Chương 9
Người bạn nhỏ. Lời đồn bịa đặt, tố giác ngầm và lời bình của tác giả

    
ến trường, bọn trẻ trao đổi tin tức với nhau, rồi đến giờ ra chơi lần thứ nhất, chúng kháo nhau, đồn tin là: có một con chó trong sân nhà chúng trước đây đi bốn chân, bây giờ chỉ đi có ba chân, mà gầy ơi là gầy; trước nó có gầy đâu, lông nó mượt, nó vui tính, nay thì bù xù và lử đử lừ đừ - Tên nó là con Bim, chủ nó được đưa đi Maxkơva để mổ, bây giờ bà Xtêpanôvna trông nom nó.
Tiếng đồn bay đến tai một trong số thầy giáo là chuyên gia sư phạm. Ngày hôm sau, ông này tại một buổi họp thường kỳ của những người làm công tác giáo dục ở quận đã phân tích chuyện này trong lời phát biểu đẩy lý thú đại loại như sau: "Thế hệ trẻ ưu tú đang trưởng thành, chúng tiếp xúc với những tư tưởng nhân từ bao gồm cả tính thương xót đối với mọi loài sinh vật sống trên trái đất này". Để dẫn chứng, ông nêu lên sự quan tâm sâu sắc của trẻ em một trường nọ đối với một con chó tai đen nào đó, có chủ phải đi mổ ở bệnh viện lâu ngày.
Sau đó liền ba ngày ở khắp các trường trong quận, các thầy cô đã giáo dục các em tình thương yêu súc vật, rồi kể chuyện các em ở trường số mấy đó đã chăm sóc rất nồng hậu và tốt đẹp đối với một con chó. Tuy nhiên, những thầy cô có tính cẩn thận cũng nhấn mạnh rằng con chó trong trường hợp này phải không là chó dại, điều này cần chú ý đến để đề phòng. Ở trường Tôlich học, cô giáo kể chuyện này một cách giản dị và thống thiết.
- Các em ạ, các em thử hình dung mà xem, - cô nói. - Một kẻ độc ác nào đó đã chặt mất một chân con chó (như vậy là lời đồn đã bị xuyên tạc đi đôi chút ngay trong giới các thầy cô: đã gọi là đồn mà). Kẻ đó không xứng đáng là một người dân Xô viết! Con chó bất hạnh có tai đen ấy suốt đời bị tàn phế. - Cô giáo mở một trang cần thiết trong quyển vở rồi tiếp tục giảng: - Các em, bây giờ chúng ta hãy viết một bài tập làm văn ngắn gọn nhưng thật thắm thiết theo đề bài tự do như sau: "Em yêu loài vật". Muốn viết một bài kể tự do mà không bị lạc đề, cô cho các em một dàn bài nhỏ theo kiểu câu hỏi.
Rồi cô nhìn vào quyển vở và lấy phấn viết lên bảng:
1. Con chó của em tên là gì?
2. Nó trắng, đen hay màu sắc gì?
3. Tai nó vểnh hay cụp?
4. Nó có đuôi hay cụt đuôi?
5. Nó thuộc dòng gì, nếu em biết?
6. Nó hiền hay dữ?
7. Em có chơi đùa với nó không? Nếu có thì chơi như  thế nào?
8. Nó có cắn người không? Nếu có thì nó cắn ai?
9. Bố mẹ em có thích nó không?
10. Vì sao em thích con chó?
11. Em đối với các con vật khác như thế nào (gà, ngỗng, cừu, hươu, chuột v.v..)?
12. Em đã lần nào trông thấy con nai chưa?
13. Tại sao người ta vắt sữa bò, mà không vắt sữa nai (thú nhà và thú rừng)?
14. Có nên yêu quý loài vật không?
Tôlich nhấp nhỏm như ngồi phải đinh, nó không thể viết được gì cả. Trong bầu không khí im lặng chung, Tôlich kìm không nổi đã bật hỏi:
- Thưa cô Anna, thế con chó trắng tai đen ấy tên là gì ạ?
Cô giáo tra sổ và trả lời:
- Tên là Bim.
- Bim rồi! - Tôlich reo lên, tiếng reo đã làm huyên náo cả lớp - Em thưa cô Anna, xin cô cho em về ạ! Em sẽ đi tìm con Bim, em biết nó, con chó ngoan lắm ạ. Xin cô ạ! - thằng bé van xin cô, sẵn sàng hôn tay cô để tỏ lòng biết ơn.
- Em Tôlich! - Cô giáo quay về phía thằng bé, nghiêm nghị nói: - Em làm ảnh hướng đến các bạn khác làm việc. Thôi hãy suy nghĩ đi mà làm bài.
Tôlich ngồi xuống. Nhìn trang giấy trắng nó thấy con Bim. Có lẽ cũng như các bạn, nó cũng đang tập trung suy nghĩ về cái đề tài tự do này, nhưng nó chỉ mới viết được có mỗi cái đầu đề "Em yêu loài vật". Mãi đến khi gần có chuông báo ra chơi nó mới vội vã cặm cụi sáng tác các câu trả lời. Thậm chí khi chuông réo rồi mà nó còn cố nán lại viết thêm chút nữa. Vào những trường hợp như vậy, cô Anna Pavlôvna vẫn ngồi yên trên bàn, kiên trì chờ đợi. Sau cùng, Tôlich với vẻ rầu rĩ như chưa hài lòng điều gì, đến đặt bài tập làm văn của mình trước mặt cô Anna Pavlôvna. Rồi nó đi ra ngoài.
Thành thử bài làm của Tôlich nộp cuối cùng, do đó cũng giống như mọi lần đã được cô Anna Pavlôvna chấm đầu tiên (bài của nó nằm trên cùng). Thằng bé trả lời rất chính xác những câu hỏi của đề tài tự do, thậm chí còn thêm thắt nữa. Bài làm của nó còn có cả mấy câu thơ rõ ràng là "thuổng" của một bài hát quen thuộc mà đứa trẻ nào cũng biết. Đại để như thế này:
"Em yêu loài vật"
"Nó tên là Bim. Nó mình trắng, tai đen. Tai nó cụp. Cái đuôi ra đuôi. Nó thuộc dòng chó săn chứ không phải chó chăn cừu. Nó hiền lắm. Em đã chơi với nó một lần, nhưng rồi có ông lão vớ vẩn nào đã đến lôi nó đi, một ông lão tồi lắm và chẳng ra cái gì cả! Nó không cắn người. Ba và má em không thể thích nó được, nó là chó của người khác, nó đeo biển màu vàng ở cổ. Do đâu mà em yêu thích nó, em cũng không rõ, chỉ biết thích là thích thôi. Em yêu cả gà, ngỗng, cừu, hươu và chuột, nhưng em cũng sợ chuột. Em chưa thấy nai bao giờ. Chúng không sống trong thành phố. Người ta vắt sữa bò để có sữa bán ở cửa hàng và để hoàn thành kế hoạch. (Chỗ này sai rồi - Anna Pavlôvna thầm nghĩ). Người ta không vắt sữa nai bởi vì trong cửa hàng không thấy bán sữa nai và cũng chẳng ai cần đến thứ sữa này. Phải yêu quý loài vật. Còn chó là người bạn tốt nhất của người. Bây giờ em xin làm một bài hát:
Con nai cũng tốt
Con hươu cũng tốt
Con chuột cũng tốt
Nhưng con chó thì tốt hơn cả.
Em còn nuôi được mấy con chuột bạch, nhưng má em bảo để chúng trong phòng hôi lắm, phải bịt mũi, nên má đã đem cho một đứa con gái nhà khác. Con Bim thì thế nào em cũng tìm ra, dù cô không cho em đi. Thế nào em cũng em ra, em nói tìm ra là sẽ tìm cho ra. Dù cho có là cô Anna Pavlôvna cũng vậy thôi”.
Đôi mắt cô giáo Anna Pavlôvna trợn ngược lên trán: "Thằng bé lại vượt ra ngoài khuôn khổ rồi! Nó nghĩ quái quỷ gì thế! Tẩm ngẩm tầm ngầm thật...". Thật ra cô không dám nghĩ hết cái ý nghĩ cuối cùng. Vì là một nhà sư phạm với ý thức trách nhiệm, cô đã cho điểm hai. Cơ sự là như vậy Cô Anna Pavlôvna là cô giáo có uy tín. Học sinh có vẻ yêu cô và nghe lời cô, tất nhiên trừ một số ít mà chẳng lớp nào không có. Giáo dục là một chuyện phức tạp, mà tôi xin lưu ý các bạn, đó là một việc phức tạp vô cùng, có lẽ cũng bởi thế mà Tôlich đã dám làm một bài văn, bài đầu tiên trong đời học sinh của mình, như vậy: dĩ nhiên đó là do em ấy cũng có bực vì chưa được trình bày và cũng do em thiếu ý thức nữa, nếu ta nhớ lại rằng thằng bé đã đề cập đến mấy con chuột bạch, mà về đề tài ấy cô Anna Pavlôvna không hề đặt câu hỏi nào. Cũng có thể đến khi lớn nó sẽ hiểu ra lỗi lầm hồi nhỏ của mình, còn bây giờ thì nó chẳng hiểu ra thế nào cá. Thằng bé thậm chí sau giờ ra chơi cũng không thấy vào lớp nữa. Đây cũng là một biến cố phi thường!
Tôlich đạp xe đi từ quận mới, nơi nhà nó vừa dọn đến, về quận cũ, tới cái trường số... và hỏi dò bọn trẻ đầu đuôi câu chuyện: chúng trông thấy con Bim lúc nào và con chó hiện đang ở đâu. Nó mừng rơn khi được biết chân Bim không hề bị chặt mà chỉ co lên thôi. Thằng bé đi cùng bọn trẻ đến nhà Bim.
Nó bấm chuông, Bim đáp lại bằng câu hỏi: "Gâu" (Ai đấy?)
- Tao, Tôlich đây! - Người khách reo lên. Rồi nó nghe thấy Bim rúc mũi vào khe cửa, khịt khịt hít không khí.
- Bim ơi, tớ đây! Tôlich đây!
Con Bim rít lên, kêu ăng ẳng. Nó như nói: "Chào Tôlich! Thằng bé cũng hiểu ngay, lần đầu tiên nó nghe được tiếng nói của chó. Bà Xtêpanôvna nghe tiếng chó sủa và tiếng người trò chuyện với chó, tiến bước ra:
- Hỏi gì thế, cháu?
Cháu đến với con Bim.
Mọi điều đã được phân giải dễ dàng. Cả hai cùng bước vào phòng. Tôlich không nhận ra Bim nữa: nó bị cháy xém, bụng lép kẹp, bộ lông rối bù, chân đi lảo đảo, xương sườn nhô ra - không đúng, đây không phải con Bim. Nhưng cặp mắt thông minh và đầy trìu mến đã nói: "Mình là Bim đấy". Tôlich ngồi xổm xuống, cho Bim tự do muốn làm gì thì làm. Bim ngửi nó, liếm lên áo vét, lên cằm, lên tay và cuối cùng gối mõm lên mũi giầy của Tôlich. Dường như nó đã yên lòng.
Bà Xtêpanôvna kể hết cho Tôlich, một chú bé không quen biết, kể hết những gì bà biết về Bim, và về ông Ivan Ivanưts, chỉ có một điều bà không thể giải thích nổi là ai đã đập nát chân Bim ra như thế và chuyện xảy ra ở đâu - Do số nó đấy! - Bà ta xác định. - Con chó nào cũng có số cả... Bà nói chuyện với thằng bé một cách bình thản, tuy có pha chút đắng cay, nói chuyện một cách bình đẳng, không ỷ vào tuổi già, và cũng không nghi ngờ gì những kinh nghiệm sống phong phú của mình.
- Thế tấm biển của nó đâu rồi hả bà? - Tôlich hỏi. - Trước đây nó có cơ mà. Cháu đã được đọc rồi.
- Ừ, trước nó có đeo. Thế tên cháu là gì?
- Tôlich.
- Tôlich. Tốt lắm..., trước nó có đeo, nhưng ai đã tháo mất rồi, có thể như vậy. - Tôlich nghĩ bụng: "Đúng lão ta tháo. Lão Xám!...". Nhưng không nói ra, vì nó chưa thật tin như vậy. - Lạy Chúa, bà biết làm thế nào với nó bây giờ? - Bà Xtêpanôvna nhìn Bim nói. - Tội nghiệp nó, nhưng cần làm gì, bà chẳng rõ đâu, cháu ạ. Hay là đưa nó đến ông xú y...
- Ông thú y, - Tôlich chữa lại, vì cảm thấy cái thế chưa mạnh của mình nên nó chỉ trả lời câu hỏi "cần làm gì" của bà như sau: - Hàng ngày tan học về cháu sẽ lại đây, cháu sẽ dắt nó. Được không ạ?
Như vậy là Bim có thêm một người bạn nhỏ mới.
Hàng ngày, sau bữa ăn trưa, nó lại đi xuyên qua thị xã đến chơi với Bim, dẫn Bim đi quanh sân, đi ra phố, vào công viên và nó kiêu hãnh đáp lại niềm thích thú của bọn trẻ:
- Chó là bạn tốt nhất của người.
Ý nghĩa của câu này hoàn toàn khác hẳn với bài luận nó đã làm trong lúc bực bội. Nhưng Tôlich quyết tìm cho được Lão Xám kia và nói toạc ra. Nó đi rình lão ở trong quận mới, nơi nó ở. Thế rồi thằng bé đã đối mặt với lão:
- Bác ơi, - nó hỏi, nâng lưỡi trai mũ lên và vắt tay ra sau lưng. - Vì sao bác lại tháo tấm biển của con Bim ra?
- Mày sao thế? Lú lấp rồi à? - Lão chẳng trả lời mà hỏi vặn lại.
- Lúc bác dắt con chó đi, nó vẫn còn có biển cơ mà. Đâu phải mình cháu nhìn thấy.
- Rồi tao cũng thả nó ra cùng với tấm biển. Nó lại cắn cả tao nữa! Nó cắn người như con chó sói ấy, đến mày cũng phải thả nó ra.
- Bác ơi! Bác nói dối rồi! Con Bim nó hiền lắm.
- Tao? Tao mà nói dối ư, đồ chó con? Bố mẹ mày đâu? Nói đi, - lão vặn lại.
Ở chừng mực nào đó thì Lão Xám nói đúng. Chừng mực nào thôi: lão ta không nói dối, vì lão đã bị Bim cắn thật, và có đủ quyền phẫn nộ, nhưng lão cũng nói dối là không tháo tấm biến ở cổ dề chó. Theo lão nguyên nhân khởi thủy là do con Bim cắn lão chứ không phải do lão tháo tâm biển. Việc sắp xếp lại vị trí của nguyên nhân và hậu quả bao giờ cũng là một thủ đoạn có lợi nhất để người ta vin vào. Lão tin tưởng chắc chắn rằng lão nói đúng sự thật, nhưng cái việc lão không nói hết sự thật thì không dính dáng gì đến lão cả. Nhưng ai biết được đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả: con chó cắn trước, hay tấm biển bị tháo trước? Đây vẫn còn là điều bí ấn đối với mọi người. Nhưng Tôlich tin chắc rằng Bim không thể nào lại cắn lão, bởi vì lão là con người chứ không phải con thỏ hoặc con chồn vớ vẩn nào đấy.Vì thế nó nhắc lại một lần nữa:
- Bác đánh lừa cháu, bác già ơi! Thế thì xấu lắm nhá!
- Gư-ừ! - Lão già gầm ghè. Rồi khập khà khập khiễng, trẹo cái mông sang một bên, lão bỏ ra đi (rõ ràng là Bim đã ngoạm cho lão một miếng nên thân).
Lạ kỳ là cả hai bên đều đúng, khi một người chỉ nói có nửa sự thật còn một người thì chưa biết đến nửa sự thật kia.
Lão Xám vừa đi vừa nghĩ: "Nó cùng với lũ trẻ ranh sẽ lên đồn báo cáo, họ sẽ đến, nhìn thấy bộ sưu tập... Không được, không thể nộp cái vật kỷ niệm tròn thứ năm trăm này. Nó có giá trị bằng hai chục cái huy hiệu thông thường". Thế là lão quyết định: "Cách phòng ngự tốt nhất là tấn công".
Về nhà, lão làm đơn đưa đến trạm thú y. Ở đó họ đã đọc:
"Có một con chó chạy rông (thuộc dòng chó Xette không thuần chủng, tai đen) đã cắn tôi khi tôi đang đi đường, rứt đứt một miếng thịt ở chỗ thiết dụng của cơ thể tôi, rồi chạy mất... Nó chạy nom như chó dại, chúi đầu, cụp đuôi, mắt đỏ ngầu máu... Tôi đề nghị: Hoặc là bắt giữ nó rồi giết đi, xin cứ lệnh cho đội bắt chó thi hành, hoặc là tôi sẽ khiếu nại lên trên về nó để vạch ra thói quan liêu và thờ ơ trong công tác của các ông..." v.v...
Ông bác sĩ thú y tỏ vẻ lo ngại:
- Nó cắn vào đâu? Từ bao giờ? Ở đâu? Trong trường hợp như thế nào? Lão Xám bịa đặt như một nhà văn thực thụ, chỉ có điều là không có chút đầu óc tưởng tượng nào. Đối với bác sĩ, căn cứ vào báo cáo của người bị cắn thì rõ ràng là: Ông ta đã bị một con chó chạy rông cắn giữa đường phố! Ông bác sĩ cảm lấy ống điện thoại gọi ngay đến người trực trạm Paxtơ.
Lập tức chỉ đúng vài phút sau có một bà bác sĩ đi ô tô đến, lột quần lão ra xem, và hỏi:
- Đã mấy ngày rồi?
- Mười ngày! - Con bệnh vô tình trả lời.
- Bốn ngày nữa bác sẽ phát dại, - bác sĩ khẳng đinhdứt khoát. Nhưng thấy con bệnh không tỏ chút lo ngại nào trước lời tuyên cáo này, bà bác sĩ sinh nghi, có lẽ vì thế mà hỏi thêm: - Thế bác chưa tắm đã mấy tháng nay tôi.
- Trước lúc bị cắn là ba tuần. Tôi sợ bị nhiễm trùng. Chỗ cắn xem chừng nghiêm trọng lắm...
Người bác sĩ thú y nói chen vào:
- Chỗ đó cua bác trầm trọng thật đấy. Như máy ti vi ấy (Ông ta là người thích đùa, một ông bác sĩ thú y thật là đáng yêu).
- Sao bác liều thế - Bà bác sĩ kêu lên, và xem vết thương một lần nữa... Đi về trạm ngay, về trạm! Phải tiêm thuốc phòng dại ngay lập tức... tiêm vào bụng... trong vòng sáu tháng liền.
Lão Xám gầm lên:
- Ô hay! Các vị cứ bày ra trò ma quỷ!
- Không có gì ma quỷ cả, - bác sĩ thú y thản nhiên ngắt lời. - Bác mà không tuân theo thì chúng tôi sẽ phải cưỡng bức, nhờ cảnh sát đến bắt bác tại nhà, nếu bác là người u tối như vậy.
- Tôi ấy à? Tôi mà u tối à? - Lao Xám kêu toáng. - Thế các vị có biết trước đây tôi đã công tác ở đâu không?!
- Điều đó tôi không cần biết, - bà bác sĩ trả lời. - Về trạm đã! - Bà tiếp thêm, giọng càng nghiêm nghị hơn. Bây giờ thì kẻ tố giác bắt buộc phải đi tiêm thuốc đều đặn vào những ngày giờ nhất định. Chẳng sung sướng gì, như gà rơi vào nồi canh bắp cải ấy: chó làm khổ cái mông, bác sĩ làm khổ cái bụng.
Rồi sau đó lại có chuyện thế này.
Lão Xám làm thế nào lại kết được với Bà Thím thì không rõ, chỉ biết rằng dù sao họ cũng đã liên kết được với nhau. Cũng có thể họ quen biết nhau đã lâu (mà đúng là như thế). Họ đã gặp nhau hôm đó ngoài đường. Bọn họ tầm ra nhau chẳng khác gì ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Nghĩa là họ đã kết nhau và bàn bạc ngay. Vỡ lẽ mới biết ông ta đi tập tênh là vì con chó tai đen cắn.
- Ờ mà tôi cung biết con chó ấy rồi! Lạy Chúa, biết rồi! - Bà Thím nói giọng khàn khàn. - Nó cắn cả tôi đấy.
Lão Xám biết là bà ta bịa, nhưng vẫn kể lể:
- Tôi đã tự viết đơn khiếu tố để họ bắt và diệt nó đi. Lương tâm thôi thúc tôi phải làm.
- Thôi thúc thế là phải! - Bà Thím sốt sắng ủng hộ ngay.
- Thì bà cũng viết đi, nếu bà là người trung thực.
- Tôi ấy à? Tôi sợ gì!
Rồi ngay hôm đó bà ta cũng phát đơn kiện lên trạm thú y. Trong thâm tâm Lào Xám nghĩ: "Mụ giỏi bịa thì kệ xác cho bác sĩ người ta tiêm vào bụng cho đáng đời". Lão không thích ai nói dối lão và vẫn tự hào như vậy. Thế là Bà Thím cũng như gà rơi vào nồi canh bắp cải, bà ta la thét, chửi bới, khi cần thì lại bịa, chẳng hạn như vết cắn không to và đã lành rồi, bà lấy ngón tay day đi day lại chỗ vết sẹo cũ ở tay, và lại gào lên rằng bà là người phụ nữ Xô viết lương thiện, viết đơn vì công ích, thế mà lại bị trừng phạt vào bụng.
Cũng lạ, không hiểu sao người ta đã thả mụ ra, chỉ ghi lại địa chỉ và nói rằng mai họ sẽ đến nhà đề làm sáng tỏ vấn đề. Dù thế nào đi nữa thì Bà Thím cũng căm thù con Bim đến tận xương tủy, và cả Lão Xám nữa, nhưng có phần ít hơn, tuy lão đã chơi khăm mụ.
Vì hai lá đơn mà hai ngày sau trên tờ báo tỉnh có đăng thông báo.
"Có căn cứ để cho rằng: một con chó Xette không thuần chủng, tai đen đã cắn người qua đường. Chúng tôi đề nghị những ai biết được chỗ ở của nó và cả những ai bị nó cắn thì báo cho biết theo địa chỉ... nhằm mục đích bắt giữ để phân tích và thanh toán những hậu quả có thể xảy ra. Đồng bào hãy bảo vệ sức khỏe của mình và sức khỏe của người khác - chớ có im tiếng..." v.v...
Qua vài ngày sau lập tức đã có nhiều thư của bạn đọc tới tấp gửi đến. Trong một lá thư có viết:
"... (ngày... tháng... năm)... có một con chó chạy về phía ga (dòng Xette, không thuần chủng, tai đen), nó không biết trời biết đất gì, cứ cắm đầu chạy thẳng. Chó khỏe mạnh đâu có chạy như vậy: chúng không chạy thẳng một mạch hoặc chạy bừa ra cả quảng trường, mà chạy vòng quanh chướng ngại vật gặp trên đường đi. Đuôi nó buông thõng và mõm nó cũng chúi xuống. Con chó nói trên (dòng Xette, không thuần chủng, tai đen) hết sức nguy hiểm, có thể cắn bất cứ một người công dân Xô viết nào, thậm chí có thể cắn cả khách du lịch nước ngoài. Vì vậy phải bắt và trừ khử ngay, không cần phải khám xét lôi thôi gì như đã nêu lên trong bản thông báo của quý báo".
Phía dưới lá đơn có mười hai chữ ký.
Còn nhiều bức thư khác nữa (không thể nêu lên hết được) Chẳng hạn có lá viết: "Đúng có con chó như thế, nhưng tai không đen, cũng cắm đầu cắm cổ chạy"... hay... "Thị xã đầy những chó, con nào trong số đó là chó dại thì không tài nào biết được" hoặc:... "Nếu chính quyền Xô viết tính không thể mở rộng địa bàn hoạt động cho việc tổ chức tiêu diệt chó một cách có kế hoạch trong vòng một năm, thứ hỏi chúng ta sẽ đi đến đâu, đồng chí biên tập báo? Kế hoạch đâu cả? Vũ khí phê bình có hiệu lực đâu? Và tại sao các đồng chí không lắng nghe ý kiến phê bình? Chúng ta chỉ biết một việc nướng bánh thôi, còn việc bảo vệ sức khỏe cho từng người lao động thì bất lực; tôi là người trung thực bao giờ cũng hay nói sự thật, toạc móng heo: Nhân tiện cũng xin nói là tôi không sợ bất cứ ai. Còn các đồng chí hãy suy nghĩ lời tôi nói. Tôi không đủ kiên nhẫn sự kiềm chế nữa: cứ viết, viết hoài, rồi kết quả là con số không".
Tóm lại, thư từ gửi nhiều đến nỗi biến thành một cuộc tranh cãi mà kết quả là xuất hiện một bài xã luận với đầu đề "Trong căn hộ ấy". Trong đó có đoạn trích lá thư của vị phó giáo sư trường đại học sư phạm. Vị này rõ ràng là người ghét chó. Nguyên nhân vì sao thì khó mà đoán ra được, thế nhưng bài phát biểu của ông đã có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với trẻ em và thanh thiếu niên: nếu chúng hiểu đúng bài phát biểu này, thì ngay từ lúc còn nhỏ chúng đã muốn bóp chết hết chó để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân lao động, còn nhà nào nuôi chó thì chủ sẽ bị bọn trẻ đồng thanh chửi bới ngay giữa phố: "Đồ vô công rồi nghề!" (câu này vị giáo sư dùng để gọi những người yêu quý chó),  "Đồ bẩn thỉu" (cùng ở trong tác phẩm của vị giáo sư này).
Như đã đề cập ở trên, thư nhiều không kể xiết, dù sao chúng tôi cũng cố trình bày ra đây một lá thư cuối cùng chỉ gồm có hai dòng, tác giả chỉ nêu lên câu hỏi: "Trong hai cái tai đấm vào cái tai đen có được không?". Đó là một độc giả thực tế, xa lạ với thứ giá trị khá trừu tượng về thề giới. Mặc dù vậy lá thư này không được đăng, thậm chí không được trả lời nữa. Thử nghĩ mà xem, thế có coi được không! Thật là thiếu tôn trọng đối với nhiệt tình của người muốn cống hiến.
Lại còn có thứ độc giả vị tha nữa, lạy Chúa, sẵn lắm. Loại độc giả này tận dụng mọi cơ hội đê phát biểu và lên án và như trong chuyện của chúng ta đây: người ta đã truy lùng con Bim trong toàn thị xã, đã phỉ báng con chó hiền lành. Vì làm sao? Thôi được, cứ cho là Bim đã cắn người đi, ta coi đó là sự thật, nhưng hoàn cảnh mà nó phải cắn là thế nào, và bảo nó là chó điên thì là một điều nói láo. Độc giả có tính cẩn thận đã lẫn lộn lung tung, cái đó cũng không phải lỗi tại ông ta: vì ông không nghi ngờ có sự vu khống ở đây. Còn sự vu khống này có đủ chân, tuy có ngắn, nhưng lại rất vững chắc.
Dù sao người chủ bút tờ báo cũng kịp thời nhận thấy rằng cuộc tranh cãi này có tính tự phát, do kẻ bị chó cắn khởi xướng. Cuộc tranh cãi đó nói chung không được tổ chức, mà là tự nổ ra. Và ông đã hành động rất khôn khéo, ông cho đăng một thông báo chữ cỡ nhỏ (cái cỡ chữ mà độc giả kiên định không bao giờ bỏ qua): "Con chó tai đen đã bị bắt. Tòa soạn xin đình chỉ cuộc tranh luận về đề tài này. Các bản thảo sẽ không hoàn lại".
Ông chủ bút này là một nhà hài hước - điều mà "độc giả hăng máu" chịu không nổi.
Tuy vậy đó là điều sai sự thật: không ai bắt được Bim cả. Sự thật là ở trường được biết có thông cáo ấy thì ngay chiều hôm ấy Tôlich đã tìm được nhà của bác sĩ thú y, bấm chuông, và khi người ta mở cửa ra, nó nói luôn:
- Cháu ở chỗ con Tai Đen đến đây, từ chỗ con Bim ấy.
Vấn đề lập tức được sáng tỏ, ngày hôm sau Tôlich đến chỗ Bim rồi dẫn nó đi tập tễnh ba chân đến cho bác sĩ ở trạm thú y. Ông ta xem xét và nói:
- Cuộc tranh luận thật là nhảm nhí. Con chó có bị dại đâu, mà là bị đau. Nó bị đánh què. Chà các vị ơi! - Ông ta thở dài, người bần thần chẳng rõ ra ý thế nào.
Rồi ông khám chân đau cho nó, khám nội tạng, kê đơn, cho thuốc mỡ để bồi chân, cho thuốc nước để uống, rồi tiễn chân cả hai ra về: thằng bé và con chó. Lúc từ biệt, ông hỏi:
- Cháu tên là gì vậy, người anh hùng?
- Tôlich ạ.
- Cháu là một người đàn ông tốt bụng, Tôlich ạ. Giỏi lắm.
Lúc ra về, Bim cũng cám ơn ông bác sĩ. Người ông ta có mùi thuốc, nhưng ông ta không ốm đau gì cả, mà ngược lại, là một con người cao lớn, can đảm, có đôi mắt phúc hậu.
"Ông là người tốt bụng, - Bim nói với bác sĩ bằng cử chỉ của cái đuôi và ánh mắt. - Ông là một người rất tốt bụng".
Bạn đọc thân mến! Không, tôi không nói với người bạn đọc đã tưởng rằng không có những lá thư vu khống ấy của mình thì chó sẽ ăn sống nuốt tươi hết mọi công dân nam nữ của chúng ta. Tôi nói là nói với bạn đọc khác. Xin lỗi bạn là trong cuốn tiểu thuyết lạc quan trữ tình này, viết về một con chó, có đôi lúc tôi đã đưa ra một hai bức ký họa châm biếm. Nhưng không nên vì thế mà đã vội kết tội tôi phá vỡ quy luật sáng tác, vì mỗi nhà văn đều có một số "quy luật" riêng của mình. Bạn đọc quý mến; xin đừng vội kết tội tôi đã làm lẫn lộn các thể loại khác nhau, bởi lẽ bản thân cuộc sống vốn vẫn có sự lẫn lộn: giữa thiện và ác, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa vui và buồn, giữa thật và giả. Những cái đó tồn tại bên cạnh nhau và gần gũi nhau đến nỗi đôi khi khó lòng tách cái này ra khỏi cái kia được. Tệ hại cho tôi hơn nếu bất chợt bạn tìm thấy ở tôi có một nửa sự thật. Điều này chẳng khác gì một cái thùng vơi đi một nửa. Mà việc chứng minh sự khác biệt giữa cái thùng vơi một nửa với cái thùng đầy một nửa là vô nghĩa.
Cái chủ yếu là tôi tán thành viết về tất cả các mặt chứ không riêng về một mặt nào. Viết riêng về một mặt là có hại. Bạn ngẫm mà xem! Nếu chỉ viết riêng có cái tốt thì cái xấu sẽ là hiếm hoi, nổi bật; nếu chỉ viết về hạnh phúc thì mọi người sẽ không thấy những người bất hạnh nữa và rốt cuộc sẽ không để ý đến họ nữa; hoặc giả nếu chỉ đề cập đến các vấn đề nghiêm túc, đẹp đẽ, thì người ta sẽ thôi không cười cái xấu xa nữa.
Vả lại cũng cần phải nói rằng ở đây tôi chỉ viết về một con chó. Những chương tiếp sau đây sẽ xác nhận điều này và tiện đây tôi cũng xin nói rằng câu chuyện về con chó Bim hiền lành của chúng ta không phải lúc nào cũng vui vẻ cả.