Như con chim Sơn Ca

    
ừ khi chị Trúc rời bỏ gia đình chúng tôi để đi ở cho nhà khác, tôi biết là chúng tôi sắp phải trải qua nhiều nỗi khó khăn. Nhưng không có cách nào giữ chị lại được. Tôi chỉ có thể trả lương cho chị hai nghìn đồng mỗi tháng trong khi cô vợ Mỹ trả đến bốn nghìn. Chị ở giúp tôi thấm thoát đã được sáu năm. Ngày ra đi, chị khóc ấm ức như cảnh con gái phải bỏ nhà cha mẹ đi lấy chồng. Nhưng tình cha mẹ không nặng bằng tình chồng, cũng như túi bạc Việt Nam không nặng bằng đô-la vợ Mỹ.
Tôi vốn dở trong việc trả giá mua bán bởi có ấn tượng rằng trả giá là một cách tỏ lòng nghi ngờ thành tâm của người bán, một cách miệt thị họ nên ngày chị Trúc đến với tôi, tôi nhớ người giới thiệu đứng trung gian định giá công cho chị. Sau đó, tôi bảo chị:
- Thời giá lên xuống không ngừng, ngày nào tiền công người làm có cao lên thì chị nói cho tôi tăng lên. Tôi không muốn trả hẹp cho chị vì nếu tôi làm vậy, chị sẽ tìm nơi khác trả giá cao hơn. Ngược lại, nếu chị lấy công quá đắt thì khi có ai mách người làm công rẻ tôi sẽ muốn tìm tới họ. Gắng giữ công bằng thì tình nghĩa mới bền lâu được.
Chị cảm thông chân tình của tôi nên trong suốt sáu năm, chị xin tôi tăng lương bốn lần. Những bước tăng có khi dịu dàng, có khi cũng khá dốc. Lỗi không do ở chị mà do ở vật giá không biết nhờ sáng kiến của ai mà cứ tha hồ lên cao vùn vụt. Nhưng đến lần chót này thì chị biết là tôi đã đuối hơi rồi nên chị không nỡ xin tăng lương mà chỉ lấy cớ là xin về quê. Tôi nài nĩ chị nói sự thật, rằng chị cần tôi tăng lương thêm bao nhiêu, rằng tôi cố gắng trả cho bằng người nào muốn mượn chị…, chị bật khóc không giữ được rồi bệu bạo nói:
- Thưa thầy, người ta mượn con tới bốn ngàn đồng một tháng.
Đáng lẽ tôi xấu hổ vì lời nói khoa trương của mình “tôi trả cho bằng người nào muốn mượn chị”. Nhưng thời thế nầy đã gặm mòn gần hết tự ái của mọi người lương thiện. Vợ người công chức nhường cam tươi và trứng gà cho những cô mặc jeans mới năm ngoái năm kia còn ở bế con cho mình, lau nhà và sai vặt. Thò tay xuống trả mua món gì cũng bị gạt ra hết. Bấm bụng trả một trăm thì ở đằng sau lưng đã có người trả vọt lên trăm rưỡi. Chẳng lẽ cãi nhau, chửi nhau?
Chị Trúc đi được nửa tháng thì nhờ bà con lối xóm mách bảo, tôi thuê được cô Thu Hồng. Lương tháng có một nghìn rưỡi. Thu Hồng chừng mười chín tuổi nhưng cao lớn đẫy đà, mặt mập và mắt nhỏ. Tướng này chắc không siêng năng. Tôi chả biết công việc gì để cắt đặt cho Thu Hồng hết. Ngày còn chị Trúc, tôi cứ giao tiền cho chị rồi tùy ý chị mua sắm nấu nướng. Không có lệ kê khai giá mua từng món, tính toán tiền chợ vì tôi biết đó là một chuyện thừa. Tôi và mấy đứa con chẳng bao giờ biết đến giá cả ngoài chợ nên có bắt tính cũng vô ích. Khúc cá hôm qua tính tám chục bữa nay nói lên chín mươi lăm đồng thì cũng được: cứ lấy cớ là biển động. Thôi thì mình trông cậy hoàn toàn vào tình nghĩa của người đàn bà giúp đỡ mình đó. Tôi rập theo phương pháp đã áp dụng đối với chị Trúc mà bảo Thu Hồng:
- Em cầm tiền đi chợ. Mua thịt, cá, trứng, rau gì đó…, xào, nấu canh, kho… Khi dọn cơm, em ước lượng chia làm năm phần, tôi và ba đứa nhỏ là bốn người, và em nữa là năm. Em chia làm năm phần, em giữ lấy một phần cho em, còn bao nhiêu kia em đem dọn lên. Phần ai nấy ăn, tôi không có thì giờ mời mọc xã giao.
Mấy cô bạn đến chơi hay tỏ ý thắc mắc là Thu Hồng trùng tên với tôi, như vậy mỗi lần có tiếng gọi “Hồng ơi” thì ai biết kêu ai mà “Dạ”?
- Chắc sẽ có trường hợp “Dạ” lầm.
Tôi trả lời:
- Nhưng những sự bất tiện ở trên đời nầy thì nhiều quá, mình tránh sao cho hết?
- Có thể đổi tên nó đi. Gọi nó là con Hường chẳng hạn. “Thu Hường” cũng đẹp chán.
- Nhưng như vậy là phạm đến nhân vị của người ta. Vả lại tôi đi dạy học nên rất quen với sự trùng tên. Tôi phải kêu những tên “Hồng” lên bảng và phạt thẳng tay những tên “Hồng” lười biếng. Có những lớp nữ sinh chứa đến bảy, tám cô Hồng: Tuyết Hồng, Lệ Hồng, Hoa Hồng, Thúy Hồng, Huỳnh Thị Hồng, Phạm Thị Hồng và cả Võ Thị Hồng nữa.
Thu Hồng không biết nấu nướng. Nhiều bữa chúng tôi bỏ ăn. Áo quần không muốn giặt và giặt không sạch. Điều này cũng là một nỗi phiền vì hồi còn chị Trúc, chị cứ tự ý qui định chu kỳ giặt giũ: mấy tuần thì giặt màn, mấy ngày thì giặt khăn giường, áo sơ-mi mùa hè đổ đồng mấy ngày thì giặt, mùa đông mấy ngày, áo gối, áo ngủ, rèm cửa… chị đều tự ý lo lắng, sắp đặt. Đến triều đại Thu Hồng thì lù bù. Thân ai nấy lo. Không kể rèm cửa, chăn màn là những món hàng coi như xa xỉ - theo quan niệm của Thu Hồng, - cả đến quần áo mặc thường ngày mà mỗi lần gọi Thu Hồng lên lấy giặt, tôi cũng cảm thấy như tôi có lỗi. Tôi có cảm tưởng mình chuyên môn quấy rầy người ta nên có nhiều lúc tôi tự tay ngâm bột giặt rồi hôm sau xả nước luôn. Thu Hồng không bao giờ biết giành lấy làm giúp, cứ ngồi bình yên nơi giường để cắt móng tay hoặc ngồi đàng hoàng nơi bờ giếng cạnh tôi và lấy xà bông kỳ cọ đôi bàn chân. Tôi đành phải tự tìm một thú vui cho công việc giặt giũ: mỗi lần giặt xong, đôi bàn tay mình sạch bong dễ chịu vô cùng và tha hồ vốc nước xả vào mặt.
Thu Hồng rửa chân một ngày năm bảy lần. Cứ ngồi kỳ cọ chân ngoài giếng hằng giờ, kỳ cọ dép cao su, chân và dép lúc nào cũng sạch bong. Áo quần thay đổi mỗi ngày một bộ. Có buổi sáng đi chợ hai lần và mỗi lần một sắc áo. Tôi tự nói: chắc là mê anh bán quảng cáo dầu khuynh diệp bác sĩ Tín hay thuốc điều kinh bạch đái hiệu Ông Tiên rồi. Nếu không thì cũng bị mê hoặc bởi anh thầy bói “Đợt sống mới” thắt ca-vát đen, kính trắng ngồi la lết trên chiếc chiếu nơi hông chợ và sau một bộ bài để lật ngửa. Thỉnh thoảng tôi còn thấy những thanh niên chừng mười tám tuổi, mặt gầy quần xanh bó chặt mông và đùi, sơ-mi dài tay cũng màu xanh, tóc để dài xuống cổ, đi đi lại lại không có mục đích. Bao nhiêu là đối tượng để Thu Hồng đi chợ một buổi hai lần và cứ mươi lăm phút là quay lại ngắm nghía gót chân của mình sạch như lau trên một lần dép cũng sạch như lau.
Thu Hồng nuôi chúng tôi được ba tháng thì người nào người nấy gầy rạc đi. Tôi không dám có ý kiến gì để quở trách. Người giúp việc bây giờ khó tìm. Vả lại con tôi nó mét:
- Chị Thu Hồng nói chị ở chơi vài tháng rồi chị đi lấy chồng. Có một ông giáo viên thương chị lắm. Chắc chị chỉ giúp Ba được vài tháng.
Tôi nghĩ thầm: sắp lấy ông giáo viên rồi mà! Chắc là người cùng quê chạy tản cư ra tỉnh với cô ta. Phải là người cùng quê thì tình nghĩa mới mặn mà như vậy, chớ khách quan mà xét thì tướng mạo của Thu Hồng không xứng đáng với bất cứ một ông giáo viên nào, dù là giáo viên hạng kém. Thôi, thế là vài bữa nữa học trò gặp cô sẽ cất nón cúi gập người xuống mà chào “Thưa cô”. Cô sẽ mua vải ni-lông hoa để may rèm treo cửa như mọi cô gái vừa mới lấy chồng. Cô sẽ mua sắm tíu tít, tính toán việc sắp đặt trong nhà sao cho gọn ghẽ mỹ quan. Không có người nào vô dụng hết, bất tài hết, tôi thành thật nghĩ vậy và tôi mừng thầm cho Thu Hồng có hoàn cảnh để vươn lên như vậy. Thỉnh thoảng tôi hỏi:
- Chừng nào ông giáo viên đi cưới Thu Hồng?
Thu Hồng cười:
- Dạ, cũng sắp sửa.
Tôi lại phải lo liệu trước nhờ bà con tìm một người khác để thay thế. Lần nầy là một cô gái mảnh khảnh. Khuôn mặt gầy, khá thông minh. Đứa con nhỏ của tôi chạy lên mừng rỡ nói:
- Tên chị là chị Lan, ba à.
Tôi không hiểu tên Lan thì có gì để làm cho con tôi mừng rỡ. Lan và Thu Hồng nói chuyện gì đó lí nhí sau bếp. Khi tôi ăn trưa xong, ngồi một mình uống nước ở xa-lông thì Thu Hồng dẫn Lan lên giới thiệu:
- Dạ, thưa thầy.
Tôi quay lại:
- À, em mới tới để thay Thu Hồng đó phải không? Em ở đâu đến?
- Dạ ở Tuy Hòa vô.
- Quê em ở Tuy Hòa?
- Dạ không. Con ở tuốt ngoài Phú Vang. Ngoài xã Xuân Sơn đó. Con chạy tản cư vô Tuy Hòa.
- Em vô đây có một mình?
- Dạ. Có một mình. Cha mẹ con còn ở ngoài Tuy Hòa.
Tôi không biết nói gì hơn, đành hỏi một câu nhảm:
- Nghe nói em tên là Lan phải không?
Thu Hồng trả lời:
- Dạ phải. Nó tên là Lan. Nguyễn Thị Lan.
Nhưng Lan cướp lời ngay:
- Dạ không phải Nguyễn Thị Lan. Con tên là Ái Lan.
Tôi không giữ nổi một cái mỉm cười. Không biết Thu Hồng có ác ý gì không khi chỉ giới thiệu một tên Lan trơ trọi kèm với Nguyễn Thị. Và khi cải chính gấp gáp như vậy không biết Ái Lan có giận người bạn đồng nghiệp xấu bụng muốn hạ uy tín của mình không? Tôi cho hai người lui ra và ngồi nghĩ vẩn vơ về những cái tên đẹp. Quả tình là dân tộc ta đang làm một cuộc Cách mạng văn hóa sâu rộng. Cách mạng văn hóa ở học đường chẳng thấm vào đâu. Người học trò năm 1966 vẫn học bài và làm bài như năm 1946, vẫn học khoa học mà không có thí nghiệm, vẫn giải được những bài toán về Điện mà khi công-tơ nổ cầu chì thì phải đạp xe đi tìm ông thợ điện ở cuối phố. Chương trình học có đổi thay chút ít nhưng chỉ là nhích lên nhích xuống mà thôi. Chính phủ trước sắp chương đó học ở đệ Tam thì Chính phủ sau đẩy lên đệ Nhị. Các tác giả Việt Nam chỉ có bấy nhiêu ông ngoài những ông Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương có chỗ đứng chắc chắn, còn những ông khác như Chu Mạnh Trinh, Hồ Huyền Qui, bà Đoàn Thị Điểm thì bị di chuyển liên miên, năm nay ở đệ Ngũ năm sau ở đệ Tứ, năm sau nữa lên đệ Tam, rồi có năm chợt biến mất. Y như người đi thuê nhà giá rẻ cứ bị lãnh giấy tống đạt bắt dọn đồ đi tìm chỗ khác hoài. Cách mạng văn hóa trong các ngành nghệ thuật cũng rất yếu ớt. Cải lương vẫn sáu câu vọng cổ, thỉnh thoảng có pha thêm ít câu tân nhạc cho đúng tiêu chuẩn “kim cổ giao duyên” hay “cổ kim hòa điệu”. Kịch thì in ra để nằm trong giường đắp mền mà đọc. Vân vân. Cuộc cách mạng văn hóa sâu rộng mà tôi nhận thấy rành rành ra đây là sự vươn lên của các tầng lớp quần chúng giành lại cái quyền đặt những tên đẹp cho mình. Ái Lan, Thu Hồng không phải chỉ dành cho các cô nữ sinh Tú tài, cho tiểu thư các vị đường quan, cho ái nữ các ông Tham ông Đốc. Không, bây giờ thì mọi người bình dân đều có quyền sử dụng. Chiều chiều mấy cô sen đi dong chơi trên các nẻo phố vẫn gọi nhau bằng những tên rất đổi thơm tho: Thu Nga… Lệ Thủy… Những ông liên gia trưởng thường ký sổ gia đình, những ông ủy viên nhân thế bộ ở xã khỏi cần mượn Tự điển Hán Việt để tra tìm chữ mà đặt tên cho con. Đầy dẫy những cái tên quý phái mỹ miều người ta dùng hàng ngày, phung phí không biết ngợp. Trong khi đó thì những người ở từng lớp khá giả lại chọn ngược lại. Bỏ hết những chữ lót, họ để trơ trụi cái họ và cái tên: Nguyễn Thị Tuyết… Lê Thị Đoan… Hồ Thị Chi…
Thu Hồng ra đi nhường ngôi cho Ái Lan. Thấy cô ta chào từ giã một cách tự nhiên không vui không buồn, mớ quần áo gói trong một tờ giấy báo cặp ở nách, tôi cho rằng người con gái này sung sướng có tình yêu là món quà đặt sẵn trước mặt. Nhưng sau đó một tháng, một hôm Thu Hồng đến thăm tôi nhằm giờ Ái Lan đi chợ. Tôi hỏi:
- Chớ chưa làm đám cưới sao?
- Dạ, để thong thả.
- Thời đại bây giờ giặc giã ầm ầm, thương đâu cưới đó, còn đợi nỗi gì? Đợi lâu, lỡ ông giáo mê gái thì làm sao?
Thu Hồng cười hì hì, hai con mắt nhắm kín lại:
- Dạ, đâu có vậy? Dạ, để thong thả.
Nói lí nhí vẩn vơ gì một lát rồi cuối cùng Thu Hồng hỏi về cách làm ăn của Ái Lan. Tôi nghĩ có than thở cũng vô ích bởi Thu Hồng không thể vì tôi mà dạy dỗ huấn luyện cho Ái Lan thành người giúp việc đắc lực, tôi đành trả lời mơ hồ rằng cũng tạm được, cũng khá.
- Em chắc nó làm việc không hay. Nó còn nhà quê. Hay để bữa nào em trở lại giúp thầy.
Thấy tôi không mừng rỡ vồ lấy dịp may, Thu Hồng tiếp:
- Em bớt tiền lương một chút cũng được. Nhà thầy ít việc, thầy cho một ngàn hai cũng được.
- Xin cám ơn, nhưng thôi, để em đi lấy chồng, đừng để cho ông thầy giáo đợi lâu quá.
Sau bốn năm tháng gì đó, một hôm vì phải tìm một con đường đúng chiều để thoát ra khỏi một khu phố không quen, tôi chợt thấy Thu Hồng đi lang thang trên hè phố. Áo quần xốc xếch hơn ngày còn ở với tôi. Dường như Thu Hồng có thoáng thấy tôi và cô ta lúng túng đi sát vào lề đường, tay kéo nón che một bên má. Tôi tưởng Thu Hồng đã về quê rồi, đã lấy chồng rồi. Thế ông thầy giáo đâu? Tôi chợt nghĩ: mình u mê, ai nói cái gì cũng tin. Có lẽ Thu Hồng để ý thương thầm một ông giáo viên nào đó rồi ngồi mơ mộng tưởng tượng. Chớ cứ lề lối này thì chắc chắn là Thu Hồng vẫn còn đi ở cho người ta và chắc chắn là với một chủ nhà thạo việc hơn tôi, Thu Hồng phải làm việc nhiều quá đến nỗi đi ra phố mà áo quần xốc xếch như vậy.
Ái Lan nấu ăn không hơn Thu Hồng. Món gì cũng mặn. Hỏi: “Sao nêm canh mặn thế này?” thì trả lời tỉnh táo:
- Dạ, đâu có mặn?
Vừa nói Ái Lan thò muỗng vào bát canh múc vụt một thìa đầy, đặt vào miệng hút đánh chụt một cái vừa chắp chắp. Rồi nói:
- Dạ, đâu có mặn?
Không có cái máy đo “mặn lạt” để chỉ chính xác mấy độ nên tôi đưa đề nghị:
- Từ rày khỏi cần nêm ở dưới bếp. Để lên bàn ăn chúng tôi tự ý nêm lấy.
Ái Lan loay hoay bực bội với cái lò nấu bằng dầu lửa. Tim cao, tim thấp, tim hụt, vặn lên, vặn xuống… Ái Lan ưa chẻ củi để nhay vào bếp, đốt cho lửa đỏ bừng bừng, ngọn liếm quanh nồi, tiếng nổ lách tách.
- Hồi ở “ngoãi”, con chuyên môn đi củi. Cột theo một mo cơm lên núi chặt một buổi, trưa gánh về một gánh.
- Bán được bao nhiêu?
- Để dành chụm chớ.
- Còn nếu bán thì được bao nhiêu?
- Năm chục.
Ái Lan lanh lẹ và không biết làm dáng như Thu Hồng. Còn chịu mặc áo vải đen may theo kiểu sơ-mi măng-sết thời kháng chiến. Không ham kỳ cọ chân bằng xà-bông và mỗi lần bước lên thềm giếng là tháo bỏ dép ra. Thu Hồng thì không, đôi dép và bàn chân như dính chặt vào nhau.
Trên bàn chân Ái Lan có một mụt bầm tím to bằng đồng bạc Ngô Đình Diệm và hơi sưng lên. Tôi lưu ý đến nó bởi vì có nhiều hôm thấy Ái Lan xuýt xoa ngồi nắm chân. Có hôm thì bước đi hơi khập khễnh. Tôi hỏi:
- Cái mụt này ngó bộ chưa thật lành. Ngoài mặt kéo da đã kín nhưng chắc ở trong e còn rỗng. Coi chừng sinh mạch lươn đó.
- Dạ, con ấn xuống thấy hơi đau.
- Cái mụt sâu lắm sao?
Ái Lan lật ngửa gan bàn chân chỉ vào một vết bầm.
- Lủng từ dưới lên trên, lủng suốt cả bàn chân.
- Sao dữ vậy?
- Con đạp trúng bàn chông.
- Chắc đi chặt củi trên núi, đạp trúng bàn chông của “ở trển” gài hả?
Ái Lan nhoẻn miệng cười:
- Dạ không. Bàn chông của con gài.
Tôi mở to mắt ngạc nhiên:
- Hả?
- Con theo thanh niên đi gài chông. Làng con thuộc về ở bển rồi mà. Vô phước trúng bữa đang gài thì được tin lính Đại Hàn dưới Quận càn lên. Lật đật bỏ chạy. Con đạp nhằm bàn chông của con.
Câu nói gọn, giọng nói vui, làm như việc gài chông là một trò chơi và dậm chân vào chông cũng là một trò chơi. Cuộc chiến tranh thảm khốc giết chết nhiều sinh mạng, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình, thiêu rụi cả làng mạc thôn xóm là kết quả cộng lại của những trò chơi nhỏ của những người tham dự kiểu Ái Lan? Có thể như vậy? Một cái lẩy cò vu vơ, một tràng liên thanh bắn thêm chơi, một cái ấn nút, chết chóc được ban phát ra, ngẫu nhiên và dễ dàng.
- Đi gài chông vui lắm thầy ơi. Đi cả đoàn. Thằng con ông hương mục Kiệm làm trưởng đoàn. Nhưng gặp bữa nào tụi nó càn là nhảy, nhảy trối chết.
Bây giờ Ái Lan thành người của bên này. Bên này hay bên kia thì Ái Lan hình như coi cũng như nhau. Đứa con gái mười lăm tuổi đó lớn lên như một con chim sơn ca má núm đồng tiền và đôi mắt long lanh sáng. Quơ cỏ trên đồng lúa Phú Hòa đó, chặt củi trên triền núi Hóc Bèn đó, mò ốc ngoài bãi cát Hà Bằng đó. Sau khi chạy tản cư về Tuy Hòa thì lại quơ cỏ trên đồng lúa Hòa Kiến, chặt củi trên triền núi Chóp Chài và mò ốc ngoài bãi cát sông Đà Rằng. Như con chim sơn ca mổ hột lúa và con sâu ở đồng này rồi bay vụt qua đồng kia, lại mổ con sâu hột lúa.
Những buổi tối có gió mát, nằm ngoài sân nhìn lên khung trời cao, Ái Lan cất tiếng hát:
Nông dân ta hát ca reo vang lừng.
Ban đầu hát khe khẽ, một lát thú vị sao đó bỗng nổi hứng hát to lên. Tôi phải ngăn lại:
- A! Coi chừng. Muốn xuống Nha An ninh nằm hay sao đó?
Ái Lan xuýt xoa:
- À quên! À quên!
Im lặng một giây rồi tiếp:
- Nhà con trung nông đó thầy, chớ không phải bần cố nông đâu. Ông nội con đi thiến heo nữa.
- Thiến heo thời này mau giàu lắm đó nghe.
- Dạ, thiến heo có tiền lắm. Ông An ngoài con cứ hai tháng thì vô trong này thiến một kỳ. Mỗi ngày được lối tám, chín trăm. Đi một chuyến ăn tiêu rồi còn dư mười lăm ngàn.
- Sao ông nội em không vào thiến cho có tiền?
- Dạ, muốn vô lắm mà nghiệt không có giấy tờ. Thẻ kiểm tra “ở trên núi” về thu đốt hết, bây giờ phải nằm lỳ ở quận Tuy Hòa không được đi đâu một bước. Không có nhà ở, nhà nước cho phép dân di cư được ở trong mấy cái toa xe lửa chở hàng bỏ không ở khu nhà ga.
- Nóng quá chịu gì nổi?
- Thì cũng phải ráng chịu chớ biết làm sao? Năm sáu gia đình ở chung một toa. Trưa nắng như thiêu. Nghiệt một nỗi nữa là toa xe nằm ở giữa một bãi cát nóng, càng có gió càng nóng thêm.
Ái Lan có tật ghiền trà Tàu. Bình trà bữa nào cũng bỏ đậm đen, lũ nhỏ la đắng uống không nổi. Dặn bao nhiêu lần cũng như không. Bình trà đó mặc dù lũ nhỏ không đứa nào dám mó đến, cũng cứ vơi đi trong nháy mắt. Buổi trưa lại một bình trà mới nữa. Tôi đi vắng gần như cả ngày nên đâu có biết gì đến trà với nước, chỉ khi lon trà hết cạn mới kịp phát giác ra rằng Ái Lan không thể uống nước trà lợt. Thôi rồi, nguyên do cũng vì Ái Lan có lệ phải hầu trà ông nội thiến heo. Tôi biết bản tính của các ông cụ ở nhà quê. Lội bộ giữa nắng suốt giờ này sang giờ khác thì khi về đến nhà phải tu một hơi đến hai, ba bát nước trà thật đậm mới giải nổi cơn khát. Thôi thì mình phải chiều Ái Lan vậy. Một bình trà chỉ vài ba đồng bạc, chẳng bao lăm. Ngoài những bình trà thường lệ, khi nào có khách đến chơi tôi pha trà đãi khách thì khi khách đi tôi đều tặng bình trà đậm đó cho Ái Lan. Ái Lan cười thông cảm, đón nhận không chút ngượng.
Ái Lan đến nhằm lúc cái giếng nước nhà tôi bị thuốc giặt của những nhà Mỹ xung quanh làm hôi mùi xà-phồng. Nước ăn phải sang lấy nhờ ở nhà Mỹ bên cạnh. Từ ngày đó, mỗi lần Ái Lan đi qua, tôi nghe có mùi nước hoa. Có hôm Ái Lan lấy kéo ngồi cắt những hình màu lòe loẹt trong một tạp chí Play boy, những hình phụ nữ khỏa thân vú và mông thỗn thện. Tôi lo xa nói dè chừng:
- Có qua lấy nước thì xách về ngay, đừng la cà nói chuyện dài dòng. Đừng có ham tiền mà nghe lời dụ dỗ. Nếu muốn có nhiều tiền thì học tiếng Mỹ để đi làm thông ngôn. Em ở nhà quê có được đi học không?
- Dạ, con học đến lớp Nhất. Rồi ông thầy giáo bị ở trển xuống bắt đi học tập, trường đóng cửa. Ông thầy giáo Phê, con bà Cửu Thành ở Gò Cà đó. Ông thầy đánh quạu một cây. Bắt nằm dài xuống rồi rút roi mây phết một hồi hai, ba chục.
- Đã học lớp Nhất thì bây giờ học tiếp đi. Tối tối lên nhà trên học chung với mấy đứa. Cuối năm thi Tiểu học.
- Dạ.
Tiếng “dạ” có vẻ yếu ớt.
- Sau đó có thể học thêm tiếng Anh để đi làm sở Mỹ hoặc học chữ về làm cô giáo làng, cô mụ hương thôn.
- Dạ.
Tôi rất thành thật trong việc đề nghị, tôi muốn giúp ích cho Ái Lan để nó có thể giúp đỡ chúng tôi càng dài ngày càng tốt. Bởi lẽ nếu chỉ đi ở lấy công thì chắc chắn là ba, bốn tháng sau nó sẽ bỏ chúng tôi để đi theo một chỗ làm khác bổng lộc cao hơn, hoặc nghe lời dụ dỗ của mấy bà trùm, của mấy anh mách mối. Không thể bắt nó ở nhà đóng kín cổng lại. Mà đã để nó đi chợ thì chẳng sớm thì muộn nó sẽ bị người ta vồ lấy. Mặt mũi nó xinh xắn sáng sủa không thua một cô nữ sinh trung bình, nhất là khi tôi may cho nó mấy bộ áo vải hoa.
Tôi gọi nó lên và ra cho một bài toán cộng phân số để thử sức. Nó cầm bút loay hoay, xoay tờ giấy đủ vòng. Tôi hạ thấp trình độ, ra một bài toán nhân có vài con số không. Nó viết lộn bậy những con số méo mó, nguệch ngoạc. Thôi, đích thực là ông thầy Phê chỉ dạy học trò leo lên bàn để nhận lãnh roi mây, còn làm toán nhân và toán phân số là công việc của học trò trường khác.
Ái Lan thích đi sang nhà Mỹ lấy nước. Nơi gầm giường của nó tôi thấy chất lổn ngổn những vỏ chai, những lọ, những lon.
- Lon nầy thì tập trung làm gì cho dơ nhà? Ở ngoài mấy đống rác kia thiếu gì? Xe hốt rác lượm không hết, bỏ lăn lông lốc giữa đường.
- Dạ, con thấy đẹp lượm chơi. Ở ngoài con hồi đó quý lắm. Bây giờ thì thường rồi. Ở Tuy Hòa, Mỹ nó uống nó cũng ném đầy đường. Hồi trước ở ngoài con cứ nhắn mấy người đi buôn bán ở Tuy Hòa lượm lon về cho.
- Mấy cái vỏ chai này thì dùng được.
- Dạ. Chai lít đó. Đong dầu đong nước mắm thì ngon hết lớn. Ở ngoài nhà quê mỗi lần mua dầu chạy đi mượn chai lít không ai cho mượn. Nghiệt lắm.
Ái Lan có tật ngủ trưa, ngày nào cũng đánh một giấc từ một giờ trưa không sai suyển. Có hôm tôi xách xe đi làm, - hai giờ rưỡi chiều, - mà còn thấy Ái Lan nằm há miệng ngủ ngon lành. Chẳng biết định ngủ đến mấy giờ với một dáng điệu tin tưởng như vậy. Tóm lại, một người như Ái Lan không phải là một người giúp việc tốt. Tôi buồn rầu chấp nhận số phận của mình, tôi đâu có quyền đòi hỏi nhiều ở Ái Lan? Nó trẻ dại và quê mùa, chỉ biết giúp đỡ tay cho một người đàn bà. Sai nó lặt rau, giã đậu, băm thịt, thổi lửa, vo gạo…, những công tác rời rạc như vậy thì tốt. Đằng này tôi giao cho nó tiền và nó phải tự chỉ huy lấy. Nhiều bữa đã một giờ trưa mà trên bàn ăn vẫn vắng ngắt. Nó mê mải chí thú nhổ cho sạch lông một con vịt và khi thú vị nhìn công trình của mình hoàn tất viên mãn thì còi mười hai giờ đã hụ lên. Ái Lan là tân binh quân dịch chưa kịp trải qua một khóa huấn luyện để lên cấp bực binh nhì, thế mà bước vào gia đình chúng tôi nó đóng đến lon Trung Tướng Tổng Tham mưu trưởng. Tôi và mấy đứa con phải chấp nhận sự điều khiển tài tử đó mà không có cách gì phản kháng. Chúng tôi đều không dư thì giờ để luôn luôn góp phần hoạch định chương trình với vị chỉ huy đó. Đôi lần chúng tôi có đem nhiều thiện chí ra để bàn bạc, nhưng khi thi hành vị chỉ huy đó làm rối bét ra hết. Món ăn nào cũng vừa sống vừa cháy.
Chỉ huy chúng tôi được hai tháng rưỡi thì Ái Lan xin về Tuy Hòa thăm nhà. Tiền lương đã nhận đủ ba tháng, áo quần thì tôi may dành cho cả năm, thế mà bây giờ bỏ đi ngang. Nói:
- Thầy cho về thăm một tuần. Rồi con vô. Bây giờ trời còn tốt đi ghe yên ổn, sợ ít ngày nữa mưa gió đi về không bảo đảm.
Biết đặt điều kiện gì để buộc Ái Lan phải trở vô? Tất cả những điều kiện đều vô ích. Thời đại này giao kèo còn không đủ bảo đảm thay.
- Mực khô ở Tuy Hòa rẻ hơn ở trong này nhiều lắm thầy. Có chín mươi đồng một kí. Thầy có mua thì con mua vài kí.
Tôi đưa ba trăm bạc cho Ái Lan như để mua thêm hy vọng rằng Ái Lan sẽ trở lại chớ tôi không tin rằng giá mực khô ở Tuy Hòa chỉ bằng một phần tư giá ở đây.
Ái Lan đi biệt tăm không trở lại. Những thời hạn “một tuần” trôi qua liên tiếp. Tôi không ngạc nhiên lắm vì tôi đã chuẩn bị trước là Ái Lan sẽ đi luôn. Ái Lan trở lại đúng hẹn mới là điều làm tôi ngạc nhiên. Chúng tôi lại nhắn nhe nhờ bà con láng giềng tìm cho một người. Trong khi chờ đợi, chúng tôi gọi hàng cơm tháng mang cơm đến. Áo quần thì ngâm bột Tide. Bàn ủi thì dùng thứ INUI nhẹ, mỏng, thứ “for school, traveling”(1 ). Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc đến tên Ái Lan và dù không muốn, chúng tôi cũng phải nghĩ đến mấy chữ đi kèm theo cái tên mỹ miều đó: “Ái Lan sắc nước khuynh thành” (2 ). Nhân vật nào đó nhỉ, - Ái Lan, - mà quen thuộc đến thế, mà có văn thơ ca tụng hết mình như thế? Tôi không buồn vì bị Ái Lan lừa, không tiếc số tiền đã mất. Có người trách tôi dại sao không giữ lại những quần áo mình mới may. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ hối hận biết mấy nếu tôi đã giữ số quần áo ấy và Ái Lan đi luôn. Tôi muốn có nhiều phương tiện để làm những cử chỉ đẹp, đẹp hoàn toàn, không vụ lợi. Cuộc tranh sống cam go khiến con người mỗi ngày mỗi bần tiện thêm lên nên mỗi khi có dịp làm một cử chỉ đẹp, ta thấy sung sướng khôn cùng.
Một buổi tối buồn, tôi lửng thửng bước vào một tiệm giải khát ở đầu phố. Đèn màu âm u. Âm nhạc rập rình như sóng, trên đó tiếng hát chơi vơi, khắc khoải, tuyệt vọng. Buổi tối cuối tháng, có nhiều ghế trống. Năm sáu người Mỹ không bao nổi hết số chiêu đãi viên. Vài người thanh niên mặc sơ-mi ca-rô ngắn. Ở bàn cạnh tôi, một quân nhân ngồi với một chiêu đãi viên mặc đầm màu đỏ. Họ kề sát đầu vào nhau nói chuyện. Giọng người đàn ông trầm xuống. Giọng người đàn bà lanh lảnh bay qua bàn tôi.
-…Mốc xì. Anh nói mới hành quân qua làng của em hả? Dóc tổ. Mới nghe em nói bây giờ nói dựa theo… Thiệt hả? Ừ, đúng… Qua bến đò La Hai. Phải, ở bên kia là Gò Chai… Anh nói cái nhà mái lá ở chỗ bến đò hả? Cháy rụi hết? Chắc là nhà ông Xã Hà Bằng đó… Ờ, hồi xưa nhà đó giàu lắm. Muổng đường, anh biết muổng đường không? Chắc ở ngoài Bắc không có muổng đường đâu. Đường mía người ta đổ vô những cái muổng bằng đất sét để lọc cho thành đường cát đó…, muổng đường xếp chạy dài suốt cả hai chái nhà trên, ở hiên sau, ở nhà ngang. Lúa nữa. Bắp nữa. Đậu phộng đậu xanh nữa… Ờ, phải, miền đó ruộng khô trồng đậu phụng đậu xanh. Hồi đó em hay lùa bò đi qua đám đậu phụng của “ổng” để ra bến đò Gò Chai cho bò uống nước. Có một bữa bò nó băng vô đám đậu, ủi lên ăn rào rạo. Em sợ trối chết, quất bên này nó chạy bên kia. May quá nhờ có thằng Điều nó ra đuổi dùm. Tội nghiệp, em mới nghe tin thằng Điều đã bị máy bay gắp rồi. Nó cứ láng quáng ở “ngoãi” không nỡ bỏ làng, bỏ ruộng, bỏ bến, bỏ bò… Phải, phải rồi, chỗ đó có cái miễu. Chòm cây đó xưa lắm, tên là cây gì em cũng không biết. Hồi nhỏ em hay thả bò cho ăn ở gò đó… Tội nghiệp chưa. Sao anh ác vậy? Đồng bào của mình đó chớ ai. Ờ ờ, em hiểu rồi…
Ý chừng người quân nhân kể chuyện mãi không còn thích thú nữa nên thừa lúc nàng vô ý anh lùa hai tay vào nách khiến nàng cười rú lên vừa đập bình bịch vào lưng anh ta:
- Anh quỷ này. Nhột nhột. Chơi nghiệt quá.
“Nghiệt quá”, chữ dùng quen thuộc của Ái Lan!
Câu chuyện hành quân trên kia là câu chuyện của làng Ái Lan đó. Bao nhiêu là biến cố đã dồn dập xảy ra trên mảnh đất đó. Nhà cháy. Trâu bò chết. Đồng ruộng bỏ hoang. Người ta lớp chết lớp chạy bỏ làng. Đường cái trong làng không có dấu chân đi, lần lần cỏ mọc chụp lên, bụi cây trồi lên, đan dày vào nhau, biến thành rừng rậm, biến thành rừng hoang. Cỏ mọc đầy những sân nhà, mọc lấn vào hiên, mọc trùm lên cửa, mọc ngay giữa nền bởi tranh kia rạ kia mỗi ngày một mủn, mưa khoét mỗi ngày một to, mưa phá gãy rui mè, mưa xối giữa nền, ánh nắng và giọt mưa dọi đến đâu là cỏ mọc lan theo đến đó.
Cô chiêu đãi viên này cùng một lứa tuổi với Ái Lan. Vóc người nhỏ thó. Cặp đùi đen, da cháy như đã từng bị phơi ra nắng nhiều. Những ngón chân xoạc ra giữa quai guốc cao gót trông như ngón chân của một con ếch. Chắc cô ta là bạn chăn bò của Ái Lan, bạn đi củi, bạn đi chợ. Nếu tôi lại hỏi cô ta về tin tức Ái Lan thì chắc chắn là cô ta sẽ nói rõ. Có thể Ái Lan hiện giờ cũng mặc đầm như vậy, cũng đêm đêm đánh phấn tô son, vẽ khóe mắt xếch ngược lên và bới mái tóc cao bốn tấc. Có thể Ái Lan đã trở về làng mặc sơ-mi măng-sết và đi cắm bàn chông với bạn mỗi buổi chiều. Có thể Ái Lan vẫn đi quơ cỏ lúa ở đồng Hòa Kiến, chặt củi ở núi Chóp Chài và mò ốc trên bãi sông Đà Rằng. Cái gì Ái Lan cũng có thể vui vẻ làm, không bận tâm suy nghĩ băn khoăn, như con chim sơn ca kia không phân biệt hột lúa này và con sâu nọ là của riêng của cánh đồng nào.
Chú thích:
(1) dùng khi trọ học, khi đi du lịch.
(2) Tên một cuốn phim thời danh, kể mối tình nàng Hélene thành Troie.