Chương 8

PHẦN IV
CỤC DIỆN THAY ĐỔI
Chương 31
THIẾT QUÂN LUẬT

    
ệnh thiết quân luật đã được ban hành hai ngày sau hôm D. Marnin tới ăn tối tại nhà Đinh Triệu Dã. Hôm 19 tháng 8, kể từ khi cuộc khủng hoảng Phật giáo bùng phát phái đoàn gồm bảy viên tướng cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã có cuộc thảo luận lần đầu tiên với cả ông Diệm và ông Nhu. Cuối cùng, sau hơn ba giờ thảo luận gay gắt, ông Nhu cùng các tướng thân tín cũng đã thuyết phục được Ngô Đình Diệm rằng cần phải lập lại trật tự ở tất cả các ngôi chùa. Theo lời Gascon, người được nghe trực tiếp từ những người cũng có mặt trong cuộc thảo luận trên là tướng Bích và tướng Kim thì ông Diệm tỏ ý lo ngại đến những tình huống không mong muốn có thể xảy ra.
Tối hôm sau, D. Marnin đi ăn tối ở nhà hàng “Cường bình dân” trong chợ lớn cùng với Claudio, Mandelbrot, Klaus Buechner và Frank Gascon. Khi chẳng còn ai ở quanh họ, người phục vụ có tên là Chang và ông chủ quán, một người béo ị, lùn tịt có thể tên là Cường đã mang đồ ăn và đồ uống tới cho họ. Tất cả đám nhân viên còn lại trong nhà hàng đều đã được về nhà trước 9 giờ tối là giờ giới nghiêm. Với cương vị là đại diện ngoại giao nên Claudio, D. Marnin và Gascon đều không phải là những đối tượng phải chấp hành lệnh đó. Thực tế cũng không rõ rằng lệnh giới nghiêm có bao gồm đối tượng là các phóng viên báo đài người nước ngoài hay không. Thế nhưng cả Buechner và Mandelbrot đều cố tình cho rằng lệnh thiết quân luật có nghĩa là họ cũng như tất cả những người nước ngoài khác đều phải phục tùng.
Điều này thật hết sức nguy hiểm bởi lẽ nó cho phép “những kẻ thù” của Mandelbrot, đa số trong bọn họ đều thuộc đám lính lê dương mà nay lại có quyền tự do bắn thẳng vào đầu anh ta vào bất cứ lúc nào. Cũng vào thời gian này, anh đã trở thành mục tiêu hăm dọa của vô số các cuộc điện thoại hay những lá thư nặc danh mà đôi khi được viết bằng những nét chữ trẻ con với nội dung rất thù địch là anh sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình nếu không rời khỏi Sài Gòn ngay lập tức. Tuy nhiên, Mandelbrot không phải là lớp người dễ bị lung lạc ý chí và luôn có thừa sự can đảm cần thiết. Anh đã chứng tỏ được khả năng đó trong rất nhiều lần cùng những đơn vị thiết xa vận, trực thăng vận xông xáo trong các trận đánh lớn ở rừng nhiệt đới. Đối với anh, thì những lá thư hay những cuộc điện thoại như vậy chỉ làm phong phú thêm nguồn tư liệu để hỗ trợ cho các bài viết của anh nhiều hơn nữa.
“Coi chừng đấy thằng Do Thái” có một lá thư viết “Hít-le đã tiêu diệt phần lớn số chúng mày và giờ đây chúng tao sẽ làm nốt công việc ấy”. “Nếu mày biết cái gì là tốt cho mày” một lá thư khác lại viết “thì mày hãy mau chóng cuốn xéo khỏi đây đi. Nếu không mẹ mày sẽ phải than khóc thảm thiết mà đón mày về trong túi nhựa đấy”.
- Mà như thế đâu đã hết chứ. - Mandelbrot kể - Tôi còn bị theo dõi ở khắp mọi nơi. Có bốn người trong phía chúng đi trên một cái xe Peugeot màu đen. Chúng nó luôn đi gần tôi đến mức tôi không dám đạp phanh bởi vì nếu làm như thế chắc chắn chúng nó sẽ đâm thẳng vào sau xe của tôi mất. Còn Đại sứ quán Mỹ thì làm gì với điều này chứ? Chẳng làm gì sất! Thậm chí họ cũng chẳng thèm đưa ra lấy một lời phản đối với Bộ Ngoại giao nữa.
- Thì chính anh là người - Claudio vặn lại - đã viết về việc điều hành cái “Chính phủ cảnh sát xảo quyệt” của vợ chồng ông Nhu đấy sao? Chẳng phải là nơi này quá nguy hiểm cho bất cứ ai bất đồng chính kiện mà như vậy thì anh hoặc là điên rồ hoặc là muốn trờ thành anh hùng một cách ngu ngốc; Hay là nơi này đã quá rộng lượng so với phần lớn các nước khác trong Thế giới thứ ba, vậy thì chẳng hóa ra anh là người nói dối xấu xa đó hay sao. Nó là thế nào vậy?
- Tôi có nghĩ là nơi này nguy hiểm lắm không ư? -Mandelbrot bực bội trả lời, cầm ly bia nâng lên chúc những người còn lại. - Dĩ nhiên là có. Thế nhưng tôi là một phóng viên can trường nhất trên thế giới này. Tôi sẽ tận dụng tất cả những cơ hội của mình bởi vì với tôi nó quá nực cười để dừng lại vào lúc này.
- Nơi này giống như một cái rạp xiếc vậy - phóng viên Buechner nói xen vào - cuộc đời ở đây đúng là trên sân khấu. Hay thật hì.. hì...
- Anh thật sự nghĩ là - D. Marnin hỏi - ông Diệm và ông Nhu lại ngu đến nỗi cho ám sát một phóng viên của tờ New York times hay sao?
- Dĩ nhiên là không. Đậy có thể chỉ là một tai nạn nho nhỏ. Tôi có thể bị trượt chân trong nhà tắm, ngã từ trên cầu thang xuống hoặc là một vụ chập điện gì đó.
- Nếu anh thật sự nghĩ như vậy, anh không nên đi ra ngoài với chúng tôi như thế này. Anh cũng nên có những biện pháp phòng bị chu đáo thì hơn. - Claudio nói với Mandelbrot.
- Có chứ. Mấy hôm nay tôi vẫn phải ở lại nhà John Mecklin. Ngay cả như ông Nhu không tấn công tôi.
Vì lệnh thiết quân luật đã có hiệu lực nên bọn họ chẳng có nơi nào để mà chơi bời cũng như chẳng việc gì phải vội vã. Chính vì thế họ giết thời gian buổi tối hôm đó bằng mấy câu giễu cợt vô thưởng vô phạt.
- Ưu điểm lớn nhất của việc tôi phải làm việc cho những người mà tôi đang phục vụ bây giờ. - anh chàng Gascon bắt đầu kể - là tôi có thể nói với vợ tôi rằng tôi đi qua đêm vì công vụ và cô ấy bắt buộc phải tin là như thế.
Gascon rõ ràng chẳng thèm giấu giếm tất cả đám phóng viên về bản chất thật sự của công việc mình làm. Với một thái độ vừa cục mịch bí hiểm, khi anh ta không pha trò với các cộng sự về vô số những câu chuyện của anh ta thời còn phục vụ trong đội quân lê dương của Pháp, anh ta rất hay khoe mẽ bằng cách nói bóng gió đến mối quan hệ của mình với mấy viên tướng lãnh. Sau khi uống tới ly whiskey thứ mấy, anh ta bắt đầu kể tuốt tuồn tuột mọi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa mấy chiến hữu của anh ta sẽ điều hành toàn bộ Nam Việt Nam và khi đó anh ta đương nhiên sẽ trở thành một người có thế lực trên mảnh đất này.
- Tôi không thể tiết lộ tất cả những gì mà mấy tay đó đã nói với tôi. - anh ta nói bô bô trước tất cả mọi người - nhưng tôi có thể khẳng định rằng càng ngày họ càng sẵn sàng hơn. Và khi mà họ thực hiện được những điều cần thiết thì với bọn họ Frank Gascon này sẽ đương nhiên trở thành một người Mỹ có thế lực nhất tại đất nước này.
- Anh nên bỏ thuốc phiện đi và chỉ uống whiskey là được rồi - Claudio bình phẩm - anh đang làm tôi sợ đấy.
Lúc ấy đã gần 11 giờ 30 phút và bọn họ đã ngà ngà say hết lượt. Claudio đồng ý cho Mandelbrot và Buechner đi nhờ đến khu cư xá trên đường Tú Xương nơi Mecklin đang sống (dĩ nhiên là cả ngài Sam Sabo và Curly Bird nữa) rồi sau đó anh ta mới đưa D. Marnin trở về nhà. May mà chỉ có mỗi chiếc xe của họ trên đường nên cuối cùng họ cũng chệnh choạng vượt qua mấy con phố gần Chợ lớn và tiến vào khu trung tâm Sài Gòn. Khi đi đến đường Tự Do họ nhìn thấy một đoàn khoảng năm chiếc xe tải chở quân đi ngay phía trước. Ngay lập tức, Mandelbrot như bừng tỉnh và chồm hẳn lên khỏi ghế sau.
- Này lạ chưa kìa. - anh ta kêu lên - một đoàn xe chở lính đi qua những con phố trống trơn vào lúc nửa đêm có lệnh thiết quân luật. Theo chúng đi! Xem bọn họ định làm gì nào!
- Tốt nhất là chúng ta nên tránh xa họ ra. - D. Marnin nói.
- Đừng ngốc thế đi - Mandelbrot nài nỉ - nhất định phía trước chúng ta đang có chuyện gì đó. Chúng ta phải làm gì đi chứ?
Claudio cho xe tiến gần tới chiếc xe đi cuối cùng. Trên xe toàn lính ngụy và cả bốn chiếc xe khác cũng vậy.
- Anh có nhìn rõ quân phục của họ không? Anh có thể nói cho tôi biết họ thuộc những đơn vị nào không? - Buechner nói như van nài.
- Không, tôi chịu - D. Marnin trả lời khi họ đi ngang qua Đại sứ quán Mỹ.
- Họ thuộc lực lượng quân chính quy của ARVN - Claudio khẳng định - ít nhất thì họ đang mặc quân phục của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Claudio cho xe chạy tụt lại phía sau và đi theo đoàn xe ấy.
- Có chuyện gì xảy ra vậy nhỉ? Bọn họ đang đi đâu cơ chứ? - Buchner hỏi tiếp.
- Tôi mà biết thì nói làm chó gì chứ. - Claudio cằn nhằn.
Nhưng D. Marnin biết tất cả. Anh biết chính xác nữa. Tất cả bọn họ đều đang đi trên con đường mà sáng nào anh cũng lái xe qua đây. Họ đang tiếng về phía chùa Xá Lợi.