Dịch giả: Lê Thùy Dương
Hiệu định: Nguyễn Bá Hưng
CUỘC ĐỜI CON GẤU XÁM

    
ó một con gấu cái lông xám sống lặng lẽ tại một vùng rất xa bây giờ là trang trại Palette, thuộc miền Tây hẻo lánh ở thượng nguồn con sông Piney - Nhỏ. Đó là một con gấu bình thường nhất, mỗi ngày chỉ lo chăm sóc đàn con. Điều nó mong mỏi nhất trên đời là người ta để cho gia đình nó được sống yên ổn.
Đến tháng Sáu, cuối cùng gấu cái quyết định đưa gia đình đến vùng sông Graybull và dạy cho đàn gấu nhỏ biết thế nào là dâu đất và phải tìm kiếm thứ đó ở đâu.
Gấu mẹ tin chắc rằng lũ con nó khỏe mạnh và thông minh nhất đời, nhưng sự thực thì không hoàn toàn được như thế. Dù sao đi nữa trong số bốn chú gấu con thuộc giống gấu xám y như mẹ nó ít khi có được nhiều quá hai đứa con đáng khoe khoang đến như vậy. Những chú gấu con lông xù đã trải qua một thời gian tuyệt vời, hưởng thụ cả mùa hè kì diệu với những món ăn ngon lành nhiều vô kể.
Gấu mẹ lật từng gốc cây, tảng đá trên đường đi cho chúng. Lũ gấu con lập tức xô lại như một đàn lợn con, tranh nhau liếm những con kiến và ấu trùng ẩn náu ở đó. Chúng không bao giờ nghĩ rằng mẹ chúng có thể đuối sức và làm tuột tảng đá khỏi tay khi chúng bò bên dưới. Thực ra không ai nghĩ như thế dù chỉ một lần trông thấy bàn tay to tướng và đôi vai vạm vỡ ẩn dưới bộ lông xám vàng dày sụ. Không đời nào bàn tay như vậy lại có thể làm rớt tảng đá, những chú gấu con thật đã nghĩ đúng. Chúng ba chân bốn cẳng phóng đến từng gốc cây mới, xô đẩy, chen lấn nhau để kịp là người đến đầu tiên, rồi kêu chí chóe, rít lên, xoay ngang xoay dọc như hệt một đống láo nháo vừa lợn con, vừa chó con và mèo con gộp lại. Lũ gấu con biết rất rõ đàn kiến nâu bé tí xíu hay làm tổ dưới gốc cây trong núi. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng gặp một tổ kiến rừng to, con nào con nấy béo ngậy và ngon ngọt. Gấu con xoay xỏa vòng quanh cố dùng lưỡi tóm gọn lũ kiến đang tìm cách chạy trốn. Tuy nhiên chẳng bao lâu chúng đã khẳng định được rằng chúng sẽ chỉ liếm được gai xương rồng và cát nhiều hơn là kiến. Cuối cùng gấu mẹ đã nói với bầy con bằng ngôn ngữ của loài gấu: "Dừng lại, mẹ sẽ chỉ cho các con biết phải làm như thế nào".
Mặt trên tổ kiến lại lộ ra. Gấu mẹ đặt bàn tay duỗi dài của mình lên đó và chỉ sau mấy giây đồng hồ là lũ kiến đã tức giận bu đầy tay. Nó liền đưa lưỡi liếm bàn tay một cái hết sạch và bắt đầu nhai một cách ngon lành. Không cần lâu lắc gì lũ gấu con đã hiểu ngay bản chất của vấn đề. Chú nào cũng đặt lên tổ kiến cả hai bàn tay nâu bé tẹo của mình và cứ ngồi như vậy rất lâu quanh tổ kiến, lần lượt liếm hết tay phải lại đến tay trái, rồi lại còn tặng nhau những cái tát tai nếu như ai đó liếm lầm bàn tay của kẻ khác. Chẳng mấy chốc tổ kiến đã rỗng tuếch, và những cái tay nhỏ xíu lại sẵn sàng tiếp nhận một thứ gì đó mới mẻ.
Nhưng kiến là món ăn khá chua nên lũ gấu con muốn uống nước. Gấu mẹ dẫn chúng xuống dưới, phía dòng sông. Chúng đi dọc bờ sông, vỗ oàm oạp vào nước và cuối cùng đến một chỗ mà cái nhìn tinh ranh của gấu mẹ đã phát hiện ra có rất nhiều cá con nằm sưởi ấm dưới đáy sông. Dưới đáy khúc sông đó có những hố sâu đen ngòm, xen giữa là những khoảng nông choèn, ở đó nước chảy men theo các tảng đá. Gấu mẹ bảo lũ gấu con: "Nào, bây giờ ngồi yên trên bờ mà coi mẹ sẽ bày cho các con một trò mới".
Thoạt tiên gấu mẹ tiến đến gần một cái hố nằm ở phía dưới dòng lôi từ dưới đáy lên cả một tảng bùn lớn dồn từ trên xuống theo dòng chảy. Sau đó nó đi dọc bờ sông tiến đến cái hố ở phía trên dòng và ra sức khuấy nước ầm ĩ. Đàn cá bị tấn công bất ngờ như thế đã hoảng hốt bổ chạy vào chỗ nước đục ngầu, và vì trong số năm chục con cá bao giờ cũng có một số con ngu xuẩn cho nên khoảng chừng nửa tá con đã cố gắng bơi tiếp xuyên qua chỗ nước đục theo dòng chảy, và chúng chưa kịp định thần thì đã vừa vặn mắc kẹt vào bãi đá. Gấu mẹ lập tức vớt chúng vứt lên bờ. Lũ gấu con ào ào lao tới những con "rắn" buồn cười ngắn ngủn đó và ăn ngấu nghiến cho đến khi bụng chúng no phình ra như những cái trống.
Mặt trời nung cháy bỏng, lũ gấu con đã no nê và bắt đầu buồn ngủ. Gấu mẹ dẫn chúng đến một góc hẻo lánh, nằm xuống và cả bốn con gấu con đều nằm quây quần quanh mẹ.
Thở hồng hộc vì nóng, chúng lập tức ngủ ngay, cuộn tròn những cái chân nâu lại và chúi mõm vào lông cứ như trời đang lạnh lắm vậy.
Gấu con ngủ ngon lành chừng một tiếng đồng hồ, sau đó chúng bắt đầu ngáp và vươn vai. Cô gấu bé nhất, Gấu Bông, thò cái mũi nhọn hoắt của mình ra một phút rồi lại chúi luôn vào giữa những bàn chân to lớn của mẹ. Đó là đứa con gái bé bỏng đáng yêu nhất của gấu mẹ. Chú gấu lớn nhất, Lông Sáng, nằm ngửa ra và bắt đầu mân mê cái rễ cây trồi từ dưới đất lên. Nó khe khẽ rên ư ử và lúc thì gặm rễ cây, lúc lại lấy tay vả nhẹ khi cái rễ không chịu nằm như nó muốn.
Con gấu con hay nghịch ngợm Hói Trán bắt đầu kéo tai con Tóc Xoăn và nhận được của chú này một cái tát tai nên thân. Thế là chúng đánh lộn nhau, bám chặt lấy nhau thành một đống màu vàng xám. Chúng lăn tròn trên cỏ, mỗi lúc một xa dần và chưa kịp tỉnh ra thì đã văng xuống dưới gần dòng sông.
Hầu như ngay lúc đó vang lên tiếng kêu hãi hùng của chúng. Rõ ràng là có một mối nguy hiểm ghê gớm nào đó đang đe dọa chúng.
Gấu mẹ đang dịu dàng với bầy con là thế trong nháy mắt đã biến thành một thứ quỷ dữ thực sự. Nó chỉ nhảy một bước đã bay đến ngay bên lũ con. Và thật vừa kịp bởi vì một con bò mộng cỡ bự đang sẵn sàng lao vào Tóc Xoăn mà nó tưởng nhầm là một chú chó vàng nhóc con. Gấu mẹ rống lên và lao vào con bò. Bò chẳng sợ hãi gì cả. Nó cũng buông một tiếng rống đe dọa, tiến về phía gấu mẹ. Nhưng nó vừa hạ thấp đầu xuống để định hạ kẻ địch bằng một cái vạng sừng thì gấu mẹ đã giáng một đòn choáng váng vào đầu nó. Nó chưa kịp hoàn hồn thì gấu mẹ đã ngồi chễm chệ trên mình nó và dùng những cái móng sắc kinh khủng cào vào hai bên sườn nó.
Bò mộng rống lên điên dại, lồng ngược lồng xuôi, mang theo cả gấu mẹ trên lưng. Cuối cùng nó nặng nề trượt theo bờ dốc xuống sông, và chỉ khi đó gấu mẹ mới chịu rời khỏi lưng nó để tự cứu mình.
II
Người chủ trại chăn nuôi giàu có, viên đại tá già Pickett, đang đi thăm đàn gia súc của mình. Lúc đi vòng qua núi ông chợt nghe thấy tiếng rống từ xa đưa lại. "Chắc là bò đánh nhau", ông nghĩ vậy.
Lúc đầu ông không mảy may để ý đến chuyện đó. Nhưng ngay sau đó ông nhận thấy đàn gia súc cuống quýt lấy móng bới đất. Tiến đến gần, ông trông thấy chính con đầu đàn - một con bò mộng lớn - người đẫm máu. Lưng và hai bên sườn nó bị móng sắc cào rách, còn đầu thì bị thương như sau một trận đấu dữ dội với những con bò khác.
- Gấu xám! - Pickett lẩm bẩm.
Sẵn súng trường, ông lần theo dấu vết con bò. Đến bãi sỏi nông gần nơi cửa sông Piney - Nhỏ đổ vào sông Graybull, ông lội sang bờ bên kia và tiếp tục đi dọc lên phía trên theo sườn dốc. Pickett vừa nhô đầu lên khỏi đỉnh dốc đã nhìn thấy ngay trước mắt cả bầy gấu: một con mẹ và bốn con con.
Gấu mẹ biết loài người bao giờ cũng đi kèm theo vũ khí. "Chạy vào rừng ngay!", nó càu nhàu. Gấu mẹ không sợ cho nó mà sợ cho bầy con thân yêu. Nó vừa dẫn chúng đến bìa cánh rừng rậm thì từng loạt đạn rùng rợn bắt đầu vang lên.
"Pàng!" - và thế là trái tim người mẹ khốn khổ đau thắt lại vì một vết thương chết người.
"Pàng!" - và cô Gấu Bông tội nghiệp lăn ra, rên rỉ để rồi im bặt.
Gấu mẹ rống lên điên cuồng, nó quay ngay lại và lao vào con người, nhưng "pàng!" - và chính nó bị thêm một vết thương chết người nữa vật ngã. Những chú gấu con còn lại không biết xử sự ra sao, vội chạy ngược lại về phía mẹ.
"Pàng! Pàng!" - Hói Trán và Tóc Xoăn ngã lăn bên cạnh mẹ và giãy chết.
Lông Sáng hoảng sợ và bàng hoàng chạy quanh Hói Trán và Tóc Xoăn. Cuối cùng cũng chẳng hiểu rõ lí do, nó chạy trốn vào rừng. Nhưng phát súng sau chót cũng đuổi kịp cả nó, trúng vào một chân sau và làm gãy chân.
Suốt đêm chú gấu bé bỏng khập khiễng lang thang khắp rừng: chú Lông Sáng đáng thương tập tễnh trên ba chân. Mỗi lần nó định bước bằng cái chân đau thì máu ở vết thương lại ứa ra, và nó lại khóc, lại rên rỉ: "Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?"
Gấu con bị rét, đói, và cái chân bị thương của nó đau ghê gớm. Nhưng mẹ nó đã không còn chạy đến được theo tiếng gọi của nó, và bản thân nó thì không dám trở lại nơi nó đã bỏ mẹ lại, thế là nó cứ tiếp tục lang thang vô mục đích giữa rừng cây.
Bỗng nhiên nó ngửi thấy một mùi gì là lạ, và không biết phải làm gì nó đành leo vội lên cây.
Dưới đất xuất hiện vài con thú cao kều, cổ dài, chân khẳng khiu. Lông Sáng đã thấy chúng một lần khi còn đi bên mẹ. Lúc đó nó không sợ gì chúng cả, còn bây giờ nó ngồi im thít trên cây. Nhưng những con vật to lớn đó tiến đến gần cái cây thì ngừng gặm cỏ, huơ mũi trong không khí đánh hơi rồi nhanh chóng biến mất.
Lông Sáng tội nghiệp ngồi trên cây cho đến sáng và cứng đờ ra vì lạnh đến nỗi không tài nào tụt xuống đất được. Rồi mặt trời ló ra, nó cảm thấy khá hơn bắt đầu đi kiếm quả rừng và kiến ăn cho khỏi đói.
Nó quay trở lại dòng sông quen thuộc, nhúng cái chân bị thương vào nước lạnh buốt. Nó muốn đi vào núi, nhưng nó quyết định trước hết hãy đi đến nơi mà mẹ và các em nó đã nằm lại. Quá trưa thời tiết đã hoàn toàn ấm áp, nó tập tễnh xuyên rừng xuống phía dưới rồi đi dọc bờ sông Graybull. Lông Sáng đi, đi mãi và đến được chỗ hôm qua nó cùng với mẹ còn dự một bữa tiệc cá no nê. Ở đó vẫn còn lăn lóc những cái đầu cá và nó thèm khát nhặt ăn hết. Nhưng từ đâu đó đưa đến một mùi lạ khó chịu làm gấu con sợ hãi. Khi nó tiến đến gần cái nơi còn nhìn thấy mẹ lần cuối thì mùi đó càng bốc lên rõ rệt. Gấu con thận trọng nấp sau một gốc cây quan sát và nó thấy một đàn sói đồng cỏ đang gặm ăn một cái gì đó.
Nó không biết đó là cái gì nhưng mẹ nó đã không còn ở nơi ấy nữa và mùi thì ngày càng nặng nề hơn khiến cho Lông Sáng cảm thấy kinh tởm. Nó lặng lẽ quay trở lại rừng và quyết định không bao giờ trở về chốn này nữa. Nó vẫn như trước đây muốn thấy mẹ, nhưng nó đoán chừng rằng tìm mẹ là hoàn toàn vô ích.
Đêm lạnh đã đến. Chú gấu con đáng thương càng thấy đau khổ vì thiếu mẹ. Con gấu mồ côi không ai chăm sóc nấc lên cay đắng, khập khiễng đi xa dần, xa dần. Nó đau đớn và cô đơn, cái chân hành hạ nó, và dạ dày thì thèm khát dòng sữa mẹ, cái dòng sữa mà nó sẽ chẳng bao giờ còn được thưởng thức nữa? Đêm đó nó tìm được một cái cây rỗng bị đổ và chui vào đó. Nó cố gắng tưởng tượng sau khi đã xoay trở được tư thế thoải mái rằng mình đang nằm trong vòng tay rộng lớn của mẹ và giấc mơ đó đã ru nó ngủ thiếp đi.
III
Lông Sáng lúc nào cũng cau có, và những nỗi bất hạnh càng làm cho nó thêm lầm lì.
Tất cả dường như đều chống lại nó. Lông Sáng cố gắng không ra khỏi rừng. Ban ngày nó kiếm ăn, ban đêm ngủ trong hốc cây. Một buổi tối hốc cây của nó bị một con vật to bằng nó, có gai như xương rồng chiếm mất. Gấu con không biết phải xử sự với con vật này như thế nào đành phải bỏ ngôi nhà của mình mà đi.
Có lần Lông Sáng mò xuống gần sông Graybull tìm kiếm những cái rễ cây ngon lành mà mẹ nó đã từng chỉ cho nó. Nhưng nó chưa kịp gặm thì một con vật lông xám nào đó đã từ trong hang nhảy bổ vào nó mà gầm gừ, đe dọa. Đó là một con chồn. Đối với Lông Sáng, con chồn quả là hung dữ, mà gấu con lại đang ốm và què dở. Nó vội vàng tập tễnh tháo lui và không dám dừng chân mãi cho đến khi tới được quãng đèo sang khe núi bên cạnh. Nhưng lúc đó một sói đồng cỏ nhận ra và lại còn gọi thêm một con sói nữa đuổi theo nó. Lông Sáng leo vội lên cái cây gần nhất, sói chồm lên, sủa ầm ĩ phía dưới. Nhưng chẳng mấy chốc chúng hiểu rằng trên cây là một chú gấu con, như vậy có nghĩa là gần đâu đây tất phải có gấu mẹ, cho nên tốt hơn cả là hãy để cho nó yên.
Sói biến mất, và Lông Sáng từ trên cây tụt xuống. Nó quyết định trở về vùng sông Piney của mình. Thực ra ở Graybull kiếm ăn dễ hơn, nhưng từ khi mất mẹ đến giờ hình như tất cả đều chống lại nó. Ở Piney ít nhất cũng không có ai làm phiền nó. Hơn nữa ở đó có nhiều cây cối có thể lẩn tránh kẻ thù. Bàn chân bị thương lành lại một cách chậm chạp. Sự thực thì bàn chân đó sẽ không khỏi hoàn toàn được. Vết thương đã kín miệng, cơn đau đã qua đi, nhưng bàn chân không liền lại hoàn toàn giống như chân kia, và Lông Sáng suất đời khập khiễng. Đó là điều đặc biệt bất tiện mỗi khi bắt buộc phải leo lên cây hoặc nhanh chóng trốn chạy kẻ thù.
Kẻ thù của chú gấu mồ côi rất nhiều, còn bạn thì hoàn toàn không có. Người bạn tốt duy nhất là người mẹ đã mất. Rất nhiều, rất nhiều nỗi bất hạnh đổ lên đầu chú Lông Sáng khốn khổ, kẻ bị mất mẹ quá sớm, sự bất hạnh nhiều đến nỗi chỉ nhờ có sức chịu đựng dẻo dai bẩm sinh nó mới trải qua được.
Năm đó được mùa tuyết tùng. Mỗi khi gió thổi quả tuyết tùng chín lại rơi xuống đất. Lông Sáng sống đã dễ chịu hơn một chút. Nó đã lấy lại được sức khỏe khoắn và sức mạnh. Bây giờ ngay những con thú nó đã gặp hằng ngày đã không dám đụng đến nó nữa.
Nhưng một lần vào buổi sáng, khi nó đang thưởng thức ngon lành quả tuyết tùng thì một con gấu đen to lớn từ phía núi đi đến, Lông Sáng leo vội lên cái cây gần nhất. Gấu đen ngửi thấy mùi gấu xám và thoạt đầu nó sợ. Nhưng khi nhận ra đó chỉ là một chú gấu nhóc thì nó dũng cảm hẳn lên và rống lên đuổi theo Lông Sáng. Gấu đen leo rất nhanh và Lông Sáng leo cao đến đâu nó cũng đuổi theo đến đó. Cuối cùng chú gấu nhỏ của chúng ta cố thủ trên cành cây mảnh dẻ cao nhất. Gấu đen túm lấy nó quẳng xuống dưới đất một cách không thương tiếc. Lông Sáng choáng váng, xây xát và đau nhừ vừa tập tễnh bỏ đi vừa rên rỉ, nức nở. Gấu đen có thể đuổi theo nó và hoàn toàn tóm gọn, nhưng sợ có gấu mẹ ở gần đâu đây. Thế là Lông Sáng đã bị gấu đen tống cổ ra khỏi những cánh rừng tuyết tùng tuyệt diệu.
Dọc theo sông Graybull thức ăn hoàn toàn hiếm hoi: trái cây hầu như đều chín rụng cả, chẳng có cá mà cũng chẳng có kiến. Chú Lông Sáng đáng thương bắt buộc phải đi xa mãi, xa mãi tìm kiếm thức ăn.
Một lần trong các trảng ngải cứu sói đồng cỏ lại đuổi theo nó. Lông Sáng chạy trốn, nhưng sói đuổi kịp. Với lòng dũng cảm phi thường không lường trước được của sự tuyệt vọng vô biên mà có, Lông Sáng quay ngoắt lại và lao vào sói Con sói luống cuống sợ hãi, cụp đuôi lại chạy mất.
Thế là Lông Sáng hiểu rằng, ở trong rừng hòa bình được trả giá bằng chiến tranh.
Nhưng nơi ở mới quá ít thức ăn. Lông Sáng liền quay trở lại những cánh rừng tuyết tùng xa xôi trong thung lũng sông Meteetsee. Tại đây đột nhiên nó gặp một con người, hoàn toàn giống hệt như người đã giết mẹ nó. Ngay phút đó vang lên tiếng súng nổ "pàng!" - và lập tức có những ngọn ngải cứu run rẩy rồi rơi xuống người nó. Lông Sáng bỗng nhớ lại tất cả mùi vị và âm thanh của cái ngày khủng khiếp trước, nó bỏ chạy như điên. Chẳng mấy chốc nó đến được khe núi và lần theo đó xuống thung lũng. Lông Sáng nhìn thấy một kẽ hở giữa hai vách đá và quyết định chọn nơi ẩn náu tốt ấy. Nhưng nó vừa tiến đến gần thì một con bò rừng cái nhảy ra, ả phì phì hăm dọa và vung tít đôi sừng lên.
Gấu con phốc luôn lên một cái cây gần nhất, nhưng ngay lúc đó ở phía bên kia cây xuất hiện một con mèo rừng. Chú Lông Sáng tội nghiệp bắt buộc phải cuốn gói khỏi nơi đây vì xem chừng mèo rừng chẳng có thiện ý gì với nó mà gây sự bây giờ thì không đúng chút nào. Chú gấu con đáng thương nuốt hận mà đi và tin chắc là trên thế gian này đầy rẫy kẻ thù. Nó không biết làm gì khác hơn là trèo lên dốc núi đá và đi sâu vào rừng tùng Meteetsee.
Nhưng ở đây sự có mặt của nó lại làm cho lũ sóc hoàn toàn khó chịu và kêu ầm lên. Lũ sóc lo sợ cho đám hạt dẻ của chúng - chúng biết rằng gấu đến đe dọa chúng. Chúng truyền từ cành nọ sang cành kia theo sau Lông Sáng và từ trên cao trút tới tấp lên đầu Lông Sáng những lời chửi bới, có đùng tiếng động ầm ĩ để gọi tới một kẻ thù nào đó của gấu. Tất nhiên đây là sự ranh ma của lũ sóc.
Tuy chưa thấy có kẻ thù nào tới nhưng Lông Sáng cũng thấy lo ngại và cứ đi tiếp đến tận bìa rừng phía trên, nơi có ít thức ăn và cũng ít cả kẻ thù. Chỉ ở đó, nơi cuối rừng và bắt đầu bãi chăn cừu, nó mới có thể bình tĩnh nghỉ ngơi.
IV
Sự săn đuổi của vô số kẻ thù làm cho Lông Sáng ngày càng trở nên hung dữ. Tại sao tất cả đều không để cho nó, một kẻ bất hạnh, được yên thân? Tại sao tất cả, hoàn toàn tất cả đều chống lại nó? Ôi, giá như mẹ nó trở về! Ôi, giá như nó có thể mặt đối mặt với con gấu đen đã đuổi nó khỏi khu rừng chôn rau cắt rốn! Nó tạm thời chưa đoán ra được rằng nó sẽ lớn lên theo thời gian. Thậm chí con mèo rừng khốn kiếp cũng xua đuổi nó, còn con người thì muốn bắn chết nó. Ôi, nó sẽ không quên một ai trong số những kẻ thù của nó và căm thù tất cả bọn chúng?
Lần này Lông Sáng tìm được một chỗ ở khá tốt. Xung quanh rất nhiều hạt dẻ. Chẳng bao lâu tài đánh hơi mách bảo nó ở đâu có kho dự trữ mùa đông của bọn sóc. Những phát hiện đó tất nhiên gây đau khổ cho lũ sóc nhưng Lông Sáng lại rất hạnh phúc, và đến thời kì ban đêm bắt đầu se lạnh thì Lông Sáng đã dần dần mượt mà béo tốt ra.
Bây giờ Lông Sáng lang thang khắp các cánh rừng thung lũng sông Meteetsee. Phần lớn thời gian nó ở trong những cánh rừng phía thượng nguồn, nhưng thỉnh thoảng cũng lần xuống tìm thức ăn tận dưới bờ sông.
Một lần vào ban đêm đi qua bờ sông nó ngửi thấy một mùi gì đó đặc biệt. Nó cảm thấy mùi đó rất dễ chịu liền tiến đến sát mép nước. Mùi tỏa đến từ một khúc gỗ ngâm dưới nước, Lông Sáng trèo lên gỗ nhưng bất thình lình một cái gì đó sập mạnh, và một chân của nó nằm gọn trong một cái bẫy hải ly bằng sắt rất chắc.
Lông Sáng rống lên và dùng hết sức lực giật lùi về phía sau lôi cả cái cọc gắn liền với cái bẫy ra. Lúc đầu nó còn cố tháo bẫy, nhưng sau thì mang theo cả bẫy chạy vào bụi cây. Nó bắt đầu lấy răng cắn bẫy, nhưng cái bẫy sắt chặt cứng, lạnh ngắt không hề suy suyển và điềm nhiên treo lủng lẳng trên bàn chân gấu con. Chốc chốc Lông Sáng lại dừng lại, cào cấu cái bẫy đáng nguyền rủa và đập nó xuống đất. Nó thử vùi bẫy xuống đất, mang bẫy trèo lên cây, hi vọng tìm ra cách rút chân khỏi bẫy, nhưng cái bẫy cứ bám chặt lấy nó. Lông Sáng bèn đi vào rừng, ngồi xuống và bắt đầu suy nghĩ cách xử sự với cái bẫy này. Nó không thể hiểu nổi đó là cái gì. Trong ánh mắt xanh nâu của nó phản ánh cả nỗi đau đớn, cả sự sợ hãi và lòng căm thù đối với kẻ thù mới này.
Lông Sáng nằm xuống dưới bụi cây, quyết tâm cắn nát bẫy. Nó lấy chân giữ chặt một đầu bẫy, còn đầu kia ghé răng cắn. Ngàm bẫy liền mở ra và chân nó được giải phóng.
Lông Sáng hoàn toàn tình cờ ấn cùng một lúc cả hai lò xo. Nó không hiểu tại sao lại có thể thoát khỏi bẫy, nhưng tất cả những dữ kiện đó hằn sâu vào trí nhớ nó, và nó hình dung mọi việc đơn giản thế này: "Trong số các kẻ thù có một tên ẩn dưới nước để rình bắt những chú gấu con. Kẻ thù đó có mùi rất mạnh. Hắn chuyên tóm lấy chân, và không thể cắn được hắn. Muốn thoát khỏi hắn thì phải ấn mạnh".
Gần suốt một tuần chân của chú Lông Sáng bé bỏng bị đau! Nhưng đau nhất là khi bắt buộc phải leo trèo. Tiết trời đã sang thu. Đàn nai cất tiếng kêu như âm thanh kèn hiệu làm rung động rừng núi. Đêm nào Lông Sáng cũng nghe thấy những âm thanh đó. Một vài lần nó bắt buộc phải treo lên cây để tránh những con nai có đôi gạc lớn. Bây giờ trong rừng đã bắt đầu có những người đi săn bắt thú, còn trên trời cao đã nghe vang tiếng kêu của những đàn ngỗng trời. Trong rừng xuất hiện thêm nhiều mùi mới. Lông Sáng lần đến nơi có một trong những mùi lạ đó. Ở đó có mấy khúc gỗ xếp lại thành đống. Nhưng cùng với thứ mùi quyến rũ kia còn thoang thoảng thấy cả cái mùi đáng ghét mà nó đã ghi nhớ từ ngày mất mẹ. Mùi này không rõ rệt lắm. Lông Sáng thận trọng đánh hơi xung quanh và khẳng định rằng cái mùi khó chịu đó đưa đến từ một khúc gỗ ở phía trước, còn cái mùi ngon lành thì bốc ra từ một bụi rậm ở phía sau, tách khỏi bụi cây, tiến đến gần mồi thịt. Đúng lúc nó chộp miếng thịt thì khúc gỗ đổ nhào xuống đất.
Bị bất ngờ Lông Sáng nhảy dựng lên, nhưng vẫn còn kịp rút lui an toàn với miếng thịt và một vài hiểu biết mới. Nó khẳng định chắc chắn thêm rằng "cái mùi đáng căm thù đó luôn luôn dẫn đến sự chẳng lành".
Thời tiết ngày càng trở lạnh, Lông Sáng cũng ngày càng thèm ngủ dữ dội. Khi có băng giá nó ngủ suốt cả ngày. Nó không có chỗ ngủ cố định, nhưng dù sao cũng có được vài chỗ khô khi đẹp trời và hai ba góc dành cho những lúc bão tố. Đặc biệt nó khoái nằm trong một cái ổ thuận tiện ở dưới rễ một cái cây. Và một lần khi trời nổi gió và có tuyết rơi Lông Sáng chạy tới cái ổ đó nằm cuộn tròn lại và thiếp đi. Bão tuyết mỗi lúc một tăng, tuyết rơi mỗi lúc một nhiều. Tuyết phủ kín các cành cây, đè trĩu chúng xuống dưới sức nặng của mình. Tuyết cứ rơi và chẳng mấy chốc các cành lá đã dày đặc những bông tuyết phẳng phiu. Tuyết rắc khắp núi, phủ đầy thung lũng. Gió mang tuyết đến tận chân khe núi. Tuyết dồn lại thành đống trên chỗ ẩn của Lông Sáng. Đống tuyết tuyệt vời đó bảo vệ nó khỏi bị lạnh, và Lông Sáng cứ say sưa ngủ vùi trong hang của nó.