Chương 4
LAI LỊCH CỦA THI SĨ

1.
Vương rời khỏi quân đội sau một cuộc đánh lộn, cấp chỉ huy đã gọi tụi anh, những chiến sĩ trẻ tuổi tình nguyện của thành phố là “những kẻ cần được cải tạo xứng đáng hơn là được cầm súng”. Mới đầu anh còn cho rằng do tính địa phương và do kẻ luật thép của quân đội nên một thiểu số cấp trên có quan niệm như thế, nhưng cuối cùng anh bắt buộc phải phản ứng khi ly nước đầy bị tràn.
Một hôm đang ngồi vá lại nóc hầm bằng cái xẻng tự chế, một đồng đội hớt ha hớt hải gọi anh.
- Anh Vương ơi, thằng Đoàn bị đánh bằng roi cá đuối.
Vương buông cái xẻng bẩn thỉu xuống, ai không biết sự độc địa của đòn roi cá đuối, một con đuối còn sống có thể làm con người tàn phế huống gì là một con đuối khô queo chỉ sử dụng phần đuôi. Anh ráng hết sức để bình tĩnh.
- Mày biết tại sao không?
Người lính Sài Gòn trẻ măng bối rối.
- Em nghe nói nó không chịu đào công sự.
- Trời đất, đào công sự gì nổi, nó đang bị sốt rét mà.
Máu hiệp sĩ nổi dậy, Vương thay một bộ đồ sạch sẽ để chạy lên, bộ đồ lính sạch sẽ nhất của anh là bộ đồ đếm đúng sáu miếng vá. Thằng Hoà xách súng chạy theo anh lên tiểu đoàn bộ.
Trên tiểu đoàn, các ông xếp đang ngồi nhậu, người nào người nấy mặt đỏ gay, có cả đại đội trưởng của Vương đang hò hét, lệnh cấm uống rượu té ra chỉ được thi hành đối với chiến sĩ. Vương cắn răng nói lớn:
- Tôi đề nghị thả ngay thằng Đoàn.
Cả bàn cười phá lên, một viên sĩ quan đứng dậy khệnh khạng.
- Nếu mày chịu đào công sự thế nó, nó sẽ được thả.
- Trời ơi!
Vương gầm lên đau đớn:
- Tôi sẽ đào thế nó, tại sao các anh lại đánh nó bằng roi cá đuối, các anh có biết nó đang bị sốt rét rừng không?
Anh chạy lại phía Đoàn mở trói và làm công việc của một y tá tài tử, viên sĩ quan rời khỏi bàn chụp cổ áo Vương, tội nghiệp chiếc áo kaki Nam Định bạc màu, nó đã bục đường chỉ, anh nghe vang lên một tiếng rách toạc.
Đúng lúc đó, Vương phản xạ như một cái máy, anh gạt chân viên sĩ quan qua một bên, chân còn lại xoay đúng 180 độ, hai chân anh kẹp cổ gã sĩ quan như một cái kéo, viên xếp rụng xuống giống trái mít rụng trước đòn quyết tử của Vovinam. Không chậm một giây, anh xông lại bàn tiệc, con chó bị làm thịt hết phân nửa nằm thảm thương trên bàn, hất đổ một loạt ly rượu, anh rít lên:
- Tôi sẽ chịu kỷ luật quân đội, nhưng trước hết xin các vị hãy giải tán trò chơi trưởng giả này đi.
Ngừng lại để thở, anh nói hổn hển như người sắp chết đuối, giọng lạc đi:
- Các vị dạy chúng tôi những gì nào, nào là lẽ phải bảo tác phong tư sản trong sinh hoạt, không được hát nhạc vàng, không được nói chuyện tiếu lâm và cấm uống rượu, mệnh lệnh của chỉ huy đấy. Thế còn các vị, ăn trên ngồi trốc không biết xấu hổ trong khi thằng lính lành lặn nhất ở đơn vị phải mặc áo vá, các vị hát nhạc Chế Linh như sùng bái thần tượng mới, các vị nói tục chửi thề độc quyền và tự do say sưa.
Cả bàn tiệc tái mét, một viên sĩ quan lắp bắp:
- Tụi mày tính…làm…binh biến à?
- Binh biến con khỉ mốc, tôi cầm súng để bảo vệ đất nước chứ không phải bảo vệ các ông.
Sau biến cố đó, Vương bị giam ở hậu cứ trung đoàn. Sông nước bao la, tiếng hò từ Nhà Bè vẳng lên nghe đứt ruột. Vương cắn nát môi mình, anh nếm đủ hai vị mặn: máu và nước mắt. Sau đó là những cuộc thẩm vấn của vài cán bộ quân đội ở thành phố, nước mắt anh đã cạn khô. Anh dửng dưng ráo hoảnh.
Ngày thứ hai mươi, có chỉ thị bên ngoài gọi anh ra. Vương tiều tụy một cách bi tráng bước vào một bàn giấy, sau bàn giấy lần đầu tiên từ khi bị giam anh đã gặp một khuôn mặt rất con người.
- Anh được trả tự do.
Lòng nhân ái bắt đầu cất tiếng.
- Anh không tin à, anh được trả tự do, có người bảo lãnh anh…
- Ai vậy?
Vương ngơ ngác.
- Mọi cơ quan anh công tác trước khi đi bộ đội đều cử cán bộ đến đây, họ hiểu tính tình anh và thơ anh, anh phải mừng chứ, sao anh khóc?
- Tôi có phải chịu sự quản lý của địa phương không?
Lòng nhân ái cười xoà:
- Không, anh thuộc dạng phục viên sớm, không phải tước quân tịch, duy có hộ khẩu thì chưa thể được nhập vào ngay được…
Vương nhận giấy tờ từ tay con người tin cậy, anh nói một câu cuối cùng:
- Tôi sẽ gặp lại anh, ân đền oán trả mà.
Anh đi bộ từ trại giam về đến nhà trong bộ đồ bộ đội rách tả tơi. Má đứng sững ở cửa. Anh chỉ nói được hai tiếng “má ơi” rồi khuôn mặt tối sầm lại.
Sau cơn ngất đột ngột, má đã biết tường tận đời anh ở trong quân đội, má nhìn lên bàn thờ ba anh: Liệt sĩ. Má nhìn lại bản thân má: nguời thiếu nữ giao liên nổi tiếng mà người Pháp đặt tên là “giặc cái”, má nhìn sang đôi mắt đứa con trai đầu lòng của mình: bướng bỉnh không thua gì hai kẻ sinh ra nó.
Má không khóc như anh. Má mím chặt môi lại.
- Ở nhà má nuôi bằng lương hưu của má nghe con, đừng xin việc làm ở đâu nữa.
Anh đã “dạ” một tiếng trẻ con ngọt ngào. Nhưng Vương chỉ ở nhà được một tuần, hùm thiêng khi đã sa cơ chẳng hèn, anh quên tiếng "dạ” trẻ con để đi tìm tiếng “hừ” người lớn.
Cánh cửa thứ nhất rung lên khi tay Vương gõ là một tổ chức đoàn thể của thanh niên, nơi từ đây thằng con trai hai mươi bốn tuổi ra đi.
- Tôi muốn có việc làm.
- Giấy xuất ngũ, giấy chuyển ngành đâu?
- Giấy ở trong đầu tôi, còn đây là quyết định.
Vị cán bộ bằng tuổi Vương xem giấy tờ bằng nửa con măt, hắn chỉ thiếu cái cà-vạt là biến thành ai nhỉ, thế mà có thời từng là bạn Vương đấy, hò hét xúi anh em ra trận và từng làm đơn tình nguyện đi bộ đội tám lần. Bố khỉ, làm đơn tỉ lần hắn chẳng nhúc nhích đâu được, cán bộ trẻ được quy hoạch đầu tư lâu dài mà.
- Này, hình như trước đó đồng chí có báo thì phải.
- Tôi có việc làm không?
- Chắc là không vì thiếu giấy chuyển ngành.
- Có giấy chuyển ngành thì tới gặp ông làm gì…
- Nhưng đồng chí…
- Chớ sử dụng chữ “đồng chí” ở đây, chớ chơi chữ với tôi, các ông có cần tôi không, kẻ đã theo các ông đi biểu tình từ lúc mười lăm tuổi?
Vị cán bộ có đọc truyện ngắn của Lỗ Tấn, hắn chọn thái độ A.Q.
- Tôi có thể giới thiệu ông đi thanh niên xung phong.
Trời ạ, đến nước này là hết tình nghĩa Vương nhào tới chụp cổ áo kẻ đã có thời khen ngợi nhân cách anh đủ lời. Chưa kịp đâm thì hắn đã rú lên:
- Bảo vệ đâu? Bảo vệ đâu?
- Này thì bảo vệ…
Anh hất hắn té nhào ngay ngạch cửa, đứng dậy đi, đứng dậy gác cửa để tập làm người lính nhưng người lính thì không ai chắn lối vào tương lai như mày đâu.
Cánh cửa thứ hai rung lên khi tay anh gõ là một tờ báo, nơi anh bạo phát bạo tàn vì thơ và vì tính cách mình. Cánh cửa thứ ba, thứ tư, thứ…một ngàn lẻ một rung lên khi tay anh gõ là nhà riêng các vị lãng đạo mà anh tôn trọng nhưng ở đâu anh cũng gặp những lời khuyên “hãy kiên nhẫn chờ đợi… hãy tự thử thách mình… hãy coi lại con người mình… hãy bình tĩnh”.
Ừ, câu chót hay nhất “hãy bình tĩnh”. Tôi sẽ bình tĩnh, thưa quý vị. Má một đời làm cách mạng có than thở gì đâu, bà chỉ lẳng lặng gấp tất cả huy chương, bằng khen bỏ vào tủ khóa kín. Ba chết chỉ trăn trối lại cho con một điều “ráng mà giữ nếp nhà”. Ba được phong liệt sĩ. Má đi nhận đồ thuê nuôi các em, phần tôi, thưa ba thưa má, con không được tổ chức thừa nhận, một việc làm đỡ đần má cũng không. “Hãy bình tĩnh” bình tĩnh là không bao giờ mất…bình tĩnh được.
Khi Vương trói tay mình lại không thèm gõ cửa ai thì quới nhân vật xuất hiện. Đó là ông Sáu già đạp xích lô trong xóm Nhà Cháy.
- Nghe nói mày xuất ngũ hả?
- Dạ.
- Đạp xích lô không?
- Cháu đạp thì lấy gì bác đạp?
- Tao già rồi, đạp nửa buổi rã cẳng.
- Mỗi ngày cháu “chung” cho bác bao nhiêu?
- Tùy hỉ, bây giờ ra làm “tợp” rượu với tao.
Rượu Cây Lý tràn ly, nước mắt Vương tưởng khô cạn lại ứa ra, bác Sáu dìu anh về nhà lúc nào không hay. Mấy trái cóc ổi mà ngon mùi mẽ gì đâu. Cháu đã đọc thơ phải không bác Sáu, bài thơ gì vậy? Thơ đói à, đói là gì vậy?
Tôi mang cơn đói về nhà.
Các em tôi đứng chờ với cái bụng lò xo.
Đôi mắt các em tôi chảy nước miếng.
Giá tôi biến thành một cục thịt bò màu tím.
Được “ram” cẩn thận ở nhà hàng Lê Lai.
Tôi nắn lên những đốt xương sườn có giá trị ngang những khúc cây.
Nơi lòng ngực người yêu tôi hô hấp.
Cặp vú của nàng xa lạ với chữ “mập”.
Như đứa hiếp dâm xa lạ với nhà chùa.
Nếu trời cho tôi có bùa.
Tôi sẽ “thư” hết những kể ăn cơm một ngày ba buổi…
Nhưng mà bác Sáu ơi, người yêu cháu là ai, tại sao cháu không hề biết mặt?
3.
Một hôm đang đạp xích lô săn khách trên đường Duy Tân thì gặp Thảo. Cô đã rời khỏi áo lính và đang có cơ hội tiến thân ở đơn vị cũ, vì là một trong những người đẹp đầu tiên dám tình nguyện đi bộ đội. Hai đứa ghé vào một cái quán nhỏ. Không hiểu sao Vương thấy mình biết được cô định nói gì. Anh ngậm ngùi.
- Anh còn làm thơ không?
- Đừng hỏi nữa bạn hiền ơi, chiếc xe cà chớn của thời cà chua.
- Đừng ghẹo em nữa.
Thảo nói:
- Thơ anh hồi đó “đã” lắm.
- “Đã” cỡ cặp môi Thảo không?
- Trật lất, “đã” cỡ lúc anh leo cây me đó.
Tự nhiên Vương cháong váng, phải rồi, lúc đó ở Bộ Tư Lịnh, các cô gái tuổi mới lớn háo hức nhìn lên cây me nuốt nước miếng. Môi các cô đỏ mọng lên, mắt lồi ra, bao nhiêu cử chỉ xấu khác đều tập trung vào sự thèm muốn lúc đó.
- Phải giữ sự dịu dàng cho các em.
Anh bấm vai thằng Hiếu. Hai đứa thoăn thoắt trèo qua những chạng cây cao ngất và rung cành tha hồ. Kết quả: một xe ba bánh đầy me được đẩy ra khỏi cổng để đổi lấy chút niềm vui đàn ông, lai rai ba sợi, những ba lô ăm ắp “me dốt” cho các cô gái, trong đó có Thảo. Anh bị kỷ luật lần thứ ba tại đây sau hai lần bỏ áo ngoài quần hồi còn học quân trường…
Ly cà phê đá của Thảo đột ngột đổ xuống bàn làm Vương giật mình. Anh nhớ lại số phận của anh.
- Thôi chia tay Thảo ơi, anh còn phải đạp xích lô.
Anh định bứt một sợi tóc của cô theo thói quen nghịch ngợm, nhưng bắt gặp ánh mắt Thảo nhìn anh thương hại. Vương nhún vai cười khẩy, anh đẩy chiếc xe xuống lòng lề đường. Chưa biết ai thương hại ai nghe cô bé, rồi cô sẽ làm cán bộ, sẽ có người hầu, sẽ có đủ cách xoay xở những tiện nghi mới, nhưng cái nhìn hôm nào háo hức đó, cặp mắt lồi ra vì thèm me chua hôm nào đó vẫn còn đọng trong một thứ tính hồn nhiên đáng quý của con người.
Không bao giờ Vương gặp lại Thảo lần thứ hai.
Trong một cuộc xích lô trở về xóm Nhà Cháy, lần thứ hai anh đụng độ một gã đàn ông khác. Hắn cao lớn, đẹp trai, khoẻ mạnh, chiếc quần Jean đắp hai miếng vá ở đầu gối, áo Pull vắt trên vai. Trong tư thế khinh bạc ấy, hắn vẫy tay gọi Vương:
- Ê, xích lô!
Anh rà lại vì hiếu kỳ hơn là vì cần tiền.
- Đi đâu?
- Về Đồng Khởi.
Không chờ Vương trả lời, hắn nhảy phóc lên nệm xe, đôi mắt nâu tuyệt đẹp bồn chồn đến khó hiểu. Hai người đàn ông khổng lồ bắt đầu nói chuyện:
- Làm gì gấp vậy, sao không mặt áo vào?
- Tôi nóng nực lắm, bạn thông cảm.
Hắn gãi tai.
- Công chuyện cực kỳ gấp. Đừng phiền lối ăn mặc kiểu này nghe.
- Phiền quái gì, tôi nhiều lúc thích ra phố bằng quần “tiều”.
- Chà, ngông nhỉ, hình như bạn không phải xích lô chuyên nghiệp, đúng không?
- Còn ông bạn cũng không phải bụi đời chuyên nghiệp, đúng không?
Gã đàn ông cởi trần cười ha hả:
- Làm nghề gì, nói thiệt coi?
Vương nhún vai:
- Làm thơ nhâm nhi trong lúc nhậu.
- Ngon lành ông bạn, đọc chơi một bài đi huynh.
Vương chạy xe thật chậm, anh đọc bài thơ bán ve chai, bài thơ làm cho một người bạn sa cơ phải chịu sống kiếp du mục. Người thanh niên muốn nhỏm khỏi đệm xe, hắn bị thôi miên tâm hồn bởi những ý chí kỳ quái không chịu nổi.
Anh em ta đi bán ve chai
Thằng thì chột mắt, đứa cụt tay
Râu tóc để lâu thành võ hiệp
Tráng sĩ mà ưa nhắm thịt cầy
Thực ra anh em ta đẹp trai
Không đẹp trai sao bán ve chai
Cái nhìn giá trị ngang vàng “xịn”
Con mắt nheo là hốt tiền xài…
Vương chẳng nói gì, anh cũng không đọc thêm bài nào khác, anh tập trung đầu óc vào đường Đồng Khởi, phải đạp cho nhanh đến đó.
Người thanh niên tò mò.
- Anh tên gì?
- Vương, Vũ Vương.
- Còn tôi: Robert Bá. Khổng Thành Bá, anh thấy tôi có vẻ Robert không?
- Mặt anh như tây, chỉ tiết là nói tiếng An Nam.
Xe dừng lại, gã thanh niên nhảy xuống, nhưng hắn không trả tiền, hắn lôi anh và chiếc xe xích lô vào lên lề.
- Mời bạn ghé phòng tranh của tôi, coi qua một chút kỷ niệm, mai tôi sẽ triển lãm.
Vương cũng thấy không có gì phải tiếc thời giờ, quen với một họa sĩ bất cần đời như thế này biết đâu lại chẳng là một điều hay. Anh đi dạo qua phòng tranh, nói chung hắn đã chuẩn bị một cách tươm tất. Những bức họa của Bá mang tính ẩn dụ, người đàn bà cụt đầu mất một bên vú hai tay ôm mặt trời, ông thầy chùa quàng vai một đứa con gái rực lửa, những bó nhang, chiếc quan tài có một cây nến, chiếc xe xích lô đổ kềnh, cuộc hành lạc của một cặp người thú: phụ nữ và rắn, chén cơm mẻ và một trăm cái lưỡi thè…
Vương du lịch vào thế giới của Bá, anh ngây ngất như nhận được một lưỡi gươm ngập tim. Lâu quá mới gặp những bức tranh có hồn chư vậy. Còn đây, những gam màu tàn nhẫn mang hình cái mông loài người màng nhện bám đầy, anh cảm thấy xúc động đến mức nổi da gà.
- Có phải bạn vẽ đời mình không?
- Giỏi.
Bá gật gù.
- Tôi vẽ tôi cũng như bạn viết cho bạn, bạn biết tại sao tôi có một phòng triển lãm tuyệt vời thế này không?
- Sao?
- Ve chai đấy. Tôi làm nghề bán ve chai mà. Hồi nãy bạn đọc vài thơ ve chai đau đời quá, trúng phóc nghề nghiệp tôi.
Mặc cho Vương há hốc miệng, Bá tiếp tục:
- Tôi chịu hai câu giữa nhất “cái nhìn giá trị ngang vàng xịn, con mắt nheo là hốt tiền xài”, bạn biết không, tôi “trúng mánh” như vậy đó. Cách đây một tháng tôi đi qua căn nhà có hai vợ chồng đang chửi bới nhau, họ đổ ra một lô chén, đĩa cũ, có lẽ từ thời ông cố họ truyền lại “ê, ve chai” họ kêu tôi và bán tháo bán đổ, họ còn muốn bán cả căn nhà, hai vợ chồng đang ghen tuông mà, tôi dốc tiền ra mua hết, con mắt thì mờ đi nhưng miệng thì từ chối “toàn là đồ nát, rẻ lắm”. Họ thiếu điều năn nỉ tôi, bạn đoán số chén, dĩa cũ ấy bao nhiêu tiền không? Toàn là đồ sành sứ thời Càn Long, Khang Hi cả, không dưới mười cây vàng. Thế là phòng tranh ra đời, giá thuê nơi triển lãm cộng với các thứ các cái chỉ tốn một cây. Giờ đi nhậu được chưa bạn?
- Ừ, thì đi.
Hai đứa nhét xích lô vào phòng tranh, Robert Bá rủ thêm một người bạn thân từ trước. Vương không ngờ hắn là bạn của Nguyễn Hoàng Đế, một nhạc sĩ đang được các tụ điểm ca nhạc khai thác các bài hát liên tục. Hôm đó ba đứa gục xuống bàn, trần gian bao gồm một công thức:
Rượu = thơ + nhạc + tranh.
4.
Những cuốc xích lô sau đem lại cho Vương niềm vui bạn bè hơn. Anh đã muốn nhập cuộc để viết trở lại khi thấy Bá và Đế “Sung” quá. Họ đã trở thành “mày, tao” với nhau. Có điều họ chưa xúc phạm đời riêng của nhau. Họ đi đến thiên đàng bằng ba cánh cửa khác nhau. Nhưng mà Vương vẫn buồn: nhiều người bất hạnh quá. Anh đã từng chở trên xe một cô gái bị điên vì tình, cô đi xin tiền thiên hạ dù cha mẹ là gia đình triệu phú, ai muốn cho cũng được, không cho cũng chẳng sao. Cô xin được tiền bao nhiêu thì đem về chia hết cho con nít. Cô thèm có một đứa con với người mình yêu mà không bao giờ toại nguyện.
Có lần anh chở trên xe một phụ nữ bị cụt hai chân, lý lịch cô cũng cụt phân nửa như thân thể, cô là người Hà Nội lấy một ông chồng tập kết. Giải phóng xong, ông ta trở về miền Nam và ngoại tình dồn dập để bù trừ. Cô ra đường rầy Huỳnh Văn Bánh nửa đêm nằm xuống cho xe lửa cán lên. Đáng tiếc là cô chỉ bị cụt hai chân. Hàng ngày cô bò qua ngôi biệt thự có ông chồng và bốn đứa con nhìn cho đỡ nhớ, bốn đứa con vịn lan can mà nước mắt ròng ròng.
Trời ơi, bao nhiêu mảnh đời ghê gớm xảy ra trước mắt Vương. Anh cảm thấy mình còn sung sướng lắm. Phải viết, phải cắn răng ghì lại thôi.
Cho đến hôm gặp Lụa thì anh mới biết thế nào là thanh thản. Cô như một tờ giấy trắng ướt sũng nước mưa, hong khô rồi bôi lên màu gì thì sự thơ ngây sẽ biến sắc theo màu đó. Trái tim anh biết co thắt lần dầu, nó đã ấm áp sau một thời gian dài lạnh cóng.
Nhưng mà sao em giống Trâm đến thế hả Lụa? Trâm cong môi chu mỏ như con chim dưới giàn mướp để chờ anh đi hành quân ngang qua. Ở đảo Long Sơn có đêm nào Vương không nhớ đến Trâm, anh là một con cá sấu trên cạn đối với nàng, chuẩn bị ăn thịt nàng và chuẩn bị rơi nước mắt cá sấu. Hôm anh bị giải về Nhà Bè sau biến cố đầy tai họa ở tiểu đoàn bộ, cha mẹ Trâm đã bắt nàng phải cắt đứt tình cảm với kẻ dám bẻ nạng chống trời.
Có lẽ Trâm đã lấy chồng, anh nghĩ, nàng sinh ra trong một gia đình ngư dân giàu có thì sẽ phải làm dâu trong một gia đình như dân giàu có khác, luật lệ ở đảo sòng phẳng như vậy. Còn Lụa, em có bỏ anh như Trâm không? Nghe nói mẹ của Tiểu Muội là một phụ nữ đức hạnh và cương nghị, bà có đồng ý coi anh là một thứ bóng mát che chở đời Tiểu Muội sau này không? Hoặc giả cô xem anh như là một con người bình thường chứ chẳng phải con quái vật như lời đồn không? Những câu hỏi đặt ra làm anh thấy khó thở. Không hộ khẩu, không việc làm, đạp xích lô kiếm sống. Có người mẹ nào chịu giao tiểu thư của mình cho một kẻ bấp bênh như vậy…
- No, Star, Where ( không sao đâu)
Vương buột miệng trước khi chìm vào cơn ác mộng.