Khoảng Mát

    
rưa hôm nay, đứa con gái lớn của tôi đi học về mang theo một tờ giấy in roneo. Nó thập thò đợi tôi ở cửa ngõ. Tôi vừa đặt mũ xuống bàn, chưa kịp lau mồ hôi trán thì nó đã lanh lảnh có tiếng hỏi:
- Ba ơi, Ba làm nghề gì hở Ba? Uở! Sao mặt Ba đỏ vậy? Ba uống rượu hả?
Tôi quay lại, bất ngờ vì câu hỏi. Lại có chuyện gì mới xảy ra! Tôi hồi hộp lo lắng. Sự bất ngờ, tôi không thích vì hầu như chúng đều bất lợi cho tôi. Nhà tôi hiện đang nghèo và trong họ hàng không hề có một ông cậu một bà cô nào vừa triệu phú vừa không con. Ở Âu Mỹ, thần tài hay gõ cửa một cách đột ngột quá sức tưởng tượng. Không phải chỉ có trúng số độc đắc. Người mua vé số dầu sao cũng còn có hy vọng, cho dù rằng hy vọng chỉ bằng đốm lửa đỏ ở đầu que diêm. Đằng này có người nằm chờ chết, - chết đói, - và bỗng nhiên người chưởng khế gõ cửa báo tin: có một bà cô “gái già” của anh vừa tạ thế để lại một cái gia tài, có chúc thư cho anh thụ hưởng. Tên của bà cô, anh lẫn lộn với tên của một hiệu may y phục phụ nữ. Địa điểm nơi bà cô ở, phải lật tự điển ra tra. Tôi cũng có một bà cô trước đây bỏ nhà ra đi hoang vì mê một ông cai Lục bộ. Cả nhà ai cũng ghét bỏ thù hằn người đàn bà làm điếm nhục gia phong như thế. Chừng bảy, tám năm gì sau đó, có tin bà chết vì bệnh sốt xuất huyết khi theo ông Cai đi phóng đường ở Lộc Ninh. Không ai nói một lời thương xót. Lâu lâu có lần bà nội tôi vô tình nhắc đến, chẳng hạn: “Hồi xưa con Tám nó hay… (cô tôi thứ Tám)… Ngày trước, hồi con Tám nó còn…” nhưng chợt nhìn vẻ mặt lạnh lùng kín mít của những người có mặt, bà nội tôi vội im, bỏ lửng câu nói dở dang.
Vậy thì chắc chắn như hai lần năm là mười rằng tôi không thể mong có một bất ngờ nào mang lại hoạnh tài cho tôi. Ngược lại, mọi cái bất ngờ đều tốn kém cho tôi hết. Chẳng hạn thằng con leo lên ghế kéo ngã bể cái bình trà. Chẳng hạn vợ tôi làm bếp chặt nhằm ngón tay. Chẳng hạn có thông cáo của Xã mời đồng bào hôm sau tập trung tại sân vận động để dự biểu tình. Tôi nghi kỵ Dịp May và Thần Tài. Trung thành với tôi là những giọt mồ hôi, những suối mồ hôi đổ cay con mắt, đổ ướt vạt áo sơ mi. Là sự mỏi nơi bắp thịt đùi, nơi thắt lưng sau một ngày cong người ngồi trên cái yên xe và hai chân kĩu kịt nặng nhọc đạp. Là những suy nghĩ âu lo cuộn khúc, quằn quại trong khối óc tôi. Tôi không tin ở Dịp May.
Nhìn con tôi nghếch mặt đợi chờ, tôi nói:
- Con hỏi làm chi?
- Cô giáo bắt học trò kê khai tên tuổi… tên cha mẹ…
Nó ngắt câu nói đến đó vừa trao tờ giấy in roneo cho tôi. Đó là tờ “Phiếu lý lịch của học sinh”. Mọi khoảng trống đều đã được ngòi bút của nó lấp kín: tên họ học sinh, ngày sinh, nơi sinh, tên cha mẹ… Chỉ khoảng nghề nghiệp của cha là con để nguyên.
Một cảm giác khó chịu ùn ùn dâng lên, hình như từ chặng ngực đổ lên đầu rồi tràn ra bao trùm lấy mặt. Nghề nghiệp của cha. Nghề nghiệp của tôi. Tôi có nghề nghiệp gì đâu? Thu tiền rác không phải là một nghề. Tôi nói, giọng ngập ngừng:
- Con cứ ghi là… thư ký.
Thư ký! Tôi tự ngượng với mình khi, lật qua lật lại chữ “thư ký” trong óc, tôi thấy nó vướng víu như thân phận tôi không dung nổi kích thích của nó. “Thư ký” là để dành cho những người đi giày da đen, áo nyl-france và cưỡi Vespa vùn vụt. Người thư ký cạo râu có bôi bọt xà phòng và đổ eau de Cologne xoa giữa hai bàn tay trước khi đi làm. Người thư ký mời nhau hút lá Ruby, - ít nhất là thuốc là Ruby và ngậm kẹo chewing-gum khi nói chuyện với nữ đồng nghiệp. Tôi cách xa người thư ký bằng rất nhiều nghìn bạc. Quần kaki, áo sơ mi popeline nội hóa. Xăng đan cao su trắng. Xe đạp cũ… Tôi…
- Sao con còn đứng đó?
- Con biên là thư ký hở Ba?
- Ừ. Hay là… Con cứ biên là “tư chức”.
Tôi lẩm nhẩm: “Tư chức”. Thôi việc gì mà thắc mắc. Cô giáo đâu có biết tôi là ai để mà cân nhắc xem danh từ nào mới xứng hợp cho tôi.
Có tiếng vợ tôi quát to ở sau bếp:
- Để dành phần cho ba mày. Có miếng nào ngon ngon mày ăn hết.
Tiếng thằng Đức, thằng con nhỏ của tôi:
- Con chỉ ăn cái cùi. Có cái cùi thơm mà má cũng không cho.
- Cùi thơm để bằm trộn với mắm.
Quả là giọng nói của vợ tôi đã chát đi, đã chua đi như rượu ngon đã biến thành giấm. Hồi mới lấy nhau, giọng ấy ngọt, rót vào tai như tiếng con chim tình tự. Sự túng bấn vô tình đã là thứ vi khuẩn Myco-derma aceti.
Tôi bước trở vào nhà sau. Thằng Đức, con Thúy Bình chạy ùa ra mừng. Tôi chọn những chữ thật đẹp để đặt tên cho con. Đó là món hàng xa xỉ độc nhất mà tôi có thể sắm cho chúng. Đặt tên đẹp không phải tốn tiền. Chỉ cần tra tự điển. Ít nhất chúng cũng được an ủi khi mang theo người món hàng trang sức đó. Aùo quần, giày dép, bút máy, đồng hồ, thì có thể sắm sau, khi nào có tiền. Tôi nghĩ: công tác làm cha mẹ, mình phải chia ra từng đợt để thực hiện, y như xây cất nhà mà chưa có đủ tiền để làm một lúc. Có người làm nhà ngang trước, còn nhà lớn đợi làm sau. Có người làm nhà bếp nhà tiêu nhà tắm trước. Có người chỉ lo đổ được cái nền. Lựa chọn cái tên cho con, trước tiên, cũng quan trọng như khi xây móng. Lắm người đỗ đạt cao, làm chức vụ lớn mà trót mang một cái tên xấu xí không còn sửa chữa được nữa khiến họ phải ân hận.
Thằng Đức khoe:
- Con đã làm được hai bài tính rồi, Ba ơi.
- Ừ.
Con Thúy Bình giật giật tay nói:
- Con đã viết tập đủ một trang. Ba lên xem.
- Ừ. Ừ. Để tí nữa ba xem.
Đi thu tiền rác quả thật không phải là một nghề. Ai cũng có thể thay tôi được, vào bất cứ lúc nào. Tranh sống với tôi là mọi người đàn ông đủ sức đạp nổi chiếc xe đạp và viết gẫy gọn một bức thư tình. Nhưng tôi có quyền đòi hỏi chi hơn? Chiến tranh âm ỉ vụt nổi vụt tắt trong suốt ba năm ở quê tôi, nay ào ạt bừng bừng như những ngọn lửa gặp gió. Mọi người chạy tản lạc bỏ cả nhà cửa, ruộng nương. Ông Nhân, thư ký Hội đồng Xã chạy ra Đà Nẵng làm phu khuân vác cho Hãng hàng không Việt Nam. Anh Bá hương sư ăn lương ngân sách Xã thì chạy vào La Gi tá túc nơi họ hàng bên vợ đổ bánh bèo, bánh căng độ nhật. Gia đình rất đông con của ông Phó tổng Vịnh tìm nơi trú ngụ không có, phải liều dựng nhà bên bờ đường với một số đông những gia đình khác đồng cảnh ngộ. Ty Cảnh sát lập biên bản phạt đủ tội: xây cất không có giấy phép, phạm lộ giới, chiếm đất bất hợp pháp… Nhưng những lỗ tai quen với tiếng nổ long trời của bích kích pháo và đạn ca nông 105 ly đâm ra lờn với tiếng nói mực thước của Luật pháp. Phạt tiền không có hiệu quả, phải dùng đến phạt giam. Đàn ông khôn khéo lánh mặt hết để cho đàn bà bế con nít lếch thếch theo Cảnh sát vào trại giam. Đêm đến, đàn ông xuất hiện, dựng cột, dựng vách, lợp mái tôn. Tiếng búa đóng đinh chan chát.
Như ở trong chuyện cổ tích, cái khu phố bí mật này dựng ra toàn trong đêm đen. Cuối cùng nó cũng thành lập Liên gia đại biểu như ở những khu phố hợp pháp khác và lũ trẻ con đã chạy chơi không chút e sợ trước sân, các bà mẹ đã vạch vú cho trẻ bú trước hiên. Thế là ông Phó tổng Vịnh yên tâm để chuyển sang nghề làm thợ mộc.
Biết bao nhiêu bà con khác ở quê tôi phân tán đi đến những miền nào tôi chưa biết hết. Giống như những mảnh giấy vụn bị gió lốc cuốn đi, có mảnh bay xa có mảnh tấp gần, trên các chặng đường ra vô lên xuống, họ đều hiện diện. Và xơ xác như những mảnh giấy.
Vậy đích thực là tôi không có quyền lựa chọn. Tôi bằng lòng với thân phận mình lọc cọc trên một chiếc xe đạp lở lói. Khu hoạt động của tôi là một khu tân lập trước đây là bãi cát hoang và nghĩa địa. Từ ngày có phong trào di cư, người đến đông ở chật thành phố nên chính quyền phân lô cấp những khoảnh đất cát đầy mồ mả và gai ma vương móc ó này cho những tân nghiệp chủ. Nhà mọc lên thay thế những ngôi mộ. Người sống giành chỗ của người chết. Đường cái chỗ lồi chỗ lõm, xe tôi phải nghiến răng ken két để leo lên những cái dốc liên tiếp. Nhiều lần đang xổ dốc ngon trớn bỗng chạm vào một mô đất cao, cả xe và người tôi đánh bật thối lui tưởng như giàn xe và xương sống tôi có thể gãy đi được. Nắng đổ xuống mặt đường hoa cả mắt. Tôi phải nhắm mắt từng chập để tưởng tượng mình đang đi dưới những hàng cây xanh thả bóng mát yên tĩnh xuống lưng người bộ hành. Nắng. Nắng. Nắng quanh năm.
Thân chủ của tôi không mấy người hòa nhã. Một bà di cư to béo phục phịch tru tréo lên khi nghe tôi tự giới thiệu:
- Giời thần ơi! Nhà cháu có bỏ rác ra đường đâu mà ông bắt giả tiền rác. Vườn nhà cháu đất trũng thành ao thành hồ, nhà cháu phải đi xin rác của hàng xóm đổ vào cho đầy.
- Nhưng mà thành phố đã đặt ra lệ thu tiền rác, - tôi ôn tồn ngắt lời.
- Nhà cháu nghèo ăn uống rau dưa chả có tí đầu tôm xương cá nào vất bỏ cho xe rác cả. Gốc rau, rễ rau nhà cháu để dành băm cho lợn cho vịt ăn. Đây, ông không tin thì xin mời ông bước ra sau…
Bà kéo tôi đi ngay ra nhà sau, không cần biết tôi có ưng thuận hay không. Tôi phải khó nhọc lắm mới gỡ được bàn tay sức lực và cả quyết đó.
Một ông công chức thịnh nộ bảo tôi:
- Đường chưa rải đá thì luật lệ đâu lại bắt trả tiền rác.
- Dạ, đây là tòa Tỉnh thể theo lời yêu cầu của các Liên gia đại biểu xin phái xe rác đến để dọn rác cho đồng bào.
- Cả Liên gia tôi chẳng có đại biểu nào yêu cầu hết.
Ông nhìn thẳng ra sân mà nói, không thèm ngó đến tôi nữa.
- Dạ, chúng tôi đi thu tiền rác ở xóm này đã được nửa năm nay rồi ạ. Trước đây thì tôi đi thu ở khu Sân Bay còn khu này có người khác đi. Dạ, thế ra từ trước đến giờ ông chưa trả tiền rác tháng nào hết?
Ông công chức im lặng, đôi lông mày vẫn còn nhíu. Nhưng không còn vẻ giận dữ nữa mà thay vào đó là một sự bối rối, một sự lúng túng. Ông đằng hắng thật to vừa gọi con như quát:
- Lũ nhỏ đâu. Vào lấy cái ví ra đây cho tao.
Không có ai tử tế đón tiếp tôi. Ít ai mời ngồi. Lắm khi phải đứng ở hiên kê bút lên chiếc cặp da để viết biên lai. Nhiều nhà hẹn:
- Mời ông hôm sau đến. Hôm nay mợ cháu đi vắng.
Hoặc:
- Ông chủ đi làm không có ở nhà. Mời ông bữa khác tới.
Tôi thoáng thấy bóng của “người đi vắng” đang lục đục ở trong bếp hoặc nói chuyện ồn ào ở nhà ngang. Nhiều nhà cửa cổng khóa kỹ gọi khan cả tiếng mà không ai mở. Ở xóm Mới nhà nào cũng nuôi chó, nhà ba con, nhà đôi con. Lúc nhỏ đi học tôi trót học thuộc bài Bệnh dại nên cứ thấy chó là sợ. Nhưng biết làm sao? Chỉ còn trông nhờ nơi Số mạng.
Sau bữa cơm trưa nuốt vội vàng, tôi nằm trên chiếc đi-văng gỗ lơ mơ nghĩ đến Huệ. Sáng nay khi gõ cửa một căn phố ở cuối đường Lê Đại Hành, tôi giật mình khi cửa mở tôi thấy có hai người đang ôm nhau hôn. Người đàn ông là một quân nhân Huê kỳ da mặt đỏ và tóc màu hung như râu bắp. Người đàn bà mặc pyjami đứng cao mới đến ngực người đàn ông. Họ hôn nhau rõ lâu bất chấp có tôi đứng đó. Khi họ rời nhau ra, người quân nhân bước vội ra sân và người đàn bà lanh lảnh nói:
- Tu nai, nhé Johnny? Ai quây pho iu nhé? Bai bai...(1 )
Tôi giả như đang mải nhìn một khoảng khung trời xa. Khi chiếc xe rồ máy lao vút đi tôi quay lại. Người đàn bà trân trân nhìn tôi:
- Ông… Uở, anh Bân.
Tôi ngạc nhiên:
- Dạ…
- Anh không nhìn ra em sao? Em là Huệ đây mà.
- A! Huệ - tôi reo lên.
- Có lẽ đến bảy, tám năm rồi em mới gặp lại anh.
Huệ mời tôi vào nhà. Căn nhà treo quá nhiều rèm, màn thêu hoa vẽ hoa sặc sỡ, kín đáo như một cái hang. Mùi nước hoa thơm ngát. Mặt Huệ bôi nhiều phấn và mi mắt có nét bút chì vẽ xếch lên khiến tôi nghĩ đến đôi mắt của chim bạc má… Huệ đưa thuốc lá mời tôi hút rồi nàng đi vào phòng sau. Tiếng nàng hỏi vọng ra:
- Anh uống gì để em đem ra? Gin nhé? Hay Whisky?
Tôi nói:
- Cám ơn em. Anh không uống được rượu mạnh.
- Thế thì uống Coca.
Huệ đẹp và thơm ngồi cạnh tôi.
Cốc Coca đặt trước mặt.
- Anh đi đâu vào giờ này mà ngẫu nhiên em lại được gặp?
- Ơ… Anh đi tìm nhà người quen.
- Ở địa chỉ này phải không? Chắc hắn ở đây trước em. Em mới dọn về mười ngày.
- Người Mỹ lúc nãy là…
- Thằng chồng em đó. Nó làm ở lực lượng đặc biệt. Tử tế lắm. Nó hẹn khi nào về Huê kỳ nó sẽ đem em theo.
Huệ lấy chồng Huê kỳ! Thật khó ai ngờ được cũng như khó ai ngờ rằng hôm nay tôi là nhân viên đi thu tiền rác. Con của một ông Thông phán, cháu nội của một ông Lãnh binh.
- Thỉnh thoảng em có về quê không?
- Biệt! Vả lại, về để làm gì? Quê hương hẹp hòi như cái đáy lờ, như cái vũng nước, con cá quay qua trở lại không có chỗ vẫy vùng.
- Em cần cả một đại dương?
- Vâng. Em sẽ vượt Thái bình dương. Với Johnny. Mời anh uống. Em lấy thêm hai chai nữa cho anh.
Tôi giơ một bàn tay ra ngăn:
- Thôi, bấy nhiêu đây đủ rồi.
- Bây giờ anh làm gì?
Huệ chống một tay lên cằm chìa mắt sát lại gần tôi. Đôi môi đỏ hé như một vết thương.
- Anh làm… lăng nhăng. Chẳng ra chi. Mình chạy tản cư đến chỗ lạ, may có việc làm ăn là đủ quí rồi.
- Không ngờ anh mà cũng phong trần. Nhưng anh có chữ nghĩa nhiều nên tìm việc không đến nỗi khó.
Tôi nuốt vào một nỗi thẹn thùng, một niềm tủi nhục xót xa. Không có nước bọt chạy kèm theo vào thực quản. Huệ tưởng đâu tôi vẫn giữ được phong độ như ngày trước.
Thấy tôi đưa mắt nhìn những lớp màn, những lớp rèm vây quanh chi chít, nàng nói:
- Căn nhà hẹp quá phải không anh? Ở không đủ. Thuê mỗi tháng năm ngàn đồng. (Chết! Gấp đôi số lương của mình, tôi nghĩ). Em nhờ người đưa mối tìm thuê một ngôi nhà có vườn chừng mười ngàn mỗi tháng.
Những con số ngàn như có chiều cao trong trí tưởng tượng của tôi. Những chồng giấy bạc. Những cột giấy bạc. Phần lương tháng của tôi mỏng như một chiếc dép cao su trẻ con vất bỏ nơi những đống rác ở các góc phố. Chưa đếm đã vội hết. Cứ độ hăm lăm mỗi tháng vợ tôi thường lục tung nhà cửa vừa hò hét trẻ con, tưởng chừng có lỗ thủng ở ngăn kéo cất tiền.
Ngày còn đi học, Huệ yêu tôi. Chúng tôi hôn nhau hai lần và tôi giữ chiếc khăn mùi xoa của nàng. Thầy tôi không muốn tôi cưới Huệ vì mẹ Huệ mê cờ bạc và đồng bóng. Chúng tôi xa cách nhau. Huệ lấy chồng.
- À, anh ăn cái gì với em nhé? Em chưa kịp ăn sáng. Đêm qua đi nhảy về khuya ngủ mê mệt.
Huệ đi lại mở tủ buffet đem bày ra bàn đủ thứ lon, đủ thứ lọ. Nàng bắt tôi ăn săng-uých, phó-mát, uống bia đóng hộp, nước nho đóng hộp. Tôi nhìn xuống cánh tay béo lẳn trắng mịn của Huệ. Cái cổ no tròn như nặn bằng mỡ đặc. Viên hồng ngọc ở mặt nhẫn lóe lên làm tôi lưu ý đến những ngón tay béo trắng thon thon.
Huệ ngừng ăn, trầm ngâm một giây rồi chậm rãi nói:
- Em nhớ ngày chúng mình lén gặp nhau ở sau rộc rau muống. Từ ngày đó đến nay, em chưa bao giờ thấy có lần nào trời xanh trong và lá xanh mát như buổi chiều hôm ấy. Anh hôn em…
Nàng im lặng. Khi tôi ngửng nhìn nàng thì thấy mắt nàng lã chã nước mắt. Nàng nhếch một nụ cười:
- Em bây giờ ăn nói lì lợm, anh đừng cười nhé! Xã hội không coi em ra gì thì em còn ăn nói văn hoa nghiêm chỉnh với ai? Phải văng tục. Phải ẩu tả. Phải hello okay. Phải tiên sư mày phải xưng tao. Phải hôn chùn chụt phải cười đĩ thỏa. Em đâu có thích? Em muốn mơ mộng lãng mạn như hồi xưa, hồi chúng mình yêu nhau lần đầu, hồi anh hôn em rụt rè với đôi bàn tay ngượng nghịu.
Nàng bỗng bật cười:
- Anh nhớ lúc bấy giờ anh hôn em như thế nào không?
Tôi lắc đầu.
- Anh để mũi vào má em rồi hít dài như người ta hôn trẻ con.
Tôi cũng bật cười và thấy xốn xang ở nơi mắt của mình. Tôi nhớ lại mùi thơm của cái hôn đầu tiên đó. Lúc bấy giờ chỗ chúng tôi ngồi có mấy bụi é rừng, chúng tôi đứa nào cũng bứt từng nắm lá é vò giữa những ngón tay rồi để lên mũi ngửi. Khi tôi kính cẩn hôn lên má Huệ, tôi nghe mùi thơm cay của é rừng lẫn với mùi da thịt ấm áp nồng nồng.
Huệ nói:
- Đời em hỏng rồi. Lấy thằng Huê kỳ hay Huê kiều hay Việt Nam gì rồi cũng lê lết thân tàn cho đến ngày xuống lỗ.
Nàng hít dài một hơi thuốc lá:
- Anh với em thì cách biệt nhau quá xa rồi, mỗi người ở mỗi điểm trên một đường thẳng. Khi không được lấy nhau thì chúng mình như hai động tử nghịch chiều cứ mỗi ngày mỗi xa cách thêm. Thật là họa hoằn lắm mới gặp nhau được như hôm nay. Aø, lúc nãy anh bảo anh hiện làm gì?
Có nên thú thật với Huệ không? Trả lời rằng: Anh đi thu tiền rác? Không được. Huệ vẫn còn giữ tình yêu với tôi, vẫn còn nhìn về khung trời màu xanh với rộc rau muống và cái hôn đượm mùi é rừng. Không. Tôi lắc đầu. Thà tôi thất nghiệp.
- Sao anh lắc đầu?
- Ờ! Anh làm việc nhì nhằng. Cũng có thể coi như đang thất nghiệp. Cuộc sống khó khăn, chiến tranh đẩy quá nhiều người về đô thị…
Tôi nói lảm nhảm rất nhiều để tránh phải nói đúng điều tôi muốn nói.
Huệ nắm lấy tay tôi:
- Được rồi. Để em liệu tìm việc cho anh. Sở của Johnny tuyển người luôn luôn, nhưng để em vận động cho anh vào làm ở cơ quan dân sự cho nhàn hơn.
Cho đến lúc chia tay, Huệ không hỏi một lời nào về gia đình tôi hết. Có phải vì thì giờ eo hẹp, vì có nhiều kỷ niệm ngày xưa cần gợi lại hay vì những lý do tâm lý nào khác? Huệ không muốn có ai xen vào giữa chúng tôi? Có lúc nàng cầm hai tay tôi rõ chặt, rõ lâu rồi nói:
- Phải chi em có thể nắm chắc hai tay của anh mãi mãi như thế này, khỏi phải bỏ ra. Em không cần ăn. Không cần sung sướng. Không cần sống.
Tôi đưa mắt tìm một tấm gương soi lớn để ngó xem tôi có xứng đáng không với tấm lòng thiết tha của Huệ. Nhưng đồng thời tôi lại sợ: nếu nhìn vào tấm gương, e tôi phải vội vàng kéo lui đôi tay của mình.
Tiễn tôi ra đến cổng, Huệ dặn:
- Hôm nào anh đưa em về nhà quê chơi một ngày. Suốt một ngày. Nhà quê nơi nào cũng được, của ai cũng được.
Huệ trao tay cho tôi bắt.
Khi ngồi lên xe đạp, tôi cảm thấy không còn đủ sức để đạp nữa trên những con đường lồi lõm chang chang ánh nắng. Tôi không còn đủ can đảm để tiếp tục đi gõ cửa những nhà còn lại, chìa tập biên lai và đọc câu phù chú: “Xin bà cho tiền rác tháng này”. Tôi chán nản hết: công việc, trách nhiệm, âu lo. Nhưng đồng thời sao lại có một niềm hy vọng mới, một sức mạnh mới len lỏi trong tôi như một giây leo luồn tránh bao nhiêu thân cây rậm rạp để ngoi lên ánh sáng.
Tôi ghé lại một quán nước, gọi một chai 33 và ngồi suy nghĩ mông lung. Óc tôi thoáng dày đặc, thoáng trống rỗng. Tôi quằn quại trong một hiện tại nhiều biến cố, thong thả trong một quá khứ có những khoảng mát. Tôi nghe phảng phất mùi thơm cay của lá é rừng vò nát trong ngón tay. Và câu nói của Huệ. Tôi lẩm bẩm nói lại với nàng:
- Huệ ơi! Chúng ta hôm nay không còn ngây thơ nữa. Thân em giang hồ và thân anh đọa đày. Nên anh tin chắc chắn là lần sau anh sẽ hôn em đàng hoàng hơn. Không còn để mũi vào má em rồi hít như người ta hôn trẻ con nữa đâu.