---~~~mucluc~~~---


Chương 29
Khi Bên Nhau

    
uổi đêm khi thấy lạnh, tôi trở dậy đắp thêm cho nàng một tấm chăn.
Romain GARY
Sân bay Charles-de-Gaulle
Chủ nhật 12 tháng Chín
Người tài xế taxi tóm lấy túi xách của Billie rồi thẳng tay nhét vào cốp xe, khi đi ngang qua tôi anh ta đập ngay vào túi đựng máy tính của tôi. Trong khoang lái của chiếc Prius hybride, đài được bật to tới mức tôi phải nhắc lại ba lần địa điểm cần đến với người tài xế.
Xe rời sảnh đến sân bay và nhanh chóng mắc kẹt trong đám tắc đường trên đại lộ ngoại vi Paris.
- Chào mừng đến với nước Pháp, tôi vừa nói vừa nháy mắt với Billie.
Cô ấy nhún vai:
- Anh không thể phá hỏng niềm vui thích của em khi được ở đây đâu. Được đến Paris là ước mơ của đời em!
Sau vài ki lô mét tắc đường, chiếc xe ra được đến cửa ô Maillot rồi vào đại lộ Grande-Armée sau đó tiếp tục bon bon đến tận bùng binh ngã tư Champs-Élysées. Giống như một đứa trẻ, Billie há hốc mồm khi lần lượt được khám phá Khải Hoàn Môn, “đại lộ đẹp nhất thế giới”, và vẻ cám dỗ của quảng trường Concorde.
Dù đã tới đây nhiều lần cùng Aurore nhưng cũng không thể nói rằng tôi thông thạo Paris. Tất cả đều diễn ra giữa hai buổi hòa nhạc và hai chuyến bay. Aurore như sống cuộc đời du mục, chẳng bao giờ có thời gian giúp tôi khám phá thành phố quê hương nàng. Những đợt lưu lại Paris của tôi dù thế nào cũng không vượt quá hai hoặc ba ngày liên tiếp, mà quãng thời gian ấy chúng tôi chỉ giam mình trong căn hộ xinh xắn của nàng nằm trên phố Las Cases, gần nhà thờ Sainte-Clotilde. Vậy nên, ở Paris, tôi chỉ biết vài con phố thuộc quận 6 và quận 7 cùng khoảng chục nhà hàng, cửa hàng hợp mốt nàng thường dẫn tôi tới.
Chiếc taxi vượt qua sông Seine sang bên bờ trái và rẽ ở đoạn kè Orsay. Khi nhận ra gác chuông cùng hàng cột ốp của nhà thờ Saint-Germain-des-Prés, tôi biết chúng tôi đã sắp tới căn hộ có sẵn đồ đạc mà tôi thuê qua mạng khi vẫn còn ở Mêhicô. Quả vậy, sau vài lần rẽ nữa, anh tài xế taxi cho chúng tôi xuống số 5 phố Furstemberg, trước một quảng trường nhỏ hình tròn, bao quanh là những cửa tiệm kiểu cổ, đây chắc chắn là một trong những quảng trường đẹp nhất tôi từng được thấy.
Trên một khoảnh sân được đắp cao lên nằm ngay chính giữa, bốn cây đồng cao vút bao quanh một cây đèn đường năm bóng. Mặt trời hắt ánh sáng lên những mái nhà bằng đá bảng màu lam. Nằm giữa những con phố hẹp, xa khỏi những đại lộ huyên náo, nơi đây như một hòn đảo nhỏ vĩnh hằng và lãng mạn, bước thẳng ra từ một bức họa của Peynet.

Khi tôi viết những dòng này, đã hơn một năm trôi qua kể từ buổi sáng hôm ấy, nhưng hình ảnh Billie bước xuống xe và mở to đôi mắt thán phục vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức tôi. Lúc ấy, tôi không hề biết rằng những tuần kế tiếp sẽ là quãng thời gian đau đớn nhất nhưng cũng đẹp đẽ nhất đời chúng tôi.

Khu dành cho nữ sinh
Ký túc xá Berkeley
California
- Có bưu phẩm cho cậu này! Yu Chan hét lên khi bước vào phòng. Từ khi khai trường, cô đã ở chung phòng này cùng Bonnie Del Amico.
Ngồi ở bàn học, Bonnie ngẩng đầu khỏi máy tính cảm ơn cô bạn cùng phòng rồi lại tiếp tục chăm chú vào ván cờ.
Đó là một thiếu nữ tóc nâu cắt ngắn, khuôn mặt thân thiện vẫn giữ những đường nét tròn trĩnh từ thời ấu thơ. Nhưng qua ánh mắt tập trung đầy nghiêm túc cũng có thể đoán ra rằng dù còn trẻ nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng với cô.
Mặt trời mùa thu rọi những tia nắng qua cửa sổ, soi sáng các bức tường của căn phòng nhỏ, trên tường là các áp phích dán lộn xộn, cho thấy sở thích của hai cô gái: Robert Pattinson, Kristen Stewart, Albert Einstein, Obama hay Đạt lai Lạt ma.
- Cậu không mở ra à? cô gái Trung Quốc hỏi sau vài phút.
- Ừm... Bonnie lẩm bẩm, vẻ lơ đãng. Để tớ cho cái máy này nếm mùi thất bại đã.
Cô thử một nước cờ táo bạo khi dấn mã lên ô D4, hy vọng thắng được đối thủ.
- Có thể là quà của Timothy đấy, Yu Chan xem xét gói bưu kiện rồi đoán mò. Gã đó mê cậu như điếu đổ.
- Ừm... Bonnie lặp lại. Tớ mặc xác Timothy.
Máy tính xuất hậu đáp trả.
- Vậy tớ mở ra nhé! cô gái người châu Á quyết định.
Không đợi cô bạn đồng ý, Yu Chan xé lớp giấy bọc ngoài, để lộ ra một quyển sách dày cộp có bìa da in nổi: Tom Boyd - Hội Thiên thần - Tập 2.
- Là cuốn tiểu thuyết cậu mua hạ giá trên mạng, cô nàng nói có vẻ thất vọng.
- Ừm, ừm... Boonie ậm ừ.
Giờ đây cô phải bảo vệ quân mã của mình nhưng không được rút lui. Cô nhấp chuột để dấn tốt nhưng hăm hở bao nhiêu thì cô cũng buông xuôi nhanh chóng bấy nhiêu.
Quá muộn rồi...
Dòng chữ HẾT CỜ! nhấp nháy trên màn hình. Cô lại thua cái đống sắt đáng nguyền rủa này!
Không phải là điềm lành cho giải vô địch sắp tới, cô nghĩ rồi tắt máy.
Tuần sau, cô phải bảo vệ màu cờ sắc áo của trường trong giải vô địch thế giới dành cho lứa tuổi dưới mười tám. Giải đấu được tổ chức ở Rome này khiến cô vừa phấn khích lại vừa lo lắng.
Cô gái nhìn chiếc đồng hồ hình mặt trời treo trên tường rồi vội vàng thu dọn sách vở. Cô chộp lấy cuốn tiểu thuyết vừa nhận được rồi nhét nó vào trong ba lô. Cô sẽ sắp xếp va li đi Rome sau vậy.
- Addio, amica mia! cô nói khi ra khỏi phòng.
Cô bước ba bậc một xuống cầu thang rồi đi những bước dài để tới BART: hệ thống tàu liên vùng nối Berkeley với San Francisco chạy ngầm qua vịnh ở độ sâu bốn mươi mét dưới mực nước biển. Ngồi trên tàu, cô bắt đầu đọc ba chương đầu của cuốn sách rồi xuống ở ga Embarcadero sau đó bắt xe điện ở phố California. Chật cứng khách du lịch, chiếc xe điện băng qua Nob Hill và Grace Cathedral. Cô gái trẻ rời toa xe bằng gỗ hai bến sau đó để tới khoa ung thư của bệnh viện Lenox, nơi cô làm tình nguyện viên hai lần một tuần cho một hiệp hội chuyên giúp người bệnh thư giãn bằng các hoạt động vui chơi và nghệ thuật. Cô đã quan tâm tới công việc này khi chứng kiến mẹ cô hấp hối suốt hai năm trời vì căn bệnh ung thư, bà Mallory đã mất cách đây vài năm. Khi ấy Bonnie đã học đại học nhưng mới chỉ mười sáu tuổi, chưa đủ tuổi để tham gia loại hoạt động này. May thay, Elliott Cooper, chủ nhiệm khoa, lại là bạn của Garrett Goodrich, vị bác sĩ đã chữa trị cho mẹ cô những ngày cuối đời, vậy nên ông làm ngơ trước sự có mặt của cô ở bệnh viện.
- Chào bà Kaufman! cô vui vẻ nói khi bước vào một trong những phòng bệnh trên tầng bốn.
Chỉ sự hiện diện của Bonnie thôi đã đủ làm khuôn mặt Ethel Kaufman rạng rỡ lên. Vậy nhưng, cho tới vài tuần trước, người phụ nữ lớn tuổi này vẫn luôn từ chối tham gia vào các lớp vẽ tranh, hội họa hay các trò chơi tập thể do hội tổ chức, bà cũng không tham dự các buổi diễn hài hay múa rối mà bà thấy thật ngớ ngẩn, lỗi thời. Bà muốn người ta để yên cho bà được chết, có thế thôi. Nhưng Bonnie thì khác. Cô gái trẻ cá tính, trong cô là sự pha trộn giữa vẻ ngây thơ trong trắng và đầu óc thông minh đã không chịu để bà Ethel thờ ơ mãi như vậy. Hai người mất hàng tuần lễ mới làm thân được với nhau nhưng giờ đây họ không thể chịu nổi nếu một tuần không gặp nhau hai lần. Theo thói quen, họ bắt đầu bằng màn chuyện phiếm trong vài phút. Ethel hỏi về chuyện học hành ở trường đại học và về giải đấu cờ vua sắp tới của Bonnie, sau đó cô gái trẻ lấy cuốn sách ra khỏi ba lô:
- Ngạc nhiên chưa bà! cô vừa nói vừa giơ ra bản sách tuyệt đẹp.
Đôi mắt Ethel đã mệt mỏi rồi nên Bonnie rất sẵn lòng đọc cho bà nghe. Vài tuần trước, cả hai đều đã bị Bộ ba Thiên thần mê hoặc.
- Cháu không cưỡng lại được nên đã đọc mấy chương đầu rồi, Bonnie thú nhận. Cháu sẽ tóm tắt qua cho bà rồi đọc tiếp, được không ạ?

Quán Coffee Bean & Tea Leaf
Một quán cà phê nhỏ ở Santa Monica
10 giờ sáng
- Tớ nghĩ đã tìm được điều gì đó rồi! Carole hét lên.
Chúi mũi vào chiếc máy tính mini, nữ cảnh sát đang kết nối mạng thông qua sóng wifi của quán cà phê.
Cầm tách caramel latte trên tay, Milo tiến lại gần màn hình.
Khi cố thử tra tất cả các từ khóa có liên quan trên trang công cụ tìm kiếm, Carole cuối cùng đã tìm được một trang của eBay đăng tin rao bán trực tuyến bản sách hỏng duy nhất mà họ cần tìm.
- Cái của này thật rắc rối! anh thốt lên khi đánh đổ nửa cốc đồ uống vào áo.
- Cậu có chắc đúng nó đây không?
- Không nghi ngờ gì nữa, anh nói dứt khoát khi quan sát bức ảnh: sau khi đã hủy thì chỉ còn duy nhất một quyển bìa da kiểu này thôi.
- Đen quá, cuốn sách được bán mất rồi, Carole bực tức nói..
Cuốn sách được rao bán trên eBay vài ngày trước và đã tìm được người mua ngay lập tức với giá mười bốn đô la, số tiền chẳng đáng là bao.
- Dù sao chúng ta cũng có thể thử liên lạc với người bán để hỏi về người mua.
Nói là làm, Carole nhấp chuột vào dòng cho phép hiển thị thông tin chi tiết thành viên: annaboro73, gia nhập từ sáu tháng trước và được đánh giá tích cực.
Carole gửi một bức thư điện tử, trong đó cô giải thích rằng mình muốn liên hệ với người đã mua cuốn sách. Sau đó họ đợi khoảng năm phút, hy vọng sẽ có câu trả lời ngay lập tức nhưng trong lòng lại không mấy tin. Họ đợi cho tới khi Milo mất kiên nhẫn, anh viết một lá thư khác rõ ràng hơn, kèm theo lời hứa sẽ thưởng một nghìn đô la.
- Tớ phải quay lại làm việc rồi, Carole vừa nói vừa nhìn đồng hồ.
- Cộng sự của cậu đâu rồi?
- Anh ta bị ốm, cô nói rồi rời khỏi quán cà phê.
Milo quyết định đi theo ngồi cạnh cô trong xe cảnh sát.
- Cậu không có quyền được ngồi đây! Tớ đang làm nhiệm vụ và đây là xe tuần tra.
Anh làm ra vẻ như không nghe thấy gì và vẫn tiếp tục chuyện trò.
- Nick name của người bán là gì ấy nhỉ?
- annaboro73, Carole vừa nói vừa khởi động xe.
- Được rồi, Anna là tên, nhất trí chứ?
- Có vẻ hợp lý đấy.
- Boro là họ. Không phải là Borrow như vẫn thường thấy mà là boro, có vẻ như là thu gọn từ một họ của Đức.
- Của Ba Lan thì đúng hơn, phải không? Kiểu như Borowski.
- Ừ, đúng thế đấy.
- Thế còn con số? Cậu có nghĩ đó là năm sinh của cô ta không?
- Có thể lắm, Milo đáp.
Trên điện thoại của anh đã hiện ra trang web của dịch vụ những trang trắng nhưng chỉ riêng ở Los Angeles đã có đến hơn chục Anna Borowski.
- Đưa tớ cái điện đàm, Carole nói trong khi vẫn đang điều khiển xe đổi hướng.
Milo nhấc micro điện đàm ra và không thể không ứng tác bông đùa:
- Alô, Trái Đất nghe rõ không, đây là thuyền trưởng tàu vũ trụ Enterprise, chúng tôi yêu cầu được hạ cánh xuống căn cứ.
Carole nhìn anh ngán ngẩm.
- Sao thế, cũng buồn cười đấy chứ?
- Phải, Milo: nếu cậu mới tám tuổi thì cũng buồn cười đấy...
Cô cầm lấy micro nói, giọng đầy uy lực:
- Alô, trung tâm phải không, đây là trung sĩ Alvarez, số hiệu 364B1231. Tìm giúp tôi địa chỉ của một cô Anna Borowski nào đó, có lẽ là sinh năm 1973?
- OK, trung sĩ, yêu cầu được thực thi ngay đây.

Paris
Saint-Germain-des-Prés
Căn hộ hai phòng có đồ đạc của chúng tôi nằm trên tầng cao nhất của một tòa nhà nhỏ màu trắng, nhìn ra một quảng trường nhỏ rợp bóng cây khiến chúng tôi ngay lập tức cảm thấy như đang ở nhà mình.
- Chúng ta đi dạo một chút chứ? Billie đề nghị.
Có vẻ như không khí ở Paris khiến cô ấy thấy khá hơn. Dĩ nhiên là tóc cô ấy vẫn bạc trắng và nước da vẫn xanh xao nhưng cô ấy dường như đã tìm lại được chút thần thái.
- Báo cho em biết là anh còn phải viết năm trăm trang sách đấy nhé...
- Chuyện nhỏ thôi! cô đùa rồi lại gần cửa sổ, để khuôn mặt mình được hứng lấy tia sáng mặt trời.
- Được rồi, vậy thì đi dạo một chút. Để em có thể thấy khu phố.
Tôi khoác áo vest vào trong lúc cô ấy dặm chút phấn lên mặt.
Vậy là chúng tôi đi.
Như hai vị khách du lịch, ban đầu chúng tôi lững thững trên những con phố hẹp ở Saint-Germain, chúng tôi dừng lại trước tủ kính của mỗi hiệu sách hay tiệm đồ cổ, xem xét thực đơn của từng quán cà phê, lục lọi đám thùng kim loại của những người bán sách cũ dọc theo bờ sông Seine.
Dẫu cho những cửa hàng xa hoa lộng lẫy đang dần thế chỗ những địa điểm văn hóa, ở khu phố vẫn toát lên vẻ gì đó rất thần diệu. Giữa những con ngõ nhỏ quanh co rắc rối này, bầu không khí thật đặc biệt và ở đâu người ta cũng cảm nhận được tình yêu với sách vở, thi ca và hội họa. Mọi con phố, mọi tòa nhà chúng tôi qua khi dạo chơi đều là chứng nhân cho một quá khứ đầy truyền thống văn hóa. Voltaire từng làm việc tại quán Procope, Verlaine đã tới đây uống loại rượu apxanh, Delacroix có xưởng vẽ trên phố Furstemberg, Racine từng sống tại phố Visconti, Balzac sạt nghiệp khi gây dựng một xưởng in tại đây, Oscar Wilde đã ra đi trong cô độc và nghèo túng tại một khách sạn tồi tàn trên phố Beaux-Arts, Picasso vẽ bức Guernica tại phố Grands-Augustins, Miles Davis từng biểu diễn trên phố Saint-Benot, Jim Morrison trọ tại phố Seine...
Những cám dỗ mê đắm lòng người.
Rạng rỡ xoay tròn trong nắng, với cuốn sách hướng dẫn trên tay, Billie chăm chú để không bỏ lỡ điều gì trong chuyến thăm thú của mình.
Buổi trưa, chúng tôi dừng chân tại sân hiên của một quán cà phê. Trong lúc nhấm nháp mấy tách espresso kiểu Ý, tôi ngắm nhìn cô tươi cười thưởng thức pho mát trắng với mật ong cùng bánh mì đẫm mứt quả phúc bồn tử. Giữa hai chúng tôi có điều gì đó đã thay đổi. Thái độ thích gây sự với nhau đã bay biến nhường chỗ cho một sự hòa hợp mới mẻ. Từ giờ, chúng tôi là đồng minh và chúng tôi đều ý thức được đầy đủ rằng những thời khắc ở bên nhau thật đáng trân trọng, chúng thật mong manh và sẽ thật tốt khi chúng tôi quan tâm săn sóc lẫn nhau.
- Nào, giờ chúng ta sẽ tới đây, thăm quan nhà thờ này! cô đề nghị, tay chỉ tháp chuông Saint-Germain.
Trong lúc tôi lấy ví trả tiền, Billie uống nốt một ngụm sô cô la nóng rồi đứng dậy. Như một đứa trẻ muốn tỏ vẻ lanh lợi, cô ấy vội vã băng qua con phố trong lúc có một chiếc xe ôtô chạy theo chiều ngược lại.
Đúng lúc ấy cô chợt ngã khuỵu xuống lòng đường.

San Francisco
Bệnh viện Lenox
Bonnie bực mình lật đi lật lại các trang sách xem có đúng là chúng vẫn còn trắng nguyên không.
- Cháu e là hôm nay bà sẽ không thể biết được kết cục câu chuyện đâu, bà Kaufman ạ.
Ethel nhíu mày nhìn quyển sách chăm chú hơn. Nó đột nhiên ngừng lại ở trang 266, ngay giữa một câu văn dang dở.
- Hẳn là lỗi in ấn rồi. Cháu phải mang tới hiệu sách đổi lại.
- Nhưng cháu mua qua mạng!
- Vậy thì cháu bị lừa rồi.
Phật ý, Bonnie cảm thấy hai má đang đỏ ửng lên. Thật tiếc. Cuốn sách rất hấp dẫn và những hình minh họa bằng màu nước được làm rất cẩn thận.
- Đến giờ ăn rồi! nhân viên phục vụ đẩy cửa bê khay thức ăn vào rồi nói.
Như mọi lần vẫn tới đây, Bonnie cũng được một suất ăn. Thực đơn gồm có: xúp rau, xa lát cải Bruxelles và cá moruy hấp.
Bonnie nghiến răng cố nuốt vài miếng. Sao con cá lại vẫn còn đầy nước bên trong? Sao món xúp đậu lại có cái màu nâu nhạt này? Và còn nước xốt dầu giấm không có muối nữa... ọe.
- Thật kinh khủng, đúng không? bà Kaufman phàn nàn.
- Ở khoảng giữa của vô cùng kinh tởm và hết sức bẩn thỉu, Bonnie thừa nhận.
Bà Kaufman nở một nụ cười.
- Bà sẵn sàng trả tiền để được ăn một chiếc bánh phồng sô cô la. Đó là món khoái khẩu của bà.
- Cháu chưa bao giờ được ăn món đó! Bonnie vừa nói vừa liếm mép vẻ thèm thuồng.
- Bà sẽ cho cháu công thức làm bánh, Ethel đề nghị. Đưa bà cái bút và quyển sách in lỗi ấy! Ít ra nó cũng dùng được vào việc này.
Bà lão mở cuốn tiểu thuyết rồi viết nắn nót lên trang trắng đầu tiên, chữ bà quả là rất đẹp:
Bánh phồng sô cô la
200 g sô cô la đen;
50 g đường;
5 quả trứng;
30 g bột;
nửa lít sữa đã tách kem một nửa.
1) Bẻ sô cô la thành từng mẩu rồi đun cách thủy cho tan ra...

Paris
Saint-Germain-des-Prés
- Mở mắt ra đi!
Thân thể Billie nằm giữa đường.
Chiếc Clio đã phanh kịp, tránh được va chạm. Trên phố Bonaparte, dòng xe cộ ngừng lại và một nhóm người tụ tập xung quanh cô gái trẻ.
Tôi nghiêng mình xuống người cô ấy, nhấc hai chân lên để máu có thể chảy lên não. Tôi đặt đầu cô ấy quay sang bên, buông xõa tóc ra, đúng y như chỉ dẫn bác sĩ Philipson đã đưa. Cuối cùng Billie cũng tỉnh lại và đỡ nhợt nhạt hơn. Cơn bệnh của cô tan biến cũng nhanh như lúc xuất hiện. Cô bị ngất giống như khi ở Mêhicô.
- Đừng vội mừng: em vẫn chưa chết đâu, cô giễu tôi.
Tôi siết chặt cổ tay cô ấy. Mạch vẫn còn yếu, hít thở khó khăn và những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên trán.
Ngày mai chúng tôi có cuộc hẹn với giáo sư Clouseau, vị bác sĩ Aurore đã giới thiệu cho tôi. Tôi hết lòng mong mỏi rằng tài năng của ông ta thực sự xứng đáng với danh tiếng có được.

Los Angeles
- Cảnh sát đây, mở cửa ra!
Đằng sau lỗ cửa, Anna quan sát sĩ quan cảnh sát đang gõ cửa nhà mình.
- Tôi biết là cô có trong đó, cô Borowski! Carole vừa hét lên vừa chìa phù hiệu của mình ra.
Anna đành quay ổ khóa rồi ló bộ mặt lo lắng qua khuôn cửa.
- Các vị muốn gì?
- Chỉ là hỏi cô vài câu liên quan đến quyển sách cô đã rao bán trên mạng.
- Tôi không ăn cắp quyển sách đó! Anna bào chữa. Tôi tìm thấy nó trong một thùng rác, thế thôi.
Carole liếc nhìn Milo đang tiếp lời mình.
- Cô phải cho chúng tôi địa chỉ của người đã mua cuốn sách đó.
- Tôi nghĩ đó là một sinh viên.
- Sinh viên à?
- Dù sao thì cô ta cũng ở ký túc xá Berkeley.

San Francisco
Bệnh viện Lenox
4 giờ chiều
Ethel Kaufman không tài nào ngủ được. Kể từ lúc Bonnie đi sau bữa trưa, bà cứ trằn trọc trên giường. Có gì đó không ổn. Tức là ngoài căn bệnh ung thư đang hủy hoại hai lá phổi của bà ra...
Chính là quyển sách ấy. Hay nói cách khác, là những gì bà đã viết lên những trang giấy trắng trong sách. Bà nhỏm dậy, tựa lưng vào gối rồi cầm cuốn tiểu thuyết đang để trên bàn đầu giường, mở đến trang bà đã nắn nót viết vào công thức làm món tráng miệng thời ấu thơ của mình. Nỗi buồn thảm trong lòng bà từ đâu dội lại không biết? Từ cái chết đang chực đến cứ mỗi ngày lại thắng thế hơn? Có lẽ vậy.
Nỗi buồn thảm... Bà ghét nó. Đường đời trôi nhanh đến nỗi bà quyết định không bao giờ nhìn lại phía sau nữa. Bà lúc nào cũng chỉ sống với hiện tại, cố gắng lờ đi quá khứ. Bà không lưu giữ kỷ niệm, không tổ chức một lần sinh nhật nào, cứ hai hoặc ba năm lại chuyển nhà một lần để không quá gắn bó với vật cũng như với người. Với bà, đó luôn là điều kiện để có thể tồn tại.
Dù vậy, buổi chiều nay, quá khứ đã đến gõ cửa phòng bà. Bà khó nhọc đứng dậy, bước vài bước tới chỗ cái tủ sắt đựng đồ. Bà lấy ra chiếc va li nhỏ bằng da cứng có khóa Éclair, cô cháu gái Katia đã mang nó tới cho bà trong chuyến thăm mới đây. Trong đó là những thứ đồ Katia tìm thấy khi dọn dẹp căn nhà của bố mẹ trước khi bán.
Bức ảnh đầu tiên được chụp vào tháng Ba năm 1929, vài tháng sau khi bà chào đời. Trong ảnh là một cặp vợ chồng hạnh phúc đang tự hào đứng tạo dáng cùng ba đứa con. Ethel nằm trong vòng tay mẹ, trong khi anh chị bà, cặp song sinh bốn tuổi, đứng bên bố. Quần áo đẹp, nụ cười chân thành, vẻ thấu hiểu lẫn nhau: tình cảm gia đình và sự ngọt ngào toát ra từ bức ảnh. Ethel đặt bức ảnh cạnh mình trên giường. Bà không xem lại nó đã mấy chục năm rồi.
Tập tài liệu tiếp theo là một bài báo đã ố vàng, kèm theo nhiều bức ảnh minh họa chụp những năm 1940: những bộ đồng phục của quân Đức Quốc xã, những hàng rào thép gai, những hành động dã man... Cuốn tạp chí đưa Ethel về với chính câu chuyện của mình. Bà tròn mười tuổi khi tới Mỹ cùng với anh trai. Họ đã kịp rời khỏi Cracovie ngay trước khi quân Đức biến một phần thành phố thành trại tập trung. Chị gái bà lẽ ra đã đoàn tụ cùng hai anh em sau đó nhưng chị không có được cơ may ấy - chị chết do bị sốt tại Plaszów - cả bố mẹ bà cũng đã không sống sót nổi ở trại hủy diệt Belzec.
Ethel tiếp tục quay về quá khứ. Tiếp theo là một tấm bưu thiếp đen trắng chụp một nữ diễn viên múa ba lê duyên dáng đang nhảy trên mũi chân. Đó là bà, tại New York. Cả thời niên thiếu bà đã sống tại đây cùng gia đình bên nội của mẹ bà, họ đã nhận ra và khích lệ bà phát triển năng khiếu múa. Bà nhanh chóng trở nên nổi bật và được tuyển vào Đoàn Ba lê New York, nơi khi ấy vừa mới lăng xê thành công George Balanchine.
Kẹp hạt dẻ, Hồ thiên nga, Romeo và Juliet: bà được diễn vai chính trong những vở ba lê kinh điển nhất. Sau đó bà buộc phải từ bỏ nghiệp diễn năm hai mươi tám tuổi do bị gãy xương nhưng không được chữa trị cẩn thận khiến bà thành tật, đi khập khiễng.
Cảm giác rối bời khiến bà nổi da gà. Mặt sau tấm bưu thiếp là một chương trình biểu diễn tại New York. Sau tai tạn, bà tới làm giáo viên tại trường Ba lê Mỹ, thỉnh thoảng vẫn tham gia diễn vài vở nhạc hài kịch tại Broadway.
Một bức ảnh khác vẫn luôn làm bà đau đớn, dù hàng chục năm đã trôi qua. Đó là ảnh người tình bí mật của bà. Một người đàn ông kém bà mười tuổi bà đem lòng yêu năm ba mươi lăm tuổi: một chuyện tình đầy đam mê, mà chỉ để có vài giờ thăng hoa, bà đã phải trả giá bằng nhiều năm đớn đau và tuyệt vọng.
Và rồi...
Và rồi, cơn ác mộng...
Một cơn ác mộng bắt đầu trong ánh đèn chớp của bức ảnh tiếp sau, hơi mờ một chút, bức ảnh bà tự chụp mình qua gương. Bức ảnh chụp bụng bầu của bà.
Khi hoàn toàn không còn mong chờ nữa thì Ethel lại có bầu vào tuổi bốn mươi. Một món quà của cuộc đời mà bà đón nhận với lòng biết ơn vô bờ bến. Chưa bao giờ bà thấy hạnh phúc hơn sáu tháng đầu của thai kỳ. Dĩ nhiên bà cũng buồn nôn, cũng mệt mỏi vô cùng nhưng hài nhi đang lớn dần trong bụng khiến bà thay đổi.
Vậy nhưng một sáng, ba tháng trước ngày sinh nở, bà bị ra nước ối mà không có nguyên do cụ thể. Người ta đưa bà đến bệnh viện làm những xét nghiệm cần thiết. Bà vẫn còn nhớ như in mọi thứ. Đứa bé vẫn luôn ở đó, trong bụng bà. Bà cảm nhận được những cú đạp của nó, bà nghe thấy nhịp tim nó. Rồi bác sĩ phụ khoa trực tối ấy nói với bà rằng túi nước ối đã vỡ mà không có nước ối, thai nhi không thể sống được. Túi màng đã cạn nước, người ta phải tiến hành kích đẻ. Vậy là đêm hôm ấy, trong bà là nỗi khiếp sợ rằng mình sẽ sinh ra một đứa trẻ dù biết rằng nó sẽ không sống nổi. Sau nhiều giờ chuyển dạ, bà không tạo ra sự sống mà là cái chết.
Bà vẫn được nhìn thấy nó, chạm vào nó, ôm hôn nó. Nó nhỏ bé làm sao nhưng cũng đẹp biết bao. Cho tới lúc sinh, bà vẫn chưa quyết định đặt tên con trai mình là gì. Bà chỉ luôn gọi thầm trong lòng là nhóc con, nhóc con của mẹ.
Đứa trẻ sống được một phút thì tim ngừng đập. Ethel chẳng bao giờ quên được sáu mươi giây ấy, sáu mươi giây bà được làm mẹ. Sáu mươi giây siêu thực. Sau khoảng thời gian ấy, bà không sống nữa. Bà chỉ làm ra vẻ như mình đang sống mà thôi. Tất cả nguồn sáng, tất cả niềm vui, tất cả niềm tin của bà đã suy mòn hết trong phút ấy. Mọi nhiệt huyết còn lại trong bà đã vụt tắt cùng với đứa trẻ.
Những hàng nước mắt chảy dài trên má rơi xuống một chiếc phong bì nhỏ, dày bằng giấy ánh xà cừ. Bà run rẩy mở phong bì, lấy ra lọn tóc của đứa nhỏ. Bà khóc rất lâu nhưng những giọt nước mắt ấy giải phóng gánh nặng bà đã mang trong mình nhiều năm nay.
Giờ đây, bà cảm thấy rất mệt. Bà đột nhiên thấy muốn ngủ, trước khi đi nằm, bà dán những bức ảnh, bài báo, tấm bưu thiếp và lọn tóc vào các trang trắng của cuốn tiểu thuyết. Bản tóm lược những thời khắc quan trọng trong đời bà chiếm khoảng hơn chục trang sách.
Nếu được bắt đầu lại, bà sẽ thay đổi điều gì trong cuộc đời mình? Bà xua tan nghi vấn ấy khỏi đầu mình. Câu hỏi ấy chẳng có nghĩa lý gì. Cuộc đời chẳng phải là một trò chơi điện tử với nhiều khả năng lựa chọn. Thời gian trôi đi, con người ta cũng trôi theo và trong suốt hành trình ấy, họ thường làm những điều mình có thể chứ không phải những điều mình mong muốn. Số phận sẽ làm phần việc còn lại và cơ may sẽ tới can dự vào cả quá trình ấy. Thế thôi.
Bà xếp cuốn sách vào một phong bì lớn bằng giấy bồi rồi gọi y tá trực, nhờ cô đưa lại cho Bonnie Del Amico khi nào cô bé tới bệnh viện.

Khu dành cho nữ sinh
Ký túc xá Berkeley
7 giờ tối
- Đừng có ăn nhiều bánh tiramisu ở Rome quá đấy! Yu Chan láu lỉnh khuyên. Có ít nhất cả triệu calo trong đó mà gần đây cậu lại đang béo lên, đúng không?
- Đừng lo lắng cho tớ, Bonnie đáp lại rồi đóng va li. Theo những gì tớ biết thì chuyện béo gầy chẳng ảnh hưởng đến sở thích của đám con trai đâu.
Cô gái trẻ nhìn ra cửa sổ. Trời tối nhưng cô đã nhìn thấy chiếc taxi mà cô gọi đang nháy đèn pha ra hiệu rồi.
- Tớ đi đây.
- Chúc may mắn! Hạ gục hết đám nhà quê đó nhé! cô bạn người Trung Quốc động viên cô.
Bonnie bước xuống cầu thang ký túc xá và đưa hành lý cho người tài xế hãng xe yellow cab xếp vào cốp.
- Cô ra sân bay phải không?
- Vâng, nhưng trước đó em muốn ghé qua bệnh viện Lenox đã.
Trong suốt quãng đường, Bonnie mải miết với những ý nghĩ của mình. Sao cô lại cảm thấy cần phải quay lại gặp bà Kaufman nhỉ? Trưa nay, lúc chia tay, cô thấy bà mệt và có vẻ buồn. Nhất là bà lão lại chào tạm biệt cô một cách quá trịnh trọng, bày tỏ mong muốn được ôm hôn cô, hoàn toàn không giống với bà thường ngày.
Như thể đó là lần gặp cuối cùng...
Chiếc taxi đỗ lại cạnh một xe khác.
- Em để hành lý lại nhé? Em vào năm phút thôi.
- Em cứ thoải mái. Anh sẽ đỗ xe vào bãi.

Khu dành cho nữ sinh
Ký túc xá Berkeley
7 rưỡi tối
- Cảnh sát đây, mở cửa ra!
Yu Chan nhảy dựng lên. Cô đã lợi dụng lúc cô bạn cùng phòng vắng mặt để lục lọi máy tính và cố tìm cách đọc trộm email của bạn. Trong vài giây, cô gái hốt hoảng, tưởng rằng có camera giám sát giấu đâu đó trong phòng đã tố cáo cô.
Cô vội vàng tắt máy rồi mở cửa.
- Tôi là sĩ quan Carole Alvarez, Carole tự giới thiệu, dù biết rất rõ rằng cô chẳng hề có quyền can thiệp vào một khu ký túc xá đại học.
- Chúng tôi muốn nói chuyện với Bonnie Del Amico, Milo báo.
- Các vị đến chậm một chút rồi, Yu Chan thở phào nhẹ nhõm đáp. Cô ấy vừa ra sân bay. Cô ấy tham gia một giải đấu cờ vua tại Rome.
Tại Rome! Mẹ kiếp!
- Cô có số của cô ấy không? anh vừa hỏi vừa lấy điện thoại ra.

Bãi đỗ xe bệnh viện Lenox
7 giờ 34 phút
Trên băng ghế sau xe taxi, điện thoại của Bonnie đổ chuông dưới đáy chiếc túi đeo chần bông. Tiếng chuông như đang nài nỉ nhưng người tài xế không nghe thấy. Trong lúc chờ khách, anh mở đài to để theo dõi trận đấu giữa hai đội Mets và Braves.
Bên trong tòa nhà, Bonnie ra khỏi thang máy và khẽ khàng bước trong hành lang.
- Hết giờ thăm bệnh nhân rồi! một y tá chặn cô lại.
- Em... em muốn chào bà Kaufman trước khi đi nước ngoài.
- Ừm... em có phải là cô bé tình nguyện viên không?
Bonnie gật đầu.
- Ethel Kaufman ngủ rồi, nhưng bà ấy có để lại một phong bì cho em.
Hơi thất vọng, Bonnie theo người phụ nữ mặc đồ trắng đến phòng của chị để nhận chiếc phong bì có quyển sách bên trong.
Quay lại taxi, trên đường đến sân bay, cô kinh ngạc khi phát hiện ra những tấm ảnh cùng những lời ghi chú đã được bà lão thêm vào sách. Quá xúc động, cô chẳng hề nghĩ đến chuyện kiểm tra điện thoại.

Sân bay quốc tế San Francisco
Đường băng cất cánh số 3
Chuyến bay 0966
9 giờ 27 phút tối
“Xin chào quý bà, quý ông.
Đây là tiếp viên trưởng, tôi rất vui mừng được đón tiếp quý khách trên chiếc Boeing 767 này trong chuyến bay tới Rome. Hôm nay thời gian bay dự kiến của chúng ta là 13 giờ 55 phút. Thủ tục lên máy bay đã xong. Giờ đây các vị sẽ thấy trước ghế của mình một bản chỉ dẫn an toàn với quy trình những việc cần làm trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi yêu cầu quý vị đọc thật kỹ. Đội ngũ tiếp viên sẽ thực hành minh họa...”

Sân bay quốc tế San Francisco
Sảnh đi
9 giờ 28 phút tối
- Chuyến bay đến Rome? Tôi rất tiếc, chúng tôi vừa hoàn thành thủ tục lên máy bay, cô nhân viên tiếp tân tra cứu trên màn hình rồi thông báo.
- Lại thế nữa rồi! Carole bực bội nói. Chúng ta không tài nào chạm vào được quyển sách tệ hại đó. Thử gọi lại cho cô gái xem!
- Tớ đã để lại cho cô ấy hai lời nhắn rồi, Milo thông báo. Hẳn cô ấy đang để chế độ rung.
- Thử nữa đi, xin cậu đấy.

Đường băng cất cánh số 3
Chuyến bay 0966
9 giờ 29 phút tối
“Chúng ta chuẩn bị cất cánh. Quý khách vui lòng thắt dây an toàn, dựng ghế dậy và tắt điện thoại di động. Chúng tôi xin nhắc lại đây là chuyến bay không hút thuốc và tuyệt đối cấm hút thuốc trong toilet.”
Bonnie khóa dây an toàn và lục trong túi xách tay tìm tai nghe dùng khi đi du lịch, kính che mắt để ngủ và cuốn sách. Khi tắt điện thoại, cô nhận thấy đèn đỏ nháy sáng, báo hiệu có lời nhắn hoặc tin SMS. Cô định mở ra xem nhưng ánh nhìn trách móc của cô tiếp viên khiến cô ngừng lại.

Paris
Nửa đêm
Phòng khách trong căn hộ nhỏ của chúng tôi được chiếu sáng bằng ánh sáng dịu nhẹ từ hơn chục cây nến. Sau một buổi tối tĩnh lặng, Billie đã thiếp ngủ trên tràng kỷ. Còn tôi thì bồn chồn bật máy tính và mở chương trình xử lý văn bản cũ rích của mình ra. Trang trắng khủng khiếp xuất hiện trên màn hình và cùng với nó là cảm giác buồn nôn, nỗi lo lắng, hoảng sợ rủi thay đã trở nên thân thuộc với tôi.
Cố lên!
Cố lên!
Không.
Tôi đứng dậy khỏi ghế, tới tràng kỷ bế Billie vào phòng ngủ. Đang ngủ yên thì bị đánh thức nên cô ấy lẩm bẩm rằng mình nặng lắm nhưng vẫn để tôi bế. Không khí ban đêm mát mẻ nên lò sưởi trong phòng chỉ phả ra hơi ấm dịu. Tôi tìm thấy một chiếc chăn lông trong tủ và quấn quanh người cô ấy như quấn trẻ con.
Tôi định khép cửa phòng lại thì nghe tiếng cô ấy nói: “Cảm ơn.”
Tôi kéo rèm cửa để ánh sáng ngoài phố không lọt vào được, cho cô ấy được ngủ yên và cả căn phòng chìm trong bóng tối. “Cảm ơn đã chăm sóc em. Chưa bao giờ có ai làm vậy trước anh.”

“Chưa bao giờ có ai làm vậy trước anh.”
Câu nói vẫn vang vọng trong đầu tôi khi quay lại bàn làm việc. Trên màn hình, tôi nhìn con trỏ cứ nhấp nháy như chế nhạo mình.
Anh lấy cảm hứng từ đâu? Đó là câu hỏi quen thuộc, độc giả và đám nhà báo thường xuyên hỏi vậy và thành thực mà nói, tôi chưa bao giờ có thể trả lời câu hỏi đó một cách nghiêm túc. Viết lách ẩn chứa sau nó một cuộc sống khổ hạnh: để viết được kín bốn trang giấy một ngày, tôi phải mất độ mười lăm tiếng. Chẳng có gì là kỳ diệu, không bí mật, cũng không bí kíp: chỉ cần tách mình khỏi cuộc sống xung quanh, ngồi vào bàn làm việc, đeo tai nghe, bật nhạc cổ điển hoặc nhạc jazz lên và chuẩn bị trước một lượng dự trữ cà phê lớn. Đôi khi, vào những ngày thuận lợi, khi mọi thứ vào guồng, tôi có thể viết liền một lúc cả chục trang. Vào những lúc được ban phước lành ấy, tôi tin rằng câu chuyện đã có sẵn ở đâu đó trên kia và giọng nói của một thiên thần đã đọc cho tôi những gì cần viết nhưng những thời khắc như vậy rất hiếm và cái viễn cảnh viết được năm trăm trang trong vòng vài tuần thực sự là không thể đối với tôi.
“Cảm ơn đã chăm sóc em.”
Cơn buồn nôn của tôi biến mất. Nỗi lo sợ của tôi biến thành chứng sợ đám đông. Chứng sợ đám đông của tác giả ngay trước khi bức màn sân khấu được kéo lên. Tôi đặt tay lên bàn phím và ngón tay tôi bắt đầu chuyển động dù tôi không điều khiển. Những dòng đầu tiên xuất hiện như có phép màu.
Chương 1
Theo trí nhớ của người dân Boston, chưa có mùa đông nào lạnh đến thế này. Từ hơn một tháng nay, thành phố oằn mình dưới tuyết và sương giá. Trong các quán cà phê, người ta nhắc đến việc trái đất nóng lên ngày càng thường xuyên hơn, đề tài mà truyền thông đã nói rát tai công chúng. “Thật không tin nổi! Rồi thì tất cả sẽ trở thành cái lò sưởi mất thôi!”
Trong căn hộ nhỏ của mình ở Southie, Billie Donelly chìm trong giấc ngủ chập chờn. Cho đến giờ, cuộc sống vẫn chẳng hề rộng lượng với cô. Cô vẫn còn chưa hay gì, nhưng mọi chuyện sắp đổi thay.
Được rồi, vậy là đã bắt đầu.
Tôi ngay lập tức hiểu ra rằng tình cảm tôi dành cho Billie đã giải thoát tôi khỏi lời nguyền. Khi đưa tôi về lại với thực tế, cô ấy đã tìm được chiếc chìa khóa của ổ khóa đang giam hãm tâm hồn tôi.
Trang trắng không còn khiến tôi sợ hãi nữa.
Tôi bắt tay vào việc và viết suốt đêm.

Rome
Sân bay Fiumicino
Ngày hôm sau
“Thưa quý bà, quý ông, đây là tiếp viên trưởng chuyến bay. Chúng ta vừa hạ cánh xuống sân bay Fiumicino, Rome. Nhiệt độ bên ngoài là 16 độ C. Xin quý khách thông cảm vì có chút chậm trễ. Xin quý khách ngồi yên tại chỗ và thắt dây an toàn cho tới khi máy bay dừng hẳn. Quý khách lưu ý không để đồ vật rơi vào người khi mở ngăn hành lý và kiểm tra lại để không quên gì. Thay mặt toàn bộ phi hành đoàn của hãng hàng không United Airlines, chúng tôi xin chúc quý khách một ngày tốt đẹp và mong được đón tiếp quý khách trong các chuyến bay khác.”
Bonnie Del Amico cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi gà gật tỉnh dậy. Cô đã ngủ suốt chuyến bay, một giấc ngủ toàn mộng mị mà cô không tài nào thoát ra được.
Cô rời khỏi máy bay mà người vẫn còn đờ đẫn, không hề nhận ra mình để quên quyển sách bà Ethel Kaufman đã chuyển lại cho trong túi lưới ở chỗ ngồi.