh trái với điều nàng mong đợi. Điều nàng mong là được nghe Sơn kể những hình thái yêu đương mà chàng biết và nàng tò mò muốn biết.
Một luồng gió nhẹ nhàng qua. Trúc Đào thở hít vào một hơi dài, ngẩng một lát như suy nghĩ rồi hỏi:
- Mùi hương của hoa gì mà thơm quá?
Sơn hỏi lại:
- Cô không biết là hoa gì sao? Hoa trúc đào đấy.
- Trúc đào?
- Vâng. Đúng vào tên cô.
- Em chưa biết có thứ hoa ấy.
- Dĩ nhiên. Ở Đà Lạt làm gì có trúc đào. Cô ra đây mà xem.
Trúc Đào bước theo Sơn. Chàng chỉ một bụi hoa màu hồng rồi nói:
- Đây là một bụi trúc đào. Lá dài thon như lá trúc, chắc vì thế mà người ta gọi là trúc đào. Hương hoa thơm đậm lắm.
Sơn đi sang một bụi hoa màu trắng:
- Đây cũng là trúc đào nhưng hoa trắng. Cánh hoa màu trắng. Màu lá cũng xanh nhạt hơn. Cô thấy không?
- Vâng. Và mùi hương cũng nhạt hơn. Em thích mùi hương này quá. Ở Đà Lạt có trồng được hoa này không hở ông?
- Tôi chưa thí nghiệm, nhưng chắc được.
- Thế thì em phải trồng ở vườn nhà em mới được. Người ta trồng bằng cách nào hở ông?
- Cắt cành mà giâm.
- Thế ông giâm cho em nhé? Em xin ông mỗi thứ một cành giâm.
- Tôi sẵn sàng mỗi thứ hai cành cũng được, nhưng làm sao gởi lên Đà Lạt cho cô?
- Điều đó ông không lo. Nghỉ No-en em sẽ xuống Nha Trang để bứng về.
Sơn gật gù:
- Tôi tưởng tượng thấy vườn nhà cô đầy những hoa trúc đào và cô sẽ ghi ở trụ cổng: “Biệt thự Trúc Đào”. Người khách qua đường sẽ tự hỏi không biết Trúc Đào là tên hoa hay tên chủ nhân.
Trúc Đào mỉm cười. Chợt nàng kêu to lên vừa đi nhanh về một dãy chậu hoa hồng:
- Ô! Ông trồng nhiều hoa hồng như thế này cơ à. Em tưởng ở Đà Lạt mới trồng được hoa hồng đẹp.
Nàng áp một đóa hồng nhung vào má mình và kéo một đóa hồng sen để lại gần mũi:
- Mùi thơm ngọt quá. Mà…
Nàng quay sang Sơn lúc bấy giờ đã lại đứng gần nàng:
- Mà sao ông trồng nhiều hoa hồng thế? Hay là… ông yêu một cô Hồng nào đó?
Sơn cười:
- Không chắc. Hình như tôi chưa yêu một người nào có tên như thế. Tôi không hay rắc rối. Trồng hoa là một việc mà yêu là một việc khác, hai việc có can hệ gì đến nhau đâu?
- Nhưng em vẫn có cái thắc mắc này là… sao ông chưa có vợ. Hay là ông không yêu ai?
- Có chớ! Có chớ! Nhưng yêu và cưới vợ là hai việc khác nhau cũng như yêu và trồng hoa vậy?
Trúc Đào ngần ngừ:
- Trước khi xuống Nha Trang, anh chị Lộc có cho em biết về ông. Biết đại khái thôi, tất nhiên, nhưng trong những nét đại khái ấy có việc ông mãi không lấy vợ. Xin lỗi là em đã tưởng tượng ông dưới những vẻ không đúng với sự thật chút nào hết, những vẻ mà mỗi lúc nghĩ đến thấy em có lỗi với ông hết sức.
Sơn lắc đầu:
- Chẳng sao. Những người lạ bao giờ cũng dễ bị ghét một cách bất công. Nhưng anh chị Lộc cho cô biết một cách đại khái về tôi như thế nào?
- Dạ… anh chị ấy nói rằng ngày xưa ông có yêu một người nhưng sắp lấy nhau thì chiến tranh xảy ra, mỗi người lạc một phương. Ông đợi suốt mười năm cho đến ngày đình chiến. Trở lại cảnh cũ thì người yêu đã lấy chồng. Từ ấy đến nay sáu năm đã trôi qua, ông cứ ở mãi vậy. Có phải đúng thế không?
Sơn chỉ mỉm cười không đáp.
- Anh Lộc nói từ lần thất bại đó ông không còn cảm tình với đàn bà nữa. Nay được nghe ông nói chuyện mới biết là anh Lộc đã lầm. Nhưng đã không mất cảm tình với người đàn bà thì đáng lẽ ông đã cưới vợ rồi chứ?
Thấy Sơn vẫn không trả lời, nàng giục:
- Sao? ông có thể cho em biết vì sao ông mãi không lấy vợ không?
Sơn nhíu mày nhìn Trúc Đào một cách ranh mãnh:
- Nhưng tại sao cô lại muốn tò mò hỏi kỷ thế?
Trúc Đào cười tự nhiên:
- Đó là câu hỏi vốn ám ảnh em và một số những bạn thân của em. Đó là một vấn đề xã hội, có thể nói là vấn đề của chúng em cũng không sai. Người đàn ông là đồng minh của người đàn bà, vậy hiểu rõ đồng minh của mình là một điều cần thiết.
- Nhưng…
Trúc Đào giơ tay ngăn lại;
- Ông chiều em một tí đi. Oâng thử nói xem vì lý do gì…
- Có lẽ…- Sơn ngần ngừ,- vì tôi tham lam quá.
- Không có vợ vì tham lam? - Trúc Đào mở to mắt ngạc nhiên.
- Hình như vậy. Tôi muốn được hết mà không mất một chút gì. Yêu bao giờ cũng có lãi. Cưới vợ thì… chưa chắc
Sơn cười và Trúc Đào cũng thích thú cười theo. Thấy ánh nắng chiếu vào chỗ nàng đứng, Sơn bảo:
- Mời cô vào nhà.
Trúc Đào đi vào và chàng cũng chậm rãi bước theo. Nàng lại ngồi ở ghế xa-lông và Sơn ngồi đối diện.
- Thế ông có nhiều người yêu không? - Trúc Đào đột ngột hỏi
- Tôi không biết từ bao nhiêu mới được gọi là nhiều. Nhưng chủ quan mà nói thì hình như ít lắm.
Khi Sơn dứt lời nàng chậm rãi nói:
- Nhiều lúc em cũng nghĩ như ông vậy. Khi yêu người ta chỉ biết đến quyền lợi mà khỏi có bổn phận. Khi lấy chồng thì hình như chỉ bổn phận là chắc chắn có mà thôi. Còn quyền lợi… Nàng vung nhẹ bàn tay vừa bĩu môi tỏ vẻ hoài nghi.
- Sáng nay ngẫu nhiên em cầm một quyển sách ở bàn viết của ông mở ra xem. Bìa đóng gáy da, em tưởng là sách, không ngờ mở ra thấy là một quyển vở. Em tò mò đọc một vài trang. Xin lỗi ông, - chỗ này nàng đổi giọng, nói nhỏ hơn nên thân mật hơn, - nếu anh Lộc chị Thúy không nói về ông thì em đã không tò mò như thế.
- Thế cô đọc được gì?
- Đoạn ông nói về cô… gì ấy, em không đọc được tên. Tên cô ấy ông viết bằng chữ Tàu thì phải.
Sơn gật đầu:
- Đúng rồi. Tôi viết bằng chữ Hán.
- Người yêu của ông là một cô gái Trung Hoa?
- Không phải, cô ấy là người Việt như cô vậy. Nhưng để tránh những con mắt tò mò, - xin lỗi cô, không phải tôi dám ám chỉ cô đâu, - để tránh những con mắt tò mò, tôi viết tên cô ấy bằng chữ Hán.
- A! Ngộ nhĩ!
- Không phải đó là phương pháp độc nhất. Tôi có thể viết bằng một tên Pháp hay tên Anh. Chẳng hạn nếu người đẹp của tôi giống một nhân vật nào trong một quyển tiểu thuyết Pháp hay Anh mà tôi đã đọc thì tôi có thể lấy tên nhân vật trong truyện mà gọi nàng. Cũng có khi tôi biên đúng tên nàng nhưng đảo ngược vị trí các chữ. Ví dụ tên Hòa, sẽ biến thành Hào, Mai thành Mia.
Trúc Đào gật gù lý thú:
- Nếu tên em thì ông viết chữ Tàu như thế nào?
Sơn rút cây bút máy và kéo ở bàn xa lông ra một tờ báo.
Chàng xích lại gần nàng, viết ngoằn ngoèo một chữ Hán lên lưng tờ báo rồi nói:
- Đó, tên cô đó.
Chàng viết lại hai lần chữ “Đào” và Trúc Đào xuýt xoa thấy tên mình hiện ra dưới một hình thức quái dị nhưng có vẻ cổ kính trang nghiêm.
- Tôi cũng có thể viết tên cô bằng cách đảo lộn vị trí các chữ. Tôi viết thế này chẳng hạn “Sáng chủ nhật 20 tháng 9. Đóa hỏi: Sao ông không lấy vợ?”
Trúc Đào cười lên:
- Đóa hỏi sao ông không lấy vợ. Đóa, cái tên nghe hay đấy ông nhỉ? Còn nếu ông muốn viết tên em bằng chữ Pháp?
Sơn giơ một ngón tay ngắt lời ngay như chàng đã có sẵn ý kiến.
- Không khó. Tôi đã chuẩn bị rồi. Khi vừa gặp cô, tôi thấy cô có những vẻ gì hao hao giống nàng Dominique trong phim “Nụ cười xuân”. Ừ, tôi thấy rồi. Khi cô ngẩng mặt lên đợi chờ, đợi chờ một câu trả lời, đợi chờ một ý mà cô đang tìm thì quả cô giống cô đào Christine Carrère đóng vai Dominique hết sức. Vậy thì khi cần viết tên cô, tôi có thể thay bằng Dominique.
Trúc Đào gật gật đầu:
- Sáng kiến này của ông hay lắm đó vì ông sẽ nhớ kỹ những người mà ông đã gặp. So sánh để tìm nét giống nhau giữa một người với người khác, như thế là gián tiếp ông đã ghi nhận những nét độc đáo của người ấy.
Vừa lúc ấy có tiếng cười nói của Thúy, Oanh vang lanh lảnh ở trước cổng. Ba người bạn đã đi du ngoạn về. Thấy Trúc Đào ngồi đối diện với Sơn ở xa lông, Oanh tru tréo lên:
- Thế mà làm người ta chạy tìm sáng mắt. Cứ tưởng mẹ mìn nó dỗ đi đâu mất rồi.
Lộc nhìn Sơn, nói giễu cợt:
- Mẹ mìn này hiền lành nên chỉ lo cô Trúc Đào dỗ mẹ mìn đi thì có.
Sơn nhìn sang Trúc Đào thì thấy nàng đang tinh nghịch nhìn chàng.
Trúc Đào hỏi:
- Đi hòn Chồng có vui lắm không?
Nhưng không đợi cho Oanh trả lời, nàng đứng dậy đi ra giếng nước. Đi qua trước mặt Sơn, nàng thấy Sơn giơ tay ra hiệu giữ lại. chàng lấy giọng tự nhiên nói:
- Lúc nãy tôi bảo cô rằng tôi không lấy vợ vì tham lam quá. Điều đó chưa chắc đúng. Có lẽ đó chỉ là một lý do trong rất nhiều lý do phức tạp, chẳng hạn tâm tính sở thích… Nhưng thôi, phải đợi một dịp khác có nhiều thì giờ hơn chúng ta mới có thể thỏa thuận về điểm khúc mắc này.
Dịp ấy, Trúc Đào tưởng là hôm sau, khi Sơn đề nghị với nàng đi lên Ngọc Hội xem lò gốm. Đêm đó, trước khi ngủ, dù vẫn ậm ừ chịu chuyện với Thúy và Oanh, nàng vẫn không thể không để óc mình vấn vương vì Sơn. Chàng có những vẻ gì khác với những người bạn trai cùng lứa với nàng. Cố phân tích cho rõ, nàng thấy Sơn một sự điềm đạm cuốn hút, một sự lễ độ bề ngoài lạnh nhạt nhưng chứa đầy nhiệt tình. Những bạn của nàng họ vội vàng quá, họ trắng trợn quá, họ say đắm quá, khiến họ như lúc nào cũng bị men rượu làm choáng váng… Thế mà nàng thì nàng yêu một cái gì nhẹ nhàng hơn, một tiếng thoáng qua, một màu sắc nhạt. Nàng sợ sự tàn bạo. Yêu vồ vập thì chóng quên chóng nhạt. Aø, nàng thấy ra rồi, sự cuốn hút nơi Sơn còn do ở tấm lòng chân thành chàng đối với người yêu cũ, ở sự thận trọng chàng đối với những tình yêu mới. Trước mắt nàng Sơn như một con chim lạ. Nàng thấy mơ hồ một sự cảm mến đối với chàng, đồng thời như có sự tò mò giục nàng thử khám phá xem sao. Người trầm lặng dễ làm đích cho nhiều sự khám phá. Nàng đã chán vì nhiều bạn của nàng sống hời hợt quá nên chưa kịp có một cá tính, có một nội dung. Họ như những quyển sách dở chỉ khác nhau ở cái bìa cái tên sách còn nội dung thì na ná như nhau. Mặc áo và cạo râu, sáng trưa đi làm, ăn uống, tiêu khiển.. bấy nhiêu công việc lặp lại đều đặn ở người này cũng như ở người kia, giống y như những tình tiết yêu đương, trắc trở, nước mắt, nụ cười… trong những quyển tiểu thuyết dở. Dù chưa nếm nhiều nhưng quả tình nàng thấy chán. Theo nàng, Sơn có đời sống nội tâm khác hơn những bạn mà nàng biết. Những nếp cảm xúc tinh vi của chàng chắc chắn sẽ dành cho sự khám phá của người đàn bà những thích thú bất ngờ. Khám phá! Nhưng nàng vụt nghĩ: Khám phá để làm gì? Ừ, khám phá để làm gì? Câu hỏi đến với nàng đúng lúc như một tiếng vang. Để làm gì? Nàng sắp lấy chồng. Ý nghĩ về Khiêm, người chồng sắp cưới của nàng dồn dập đến, vồ lấy tâm hồn nàng khiến nàng khó chịu. Nàng lắc đầu, muốn xua đuổi không nghĩ đến. Nàng quay sang lay Oanh:
- Chị Oanh ơi! Dậy nói chuyện với em đi. Sao ngủ chóng thế.
Tâm trạng ấy của Trúc Đào, Sơn không hay biết gì hết. Khi chàng đề nghị cùng nàng lên thăm lò gốm, chàng vui vẻ thấy nàng vội vàng bằng lòng và từ chối không đi với đoàn ra thăm Ba Hồ. Nhưng Oanh, khi nghe Sơn đề nghị lên thăm lò gốm thì Oanh cũng reo lên:
- Em cũng đi với. Từ nhỏ đến giờ em chưa bao giờ được xem người ta làm đồ gốm. Em đi với có được không, ông Sơn?
- Được lắm chớ. Hoan nghênh là khác.
Ba chiếc xích lô đi theo hàng một đưa ba người lên Ngọc Hội. Đoạn đường này không vui vì Trúc Đào không có dịp để nói chuyện vui vẻ cùng Sơn, mặc dù nàng đã khéo xếp đặt để xe nàng đi sát gần xe Sơn. Muốn thế, khi ra xe nàng đi chần chừ đợi cho Oanh ra trước để Oanh bước lên xe trước. Nàng đi xe giữa và Sơn vì bận phải khóa cửa nên ngồi xe sau. Ngồi nhìn ra trước, mắt Sơn chạm phải cái ót trắng của Trúc Đào với mớ tóc nâu uốn vắt lên cao. Lâu lâu, Trúc Đào lấy cớ nhìn theo một ngôi nhà, một cây dừa nước, một cái xe ngựa chạy ngược chiều để quay lại. Và mỗi lần như vậy nàng không quên câu trả lời cái nhìn của Sơn bằng một nụ cười lặng lẽ.
Đến đầu con đường rẽ vào xóm thì xe dừng lại. Ba người xuống đi bộ. Đoạn đường này rải đá nhưng lâu ngày không tu bổ nên đất trôi đi hết còn lởm chởm đá. Hai nàng nhón bước trên những mũi đá dăm, tinh nghịch cười khi có viên đá lăn tròn dưới gót giày. Sơn thấy lây cái vui hồn nhiên của họ.
Những vườn dừa chạy dài liên tiếp rải bóng mát xuống mặt đường. Từng chặng, lá dừa đan kín trên đầu, nhìn không thấy trời. Hai bên đường, nhà cất san sát nhưng cái lòi ra, cái thụt vào, cái nhìn thẳng ra đường, cái quay hông nhìn sang hướng khác. Nhà lợp lá dừa và vách trát đất nên thuần một màu xám đậm. Cách khoảng, chen vào một ngôi nhà gạch nhỏ nhắn với cửa sơn xanh lá cây, vách quét vôi xanh nhạt trông như một cô gái quê làm đỏm. Oanh nói:
- Ở đây sự sống yên tĩnh dễ chịu quá. Có lẽ được sống ở đây quanh năm thì tim em chỉ còn đập sáu mươi nhịp trong một phút.
- Ai cấm chị không được sống ở đây? - Trúc Đào hỏi.
- Sự lười biếng, sự rụt rè không dám thay đổi một nếp sống cố hữu. - Oanh mơ màng trả lời.
Sơn chỉ một bà cụ già ngồi trước hiên một ngôi nhà xiêu vẹo đang nheo mắt vá áo. Chàng nói:
- Đó là hình ảnh của hạnh Phúc theo cô Oanh quan niệm đó. Tim của bà cụ này chỉ còn năm mươi lăm nhịp đập trong một phút thôi.
Oanh và Trúc Đào cùng phá ra cười ầm ĩ khiến những khuôn mặt ló ra ở các khung cửa sổ. Vài người bước hẳn ra hiên nhìn đăm đăm vào hai nàng.
Quá chợ Mới con đường nhỏ lại và nện đất. Nhà nối tiếp thưa thớt hơn. Thỉnh thoảng đôi mắt được nghỉ ngơi trên những cánh đồng mía lá xanh rờn rợn. Tiếng bàn chuốc rập rình ở một cái trại nhỏ vang ra. Sơn giảng:
- Đã tới xóm lò gốm rồi đó. Tiếng rập rình mà hai cô vừa nghe là tiếng bàn chuốc.
Oanh định hỏi “bàn chuốc là cái gì?” nhưng nàng dừng lại không hỏi. Nàng nghĩ: Trúc Đào nhất định cũng không biết bàn chuốc là cái gì nên thế nào Trúc Đào cũng hỏi. Nhưng Trúc Đào đang lơ đãng nhìn một ánh nắng đang chiếu vàng trên đọt dừa cao. Nàng bảo Sơn:
- Ông Sơn ơi, ông xem kìa, ánh nắng chiếu trên đọt dừa kia. Từ sáng đến giờ trời âm u mình cứ lo đi chơi mắc mưa.
Sơn đưa mắt nhìn rồi nói:
- Nhưng không nắng lâu được đâu. Lóe một chút rồi tắt ngay. Nhưng được cái là vẫn tốt hơn mưa.
Chàng đưa hai người bạn vào một trại lò gốm. Trước sân, những miếng gạch vừa đổ ra được sắp hàng để phơi khô. Ở bàn chuốc, một người đàn bà dùng chân đẩy cho cái bàn xoay còn một người đàn bà khác đưa hai tay kéo một con đất cho thành hình cái chậu. Oanh thấy lạ, đứng chăm chú nhìn rồi hỏi tíu tít người đàn bà:
- Bà đẩy bàn có nặng không? sao bà chuốc không méo? Lỡ méo thì bà làm sao? Mấy ngày thì cho vào lò? Mỗi ngày bà làm được bao nhiêu tiền? Bà có ở gần đây không? Bà được mấy con?…vân vân…
Hai người đàn bà chia nhau trả lời. Họ không tỏ ra khó chịu vì những câu hỏi của Oanh mà họ cho là ngây thơ. Sơn để cho Oanh và Trúc Đào say mê với những phát kiến mới của họ. Chàng bước ra sân, đi men ra vườn, đứng nhìn xuống một con lạch nhỏ. Nước đứng im sừng sững in bóng những bè rau muống, những khóm bèo lục bình đơm hoa tím. Một con chim bói cá đậu trên một cành tre nhỏ sát mặt nước, phải nhìn kỹ lắm chàng mới trông thấy. Chàng cúi nhặt một miếng mẻ ngói giơ tay định ném con chim thì có tiếng chân bước lại gần và một tiếng “suỵt” khe khẽ. Chàng quay lại: Trúc Đào. Nàng giơ một ngón tay lên miệng, mở to mắt:
- Ông sắp ném chim hả? Sao ông ác thế?
- Tôi ném trăm lần trật cả trăm. Cô đừng lo.
- Con đường nầy đi về đâu thế ông?
- Đường này xuống ngõ Phương Câu.
- Phương Câu, - nàng mím môi suy nghĩ, - Phương câu chắc là giống Bích Câu ông nhỉ? Cảnh đẹp như thế này mà.
Nàng bước ra đường và tự nhiên Sơn cũng bước theo. Những cây ô mai, cây khế, cây mít ở các vườn nhà người ta đều làm cho nàng xuýt xoa. Mấy đứa bé thấy nàng mặc áo sơ mi ngắn quần tây dài bó đùi, đi sát theo tò mò nhìn. Một đứa chạy ù ra trước vói tay gọi mấy đứa khác:
- Ra coi vợ chồng ông bà này bay ơi! Bà vợ bận quần tây.
Sơn hơi ngượng vì sự hiểu lầm của đứa bé. Chàng đưa mắt nhìn sang Trúc Đào nhưng không thấy nàng tỏ vẻ khó chịu nào cả. Nàng tươi cười trỏ một ngón tay về phía đứa bé, ra dấu dọa nạt:
- Nói nhảm đấy nhé? Đánh chết.
Rồi quay sang Sơn, nàng nói, miệng vẫn giữ nụ cười:
- Lũ nhỏ quan niệm rằng một người đàn bà và một người đàn ông đi với nhau thì phải là hai vợ chồng.
- Cả người lớn cũng quan niệm như vậy.
- Tội nghiệp - Trúc Đào chép miệng.
Nàng định nói thêm thì chợt nhìn xuống một vũng nước rộng nằm trải suốt mặt đường.
Mấy ngày trước trời mưa nên mặt đường lỗ chỗ những vũng nước. Sơn đã nhún chân nhảy qua đứng ở bên kia vũng đợi. Trúc Đào ngắm nghía vũng nước nhún chân mấy lần nhưng không dám nhảy qua. Nàng đưa mắt tìm một lối đi ven hai bên bờ đường nhưng không có lối. Sơn đưa thẳng bàn tay ra nói:
- Cô nắm bàn tay tôi mà nhảy qua. Như vậy chắc khỏi ngã.
Trúc Đào tươi cười ngay:
- A! Phải đấy. Thế mà em không nghĩ ra được.
Nàng giơ tay cầm lấy bàn tay Sơn, nhún chân nhảy. Đà nhảy mạnh đẩy nàng sát vào người Sơn. Chàng nhìn vào đôi má hồng của nàng mơn mởn lông tơ. Đôi mắt đen nháy long lanh sáng. Mùi nước hoa ở mái tóc thoang thoảng. Chàng nhìn xuống bàn tay mà chàng còn giữ lại: ngón trắng thon và cổ tay tròn trĩnh, Trúc Đào chầm chậm rút tay ra khỏi lòng bàn tay của chàng. Sự việc xảy đến nhanh quá khiến nàng có cái thú ngây ngất của sự bất ngờ. Im lặng một giây, nàng khẽ bảo:
- Chết! Chúng ta bỏ quên chị Oanh ở lò gạch. Phải trở lại kẻo chị trách.
Sơn không trả lời. Hai người nhảy trở lại vũng nước nhưng lần này nàng không nắm tay Sơn nữa. Tuy vậy, để phòng xa đường trơn, nàng nhảy ngay vào chỗ Sơn đang đứng đợi.
Đi chừng vài mươi bước, Sơn cảm thấy buồn. Có lẽ Trúc Đào cũng nghĩ như vậy chăng nên liếc nhìn sang nàng, Sơn thấy nàng cắn môi. Con đường về không có gì lạ. Cuộc phiêu lưu đã chấm dứt ở từ cái vũng nước ngang đường. Đến ngã tư thì hai người thấy Oanh đang ngơ ngác đưa mắt tìm. Đón trước trước lời trách của Oanh, Trúc Đào bước nhanh đến vừa tươi cười nói:
- Em đi lạc đường…may có ông Sơn…
Hơi ngượng vì lời nói dối nên Trúc Đào ngần ngừ không nói hết câu. Sơn tự hỏi: Trúc Đào nói dối làm gì? Nhìn sang Oanh thấy Oanh không tỏ vẻ nghi ngờ gì hết, Sơn bảo:
- Nếu chúng tôi không đến kịp thì cô cũng sắp đi lạc đường rồi đó. Tôi tưởng cô đang say mê với lũ chum, vại, gạch, ngói của hàng lò gốm.
Oanh reo lên:
- Ồ! Thích quá khi được nhìn hai bàn tay dịu dàng của người thợ chuốc biến con đất sù sì ra cái chậu, cái vung. Thật không ngờ một người đàn bà cục mịch như thế lại khéo tay như vậy. Hay quá. Thật là một cuộc đi chơi đầy thú vị.
Trúc Đào đưa mắt nhìn sang Sơn thì bắt gặp tia mắt của Sơn nhìn mình. Cả hai như cùng muốn nói: chúng tôi cũng vừa thấy như vậy.
Con đường về như ngắn hơn lúc đi. Cảnh nhà cửa cảnh cây cối trên đường và những khuôn mặt, mới gặp một lần mà như đã quen lâu rồi. Oanh và Trúc Đào không tò mò nhìn nữa nên bước chân đi mau hơn. Tuy vậy, có những chi tiết lúc đi không lưu ý, đến chừng về hai người mới thấy. Chẳng hạn cái cầu đá uốn vòng như lưng mèo với cái vòm cong ở dưới hình bán nguyệt. Nước đục mang những bè rác chảy lờ đờ. Chẳng hạn cái lều chợ bằng ngói nằm giữa những bức tường thành cao của mấy ngôi nhà xung quanh. Oanh nói:
- Đi xem cảnh phải xem một lần đi và một lần về mới thấy hết, nhớ hết. Cũng như học bài vậy. Phải học ôn thì mới khỏi quên.
- Đúng thế, - Sơn trả lời. - Nhưng chỉ tiếc là điều nhớ hôm nay, ta sẽ quên ngày mai, ngày kia.
Ba người im lặng bước. Một lát sau, Trúc Đào chậm rãi nói:
- Quên là một bắt buộc của cuộc đời chứ bản tâm con người thì muốn nhớ hết, nhớ hết.
Câu nói của Trúc Đào khiến Oanh quay nhìn sang Sơn có ý dò hỏi. Sơn cất tiếng cười để lấy vẻ tự nhiên:
- Khi mỏi chân thì cô Trúc Đào có những tư tưởng rất thâm thúy.
Trúc Đào cười và Oanh cũng cười theo.
Vui chân, ba người đi bộ mãi đến Phật học viện mới gọi xích lô về nhà. Đến ngã Sáu Nhà Thờ, những tấm vải quảng cáo tuồng chiếu bóng chữ viết xanh đỏ bắt mọi người lưu ý.
Trúc Đào kêu lên:
- Ô! Tối nay rạp Tân Tân chiếu phim Gidget. Phim này hôm chiếu ở Đà Lạt em trật xem. Vậy tối nay phải đi xem mới được. Ông Sơn đã xem chưa?
- Chưa
- Vậy tối nay mời ông đi với em nhé?
- Đồng ý. Mời cô Oanh cùng đi luôn.
- Cám ơn ông. Em đã xem rồi.
Tiếng phát lách cách của ba chiếc xích lô làm con Tô sủa vang lên. Con bé ở ra mở cổng. Khi bước vào sân, Trúc Đào vui vẻ nói:
- Em rất thích Sandre Dee. Để rồi tối nay ông cũng sẽ yêu Sandra Dee như em.
Vừa lúc ấy con bé ở lại đi gần nàng.
- Thưa cô, lúc nãy có người đến hỏi cô.
- Người ấy ra thế nào? đàn ông hay đàn bà?
- Thưa cô đàn ông.
- Nhưng người ấy hỏi cô nào? Cô Oanh hay tôi?
- Thưa cô người ấy hỏi: Cô Trúc Đào có ở nhà không? con thưa rằng cô đi vắng thì ông ấy bảo về thưa lại với cô tối nay ông ấy đến.
- Ông ấy người ra thế nào?
Con ở lúng túng không biết nên tả ra thế nào. Rồi như chợt nhớ ra, nó vui vẻ nói:
- Ông ấy đi bằng ô tô.
- Bằng ô tô?- Trúc Đào chau mày lật đật hỏi.- Ô tô nhỏ?
- Thưa cô, vâng. Ô tô nhỏ màu vàng nhạt.
Nét mặt của Trúc Đào sa sầm xuống.
- Cô có điều gì không bằng lòng?
Sơn hỏi nhỏ:
Trúc Đào lắc đầu:
- Thưa ông không.
Rồi nàng lẳng lặng vào phòng.
Vợ chồng Lộc Thúy đã đi xuống khách sạn để ăn chung với đoàn du lịch. Đã trễ giờ nên Sơn mời Oanh và Trúc Đào cùng ăn với mình. Mặc cho những lời vui đùa của Sơn và của Oanh, Trúc Đào có vẻ không vui.
Ăn tối xong, nàng giục Sơn:
- Chúng ta chuẩn bị đi xi-nê đi.
Sơn nhìn vào đồng hồ tay:
- Còn sớm quá, chín giờ mới chiếu mà bây giờ mới tám giờ kém hai mươi.
- Chúng ta có thể đi một vòng ở phố Độc Lập rồi vào rạp sau.
- Nếu cô muốn.
Sơn đứng dậy vào phòng thay áo và Trúc Đào cũng lại chải tóc trước gương. Thấy Oanh mở xắc lấy son bôi môi, Sơn hỏi:
- Còn cô Oanh?
- Em ghé lại thăm chị Bích. Xuống Nha Trang mà không ghé thăm chị, lúc chị biết được thế nào chị cũng trách.
Ba người đang mê mải chuẩn bị thì có tiếng còi ô tô trước cổng.
Tiếp theo sau, tiếng mở khóa lách cách và tiếng giày đi vào xa-lông.
Oanh chạy ra và reo lên.
- Anh Khiêm! Anh Khiêm, chị Trúc Đào ơi.
Sơn đưa mắt nhìn sang Trúc Đào thì thấy nàng bỏ mạnh cái húp phấn xuống bàn rồi đứng dậy.
Khi Oanh giới thiệu Khiêm với chàng, Sơn nhận cái bắt tay rất chặt và một nụ cười thân mật. Oanh hỏi:
- Anh vừa ở Đà Lạt xuống?
- Xuống hồi bốn giờ chiều. Tôi phải làm việc sáng thứ bẩy. Ăn trưa xong, nghỉ một lát rồi phóng xe xuống đây.
- À!- Oanh vui vẻ như vừa khám phá ra sự lạ. - Hồi chiều anh có ghé lại đây hỏi chị Trúc Đào phải không? Lúc bấy giờ chúng em đi Ngọc Hội xem lò gốm.
Khiêm gật đầu rồi mỉm cười lặng lẽ. Ba người ngồi im lặng khá lâu. Sơn tinh nghịch đợi xem ai sẽ phá tan sự im lặng ngượng nghịu ấy. Khiêm thì ngồi thẳng ở ghế xa-lông, những ngón tay đan tréo vào nhau và mắt hết nhìn xuống lọ hoa lan đặt ở bàn nước đến đưa ra nhìn giàn hoa hoàng anh trước cửa. Oanh thì thập thò nhìn vào cửa phòng như đợi Trúc Đào ra. Một lát có tiếng giày của Trúc Đào. Khi nàng hiện ra ở khung cửa, Khiêm đứng dậy:
- Anh đợi em từ chiều đến giờ.
Trúc Đào mỉm cười uể oải.
- Em sắp đi phố hả? Để anh đưa xe em đi. Nhưng trước hết chúng ta phải ghé lại nhà chào chú thím đã. Nhà chú ở số… chết chết, ở số mấy anh quên mất…
Chàng móc túi lấy ra một cái ví đầy ắp những giấy tờ, lục lọi một lát rồi reo mừng:
- Phải rồi! Số 57 Duy Tân. Còn chị Oanh đi chơi với chúng tôi? À quên, chúng tôi còn phải đi xuống Duy Tân.
Oanh nhanh nhẩu đáp:
- Em cũng phải đi lại thăm chị Bích ở gần đây.
- Thế để tôi đưa xe chị đi luôn. Nào, chúng ta cùng đi.
Khiêm bước ra trước. Trúc Đào mắt nhìn sang Sơn nói nhỏ:
- Xin lỗi ông…
Sơn vừa bắt tay Khiêm vừa nói:
- Không có gì. Xin chúc ông… bà vui vẻ.
Tiếng “bà” chàng nói khẽ để dò xem tình thế. Không ai tỏ vẻ khó chịu. Chỉ riêng Trúc Đào hơi bĩu môi rồi quay nhìn ra sân.
Mười một giờ khuya vợ chồng Lộc Thúy và Oanh về.
Sơn lắng nghe tiếng họ bàn cãi khi bước vào nhà. Đầu tiên là tiếng của Thúy:
- Trúc Đào nó không yêu mà bắt nó vui vẻ sao được?
Tiếng Lộc cãi lại:
- Không yêu sao lại bằng lòng lấy người ta?
Tiếng Oanh bình tĩnh hơn:
- Hai gia đình thân với nhau từ xưa. Vả lại, anh Khiêm đâu có thua kém ai. Công chức cao cấp, lương to. Chỉ tiếc anh ta có hơi thô.
Sơn vụt nhớ đến mái tóc bàn chải và cặp mắt nhỏ, đến cái mặt hay nghếch lên, vừa tự phụ vừa quê mùa.
- Nhưng người đàn ông sinh ra đâu phải với mục đích mỹ thuật? Giọng chống chế của Lộc.- Có lẽ Trúc Đào không thích tính của Khiêm vì tính anh ta hơi “gấu” thế nào ấy. Con người ấy thật mâu thuẫn. Ăn chơi mà lại thô.
Có tiếng vỗ tay và tiếng cười to:
- Đúng rồi, đúng chữ ấy đấy. “Gấu”. Phải, anh Khiêm “gấu” lắm.
Tiếng “suỵt suỵt” có lẽ của Thúy.
- Im! Im! Cười nho nhỏ thôi để anh Sơn ngủ.
- Tội nghiệp. Hình như lúc nãy chị Trúc Đào khóc. Phải không anh Lộc? Em thấy mắt chị ấy đỏ.
- Trông dáng Khiêm ngượng ngập khi gặp chúng mình và dáng Trúc Đào quay mặt không trả lời câu hỏi của chị thì hiểu ngay.