Chương 5

    
hú Mặt Rỗ không hề tự tay làm, đương nhiên chú cũng chẳng nắm cái gì cả như đã nói. Đưa lão Đổng đến chiếc xe đạp, vin cho lão nhảy lên yên và đạp chạy như một con hươu bị mù xong, chú Mặt Rỗ vịn tay vào tường đứng đái xè xè. Ông Đỗ nói:
- Đội trưởng, ban ngày tôi phải cho trâu ăn, còn phải dọn vệ sinh chuồng. Ông không thể bắt tôi dắt trâu đi suốt đêm được!
Chú Mặt Rỗ quay mặt lại, nheo nheo mắt liếc xéo về phía lão, nói:
- Ông không dắt thì ai dắt? Lẽ nào tôi phải dắt thay ông? Đừng tưởng rằng ông có mấy thằng rể nhãi nhép đang làm tay sai trên công xã mà quên mất mình là ai, tên họ là gì! Đồ tể, đầu bếp trước giải phóng là loại người hạng ba, bây giờ lại vênh vênh váo váo cái mặt!
Ông Đỗ lạnh lùng nói:
- Thế ý của ông là, xã hội bây giờ không bằng trước giải phóng!
- Ai nói bây giờ không bằng trước giải phóng? - Chú Mặt Rỗ nói - Lão Quản tôi đây ba đời bần nông, khổ hận như trời như biển, trước giải phóng ngập ngụa trong bể khổ, sau giải phóng mới được bơi trong dòng nước ngọt lành, tôi lại nói là bây giờ không bằng trước giải phóng hay sao? Những lời đó chỉ có loại địa chủ phú nông như các ông mới nói lên thôi. Đừng quên rằng các ông vẫn là đối tượng liên kết, còn chúng tôi mới là lực lượng chủ yếu của cách mạng. Mao Chủ tịch nói, không có bần nông thì cũng không có cách mạng, ông có hiểu điều này không?
Nhuệ khí của ông Đỗ dường như tiêu tan, thều thào nói:
- Là tôi đang nghĩ cho tập thể thôi... Ba con trâu này quan trọng, nhưng còn ba mươi con trâu cái kia cũng quan trọng không kém...
- Cái gì mà quan trọng với không quan trọng? - Chú Mặt Rỗ nói - ông làm cho tôi trở nên hồ đồ mất thôi, có gì ngày mai giải quyết!
Nói xong, chú bước vào sân, đóng cổng đánh rầm rồi khóa lại.
Ông Đỗ nhổ một bãi nước bọt lên cánh cổng, hạ giọng chửi:
- Mặt Rỗ! Mày sẽ tuyệt tự tuyệt tôn cho mà xem!
- Giỏi thật! ông dám rủa cho chú thím tôi tuyệt tự? - Tôi hét lên.
- Tao chửi đấy, tao rủa đấy! - ông Đỗ nói - Tao chửi cái thằng mặt rỗ đấy. Mặt Rỗ! Mày sẽ bị tuyệt tự! Mày chết không yên lành đâu! Đấy, tao chửi đấy, mày nói lại với Mặt Rỗ đi!
Nói xong, ông ta dắt Song Tích chậm rãi đi thẳng về phía trước. Nó ngúc ngắc đầu, bốn chân loạng quạng, trông chẳng khác nào một lão già lọm khọm sắp xuống lỗ. Nghĩ lại thời kỳ vàng son của nó vừa mới đây thôi vẫn còn trèo lên lưng của hàng chục con trâu cái khi được thả rông ở vùng trũng Đông Bắc, tôi thấy mủi lòng.
Tôi dắt hai con Lỗ Tây đi theo sau Song Tích. Đầu tôi cách đuôi Song Tích một khoảng rất gần, mũi tôi cao ngang sống lưng của nó. Tầm mắt tôi có thể vượt qua sống lưng cong cong của nó để thấy được tấm lưng của ông Đỗ đang đi trước mũi nó.
Trong yên lặng bao trùm, chúng tôi dắt trâu lên mặt đê. Mùi thơm của hoa hòe dại đậm đặc trong đêm tối xộc vào mũi khiến tôi hắt hơi mấy cái liền, Song Tích cũng hộc lên mấy tiếng như đang hắt hơi. Tôi chẳng đau đớn gì, thậm chí cảm thấy tinh thần càng trở nên sảng khoái hơn sau khi hắt hơi, nhưng tôi biết Song Tích hắt hơi là cơn đau nổi lên ghê gớm, bởi việc đó tất nhiên sẽ dẫn đến chuyện cơ bắp toàn thân nó rúng động và vết thương sẽ co bóp dữ dội. Thế cho nên mỗi khi nghe nó hắt hơi là tôi thấy lưng nó cong vòng lên, cong đến độ chẳng khác nào bướu lạc đà.
Ông Đỗ chằng quan tâm gì đến tôi, thậm chí là nổi cáu với tôi nguyên nhân cơ bản là từ bát xào ấy mà ra. Tôi hoàn toàn hiểu được tâm lý của ông ta. Ông ta kéo con Song Tích đến bên một gốc cây hòe cao lớn, buộc đầu dây thừng vào một cành cây cao hơn với tay. Để đề phòng Song Tích nằm xuống, ông ta thu dây thừng lại còn rất ngắn khiến cổ Song Tích lúc nào cũng phải ngẩng lên, chẳng khác nào nó đang bị treo lơ lửng trên cành cây. Tôi thầm khâm phục sự thông minh của ông ta. Một cách thức đơn giản như vậy tại sao tôi lại nghĩ không ra nhỉ? Tôi bắt chước làm theo, buộc dây thừng của hai con Lỗ Tây vào cành một cây hòe khác. Tôi đã giành được tự do! Tôi nói:
- Ông Đỗ à, ông thật thông minh!
Ngồi trên triền dốc con đê, ông Đỗ lạnh lùng nói:
- Trí óc tao thông minh thật nhưng làm sao bì được với đầu óc của lão gia?
- Ông Đỗ, tôi mới mười bốn tuổi, sao ông lại gọi tôi là lão gia? - Tôi hỏi.
- Không gọi mày là lão gia thì lão đây còn dám gọi ai là lão gia nữa? Lẽ nào lão đây xứng đáng được gọi là lão gia? Nếu lão đáng được gọi là lão gia thì tại sao một miếng nhỏ dái trâu cũng không lọt được vào mồm. Còn mày không phải là lão gia thì mẹ nó chứ, tại sao mày lại ăn được cả một bát đầy? Đó mà gọi là đạo lý à? Đời này sao lắm chuyện bất công ngang trái thế?
Để ông ta bớt mủi lòng, tôi đành phải nói dối:
- Ông Đỗ à, ông tưởng tôi ăn được một bát đầy dái trâu sao? Tôi chỉ thuận mồm nói phét để chọc mọi người thôi!
- Mày không được ăn thật à? - ông Đỗ kêu lên, vừa kinh ngạc vừa vui vẻ.
- Sao ông không chịu nghĩ mà xem, chú Mặt Rỗ của tôi có khác nào một con sói đói, lão đồng chí Đổng cũng chẳng khác nào một con hổ dữ, đừng nói là sáu hòn dái mà ngay cả sáu mươi hòn cũng chưa chắc đã lấp đầy cái bụng không đáy của họ đâu.
- Thế trong mâm có đến ba cái bát là vì sao? - ông Đỗ thật thà hỏi.
- Ông không nghĩ ra à? Đó là họ để dành cho thím Quản một ít đấy!
- Miệng mồm thằng oắt con mày nhanh như tép nhảy, tao vẫn bán tín bán nghi.
Tuy nói vậy nhưng tôi biết chắc ông Đỗ đã tin là tôi không hề được ăn miếng dái trâu nào cả, bởi vì từ trong tiếng thở của ông ta, tôi thấy tâm trạng của ông ta đã trở nên bình thường. Ông ta moi trong bụng ra một chiếc tẩu, nhồi thuốc rồi dùng một chiếc bật lửa ám đầy mồ hôi và nhựa thuốc đánh lửa. Mùi khói thuốc khét lẹt như những mũi dao chích thẳng vào mùi thơm của hoa hòe dại. Đã khuya lắm rồi, đèn đóm trong làng đều đã tắt ngấm. Đêm nay không trăng, sao sáng đầy trời dải Ngân Hà rực rỡ vắt ngang qua bầu trời, thi thoảng có những vì sao phóng vụt xuyên qua dòng sông ấy. Tiếng nước chảy rì rào dưới dòng sông vượt qua con đê cao rồi chui vào tai chúng tôi. Hoa hòe từng chùm từng chùm trăng trắng lao xao trong những cơn gió hiu hiu chẳng khác nào một loài động vật sống lặng lẽ trong đêm. Gió Nam mơn man trên da thịt tôi. Đêm tháng tư sao mà thanh bình mát mẻ, nhưng khi tôi chạnh nhớ đến thân hình mập mạp nõn nà của Đỗ Ngũ Hoa, tôi lại thấy đêm tháng tư hoang lương hiu hắt, dễ khiến lòng người sinh buồn. Hơi thở của hai con Lỗ Tây trông ra đã bình thường, riêng hơi thở của Song Tích có vẻ rất nặng nhọc, tôi nghe rất rõ những tiếng ùng ục vang lên từ trong bụng chúng, bụng tôi cũng đang kêu lên ùng ục. Có lẽ vì có mối quan hệ thâm tình với loài trâu khá lâu nên tôi cũng có bản lĩnh nhai lại như chúng chăng. Những miếng dái trâu nuốt vội nuốt vàng lúc nãy bây giờ đang quẫy đạp trong bụng và chực trào lên. Tôi có thể từ từ mà nhâm nhi lại mùi vị của nó, nhưng tôi sợ rằng tiếng nhai trong đêm vắng của tôi sẽ bị lão già tinh tường hơn cả loài khỉ kia nghe thấy cho nên tôi cố gắng ép chúng quay về chỗ cũ. Tôi đắc ý thầm trong bụng. Cảm giác của tôi lúc này là, trong khi mọi người đang không có gì để cho vào miệng, tôi vẫn còn giấu kín được một bát thịt ngon, nhưng lúc này rõ ràng là tôi không thể nhai được. Tôi xích lại gần ông Đỗ, nói:
- Ông Đỗ ơi! ông cho cháu hút thuốc với!
- Thằng oắt con hỉ mũi chưa sạch mày đòi hút thuốc làm gì?
- Vừa rồi ông gọi cháu là lão gia, tại sao chỉ chớp mắt lại gọi cháu là đồ oắt con hỉ mũi chưa sạch?
- Vừa rồi là vừa rồi, bây giờ là bây giờ. Con người ấy à, người ta chỉ có thể nói những lời như thế này trong một lúc nhất định nào đó thôi - ông ta gõ gõ chiếc tẩu vào đế giày, giọng đã bộc lộ sự bất bình - Lùi lại hai mươi năm trước đừng nói là mấy hòn dái trâu tanh tưởi mà ngay cả một mâm thịt lợn thơm lừng đặt ở trước mặt, tao cũng không thèm liếc mắt.
- Ông Đỗ, ông lại bắt đầu bốc phét rồi - Tôi nói.
- Trước mặt thằng oắt con mày, tao bốc phét làm quái gì? - ông Đỗ nói - Tao nói cho mày nghe nhé, lúc ấy, mỗi khi chợ phiên Mã Tang họp, bố tao mua ít nhất cũng đến năm cân thịt. Ngày ấy cân đúng năm cân, so với bây giờ phải hơn bảy cân. Nếu lần nào không mua thịt thì ông mua cá, nào cá chép, cá hoa vàng, cá đầu đen đủ loại... Ngày ấy, chợ cá ở thị trấn Mã Tang dài đến hai cây số. Đúng mùa hoa hòe nở là cá hố biển tràn ngập chợ, hai bên đường trắng loa lóa, sáng lóa đến độ người đi đường không dám mở mắt. Tôm cũng lớn lắm, cứ hai con được buộc chung vào một chiếc lạt trúc, hai con là nửa ký lô, nửa ký tôm chỉ có hai xu tiền đồng. Lúc ấy, chỉ cần cái miệng muốn ăn cái gì là có cái nấy, chỉ cần anh có tiền. Bây giờ cho dù có tiền cũng chẳng biết mò đâu ra những con tôm lớn đến như vậy, những con cá hố dày súc đến như thế. Ôi! Những thức ngon ấy đã chạy đi đằng nào rồi nhỉ? Chúng đã chui vào miệng những loại người nào nhỉ? Thằng rể nhà tao bảo rằng, của ấy đều đã đem xuất khẩu, mày nói đi, người Trung Quốc chúng ta ngu quá phải không? Đồ ngon thì không giữ mà ăn, xuất khẩu làm quái gì? Xuất khẩu là để kiếm tiền, nhưng tiền mang về lại chạy đi đâu? Thực ra là chui vào túi những ông lớn đang hành hạ làm khổ dân cả thôi. Nhưng dân chúng ta đâu có phải là hạng dễ bị che mắt, đúng không, người ta không nói ra miệng thôi, nhưng trong lòng ai ai cũng biết tỏng. Bây giờ, cái công xã to như thế này, bốn mươi đại đội, mấy trăm đội sản xuất, bảy tám vạn nhân khẩu, mỗi lần họp chợ chỉ được phép mổ một con lợn, toàn bộ thịt con lợn này không đủ cho cán bộ lãnh đạo công xã ăn một bữa. Ngày ấy, riêng quầy bán thịt lợn trên chợ Mã Tang đã có đến ba mươi quầy, ngoài ra còn có thịt trâu, thịt lừa, thịt chó... Mày thử nói xem, mày thích thịt gì nhất? Ngày ấy, trâu được mọi người cho ăn khoai lang, ăn bánh đậu nên mập lắm, lông láng mượt, dáng đi lặc lè vì chân đỡ không muốn nổi thân thể quá nặng, con nào con nấy chẳng khác một ngọn núi, mỗi con trâu có khi đến năm trăm ký thịt. Thịt trâu rất mềm, cứ thái thành những mẩu vuông vuông bỏ vào nồi, chỉ cần nước sôi là đã mềm, bỏ ra năm đồng tiền là mua được một ký nóng hôi hổi, thêm hai đồng rượu cao lương rồi đặt tất cả lên bàn, ăn ăn uống uống, cười cười nói nói... Mày tưởng tượng xem, sống như thế có đáng không, có ý nghĩa không...?
Tôi nuốt nước bọt đánh ực, nói:
- Ông Đỗ, ông chỉ đặt chuyện ra để lừa cháu thôi. Xã hội cũ làm gì mà lại có cuộc sống tốt đẹp như thế?
- Thằng oắt này, ai bảo với mày là xã hội cũ tốt đẹp? - ông Đỗ nói - Tao chỉ nói với mày là lúc ấy được ăn thịt tươi mềm, uống rượu hâm nóng mà thôi!
- Ông ăn thịt tươi mềm, uống rượu hâm nóng có phải là trong xã hội cũ không? - Tôi hỏi.
- Hình như... hình như... là trong xã hội cũ thì phải... - ông Đỗ ấp úng.
- Thế thì, ông nói trong xã hội cũ ông được ăn thịt tươi mềm, được uống rượu hâm nóng, có khác gì ông nói xã hội cũ là tốt đẹp?
- Mày... mày đúng là đồ con nít độc ác - ông Đỗ nhảy dựng lên, tức giận - Mày nói thế có khác nào vẽ một cái vòng rồi buộc tao phải nhảy vào trong đó sao?
- Không phải là tôi vẽ cái vòng nào để cho ông nhảy vào cả - Tôi nói - Đây là vấn đề lập trường giai cấp!
Ông Đỗ trầm ngâm giây lát rồi thận trọng nói:
- Tiểu lão gia, hãy nói cho lão đây biết, thế nào thì được gọi là lập trường giai cấp?
- Ngay cả lập trường giai cấp mà ông chưa hiểu hay sao? - Tôi hỏi.
- Quả thật là lão chẳng hiểu gì cả!
Lập trường giai cấp là... - Tôi ấp úng - Nói gì thì nói, nó chính là thế này, xã hội cũ chẳng có gì tốt cả, xã hội mới cái gì cũng tốt; bần nông cố nông trung nông không có chỗ nào xấu, không phải bần nông cố nông trung nông không có chỗ tốt. Ông rõ chưa?
- Rõ rồi, rõ rồi... - ông Đỗ ấp úng - Nhưng... nhưng rõ ràng thời ấy thịt cá đều nhiều hơn bây giờ...
- Nhiều hơn bây giờ thì sao? Lúc ấy bần nông cố nông có cá có thịt để ăn không, tất cả đều bị địa chủ phú nông ăn hết.
- Tiểu lão gia, chỗ này thì mày cũng không thấy được rồi. Có nhiều địa chủ phú nông không dám ăn thịt cá, nhưng cũng có bần cố nông có thịt có cá để ăn. Như lão Phương Thất đó, ngay cả vợ con lão cũng không có cái quần cho ra hồn để mặc nhưng những món ngon vật lạ đều chui vào mồm lão. Mỗi mùa gặt hái, lão mang đi bán tất tần tật mua về nào thịt nào cá. Lương thực hết sạch, cuối cùng chuồn xuống Nam Sơn để đi ăn xin.
- Ông đang đặt chuyện để miệt thị bần nông phải không? - Tôi hỏi.
- Phải phải, tôi đơm đặt, tôi đơm đặt!
Chúng tôi ngồi đối diện nhau, không muốn nói gì nữa. Không khí trở nên đặc quánh, sương đã khá dày. Tiếng ếch nhái râm ran từ dưới sông vẳng lên. Tôi nghe ông Đỗ lầm bầm: ếch nhái kêu, vậy là còn khoảng ba mươi ngày nữa là được ăn bột mì mới... Bột mì mới sao mà dẻo thơm, làm sủi cảo cũng ngon, làm miến cũng ngon, làm bánh nướng cũng ngon, hấp bánh bao lại càng ngon... Bánh bao mới trắng tinh, nóng hôi hổi, bẻ ra có mùi thơm lừng, ăn đến khi say thì thôi...
- Ông Đỗ... - Tôi van nài - ông đừng nói đến chuyện ăn nữa có được không? Ông càng nói tôi càng đói...
- Không nói nữa, không nói nữa! - ông ta đốt tẩu thuốc, bập thuốc một cách chậm rãi. Đầu chiếc tẩu lúc sáng lúc tối chiếu lên gương mặt nhăn nheo.
Tôi ngáp dài.
Ông Đỗ cũng ngáp dài.
- La Hán, chúng ta không thể qua đêm một cách ngu ngốc thế này - ông Đỗ nói - Dù sao thì chúng ta cũng đã không cho bọn trâu nằm xuống, thế là được rồi, mày thấy tao nói có đúng không?
- Rất đúng!
- Thế tại sao chúng ta lại không thay nhau mà ngủ chứ?
- Lỡ chúng nằm xuống thì sao? - Tôi hơi lo, hỏi.
Ông Đỗ đứng dậy kiểm tra tất cả dây thừng cũng như nút buộc, nói:
- Chẳng có chuyện đó đâu, tao dám bảo đảm là không có chuyện gì cả. Dây thừng không thể đứt, bọn chúng không thể nằm được.
- Thế thì, tôi về nhà ngủ trước vậy - Tôi nói.
- Mày là thằng nhóc có trình độ giác ngộ quá thấp, năm nay tao đã sáu mươi tám tuổi, lớn hơn ông nội mày một tuổi thế mà mày đòi ngủ trước tao?
- Trình độ giác ngộ của ông cũng đâu có hơn gì tôi? Năm nay ông đã sáu mươi tám, đâu cần phải ngủ nữa!
- Thế thì thế này nhé, tao đưa ra một câu đố để mày đoán, nếu mày đoán ra, mày có quyền về nhà ngủ, nếu đoán không ra, tao sẽ về nhà ngủ, được chưa?
Không chờ tôi đồng ý hay không, ông ta đọc ngay:
- Lao Sơn ở vùng Đông Nam có rất nhiều tùng, tổng cộng có ba vạn sáu ngàn cây, mỗi cây có chín nhánh, mỗi nhánh có chín tổ chim, mỗi tổ có chín quả trứng, trong mỗi quả trứng có chín con chim. Mày hãy tính xem, tất cả có bao nhiêu con chim?
Ngày còn đi học, mỗi khi tới giờ toán là tôi đau đầu. Dưới mười tôi còn có thể bấm đầu ngón tay tính được, có khi cũng đúng bảy tám phần, quá mười là tôi nhầm lẫn lung tung. Ngay câu mở đầu của ông Đỗ đã là hàng vạn, làm sao tính cho ra. Vả lại, tôi mà có khả năng tính ra bài toán này, đâu đến nỗi phải dắt trâu lang thang ngoài trời lúc nửa đêm canh ba thế này?
- Ông Đỗ, ông đừng có nghĩ đến chuyện thách đố tôi. Tôi tính không ra, mà có tính ra đi nữa tôi cũng chẳng thèm tính. Vì cái gì mà tôi phải hao tâm tổn trí cho chuyện tính toán nhặng xị này? - Tôi nói.
Ông Đỗ thở dài đánh sượt, than:
- Trẻ con thời này sao lại như thế này? Chịu thiệt một tí đã nhảy dựng lên!
- Ông già thời này cũng chẳng có ai chịu thiệt lấy một tí - Tôi trả đũa.
- Gặp phải thằng mới nứt mắt mà đã ranh như mày, thôi thì tao cũng đã gặp phải đối thủ xứng tầm rồi - Đắn đo giây lát, ông Đỗ nói tiếp - Thôi được, cả hai cùng ngủ. nhưng là ngủ ở đây!
Ông ta ngồi bệt xuống đất, nhóp nhép hút thuốc. Tôi tựa lưng vào gốc một cây hòe, ngẩng mặt lên trời đếm sao.