NGƯỜI THỨ BA (2)


NGƯỜI THỨ BA (2)

    
ột người bạn đến báo tin “Phú đã mất hồi ba giờ khuya hôm qua”, Long bàng hoàng như vừa bị say sóng. Anh không ngờ rằng Phú có thể chết nhanh như vậy, mặc dù vài hôm trước anh cũng đã từng nghĩ: “Nếu Phú chết?”
Tâm hồn anh như chao đi, bị tràn ngập trong khoảnh khắc bởi những cảm giác gì rất đỗi mơ hồ. Có phải đó là cảm giác buồn? Không rõ ràng. Phải nói rằng đó là những cảm giác rất phức tạp mà anh sợ không dám phân tích rõ. Có len lỏi một chút gì bằng lòng chăng? Long lắc đầu cố xua đi cái ý nghĩ xấu xa vừa chớm nở đó. Không, anh phải buồn thành thật. Anh nhớ lại những cử chỉ tốt bụng Phú đã từng đối với anh. Phú thành thật và cởi mở. Phú không có ác ý. Phú vẫn coi anh là một người bạn và tìm mọi cách để giúp anh. Riêng anh, anh phải tự khinh mình về những ý nghĩ thù hằn, ghen tỵ mà anh đã từng có. Đứng trước một người chết, lòng tự ái không có tiếng nói nữa. Đối với người đã giã từ cuộc sống để ra đi mãi mãi, giũ hết mọi ghét thương, lo âu, mừng giận, anh thấy lòng thương tràn đầy. Phải, đến giờ này Phú không còn nữa. Phú bị xóa đi khỏi cuộc sống, Phú chỉ còn trong kỷ niệm, mơ hồ như vừa có vừa không. Phú thất bại trong cuộc đấu lớn, cuộc chiến đấu cuối cùng, chiến đấu chống sự chết. Nghĩ đến một ngày nào đó mình cũng sẽ chung một số phận như vậy, Long hết lòng thương người bạn chiến bại của mình.
Anh muốn đến thăm Nguyệt ngay để an ủi nàng và để giúp nàng một tay trong việc tang ma, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, rồi thôi. Gặp lại Nguyệt trong giờ này thật không nên. Thật khó mà giữ được vẻ tự nhiên khi cả hai cùng cảm thấy quá khứ của hai người dễ hiện lên lẫn lộn với hiện tại. Anh muốn tôn trọng sự thuần khiết của niềm đau xót Nguyệt dành cho chồng. Anh đợi sang ngày hôm sau, khi đã phát tang mới mang lễ đến phúng viếng. Nguyệt và Phú có nhiều họ hàng ở Sài Gòn, nên anh không làm Nguyệt sẽ lúng túng trong việc ma chay.
Khi anh đỗ xe bước vào nhà thì tiếng nhạc cử ai vang lên. Phường bát âm ngồi ở trước hiên gồm lúc nhúc những kèn, nhị và trống. Anh hồi hộp không phân biệt được ai. Tiếng nhạc báo hiệu cho gia chủ biết rằng có khách đến viếng. Tức thì ở sau bức màn trắng lao xao có tiếng người di chuyển. Một người nhận lễ vật của anh đặt vào khay bưng để lên bàn thờ. Quan tài của Phú kê trên bộ ngựa cao đặt giữa nhà. Vòng hoa dựng chung quanh. Trên tường treo la liệt liễn đối, nét chữ màu đen buồn bã. Anh nhìn giây lâu chiếc quan tài đựng thi thể của bạn. Giã từ tất cả những khuôn mặt người, những đồ vật quen thuộc và ánh sáng mặt trời. Phú đã đi vào màu đen của đôi mi mắt nhắm của nắp ván thiên đậy lại, rồi mai này và vĩnh viễn, của lòng đất âm u.
Giọng kèn, giọng nhị kể lể bên tai, nức nở sụt sùi. Trước mặt anh, xế bên tay phải quan tài, Nguyệt ngồi bệt xuống đất để chuẩn bị đáp lễ. Áo tang trắng lụng thụng. Một cái mấn trắng chụp trên đầu. Long chầm chậm quỳ xuống lễ. Rập theo nhịp của anh, Nguyệt cũng thong thả cúi đầu lễ trả. Anh hồi hộp không dám nhìn Nguyệt. Anh cảm thấy bao nhiêu con mắt tò mò của lũ người đến xem đám và sau lưng mình, làm nóng cả tai và cổ.
Lúc anh đứng dậy để bước ra khỏi chiếu, Nguyệt tiến đến theo lệ để cảm tạ. Nàng nói gì anh không nghe rõ. Anh chỉ thoáng nhìn qua, chợt bắt gặp đôi mắt đen của nàng và dưới cái ấn trắng, da nàng trắng rực rỡ như sáng hẳn lên. Long bàng hoàng như mình vừa qua một giấc mơ ngắn. Màu da mặt ấy bên cạnh màu vải trắng kia chính là màu quen thuộc của Nguyệt khi nàng còn là học trò, mặc áo dài trắng và xõa tóc bên vai. Chính Nguyệt đã yêu anh với màu trắng đơn sơ ấy. Mấy năm nay anh toàn gặp nàng trong những hàng áo ni lông màu hoa sặc sỡ khiến nàng vẫn gần anh mà không hiểu vì sao anh vẫn thấy cách xa. Nay đột nhiên anh thấy lại nàng mộc mạc như xưa, anh xúc động như mình vừa bắt gặp lại tuổi thơ của mình. Anh muốn hỏi lên: “Thế mà đã sáu năm rồi sao?”
Nhưng tuổi thơ, có thật là mình bắt gặp lại được tuổi thơ hay đó chỉ là một ảo ảnh thoáng qua, anh chua xót nghĩ. Thực tế thì sáu năm đã ghi lại những nét quá đậm trong tâm hồn của Nguyệt, của anh. Lấy gì mà xóa được? Tình yêu đâu còn hồn nhiên trong suốt? Khi gặp trở ngại, anh thấy mình yêu thật nhiều, yêu đến độ mình sẵn sàng đạp phăng tất cả để chinh phục tình yêu đó. Nay trở ngại đã mất thì anh bắt đầu lúng túng và hoài nghi. Có lẽ Nguyệt cũng nghĩ như anh vậy. Nhìn kỹ vào đôi mắt của nàng, anh thấy có hai dòng nước mắt đang chảy từ từ xuống má. Đúng rồi, nàng đang hoài nghi như mình.
Nàng đang xót xa nghĩ rằng nàng sắp nhận một nỗi khổ mới, nỗi khổ âm ỉ, khác xa với nghĩ của nàng trong một đoạn thư nàng viết cho anh, trước đây:
“- Được biết anh quen với Ngãi, em vui lắm. Ngãi là bạn học của em ở Đồng Khánh đó. Anh cưới Ngãi đi nhé. Rồi ngày hè em sẽ vào thăm anh, thăm Ngãi. Bộ ba chúng ta sẽ đi phố, đi biển, tha hồ vui. Bộ ba! Anh ơi, sao anh với em cứ phải đóng vai bộ ba mãi vậy anh? Sao số chúng ta lại khổ vậy? lúc nào giữa anh và em cũng hoặc chồng em hoặc vợ anh. Sao số chúng ta lại khổ vậy?
Hôm nay, một sự hiện diện bộ ba không còn nữa, nhưng không đơn giản như hai người từng nghĩ, thoáng trong một phút, anh chợt nhận thấy giá trị không ngờ của nó. Khi đóng vai nạn nhân, Nguyệt và anh đều cảm thấy mình có giá trị nhiều hơn, mặc dù bị trở ngại mà vẫn được yêu, điều ấy không phải dành cho mọi người bình thường.
Có pha thêm một chút đắng, vị ngọt của tình yêu mới làm cho người ta đam mê như khi đam mê hương vị của cà phê. Từ hôm nay, hai người đột nhiên rơi vào một mối tình dễ dàng, tầm thường, anh thấy mình nhẹ nhõm một cách chán ngắt khi không còn phải vận dụng trí óc để đối phó. Trước mắt anh không còn một đối thủ xứng đáng để cho anh phải gắng sức mà chỉ còn phảng phất một cái bóng, một cái bóng không mất, không bao giờ mất.