Chống Biểu Tình

    
ừa thấy ông Bạch bước vào phòng giáo sư, - chưa kịp bỏ mũ, - ông Tuấn hỏi ngay:
- Sao? Tình hình ra sao?
Ông Bạch nhún vai:
- Còn rối lắm. Chưa yên được.
- Thái độ của ông Tỉnh trưởng?
- Cũng như của Chính phủ. Chưa có thái độ gì rõ rệt. Muốn biểu tình thì cứ để tự do cho mà biểu tình. Chỉ cần quân đội canh gác ở các công sở quan yếu như tòa Tỉnh trưởng, đài phát thanh, ty Thông tin, ty Bưu điện, ty Ngân khố. Cứ kéo vài vòng dây kẽm gai rồi đặt quân đội đứng chĩa súng nhìn ra. Cắm một tấm bảng chữ đỏ “Ranh giới quân sự, cấm vượt qua”.
Có tiếng xe gắn máy nổ rầm chạy từ cổng trường vào đến hiên. Rồ ba bốn tiếng điếc tai rồi mới chịu im. Trong tiếng xe nổ như có lẫn lộn sắt vụn xáo trộn. Không ai lầm lẫn tiếng xe của ông Cương.
- Đợi anh Cương vô hỏi thử. Ảnh hay có những tin đặc biệt, - lời ông Bạch.
Ông Cương có đủ thì giờ để chụp cái mũ ni lông lên móc. Tháo cái gương đen to như gương phi công bỏ vào cặp. Kéo ghế ngồi chững chạc.
Ông Bạch và ông Tuấn ngồi im lặng đang nghĩ gì đâu đâu. Làm thầy giáo thì có nhiều điều để lặng yên suy nghĩ lắm. Chẳng hạn sức hút thủy triều của mặt trăng, phải căn cứ theo định luật vật lý nào mà giảng? Chẳng hạn đã cuối tháng rồi mà cột điểm dành cho môn dạy của mình còn trống toang, phải làm sao mà lấp kín trong hai giờ. Chẳng hạn đêm trước mắc khách bài chấm chưa kịp, lát nữa phải giải thích cách nào cho xuôi, chẳng lẽ cứ đỗ thừa hoài cho nạn cúp điện.
Ông Cương đưa cặp mắt nghi kỵ nhìn hai người bạn. Sao ngồi im như hến thế kia? Ông đâu có ngờ rằng chính ông sắp mắc bẫy. Bạch và Tuấn biết tính ông ba hoa không thể cất giấu một tin tức nào vừa nghe được nên họ làm bộ không lưu ý đến ông. Đợi ông tình nguyện nói ra. Và quả đúng như vậy, như một con cuốc xăm xăm bước trọn hai chân vào bẫy, ông Cương bình tĩnh rơi gọn vào trận đồ của họ:
- Tình hình lộn xộn quá, hỡ hai anh. Bữa nay sẽ có biểu tình nữa. Tám giờ thì đoàn biểu tình sẽ xuất phát từ trường công lập Trần Hưng Đạo. Hai trung đội biệt động quân đã có lệnh trấn đóng ở góc đường Hoàng Hoa Thám - Bá Đa Lộc và góc Bá Đa Lộc - Tô Hiến Thành.
Ông Bạch làm bộ không lưu ý lắm:
- Chắc gì có biểu tình thật.
- Sao lại không chắc. Tòa Tỉnh đã được báo cáo từ chiều hôm qua.
- Như vậy là sáng nay mình được nghỉ? - ông Tuấn hỏi.
- Được nghỉ hay “bị” nghỉ? Mình dạy trường tư mà cứ được nghỉ kiểu này thì coi như nghỉ dài hạn không lương.
- Coi chừng. Nói nho nhỏ một chút. Ở đây tai vách mạch rừng. Lực lượng biểu tình sẽ hỏi tinh thần cách mạng của anh cao tới đâu? Tới rún hay tới đầu gối.
Vừa lúc đó ông Đồng, giáo sư Lý Hóa nhẹ nhàng bước vào phòng không ai kịp lưu ý. Ông kéo mạnh chiếc ghế làm ba người giật mình tưởng như mấy tấm vách đang vểnh tai lên.
- A! Anh Cương - lời của ông Đồng - sao mà đường cái nghẹt cả Biệt động quân và xe Cảnh sát vậy? Có chuyện gì vậy anh?
- Thì anh hỏi ngay Cảnh sát, sao lại đi hỏi tôi? Tôi cũng như anh, tôi đâu có biết?
- Thôi mà, làm bộ hoài. Biết gì nói cho anh em nghe với mà.
Ông Cương cười hì hì.
Hai cô giáo tới cùng một lượt, cô Nhung, cô Hoa. Hai cô chưa chồng nên thường đi cặp với nhau cho có bạn. Hai cô tháo bỏ găng tay vừa lắng tai nghe ông Cương.
- … Đoàn biểu tình sẽ xuất phát từ trường Trần Hưng Đạo. Họ sẽ lần lượt dẫn tới trường Việt Anh, rồi trường Trí Đức, trường Nữ Trung học…
- Họ có tới trường mình không anh? - lời ông Đồng.
- Không bỏ sót đâu, anh đừng lo.
Cô Nhung mở to đôi mắt như con nai, ngây thơ hỏi:
- Vậy mình làm sao hở thầy?
- Cái đó thuộc thẩm quyền của ông hiệu trưởng. Tôi biết đâu mà dám bày cô?
Cô Nhung xuýt xoa khe khẽ, rỉ vào tai cô Hoa:
- Chết chết! Họ kéo tới trường mình. Mình làm sao, chị?
Cô Hoa bĩu môi “xì” một tiếng.
- Thì mình cứ tùy cơ ứng biến. Học sinh họ muốn ra thì mình cứ để cho họ tự do ra.
Nếu cô Hoa là đàn ông thì tưởng cô Nhung khỏi cần đi tìm chồng ở đâu xa, cứ ưng ngay người cùng đi một đường với mình đó. Cô Hoa có cốt cách của một người đàn ông. Mạnh bạo, dứt khoát, quyết liệt. Nhung thì trái lại lúc nào cũng nhẹ nhàng, nhút nhát, run sợ.
Ông Thành, ông Lâm đi tới trễ, vội ném cặp lên bàn, lại bình trà rót chén trà sớm. Trong khi đó, ông hiệu trưởng lững thững bước vào.
- A! Có ông hiệu trưởng đây, - ông Cương lớn tiếng nói, gần như la lên. - Lát nữa đoàn biểu tình sẽ đến trường mình.
Ông hiệu trưởng cười nửa miệng. Ông không có dáng cảm động và điều đó làm ông Cương cụt hứng. Cái nguồn tin tức sốt dẻo đó bị tắt tị bất ngờ.
Ông hiệu trưởng kéo một hơi thuốc lá dài rồi chậm rãi nói:
- Tỉnh có điện thoại mời ông hiệu trường và ông giám học trường Trần Hưng Đạo xuống nhận chỉ thị hồi chín giờ tối.
Hồi chín giờ tối? Nhận chỉ thị hồi chín giờ tối? Chi tiết này quan trọng đây và nó treo mọi cặp mắt chong vào miệng ông hiệu trưởng. Sẽ có chuyện hồi hộp xảy ra.
Có hai đấu thủ đang gầm gừ trổ những ngón độc để hạ nhau và người bàng quan cảm thấy sự thong thả được đóng vai khán giả. Ít nhất trong giây phút này cũng có người bỗng dưng thấy bằng lòng trọn vẹn số phận của mình, số phận tầm thường của một người có chữ nghĩa đi làm công để sống qua ngày. Không còn có sự so bì giữa một chiếc xe gắn máy nổ to như sắt vụn bị xóc với một chiếc Cadillac sơn đen có tài xế đội mũ cát-két ngồi chểm chệ nơi tay lái.
Ông Hùng, ông Sinh giáo sư Toán, ông Phương, ông Thịnh, cô Mỹ Hạnh giáo sư Việt văn, cô Tâm, ông Phiên giáo sư Công dân Sử địa cùng đến một lượt, bao vây ông hiệu trưởng ở vòng ngoài.
- Thế tòa Tỉnh chỉ thị thế nào, thầy có biết không? - Cô Hoa hỏi.
- Tòa Tỉnh báo tin cho hiệu trưởng và giám học biết chương trình biểu tình sáng hôm nay. Tòa Tỉnh lại chỉ thị cho hiệu trưởng và các giáo sư phải giữ cho học sinh ngồi trong lớp. Không cho học sinh đi ra.
Ông Thành lắc đầu:
- Khó lắm! Khó lắm!
Ông Đồng:
- Đó là nói trường công. Học trò trường công sợ kỷ luật vì học ở trường công khỏi mất tiền. Còn học trò trường tư phải đóng học phí nên họ đâu có sợ kỷ luật. Trường này có đuổi thì qua học trường khác.
- Chỉ thị đó được áp dụng cho hết thảy các trường công và trường tư. Ông hiệu trưởng Trần Hưng Đạo đã vội cho công văn hỏa tốc đến các trường tư từ hồi hôm.
- Thế nghĩa là mình cũng phải giữ cho học sinh ngồi trong lớp? - lời ông Tuấn.
Ông hiệu trưởng gật đầu và mọi người im lặng. Cô giáo Nhung thở dài. Giữ cho một lớp nam sinh ngồi lại trong lớp giữa tiếng cổ võ thúc giục bên ngoài thì thật là một điều quá khả năng của cô. Sách vở chỉ dạy công thức Toán, công thức Hóa học, phương pháp giải đề thi chớ không hề dạy cách giữ học sinh khỏi đi biểu tình. Đã vậy, sáng nay cô lại rơi nhằm vào lớp đệ Tứ III ồn ào nghịch ngợm, quấy phá nhất trường.
Ông Cương đăm chiêu suy nghĩ hơn. Vì hôm nay phát bài tập mà bài tập ông chưa chấm xong. Ông cứ đinh ninh như những kỳ trước: hễ có đoàn biểu tình đi qua kêu gọi, cán bộ nhảy vào tuyên truyền là học sinh xếp sách vở đứng dậy bỏ lớp, bỏ thầy giáo và bảng đen ở lại. Thầy giáo chịu bất lực. Vả lại, sống trong một giai đoạn có quá nhiều cuộc cách mạng, quá nhiều cuộc đảo chánh và chỉnh lý, mới đọc bản hiệu triệu của lực lượng biểu tình đó thì đã phải đọc hiệu triệu của lực lượng chống biểu tình, rốt cuộc con người đâm ra dè dặt nghi kỵ. Cứ “để cho người ta làm và đợi xem đã”. Chỉ tội thân cho ông Cương, lần này ông được biết tin biểu tình sớm hơn mọi người, biết đích xác rõ ràng nên để tự thưởng một thành tích hiếm có như vậy ông đã, thay vì ngồi cầy cục chấm bài, hồi hôm rong xe đi phố tìm địa chỉ một người bạn gái vừa bỏ làng di cư ra ở ngoại ô. Thời thế biến chuyển khó lường, chủ trương của chính quyền thay đổi từng giờ một, không thể nào dự đoán được. Mới mềm dẻo hôm qua hôm kia, bỗng nhiên sáng nay trở nên cứng rắn. Làm như chỉ cốt để bắt bí ổng chơi.
Ông Hùng đưa bàn tay vuốt tém mái tóc ra đằng sau, nói:
- Nhưng liệu có giữ được học sinh không? Chính quyền không có chủ trương dứt khoát. Ở trên quân Diên Khánh học sinh mấy trường Trung học cũng biểu tình tự do, quận trưởng chỉ cần cho đóng cửa quận đường lại.
- Chính phủ trung ương còn đang tìm biện pháp. Còn ở các địa phương thì cứ chờ lệnh của cấp trên. Chính quyền cấp dưới dè dặt như vậy là khôn. Ra tay đàn áp, nếu yên việc thì cũng chưa chắc đã được thăng thưởng mà nếu xảy ra chết chóc thì muôn tội đổ lên đầu mình. Kinh nghiệm của các Chính phủ trước còn đó. Cứ đổ tội cho cấp trên ra lệnh, nhưng lệnh lạc không phải ra bằng miệng mà phải có giấy tờ làm chứng.
- Mình cũng đã có lệnh của cấp trên rồi đó.
Ông hiệu trưởng lắc đầu.
- Chưa có gì rõ ràng. Chỉ thị của tỉnh chỉ ra bằng miệng và chỉ dặn, “cố gắng giữ cho học sinh ở trong lớp”. Nếu cố gắng mà không hiệu quả: học sinh cứ ra thì lúc đó Chính quyền sẽ làm gì? Điều đó không thấy nói.
- Chính quyền sẽ quở ông hiệu trưởng, khiển trách các giáo sư.
Ông Phương cười:
- Như thế thì quá dễ.
Ông hiệu trưởng nhìn xuống đồng hồ.
- Mấy ông cố gắng làm theo chỉ thị. Cả mấy cô nữa. Gắng chừng nào không kết quả hãy hay.
Tiếng kiểng gõ mạnh, khoan thai nhịp nhàng của ông cai. Hoặc là ông chưa biết gì hết về cái số phận của buổi học sáng nay nên ông vẫn còn tin đầy đủ ở hiệu năng tiếng kiểng của mình. Nhà độc tài, cho đến phút chót, còn tưởng quần chúng đến bao vây là cốt để hát bài suy tôn mình. Hoặc là ông đã biết học sinh đang coi nhẹ kỷ luật nên ông cố gắng tạo một vỏ ngoài tràn đầy tin tưởng vào kỷ luật. Những người sợ ma thường dậm mạnh chân, vỗ tay to vừa ca hát khi đi qua những đoạn truông rậm rạp.
Khi ông cai nặng nhọc mở bẹt cánh cổng ra thì ông ngạc nhiên không thấy lũ học sinh chạy ùa vào như mấy bữa trước. Cả học sinh đệ Thất, đệ Lục mà cũng đứng từng nhóm để bàn tán. Vài nhóm học sinh lớn đứng rải rác ở bên kia đường. Sự hiện diện của hai xe Cảnh sát sơn xanh đậu ở góc tư thu hút sự chú ý. Tuy nhiên sau chừng năm phút nghe ngóng mà không thấy có sự lạ xảy ra thì học sinh lần lượt vào sân.
- Thầy ơi, sáng nay khỏi đọc bài.
- Em chưa làm bài tập, lát nửa biểu tình - Hương và Đàn gặp thầy Lâm ôm sổ ở văn phòng đi ra, đã vội chào như vậy. Ông Lâm giả vờ ngạc nhiên:
- Có biểu tình hả? Không thấy thông cáo mà.
- Xì, biểu tình mà còn thông cáo. Tám giờ thì đoàn biểu tình tới. Vô lớp thầy kể chuyện trong nửa giờ thì vừa lúc họ tới. Thầy đừng hỏi bài nghe thầy? Thầy kể chuyện cho bọn em nghe.
Ông Lâm lắc đầu.
- Không được. Chương trình không có ghi mục “kể chuyện”.
Cô giáo Tâm bị lũ thằng Vũ, thằng Thọ, thằng Xuân bao vây.
- Cô ơi, sáng nay có biểu tình. Bọn em phải bỏ học giờ cô, bọn em tiếc quá.
Cô Tâm không tin là họ nói thật. Thằng Vũ tóc chải tém bôi đầy bi-ăng-tin bóng loáng. Thằng Thọ ngậm thuốc Salem phì phèo vào giờ chơi và không khi nào thuộc bài. Thằng Xuân mang một vết sẹo nằm vắt ngang qua gò má, di tích của một nhát dao do địch thủ tặng. Ba người này phá phách nhất lớp, làm khổ cô nhiều bữa điêu đứng. Nhưng cô cũng phải nói một câu tử tế với họ:
- Ừ. Cứ phải bỏ học hoài.
- Thưa cô, bãi khóa vô hạn định mà, - lời thằng Thọ.
- Sức mấy mà vô hạn định? - Thằng Xuân cãi lại.
- Đù má… thì tao thấy khẩu hiệu đề như vậy.
Lừa lúc chúng nó đôi co với nhau không để ý đến mình, cô Tâm len lỏi đi vào văn phòng, uyển chuyển và lặng lẽ như một con lươn.
Kiểng đánh chào cờ. Học sinh tập họp sắp hàng chậm chạp lòi xòi hơn mọi ngày, nhưng rồi đâu đó vẫn vào lớp có thứ tự.
Ông Cương bước những bước nặng nhọc vào lớp đệ Ngũ. Học trò nhao nhao lên:
- Thưa thầy có biểu tình.
- Biểu tình sắp tới rồi thầy.
- Thầy cho nghỉ đi thầy.
Ông giơ tay ra hiệu ngồi xuống.
Trò Thanh ngồi ở gần bàn ông, chồm lên hỏi:
- Lát nữa mình có đi biểu tình không thầy?
- Không, Tỉnh bắt phải ngồi học tử tế.
Trò Dũng ở cuối lớp đứng dậy.
- Con nghe bên trường công đi hết. Học sinh trường công cầm đầu tổ chức chớ đâu phải học sinh trường tư?
Mai và Lệ chen nhau nói:
- Trường Nữ Trung học lãnh phần cắt khẩu hiệu.
- Mấy con bạn của con ở đệ Ngũ bên đó quay rô-nê-ô truyền đơn. Lát nữa phát.
Ông Cương “ờ ờ” lấy lệ, chậm chạp mở sổ. Hà bị kêu lên đọc bài đầu tiên. Không thuộc.
- Thưa thầy con không có học bài. Con nghe nói hôm nay… nghỉ.
Dung cũng không thuộc. Ông kêu qua phía con trai. Tịnh, Hành, Mộc đều xuýt xoa đứng lên ngồi xuống. Ông im lặng lấy phấn, bước lại bảng đen. Biên đầu đề bài mới.
- Thưa thầy hôm “lay” nghỉ.
Rõ ràng là tiếng la to của thằng Bổng, ở cuối lớp, ông Cương dẫu không quay nhìn xuống nhưng không thể lầm được. Nhưng ông làm như không nghe gì hết, cứ bình tĩnh giảng bài:
- …Nhiều đường thẳng song song định trên hai cát tuyến các đoạn thẳng đối ứng tỉ lệ. Thí dụ các đường thẳng song song AA’, BB’, CC’ và DD’ gặp các cát tuyến X’X và Y’Y ở các điểm…
Không khí nghiêm trang được chừng mười phút. Bỗng vang lên từ ở ngoài cổng trường:
- Mì lạt, mì ngọt. Bánh cam, bánh tiêu, bánh bò. Bi ngon ngon, bi dòn dòn. Mì mì…
Ba bàn nữ sinh cười rồ lên. Anh hàng bán bánh kẹo này không biết ở từ đâu tới mà có một điệu rao đặc biệt khiến ai cũng chú ý. Rao dài dòng, lảnh lót, lên bổng xuống trầm, như dồn tất cả sinh lực và nghệ thuật và tâm hồn của anh vào tiếng rao. Anh chàng chừng hai mươi tuổi, mắt ti hí, ngồi trên yên xe đạp, ở trước mặt chễm chệ một thùng bánh, và sau lưng cũng chễm chệ một thùng bánh khác. Anh chàng rao luôn miệng, to tiếng không biết mệt, có khi xe khuất dạng qua một phố khác mà tiếng rao vẫn còn lảnh lót. Có một làn hơi thiên phú như vậy mà chỉ để rao bánh kẹo thì thật uổng. Đáng lẽ để làm thầy giáo giảng bài hay làm ca sĩ tân cổ nhạc.
- Mì lạt, mì ngọt… Bi ngon ngon, bi dòn dòn…
Lại một tràng tiếng cười to rộ lên.
- Thằng “bánh mì kẹo bi” nó có duyên với thầy, - trò Nghị nói. - Hễ sáng thứ Năm cứ tới giờ thầy là nó đi qua rao inh ỏi.
Ông Cương gõ lọc cọc chiếc thước gỗ lên bảng đen rồi nhẫn nại giảng tiếp:
- Định lý trên không phụ thuộc vào vị trí các đường thẳng song song đối với hai cát tuyến. Trong hình này ta có thể vẽ từ giao điểm C của hai cát tuyến…
Chợt có tiếng máy phóng thanh từ xa oang oang nói tới. Tiếng nói nghe không rõ, chỉ nghe tiếng máy ho hen rồn rột rồi rú lên từng hồi. Có tiếng hô khẩu hiệu. Ở bên trường Nữ Trung học, nổ lên hai tiếng pháo tống. Học sinh nhao nhao lên. Tiếng giảng bài của ông Cương bị nuốt đi như con suối nhỏ rơi vào đại dương.
Trò Phong và trò Mừng vỗ vai nhau cười rồi nhìn lên bảng:
- Đó, con nói có sai đâu. Bên trường Nữ đã đứng dậy rồi đó.
- Anh chị em yên lặng. Chúng ta phải học cho hết giờ. Tòa Tỉnh bảo học sinh phải ngồi trong lớp học.
Không còn ai nghe tiếng nói của thầy Cương. Mà chỉ nghe tiếng hô khẩu hiệu mỗi lúc một rõ. Nhiều khuôn mặt lấp ló ở cửa cổng. Nhiều người đứng tụ họp ở đó từ bao giờ. Xe phóng thanh rồ máy dừng lại. Nhiều học sinh ngồi ở bàn sau đứng lên nhìn.
Ông Cương rời bục đi xuống cuối lớp.
Chợt cửa cổng trường bị đẩy bật ra. Đoàn biểu tình tràn vào sân. Một người chạy xăm xăm lại cầm dùi sắt xổ kiểng. Tiếng gõ mạnh và hấp tấp quá làm thanh kiểng chao đi, nghiến vào dây cọt kẹt làm người xổ kiểng gõ hụt mấy tiếng. Cọ tre và lon sơn đỏ múa may ở mặt tường. Trong nháy mắt, những dòng chữ to “Bãi khóa! Chúng tôi bãi khóa vô hạn định” hiện ra, màu sơn đỏ ướt lóng lánh như máu.
Một đoàn người đứng thành vòng trước cửa lớp. Tiếng gõ cửa lộp cộp. Ông Cương bước ra. Một người trong đám tiến đến chào ông và trình bày những gì ông chưa kịp nghe thì đoàn còn lại ùa vào lớp. Ông Cương bị mắc mưu điệu hổ ly sơn rồi. Nên ông chăm chăm nhìn người thuyết trình đang huơ tay nói trước mặt ông mà tai thì lắng nghe những lời cổ võ ở đằng sau lưng ông, trong lớp.
- Đứng trước tình hình… không thể điềm nhiên ngồi học được… Truyền thống dân tộc… Lê Lợi Quang Trung Bà Trưng Bà Triệu… Truyền thống anh dũng… Tổ quốc Việt Nam…
Có tiếng lào rào, lách cách, tiếng chân quờ quạng tìm guốc, tiếng vành nón gõ xuống mặt bàn, tiếng cặp sách kéo lê. Rồi tiếng chân người di chuyển. Ông Cương quay lại nhìn vào lớp. Đa số học sinh đã rời bỏ chỗ ngồi của họ. Họ lũ lượt đi ra. Ông Cương nhìn lại mình, thấy mình nhỏ bé như một cọng rạ giữa dòng nước lũ. Không thể dùng lá bùa “Tòa Tỉnh cấm” để trấn áp họ được. Cọng rạ tự dạt mình ra một bên và cái thác người đó tràn ra cửa, chan hòa với những dòng thác khác cũng từ các cửa tràn ra. Đoàn biểu tình tập họp trở lại, đông đảo mập mạp hơn hồi mới tới, ào ào tuôn ra ngõ cổng.
Còn lại là cửa lớp mở toang, bàn ghế trống vắng. Và những nữ sinh nhút nhát trốn núp ở sân sau, không dám đi vào đoàn biểu tình. Và những thầy giáo bại trận ôm cặp, ôm sổ lững thững đi về văn phòng.
Cô Mỹ Hạnh hỏi ông Cương:
- Tôi tưởng chỉ bên tôi mới chịu bất lực. Lo quá. Ai ngờ bên thầy cũng vậy.
Ông Cương cười khì.
- Chịu thua họ. Tụi họ khôn quá, mời mình ra ngoài.
- Uở? Bên lớp anh cũng theo kế hoạch đó sao? - lời ông Thành.
- Ở đâu cũng một kiểu, - ông Đồng cướp lời.
Mọi người lại tập họp xung quanh ông hiệu trưởng. Ông đang đứng chắp tay sau lưng nhìn hành lang heo hút.
- Đoàn cán bộ toàn là học sinh bên Trần Hưng Đạo. Trường công mà họ còn giữ chưa được.
- Mình không thể bảo hoàng hơn vua được. Quân đội còn phải chịu án binh bất động huống chi là mình chỉ có bút nguyên tử đỏ.
Cô Hoa hỏi ông hiệu trưởng:
- Thưa ông, chiều nay vẫn đi dạy như thường lệ?
- Như thường lệ, - ông hiệu trưởng gục gặc đầu. - Mình cứ làm bổn phận của mình.
- Bây giờ mình có thể giải tán? - lời ông Bạch.
- Vâng. Tùy ý mấy ông.
Tuy ông hiệu trưởng tuyên bố như vậy nhưng không có thầy cô nào về vội. Ai cũng cố ý dềnh dàng nán lại một chút để tránh cái vẻ mừng rỡ lợi dụng. Ít nhất cũng phải tỏ một chút buồn bực vì buổi học bỗng dưng bị cắt mất, một chút xót xa rằng học sinh bị tước đi những kiến thức hay mà mình định truyền cho họ sáng nay, - nhưng mình đành chịu bất lực, - một chút ân hận, một chút bất đắc dĩ… nào đó để xứng đáng là một khuôn mặt mô phạm trước những khuôn mặt mô phạm đang vây quanh… Giữa cảnh dùng dằng ngượng ngập, có thể pha chút ít sung sướng ngấm ngầm đó, chợt cửa cổng mở đánh két một cái. Mọi người quay nhìn ra. Một ông Đội Cảnh sát mũ lưỡi trai có đính phù hiệu rõ ràng, quân phục kaki vàng thẳng nếp dõng dạc bước vào. Khoảng cách cái sân rộng, bị ngốn nhanh bởi những bước đi dài. Có chuyện gì lôi thôi. Cảnh sát là sứ giả của sự rắc rối. Cảnh sát không biết báo tin mừng như nhân viên Bưu điện. Nhưng chuyện gì? Thôi chắc là chuyện học sinh đi biểu tình rồi. Chỉ thị của tòa Tỉnh không được thi hành triệt để. Mọi người tự nhiên đưa mắt nhìn ông hiệu trưởng.
Ông Đội Cảnh sát được hướng dẫn bởi cái nhìn đó. Ông biết ai là người có trách nhiệm trong số những người đông đảo đang đứng. Ông bước thẳng tới ông hiệu trưởng. Rồi đột nhiên dừng lại, dậm chân đánh “phắt” giơ tay chào ngang mũ. Sự lễ độ nghiêm trang đúng phép tắc càng làm cho mọi người kém an tâm. Ông hiệu trưởng tiến tới một bước và các thầy cô dãn ra vài bước nhường chỗ cho người nhân viên công lực.
Cuộc đối thoại giữa ông hiệu trưởng và ông Đội Cảnh sát. Tiếng nói nhỏ, các thầy cô không nghe rõ. Họ theo dõi nét mặt của mặt ông hiệu trưởng. Ông nghiêm trang đứng lắng nghe. Rồi chợt mỉm cười. Mỉm cười? Sao lại mỉm cười? Ông này chính trị cao lắm đây. Không thấy ông nói lại gì hết, giãi bày gì hết. Chợt ông đưa bàn tay chỉ về phía văn phòng và ông Đội Cảnh sát nhanh chân bước về phía đó sau khi đưa tay chào một lần nữa.
Các thầy cô đứng gần lại thật mau.
- Có chuyện gì vậy ông?
- Lại có rắc rối?
Ông hiệu trưởng lắc đầu:
- Không có gì. Ông Đội đến nạp học phí cho con. Ba thằng Nguyễn Văn Ngộ ở đệ Tam B4 đó. Ông than phiền nó bỏ học đi theo cao bồi và đưa tiền học cho nó đi nạp thì nó đem tiêu bậy hết. Ông quản lý mới gởi giấy đòi học phí hai tháng còn thiếu.
Những tiếng thở phào không cần dấu diếm. Nhiều nụ cười cởi mở chân thực.
- Khéo lựa đúng ngày này, giờ này để đi nạp học phí!
- Bố làm Cảnh sát mà con lại theo cao bồi…
- Thằng Ngộ nó thông minh mà tính cũng ngoan. Mới hư từ hồi Tết năm ngoái.
- Nói vậy chớ con nó đã muốn hư thì cha mẹ cũng chịu thua.
- Lý luận thế không được. Bố mẹ phải chịu trách nhiệm, chớ không thể đổ lỗi vu vơ mà gọi là giải quyết vấn đề.
Câu chuyện chuyển qua đề mục giáo dục, xa ngàn dặm đối với đề mục biểu tình hôm nay nên tới một lúc nào đó, mọi người đồng im lặng và họ giải tán một cách tự nhiên, thoải mái, khỏi có chút áy náy gì hết.
Ông Bạch bước vội đến chỗ dựng xe, gài vội cặp xách lên poóc-ba-ga, gài cặp kiếng đen lên mắt, chụp mũ lên đầu rồi leo lên đạp nhiều vòng cho máy nổ. Ông quay sang cô Nhung đứng cạnh đang đeo găng:
- Sẵn rảnh buổi sáng nay đi xuống chợ lùng mua một cái mền len Anh quốc viện trợ. Viện trợ cho dân bị lụt miền Trung nhưng đi từ Anh quốc sang tới đây thì mền không chịu đi nữa.
- Mền tốt không bác?
- Tốt không chê được. Nhẹ mà ấm, lông nó…
Tiếng máy chợt nổ rồ lên ồn ào điếc tai khiến cô Nhung không nghe được gì được nữa. Nhưng cô cũng phải gật đầu liên tiếp, miệng mỉm cười vừa chăm chăm nhìn ông Bạch, làm như cô đồng ý hết sức về những đức tính, - mà ông tiếp tục kể, - của thứ mền len Anh quốc viện trợ này.

Xem Tiếp: ----