Chương 4
BÍ ẨN THÂN THẾ

    
an Lan lúc mê lúc tỉnh, mà cho dù có tỉnh thì ánh mắt vẫn cứ đờ đẫn, miệng mím chặt chẳng nói chẳng rằng. Giờ cô không thể ăn uống gì, chỉ sống nhờ vào truyền dịch. Bác sĩ Thường dặn mẹ tôi bón cho cô ấy chút nước lọc nhưng có làm thế nào thì Lan Lan cũng không chịu mở miệng.
Tôi đã gọi điện cho anh cả không biết bao nhiêu lần, thúc giục anh mau mau đến bệnh viện nhưng anh chỉ lạnh nhạt nói rằng công việc bận rộn quá không thể đi được, làm phiền tôi với mẹ chăm sóc Lan Lan.
Tôi rất khó chịu với thái độ của anh, sao anh có thể nhẫn tâm đối xử với người phụ nữ của mình như vậy cơ chứ? Nhớ lại những điều bác sĩ Kim Nhất Thủ và bác sĩ Thường nói, tôi cũng cảm thấy hình như anh tôi đã làm điều gì đó bất thường với Lan Lan, nếu không cô ấy đã chẳng ra nông nỗi này.
Ngày thứ ba Lan Lan nhập viện, sau khi tỉnh chị đã không còn hôn mê nữa, chỉ có điều chị vẫn nhất quyết không chịu ăn uống, cũng chẳng chịu nói chuyện với chúng tôi. Bác sĩ Thường nói nhỏ với tôi rằng hiện giờ tính mạng của Lan Lan không còn nguy hiểm nữa, bệnh tật trên người đã không còn là nỗi lo chính, cô ấy có thể hồi phục hay không còn phải phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của cô nữa.
Nhìn bộ dạng của Lan Lan chẳng ai có thể nói rõ được tình trạng tinh thần của cô ấy giờ ra sao. Lan Lan là một bệnh nhân mới hồi phục bước đầu, trông có vẻ chỉ vì sức khỏe yếu ớt nên chẳng có chút tinh thần nào, thế nhưng bác sĩ Thường lại nhận định rằng trong tiềm thức của mình, Lan Lan chẳng hề có ý muốn khỏi bệnh, nói cách khác, Lan Lan không hề có ý thức sinh tồn.
Trước tình trạng này của Lan Lan, mẹ tôi luôn tỏ ra lạc quan. Bà luôn tin rằng “chết vinh không bằng sống nhục”, mẹ nói Lan Lan sẽ dần khá lên thôi. Nhưng trong lòng tôi lại nghĩ khác, mặc dù ông bác sĩ “thần kinh” đó nói rất mơ hồ nhưng tôi cảm thấy những điều ông ta nói rất có lí. Sau khi Lan Lan tỉnh lại đáng nhẽ ra có thể ăn uống chút gì đó rồi, nhưng cô luôn dùng sự im lặng của mình để cự tuyệt.
Một người dù ở vào hoàn cảnh này chỉ cần có thể ăn được thì còn có khả năng sống tiếp. Thế mà người lâm trọng bệnh như Lan Lan lại không chịu ăn uống, chỉ sống nhờ vào thuốc men thì làm sao kéo dài sinh mạng cho được? Một điều đơn giản như thế này chắc chắn Lan Lan cũng hiểu, nhưng đúng như bác sĩ Thường đã nói, cô ấy đã hoàn toàn mất đi niềm tin với cuộc sống.
Rốt cuộc là vì nguyên nhân gì đã khiến cho Lan Lan tuyệt vọng với cuộc sống như vậy? Là bởi vì bị kẻ xấu lừa bán đi? Là bởi vì bị ép gả cho người mà cô không thích? Nếu như là như vậy thì Lan Lan đã sớm nghĩ quẩn mà đi tìm cái chết rồi, thế nhưng có thể chống chọi đến ngày hôm nay chứng tỏ cô vẫn còn chưa muốn rời bỏ cái thế giới này. Vì vậy, bị ép gả cho anh cả, Lan Lan không hề cam tâm nhưng cô vẫn không vì chuyện ấy mà tìm đến cái chết.
Vậy thì tại sao sau cơn bạo bệnh Lan Lan lại không muốn sống nữa? Lẽ nào là bởi vì anh cả tôi không chịu đến bệnh viện khiến cho Lan Lan tổn thương? Khả năng này không lớn, mọi người ai ai cũng có thể nhận thấy Lan Lan không hề yêu mến anh cả tôi, làm sao cô có thể để tâm đến một người mà mình không thích được cơ chứ?
Bác sĩ Thường bảo tôi nghĩ cách tìm hiểu thân thế của Lan Lan và cả những vấn đề đã xảy ra giữa anh cả và cô ấy. Mà cả bác sĩ Kim Nhất Thủ và bác sĩ Thường đều có nhắc đến cơ thể của Lan Lan, rốt cuộc cơ thể của Lan Lan bị làm sao?
Bác sĩ Thường và Kim Nhất Thủ lúc kiểm tra cho Lan Lan đã phát hiện ra điều gì mà họ đều tỏ thái độ bất mãn như vậy đối với anh cả tôi? Anh cả rốt cuộc đã làm gì Lan Lan rồi? Rất có thể đây chính là điều mà bác sĩ Thường muốn tìm hiểu.
Muốn biết được những chuyện này bắt buộc phải khiến cho Lan Lan chịu mở miệng. Nhưng đây lại là những chuyện riêng tư trong quan hệ nam nữ, làm sao Lan Lan có thể hé răng với người ngoài được?
Cho dù có khó đến mấy cũng phải làm cho bằng được. Để cho bệnh tình của Lan Lan có chuyển biến tốt, biết rõ là chuyện không thể nhưng tôi vẫn kiên quyết làm cho bằng được. Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định sẽ làm rõ thân thế của Lan Lan trước rồi tính sau.
Chẳng thể lấy được thông tin gì đáng giá từ mẹ. Mẹ cũng giống như tôi, chỉ biết rằng Lan Lan là do anh cả tôi bỏ tiền mua về, nghe nói cô ấy còn là con gái thành phố, còn về chuyện Lan Lan là người ở đâu, vì sao lại bị lừa bán đi thì chẳng ai biết. Mà người biết chuyện này ngoài bên buôn người đã sớm cao chạy xa bay thì chỉ có bản thân Lan Lan là người rõ nhất.
Nói thì dễ nhưng đến khi làm mới thấy khó khăn. Giờ Lan Lan nhất quyết không chịu mở miệng, đừng nói đến chuyện hỏi chuyện, ngay cả việc bảo cô ấy mở miệng uống chút nước cô ấy còn không chịu làm nữa là! Đời nào Lan Lan chịu mở miệng nói ra những trải nghiệm đau đớn của mình cho chúng tôi nghe?
Ngày thứ hai sau khi Lan Lan tỉnh lại, mẹ lo lắng bố ở nhà không biết tự chăm sóc bản thân, lại thêm chuyện anh hai nhất quyết không chịu vào bệnh viện cũng chẳng phải là điều hay ho gì nên mẹ đã bàn với tôi sẽ về nhà một chuyến, nhân tiện bảo bố gọi anh cả đến bệnh viện thăm Lan Lan. Trong nhà tôi, hai mẹ con tôi đều chẳng có tư cách gì nói anh cả, chỉ có bố tôi nói may ra anh cả mới chịu nghe.
Sau khi mẹ đi, chuyện chăm sóc Lan Lan dồn cả lên vai tôi. Tôi lấy thuốc men cho cả một ngày đặt sẵn lên bàn rồi ngồi xuống bên cạnh giường bệnh trông nom Lan Lan, ngay cả lúc Lan Lan ngủ say tôi cũng không dám rời đi.
Lúc Lan Lan tỉnh dậy, cô mở to đôi mắt vô hồn nhìn những bước tường trắng tinh trong phòng bệnh. Tôi không biết chị ấy đang nghĩ cái gì, nhưng tôi đoán chị ấy đang nhớ lại những hồi ức tươi đẹp trong quá khứ hoặc cũng có thể nghĩ rằng bản thân mình đang trong cơn ác mộng.
Mặc dù tôi ngồi bên cạnh suốt nhưng Lan Lan chẳng buồn nhìn tôi. Mỗi lần tôi dịu giọng khuyên nhủ cô cố gắng uống chút nước hoặc ăn chút gì đó, Lan Lan chỉ nhắm mắt ngoảnh đầu đi chỗ khác, một mực không chịu nói chuyện với tôi. Tôi cũng cố gắng hạn chế làm ồn bên tai Lan Lan, tôi không muốn làm phiền Lan Lan, giờ cô ấy không chỉ suy nhược cơ thể mà tinh thần cũng đang đứng bên bờ vực thẳm.
Cho dù Lan Lan ngủ thật hay là giả vờ ngủ vì không muốn đếm xỉa đến tôi, chỉ khi nào cô nhắm mắt lại thì tôi mới dám nhìn cô thật kĩ. Lan Lan nằm trên giường bệnh khuôn mặt trắng bệch và xanh xao, đôi mắt to đẹp lõm sâu xuống, đôi môi mọng đầy gợi cảm giờ cũng khô nứt nẻ, mái tóc nhung huyền rối rung lòa xòa trên ga giường trắng xóa. Trông Lan Lan bây giờ chẳng khác gì một thi thể xinh đẹp.
Nhìn cô gái trẻ chẳng có quan hệ gì với bản thân đang nằm trước mặt, trái tim tôi lại thấy nhoi nhói đau. Nỗi đau này rất có thể xuất phát từ lòng trắc ẩn hoặc cũng có thể còn có kèm theo cả một chút tình cảm yêu thương.
Lan Lan cứ không chịu ăn uống, cứ như thế này mãi e rằng không thể cầm cự được lâu. Để Lan Lan chịu mở miệng nói chuyện càng sớm càng tốt, để có thể kéo dài cuộc sống của Lan Lan, kể từ lúc Lan Lan tỉnh lại tôi đã bắt đầu vắt óc nghĩ cách làm sao để cô ấy chịu ăn. Mặc dù tôi biết khả năng này không lớn nhưng vẫn còn hơn là chưa thử mà đã bỏ cuộc.
Lúc Lan Lan “ngủ”, tôi lặng lẽ nhìn chai nước treo ở đầu giường, thứ duy nhất có thể duy trì mạng sống của Lan Lan lúc này, từng giọt từng giọt đi vào máu của cô, Lan Lan không hề phản ứng, có thể cô ấy chẳng còn sức lực mà phản ứng nữa. Đầu tôi chợt nảy ra một ý. Tôi xin cô y tá một ít bông gòn, chấm vào nước ấm, cẩn thận đưa lại gần đôi môi khô nứt của Lan Lan rồi nhẹ nhàng vắt miếng bông. Dòng nước trên miếng bông chảy xuống làn môi khô nứt của Lan Lan rồi trào cả ra ngoài, làm ướt khuôn mặt trắng bệch của cô.
Tôi vội vàng lấy bông khô lau sạch nước trên mặt Lan Lan, trong lòng lo lắng Lan Lan sẽ vì vậy mà giận mình. Len lén nhìn Lan Lan, phát hiện ra cô ấy không hề giận tôi, tôi như mở cờ trong bụng. Lan Lan không những không giận tôi mà đôi môi cô còn khe khẽ mấp máy. Tôi còn nhìn thấy hai hàng nước mắt lặng lẽ lăn ra từ khóe mắt cô.
Lan Lan đã chấp nhận tôi rồi! Mặc dù cô ấy chẳng nói gì với tôi nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng giữa sự sống và cái chết, cô đã lựa chọn sự sống.
Tôi vì thế mà phấn khích vô cùng, bàn tay cầm miếng bông gòn khẽ run rẩy. Tôi vội vàng thấm nước vào bông gòn rồi kề vào miệng Lan Lan, lòng mừng thầm khi nhìn thấy những giọt nước sinh mệnh đang thấm dần vào miệng cô.
Phương pháp này của tôi cuối cùng cũng khiến cho Lan Lan chịu “uống” nước, giúp cho cơ thể cô được bổ sung thêm nước, điều đó có nghĩa là cơ thể Lan Lan đã được tiếp thêm “máu”, lượng “máu” này không chỉ là “nước trường sinh” cứu vớt sinh mạng của Lan Lan mà còn là tâm huyết của tôi.
Cứ như vậy, tôi đã dùng những giọt nước nhỏ bé để “nói chuyện” với Lan Lan. Chúng tôi không nói chuyện bằng miệng, mà bằng trái tim trong sự im lặng……….
Mẹ đi đã mấy ngày mà không thấy quay trở lại, anh cả càng không thấy bóng dáng đâu. Tôi với Lan Lan ở bên nhau đã mấy ngày trời, Lan Lan có những biến chuyển khiến tôi vô cùng vui mừng. Cô ấy bắt đầu ăn uống, cũng bắt đầu chịu nói chuyện với tôi.
Lan Lan không nói nhiều, thường chỉ nói “cám ơn” sau mỗi lần tôi bón nước, bón cơm hay cho cô uống thuốc. Cô nói rất nhỏ, cũng không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi có thể nhìn thấy trong ánh mắt né tránh ấy còn có một chút ngại ngùng khó mà phát hiện ra.
Lan Lan chịu ăn uống nên khí sắc tốt lên nhanh chóng, khuôn mặt trắng bệch của cô từ từ hồng hào trở lại, tinh thần cũng khá lên rất nhiều. Nhìn thấy tôi ở bên trông nom chẳng rời cô nấy nửa bước, Lan Lan thường gật đầu hoặc mỉm cười cảm kích với tôi. Nụ cười của cô thật hiếm có. Những nụ cười rạng rỡ đến mê người tôi chưa từng nhìn thấy kể từ khi Lan Lan bước vào nhà tôi.
Chỉ có điều, mỗi khi đi ngủ, Lan Lan vẫn thường rên la đầy sợ hãi, trán lấm tấm mồ hôi, luôn miệng lẩm bẩm: “Đừng…đừng mà”. Mỗi lần Lan Lan giật mình bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng, tôi lại không kìm được lòng ôm chặt lấy cô, nhẹ nhàng vuốt vuốt mái tóc dài để an ủi, để cho Lan Lan thỏa sức nức nở trong lòng mình.
Mỗi lần như vậy trong lòng tôi lại thấy rất mâu thuẫn và bất an. Người đáng nhẽ ra phải an ủi và chăm sóc cho Lan Lan là anh cả chứ không phải tôi, tôi không biết bản thân mình làm vậy là đúng hay sao, làm như vậy có có lỗi với anh cả hay không? Thế nhưng tình cảnh trước mặt khiến cho tôi không thể chối từ, càng không đành lòng bỏ mặc. Lan Lan lúc đó chẳng khác gì một con chim nhỏ đang hoảng loạn, cô ấy rất cần có hơi ấm và sự yêu thương, cái mà anh cả không hề mang lại cho cô.
Mấy ngày sau, cuối cùng mẹ cũng trở lại bệnh viện. Mẹ đưa cho tôi mấy nghìn tệ để lo liệu chuyện của Lan Lan. Nhìn thấy tình trạng của Lan Lan đã có chuyển biến tốt, mẹ cũng yên tâm đôi chút. Mẹ nói bố tuổi cao sức yếu đi lại không tiện, lại thêm chuyện không vui hôm trung thu nên bố cũng vì tức khí mà đổ bệnh rồi.
Bố tôi hiện giờ ở nhà cũng cần có người chăm sóc, mẹ ăn cơm trưa qua loa xong là phải quay về. Trước khi đi mẹ còn đến bên giường bệnh của Lan Lan, nhẹ nhàng an ủi và động viên chị. Trải qua cơn bạo bệnh này, Lan Lan cũng bắt đầu thay đổi thái độ với mẹ tôi. Lúc mẹ nói cô rất chăm chú lắng nghe, mẹ nói xong còn gật đầu mỉm cười. Trước khi mẹ ra khỏi phòng bệnh còn thân mật gọi bà là “bác”. Nghe thấy Lan Lan gọi mình là “bác”, mẹ tôi ngây người ngạc nhiên rồi vui mừng mỉm cười với Lan Lan: -Con gái à, cố gắng dưỡng bệnh cho tốt, bác ở nhà đợi con về nhé!
Câu nói này của mẹ đã chọc đúng vào vết thương của Lan Lan, tôi nhận thấy mặt Lan Lan đột nhiên biến sắc, nụ cười trên môi lập tức vụt tắt. Lan Lan không đáp lời mẹ mà chỉ lặng lẽ cúi đầu.
Thấy tình hình có vẻ không ổn, tôi liền vội vàng đẩy mẹ ra ngoài cửa, ra hiệu bảo mẹ hãy về đi. Ra khỏi cổng bệnh viện, tôi tiễn mẹ ra tận bến xe. Mẹ kéo tôi sang một bên nói khẽ: -Kim An này, anh trai con kể từ hôm chị dâu nhập viện cũng chẳng thèm về nhà, nhờ người báo tin cho nó nó cũng chẳng đến bệnh viện. Mẹ vừa lo bệnh của chị dâu con không thể chữa khỏi, lại lo nhỡ chị dâu con biến mất rồi thì không biết ăn nói ra sao với anh cả con. Nói thực lòng để con ở bệnh viện trông nom chị dâu mẹ không thể yên tâm, thế nhưng mẹ chẳng thể đi đâu được. Thấy chị dâu con đang khá dần lên, con nhất định phải để mắt đến chị, đừng để chị chạy mất đấy!- nói rồi mẹ liền giục tôi quay lại bệnh viện, còn bà thì buồn bã ra về.
Tôi rất khó chịu với những lời mẹ nói, thế nhưng nghĩ kĩ lại tôi lại thấy những điều mẹ nói không phải là không có lí. Lan Lan mà muốn bỏ trốn thì bỏ trốn ở đây dễ hơn ở nhà nhiều. Nếu như chị ấy thực sự bỏ trốn khỏi bệnh viện trước mắt tôi thì không biết anh trai tôi sẽ xử lí tôi ra sao nữa? Tôi đột nhiên lại thấy việc mình ở lại bệnh viện chăm sóc Lan Lan chẳng khác gì là người giám sát. Tôi vội vàng quay trở lại phòng bệnh, nhìn thấy Lan Lan vẫn còn nằm trên giường bệnh mới thở phào nhẹ nhõm.
Sức khỏe của Lan Lan đã từ từ bình phục, tinh thần cũng có biến chuyển tốt, thế nhưng cô vẫn thường ngồi ngẩn ngơ một mình. Sau mấy ngày quan sát Lan Lan, bác sĩ Thường liền gọi tôi đến nói chuyện: -Chàng trai, chuyện tôi giao cho cậu cậu đã làm xong chưa? Không phải tôi hù dọa cậu đâu nhưng chính mắt cậu cũng nhìn thấy rồi đấy, chị dâu của cậu không được bình thường. Để điều trị bệnh của cô ấy, hiện giờ tôi phải căn cứ trên những thông tin mà cậu tìm hiểu được để kê đơn cho thích hợp, nếu không đợi chị dâu cậu ra viện rồi sẽ để lại di chứng về thần kinh.
Tôi biết là bác sĩ Thường không hề hù dọa mình. Lan Lan rõ ràng là không được bình thường. Gần như đêm nào cô ấy cũng nằm mơ thấy ác mộng, mỗi lần tỉnh lại sau cơn mơ toàn thân đều run rẩy, răng nghiến vào nhau kèn kẹt, bộ dạng rất đáng sợ. Còn nữa, mỗi khi thức giấc cô rất hay ngồi ngơ ngẩn, ánh mắt đờ đẫn, cho dù miệng vẫn mỉm cười nhưng nụ cười thật kì lạ. Tinh thần của Lan Lan rất không ổn định, trong phòng chỉ cần có một tiếng động lạ là cô đã thấy hoảng hốt lên rồi. Lan Lan yếu đuối và mong manh như một cái bình thủy tinh, chỉ cần một chút sơ ý cũng khiến cho cô vỡ vụn.
Chuyện bác sĩ Thường căn dặn phải làm tôi vẫn chưa thực hiện được, mà tôi cũng chẳng biết hỏi Lan Lan bằng cách nào. Tôi không sợ Lan Lan không chịu nói mà sợ cô ấy sẽ bị kích thích. Với tình trạng của Lan Lan hiện giờ tôi không thể không cân nhắc kĩ càng.
Thấy tôi cúi đầu không nói năng gì, bác sĩ Thường liền thở dài: -Chàng trai này, tôi biết cậu rất khó xử, hơn nữa chuyện này bệnh nhân cũng chẳng chịu mở miệng nói. Là một bác sĩ, tôi phải có trách nhiệm với bệnh nhân của mình, điều gì cần phải nói tôi đều nói với cậu hết rồi. Chỉ có điều, chuyện này đối với cậu chẳng có sự lựa còn nào cả, nếu như cậu không lo rằng bệnh tình của chị dâu cậu sẽ để lại di chứng sau này thì vài hôm nữa là chị dâu cậu có thể xuất viện được rồi- nói rồi ông đứng dậy khoát tay: -Tôi đang bận, nếu không có chuyện gì khác thì cậu có thể đi được rồi!
Tôi đứng yên bất động, vội vàng nói: -Bác sĩ, cháu tin những gì bác sĩ nói, cũng biết bác sĩ có cách để chữa trị cho chị dâu cháu, xin bác sĩ đừng từ bỏ, cháu sẽ nhanh chóng tìm cách tìm hiểu tình cảnh của chị dâu cháu ạ!
Nghe tôi nói vậy bác sĩ Thường liền ngồi xuống, vẻ mặt nghiêm nghị nhìn tôi: -Chàng trai, ai cũng có thể nhận ra cậu rất thích chị dâu của mình, tôi nghĩ cậu chắc cũng không muốn để chị dâu mình bị di chứng sau này! Giờ cậu đã nói đến như vậy tôi với tư cách là một bác sĩ cũng nói thẳng để cho cậu biết, tôi chỉ có thể cố gắng hết sức chữa trị cho chị dâu cậu, nhưng tôi không dám đảm bảo có thể trị khỏi một trăm phần trăm cho cô ấy, bởi vì tình trạng của chị dâu cậu hiện giờ không còn là bệnh trên cơ thể nữa mà là bệnh trong tư tưởng, nói cách khác chính là tâm bệnh.
-Tâm bệnh?- tôi mơ hồ gật đầu.
-Phần lớn những người mắc tâm bệnh đều là vì bị gặp phải cú sốc quá lớn mà người thường không thể nào cảm nhận được.
Những người phải chịu những kích thích quá dữ dội thế này thường rơi vào trạng thái trầm uất, tâm trạng luôn luôn khủng hoảng và lo sợ. Lâu dần sẽ hình thành nên chứng rối loạn thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể gây ra những vấn đề bất thường về thần kinh. Nếu để lâu không điều trị sẽ phát triển thành căn bệnh tâm thần. Chị dâu cậu là loại người hướng nội nhưng bản thân cô ấy là người thông minh, vì vậy những dấu hiệu hiện giờ cho thấy chị cậu đang bị rối loạn tâm thần gián đoạn. Mà chứng rối loạn này không có thuốc nào điều trị được, bắt buộc phải dùng một phương pháp điều trị đặc biệt…
-Phương pháp gì vậy?- tôi sốt ruột hỏi.
Bác sĩ Thường tiếp tục giải thích: -Tục ngữ nói, muốn chữa tâm bệnh phải có tâm dược, muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông. Bệnh của chị cậu cần điều trị bằng phương pháp tâm lí, điều trị tâm lí cũng cần có thuốc mới có hiệu quả được, chỉ có điều loại thuốc này rất khó kiếm!
Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên: -Thuốc gì mà khó kiếm thế ạ, lẽ nào nó quá quý hiếm?
Bác sĩ Thường khẽ mỉm cười, chậm rãi trả lời: -Loại thuốc này có dùng bao nhiêu tiền cũng chẳng mua được!
-Thế rốt cuộc nó là thuốc gì ạ?
-Tâm dược.
Tôi giật mình kinh ngạc, bác sĩ Thường điều trị cho Lan Lan bằng phương pháp tâm lí, đương nhiên cần phải cho cô ấy sử dụng tâm sược. Mà ông ấy lại bảo tôi phải nghĩ cách làm rõ những chuyện đó, không chỉ là đi tìm nguồn gốc căn bệnh của Lan Lan mà cũng là tìm “thuốc dẫn” để cho bác sĩ nhìn bệnh mà bốc thuốc.
Trải qua một thời gian điều dưỡng, Lan Lan đã có thể xuống giường đi lại, việc ăn uống và sinh hoạt hằng ngày Lan Lan cũng có thể tự làm được rồi. Thế nhưng Lan Lan vẫn có thói quen nằm trên giường để tôi mang cơm đến bón cho cô ăn. Đương nhiên là tôi cũng rất sẵn sàng chăm lo cho cô.
Ở cạnh nhau lâu như vậy tôi mới phát hiện ra Lan Lan không phải là một cô gái lạnh lùng. Trước mặt tôi cô luôn tỏ ra ngoan ngoãn, hiền lành, ngoan ngoãn giống hệt như một con cừu non vậy. Nhìn thấy bộ dạng đáng yêu của Lan Lan, trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng ngọt ngào.
Lan Lan bắt đầu chủ động nói chuyện với tôi, chỉ có điều vấn đề nói chuyện chẳng ăn nhập với nhau khiến cho đầu tôi cứ rối tung cả lên. Lan Lan vẫn rên la trong những giấc mộng, dường như cô ấy đã gặp phải chuyện gì khủng khiếp lắm. Điều này càng khiến tôi tin vào những điều mà bác sĩ Thường nói, nếu như không cố gắng tìm ra nguồn căn sự việc thì không thể nào điều trị triệt để căn bệnh tinh thần của cô được.
Bởi vì biết Lan Lan vẫn còn rất yếu nên mỗi khi nói chuyện với cô, tôi rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, chỉ lo mình nhỡ miệng gây tổn thương cho cô. Thế nhưng chẳng có lúc nào tôi quên được lời dặn dò của bác sĩ Thường, cũng chẳng có lúc nào là tôi không tìm cơ hội để khiến Lan Lan nói ra cảnh ngộ và thân phận của mình.
Hôm nay, ngoài trời mặt trời vô cùng rực rỡ. Lan Lan nói với tôi muốn ra vườn hoa ngồi, đã hơn nửa tháng rồi cô không nhìn thấy thế giới bên ngoài.
Tôi cẩn thận dìu Lan Lan ra ngoài vườn hoa. Ánh nắng mặt trời rực rỡ trên đầu, những cơn gió man mát thổi qua khiến cho người ta cảm thấy thật dễ chịu. Hôm nay tâm trạng của Lan Lan rất tốt, nói chuyện hình như cũng không lộn xộn như mọi khi. Nếu như cứ ở bên cạnh cô như thế này, tôi tin chắc rằng mình không thẻ coi chị là một bệnh nhân được.
Lan Lan cũng thích ánh mặt trời như người bình thường, thích những bông hoa nhỏ xíu tô điểm vườn hoa. Cô kéo tay tôi đi khắp vườn hoa, miệng không ngừng giải thích cho tôi về những loài hoa như một nhà sinh vật học thứ thiệt. Lan Lan biết rất rõ các loài hoa, tập tính và nơi xuất xứ của chúng.
-Tôi thích nhất là hoa lan, trong phòng của tôi có đặt một chậu hoa phong lan, nó còn nở hoa cơ đấy. Không biết hiện giờ nó ra sao rồi?- Lan Lan đến bên một chậu hoa lan, vẻ mặt buồn bã nói.
-Hóa ra chị lại biết nhiều về hoa như vậy. Em còn nghe nói trong các loài hoa, hoa lan là khó nuôi nhất. Loài hoa này đòi hỏi rất cao về điều kiện khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm. Tên của chị là Lan Lan, mà chị lại thích nhất hoa lan, chắc chắn nhà chị là nơi thích hợp để cho loài hoa lan sinh trưởng rồi!
Tôi vừa hỏi dò vừa lén quan sát sắc mặt của Lan Lan, đây là cơ hội tốt nhất để tìm hiểu về thân thế của cô.
Lan Lan dường như không nghe thấy những gì tôi nói, ánh mắt thất thần nhìn vào chậu hoa lan trước mặt. Tôi biết cô đang nhớ lại những ngày tháng vui vẻ bên người thân trong gia đình.
-Nó chết rồi, nó bị hắn ta hại chết rồi………- Lan Lan vẫn lẩm bẩm một mình.
-Chị không có ở nhà chắc chắn mẹ chị sẽ thay chị chăm sóc chậu hoa lan, hơn nữa sẽ có một ngày chị quay trở về, đến lúc đó chị có thể nhìn thấy nó rồi!- tôi ở bên an ủi.
Chẳng ngờ câu nói này của tôi lại phản tác dụng. Nghe thấy tôi nói vậy Lan Lan tỏ ra vô cùng kích động, cô gào lên: -Nó đã chết rồi, tôi cũng chẳng thể quay về được nữa!- nói rồi bị bưng mặt khóc nức nở.
Tôi hốt hoảng ôm chặt lấy Lan Lan mà không biết an ủi thế nào. Cứ tưởng có thể thông qua hoa lan để tìm hiểu tình hình gia đình của Lan Lan, từng bước lần ra nhà cô ở đâu, tại sao lại bị lừa bán đi. Thế mà kết quả lại chỉ vì một câu an ủi mà khiến cho Lan Lan rơi vào trạng thái kích động, thế là một cơ hội tốt tan tành mây khói, giờ còn phải nghĩ cách để làm cho Lan Lan bình tĩnh lại.
Lan Lan khóc nức nở trong vòng tay tôi, hai con mắt sưng đỏ lên. Tôi kiên nhẫn chờ đợi đến khi tiếng khóc dứt mới dìu cô ngồi lên cái ghế trong vườn hoa
-Xin lỗi, tại em nói sai rồi!- tôi xin lỗi Lan Lan, nào ngờ cô ấy lại nhìn tôi đầy áy náy, dường như định nói gì với tôi nên đôi môi cô khẽ mấp máy, nhưng chẳng nói được thành lời.
Lan Lan từ từ bình tĩnh lại, tôi lấy hết dũng khí để hỏi cô: -Chị đi đã lâu như vậy rồi, trong nhà chắc đang lo lắng cho chị lắm. Có khi họ còn đang nháo nhác đi tìm chị cũng nên! Chị có thể nói cho em biết nhà chị ở đâu không? Biết đâu em lại giúp gì được cho chị….
Những điều tôi nói đều là thực lòng, nếu như Lan Lan chịu nói nhà chị ở đâu, bố mẹ chị là ai thì có lẽ tôi sẽ tìm cách thông báo cho người nhà của chị, nói cho họ biết hoàn cảnh của Lan Lan hiện giờ, bảo họ mau đến giải cứu cho chị.
Thật chẳng ngờ suy nghĩ bán đứng anh cả để giúp đỡ Lan Lan chạy trốn lại lần nữa phản tác dụng. Lan Lan gần như gào lên với tôi: -Đừng, đừng giúp tôi về nhà! Tôi vốn không có nhà, không có bố mẹ, họ đã chết từ lâu rồi, giờ tôi chẳng còn gì nữa rồi!- nói rồi những giọt nước mắt lại tuôn ra hối hả như mưa. Trên mặt Lan Lan lúc này ngoài nước mắt còn có cả những nỗi đau đớn và khiếp sợ.
Tôi hoàn toàn bế tắc trước những phản ứng của Lan Lan, sự mâu thuẫn trong câu trước câu sau của Lan Lan càng khiến cho tôi cảm thấy kinh ngạc, rõ ràng ban nãy cô ấy còn nhớ rõ rằng nhà mình có trồng hoa lan, thế mà giờ cô ấy lại bảo mình hoàn toàn chẳng có gia đình, còn nói bố mẹ đã mất từ lâu, lẽ nào Lan Lan là một đứa trẻ mồ côi đáng thương?
Với tình cảnh này thì càng hỏi chỉ càng thêm phiền phức, có lẽ tất cả những vấn đề mà tôi đề cập đến đều chạm vào nỗi đau của Lan Lan. Tôi biết không thể nào thu được những thông tin mà bác sĩ Thường muốn biết từ miệng Lan Lan nữa nên đành dỗ dàng cô ấy về phòng, bảo cô nằm xuống nghỉ ngơi một chút.
Có lẽ là vì ban nãy ở ngoài vườn hoa, tâm trạng của Lan Lan bị kích động quá mức, cũng có thể là do cô ấy đã cảm thấy mệt mỏi rồi nên vừa nằm xuống giường là Lan Lan ngủ luôn. Trên mặt Lan Lan lúc này vẫn còn vương lại những vệt nước mắt, dường như cô vừa nói về một khoảng thời gian đầy cay đắng không ai biết đến của mình.
Nhân lúc Lan Lan ngủ say, tôi len lén rời khỏi phòng bệnh đi tìm bác sĩ Thường: -Bác sĩ Thường, xem ra chuyện bác sĩ nhờ cháu khó mà làm được. Mỗi câu hỏi của cháu dường như đều khiến cho Lan Lan bị kích động. Cháu lo cứ hỏi nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến chị ấy. Những vấn đề mà bác sĩ muốn cháu hỏi chị ấy rất có thể khiến cho bệnh tình của chị ấy nặng thêm, cháu không đành lòng làm tổn thương chị ấy!- tôi bất lực nói với bac sĩ Thường tình hình của Lan Lan.
Tôi biết rõ ràng những lời mình vừa nói với bác sĩ Thường sẽ có kết quả gì, chắc chắn bác sĩ Thường sẽ vì vậy mà từ bỏ việc chữa trị cho Lan Lan. Nếu như không tìm hiểu được bệnh tình của bệnh nhân thì làm sao ông ấy có thể “bốc thuốc” được đây?
Tuy nhiên, điều khiến cho tôi ngạc nhiên là bác sĩ Thường không hề tức giận mà còn nói đầy tự tin: -Chàng trai, tôi còn chưa đánh trống lui sao cậu đã nản lòng rồi hả? Giác quan thứ sáu mách bảo tôi rằng cậu sắp đạt được cái mà cậu muốn rồi!
Những điều mà bác sĩ Thường nói càng khiến cho tôi mơ hồ, đầu óc tôi cứ quay cuồng với những câu hỏi không lời đáp. Thấy cái mặt tôi nghệt ra hệt thằng ngốc, bác sĩ Thường liền mỉm cười đầy bí ẩn, ghé vào tai tôi thì thầm vài câu. Chỉ nghe thấy vậy tim tôi cũng suýt nhảy ra ngoài.
Tôi chưa tìm được đáp án cho câu đố về thân phận của Lan Lan, thế nên bác sĩ Thường đã nói cho tôi một điều bí mật không ai có thể ngờ tới ……..