Phần II

    
a người lặng lẽ thay áo rồi vào giường nằm. Những tiếng rủ rỉ trao đổi với nhau lần lần thưa dần, uể oải dần. Cuối cùng đâu đó im lặng. Sơn mở mắt nhìn lên đình màn. Trí óc chàng liên man nghĩ đến Trúc Đào, nghĩ đến cuộc du ngoạn hồi chiều. Tiếng chuông đồng hồ nhà bên cạnh đổ lên mười hai tiếng. Một chặp sau tiếng ô tô dừng trước cổng, tiếng giày sào sạo trên sỏi. Tiếp theo, tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Sơn trở dậy ra bật đèn mở cửa. Trúc Đào ngạc nhiên thấy Sơn mở cửa cho mình. Nàng nói:
- Em làm phiền ông. Sao ông thức khuya thế?
Giọng nàng không trong trẻo như hồi chiều. Nghe như đặc lại.
Chàng trả lời:
- Nhắm mắt mà mãi giấc ngủ không đến.
- Em lại tưởng ông đi xi-nê.
- Không có cô thì không đi.
Trúc Đào im lặng.
- Em xin lỗi đã thất hứa với ông. Xin ông hiểu cho rằng em rất tiếc. Ngày mai em phải về Đà Lạt rồi.
Sơn chép miệng:
- Những ngày vui đã chấm dứt.
- Em mong có dịp ông lên Đà Lạt chơi.
Sơn xòe hai bàn tay và bĩu nhẹ môi vẻ thất vọng:
- Để làm gì?
Chàng muốn Trúc Đào hiểu rằng chàng đang nghĩ đến cuộc đời của nàng bên cạnh Khiêm. Riêng Trúc Đào, nàng cũng muốn nói: “Có lẽ ông nghĩ đúng” nhưng nàng không dám nói.
Khi bước vào phòng, giọng Oanh ngái ngủ:
- Trúc Đào về đấy à? Sao khuya thế? Tối nay Khiêm nghỉ ở đâu?
- Anh ấy ở khách sạn. Sáng mai anh ấy phải đi Qui Nhơn sớm.
Lại một đêm nữa Trúc Đào trằn trọc không ngủ được. Nàng hồi tưởng lại lần đầu tiên người được nghe Lộc nhắc đến tên Sơn. Hôm ấy nhằm ngày chủ nhật, nàng nhớ kỹ là một ngày chủ nhật đầu tháng Năm, nàng ghé lại thăm Lộc Thúy. Nàng như còn thấy rõ trước mắt, lọ hoa lớn ở phòng khách hôm ấy cắm toàn hoa cúc trắng. Câu chuyện rất vui vẻ, bắt đầu nói về ngày lễ nghỉ, đến hoa trắng tháng Năm, đến những chuyện tình vẩn vơ rồi quay sang sự học hành của Trúc Đào. Chợt Lộc nói:
- À! Thúy này! Trúc Đào có fiancé rồi, tiếc quá em nhỉ! Nếu chưa thì mình giới thiệu anh Sơn cho Trúc Đào.
Thúy tán thành ngay, một điều mà Trúc Đào ít khi thấy xảy ra vì cặp vợ chồng này lúc nào cũng tìm những ý kiến mâu thuẫn để chống nhau:
- Ờ! Phải đấy. Anh Sơn là người bạn tốt của chúng em. Chị với anh Sơn… Ờ, phải đấy!
Trúc Đào chỉ mỉm cười không trả lời. Lộc kể những tính tốt của Sơn và theo ý kiến của Lộc thì Sơn và nàng sẽ thành một đôi vợ chồng hợp tính nhau. Trúc Đào lắng tai nghe, lý thú nhưng không tin tưởng lắm, Lộc thuộc hạng người có tâm hồn đơn giản, làm viên chức tốt và làm chủ gia đình hoàn toàn. Lộc làm ăn cần kiệm, chơi huê chơi hụi chắc chắn, giao thiệp mua bán lanh lẹ tháo vát. Nhà cửa sắp đặt ngăn nắp, sổ chi tiêu không ghi sót một món chi hai đồng, tờ lịch luôn luôn được bóc vào chín giờ tối hôm trước… Tính tình dễ dãi như vậy nên Lộc không có một mối băn khoăn siêu hình nào. Giải trí của anh, cho đến chừng này tuổi vẫn là những phim phi ngựa bắn súng và những tập tiểu thuyết đường rừng. Nàng thầm trách, - nhưng không biết trách ai, - rằng sao người giới thiệu Sơn cho nàng lại là Lộc. Những bạn của Lộc thường là những nhà buôn cần xin giấy tờ ở tòa thị chính, những người mới giàu lo chọn mua vi-la, những người cần mai mối để tìm cưới một cô vợ có vốn. Nàng tưởng Sơn cũng đại khái như vậy. Nàng nghe chuyện một cách lý thú chỉ vì óc chinh phục đặc biệt của người đàn bà mà thôi. Nghe chuyện về một người đàn ông sắp được bạn giới thiệu để yêu mình là một điều thích thú. Thích hơn nữa vì người đàn ông đó là vai chính của một câu chuyện tình khá cao thượng. Nên khi Lộc nói xong quay lại hỏi: “Đấy, chị Trúc Đào thấy một người như vậy có đáng yêu không?” thì nàng trả lời ngay, vui vẻ nhưng hời hợt: “Có. Đáng yêu lắm.”. Tức thì Lộc nói liền:
- Hôm nào chị cùng đi xuống Nha Trang với tôi. Tôi giới thiệu cho.
Trúc Đào không ngờ lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật, một sự thật đẹp hơn nàng tưởng tượng nhiều. Vì sau đó nàng lại nhiều lần được nghe Lộc hay Thúy nói về Sơn và cứ sau mỗi lần như vậy, nàng có cảm tình với Sơn hơn trước. Nay được gặp Sơn, nàng sung sướng và đau xót mà thấy rằng tâm hồn Sơn có những điểm phù hợp với tâm hồn nàng. Nàng quay ra giận Lộc sao trước kia không nói kỹ về Sơn hơn nữa cho nàng biết, nhưng nàng kịp thời thấy mình vô lý vì Lộc làm sao mà nói hết được. Nàng trở sang trách Sơn sao lại chỉ quen với Lộc mà không quen với Phượng, với Tuyết chẳng hạn là những bạn thân của nàng, những người tế nhị như nàng và hiểu rõ tâm hồn nàng như chính nàng vậy. Nhưng rồi nàng cũng lại thấy là mình vô lý.
Đồng hồ nhà ai thong thả gõ hai tiếng. Nàng nghĩ đến ngày mai giã từ Nha Trang, giã từ vĩnh viễn cái bóng dáng Hạnh Phúc mà nàng tưởng như vừa hình dung được. Nàng đưa mắt nhìn lần vải mùng, nhìn lên tường. Tường nhà Sơn không mang một bức tranh ảnh nhỏ nào cả mà chỉ toàn một màu xanh nhạt. Phòng ngủ chỉ để một ít bàn ghế giường tủ cần thiết. Ánh sáng và khoảng rộng chiếm nhiều chỗ hơn. Nàng nhớ đến nhà mình bề bộn vì những đồ trưng bày hơn là cần dùng. Nàng nghĩ lại: mình thích lối sống này hơn.
Quả thật nàng thấy Sơn say sưa yêu đời mà vẫn có dáng đạm bạc với đời. Đó là một sự mâu thuẫn kỳ thú. Sơn có những ý kiến của chàng, không như Khiêm thường chỉ nhắc lại những điều vừa đọc trên báo, vừa nghe ở đài phát thanh hay vừa nghe của ai. Khiêm bàn về mọi vấn đề và về vấn đề nào cũng đưa những ý hời hợt nhất, sáo nhất. Khiêm luôn luôn... Những ý nghĩ về Khiêm làm tâm hồn Trúc Đào u tối lại khiến nàng nhắm mắt và ngủ lúc nào không biết nữa, bỏ dở dang những ý nghĩ không có đoạn kết.
Sáng hôm sau, đoàn công chức về Đà Lạt. Vali, giỏ, xách trên tay Lộc, Thúy, Oanh, Trúc Đào đứng thành hàng trước mặt Sơn. Sơn không để đợi khách nói, chàng nói trước.
- Xin cám ơn anh chị và hai cô đã đến làm vui cái không khí của nhà tôi. Tôi rất tiếc là không đủ phương tiện để làm cho những ngày các bạn lưu trú được êm đềm hơn.
Lộc ấp úng:
- Tôi sắp cám ơn anh thì anh chận đầu mất rồi. Chúng tôi mới phải cám ơn anh và xin lỗi đã quấy rầy anh mấy hôm nay.
- Quấy rầy? … Ừ, cũng có quấy rầy đôi chút đó, nhưng tôi thích vì các bạn đã xáo trộn cuộc đời của tôi cho thêm vui một tí.
Lúc tiễn mọi người lên xe. Sơn nhận cái chào của từng người. Đến lượt Trúc Đào, chàng nói:
- Riêng trúc đào của cô, cô sẽ có.
Trúc Đào mỉm cười:
- Lễ Nô-en em xuống.
- Tôi đợi.
Chàng êm đềm nhìn nàng giây lâu. Những câu muốn nói mà không tiện nói ra chàng gửi vào cái nhìn âu yếm ấy. Trúc Đào cũng nhìn chàng mà không chớp mắt. Nàng nghĩ gì mà không chớp mắt thế kia? Đến những kỷ niệm dưới gốc bụi trúc đào, ở bên cạnh vũng nước hay đến buổi chiều bóng lỗi hẹn đêm qua?
Xe rồ máy. Sơn vẫy tay âu yếm nhìn theo cho đến khi xe mất hút ở cuối đường Bạch Đằng.
Những ngày ở Đà Lạt không khiến Trúc Đào ít nghĩ về Sơn nhất là những khi nàng va chạm với Khiêm. Từ ngày gặp Sơn, nàng mới thấy rõ sự tầm thường của Khiêm, sự tầm thường mà trước đây nàng tưởng là trạng thái bình thường của con người thời đại. Thậm chí đã có nhiều lúc nàng đâm ra nghi ngờ tự hỏi: hay chính mình mới là người bất thường? Nàng nhớ lại những trang nhật ký của Sơn mà nàng đã đọc. Không phải chỉ đoạn cô gái Trung Hoa nàng đưa ra hỏi Sơn hôm trước đâu mà nàng đã đọc nhiều hơn thế nữa. Chính có đọc nàng mới thấy Sơn có một đời sống nội tâm giống nàng, mới thấy rằng nàng không phải là một người bất thường. Thật ra, những sự va chạm với Khiêm không có gì quan trọng. Đó chỉ là những sự bực bội lặp lại khi nàng phải nghe những ý kiến phi cá tính của Khiêm, những ý kiến phát biểu về một kiểu ô tô, về một màu sơn cửa, về một vấn đề thời sự trên báo. Mỗi lần bực bội như vậy nàng thường đến nhà Lộc Thúy để quên đi và nơi đây ba người lại mê mải nói chuyện về Nha Trang, về Sơn. Ba người đều mâu thuẫn như nhau: họ vẫn ngầm công nhận cuộc hôn nhân giữa Trúc Đào và Khiêm mà vẫn tìm mọi dịp để khám phá một cách thích thú rằng giữa Trúc Đào với Sơn có những sự hòa hợp.
Ngày tháng trôi qua. Xấp lịch treo tường đã thấy mỏng lần, mỏng lần. Rặng anh đào chạy dọc theo con đường Yersin đã thấy lấm tấm ra nụ. Gió lạnh thổi từng cơn vi vút, reo giữa cành lá thông cao. Tháng chạp rồi. Lễ Nô-en đã được báo trước bằng những bộ quần áo nỉ màu sẫm với những chiếc khăn len che mũi, bằng những kiểu măng tô, bằng những chiếc áo nhung mềm mại uyển chuyển. Trúc Đào vui vẻ nghĩ đến ngày lễ Nô-en, nghĩ đến lời hứa xuống Nha Trang. Xuống Nha Trang, nàng sẽ đem theo món quà gì? Hoa thì nhất định phải có rồi vì đó là thổ sản của Đà lạt. Nàng sẽ chọn một bó lai ơn màu tím đậm, màu tím phù hợp với nỗi cô đơn của Sơn. Nhưng chỉ có hoa không thì ít quá. Hoa dẫu đẹp nhưng mau tàn, phải có thêm món quà gì bền chắc hơn. Đang khi băn khoăn không biết chọn món quà nào thì Khiêm lại. Sau vài câu chuyện nắng mưa, chuyện cách mạng Đại Hàn, chuyện chiến tranh Congo mà Trúc Đào lơ đãng đối đáp. Khiêm đổi giọng nghiêm trang hơn:
- Thằng Minh vừa đổi cái xe cũ, bù tám mươi ngàn đồng bạc lấy được chiếc Consul đời NBJ nên cứ vênh cái mặt lái chạy khắp phố.
Trúc Đào thật thà:
- Cái Consul kiểu đẹp đấy chứ.
- Kiểu thì cũng trông được đấy nhưng màu xanh quê chết.
- Đó là sở thích của mỗi người.
- Sở thích gì? Nó là một thằng nhà quê. Nhìn con vợ nó không thấy sao?
Tính Trúc Đào không thích tranh biện nhưng nàng thấy thèn thẹn coi như mình thiếu thành thực nếu không bào chữa cho Minh, coi như mình đồng lõa với Khiêm nếu nàng im lặng.
- Chị Minh bản chất thực thà nên không diêm dúa lòe loẹt đó thôi, chứ em tưởng uốn tóc, vẽ mi mắt và mặc áo ni lông thì đâu có khó. Em có quen chị ấy nên em biết rõ. Chị tốt lắm.
- Anh thì chúa ghét thằng Minh. Nó bắng nhắng…
Trúc Đào khó chịu ngắt lời:
- Sao anh nuôi chi những ý nghĩ xấu về người khác vậy? Nghĩ tốt về người ta, lỡ có lầm cũng không sao vì không hại cho ai hết. Chứ nghĩ xấu cho họ thì khi biết mình lầm, hối lại không kịp.
Hai người im lặng. Không khí có hơi ngột ngạt. Đã nhiều lần như vậy, Trúc Đào cãi với Khiêm mỗi khi thấy Khiêm đả kích người vắng mặt. Khiêm không dung cho một người nào có ưu điểm. Những lúc đầu nàng thấy vô hại vì sự đả kích mượn hình thức châm biếm nhẹ nhàng, nhưng lần lần nàng thấy Khiêm đi sâu vào sự nhỏ nhen, ưa tìm tì vết của người ta.
Khiêm lặng lẽ đưa tay ngắt một đóa thược dược ở lọ hoa đặt trước mặt. Trúc Đào nghĩ rằng chàng ngượng nên có hơi hối hận. Chợt Khiêm bảo:
- Nô-en năm nay anh tổ chức tiệc nửa đêm có khiêu vũ.
Thấy Trúc Đào không reo mừng như chàng dự tưởng, Khiêm hỏi:
- Nào, em có thích không? Năm ngoái lũ thằng Như thằng Duệ ở sở Địa dư, thằng Cang ở Thuế vụ tổ chức những tiệc nửa đêm có khiêu vũ. Chúng nó tổ chức xoàng thôi mà cũng được lũ bạn khen ầm lên…
“Lại chê bai người ta!” Trúc Đào nghĩ. Cổ họng nàng như nghẽn lại do hơi ở đâu đưa ứ tắc. Thế ra mình vừa hối hận lầm. Nàng giận không muốn nghe Khiêm nói nữa thế mà bên tai nàng, tiếng của Khiêm vẫn hào hứng nói tiếp:
- Năm nay anh tổ chức phải hơn tụi nó. Anh nhờ có em làm linh hồn cho đêm khiêu vũ. Em phải trang điểm cho thật đẹp, tiếp đãi cho thật bặt thiệp...
Trúc Đào ngắt lời:
- Em chịu thôi. Em nhảy dở lắm.
- Đó là cái lỗi của em. Em muốn lạc hậu…
Bị chạm tự ái bất ngờ, mắt nàng sáng lên:
- Vả lại Nô-en này em không ở Đà Lạt.
- Chứ em đi đâu? - Khiêm trố mắt ngạc nhiên hỏi.
- Em đi…
- Đi đâu?
- Đi Nha Trang.
- Đi Nha Trang… Sao em không hỏi anh trước? Em xuống Nha Trang để làm gì?
Nghe giọng Khiêm hỏi gặng, Trúc Đào đứng dậy:
- Em có quyền không trả lờøi.
Khiêm giơ tay ra hiệu giữ lại:
- Em phải trả lời.
- Anh lầm! Anh không có quyền gì bắt em phải trả lời hết.
- Có! Anh có quyền! Anh là hôn phu của em.
- Pháp luật không qui định điều đó.
Mặt Khiêm đỏ lên:
- Anh không cần biết đến pháp luật. Anh chỉ cần biết rằng em phải theo lời anh.
- Em không nghe.
Nàng vừa nói vừa bước nhanh ra khỏi phòng khách chạy lên phòng mình rồi đóng sầm cửa lại. Nàng ngồi xuống giường lưng tựa vào tường, mím môi giận và tim đập hồi hộp. Qua cửa sổ, nàng nghe tiếng giày của Khiêm bước vội trên sỏi, tiếp đến tiếng cửa xe đóng sập mạnh và tiếng xe rồ máy chạy vút. Cơn tức vồ lấy nàng. Khiêm bỏ ra đi không lên xin lỗi nàng thế nghĩa là Khiêm tự cho mình có lý. Khiêm chiều nàng nhưng vẫn muốn coi nàng như một người nô lệ. Có lẽ vì Khiêm giao thiệp với nhiều đàn bà, được nhiều đàn bà chiều đãi nên Khiêm quen tính đi. Đã khỏe thế…, nàng sẽ không phải đợi đến ngày Nô-en mới đi Nha Trang, nàng sẽ đi ngay bây giờ để cho Khiêm biết rằng chàng không quyền gì bắt buộc nàng hết. Hôm nay mới mười sáu tháng chạp nhưng có cần gì. Xuống sớm, xuống bất ngờ sẽ làm cho Sơn ngạc nhiên, sung sướng. Bây giờ đã năm giờ chiều rồi, đi chuyến xe lửa năm giờ mười lăm xuống Nha Trang thì không kịp nữa, xe đò sợ cũng hết chuyến, nhưng ý đã quyết, nàng sẽ tự lái lấy chiếc Simca nhỏ của ba nàng. Ba má nàng đi Sài Gòn hai hôm nay, đi bằng xe lửa và sẽ ở dưới đó một tuần. Lái chiếc Simca, chậm nhất là tám giờ tối nay nàng sẽ tới Nha Trang.
Trúc Đào đứng dậy gỡ tóc, bôi sáp môi, thay áo. Phải quyết định ngay. Nàng biết rằng nếu để óc mình thanh thản suy nghĩ, tính tới tính lui thì thế nào cuối cùng nàng cũng nằm vật mình xuống giường bấm cái nút ra-đi-ô để tìm một tiếng nói, một giọng nhạc, trốn tránh cái cô đơn và xua đuổi sự băn khoăn. Ra-đi-ô là cái máy dung dưỡng sự do dự. Nàng mở tủ xếp đặt hành lý một cách vội vã. Một ít quần áo bỏ vào chiếc va-li con. Một ít tiền bỏ vào xắc. Nàng khóa cửa phòng, ra gọi chị vú:
- Vú bảo bác tài đánh xe ra để trước cổng cho tôi. Vú coi nhà nhé? Tôi đi Nha Trang liền bây giờ. Chiều mai về. Vú nhớ coi chừng cửa nẻo.
Vú “Vâng vâng dạ dạ” rồi chạy đi. Tiếng xe từ ga-ra chạy ra, nghiến sỏi sào sạo rồi đậu lại trước cổng. Nàng xách va-li đi vội ra theo. Bác tài bước ra nhường tay lái cho nàng.
- Cô có cần em theo lái?
- Cám ơn chú. Tôi lái một mình được.
Nàng vô số, đạp ga và mũi xe chồm lên nuốt vội con đường. Qua cầu ông Đạo mặc dù cố ôm cua nhưng xe vẫn chạy lết ra đến giữa đường khiến một chiếc xe ngựa chạy ngược chiều vùng lên, hốt hoảng. Những người ngồi trong xe chồm ra la oai oái. Trí óc không bình tĩnh, bàn tay đặt lên tay lái nàng thấy ngón run run. Nàng cho xe chạy chậm lại. Tuy vậy mỗi lần qua một đoạn đường cong là nàng lại thấy mình xao xuyến. Nàng hối hận sao lúc nãy không để cho bác tài theo lái. Nàng lái non, lại bỏ lâu không cầm đến tay lái nên lúng túng vụng về. Đã vậy, tâm hồn lại xáo trộn nên ngay cả ở những đoạn đường thẳng, xe nàng cũng vụt nhiên chạy trờ ra, phải vội vã lái nép vào. Những chiếc xe vận tải lù lù đến, sừng sững như muốn đè bẹp lấy thân chiếc Simca nhỏ. Xuống Trại Mát, nàng tránh một chiếc GMC nhà binh một cách tài tình, gần như là do một phép lạ. Người tài xế nhà binh tưởng đâu nàng đâm sầm vào xe anh ta và anh ta sắp nhắm mắt để khỏi nhìn một tai nạn. Mỗi khi thoát khỏi cơn nguy hiểm là nàng cố xếp đặt cho trí óc có thứ tự trở lại, nhưng rốt cuộc những ý nghĩ về Sơn, về Khiêm, những cảm giác tức giận mến thương lại dày vò lấy nàng.
Đến gần Cầu Đất, một chiếc xe du lịch chạy ngược chiều phóng nhanh tới. Xe chạy nghênh ngang giữa đường. Nàng đã cho xe mình chạy bám sát lề nhưng mũi xe trước mặt cứ lao vụt tới như muốn đâm sầm vào nàng. Nàng run tay. Chợt xe kia kề sát lại xe nàng, tiếng phanh rú to lên rùng rợn khiến nàng vội bẻ ngoặt tay lái sang bên mặt. Mũi xe nhủi xuống, bánh lọt xuống rãnh tháo nước ở lề đường. Nàng vội thắng xe lại nhưng bánh sau lọt xuống luôn, xe nghiêng một bên. Trống ngực đập liên thinh và đầu nàng choáng váng cơ hồ muốn ngất đi. Chiếc xe du lịch cũng đậu lại cách nàng mười thước. Trên xe bước xuống một người Âu cao lớn. Người ấy đi lại gần nàng hỏi bằng tiếng Pháp:
- Xin lỗi cô, có sao không?
Giọng lơ lớ với những chữ R rung nhiều. Nhìn mái tóc và lông tay vàng hoe, nghe giọng nói, Trúc Đào đoán chắc là người Mỹ. Nàng trả lời:
- Cám ơn ông. Tôi chỉ… như thế này.
- Rãnh này sâu không thể cho xe chạy lui lên được. Phải cần xe trục. Vậy… À, xin lỗi, cô đi...
- Nha Trang.
- Cần gấp lắm?
Trúc Đào hơi nhún vai:
- Không lắm.
- Vậy cô định thế nào?
Trúc Đào lắc đầu:
- Tôi chưa biết nên định thế nào cả
Người Âu nhíu mày suy nghĩ một phút rồi nói:
- Tôi đề nghị như thế này: Cô trở lại Đà Lạt và ghé ga-ra thuê xe xuống trục đem về. Như thế có lẽ tiện nhất.
- Có lẽ… - nàng gật đầu. Ông về Đà Lạt?
- Vâng. Và nếu không có gì phiền thì xin mời cô lên xe tôi.
- Cám ơn ông.
Trúc Đào với ra sau lấy vali rồi mở cửa xe bước ra. Nàng khóa máy, quay kín kính chắn gió và khóa luôn cửa xe. Người Âu đưa nàng lại xe của mình và mở cửa. Nàng bước lên. Khi xe mở máy chạy, nàng quay sang hỏi:
- Chắc ông là người Mỹ?
- Vâng, thưa cô.
- Ông vừa ở Phan Rang lên?
- Không. Tôi ở Nha Trang tới.
“Nha Trang, lại Nha Trang”. Trúc Đào thầm nghĩ. Dự tính tám giờ tối nay có mặt ở Nha Trang thế là hỏng. Tiếng máy xe chạy êm êm, tay lái đưa nhẹ nhàng và mũi xe uốn vòng theo các đường cong một cách dịu dàng. Gió mát thổi vùn vụt vào khe cửa kính và phong cảnh hai bên đường lùi nhanh lại ra đằng sau. Chạy qua những chỗ vòng, xe nhún mình như vừa lướt qua một lượn sóng. Sự thoải mái của nàng giờ này thật khác xa với trạng thái hồi hộp của mười lăm phút trước. Nàng để cho óc êm êm nghĩ đến Sơn lúc này đang làm gì. Nàng tưởng tượng vẻ mặt ngạc nhiên của Sơn nếu thấy nàng xuống. Nàng định lấy cớ xuống trông chừng mấy bụi trúc đào chàng cắt giâm, có thể lấy cớ là nhân xuống Phan Rang có tí việc, sẵn ghé lại thăm. Cớ thì có rất nhiều cớ nhưng mục đích để làm gì thì thật là nàng chưa tìm ra mục đích. Để làm gì? Nàng đã yêu Sơn chưa? Sơn có yêu nàng không? Nếu có yêu, yêu rồi thì liệu tình yêu ấy sẽ đưa đến đâu? Nàng có quyết ý từ hôn Khiêm không? Nàng thấy mình lờ mờ không trả lời dứt khoát một câu hỏi nào cả. Cũng may mà xe mình đi không tới chốn, nàng nghĩ. Nếu xuống Nha Trang mà cứ lưỡng lự như thế này!
Những biệt thự đầu tiên đã rủ nhau lần lượt vút ra sau xe. Mặt hồ loang loáng màu trắng thiếc. Người Mỹ hỏi:
- Tôi phải đưa cô đến địa chỉ nào?
- Tôi ở mười bốn Yagut, thưa ông.
- Yagut?
- Ông cứ lái xe đến chợ Đà Lạt rồi tôi sẽ chỉ chừng.
Thế là lễ Nô-en âm thầm trôi qua. Trúc Đào không dự tiệc khiêu vũ ở nhà Khiêm, cũng không xuống Nha Trang nữa. Nghĩ rằng Sơn đợi mình, nàng viết một bức thư lấy cớ bị cảm nên không xuống được hôm Nô-en và xin hẹn sẽ xuống một dịp gần đây. Thư chưa gửi đi thì một hôm Thúy ghé lại tìm nàng. Thúy mang lại cho nàng một tin bất ngờ.
- Anh Khiêm hình như nghi chị…
- Nghi gì?
- Nghi chị có cảm tình với anh Sơn.
Trúc Đào mở to mắt, ngạc nhiên:
- Vô lý. Ai bảo chị vậy?
- Hai ba hôm gì đó sau đêm Nô-en, anh có đến nhà chúng em chơi. Anh nói xa xa nhưng chúng em mau hiểu chúng em đoán biết.