Chương 8

PHẦN I
SỰ KHỞI ĐẦU
Chương 4
KHỦNG HOẢNG TÊN LỬA

    
a tuần sau khi đặt chân tới Sài Gòn, lần đầu tiên D. Marnin bị trực ban tại Đại sứ quán là Cal Mehlert đánh thức vào lúc hai giờ sáng. Một bức điện khẩn đặc biệt đã được gửi tới Đại sứ quán với nội dung thông báo rằng Tổng thống Mỹ sẽ công bố tình trạng khẩn cấp ở mức độ cao nhất vào đúng 7 giờ tối giờ Washington. Theo bức điện này, tất cả các Đại sứ quán, đại diện ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài phải mang ngay nội dung cơ bản của bài diễn văn tới cho đại diện các Chính phủ, người đứng đầu các quốc gia sở tại. Các hướng dẫn và chỉ thị cụ thể sẽ được gửi tới sau.
Vì ông Đại sứ hay bị chứng khó ngủ cho nên trước khi định gọi ông ta dậy, Marnin đã quyết định báo cho phó phòng điệp vụ DCM, ngài Carl Bilder. Sau khi đã đọc kỹ bức điện và thảo luận sơ qua, cả hai người đều thống nhất với nhau rằng mặc dù đây là bức điện khẩn của Bộ Ngoại giao nhưng tình hình cho thấy chưa cần thiết phải đánh thức Đại sứ Corning. Ông Bilder nói với Marnin:
- Bức điện khẩn đặc biệt này được gửi đi khắp các cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ trên toàn thế giới chứ nó không chỉ tập trung vào riêng Việt Nam. Nếu nó chỉ dành riêng cho Đại sứ Mỹ ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ có hướng dẫn cụ thể hoặc có thêm một thông tin gì đó.
Sau đó ông C. Bilder còn hướng dẫn cho D. Marnin liên lạc với Thư ký văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa để bố trí một cuộc gặp mặt đột xuất với Ngô Đình Diệm vào lúc 8 giờ sáng ngày hôm đó. Còn về phần mình, ông Bilder sẽ có trách nhiệm gọi ông Đại sứ dậy vào lúc 5 giờ 30’ để báo lại mọi vấn đề.
D. Marnin suy nghĩ một lát rồi quyết định sử dụng đường dây nóng nối tới Phủ Tổng thống được lắp đặt với mục đích đảm bảo thông suốt 24/24 giờ trong ngày. Đây là hệ thống điện thoại kiểu Pháp nên anh đã phải quay số tới hơn hai mươi lần mà vẫn chưa nối được đến máy bên kia. Cho tới khi nối được với máy bên kia thì anh đợi mãi mà vẫn không thấy có người trả lời. Anh cố gọi sang Phủ Tổng thống tới năm lần nhưng vẫn không gặp được ai, nên sau đó anh lại phải nhờ đến Mehlert để xin nối máy sang Bộ Ngoại giao và Văn phòng Thủ tướng. Thế nhưng anh vẫn không liên lạc được với cả hai văn phòng này.
Cuối cùng anh đành gọi điện tới Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) để được nói chuyện với Tom Aylward người đã kịp thời trả lời trong nháy mắt và cho anh biết rằng anh ta sẽ sử dụng hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện được kết nối trực tiếp với Tổng đài của Bộ Quốc phòng để liên lạc với Văn phòng Phủ Tổng thống. Đại úy Tom Aylard còn bảo đảm với D. Marnin rằng nếu như không liên hệ được với Văn phòng Phủ Tổng thống hay không báo tin được cho ông Diệm thì anh ta sẽ báo lại cho D. Marnin biết một cách sớm nhất. D. Marnin không biết làm gì hơn là cám ơn viên Đại úy bằng những lời lẽ chân thành nhất trước khi quay trở lại giường ngủ.
Hôm đó là Thứ Ba, ngày 23 tháng 10 năm 1962, đúng 7 giờ sáng mọi người đều có mặt đông đủ tại Văn phòng của ngài Đại sứ trên tầng năm. Ông Bilder cứ đi tới đi lui dọc theo gian phòng với một tâm trạng đầy lo lắng. D. Marnin ngồi im lặng trên chiếc ghế quen thuộc đối diện với bàn của ngài Đại sứ. Ông Corning ngồi ngay sau cái bàn kê sát cửa sổ. Theo yêu cầu của bà Pattie Lou, ông ta đã sử dụng cái đót thuốc lá màu hổ phách có đầu phận lọc bằng bông nhân tạo có thể thay được sau khi dùng hết một bao thuốc. Trong khi chờ đợi bài diễn văn của Tổng thống được thu qua sóng ngắn bằng chiếc đài Zenith Transoceanic, ông Đại sứ cố gắng kìm nén tâm trạng nặng nề bằng cách đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác như thể muốn kiểm nghiệm xem cái đót thuốc lá có thể lọc được tới 50% chất nicotine và gần 80% nhựa thuốc lá và khói độc hại như người ta vẫn khuyến cáo hay không.
Tổng thống Kenedy đọc bài diễn văn của mình một cách nghiêm trang nhất và bằng một giọng mũi đặc kiểu New England không thể quên được:
“...đây là thời điểm gay go nhất vì Cu Ba đã trở thành một căn cứ chiến lược quan trọng có trang bị các tên lửa tầm xa có khả năng sát thương lớn, có khả năng tàn phá một cách bất ngờ và điều này đã thật sự trở thành một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh của tất cả người dân Mỹ... Việc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Cộng sản được bí mật, nhanh chóng đưa tới đây đã khiến cho mối quan hệ giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và các nước ở Tây bán cầu trở nên quan trọng và mang tính lịch sử hơn bao giờ hết... Đối với nước Mỹ thì quyết định lần đầu tiên triển khai các vũ khí chiến lược ra khỏi biên giới Xô Viết một cách bất ngờ và hoàn toàn bí mật là một hành động khiêu khích có chủ ý và không thể cho là nhằm mục đích duy trì thế cân bằng chiến lược giữa hai bên. Hơn khi nào hết đây là thời điểm quyết định để tinh thần dũng cảm và cả những cam kết của chúng ta cần phải được thử thách trước tất cả các bạn bè và trước cả kẻ thù của chúng ta...
“...Chính vì vậy, mục tiêu trước sau như một của chúng ta là phải ngăn chặn tất cả những ý đồ có thể sử dụng các tên lửa này chống lại nước Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác. Chúng ta phải bảo đảm rằng họ phải rút khỏi hoặc ít ra là giảm bớt lực lượng quân sự của họ ở Tây bán cầu... Giống như bao nhiêu con đường khác, con đường mà chúng ta đã lựa chọn là con đường có đầy dẫy những rủi ro, hiểm nguy, thế nhưng đó lại chính là con đường phù hợp nhất đối với bản chất, lòng dũng cảm của chúng ta trước mỗi quốc gia cũng như những cam kết của chúng ta trên toàn thế giới. Cái giá của tự do là rất cao thế nhưng người dân Mỹ luôn luôn sẵn sàng trả cho nó. Và con đường mà chúng ta mãi mãi không bao giờ lựa chọn đó là phải đầu hàng hay chịu khuất phục...”
Mọi người vẫn im lặng hồi lâu sau khi bài diễn văn kết thúc. Ông Bilder phá vỡ sự im lặng và bầu không khí nặng nề trong một tiếng thở dài:
- Đấy chính là những điều mà chúng ta đang lo lắng.
- Vậy là chiến tranh rồi - Đại sứ Corning kết luận -Nếu như các tàu chiến của người Nga bị chặn lại trên biển thì Khrushchev sẽ tấn công Berlin.
Ông Bilder liếc nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói tiếp:
- Tôi nghĩ là tốt hơn là tôi quay trở lại điều hành công việc trong Đại sứ quán này. Sẽ không có nhiều, người cảm thấy muốn làm việc vào sáng ngày hôm nay đâu.
- Nào tất cả mọi người, chúng ta phải quay lại làm việc bình thường như mọi ngày. Tôi muốn tất cả chúng ta tiếp tục công việc. Chúng ta cần phải vững vàng trước cơn giông tố.
- Ở đây chúng ta còn một cuộc chiến nữa cần phải giành thắng lợi - Ông Bilder phụ họa theo.
- Đúng vậy đấy. Chính sách của nước Mỹ đối với đất nước này vẫn sẽ được tiếp tục để cho chúng ta thể hiện khí phách của mình. Chúng ta không được phép hoảng sợ và phải tiếp tục đi cho hết cuộc chiến tranh này nhằm tạo nên thế bất ngờ. Đối với những người dân Nam Việt Nam câu hỏi lớn nhất vẫn là chúng ta có thực hiện cam kết của mình ở đây hay không?
Đúng tám giờ sáng, Đại sứ Corning và D. Marnin đã được ông Luyện, Trưởng ban lễ tân của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đưa tới phòng làm việc của Tổng thống Ngô Đình Diệm trên tầng hai của Dinh Gia Long. Tại đây, còn có một người khác cũng có nhiệm vụ giống như của D. Marnin là ghi tốc ký lại toàn bộ buổi nói chuyện đó chính là phụ tá đồng thời là cháu của ông Diệm tên là Đinh Triệu Dã. Ông Luyện chỉ đưa hai người đến cửa sau đó quay ra khép cửa để bốn người lại trong phòng.
Tổng thống Diệm là một người béo, lùn với khuôn mặt rất cởi mở, rất nổi tiếng với tất cả các độc giả của báo chí phương Tây nhưng đây lại là lần đầu tiên D. Marnin có được cơ hội tiếp xúc trực tiếp. Tổng thống mặc một bộ đồ bằng vải sakin màu trắng rất thân thiện, một chiếc áo sơ mi màu trắng và một chiếc ca vát theo kiểu của các giáo sĩ. Trên chiếc bàn làm việc kiểu cổ bằng gỗ gụ được chạm trổ hết sức cầu kỳ là những chồng tài liệu có đến vài trăm bộ hồ sơ cao đến nửa mét được xếp đặt lên nhau một cách rất gọn gang. Phía bên phải chiếc bàn là những chồng tài liệu được buộc lại cẩn thận bằng những chiếc ruy-băng màu đỏ còn phía bên trái lại là những chồng tài liệu được buộc bằng những chiếu ruy-băng màu xanh. Ngoài bàn làm việc ra, đa số các đồ đạc trong phòng đều mang màu đen và màu đỏ. Chẳng hạn như những chiếc bàn gỗ, tủ có ngăn kéo, mấy giá sách bỏ không đều được sơn màu đen còn những chiếc ghế bành rất sâu lại được bọc bằng nhung đỏ. Trên tường có cheo một vài bức tranh in được sao lại một cách vụng về từ những bức tranh cổ của Trung Quốc. Cách bài trí của căn phòng khiến cho D. Marnin cảm thấy ở đây giống như hành lang của một khách sạn hơn là một phòng làm việc.
Tổng thống Ngô Đình Diệm đón chào Đại sứ Corning một cách rất thân thiện và nồng nhiệt. Giữa hai người dường như đã có một mối quan hệ hết sức gần gũi. Chính phủ Mỹ cuối cùng cũng đã cử sang đây một vị Đại sứ mà ông Diệm có thể tin cậy được. Đại sứ Corning và người phụ tá được dẫn đến tận chiếc ghế bên chiếc bàn đặt đối diện với Tổng thống và người phụ tá. Trên bàn có một chiếc bình màu đỏ nâu có bốn cây phong lan đang trổ hoa trắng muốt. Những người phục vụ bận đồ trắng sạch sẽ mang tới những chiếc khay đựng đầy nước khoáng, bia Budweser, nước Coca Cola, nước cam ép Fanta, mấy phong sôcôla hiệu Whiteman Sampler, trà đắng, một hộp cà fê và cả một chai rượu Remy Marrtin VSOP Cognac - một thứ chẳng thể cám dỗ nổi ai vào lúc tám giờ sáng như thế này.
Cả ngài Tổng thống và Đại sứ Corning đều là những người nghiện càfê và thuốc lá rất nặng. Ngài Tổng thống xem ra rất ngưỡng mộ cái đót thuốc mà ông Corning mới sử dụng nên đã đề nghị cho ông ta xem qua nó một chút. Tổng thống tháo bỏ bộ phận lọc ra ngắm nghía môt lát rồi lại lắp nó vào, sau đó cho một điếu thuốc Gauloise của ông ta vào, châm thuốc, đưa lên miệng hút thử mấy hơi và cười một cách thích thú.
- Đúng là những kỳ tích của khoa học hiện đại - ông Diệm nói.
- Thưa ngài Tổng thống - Đại sứ Corning bắt đầu bài thuyết trình của mình - Theo những chỉ thị của Chính phủ Hoa Kỳ, tôi đã đề nghị để được gặp ngài và tôi cũng xin phép được bày tỏ lòng biết ơn vì quý ngài đã bớt chút thì giờ để đón tiếp chúng tôi vào lúc rất sớm như thế này.
- Với tôi thì bây giờ không phải là lúc sớm lắm đâu, ông Đại sứ đáng kính ạ, tôi thường làm rất nhiều việc kể từ lúc sáu giờ sáng cơ. - Tổng thống trả lời với một thái độ bình thản kỳ lạ.
- Thưa Tổng thống, tôi được lệnh phải có một cuộc gặp đột xuất với ngài để đề nghị ngài hãy đặc biệt lưu tâm tới bài diễn văn đặc biệt mà người bạn đáng kính của ngài, Tổng thống Kenedy vừa công bố chừng một giờ trước đây.
- Tôi đã đọc nó rồi. Phòng thông tin Hoa Kỳ (USIS) của các ngài đã gởi cho tôi một bản vào sáng nay.
- Theo quan điểm của tôi thì đó là một bài diễn văn có ý nghĩa nhất trong thời điểm này. Nó nhắc nhở tôi nhớ lại đoạn kết trong bài diễn văn mà Thủ tướng Churchill đã đọc khi kêu gọi người dân Anh đứng lên chống lại Hitler.
- Nó có rất nhiều ý nghĩa - ông Diệm đồng ý - Và nó cũng đặc biệt có ý nghĩa với đất nước chúng tôi, vì một cuộc chiến mà chúng tôi đang tiến hành nhằm chống lại bọn Cộng sản. Nó cũng gợi lại cho tôi nhớ đến Thủ tướng Churchill. Phó Tổng thống Johnson của các ngài trong chuyến thăm chúng tôi vào năm ngoái đã rất tôn trọng khi gọi tôi Churchill của Châu Á. Điều đó đã khích lệ cá nhân tôi rất nhiều. Thế nhưng đưa ra những bài diễn văn gây xúc động như của Thủ tướng Churchill lại không phải là cách mà người Châu Á vẫn làm. Chúng tôi luôn phải bám lấy những số liệu và những con số, để có thể nói chuyện được với người dân của chúng tôi giống như một người cha vẫn làm với những đứa con của mình. Bất cứ khi nào tôi đi đến những vùng nông thôn để nói chuyện với những người nông dân về tất cả các khó khăn của họ, Trưởng phòng Thông tin Hoa Kỳ của các ngài, ông Mecklin đều muốn làm thành những bộ phim thời sự. Thế nhưng cả thứ đó cũng không phải là phong cách của người Châu Á. Phương pháp của người Châu Á là phải thật đơn giản, đầy quyền lực, phải chỉ cho họ thấy bằng hành động, phải khiêm tốn và không bao giờ được khẳng định những gì mà mình không có. Ông Đại sứ đáng kính ạ, nói một cách thẳng thắn thì sau sự kiện Vịnh Con lợn khi các ông phát động một cuộc tấn công chống lại Chính quyền Cuba sau đó cũng lại chính các ông thay đổi ý định giữa chừng vào đúng cái lúc cuộc tấn công đang ở thời điểm quan trọng nhất, rất nhiều người bạn của các ông đã cảm thấy lo lắng vì các ông. Không có các ông chúng tôi chắc chắn sẽ thất bại. Tất cả người Việt Nam đều biết điều đó cho dù anh ta có là một người dân chủ giống như tôi hay một người đi theo đường lối trung lập ở Paris hoặc thậm chí là một tên Cộng sản ở Hà Nội đi chăng nữa.
- Thưa ngài Tổng thống, nói một cách chính xác là tôi tới đây với cam kết rằng việc chúng tôi sẵn sàng đối đầu với người Nga ở Cuba sẽ là sự cổ vũ lớn lao nhất đối với cá nhân ngài và những người dân của đất nước này. Có năm điểm mà tôi cần phải nhấn mạnh rằng. - Đây là lần đầu tiên D. Marnin phải thể hiện sự nỗ lực của mình trong vai trò của một người ghi văn bản đối thoại ngoại giao cấp quốc gia - một kỹ năng vẫn được cho là tinh hoa nhất trong nghề ngoại giao, chính vì thế anh không khỏi bối rối. Cái ghế bành quá sâu đã khiến cho anh rất vất vả khi cố gắng ghi thật nhanh những gì đang diễn ra lên một tập giấy màu vàng chuyên được sử dụng trong những trường hợp như thế này. Với tất cả những gì đang diễn ra, anh bất ngờ phát hiện ra rằng anh chàng Dã phụ tá của Ngô Đình Diệm không hề viết một chữ nào lên giấy.
- Trước hết - Đại sứ Corning nói tiếp - Hành động này của Kremlin được thực hiện một cách hoàn toàn bí mật. Vào cái lúc mà hoạt động này đang diễn ra thì Chính phủ Xô Viết đã dứt khoát bác bỏ bất cứ thông tin nào liên quan đến sự việc này ngay cả khi có những tấm hình bằng chứng không thể chối cãi được...
- Thưa ngài, Cộng sản này là không thể tin được -ông Diệm đột nhiên ngắt lời viên Đại sứ.
- Thưa ngài Tổng thống, Đại sứ Corning nói tiếp, điểm thứ hai mà tôi muốn nói tới là không có bất cứ một lý do chính đáng nào để biện minh cho hành động này của Kremlin. Khrushchev vẫn nói rằng hành động đó của họ được thực hiện như là nghĩa vụ hợp pháp với một nước đồng minh. Ông ta còn viện dẫn rằng đó là hình thức tự phòng vệ hợp pháp theo mục thứ 51 của Hiến chương Liên Hiệp quốc...
- Thưa ngài Đại sứ, đó là cái kiểu tiêu biểu của Cộng sản - Tổng thống Diệm nhấn mạnh thêm - ở đây họ cũng giống y như ở Nga và Trung Quốc.
Đại sứ Corning lại tiếp tục trình bày điểm tiếp theo:
- Thưa ngài Tổng thống, tôi cũng được chỉ thị là phải nhấn mạnh với ngài rằng quyết định này của những người trong điện Kremlin là chưa từng có tiền lệ. Từ trước tới nay chưa bao giờ các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân được đem tới các căn cứ nằm bên ngoài lãnh thổ Xô Viết.
- Cuba mới chỉ là địa điểm đầu tiên thôi, ông Đại sứ ạ - Tổng thống Diệm lại tiếp tục bài ca của mình - Để cho họ có tên lửa đó ở Cuba rồi thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ thấy những tên lửa ấy ở Ai Cập, ở Inđônêxia và rồi cả ở Hà Nội nữa đấy. Cộng sản sẽ cắt các ngài ra thành từng mảnh.
Vào buổi sáng hôm đó, Đại sứ Corning còn có một vài cuộc tiếp kiến rất quan trọng trong đó có cả cuộc hội kiến ngắn với phái đoàn Quốc hội Mỹ do Chủ tịch ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Mỹ, ngài Nghị sĩ Thomas Murphy của bang Massachusetts dẫn đầu đang ở thăm Sài Gòn. Ông liên tục phải xem giờ và sau đó cũng quyết định trình bày nốt bài diễn thuyết của mình:
- Thưa ngài Tổng thống, điểm thứ tư mà tôi được chỉ thị phải truyền lại cho ngài là bản chất cơ bản nhất trong những phản ứng của Mỹ vào lúc này vẫn là hết sức thận trọng và ôn hòa. Tất cả mọi người ở đất nước chúng tôi đều không muốn có chiến tranh. Bất chấp tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành động này, chúng tôi đang rất thận trọng đối phó lại chúng một cách quyết đoán nhất nhưng không thể bị kích động.
- Đấy là một biểu hiện cực kỳ thông minh đấy - Ông Diệm lại tiếp tục cướp lời của Đại sứ Corning - Không không, tôi phải nói rằng Tổng thống J. Kenedy bạn tôi quá thông minh nữa ấy chứ. Ông biết không? Từ cái lần ngài Tổng thống tìm gặp tôi ở Ossining, ông ấy và Cardinal Spellman đã thật sự là những thần tượng của tôi rồi đấy. Ông ấy là một thanh niên đầy tài năng, rất đẹp trai nữa. Hành động khôn ngoan nhất là để cho phía bên kia có thêm thời gian để suy nghĩ một cách chín chắn hơn trước khi họ làm một điều ngu xuẩn nào đó.
Theo lời ông Diệm thì chính điều này đã khiến ông ta nhớ lại tình cảnh tiến thoái lưỡng nan mà Triệu Đà đã gặp phải sau khi ông ta xâm lược u Lạc và lập nên nhà nước đầu tiên ở Việt Nam từ năm 208 trước Công nguyên - đó chính là việc ông ta phải làm thế nào để giữ được những gì đã có mà không cần phải làm cho Vương triều nhà Hán ở Trung Quốc nổi giận. Mỗi giai đoạn quan trọng như vậy, Triệu Đà đều đã gặp phải những khó khăn giống như người bạn thân thiết của ông Diệm là Tổng thống Kenedy đang phải nỗ lực để lãnh đạo Thế giới tự do chống lại Cộng sản. Những công việc khó nhọc như vậy còn làm cho ông ta nhớ lại sự thông minh tuyệt đỉnh của Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh người đã dẹp loạn 12 sứ quân, mang lại được nền độc lập và chủ quyền cho nước Việt Nam từ Nhà Tống khi đang ở thời điểm phát triển thịnh vượng nhất. Ngô Đình Diệm còn điểm lại hàng loạt những sự kiện lịch sử của Việt Nam trong suốt những năm từ 208 trước Công nguyên đến 1772 sau Công nguyên. Và ông ta bắt đầu thao thao bất tuyệt kể về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và sự kiện gia tộc họ Nguyễn bị đánh đuổi ra sao. Cho tới lúc này, Đại sứ Corning đã uống tới ly cà fê thứ sáu và tàn thuốc lá mà ông ta búng vào cũng đã đầy gần ba cái gạt tàn. Ông ta cũng đã xem đồng hồ tới trên hai mươi lần và lòng kiên nhẫn cũng không còn đủ để ông ta tiếp tục chờ đợi thêm một phút nào nữa:
- Thưa ngài Tổng thống, tôi thật sự xin lỗi ngài vì có lẽ đã đến lúc tôi phải ra về. Nghị sĩ Murphy và phái đoàn gồm bảy Hạ nghị sĩ khác mà ngày mai ngài sẽ gặp chắc đã ngồi đợi ở Văn phòng của tôi gần nửa tiếng rồi. - Ông Corning vừa nói vừa đứng dậy một cách mệt mỏi.
Ông Diệm cũng vội đứng dậy với một chút nuối tiếc pha lẫn vẻ miễn cưỡng:
- Dĩ nhiên rồi, ông Đại sứ ạ. Chắc chắn là sẽ có một dịp nào khác để tôi kể nốt cho ngài nghe một chút hiểu biết về lịch sử của tôi. Và ngài cũng đã nghe hết phần vừa này rồi có đúng không?
Nói rồi ông ta cười phá lên một cách rất thích thú rồi tiễn ngài Đại sứ và D. Marnin ra cửa. Bỗng nhiên, ông ta dừng lại rồi hỏi vội:
- Nhưng ông Corning này, điểm thứ năm mà ông định nói là gì nhỉ?
Lần này lại đến lượt Đại sứ Corning phải giật mình.
- Điểm thứ năm nào nhỉ?
- Thì cái điểm thứ năm mà ông muốn nhấn mạnh vào ấy.
- Ồ, vâng. Đúng rồi điểm thứ năm là... - Trong giây lát, ông Corning cũng không thể nhớ nổi là còn điều gì mà đáng ra ông phải nói nốt - à, thì là... Dĩ nhiên là... điểm thứ năm là... à... Thưa ngài Tổng thống, tôi cũng rất mừng là ngài đã nhắc tôi.... Điểm thứ năm là... Tôi phải có trách nhiệm đề nghị ngài tuyên bố ủng hộ và ngài có thể... lý giải với người dân của ngài cũng như những người đồng nhiệm với ngài ở các nước láng giềng trong khu vực về sự cần thiết của việc Mỹ thực hiện chính sách cách ly, cấm vận, phong tỏa Cuba bởi vì như ngài thấy đấy tại các nước trong khu vực này bao giờ người ta cũng dễ bị thuyết phục bởi một người châu Á hơn là những người như chúng tôi.
- Được thôi, được thôi, ngay bây giờ tôi sẽ viết tuyên bố chính thức của mình và muộn nhất là chiều nay tôi sẽ cho công bố. Thế nhưng, với các nước láng giềng của tôi thì tôi e rằng họ sẽ chẳng quan tâm đến những gì tôi nghĩ đâu.
Nghe đến đây cả ngài Tổng thống và ông Đại sứ cùng cười phá lên.
- Anh nghĩ xem ông Diệm là người thế nào? - Ông Corning đột nhiên hỏi D. Marnin khi hai người đang ngồi trên xe quay trở lại Đại sứ quán.
- Chắc chắn ông ta là một người có tài diễn thuyết -D. Marnin rụt rè đáp lại.
- Nó còn có thể tồi tệ hơn thế này nữa cơ. Lần này mới chỉ hết có hơn ba tiếng một chút thôi. Đã có lần tôi phải bàn bạc với ông ta tới bốn năm vấn đề vậy mà cuối cùng tôi chỉ thực hiện được mỗi một vấn đề đầu tiên. Một khi mà ông ta đã nói thì cho tới bây giờ chưa có một cách nào để bắt ông ta dừng lại được.
- Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy thích ông ta - D. Marnin mạnh dạn hơn - Trong con người ông ta có một cái gì đó rất gần gũi.
- Ông ta là một người có khiếu hài hước. Và đấy lại là một điểm mà rất ít người biết đến.
Trở về tới văn phòng, sau khi có cuộc hội kiến ngắn gọn với phái đoàn của Nghị sĩ Murphy tại phòng họp lớn của Đại sứ quán ở trên tầng sáu, D. Marnin đã hỏi ngài Corning là liệu anh có phải nộp ngay cho ông ta cái biên bản buổi tiếp kiến mà phần tóm tắt thôi đã dài tới 27 trang vào ngay buổi sáng hôm đó hay không. Đại sứ Corning nói với anh rằng ông chỉ cần anh ghi lại sự kiện này một cách tổng quát là được. Có một cách hiệu quả nhất để hút ít thuốc lá hơn chính là sử dụng tẩu thuốc. Cạnh chiếc đài Zenith Transoceanic để trên bàn làm việc, ông Corning có tới hơn chục chiếc như vậy để trong một chiếc hộp màu vàng. Ông ta chọn lấy một chiếc tẩu thuốc cong theo kiểu của Thám tử Sherlock Holmes rồi chọn loại thuốc trộn và tẩm thêm mùi hoa tử đinh hương mà ông ta đã đặt riêng từ nhà phân phối P. Coomaraswamy ở Hồng Kông.
- Cậu hãy cố mà viết xong bản ghi nhớ cuộc tiếp kiến ấy đi. Lát nữa tôi sẽ đi chỉ đạo viết một bức điện để gửi về cho Helen. Khi nào tôi quay trở lại đây trước bữa trưa thì tôi có thể xem qua những nét chính của bản ghi nhớ ấy.
- Tôi cảm thấy như hơi ngớ ngẩn thì phải - D. Marnin thú thật - Tôi ngồi đấy và cứ cặm cụi ghi ghi chép chép trong khi ấy phụ tá của ông Diệm thì chẳng viết lấy một chữ nào hết.
- À cái ấy thì không phải lo đâu. - ông Corning trả lời - Thư ký Dã vốn là cháu họ xa của ông Diệm. Cậu ta có trí nhớ rất tuyệt vời về các sự kiện. Có lần tôi chứng kiến cậu ta tranh luận về một cuộc hội đàm từ hơn một năm trước và tôi đã thấy cậu ta đưa ra từng câu nói cụ thể của mỗi người trong cuộc hội đàm ấy. Sau đó, về tới nhà tôi kiểm tra lại toàn bộ biên bản ghi nhớ của chúng ta thì phát hiện ra rằng cậu ta đã nhớ chính xác hầu hết câu nói của từng người một. Cậu ta đã có bằng tiến sĩ về lĩnh vực vật lý phân tử của Học viện Cal Tech và cũng đã từng học với Muưay Gell -Mann rồi đấy.
- Ông có nghĩ rằng ông Diệm thật sự là hơi quá khích như người ta vẫn nói hay không? Tôi thấy không có nhiều người Mỹ ở đây thật sự lạc quan về những gì ông ấy đang làm đâu.
- Điều đó thì cũng không có gì làm ngạc nhiên lắm. Tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm về ngưòi Nga và tôi không nghĩ rằng Khrushchev lại tận dụng một cơ hội duy nhất để ủng hộ Cuba mà không cần quan tâm đến lợi ích của các nước đồng minh khác trên toàn cầu ví dụ như ở Berlin chẳng hạn.
- Nhưng ông có nghĩ rằng ở đây có một sự khác biệt lớn nào đó. Nếu nhìn nhận theo cùng quan điểm ấy thì chúng ta đang ở quá xa Moscow hay Havana.
- Đó, đó, đó chính là quan điểm sai lầm chết người đấy anh bạn trẻ ạ. - ông Corning trả lòi ngay - Đó cũng chính là cái cách mà ngài Mandelbrot đang nghĩ đến, và tất cả cánh phóng viên trẻ cũng đều cho là đúng. Tuổi trẻ thường mang trong mình sự thánh thiện thế nhưng họ lại không có lòng kiên.nhẫn. Điều đó cũng lý giải vì sao giới trẻ đều muốn đơn giản hóa mọi thứ để nghĩ rằng điều quan trọng nhất vào lúc này là tiến lên phía trước và giành thắng lợi trên chiến trường. Trên thực tế, chúng ta đều đang sử dụng những con số thống kê để đánh giá sự thắng lợi của chúng ta tại chiến trường này và cho rằng chúng ta đang giành chiến thắng. Thế nhưng chúng ta không thể thực hiện ngay điều đó chỉ trong một đêm ngắn ngủi. Ở đây sẽ chẳng bao giờ có một thỏa thuận đình chiến như chúng ta đã có ở Panmunjom (Bàn Môn Điếm), ở Hàn Quốc. Và ở bên sông Missouri cũng sẽ không bao giờ có chuyện có kẻ thua cuộc. Cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc theo cái cách nhạt dần đi. Chúng ta sẽ chỉ giành thắng lợi một cách từ từ, dần dần, từ vùng này lấn tới vùng khác, từ thôn nhỏ này đến thôn nhỏ khác. Các dấu hiệu của chiến thắng sẽ được đếm bằng các con số thống kê. Một khi chúng ta đã đạt đến một mức độ nào đó, sự nổi dậy sẽ bị suy thoái trở thành những vụ cướp bóc, vi phạm pháp luật lẻ tẻ.
Thay vào đó, hễ khi nào người nông dân Nam Bộ đem nông sản của anh ta ra chợ bán thì đó là một thắng lợi của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (GVN). Hễ khi nào có một trường học hay một nhà máy được mọc lên thì khi đó Chính quyền GVN lại được mạnh lên một chút.
- Thế nhưng sự nhận thức chung cũng rất quan trong - D. Marnin phản bác lại - ở đây dường như mọi người đểu đánh giá như thế. Không phải chỉ riêng cá nhân ông Mandelbrot mà hầu hết những người Việt Nam đều cho rằng Chính phủ của ông Diệm cũng như chế độ gia đình trị của ông ấy không phải là những thứ mà đất nước này đang cần.
- Dĩ nhiên rồi, hầu hết những người đã học qua trường trung học ở đây đều cho là anh ta có đủ trình độ và năng lực để lãnh đạo đất nước tốt hơn ông ấy nhiều lần. Và họ cũng chẳng ngại ngùng gì khi nói với anh điều này. Nếu cậu đến ngồi ở bất kỳ một quán càfê ven đường nào cậu cũng có thể nói chuyện với vô số người khác về chủ đề này. Chỉ mất vài phút thôi anh ta sẽ có thể chỉ cho cậu hàng nghìn hàng vạn lý do chứng minh rằng Chính phủ của ông Diệm đang ở trong tình trạng mục nát đến thế nào. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao tôi phải phì cười khi người ta gọi Nam Việt Nam ỉà chế độ độc tài mà thậm chí còn độc tài hơn bất cứ mộl chế độ độc tài nào khác. Vừa nãy cậu nói rất đúng bởi vì nhận thức chung của đa số người vẫn luôn luôn quyết định quyền lực thực sự. Còn về phần tôi thì tôi vẫn tin rằng nếu chúng ta có sự quyết tâm thì chúng ta sẽ không thể thua trong cuộc chiến này được.
Một câu hỏi nữa cùng đã được đặt ra là sẽ mất bao lâu để chúng ta giành thắng lợi trong cuộc chiến này? Ông Diệm chẳng đã rất đúng khi nói rằng tất cả người Việt Nam cho dù anh ta có là Cộng sản, trung lập hay theo chủ nghĩa quốc gia đều thừa nhận một thực tế là cuộc chiến tranh ở Việt Nam không thể được quyết định tại Moscow hay tại Bắc Kinh hay thậm chí là ở Hà Nội hoặc Sài Gòn mà cuộc chiến tranh này phải được quyết định tai Washington. Tới một lúc nào đó người Mỹ sẽ hiểu rằng chúng ta cũng có những quyền lợi nhất định tại đây đang bị xâm phạm nên chúng ta phải sẵn sàng đưa binh lính của chúng ta tới, và sau đó chúng ta sẽ nói rằng chúng ta không phải tham gia vào cuộc chiến này để bảo vệ họ.
Vài ngày sau đó, D. Marnin lại được cùng ngài Đại sứ tới tham dự buổi lễ mừng ngày quốc khánh của Việt Nam Cộng hòa với tư cách là khách mời danh dự. Cả hai người đã phải mất hơn hai mươi phút để đi từ khu chung cư tới trong khi ấy như mọi ngày họ chỉ mất hơn ba phút để đi qua quãng đường này. Đường phố dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn đã bị cấm hoàn toàn và mặc dù còn rất sớm nhưng các ngả đường đến khu trung tâm đều đã bị tắc bởi số lượng lớn người và xe cộ.
Trước sự ưu ái đặc biệt của ông Diệm, Đại sứ Coring mặc bộ com-lê màu trắng, áo sơ mi cũng màu trắng và thắt một chiếc ca-vát kiểu All Souls. D. Marnin được ngồi ghế ngay sát Đại sứ Corning để thế chỗ cho Đại sứ phu nhân, bà Pattie Lou đang bận việc chuẩn bị cho các buổi nghi lễ long trọng hơn. Cũng giống như các đại diện ngoại giao đoàn khác đang có mặt tại đây, cả hai người cùng trò chuyện với nhau bằng một giọng hết sức nhỏ nhẹ, cho dù việc ấy thực ra cũng không cần thiết, bởi tiếng quân nhạc đã đủ để không ai có thể nghe được họ đã nói những gì. Ngồi cạnh họ là Đại sứ Anh, ngài Neville Boggs, một người vừa quyết định bỏ thuốc lá nên mỗi khi có một chút khói thuốc bay tới thì ông ta lại phải nhíu mày cố gắng chịu đựng. Buổi sáng đó, ngài N. Boggs đầm đìa mồ hôi như thể vừa leo hết một phần tư đỉnh núi Alper về đến đây. Đã thế vợ ông ta lại còn luôn mồm thao thao bất tuyệt níu chặt cánh tay đức ông chồng kể hết chuyện này đến chuyện khác.
Ngô Đình Diệm có mặt đúng lúc 7 giờ 30 phút, sau khi mọi người đều đã đứng dậy chào thì không một ai được bước ra trước lễ đài để nhường đường cho ngài Tổng thống. Đội quân nhạc bắt đầu hát bài “Tổng thống Diệm” một bài hát vẫn được coi như lời chào mừng đối với vị Tổng tư lệnh. Tiếp theo bài phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ là bài diễn văn của Tổng giám mục giáo sứ Sài Gòn rồi đến ông Thị trưởng đô thành. Ngô Đình Diệm là người thứ tư lên phát biểu với một bài diễn văn đặc biệt quan trọng. Với một đôi mục kỉnh rất to, ông ta đọc bài diễn văn bằng cái giọng the thé lanh lảnh không bộc lộ một chút cảm xúc nào hay cũng không nhìn vào khán giả lấy một lần, như thể ông ta đang thực hiện một công việc quá ư nhàm chán nên chỉ muốn đọc làm sao càng nhanh càng tốt. Toàn bộ bài diễn văn đều được các nhân viên của Đại sứ quán tự dịch lấy cho ngài Đại sứ và các quan chức người Mỹ. Ông ta nói:
- Cuộc khủng hoảng tên lửa sẽ là một cơ hội lớn cho chúng ta. Rồi Liên Xô sẽ phải thoái lui tại Cuba. Cộng sản đang phải bỏ chạy ở khắp mọi noi. Nạn đói đang hoành hành trên đất Trung Quốc. Bắc Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Tất cả người Việt đều biết rõ điều này. Chúng ta cũng đã chứng kiến sự kiên định trước sau như một của nước Mỹ và đồng minh. Rồi cuối cùng, Việt Cộng sẽ làm mất niềm tin từ chính Chủ nghĩa Cộng sản. Mọi ý tưởng ngoại lai của Cộng sản sẽ không thể mê hoặc được tinh thần chiến đấu cũa chúng ta. Khi đó, hai miền Nam, Bắc sẽ được thống nhất một cách công bằng.
Biết rằng bản ghi nhớ buổi tiếp kiến với Ngô Đình Diệm là văn bản đầu tiên trong sự nghiệp ngoại giao của D. Marnin nên Đại sứ Corning cũng rất thiện ý khi bày tỏ sự hài lòng của ông trước những cố gắng của người phụ tá trẻ tuổi. Khi Đại sứ Corning đưa lại cho D. Marnin chiếc phong bì màu vàng đựng bản ghi nhớ mà ông đã chỉnh sửa, ông cũng không quên vỗ vai động viên anh cố gắng hơn nữa. Marmin tranh thủ mở lại bản sửa lỗi ra xem qua và phát hiện ra rằng mặc dù Đại sứ Corning đã đánh dấu vào rất nhiều lỗi khác nhau nhưng ngay trên góc bên phải của trang đầu tiên, ông vẫn phê vào đấy dòng chữ: “Tuyệt vời, rất đạt yêu cầu”. Chính vì vậy, anh thấy như mình đã được khích lệ thật sự và một cảm giác hăng hái như đã thôi thúc anh nhiều hơn.
- Việc cậu sắp xếp lại trình tự những gì mà ông Diệm nói ra là rất thú vị đấy David. - Đại sứ Corning nói với D. Marnin bằng một giọng rất thấp và hầu như ông ta cũng chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra ở xung quanh. - Đặc biệt là phần dẫn chứng từ lịch sử Việt Nam mà ông ấy đã đưa ra để làm rõ vấn đề. Trong suốt hai năm tôi đến đây, tôi chưa thấy có ai có đủ kiên nhẫn đề nắm được toàn bộ những đoạn độc thoại của ông Diệm. Mọi người đều quá sốt sắng muốn ông ta đi thẳng vào vấn đề nên họ hay vội vàng ngắt lời ông ta để đưa ra các ý kiến về Chương trình ấp chiến lược hay Chương trình nhập khẩu hàng hóa hay bất kỳ một cái gì cũng vậy. Chính vì lẽ đó, chẳng mấy ai còn đủ kiên nhẫn để chú ý đến những gì mà ông ta đang nói. Thế nhưng, trong tất cả những điều mà ông ta nói ra đều có tính mạch lạc, nếu không muốn nói là rất láu cá vì ông ta hay sử dụng những điển tích từ lịch sử Việt Nam nhiều hơn những gì mà chúng ta đang nghĩ là ông ta sẽ nói.
- Thưa ngài, tôi thật sự không rõ là việc tôi đảo lộn mọi trật tự thông tin trong buổi đối thoại ấy để cho vấn đề mà chúng ta cần được sáng tỏ hơn có đúng lắm không?
- Được đấy, cậu nên tiếp tục làm như vậy. Hãy luôn rèn cho mình một thói quen ghi lại toàn bộ cảm nhận của mình lên mặt giấy trong khi bản thân mình thì phải luôn nhìn nhận vấn đề một cách thật khách quan. Tôi khuyên cậu phải luôn luôn ghi chép tỉ mỉ tất cả những gì đang diễn ra. Nếu không rồi cậu sẽ quên mất chúng ngay. Tất cả chúng ta đều rất dễ quên. Tuổi trẻ phải là lúc mà ta nên rèn luyện cho mình đức tính kiên trì, bền bỉ. Nếu chúng ta giành chiến thắng ở đây, tất cả những gì mà chúng ta đã làm sẽ là một phần dệt nên tấm thảm mà chẳng ai để ý đến. Thế nhưng những thứ đó cũng sẽ làm cho ta cảm thấy càng tự tin hơn. Còn nếu như chúng ta thất bại... - Ông Đại sứ quay mặt sang hướng khác như muốn tránh những suy nghĩ gì đó đang làm cho ông ta lúng túng trong giây lát rồi nói tiếp. -... Nếu chúng ta thất bại, rồi mỗi sự kiện nhỏ nhất cũng có thể khiến cho lương tâm ta bị cắn rứt. Sau đó, những sự kiện ấy sẽ còn được nhắc đi nhắc lại bằng những sự kiện khác thê thảm hơn ở hiện tại để rồi tất cả sẽ biến thành một thứ giống như đồ ăn không thể tiêu hóa được.