Chương 11
NHỮNG TRÁI TÁO CỦA PHÙ THỦY

Trái táo đầu tiên rụng vào tay Lụa, cô tiếp nhận phép mầu của người bạn gái mình qua một bức thư đóng dấu bưu điện Lâm Ðồng, ngoài ra còn một ngân phiếu chuyển tiền đứng tên cô trong tài khoảng ngân hàng Nông nghiệp thành phố.
Ðọc lá thư của người bạn gái thân thiết, Lụa rưng rưng nước mắt:
- “Có thể nào mày lại hứng chịu sự khốc liệt đến như thế sao Len? Sự đánh đổi mà mày tưởng là công bằng đó không cân xứng đâu. Cái lớn lao và thiêng liêng nhất trong đời con gái tụi mình là trinh tiết, vậy mà mày dửng dưng như không, mày cắn răng dựng lại cuốn phim tục tĩu kia để có thể yêu sách người đàn ông bụng phệ đã tước đoạt đời mày. Chúa ơi, tại sao mày chỉ tin ông Ala thôi mà không tin Chúa và Ðức Mẹ, tại sao mày lại cuồng tín trong cách lập thân như thế, biệt thự xe hơi để làm gì, con Nhung cũng có hết trong tay mà nó cô đơn như không có. tao chẳg thể nào hiểu nổi sự ngông cuồng của mày được, vừa rồi mày có đọc tin trên báo không Len? Ba má mày đã từ bỏ mày bằng một dòng tin dễ ợt, trong mục Từ Con đó Len, tao không dám đọc hết những dòng chữ chua xót đó, nhưng nếu tao kể lại với mày bây giờ thì cũng thật vô ích. Không việc gì mày không dám làm. Cái giá của tự do cá nhân mà mày săn đuổi quá dắt. Tao chưa đến nỗi thiếu thốn để nhận tiền mày, có một ngày mày sẽ dùng đến nó. Cầu mong phép lạ đến với tâm hồn mày, không có biệt thự Hoa Tường Vi nào sang trọng bằng hoa mười giờ trên đường đi đến lớp học của hai đứa mình đâu. Tao tin rằng Thượng Ðế sẽ hướng dẫn cho mày một lối thoát...”.
Lụa đã kết thúc lá thư hồi âm cho Len bằng nội dung như vậy. Cô khồng hề biết rằng Thượng Ðế đã sử dụng phép lạ và đã hướng dẫn cho Len một lối thoát. Ba trăm sáu mươi lăm ngày cô Cám của Len đã rùng mình biến thành ba trăm sáu mươi lăm ngày cô Tấm. Len đang ôm trong tay trái tim chàng chăn cừu trong truyện “Những vì sao” cuả Daudet, chàng chăn cừu có tên Việt Nam là Nguyễn Hoàng Ðế. Chỉ còn Lụa? Cô lo sợ cho bạn mà không hay bi kịch sắp xảy ra cho mình. Cô bé lọ lem của chúng ta chưa biết được điềm báo của trái-táo-phù-thủy. Trong truyện cổ tích, trái táo của Phù Thủy chứa đầy độc dược. Cô phải ghé răng cắn vào nó.
Lụa cắn vào lúc cô vừa mười tám tuổi, người đàn bà cô thương mến nhất trên đời bỏ gánh bún riêu xuống đất là ngã vật ra. Lụa bỏ mặc tô chén bị vỡ tung tóe trên nền nhà để ôm chặt mẹ.
- Má ơi má, má sao vậy má?
Bà mẹ thều thào, bà đã kiệt sức.
- Ðỡ má lên giường đi Gái.
Lụa phải vất vả lắm mới xốc được bà nằm ngay ngắn trên giường. Lúc ấy hàng xóm bắt đầu chạy qua. Bà Tư hỏi thăm trước tiên:
- Má con xỉu hả Gái?
- Dạ.
- Lụa trả lời trong tiếng nấc, không có ai bên cạnh cô ngoài những người láng giềng tốt bụng này. ông Tư đã nhanh chóng gọi điện thoại kêu ngay bác sĩ. Chú Hai thợ hồ lục túi áo mẹ cô, trong khi các em nhỏ lo quét dọn những tô chén đổ bể, mắt người đàn bà vẫn nhắm nghiền, bà thở hắt ra khó nhọc. Chú Hai bật ngửa ra ghế khi giơ lên ánh sáng ban ngày một tờ giấy vàng ố, nói đúng ra là một toa khám bệnh của bệnh viện. Chú đọc lớn cho mọi người có mặt nghe: “Bà Phan Thị... bị ung thư máu thời cuối, đã khám và đề nghị đặc trị, thuốc gồm... hẹn tái khám vào ngày... tháng... năm...”
Chú Hai ngó lên tờ lịch, đúng hôm nay là ngày tái khám, đối với Bệnh viện này hai chữ “tái khám” có nghĩa là không bao giờ còn cơ hội khám nữa. họ đã tiên báo trước với bà về ngày chết, một cái chết chỉ mình bà biết trước nữa mà thôi.
- Vậy mà má vẫn bán bún riêu nuôi con, má ơi, tội nghiệp má tôi quá.
Lụa gào lên thất thanh, cô ôm lấy mặt má mà hôn, khuôn mặt đã bắt đầu lạnh dần, những giọt lệ cô rơi xuống làm làn da xanh mét kia hồi sinh trở lại. Người đàn bà mở lớn mắt lần cuối, bà lắp bắp không thành tiếng:
- Lụa... Lụa đó... hả... con?
- Dạ, dạ, con đây má.
Giọng người mẹ đột nhiên tỉnh táo lạ kỳ:
- Ðừng sợ Gái, đừng khóc nữa con.
Lụa vẫn khóc, cô tức tưởi, cô run rẩy như một con thằn lằn bị chặt đứt phần đuôi.
- Má ơi, đừng bỏ con.
- Má... không bỏ... con... đâu, má sẽ... cùng ba phù hộ... cho con... này Gái... ơi!
- Má đừng nói nữa. Chúa ơi, hãy cứu lấy má con, con quỳ lạy Người...
- Lụa!
- Dạ.
Lụa cảm thấy má cô đang trăn trối những lời cuối cùng, bà Tư đẩy sát vành tai Lụa sát miệng của má, mái tóc của cô phủ gần hết khuôn mặt mẹ mình.
- Cái cậu... gì hôm đó... tính tốt nghen con, má... muốn...
Mắt bà bỗng đứng lại hẳn, nó không còn một chút tinh anh, nó sáng rực một lần rồi khép vào vĩnh viễn, Lụa thấy trời đất tối sầm, cô không biết gì nữa cả.
Có tiếng gõ cửa dù cửa vẫn mở, ông Tư đã dẫn bác sĩ đến. Người thầy thuốc sau khi vạch mí mắt bà đã đi đến kết luận:
- Bà chết vì ung thư máu, đấy là một bện gần như bất trị, y học chưa tìm ra một loại thuốc đặc biệt nào.
Vị bác sĩ buồn rầu nhìn cô gái đang nằm ngất bên chiếc chiếu cạnh giường mẹ, ông ta gục đầu xuống.
- Cô bé xinh xắn quá, thế mà sớm mồ côi cha mẹ.
Vị bác sĩ từ giã ra về, không khí u uất như xảy ra hai đám tang một lúc. Mọi người đang làm thay công việc cho Lụa. Cô vẫn còn hôn mê. Lụa chỉ tỉnh dậy sau khi nhà đòn khiêng quan tài đến. Và cô ngất đi một lần nữa lúc nắp hòm đã khâm liệm người đàn bà yêu dấu nhất đời cô.
Suốt thời gian trước, trong và sau khi chôn cất mẹ, người Lụa bừng bừng như lên cơn sốt, cô không thể đi đâu được và không thể báo tin cho ai biết được, số tiền mà Len gửi tặng đã được chú Hai lên ngân hàng lãnh giùm. Nó được dành hết cho lễ mai táng và xây phần mộ mẹ cô.
Ðúng ba ngày sau khi mẹ mất, Lụa ngửa mặt lên bàn thờ cầu nguyện:
- Hãy cho con được gặp má lần nữa, nếu Thượng Ðế có thật, hãy giúp con.
Hai ngọn nến bừng dữ dội rồi bỗng dưng tắt ngúm. Ðêm ấy, một người đàn bà mặc áo dài trắng đến bên giấc mơ Lụa, cô không hề sợ hãi, bởi toàn thân trắng toát của má tinh khiết như pha lê, nó không có một chút gì ma quái. Má sờ lên trán cô, cô mở mắt nhưng kêu lên không được. Tiếng má nói văng vẳng “Một người đàn ông sẽ dính líu vào đời con không gỡ ra được, chàng sẽ che chở bảo vệ con thay cho ba má. Con sẽ gặp người đàn ông đó nửa tháng tới, hãy tin má nói”. Người đàn bà nói xong rồi tan biến vào hư không, Lụa giãy dụa chồm lên để ôm chặt hình bóng đang nhòa dần, và lần này cô mở mắt thật sự, cô thấy bàn tay mình đẫm ướt sương đêm. Cô nấc lên và khóc oà...
Ðúng mười lăm ngày sau Vương ghé đến. Anh đã phải quần thảo trong gần nửa tháng trong chuyến đi bốc xếp ở Bến Tre, ngày thứ mười bốn anh nghe trái tim mình lạnh ngắt, sờ tay lên ngực anh có cảm tưởng nó không còn đập nữa. Ban đêm sóng Hàm Luông vỗ vào mạn ghe chòng chành, có một cái gì bứt rứt đến đọ Vương phải thức trắng cả đêm.
Anh vỗ vai người bảo vệ:
- Ngủ đi, tôi canh ghe đường cho.
Hai kẻ áp tải hàng cám ơn rối rít, họ để lại cho anh nguyên một bao thuốc. Khi hút đến điếu thứ mười chín, Vương nghe hình như bên tai có tiếng gọi, sau đó là tiếng khóc, và sau đó im bặt. Sau khi quan sát chung quanh mạn ghe, Vương thả thân thể mình ngồi tréo giò theo nghệ thuật an thần của Yoga, vô ích, những tiếng động lúc nãy được lập lại, anh đổ mồ hôi khi khám phá tiếng khóc vừa rồi giống như tiếng hờn trách của Lụa, có một cái gì vướng ngang mặt như một con nhện giữa trời sa, Vương đưa tay gỡ xuống, trời ơi, một sợi tóc hoa râm.
Anh gầm lên ngay trước cửa sông.
- Má của em mất.
Anh chui vào mui lay hai người bảo vệ dậy:
- Dậy mau các ông, trời sắp sáng rồi, tôi có chuyện phải lên bờ, đừng đợi tôi, cứ cho ghe chạy...
Vương vỗ đùi phóng vọt lên tấm ván gỗ gác lên lườn ghe. Anh bay bổng lên bờ. Anh chạy như ma đuổi ra một chỗ có thể tìm xe đi Sài Gòn ngay lập tức.
Một chiếc xe quân đội đang lao qua mặt anh. Vương bám lấy thành xe trống không đu mình sang hông cửa buồng lái, anh nói lơn với người hạ sĩ:
- Cho tôi quá giang về Sài Gòn gấp, sẽ hậu tạ.
Người tài xế gật đầu, anh ta đang gắn một điếu thuốc trên môi theo phong cách những tài tử trinh thám.
- Ðược, bạn phải là một tay găng-xtơ có hạng mới dám đeo nổi xe tôi với tốc độ này. Mời vào làm quen luôn.
Bảy giờ sáng anh bước vào nhà Lụa, những đứa bé chơi u ngày nào xúm xít chật nhà. Lụa nhìn anh khóc ròng. Nhũng đứa bé hiểu ý chuồn mất. Vương đứng trước ảnh người mẹ Ðông Phương đôn hậu. Ôi, lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, không còn dịp để cho hai bà mẹ của anh và của Lụa gặp nhau.
Lụa ngưng khóc nhưng phải một thời gian thật lâu, cô mới nói được:
- Cám ơn anh.
- Em nín đi, khóc trông như con nít.
Lụa vẫn tức tưởi:
- Em còn con nít mà.
- Anh nói em nín đi.
Lụa tự nhiên líu lưỡi, cô không dám rơi nước mắt nữa dù là chỉ thút thít, cô tự hiểu rằng đây là người sẽ thay thế má cô.
- Em không còn ai khác ngoài anh.
- Anh biết.
- Em chỉ khóc trước mặt anh.
- Anh biết.
- Em sẽ theo ý anh, không khóc nữa.
- Vậy là ngoan lắm, bây giờ anh hỏi thật, em có đọc báo về hiện tượng Giuna không?
- Có, cô ấy là người Nga, chữa bịnh bằng trường-sinh-học.
- Anh đã nghe một Giuna khóc ba giờ sáng như thế, anh đã nhặt một sợi tóc...
Vương không nói tiếp vì Lụa chẳng hề ngạc nhiên chút nào, cô buột miệng:
- Má em đã tiên liệu điều đó.
- Anh đã thấy.
- Má em đã xuất hiện trước mặt anh?
- Không, nhưng...
-...
- Em có tin rằng có thần giao cách cảm hay không?
- Có quá đi chứ.
- Như vậy là Emily Bronteé nói thật sao?
- Anh định nói gì?
- Ðỉnh Gió Hú, anh nghe có tiếng vọng...
- Anh còn tỉnh táo không Vương?
- Anh còn sợi tóc hoa râm, tất cả đều có thật...
-...
- Má em đã giao em cho anh.
- Dạ.
- Em lệ thuộc anh hoàn toàn.
- Dạ.
- Nhưng em không phải là nô tỳ, em là bà chủ của anh.
- Anh nói...
- Anh nói như đinh đóng cột, không có em, anh chẳng thể làm thơ được nữa.
- Trời ơi!
- Vì anh tin ở nỗ lực của loài người, anh từ chối sức mạnh của thần quyền, anh muốn nuôi dưỡng ái tình một cách độc lập.
- Bằng nghề bốc xếp cực khổ của anh sao?
- Bằng bất cứ nghề gì, miễn là chúng ta lương thiện.
3.
Trái táo thứ hai rụng vào tay Nhung. Nàng uống nguyên một vỉ ký ninh để tìm đến cái chết nhưng thất bại. Người nhà đã đưa Nhung đến Trung tâm cấp cứu Thành phố, nàng đã được rửa ruột và nằm trong phòng hồi sức.
Trái táo cuối thế kỷ 20 không tẩm thuốc mê như trái táo cổ tích, nó đẫm ướt những giọt nước mắt, nó như một mũi dao lách len lỏi vào cơ thể con người, nó không làm cho Nhung biến thành Công Chúa ngủ ngàn năm trong rừng.
Bởi vì rằng gia đình Nhung bị phá sản hoàn toàn. Bởi vì rằng hai người anh của Nhung dang vịn song sắt xà lim trong một cuộc đua xe cán chết nguời ở xa lộ. Rằng người anh thứ ba hiện đang ở một hòn đảo lầm than nào đó thuộc Malaysia trong chuyến vượt biên thảm khốc. Rằng cha nàng đang bị thẩm vấn liên tục vì một cuộc điều tra quy mô của Công an kinh tế. Rằng mẹ nàng đang trốn chui trốn nhủi vì một giây hụi chụp giựt lên đến hàng chục tỷ mà chính bà là chủ đường giây. Rằng chú Tám của nàng đang cùng số phận với hai người anh nàng, có điều tội danh bẩn thỉu hơn: lợi dụng danh nghĩa Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Xuyên Ðại Dương để tham ô hủ hóa, ông ta tham ô bằng cách quỵt tiền huy động vốn của nhiều người, hủ hóa bằng cách ngủ bới bất cứ nhân viên nữ nào mới tuyển dụng, hàng xấp đơn tố cáo về ông ta của hàng chục cô gái đã làm cho bà vợ ông ta phải nằm nhà thương điên.
Nhung không còn biện pháp nào tốt hơn là những viên ký ninh chống sốt rét. Nàng muốn được biết nhanh chóng kiếp sau của mình. Cũng may là nàng không biết gì về những cuộn băng video bị đập nát của Len, nếu biết thì có lẽ nàng đã đập đầu vào tường. Nàng không nghĩ rằng chú Tám phương phi nhân hậu kia lại là một ông chủ động trá hình, một người đã cả gan xúc phạm đến trinh tiết những cô gái bằng tuổi nàng như thế.
Nhung tỉnh lại trong phòng hồi sức. Người quản gia trung tín vẫn đứng ở đầu giường. Nhung rơi nước mắt.
- Sao tôi không chết đi.
Người quản gia trấn an nàng:
- Cô rất xinh đẹp và bé bỏng, cô không bao giờ chết được.
- Nhưng tôi sẽ sống ở đâu?
Người quản gia ngớ ra, nhà cửa đã bị kê biên để tịch thu, ngọai trừ tài sản ở Ðà Lạt và Nha Trang hiện ở trong tay người chủ mới, ngoài ra mọi cái gì có giá trị còn lại đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước...
- Tôi không biết nữa, nhưng cô sẽ ở chỗ tôi, nếu cô không chê là hèn hạ.
Nhung bật cười, nước mắt nàng đẫm quanh mi.
- Chú không muốn tôi chết phải không?
- Dạ.
- Vậy thì tôi chọn một cái chết khác.
- Cái gì vậy thưa cô chủ?
- Tôi sẽ đi tu.
- Trời đất, cô làm masoeur hoặc ni cô sao?
- Ðúng, tôi sẽ làm thế.
- Cô không còn một người nào tin cậy nữa sao?
Nhung cười héo hắt, còn ai tin cậy nữa ông quản gia ơi, ngoài ông, tôi hết biết tin ai nữa trên đời, tôi sẽ bỏ ghế nệm xe hơi để đi bộ rướm máu trên đường đầy đá nhọn, tôi sẽ bỏ cây đàn piano êm ái để cắn đứt lưỡi mình trong tiếng hát ngửa tay không ai thèm nghe, tôi sẽ bỏ lá ngọc cành vàng đoan trang quý phái, tôi cũng sẽ bỏ bình hoa huệ sực nức hương thơm đầu đời, lạy Phật, sao tôi nhớ chàng đến thế, hỡi người họa sĩ phác thảo được tâm hồn tôi không bợn nhơ qua màu hoa huệ trắng trong, giờ này chàng ở đâu, tôi chỉ muốn gặp mặt chàng lần cuối, tôi có còn cơ hội này không, hỡi vị quản gia?
Nhung nói thổn thức. Nàng không thể nào cử động chân tay được.
- Tôi chỉ muốn gặp mặt một người.
Người quản gia sửng sốt.
- Không phải cha mẹ cô chủ sao?
- Không phải, một người dưng hoàn toàn.
Người quản gia vỗ tay ngay vào trán, ông ta sực nhớ đến chàng nhạc sĩ giàu sang có lần bấm chuông nhà Nhung.
- Phải anh Nguyễn Hoàng Ðế không?
Nhung lắc đầu.
- Chàng là một tay bán ve chai, tôi càng thù ghét chàng bao nhiêu thì càng không thể thiếu chàng bấy nhiêu.
- Ông ta tên gì, thưa cô chủ?
- Chàng là Hoàng Tử, một Hoàng Tử thiếu lòng nhân ái.
- Trời ơi, cô mê sảng rồi, nhưng... nhưng tôi sẽ đi tìm cho cô, ông ấy đang ở rạp hát nào?
- Làm sao tôi biết được.
Quá kiệt sức sau những lời đối thoại, Nhung ngất đi. Người quản gia thật thà hoảng hốt chạy ngay ra phòng trực, ông cần tìm cho ra bác trực tức thì, bác sĩ trực chứ chẳng phải là anh chàng Hoàng Tử bán ve chai nào hết.
4.
Bá gần như biết hết chuyện xảy ra trong gia đình Nhung. Cái hôm người cha anh chết, anh đã tiếp xúc với địa ngục. Ðịa ngục ngay trong nhà anh với những đứa em dành giật gia tài người chết. Anh bỏ địa ngục này để đi sang một địa ngục khác. Khi cánh cửa sắt nhà Nhung mở ra, người đàn bà mẹ Nhung đỏng đảnh tiếp anh trong bộ kimônô sặc sỡ, anh đã có linh tính bà ta và toàn gia cũng sẽ bị tru diệt, linh tính ấy anh không thể tự mình giải thích được. Nó có vẻ huyền bí ma quái. Mỗi lần cơ thể anh khó chịu là chắc chắn sắp xảy ra một điều gì đó chẳng lành. Gia đình anh và gia đình Nhung cộng lại mang dáng dấp của gia đình Karamadôp. Nó đáng bị nằm trong góc một bức tranh phán xét của nhà thờ La mã, một bức tranh mà anh bị ấn tượng khủng khiếp từ năm lên mười tuổi.
Anh chỉ tiếc rẻ có Nhung. Cây đắng thường sinh trái ngọt. Cách cứu vãn nàng duy nhất lúc ấy là vẽ ngay thàn tính hội họa của mình. Không hiểu sao tay anh lại quẹt ra một bình hoa huệ vỡ. Nhung ơi, em có hiểu đó là điềm báo trước sự khó chịu của cơ thể anh không? Hình như lúc ấy nàng hiểu hoặc không hiểu, nàng đã chạy theo anh một cách lo sợ, nàng chạy hoảng hốt đến nỗi cho dù Bá không tin chuyện cổ tích, anh cũng chẳng thể khước từ nàng. Có phải đây là người con gái mà suốt đời anh sẽ cưu mang không? Có phải đây là một tiểu thư sẽ đi chân đất theo cuộc đời ve chai của anh không? Hôm lên Ðà Lạt sau khi uống rượu say mèm với Vương để quên bị kịch của một người thiếu nữ giàu nhất Cao Nguyên có biệt danh là Phù Thủy, Bá càng khẳng định sự tàn lụi của gia đình Nhung càng ngày càng tới gần. Anh đã nói với Vương:
- Tao về Sài Gòn ngay ngày mai.
- Mày lại linh tính gì vậy?
- Nhung sẽ tự tử, tao nhìn thấy nàng đau đớn lắm.
- Ðôi mắt mày không phải là bịnh viện đâu?
- Mày đưa ra một hướng dẫn thật tuyệt, tao cứ không nghĩ là nàng được cấp cứu kịp thời.
- Không có bác sĩ nào giá trị hơn mày.
- Ðúng thế, đây là duyên nợ ba sinh, tao không đùa đâu.
- Tại sao mày lại gấp rút kinh khủng thế, không lẽ toàn bộ Công ty du lịch khổng lồ kia bị sụp đổ trong vòng một tuần?
- Một tuần.
- Vậy là bữa nay nó sụp đổ hoàn toàn, lão Tám ngu xuẩn đã thảy một mồi lửa tẩm xăng vào nhà anh ruột của lão.
- Nhà cha Nhung sao?
Robert Bá im lặng. Hai người đàn ông kéo cao cổ áo. Vương tự nhiên thấy nổi da gà, anh ớn lạnh. Như vậy thằng Bá nói đúng. Anh hỏi một câu lạc đề:
- Mày tin có sự can thiệp của ông trời không?
- Tao định nói điều đó, có, có quả báo, mà quả báo là nhãn tiền.
- Ai tác động vào quả báo ở đây?
- Phù Thủy, chính là nàng.
- Theo tao, nàng cũng nhận thù lao xứng đáng đấy chớ.
Bá ngửa mặt lên trời cười ngất:
- Mày ngây thơ quá Thi Sĩ ơi, nàng mất trắng, nàng sinh ra là bất cần đời mà, rồi mày sẽ thấy nàng đốt sạch những của cải ô uế đó, nàng chỉ mong làm một thục nữ lang thang.
- Nhưng những cuộn băng ghi hình đã bị thiêu hủy, tai họa đã xảy ra cho gia đình Nhung đã mất bằng cớ...
Bá đạp mạnh tay xuống bàn, những ly rượu hoảng sợ rơi xuống đất.
- Ngay lúc mà nàng mở miệng nói “tôi xin từ chối của cải” lúc ấy món nợ trinh bạch của nàng sẽ được đòi đích đáng ngay tại gia đình lão Bảy.
Vương giật mình, anh thấy mình đang rớt vào hoàn cảnh tương tự như Bá.
- Thôi, tao cũng phải trở lại Bình Tây ngay.
Nhưng khác tiên đoán của Bá, hai trái táo độc dược chỉ có tác dụng sau nửa tháng so với dự định của anh...
5.
Anh gõ cửa trung tâm cấp cứu vào một buổi chiều đầy mưa gió, chiếc xe đạp cà tàng để chạy hàng được quăng một cách sẵn sàng mất ngoài cổng. Anh được một người đàn ông dắt vào, ông ta hỏi rối rít:
- Anh có phải là “chàng” của cô chủ tôi không?
- Phải!
Robert Bá trả lời cho qua và bước theo ông ta. Anh đoán có lẽ đây là một người quản gia lâu năm trong nhà Nhung.
- Trời Phật ơi, vậy là cô chủ không vào chùa tu nữa rồi.
Bá muốn bật cười, bộ Nhung tính cạo đầu chắc, hay định nhờ anh giới thiệu lên chùa Diệu Ðế tu thiền chăng, anh đẩy bật cửa phòng hồi sức, có khá nhiều giường nằm, giường của Nhung dễ nhận ra nhanh chóng, nàng luôn luôn có bên cạnh một bình hoa huệ.
Hai mắt Nhung nhắm nghiền, Bá sửng sốt ngắm nàng đẹp một cách thần thoại trong giấc ngủ, sóng mũi thanh tú, đôi môi hình trái tim, toàn thân mong manh như khói, không thể cầm lòng được, anh cúi hôn lên vầng trán lấm tấm mồ hôi kia, mắt anh nhắm lại ngây ngất.
Ðúng lúc đó Nhung mở mắt ra, nàng chỉ mỉm cười, nụ cười không thành tiếng, nụ cười còn đẫm lệ. Ðến phiên Bá mở mắt, anh gục đầu xuống ngực nàng.
- Nhung ơi!
- Cuối cùng anh đã đến.
- Ừ, anh đã đến, anh đến như là đoạn cuối câu chuyện cổ tích.
- Chuyện cổ tích Bạch Tuyết và...
- Trong đó, Hoàng Tử cúi hôn Công Chúa và... phép lạ xảy ra.
- Không có phép lạ nào hết, chính anh mới là phép lạ.
-...
- Nhung ơi!
- Dạ.
- Anh sẽ không ngông cuồng nữa.
- Dạ.
- Anh sẽ không đùa giỡn với cuộc đời nữa.
- Dạ.
- Anh sẽ không bao giờ làm em thù ghét nữa.
- Anh Bá...
- Anh sẽ vì em mà đi bán ve chai suốt đời.
- Anh...
- Ðể nuôi em bằng thơ nhạc, bằng tranh, em chỉ có thể sống trong cái đẹp vĩnh hằng như thế.
- Em sẽ bụi đời cho giống anh.
- Không Nhung ơi, em khác hẳn Len, em không có bản lĩnh như cô ta được, em nông nổi và ngây thơ.
- Sao anh lại biết Len?
- Sao lại không biết hả Nhung, chính Len là nạn nhân của chú Tám em đấy.
- Trời ơi!
- Ðừng kêu trời lúc này, Len không bao giờ kêu trời.
- Bây giờ bạn em ra sao?
- Len đã tìm cho mình hạnh phúc, em biết với ai không?
- Ai vậy Bá?
- Với Ðế, với Chú Lùn.
- Cám ơn Trời Phật, đâu lại vào đó hết.
- Nhung ơi!
- Dạ.
- Nhắm mắt lại đi em.
- Anh đợi em một chút.
- Ðể làm gì?
- Ðê em nhìn anh cho thật no nê sau đó mới yên tâm nhắm mắt.
- Xong chưa Nhung?
- Rồi.
Bá lại ngây ngất cúi xuống, nhưng lần này anh không hôn lên vầng trán đẹp đẽ kia nữa, anh gắn môi mình vào môi nàng, ít ra phải khác với Hoàng Tử trong phim một chút.