Con Đường Gai

    
on gái mà học ban B là không hợp cách. Ban B đòi hỏi lý luận chính xác, áp dụng công thức, làm cho tâm hồn con người khô khan đi, chỉ chúi mũi vào vẽ, tính, đặt phương trình, giả thiết…
- Nói chuyện với một cô bạn học ban C thấy câu chuyện đậm đà ý vị. Còn nói với mấy chị ban B…
- Học ban B sau này đi các ngành kỹ sư mới có lợi. Nhưng con gái làm kỹ sư thì đâu có tiện? Học ban A để đi dược khoa, y khoa.
Đại khái đó là những ý kiến của các ông bạn ba tôi nói chuyện oang oang ở phòng khách. Tôi ngồi ở bàn học trước quyển Vật lý và tự mình mò mẫm học lấy. Niên khóa bắt đầu quá chậm và chấm dứt quá sớm. Tháng Tám giáo sư còn lo đi chấm thi. Tháng Chín biểu tình xuống đường. Chính phủ độc tài thì biểu tình chống đối. Khi lung lay cho họ ngã được rồi thì lại biểu tình để ủng hộ Chính phủ mới. Nhiều môn học, giáo sư cố gắng dạy đến bốn phần năm chương trình là cùng. Thế cũng là may. Có năm, có món, chương trình in dài đến ba tấc mà giáo sư chỉ thanh toán được chừng tám phần. Nhiều lý do xác đáng đã đẩy trách nhiệm đó về tận Sài Gòn. Đó là cớ thiếu thầy, Bộ Giáo dục bổ dụng giáo sư và điều động giáo sư quá chậm chạp. Niên khóa bắt đầu vào tháng Chín mà có môn mãi đến tháng Mười Một mới có một cô giáo rụt rè đến, nhận lãnh môn dạy một cách miễn cưỡng bởi lẽ cô học ban Lý hóa mà trường bắt dạy Toán hay Văn chương. Hơn nữa, cái thành phố nhỏ này không hấp dẫn được ai hết, nóng như thiêu đốt. Những mặt bàn lát bằng ván ép cong lại như con tôm đất bỏ vào chảo dầu sôi. Phi cảng thì còn nằm trong vòng dự án xây cất. Đường ô tô bị chặt từng đoạn, giao thông với các tỉnh lớn phải nhờ ở các thuyền buồm và ghe máy. Chúng tôi bảo nhau: Hãy nhìn xuống, nhìn xuống nữa để mà tập bằng lòng. Có trường có lớp tại chỗ để mà học vẫn còn hơn là phải đi tỉnh xa ăn ở trọ. Ba tôi thường an ủi tôi bằng cách kể lại những mẩu chuyện hồi nhỏ đi học xa phải ăn cơm trọ:
- Tao thấy một bộ răng đủ (đủ cả răng cửa, răng nanh và răng hàm), một nha thức gồm 32 cái thật vô ích đối với một học sinh đi ở trọ. Vì lẽ lũ tao có bao giờ nhai đâu? Ít nhất là trong thời gian thanh toán bát cơm thứ nhất, lũ tao chăm chăm vơ đũa thật nhanh chọn gắp miếng ăn thật ngon rồi và lấy và để. Khi mọi đĩa thức ăn đã hết sạch rồi tình hòa hiếu mới tái lập trở lại. Vừa nhai chậm chạp vừa kể chuyện vừa pha trò. Dưa món, nước cá kho, nước mắm… không đòi hỏi phải tranh giành, chiếm đoạt.
Em tôi nói:
- Ba nói quá. Học sinh gì mà tệ vậy? Nhất là hồi xưa, hồi thời của Ba người ta “tiên học lễ, hậu học văn…”
Ba tôi cười:
- Cố nhiên là tao có nói quá đi. Nhưng nếu tao không dọa cho bay sợ thì bay cứ đòi đi Huế, Đà Nẵng mới học được.
Tôi chọn ban B vì thích lý luận chính xác, thích những lời giải không ai có thể nói trái lại được. Như thế kết quả đúng hay sai rõ ràng cụ thể ra đó. Không thể nói quanh co dài dòng và quan niệm linh động đến mức mâu thuẫn nhau được. Tuy nhiên, quyết định chọn ban cũng do ảnh hưởng của Ba tôi một phần. Ông kể hồi đi học giáo sư Math (1 ) hay miệt thị học sinh Philo (2 ) Trong lớp Math, nếu có học sinh nào lười hoặc kém là giáo sư hay dọa bằng câu: “Nếu anh không cố gắng thì tôi cho anh xuống lớp Philo”. Sao lại xuống? Sao không nói “qua lớp Philo?” Sao dám chắc rằng bên Philo giáo sư sẽ nhận người học sinh này? Descendre en Philo! Vô lý thật.
- Nếu thời bây giờ, - Ba tôi tiếp, - thì anh em học sinh ở ban Philo dám xuống đường biểu tình phản đối lắm.
Nhưng học Toán mà không thể theo học những lớp riêng, những lớp tối thì thật là điều khổ tâm. Học ở trường không đủ. Toán tập làm không hết. Giáo sư hoặc dạy quá chậm hoặc quá mau. Thời gian như cái khung ảnh chật mà chương trình là tấm ảnh quá lớn. Phải cắt xén mọi bề mà vẫn không lồng vào được. Tôi quằn quại một mình với những chương Toán, Lý Hóa còn sót lại. Hỏi bạn thì đứa nào cũng mờ mịt như nhau. Học thêm ở lớp tối thì không tiện vì nhà tôi ở mãi tận ngoại ô, đi về xa xôi. Ba tôi chữ nghĩa không còn rớt lại được bao nhiêu. Mỗi lần mó đến định lý, công thức thì ông loay hoay ngồi nhắm mắt gật gù, tập trung trí nhớ. Những ngày gần thi, ông buôn bán lỗ lã nên hết châm điếu thuốc này đến châm điếu thuốc khác. Nếu không gặp ông ngồi bóp trán trước những dãy con số thì thấy ông nằm lăn trở trên giường. Chiến tranh chặt đứt đường giao thông. Mười lăm chuyến xe chở đầy bắp su, cà rốt từ Đà Lạt xuống đành nằm chết ở Nha Trang, chịu không thuê được tàu thủy chở đi. Ngày nào cũng có điện tín màu xanh đến.
- Xuống đủ mười lăm xe. Stop. Tàu thủy chưa được. Stop.
- Gởi gấp hai mươi lăm ngàn.
- Rau úng bỏ ba mươi phần trăm. Stop. Cho biết quyết định.
Những bức thư tay ghi rõ chi tiết, đọc lên bi đát hơn. Rau thúi đổ từng đống. Không có kho để chứa. Bán lỗ lã ở các chợ. Nhà vườn thúc tiền. Tài xế thúc tiền. Ba tôi ăn cơm hết được. Ngồi đâu thì ngồi yên một chỗ mặt gục nhìn xuống. Có lần ông nổi cáu la tôi:
- Tao lo lắng mệt ăn hết nỗi mà tụi bay không đứa nào thèm lưu ý đến tao. Ít nhất bay cũng phải pha sữa bắt tao uống hoặc sai chị bếp nấu cháo nấu mì cho tao. Ngày nào bay cũng bắt tao ăn cơm…
Tôi đang loay hoay với định luật Berthollet chưa biết hỏi nhờ ai giảng mà ngày thi chỉ còn cách ba bữa, nên quay lại:
- Ba muốn uống sữa thì ba sai…
- Muốn, muốn cái gì? - ông ngắt lời tôi. Tao đâu phải là con nít mà muốn uống sữa? Tao mệt không ăn được thì bay liệu săn sóc tao một chút.
- Chớ ba tưởng con không mệt sao? Người ta học thì có má nấu chè hột sen với đường phèn cho ăn. Hầm bồ câu cho ăn. Ninh chân giò cho ăn. Còn con, chẳng ai lo cho con hết. Ba còn rầy con nữa.
Ba tôi ngồi lặng im. Rồi chợt cười xòa:
- À, tao rầy oan. Tụi mình cùng một cảnh ngộ, khổ như nhau, thôi chẳng ai trách ai được hết.
Tôi hối hận vì câu nói của mình, nhất là khi nghe Ba tôi hồn nhiên nhận lỗi. Săn sóc cái ăn cái uống cho con, người đàn ông đâu có lo chu đáo được, nhất là trong những lúc buôn thua bán lỗ. Ba tôi chỉ biết lo mua sữa mua đường, bánh ngọt, bơ, dầu cá. Thế giới mua sắm của ông là con đường vòng tròn đó. Quả tình có một người mẹ thì sung sướng hơn nhiều. Hôm nọ đến nhà thăm cô Bảy, tôi nghe cô nói về người con của cô:
- Thằng Ngoạn hắn học cả đêm. Nhiều bữa hắn gục thiếp đi trên bàn. Cô phải đi rón rén nhẹ nhàng đặt ly chè bo bo bên cạnh đó cho hắn.
Tôi nghĩ thầm: Sung sướng thay là khi học thi mà có người mẹ dịu dàng như vậy. “Gục thiếp đi”, những lời đó nghe mới êm đềm trìu mến làm sao. Bảo rằng “nó ngủ gục trên bàn” thật là tội nghiệp cho người ngủ. Tôi nhớ ba tôi cứ khi nào thức giấc thấy phòng tôi còn mở đèn sáng là ông cất tiếng:
- Ê! Một giờ khuya rồi. Ngủ đi. Học nhiều bệnh đó bay.
- Tụi nó học đến ba, bốn giờ sáng.
- Kệ tụi nó.
Có nhiều đêm tôi ngủ gục trên bàn nhưng có ai nói rằng tôi “đã mệt quá đến thiếp đi”?
Cách ngày thi hai hôm, tôi đi tìm số ký danh, số phòng thi và địa chỉ điểm thi. 1892. Con số của Định Mệnh. Nó sẽ gắn liền với tên tôi, mang lại vận may hay số rủi? 1892. Y như mua vé số kiến thiết người ta nhìn những con số đã mà hy vọng. Căn cứ vào đâu để mà hy vọng thì không ai trả lời được, tuy vậy người ta vẫn cứ ngờ ngợ để mà hy vọng. Địa điểm thi và phòng thi không làm tôi an tâm. Thi ở trên lầu thì chẳng trông chờ gì được ở sự viện trợ bên ngoài. Ngày thi Trung học vừa rồi, ở trung tâm trường Nữ, thí sinh tha hồ nghe ở bên ngoài người ta đọc to lời giải bài Toán, bài Sinh ngữ. Thi ở trường Tiểu học, ở từng dưới có nhiều hy vọng hưởng những sự may mắn như vậy. Nhất là ở trường nào có một cái sân hẹp, có nhà đồng bào cất sát bên tường.
Con Cảnh, một con bạn hỏi tôi:
- Mày ngồi gần đứa nào? Trai hay gái?
- Một trai một gái. Trước tao là Lâm Bá Thông và sau tao là Lê Thị Thun.
- Con gái thì chẳng trông nhờ được gì. Ít đứa giỏi Toán lắm. Mày có thể nhờ ở thằng Thông.
- Sao biết nó là “thằng”? Lỡ một ông già thì sao?
- Ít khi gặp ông già. Ông già thường thì thi ban C. Vả lại thằng Thông tao có quen. Nó học ở bên Trần Quốc Tuấn. Giỏi Toán một cây. Được phần thưởng cuối năm.
- Mày nói trước với nó, khi nào tao bí nó cho tao coi với.
- Được. Tao sẽ đi lùng tìm nó.
Tôi tự thấy xấu hổ khi nghĩ đến sự nhờ vả. Ai có kinh nghiệm thi cử đều trông chờ những người học giỏi ngồi cạnh để nhờ vả đôi chút. Hỏi đáp số bài Toán để được an tâm khỏi phải mò mẫm thử lại. Hỏi một chữ bí. Nếu gặp giám thị tử tế, có thể liếc nhìn cả bài Công dân giáo dục, bài Sử Địa. Có bà con với nhân viên lập danh sách thí sinh không phải là điều vô ích. Thằng Thúc vô tình đã lộ bí mật ấy cho tôi biết. Đỗ Trung học xong, nó đi Sài Gòn học hai năm, đệ Tam và đệ Nhị. Kỳ thi Tú tài nó về đây thi. Hỏi vì sao phải lặn lội gian khổ vậy, nó không nói. Nhưng hôm sau tôi dặn nó hễ làm được bài thì nhớ để cho coi nếu như tôi bí, nó trả lời:
- Chắc không được đâu.
- Sao lại không? Mày tên Thúc, tao tên Thu, thế nào cũng ngồi cạnh. Chẳng lẽ có đứa nào tên Thù tên Thú, hay tên Thua, ngồi chen ở giữa. Hay là mày ích kỷ?
Mặt nó nhăn lại, thiểu não. Nó ngập ngừng một hồi lâu. Tôi dằn giọng:
- Sao?
Và nó nói nhỏ:
- Chú mình nhờ văn phòng xếp cho mình ngồi giữa thằng Thanh và thằng Thuận hai thằng này giỏi Toán lắm. Ba đứa ngồi chung một bàn.
- Sao lại xếp được? Tao tưởng phải theo thứ tự A, B, C.
- Có lẽ chỉ theo ở những chữ đầu tên. Còn những chữ ở giữa thì tùy nghi.
Tùy nghi! Tôi muốn kêu lên như bà Roland: “Hỡi chữ “Tùy nghi!” Người ta phạm bao nhiêu tội lỗi vì mày”.
Ngày đầu thi Việt văn. Khi tôi ở phòng thi về, Ba tôi hỏi cách bố cục bài Luận. Tôi trả lời mới nửa chừng, mới được nửa phút thì ông đã giơ tay ra hiệu ngăn lại.
- Được rồi. Con làm đủ điểm trung bình. Lo coi lại Toán đi. Gọi chị bếp múc chè hột sen cho mà ăn. Ba đã dặn chị nấu chè cho con đó.
Ba tôi cúi xuống nhìn trang giấy viết dở dang. Cạnh đó, bỏ rải rác những điện tín và thư. Ông đang ngụp lặn giữa những sóng gió tài chánh.
Tối đó, khi sắp chia tay đi ngủ, Ba tôi bùi ngùi nói:
- Con lo nhất là Toán và Lý Hóa vì hệ số lớn. Con có thể cầu nguyện để má con phù hộ cho con.
Tôi trả lời:
- Con có cầu nguyện má mấy lần nhưng má chẳng giúp gì được hết. Hồi thi vào đệ Thất, má để con rớt chổng cẳng.
Chắc Ba tôi không tin rằng khi cầu nguyện thì linh hồn người thân sẽ về giúp đỡ phù trì mình. Chắc Ba chỉ muốn gợi lên một không khí gia đình để tôi thêm vui, thêm bạo dạn tin tưởng mà vượt chướng ngại, ngày mai.
Bài Toán và bài Lý Hóa, tôi làm không hoàn toàn. Đáp số bài Toán đáng chia 2 thì lại không chia, đáp số bài Lý Hóa đúng ra không chia thì lại chia 2. Ngồi trong phòng thi thấy không khí ở bên ngoài như loãng hơn, trong hơn, mát hơn. Thằng Thông có tiếng là giỏi Toán ngồi viết vèo vèo. Mặc kệ những người ngồi kề quay mặt sang hỏi, nó làm như không nghe không thấy. Thật là một tên làm ăn chí thú, gương mẫu trong sự ích kỷ. Chắc chắn nó sẽ thành một công dân có phiếu lý lịch số 3 trong sạch, một viên chức nhà nước mẫn cán bởi tính rụt rè nhút nhát.
Bước ra phòng thi, nghe người ta nói bô bô đáp số, tôi muốn rã rời người ra, đầu óc cơ hồ như đang quay. Tôi lẩm nhẩm tự cho điểm mình: Việt văn 11, Toán 9, Lý Hóa 13. Rồi hạ bớt xuống: Việt văn 10, Toán 8, Lý Hóa 11.
Ba tôi đi về thấy tôi nằm im thin thít trong giường, liền hỏi:
- Sao mà xẹp đi vậy? Bộ rớt rồi hả?
Tôi cự nự:
- Chắc rớt.
- Thôi, lo học lại để thi kỳ II, - giọng nói của ông đủng đỉnh.
- Kỳ này không đỗ thì kỳ II còn hy vọng gì.
- Thế thì phải hy vọng ở kỳ này. Con còn thi món nào nữa?
Tôi kể lể:
- Còn Vạn vật, Sử Địa, Sinh ngữ.
- Hãy cầu cho thoát loạt I cái đã. Đâu, lấy cuốn Vạn vật ra đây. Bố con cùng học.
Ba tôi chọn những bài “có vẻ đáng ra” rồi đọc to từng chữ, đọc chậm rãi vừa giảng vừa lặp lại. Tôi lặp lại theo, tối đó hai cha con thức thật khuya cùng học chung những phôi tâm, noãn khổng, thai tòa, dissaccarit, nhu mô, chu luân… Đã bảy năm nay rồi, ba tôi không còn học dùm cho tôi nữa. Ngày tôi còn ở lớp Nhất, lớp đệ Thất, đêm nào Ba cũng phải ngồi học chung với tôi ít nhất nửa giờ. Có Ba học thì mau nhớ. Có tình thương bàng bạc trong giọng nói, trong tia mắt nhìn, trong dáng ngồi che chở bảo vệ của Ba.
(1) Toán
(2) Triết học
Thi xong loạt I và loạt II tôi thấy nhẹ người. Đằng nào thì sự việc cũng đã xảy qua rồi. Có hối tiếc một chút là: nếu như cho mình bình tĩnh làm lại thì bài làm sẽ đúng hơn, hay hơn.
Hễ cha con có chút thì giờ rảnh là ngồi lại tính toán.
- Bài luận đó, ba cho mạt lắm cũng 8 điểm trên 12. Cho điểm trên 12 lợi lắm. Giáo sư ở trường thường cho điểm trên 20 nên họ quen tay quen óc, cho theo thói quen. Tính sang điểm trên 12 thì thí sinh có lợi.
Tôi ầm ừ, chưa tin lắm ở lý luận lạc quan ấy. Ba nhìn sang, thấy vẻ hoài nghi của tôi, liền hỏi:
- Thôi. Được rồi. Bài Luận cứ cho 6 điểm là ít nhất đi. Câu hỏi Giảng văn con đúng được 6 điểm nữa là 12. Lợi 2 điểm, nhân hệ số 2 thành 4.
Thấy bộ dạng hăng hái dứt khoát của ông làm như điểm số 12 là một sự có thật nên tôi cười.
- Sang đến Toán. Con nói có hy vọng được 10 điểm.
- Đâu có, - giọng tôi lừng khừng.
- Hôm qua con nói đó.
- Con hỏi lại bạn bè và thầy giáo, càng hỏi càng thấy con sai nhiều chỗ nữa.
Gương mặt Ba tôi đăm chiêu. Mấy vết nhăn ngắn cày sâu khoảng giữa hai đường chân mày.
- Thế bây giờ con đoán được mấy?
- Chừng 6 điểm.
- Ít vậy?
- Nếu họ chấm cẩn thận coi theo cái marche của bài Toán con làm thì có hy vọng được 9 điểm.
- Theo dõi cái marche thì ít giám khảo nào theo dõi lắm. Năm nào đề thi ra khó, thí sinh rớt nhiều thì họa may họ chấm cẩn thận để cứu vớt. Bài thi năm nay theo dư luận chung thì có khó không?
- Con nghe người ta nói là vừa phải.
- Con nghĩ rằng giám khảo có thể cho lên được 7 điểm.
- 7 điểm thì được.
- Nếu vậy thì tốt. Con sẽ thiếu 2 điểm. Nhân hệ số 4 thành 8.
- Thiếu tới 3 điểm chớ, Ba.
- Ba không nghĩ vậy. Chẳng lẽ Hội đồng không vớt sao? Ít nhất cũng phải vớt 1 phần mười số điểm. Cần đủ 110 điểm mới được chấm loạt II, vớt 1 phần mười tức là còn 99 điểm. Thực ra thì đây chưa gọi hẳn là vớt được. Coi như cho thí sinh mượn 11 điểm để sang loạt II nếu họ đủ điểm thì bắt trả lại. Vớt là khi cộng điểm cuối cùng, ban cho họ dứt khoát một ân huệ.
Tôi hỏi:
- Như Hội đồng vớt 1 phần 10 số điểm thì Ba tính xem con còn thiếu mấy?
- Lúc nãy mình tính Việt văn dư 4 điểm, Toán thiếu 8 điểm, thế là thiếu 4 điểm. Còn Lý Hóa con nói con hy vọng được 12.
- Có lẽ chỉ còn 9 thôi. Con làm lộn câu hỏi về bậc số oxýt hóa.
Ba tôi lại loay hoay vá víu. Điểm thi thật giống như cái áo rách. Lấy mụn vải này chụp lên lỗ thủng kia, kéo chằng qua, nhíu hẹp lại thật không thong thả thoải mái một chút nào cả.
- Bài Công dân giáo dục con thuộc, có thể bù qua bài Lý hóa được. Nhưng mà… (ông trầm ngâm giây lâu) điểm của bài Công dân giáo dục tùy thuộc ở trạng thái vui buồn của giám khảo nhiều lắm. Bài làm dài thườn thượt, chữ viết chi chít, đúng sai khó phân biệt rõ…
Đến đây, việc “kế toán” bị treo lên bởi trạng thái vui buồn của giám khảo không có cách nào định rõ được. Ba tôi chợt vỗ tay vào trán:
- Quên!
Tôi trố mắt đợi ông tuyên bố món bảo bối cứu khổ.
- Còn điểm lụt.
Tôi suýt cười to. Điểm lụt thì tôi đã nhớ từ hồi chưa thi. Đứa bạn này nói: Bộ cho thêm 5 điểm lụt. Đứa kia bảo: ít nhất cũng 10 điểm vì nạn lụt năm ngoái là một nạn lụt lịch sử, lớn nhất trong suốt 60 năm. Năm nay nghe trong kỳ thi Tú Tài II vừa rồi điểm lụt được tính là 2 phần 10 số điểm vớt.
- Con nghe rõ là 2 phần 10 điểm vớt? Như vậy nếu vớt tối đa 11 điểm thì lụt sẽ được…
- 2 điểm rưỡi.
Ba tôi gật gật đầu:
- Cũng vừa. Thực ra thì tụi bay có bị lụt lội gì đâu? Trong khi ở nhiều tỉnh đồng bào chết cả xóm, trâu bò nhà cửa trôi mất tích thì tụi bay xăn quần lội nước đi chơi. Rồi lại cũng được thêm điểm lụt. Thật tụi bay gặp may hết cỡ. Không đỗ năm nay thật là uổng. Nghìn năm một thuở.
Tôi nói:
- Ba con còn quên 2 điểm thể thao của con.
- À! Nhưng lúc này con mới thấy là 1 điểm hay nửa điểm đều có khả năng cứu vớt người lục trầm. Hồi kia ba khuyên con thi thể thao, con chê. Bây giờ có còn chê 2 điểm nữa không?
Cố nhiên là không, tôi nghĩ. Nhưng đâu phải tôi chỉ thiếu 2 điểm để hòng nhờ thành tích thể thao bù vào.
- Nhưng tao hỏi này, điểm thể thao và điểm lụt cộng vào kết quả cuối cùng chớ đâu vào kết quả loại I?
Tôi trả lời chậm rãi bởi vì tôi đã hỏi chắc:
- Họ cộng vào kết quả loại I.
- Khó hiểu. Người ta bày ra chấm riêng loại I là cốt để bắt người thí sinh phải giỏi, phải chuyên, phải xứng đáng với một ngành nhất định, hoặc là Toán, hoặc là Văn chương, hoặc là Khoa học. Tao chưa hiểu vì sao việc chạy nhảy, leo giây ném tạ lại có liên hệ với môn Toán của mày. Nhưng chẳng sao miễn là có lợi cho mày thoát qua loạt I.
Cứ như thế đêm nào ăn xong cha con tôi cũng ngồi bàn tính về điểm. Mỗi ngày số điểm dự tính mỗi gầy dần đi bởi tôi cứ mỗi ngày mỗi phát giác ra thêm những khiếm khuyết, những sai lầm trong bài thi của mình.
Một ông giám khảo quen cho ba tôi biết:
- Bộ công điện báo chấm nới điểm giảng văn vì câu hỏi thuộc chương trình ban C. Những bài đã chấm rồi, điểm đã cộng rồi, chỉ còn có cách là vớt tối đa.
“Vớt tối đa” ba chữ này cứ hiện ra, sắp hàng ngay ngắn trong óc tôi như những khẩu hiệu “Ấp chiến lược là quốc sách” tôi gặp liên miên trước đây khi đi về nhà quê chơi.
Vừa thi xong hai ngày thì bắt đầu có tin đồn. Người này mách “Ban C vớt 6 điểm. Đỗ loạt I được 25%. Người kia than thở: “Ban B nhiều người bỏ cuộc. Vớt đến 8 điểm mà chỉ đổ được 14%. Tin đồn bao giờ cũng mâu thuẫn nhau. Tôi không tin mà vẫn muốn nghe. Nhưng tin đồn chằng chịt đan dày như mắc lưới và tôi là con cá nạn nhân vùng vẫy trong đó. Nguyệt nó thi ban C nghe loạt I dư đến 25 điểm. Tôi cứ dằn vặt mình: Giá hồi đó mình thi quách ban C như Nguyệt. Ba tôi vỗ về:
- Con gái có đỗ trước một năm cũng không cần thiết như con trai bởi vì con trai thi đỗ thì để hoãn dịch để tiếp tục học. Con gái không có mối lo quân dịch.
Những lý luận đó không làm tôi an tâm hơn. Tôi chỉ muốn biết dứt khoát: Tôi có qua được loạt I không?
Ba ngày sau, tin đồn có vẻ thống nhất hơn. Ban B được vớt tối đa. Điểm đã cộng, đã ghi vào phiếu điểm và Hội đồng đang chọn những phiếu có đủ 99 điểm.
Ba tôi xách xe ra đi. Nửa giờ sau, ông quay về. Tôi ngồi ở bàn nhìn thẳng ra, nhướng mắt ra dấu hỏi. Ông bặm môi lặng lẽ đi vào. Đi ngang qua tôi ông ném mạnh cái mũ xuống bàn, nói lớn:
- Đỗ.
Thật hay dối? Dối? Chẳng có lẽ. Ai nói dối một kẻ thất bại? Nếu đỗ mà nói hỏng thì có thể được. Mặc dù nghĩ vậy, tôi cũng không thể không hỏi:
- Ba không nói đùa?
- Nói đùa sao được. Đây là số điểm.
Ông móc ở túi áo sơ mi một mảnh giấy nhỏ rồi đọc Việt văn 8, Toán 32, Lý hóa 33, Công dân 26, Thể thao 2, lụt 2 rưỡi. Dư điểm đỗ.
Tôi không biết nên giữ một vẻ mặt như thế nào cho hợp lý, đành cười một cách vô duyên. Và nói một câu cũng vô duyên.
- Còn loạt II nữa.
Không kịp biểu lộ cái vui, vội vàng bấu vào cái lo, lúc nào cũng lo, cũng hoài nghi, cũng hồi hộp.
- Loạt II mà cũng còn sợ nữa? Vậy mà dám bảo thi ban C thì đỗ như không.
- Ở đời may rủi biết đâu. Lỡ bài của con bị mất. Phiếu điểm của con bị thất lạc. Thư ký cộng lộn…
Ba tôi nhún vai:
- Thật y như má mày ngày xưa. Đi nhà thương mổ về, cứ lo ngay ngáy là không biết ông bác sĩ có bỏ quên một cái kéo hay một cái kềm trong bụng không? Rồi hỏi tao xem có lưu ý đến đủ số kéo và số kềm ở trên khay mổ hay không.
Tôi tin ở hai bài Sinh ngữ. Không thể dưới 14 điểm. Tuy vậy, tôi vẫn cứ đòi hỏi có ba tôi ngồi hí hoáy tính toán đủ thiếu với tôi, tôi mới thấy yên lòng.
Qua ngày hôm sau thì tin đỗ dứt khoát truyền lan tới tấp. Thằng Hắc đỗ. Con Tùng đỗ. Trinh, Thi, Lan, ba đứa đẩy cửa nhà tôi ùa vào như một ngọn lốc:
- Mày đỗ rồi. Mày đỗ rồi.
- Thiệt hả?
Thi chạy đến đấm thùm thụp vào lưng tôi:
- Mày còn giả vờ hỏi nữa. Mày có đỗ tao mới đánh. Hễ tao sướng là tao ưa đánh lắm.
Bốn chúng tôi ngồi nói nhảm với nhau, cười to hơn mọi ngày và ăn đủ thứ quà. Tha hồ đau bụng. Có trúng thực nữa cũng được. Trong bốn ngày thi và ba ngày trước đó, tôi ăn uống kiêng khem cẩn thận, chỉ sợ đau bụng phải bỏ cuộc.
Tôi báo tin đỗ cho Ba tôi nghe. Bữa ăn tối đặt trước mặt chúng tôi. Ba tôi nhận tin, không cười cũng không nói. Chắc lại có một tin xấu nào vừa đến với ông. Đêm qua ông thức khuya. Sáng nay thằng nhỏ ở mang bốn, năm tờ điện tín đi xuống Bưu điện. Hồi trưa có điện thoại của Việt Nam Thương tín gọi. Hồi xế hãng vận tải Nam Kiều cho tin: hàng hóa ở chành, chưa bốc xuống tàu được. Tôi tiếc sao đã báo tin vui vào một lúc ba tôi không lưu ý đến tôi. Có lẽ ba tôi cũng chưa nghe rõ tôi vừa nói gì nữa. Ông lặng lẽ nhìn cốc bia sủi bọt đặt ngang tầm tay. Rồi thay vì đưa tay ra cầm cốc, ông chõi hai cánh tay tựa lên mép bàn. Ông đằng hắng một tiếng nhỏ chậm rãi nói:
- Trong một ngày vui lớn như hôm nay mà thiếu mất má con, cái vui không còn trọn vẹn nữa. Đáng lẽ phải có má con hãnh diện nhìn vào công lao bú mớm săn sóc của mình nay có kết quả. Ba lăn lộn với đời nhiều nên cái vui mất đi tính chất hồn nhiên. Chắc chắn là má con mới là kẻ vui nhiều hơn hết khi nghe được tin con đỗ. Và chắc chắn là con cũng sẽ vui nhiều hơn nữa nếu có má con bên cạnh. Má con… má con chỉ nếm được cái cực nhọc của thân phận làm mẹ mà chưa nếm được niềm vui… Từ nay trở đi, bao nhiêu thành công và bao nhiêu thất bại trên đời chỉ có chúng ta lẻ loi chia xẻ cùng nhau.
Ba tôi ngừng nói, quay nhìn trầm ngâm ra sân. Có phải là ông đang theo dõi hình bóng của má tôi, mới ngày nào vẫn thường hay đi qua lại trước hiên, cái hình bóng dịu dàng mà sau chín năm cách xa, mỗi lần hồi tưởng lại tôi thấy đã mờ đi những đường nét.