Chương 3
Kẻ thù đầu tiên của Bim

    
ùa hè trôi qua, một mùa hè vui vẻ đối với Bim, một mùa hè sung sướng, đầy tình bạn của Bim đối với Ivan Ivanưts. Những cuộc đi chơi đồng cỏ và đầm lầy (không mang súng), những ngày nắng ráo, những buổi tắm mát, nhiều chiều êm ả bên bờ sông - còn cần gì hơn nữa cho bất kỳ chú chó nào? Không cần gì hơn nữa, đúng như thế.
Trong những lần luyện tập, hai thầy trò cũng gặp cả những bạn săn. Với các bạn săn ấy cuộc làm quen đã diễn ra nhanh chóng, bởi vì chủ nào cũng kèm theo một chó. Chủ chưa gặp nhau, hai chó đã chạy đến với nhau và chuyện trò dấm dắn với nhau bằng cử chỉ và ánh mắt, theo ngôn ngữ chó:
"Đằng ấy là thế nào, đực hay cái?" - Bim vừa hỏi vừa hít hít ngửi ngửi những chỗ cần ngửi (tất nhiên chỉ là để cho đúng thể thức thôi).
"Đằng ấy thấy rồi, còn hỏi gì nữa" - ả đáp.
“Sống thế nào?" - Bim vui vẻ hỏi.
"Làm việc chứ thế nào!" - ả đáp re rẻ và làm duyên nhảy cẫng lên một cái bằng cả bốn chân.
Sau đó chúng chạy bộ về với chủ lần lượt báo cáo với họ về cuộc làm quen. Khi hai nhà đi săn ngồi xuống chuyện trò dưới bóng cây hoặc bóng một bụi rậm thì hai con chó chạy nhảy nô đùa cho đến mệt lè lưỡi. Lúc ấy chúng đến nằm xuống bên chủ, lắng nghe cuộc chuyện trò rủ rỉ thân mật.
Ngoài những nhà di săn ra, những người khác đối với Bim đều ít đáng quan tâm: họ là người, thế thôi. Họ tốt. Nhưng không phải người đi săn mà!
Nhưng chó thì lại khác.
Một hôm ngoài bãi cỏ nó gặp một con chó xù, bé bằng nửa nó, đen ơi là đen. Chúng chào nhau dè dặt, chẳng niềm nở làm duyên gì. Và duyên dáng làm gì cơ chứ khi mà con chó kia, trước một loạt những câu hỏi thường lệ đối với những trường hợp này, chỉ lừng khừng vẫy đuôi đáp:
- Tớ muốn ăn.
Miệng nó sặc mùi chuột. Và Bim ngửi ngửi mõm nó, ngạc nhiên hỏi:
- Đằng ấy ăn chuột à?
- Ăn chuột, - ả kia trả lời. - Tớ muốn ăn.
Rồi nó gặp một cái rễ sậy xù xì trăng trắng.
Bim muốn nếm thử cái rễ sậy xem sao, nhưng ả chó cái phản đối, cứ một điệu nói:
- Tớ muốn ăn.
Bim ngồi đợi cho con chó kia gặm xong hết, rồi rủ nó đi theo. Con kia đi ngay, không ý kiên ý cò gì hết, khua bụi lên sau Bim, người nom xù, nhưng sạch (xem vẻ nó thích tắm, cũng như phần lớn họ hàng nhà chó, và chính vì thế mà mùa hè chúng cũng không bẩn bẩn thỉu thỉu, kể cả những chó hoang). Bim dẫn nó đến với chủ từ nãy vẫn theo dõi từ xa cuộc làm quen của anh bạn nhỏ. Nhưng con Xù chẳng tin ngay vào người lạ mặt kia, và ngồi tụt lại xa xa mặc dù Bim cứ chạy đi chạy lại như con thoi giữa chỗ chủ và chỗ nó, gọi nó, thuyết phục nó. Ivan Ivanưts bỏ túi dết ra, lấy khúc dồi cắt một miếng ném cho Xù:
- Lại đây, lại đây. Xù. Lại đây nào.
Mẩu dồi rơi xuống cách nó vài ba thước. Nó rón rén tiến lại, với lấy khúc dồi, chén hết rồi ngồi xuống ngay chỗ ấy. Đến mẩu dồi thứ hai nó xích gần hơn chút nữa.Và sau đó nó đã ăn ngay dưới chân người, thậm chí còn để cho người vuốt ve nữa, dù là cũng có chút e ngại. Bim và Ivan Ivanưts đã cho nó tất cả khúc dồi: chủ cắt ra và ném, còn Bim thì để yên Xù ăn, không tranh. Âu cũng là chuyện thường tình: anh ném một mẩu, nó đến gần hơn, ném mẩu thứ hai, đến gần hơn chút nữa, tới mẩu thứ ba, thứ tư thì nó đã quần bên chân anh rồi và sẽ phục vụ một cách tin tưởng và chân thành. Ivan Ivanưts nghĩ bụng như vậy. Ông sờ nắn người Xù, vỗ vỗ vào u vai nó, nói:
- Mũi lạnh là khoẻ. Tốt đấy. - Rồi ra lệnh cho cả hai con: Đi đi, đi!
Những tiếng ấy Xù chẳng hiểu, nhưng khi nó thấy Bim lao đi như con thoi trên bãi cỏ thì nó hiểu ra: phải chạy. Và tất nhiên hai con đã nô đùa theo kiểu nhà chó đến nỗi Bim quên khuấy cả việc nó có mặt ở đây để làm gì. Ivan Ivanưts không phản đối và bỏ đi, chân bước miệng huýt sáo.
Trên đường về thành phố, con Xù đã đi theo không ho he gì nhưng tới ngoại ô thì bỗng dưng nó ngồi bệt xuống vệ đường, cạy không đứng dậy. Gọi chán, dỗ chán không đi. Và nó đã ngồi lại như thế, đưa mắt nhìn theo hai thầy trò. Ivan Ivanưts đã lầm: không phải con chó nào cũng có thể đem mồi ra mà mua chuộc được.
Bim không biết và không thể biết được rằng Xù cũng từng có chủ, sống với chủ trong một ngôi nhà nhỏ, rồi cái phố có ngôi nhà ấy đã bị dinh đi và chủ của Xù được cấp một căn hộ đầy đủ tiện nghi ở trên gác năm.
Tóm lại là người ta đã phó mặc Xù cho số phận. Thế nhưng nó vẫn cứ tìm ra được ngôi nhà mới ấy và khoang cửa của chủ, nhưng đến đấy nó đã bị đánh đập và đuổi đi. Thế là bây gìơ nó sống một mình. Nó chỉ lang thang trong thành phố vào ban đêm, cũng như phần lớn chó hoang. lvan Ivanưts đoán ra hết nhưng kể lại cho Bim thì đâu có được. Bim chỉ đơn giản là không muốn bỏ Xù lại: nó ngoái cổ nhìn lui, nó đứng dừng lại đưa mắt nhìn Ivan Ivanuts. Nhưng ông cứ lẳng lặng bước đi, bước đi.
Nếu như Bim mà biết được số phận cay nghiệt sẽ tái hợp nó với Xù như thế nào, nếu như nó biết trước cái lúc và cái nơi chúng sẽ gặp nhau, chắc hẳn lúc này nó sẽ không bước đi bình tĩnh như vậy. Nhưng ngay cả con người cũng đâu có biết trước tương lai.
… Mùa hè thứ ba trôi qua. Một mùa hè tốt đẹp đối với Bim, và cũng không kém tốt đẹp đối với Ivan lvanưts. Một hôm, đang đêm chủ mở cửa sổ ra và nói:
- Trở lạnh, Bim ạ, lạnh đầu mùa.
Bim không hiểu. Nó đứng nhổm dậy, trong đêm tối rúc mũi vào đầu gối Ivan lvanưts, ý nói: "Không hiểu đâu”
Ivan Ivanuts đã thông thuộc ngôn ngữ chó lắm, thứ ngôn ngữ bằng mắt và cử chỉ. Ông bật đèn lên, hỏi:
- Không hiểu hả, đồ ngốc? - Rồi giải thích rành mạch: - Mai đi bắn dẽ giun. D-ẽ g-i-u-n!
Ồ tiếng ấy thì Bim hiểu lắm! Nó nhảy cẫng lên, liếm vào cằm ông bạn.
- Mai đi săn, đ-i s-ă-n, Bim ơi!
Còn gì bằng! Bim quay cuồng, rối rít tít mù lên như con quay, tự đớp vào đuôi mình, rít lên, rồi ngồi xuống, nhìn chằm chằm vào mặt Ivan Ivanưts, rùng rùng hai chân trước xù lông. Hai cái tiếng "đi săn” mê ly ấy, Bim quen hiểu nó như là cái điềm hạnh phúc. Nhưng chủ ra lệnh:
- Bây giờ ngủ đã. - Ông tắt đèn lên giường nằm.
Quãng từ đó đến sáng, Bim nằm ngủ bên giường ông bạn. Nhưng ngủ nghê gì! Nó, và bản thân Ivan Ivanưts nữa, lúc thì thiu thiu chợp đi, lúc thì choàng tỉnh dậy ngong ngóng đợi sáng.
Đến sáng hai thầy trò cùng nhau sửa soạn ba lô, lau sạch mỡ nòng súng. Ăn uống qua loa (đi săn thì chớ ăn uống đầy diều, xem xét lại bao đạn, gài lại đạn từ ổ này sang ổ kia. Trong cái giờ phút chuẩn bị ngắn ngủi ấy việc thì nhiều: chủ vào bếp, Bim cũng vào, chủ vào kho, Bim cũng vào theo, chủ bỏ một hộp thức ăn trong ba lô ra (nó cồng kềnh quá), Bim ngoạm lấy và đút trở vào, chủ kiểm tra lại đạn, Bim theo dõi (nhỡ ông ấy nhầm chăng); và nó đã phải nhiều lần rúc mũi vào trong cái bao đựng súng (có đấy hay không nhỉ?); đã thề vào những giây phút tíu tít này, bồi hồi quá lại sinh ra cái ngứa đằng sau tai: chốc chốc lại phải đưa chân lên gãi sồn sột; đến là rắc rối, trong khi chả thế người ta cũng đã bận chết người đi rồi.
Cuối cùng, chuẩn bị xong. Bim sướng mê cu tơi. Gì mà không sướng! Chủ nó, chỉnh tề trong tấm blu dông đi săn, vắt cái túi săn lên vai, nhặt lấy khẩu súng:
- Đi săn, Bim - Ông nhắc lại: - Đi săn.
"Đi săn, đi săn!" đôi mắt của Bim cũng thán phục nói. Thậm chí nó còn khẽ rít lên vì trong lòng tràn ngập sự biết ơn và tình yêu đối với người bạn duy nhất trên đời của nó.
Đúng lúc ấy, một người bước vào. Bim biết ông ta - nó đã gặp ở ngoài sân - nhưng coi ông ta là người chả có gì lý thú, không đáng một sự chú ý đặc biệt gì của nó.
Chân ngắn, người mập, mặt bè: ông ta nói bằng một giọng trầm hơi rít rít:
- Nghĩa là, xin chào! - Và ông ta ngồi vào ghế, đưa khăn lên lau mặt - Vậy đấy... Nghĩa là, đi săn hả?
- Đi săn, - lvan Ivanưts khó chịu càu nhàu. - Săn dẽ giun. Nhưng ông đã qua, xin cứ ngồi chơi.
Ra vậ-ậy đất đi săn... Nghĩa là, hãy thư thả tí đã.
Bim đưa mắt nhìn hết chủ lại đến Ông Khách, vẻ ngạc nhiên và chăm chú. Ivan Ivanưts nói gần như cau có:
- Ông nói tôi không hiểu. Cứ nói thắng ra nào.
Và đến đây thì Bim, con Bim dịu dàng của chúng ta, bắt đầu khẽ gầm ghè rồi bỗng sủa lên. Xưa nay có chuyện thế bao giờ đâu để mà bây giờ lại thế: ở ngay nhà mình, và sủa cắn khách. Khách chẳng sợ, và xem vẻ thản nhiên.
- Về chỗ! - Ivan Ivanưts ra lệnh cũng vẫn bằng giọng cau có như thế.
Bim vâng lời: nó về ổ nằm, đặt mõm lên cẳng, mắt nhìn về phía người lạ.
- Chà! Nghĩa là, bảo được đấy nhỉ. - Vậ-ậy đấy... Nghĩa là, ra cổng ra ngõ nó cũng sủa cắn người cứ như, tạm gọi là như một con cáo ấy, phải không ông?
- Không bao giờ. không bao giờ cắn một ai. Đây là lần đầu tiên. Bảo đảm với ông như vậy! - Ivan lvanưts chột dạ, phát cáu lên. - Tiện thể, xin nói là nó không có tí dính dáng gì với chồn cáo cả.
- Vậ-ậy đấy! Ông Khách lại dài giọng nói. - Tôi xin nói vào việc.
Ivan lvanưts cởi áo blu dông và túi săn ra:
- Tôi xin nghe.
- Nghĩa là, ông có một con chó. Còn tôi thì có, - Ông Khách rút trong túi ra một tờ giấy, - một lá đơn người ta kiện nó. Đây. - Và đưa tờ giấy cho chủ nhà.
Đọc tờ giấy, Ivan Ivanưts sôi lên bất bình. Bim thấy vậy, tự động rời ổ đến ngồi dưới chân bạn, dường như để bảo vệ ông, còn Ông Khách thì nó không nhìn nữa, mặc dầu vẫn cảnh giác.
- Dớ dẩn, - Ivan Ivanưts nói, giọng đã bình tĩnh hơn. - Ba lăng nhăng. Con Bim là một con chó hiền, chưa cắn và cũng sẽ không cắn ai bao giờ, không lếu láo với ai. Nó là một con chó khôn.
Khé - khé – khé! - cái bụng ông Khách rung rung. Và ông hắt hơi một cái chả đúng lúc tí nào. - úi, hỗn chưa! Ông quay sang nói với Bim, không có vẻ gì ác ý.
Bim càng quay mặt đi, nhưng trong bụng hiểu rằng người ta đang bàn về nó. Và nó thở dài.
- Thế vậy ông thấy lá đơn khiếu nại này nó thế nào? lvan Ivanưts lúc này đã hoàn toàn bình tĩnh, mỉm cười hỏi. - Đơn khiếu nại ai thì ông đưa cho kẻ ấy là phải thôi. Còn tôi thì cứ như lời kể, tôi cũng đến tin thôi.
Bim để ý thấy mắt Ông Khách thoáng một nụ cười.
Và ông ta nói:
- Thứ nhất, đúng là phải thế. Thứ hai, đơn không khiếu nại ông mà khiếu nại con chó. Nhưng ta đâu có đưa cho chó đọc được. - Và ông cười xòa.
Chủ cũng tủm tỉm cười. Bim thì chẳng nhếch mép cười được: nó biết người ta đang nói về nó, nhưng nói cái gì, nó không thế hiểu được - cái ông Khách này đến là khó hiểu. ông ta chỉ tay về phía Bim và nói:
- Con chó này phải đuổi đi thôi. - Và ông khoát tay ra cửa.
Bim hiểu rằng người ta đòi hỏi ở nó đúng như thế này: mày cút đi. Nhưng nó vẫn không rời chủ một phân.
Ông hãy mời cái bà khiếu nại ấy đến đây, ta nói chuyện, may ra ổn chăng, - Ivan Ivanưts đề nghị.Không ngờ Ông Khách ra ngay và một thoáng sau quay trở lại cùng với một bà.
- Đây nghĩa là tôi đã mời cho ông Bà Thím đến đây.
Bim cũng biết bà ta. Người thấp và béo ú, giọng nói the thé, bà ta cả ngày chỉ ra ngồi chơi ghế đá ngoài sân với các bà rỗi công rỗi việc khác. Một lần Bim đã đến liếm tay bà ta (không phải vì trong lòng tràn trề tình cảm đối với riêng bà ta mà là đối với loài người nói chung), làm bà ta rú lên và chõ về phía các cửa sổ để ngó mà kêu toáng điều gì ầm cả sân. Bà ta kêu cái gì, Bim đâu có hiểu, nhưng nó hoảng lên, lao đầu bỏ chạy về cào cào cánh cửa nhà. Tội của nó đối với Bà Thím chỉ có thế mà thôi. Và bây giờ bà ta bước vào kia. Có chuyện gì lôi thôi cho nó đây! Thoạt đầu nó nép mình vào chân chủ, rồi khi ông suốt lông nó thì nó quặp đuôi lại đi về ổ, mắt liếc nhìn trộm bà ta. Những lời Bà Thím nói, nó chẳng hiểu qua một lời nào, còn bà ta thì cứ quang quác như một con quạ và luôn tay chỉ trỏ nó. Nhưng nhìn cử chỉ ấy, nhìn ánh mắt giận dữ của bà ta, Bim hiểu: cơ sự này là do nó đã liếm tay không đúng cái người nên liếm. Dại, Bim còn trẻ dại lắm, cho nên đâu phải cái gì cũng hiểu hết. Có thể nó đang nghĩ bụng thế này: "Mình có lỗi, tất nhiên là thế rồi, nhưng làm thế nào bây giờ nhỉ?". Ít nhất thì cũng là trong đôi mắt nó có một ý gì na ná như thế.
Nhưng Bim có ngờ đâu rằng người ta đang vu khống nó:
- Nó định cắn! Định că-ă-ắn! Gần như là cắn rồi!
Ivan Ivanưts cắt đứt những lời quang quác của Bà Thím, quay ngoắt sang phía Bim:
- Bim, mang đôi giày vải đến đây.
Bim sẵn lòng làm ngay, rồi nằm xuống trước mặt chủ. Ông cởi đôi ủng săn ra và xỏ chân vào giày vải.
- Bây giờ thì mang cất ủng đi.
Việc ấy Bim cũng làm: nó mang một chiếc đi, để vào dưới chân mắc áo.
Bà Thím nín thinh, trố mắt nhìn. Ông Khách phục lăn nói:
- Cư-ừ thật! Nghĩa là, nó biết. - Và nhìn Bà Thím với một vẻ đại loại như ác cảm. - Thế nó còn biết làm gì nữa không?
- Bà ngồi xuống, ngồi xuống đây, - Ivan lvanưts mời mọc Bà Thím.
Bà ta ngồi xuống, giấu tay dưới vạt tạp dề. Chủ lấy một cái ghế cho Bim và ra lệnh:
- Bim! Ngồi lên ghế!
Bim không để phải nhắc lại. Bây giờ thì tất cả đều ngồi ghế. Bà Thím cắn môi lại. Ông Khách rung đùi hài lòng nói:
- Giỏi lắm, giỏi, giỏi.
Chủ ranh mãnh nheo mắt với Bim:
- Nào, đưa chân đây. - Và ông chìa tay ra.
Hai thầy trò bắt chân bắt tay chào nhau.
- Bây giờ thì, ngốc ạ, bắt tay khách đi, và ông chỉ Ông Khách.
Ông Khách chìa tay ra.
- Chào người anh em, nghĩa là, xin chào.
Tất cả những cái đó Bim đã làm với một thái độ lịch sự, đúng phép.
- Nó không cắn chứ? - Bà Thím cẩn thận hỏi.
Bậy nào! - Ivan Ivanưts tỏ vẻ ngạc nhiên. - Bà cứ chìa tay ra và bảo nó "Đưa chân đây".
Bà ta rút bàn tay thủ dưới áo tạp dề ra thật và chìa cho Bim.
- Nhưng đừng có cắn đây, - bà dặn trước.
Nhưng đến đây đã xảy ra một điều mà chả bút nào tả nổi. Bim nhảy bổ về ổ, lập tức đứng thế thủ, đít tựa vào góc nhà và mắt chằm chằm nhìn chủ. Ivan Ivanưts đi tới bên nó, vuốt ve rồi nắm cổ dề kéo nó về phía bà khách:
- Đưa chân, đưa chân ra...
Không, Bim chẳng đưa chân. Nó quay đầu đi, nhìn xuống sàn nhà. Lần đầu tiên nó không vâng lời. Và lầm lầm lê bước trở lại góc phòng, chậm chạp, vẻ ăn năn đau khổ.
Ôi, sao đến nông nỗi này! Bà Thím nói chan chát, mồm năm miệng mười:
- Nhà anh làm nhục tôi - Bà làm toáng lên với Ivan Ivanưts. - Một con chó ghẻ vớ vẩn lại dám coi một người phụ nữ Xô viết là tôi đây không ra gì! - Và xỉa xói về phía Bim. - Bà thì... bà thì... Mày biết tay bà!
- Thôi đi! - Ông Khách bất thần quát bà ta. - Nghĩa là, nhà chị nói điêu. Nó không hề cắn chị, và cũng không định cắn. Nó sợ chị bỏ tiên nhân lên thì có.
- Nhà anh đừng ngoạc mồm lên thế, - bà ta định phản công lại.
Ông Khách đáp luôn cũng điệu như vậy:
- Im mồm! - Rồi quay sang nói với chủ nhà: - Với cái ngữ này thì cứ phải thế mới xong. - Rồi quay sang Bà Thím: - Dào ôi! “Phụ nữ Xô viết" cũng làm ra cái vẻ...Xéo đi cho rảnh - Ông gào lên. - Còn rắc rối lần nữa thì không ra gì với tôi đâu. Đi! – Ông xé toạc lá đơn khiếu nại vào mặt bà ta.
Cái tiếng cuối cùng Ông Khách nói, Bim hiểu rõ lắm. Còn Bà Thím thì bỏ đi ra, chẳng nói chẳng rằng, dương dương vác mặt lên và chẳng thèm nhìn ai, mặc dù lúc này Bim không rời mắt nhìn bà ta, thậm chí còn nhìn tấm cánh cửa một lúc nữa sau khi bà ta đã đi khuất và tiếng chân bước nghe đã lặng.
- Ông nói với bà ta kể cũng hơi... quá đáng, Ivan Ivanưts nói.
Tôi xin nói với ông, không thế không xong đâu, bà ta sẽ làm loạn cả cái sân này lên cho mà xem, tôi biết. Tôi đã nói thì nghĩa là tôi biết mà. Đến khổ với những mẹ ngồi lê đôi mách, chuyên môn kiếm chuyện ấy, - ông ta vỗ một cái vào sau gáy. - Mẹ ấy vô công rồi nghề, thế là chỉ loay hoay đi tìm người sinh sự. Cứ lơ mơ với các mẹ ấy thì cả cái nhà này sẽ loạn xà ngầu.
Bim vẫn theo dõi suốt vẻ mặt, cứ chỉ, giọng nói của hai người và hiện rất rõ: Ông Khách và chủ nó hoàn toàn không có tí gì thù địch với nhau cả, mà thậm chí, qua mọi vẻ thì xem như kính trọng nhau.
Nó còn quan sát hồi lâu nữa trong khi hai người về sau chuyện trò với nhau cái gì ấy. Nhưng khi mà nó đã xác định được điều chủ yếu rồi thì cái còn lại nó chẳng quan tâm là bao. Nó đi đến chỗ Ông Khách và nằm phục xuống bên chân ông, ý như muốn nói: "Cháu xin lỗi”.
Nhật ký của chủ
Hôm nay ông tổ trưởng đến, giải quyết một lá đơn khiếu nại về con chó. Bim đã thắng. Vả chăng ông ta xử kiện hệt như Xalômôn vậy. Một thiên tài bầm sinh!
Tại sao lúc đầu Bim lại sủa ông ta nhỉ? A hiểu rồi! Chẳng là mình không bắt tay ông ta mà, và tiếp ông ta một cách lạnh nhạt (buổi đi săn thế là phải gác lại), và Bim đã hành động phù hợp với bản năng của chó: kẻ thù của chủ cũng tức là kẻ thù của ta. Và ở đây đáng xấu hổ là mình, chứ không phải là Bim. Nó có nhận xét rất tinh tế về giọng nói, vẻ mặt, về dáng điệu thật đáng ngạc nhiên! Nhất thiết phải luôn luôn để mắt đến điều ấy.
Sau đó mình với ông tổ trưởng đã có một cuộc chuyện trò thú vị. Ông ta dứt khoát chuyển sang "anh anh tôi tôi” với mình:
- Anh nghĩ mà xem, - ông ta nói, - một trăm năm chục hộ trong ngôi nhà tôi phụ trách! Vậy mà chỉ bốn năm kẻ vô công rồi nghề chuyên môn gây sự đã có thể làm cho không ai sống nổi. Ai cũng biết chúng, nhưng ai cũng sợ chúng, chỉ chửi vụng thôi. Người ở trong nhà mà không làm gì thì ngay cái hố xí cũng phải sôi lên ùng ục. Ấy à…! Kẻ thù đáng sợ nhất của tôi là ai? Là kẻ không làm việc. Ở ta, anh bạn ạ, có thể làm thì không làm nhưng vẫn chén đầy tễ. Chuyện ấy xem ra không ổn, tôi thành thực nói với anh như vậy. Nghĩa là, không ổn... Có thể, có thể không làm việc. Chà! Ví như anh đây, anh thì làm cái gì?
- Tôi viết, - mình đáp, mặc dù cũng chẳng hiểu ông ta nói đùa hay thật (những người hay châm biếm vẫn thường có cái lối như vậy).
- Thế mà là làm việc ư? Anh ngồi, anh chẳng làm cái cóc khô gì, thế rồi người ta vẫn cứ trả tiền cho anh, thế chứ gì?
- Vẫn trả, - mình đáp. - Nhưng nào có nhiều nhặn gì đâu. Tôi về già rồi, sống bằng lương hưu.
- Nhưng trước khi về hưu thì làm gì?
- Làm báo. Trước tôi công tác ở tòa báo. Và bây giờ thì ngồi nhà viết lăng nhăng tí tỉnh.
- Anh viết à? - ông ta hỏi lại bằng giọng trịch thượng.
- Tôi viết.
- Ờ, thì cứ viết, nếu sự thể là như vậy... Tất nhiên, xem ra anh cũng chẳng phải người tồi, ấy thế mà... Đúng vậy đấy. Mình đây cũng ăn lương hưu, một trăm rúp, nhưng mình lại còn làm tổ trưởng, làm không lương. Mình quen làm việc rồi, cả một đời làm lãnh đạo, chẳng ai hiểu nổi mình, và cũng chẳng làm vai phụ bao giờ. Cuối cùng thì bị họ gạt: cứ tụt, tụt, tụt mãi. Nơi cuối cùng là một nhà máy nhỏ tí. Và ở đây họ tống mình về hưu. Phải mở một dấu ngoặc nhỏ: trợ cấp đặc biệt họ cũng chẳng cho... Ai cũng đều phải làm việc. Mình nghĩ như vậy đấy.
- Thì tôi cũng làm việc, cũng vất vả đây thôi, - mình cố phân trần.
- Viết ấy ư? Cái trò ma. Giá như anh còn trẻ, mình cũng sẽ cố dìu dắt cho anh đấy. Nhưng đã về hưu rồi còn gì. Thế này đây, những anh còn trẻ mà không chịu làm việc mình cứ tống cổ ra đường: hoặc là mày làm, hoặc là mày cút đi đâu cho rảnh. Mà quả thực ông ta là mối đe dọa cho những kẻ vô công rồi nghề trong khu nhà này. Hình như mục đích chủ yếu của đời ông ta bây giờ là đay nghiến chì chiết những kẻ lười biếng, đơm đặt và ăn bám, và ngược lại, ông sẵn sàng làm cái việc giáo dục dạy bảo, không trừ một ai. Chứng minh cho ông ta rằng viết cũng là làm việc, là một điều không thể thực hiện được: hoặc là ông ta giở giọng chế giễu một cách kín đáo, hoặc là ông ta đơn giản tỏ vẻ khinh khỉnh (nói theo giọng ông ta, viết lách là việc của kẻ rỗi hơi, và còn chua ngoa hơn thế nữa). Ông ta ra về vẻ hiền lành, thôi không châm chọc nữa. Ông vuốt lông Bim, nói:
- Còn mày thì cứ sống bình yên, nghĩa là như vậy. Nhưng chớ có dây dưa gì với mụ Thím. - Và quay sang nói với tôi: - Rỗi rãi lại chơi. Và thích viết cái khỉ gió gì thì cứ viết.
Hai chúng tôi bắt tay nhau. Bim tiễn chân ông ta ra đến cửa, đuôi vẫy vẫy và mắt nhìn thẳng vào mặt ông ta. Bim có thêm một ông bạn mới: Paven Titưts Rưđaep, thường gọi là "Paltitưts". Ngược lại Bim cũng mới sinh ra một kẻ thù là bà Thím, con người duy nhất trong bàn dân thiên hạ mà nó không tin. Con chó đã nhận ra kẻ vu khống.
Nhưng cuộc đi săn ngày hôm nay thế là không thành. Sự đời như vậy: người ta mong một ngày lành thì lại xảy ra độc những chuyện khó chịu. Sự đời vẫn thế.