Chương 8
Chuyện xảy ra nơi ghi tàu

    
gày này nối tiếp ngày khác qua đi, Bim cũng chẳng để ý nữa. Nó thường xuyên chạy quanh thành phố và hiểu rất tỉ mỉ về thành phố này. Bây giờ nó đi theo một lộ trình đã định, ai biết thì có thể xem Bim mà vặn lại đồng hồ. Nó xuất hiện ở công viên: năm giờ. Đến nhà ga: sáu giờ. Sang nhà máy: bảy rưỡi. Lên đến đại lộ: mười hai giờ. Sang bờ hữu ngạn: bốn giờ chiều. Và vân vân.
Nó đã tìm thêm được một số bạn mới trong đám người kia. Nó xác định rằng đại bộ phận họ là người tốt, đi đường họ im lặng, còn loại người xấu thì bao giờ cũng lắm lời. Nó tìm thấy cả những người có mùi dầu mỡ và sắt thép (trước đó nó chỉ gặp họ lẻ tẻ từng người một). Những người đó hằng ngày vào lúc gần tám giờ đã đi thành dòng dày đặc qua một cái cổng lớn, rồi qua cánh cửa của một chòi gác vào bên trong.
Đến đây họ nói cười ríu rít như đàn sáo, đến nỗi đừng hòng nghe hiểu được cái gì, vả lại cái đó cũng chẳng làm Bim quan tâm. Nó ngồi tránh ra khỏi dòng người, quan sát và chờ đợi.
- Ê, Tai đen, chào nhé! - Sáng nào cũng có cậu thanh niên mặc quần áo bảo hộ chào hỏi Bim và đặt trước mặt nó một gói thức ăn để dành. - Còn sống đấy hả, chú nó? Rồi chìa bàn tay hiền từ của mình, bàn tay thô thiển, nhưng ấm áp.
Những người khác cũng im lặng đưa bàn tay ra chào nó, xong lại vội bước đi tiếp. Ở đây không một ai trêu chọc Bim.
Giờ đây Bim đã dần dần học được cách phân biệt người thành từng loại. Chẳng hạn trên quãng đường nó đi qua vẫn thường gặp một bà béo ị, hai chân như hai cái vại, nom lúc nào cung có vẻ mãn nguyện, phởn phơ, sung sướng hiện ra mặt; nhưng cứ gặp Bim là bà lại phì phì như mèo, nho toẹt, nhấc cái túi mua hàng lên ngang bộ ngực phì nộn và lần nào cũng nhai đi nhai lại vẫn một điều:
- Xì, cái của bẩn thỉu! Sao không bóp chết hết cái giống chó này đi để người ta khỏi bị thần kinh căng thẳng nhỉ? Đấy, cứ bảo "cảnh sát của dân bảo vệ dân". Ôi giào ôi! Bảo với chẳng vệ!... Thì đây này, giữa ban ngày ban mặt, con chó đực nào cũng có thể lột váy người ta ra dễ như bỡn. Cảnh sát là cái quái gì? Đối với cảnh sát chúng ta chỉ như là cái chân thứ năm đối với con chó mà thôi.
Căn cứ vào chỗ bà ta luôn luôn lặp đi lặp lại vẫn những lời như vậy nên Bim, với đầu óc đơn giản của chó, đã cho rằng bà béo này tên là Chân Thứ Năm. Nhưng nó biết rất chính xác: cái bà này thì chớ có mà đến gần. Nó chẳng hiểu quái gì lời lẽ của bà ta ngoài cái tên bí danh kia, nhưng nó nghe giọng, nhìn vẻ, cho nên đã đề ra cho mình một quy tắc: những loại người ấy thì kính nhi viễn chi, chớ có dây vào. Rồi, chẳng rõ bằng cách nào (bằng tài đánh hơi chăng?) nó bắt đầu phân định được đối với ai thì có thể quan hệ, còn với ai nên tránh xa. Những người hiền chiếm tuyệt đại đa số, kẻ ác chỉ là số nhỏ, thế nhưng những người hiền thì lại sợ kẻ ác. Bim thì không, nó không sợ, nhưng nó chẳng hơi đâu để ý đến họ. Nhận thức về con người ngày càng được mở rộng và sâu sắc, nhưng theo quan điểm của chó thì giờ đây nó không còn có vẻ gì một anh chàng nghệ sĩ nghiệp dư hào nhoáng và một kẻ nhìn đời bằng con mắt lý tưởng, sẵn sàng vẫy đuôi với bất cứ người qua đường nào. Thời gian cuối này Bim gầy đi nhiều, nhưng ra dáng một con chó chững chạc và sống có mục đích: tìm và đợi.
Thế rồi một buổi sớm, kiểm tra các mùi trên hè đường, Bim mừng rỡ sững sờ cả người. Nó dừng lại, khịt khịt rồi ù té chạy như hóa dại, không biết trời đất là gì nữa, và cũng chẳng nhìn ra đằng trước. Nhưng đứng ngoài trông thì có thể tưởng thế thôi, trên thực tế là nó chạy theo một dấu vết còn mới: Đasa đã đi qua đây! Cô chỉ vừa mới ở đây xong.
Dấu vết dẫn nó tới nhà ga. Không tài nào vào được bên trong: toàn người là người, người bất tận. Ngay ở ngoài phố, bên một ô cửa con con nọ, họ xô đẩy nhau, hò hét, thở hổn hển, khóc rống lên chẳng khác gì những bầy chó săn đã đuổi sát nút con thỏ, vồ nó, rồi xé tan ra từng mảnh, không còn để ý gì đến tiếng roi và tiếng tù và nữa. Trong điều kiện ấy, có tài thánh mà tìm thấy được vết chân Đa sa - dấu vết đã mất hút. Thế là Bim chạy vòng lên phía trên vào được sân ga. Ở đây người đứng túm năm tụm ba bên những cửa ra vào của những ngôi nhà nhỏ, dài dằng dặc, có bánh xe. Họ không gào thét, không xô đẩy nhau, ngược lại họ ôm nhau, hôn hít, có chỗ lại còn nhảy múa nữa, ngay bên cạnh cửa nhà. Không ai để ý đến Bim, do đó nó càng dễ bề chạy xuôi chạy ngược như con thoi, len lỏi dưới chân mọi người và chăm chú đánh hơi khắp sân ga.
Bất chợt đến cạnh một cửa nhà nó ngửi thấy hơi Đasa. Bim vươn cổ vào bậu cửa, nhưng một bà đeo huy hiệu to ở ngực đuổi nó ra. Dù sao thì Bim cũng không chịu đầu hàng: nó nhòm vào trong ô cửa sổ và đánh hơi. Cuối cùng Bim để ý thấy có hai người đàn bà mặc áo choàng trắng đi cuối cùng vào căn nhà đó. Nó chực nhảy bổ tới họ nhưng bỗng dưng những ngôi nhà đó từ từ di động Bim xô đến chỗ cửa sổ. Trong trí khôn của chó nẩy ra những kết luận có vẻ như hoàn toàn đúng: Đasa ở trong đó, những người mặc áo choàng trắng cũng ở đó, tất có thể Ivan Ivanưts cũng ở đó. Có lẽ là thế! Chẳng phải những người mặc áo choàng trắng đã đưa ông đi đó sao?
Thế là Bim, con Bim khốn khổ, và bây giờ đã thành con Bim bất hạnh, ban đầu còn dễ dàng chạy sóng đôi với gian nhà nhỏ, nhòm được vào ô cửa sổ kia. Bất chợt từ trong đó Đasa nhìn thấy nó.
- Bim! Bi-im!! - cô kêu lên. - Bim thân yêu! Nó ra tiễn tôi! Con Bim ngoan ngoãn của tôi! Bim! Bim ơ...i! Bi-i...
Tiếng gọi của cô mỗi lúc một nhỏ dần. Ngôi nhà chạy đi xa. Và Bim cố đến mấy, gắng sức đến mấy cũng vẫn bị bỏ lùi lại, tụt tít đằng sau.
Nó còn chạy được thêm một lúc nữa theo hút gian nhà cuối cùng cho đến khi không còn trông thấy nữa, lại chạy tiếp, vẫn theo con đường đó, bởi vì con đường đó không ngoặt rẽ vào đâu cả. Chạy rất lâu. Cuối cùng kiệt sức đứt hơi, nó gục ngay xuống giữa đường ray, duỗi thẳng bốn chân ra, thở hồng hộc và rít lên khe khẽ. Không còn tí hy vọng nào. Chẳng muốn đi đâu cả và có muốn thì cũng chẳng đi được nữa. Chẳng muốn cái gì hết, ngay đến sống cùng chẳng muốn.
Khi nào chó đã mất hết hy vọng, chúng sẽ chết một cách rất tự nhiên: lặng lẽ, không rên rỉ, chết trong những đau khổ mà thế gian không biết được. Không phải công việc của Bim là phải hiểu, vả lại nó cũng không có khả năng hiểu được rằng nếu trên đời này hoàn toàn không còn hy vọng gì nữa, một tia bé nhỏ cũng không, thì ngay con người cũng sẽ chết vì tuyệt vọng. Đối với Bim mọi cái đó có vẻ đơn giản hơn nhiều: trong bụng rất đau đớn, mà ông bạn thì chẳng thấy đâu, và thế là hết. Như con thiên nga sau khi mất đi con bạn đời yêu dấu cũng chết theo bằng cách bay bổng lên cao rồi buông mình rơi xuống như cục đá. Như con sếu, sau lúc con sếu cái duy nhất và thương yêu của nó chết, nó cứ duỗi thẳng cánh nằm sóng soài ra mà kêu, kêu mãi, như cầu xin chị Hằng cho được chết. Bim lúc này cũng như vậy: nó nằm dài, trong cơn mê sảng nó trông thấy người bạn duy nhất, không gì thay thế nổi, nó sẵn sàng tiếp nhận tất cả vì bạn, cho dù chưa ý thức được gì về sự sẵn sàng ấy. Nhưng giờ đây nó im lặng. Trên thế gian chưa một ai nghe được con chó hấp hối như thế nào. Nó lẳng lặng mà chết.
Chao ôi, giá lúc này Bim được vài hớp nước. Có lẽ nó sẽ không bao giờ còn đứng lên được nữa, nếu như...
Một người đàn bà bước đến. Chị mặc áo bông, quần bông, đầu chít khăn, dáng người khỏe mạnh, lực lưỡng. Chắc là thoạt đầu chị tưởng Bim đã chết - chị quỳ xuống, cúi đầu, ghé tai nghe ngóng: Bim vẫn còn thoi thóp. Từ ngày chia tay bạn đến giờ nó đã yếu đi biết bao nhiêu, lẽ ra nó chẳng nên lao vào cuộc chạy đua với đoàn tàu như vậy, đó là một hành động điên rồ. Nhưng trong những trường hợp như thế nói làm gì đến chuyện sáng suốt, ngay cả ở con người.
Người đàn bà lấy tay đỡ đầu Bim lên: Chó ơi, mày làm sao thế? Duyên cớ gì, hả Tai Đen? Mày chạy theo ai mà khốn khổ thân mày thế này?
Người phụ nữ nom vẻ hơi thô thiển này có giọng nói điềm đạm và ấm áp. Chị chạy xuống vệ đường, mang nước lên đựng trong chiếc găng tay vải bạt, đến nâng đầu Bim, lấy cái găng nước, thấm ướt mõm nó. Bim liếm nước. Rồi nó lắc lư cái đầu, mệt mỏi, vươn cổ và liếm nước một lần nữa, rồi bắt đầu hớp. Người phụ nữ vuốt ve lưng nó. Chị đã hiểu hết: có một người thân yêu nào đó đã ra đi mãi mãi, mà điều này thật khủng khiếp, nặng nề đến rợn người. - Tiễn đưa nhau không bao giờ gặp lại, khác gì đi đưa đám người còn sống!
Chị thổ lộ gan ruột với Bim:
- Tao cũng vậy thôi... Tao cũng đã đưa chân cả bố cả chồng lao ra mặt trận. Mày thấy đấy, Tai Đen ơi, tao trở về già rồi... nhưng vẫn không sao quên được... Tao cũng đã từng chạy theo tàu... cũng từng ngã gục xuống... và cầu mong được chết quách đi cho xong... Mày ngoan lắm... Uống đi!... Khốn khổ thân mày... Uống nữa đi!
Bim uống gần hết nước trong găng tay. Lúc này nó nhìn thẳng vào mắt chị và tin ngay: đây là người tốt. Và nó liếm, liếm bàn tay thô kệch, nứt nẻ của chị, liếm những giọt nước trào ra từ khóe mắt chị. Thế là lần thứ hai trong đời, Bim đã được biết mùi vị nước mắt người: Lần đầu tiên là những hạt nước mắt của chủ, và bây giờ là những giọt nước mắt này đây, những giọt nước mắt trong suốt, long lanh ánh mặt trời, mặn chát nỗi đau khôn nguôi.
Người đàn bà bế nó lên và đưa nó qua mặt đường tàu xuống vệ đường.
Nằm xuống đây, Tai Đen nhé! Nằm đây. Tao sẽ quay lại.
Chị đi về phía có mấy người phụ nữ đang hì hục đào trên đường. Bim đưa mắt lờ đờ nhìn theo bóng chị. Nhưng rồi nó gắng sức ghê gớm cố đứng dậy, lảo đảo bước dò dẫm theo gót chị. Thấy vậy, chị dừng lại đợi nó. Lết lết đến nơi, nó nằm ngay xuống trước mặt chị.
- Chủ bỏ hả? - Chị hỏi. - Chủ đi rồi à?
Bim thở dài. Thế là chị hiểu.
Cả hai cùng đi đến chỗ tốp người đang làm việc. Mọi người ở đây đều là phụ nữ, ăn mặc cũng như Người Tốt Bụng, và cạnh đó có một ông, đội mũ ngửa ra sau gáy, mồm ngậm một cái tẩu. Ông ta bực tức hỏi:
- Sao cứ quấn lấy con chó thế hả, Matrena? Thế thì ai làm thay cho bây giờ? Chà, Matrena, cô thật là... Để nói một lần thôi chứ, Matrena! - Rồi ông ta vẫy vẫy ngón tay về phía chị.
Bim bắt ngay được ý: Người Tốt Bụng - đó là Matrena. Chị lệnh cho nó nằm xuống bên vệ đường. Còn chị thì nhấc lên một vật gì như cái kìm to tướng, kẹp chặt lấy thanh tà vẹt cùng với những người phụ nữ khác.
- Hai ba nào! - ông kia hô lên. - Làm lại! Lại lần nữa!
- Ông ta quát tháo, tay chống nạnh, mặt vênh vênh tự đắc.
Cứ  mỗi lần ông ta quát tháo, đám phụ nữ lại nhất loạt giật mạnh một cái làm cho khúc gỗ bị cặp chặt hai bên cũng phải tuân theo và dịch dần theo sau họ. Mỗi lần giật mạnh như thế mặt các chị lại căng thẳng, đỏ bừng lên, riêng một chị gầy còm, ốm yếu, thì tái nhợt đi, thậm chí tái xanh. Matrena lấy tay gạt chị ra và nói với chị, hệt như ông chủ Bim đã có lần xua nó:
- Tránh ra, ngồi nghỉ đi một tí, hay lại muốn nộp mạng cho Chúa đấy! - Rồi chị quay sang gã đàn ông: - Thôi nào, hô lên chứ, đồ phản đạo!
- Hai ba lên nào! - Sửa lại mũ bịt tai, lão tiếp tục gào rống, làm ra bộ mệt nhọc lắm. - Ôi, lần nữa nào, các mẹ ơi! Lão nhà tôi đi Kapkazơ rồi! Lão ấy không tới Kapkazơ! Lão ấy lấy vợ lẽ ở đấy rồi, cái đồ thổ tả sinh bệnh ấy! Thôi! Bỏ dụng cụ xuống!
Cái tiếng "sinh bệnh" đã có lần Bim nghe thấy lão Mũi Hớt thốt ra: cái tiếng ấy là xấu. Còn những tiếng kia thì nó không hiểu.
Cánh đàn bà bỏ hẳn xuống bên, cầm những cái nêm bằng sắt lên rồi dùng búa cán dài và nặng mà bổ xuống. Matrena nhẹ nhàng, cứ như chơi, bổ ba nhát là đóng chặt được nêm xuống đất, còn Chị Gầy cứ mỗi lần nện búa xuống lại kêu lên, rên rỉ:
- Úi chà! Úi chà!
- Thôi nào! Thôi nào! - Gã Sinh Bệnh vừa quát tháo, vừa nhồi thuốc vào tẩu. - Bắt tay vào! Nào! Anixia kìa! - Gã đến gần người đàn bà. - Giơ cao tay lên mà nện! Thu tay lại một tí nữa nó mới dễ cắm xuống chứ.
Anixia là Chị Gầy. Chị ta cứ loay hoay với từng cái nêm, lâu hơn những người khác và cuối cùng chị đã bị rớt lại một quãng. Đến đây đã diễn ra một chuyện kỳ lạ, khó hiểu đối với cánh đàn bà: Bim tiến lại gần Anixia, dáng điệu phờ phạc, rồi cũng giống như đối với Matrena, nó liếm vào đôi găng tay bạt mặn chát lúa chị. Mọi người đều ngửng tay, ngạc nhiên nhìn Bim.
Sau đó, được lệnh của gã Sinh Bệnh, tất cả ngồi tản vào các bụi rậm và giở bữa trưa ra ăn. Họ cho cả Bim ăn. Nó ăn. Giờ thì nó đã chịu nhận đồ ăn từ tay những người tốt Cái đó đã cứu nó sống. Đến chiều, nó thấy nóng ruột: nó đi tới bên Matrena, ngồi xuống, uể oải giậm giậm hai chân trước, nhìn thẳng mắt chị, rồi lại lảng ra xa, nằm xuống, nhưng ngay sau đó lại đến gần, rồi lại lảng đi.
- Muốn bỏ đi hả, Tai Đen? - Matrena đoán hiểu. - Thế thì đi đi, đi đi, Tai Đen. Tao biết để mày đâu bây giờ? Chả có chỗ nó Thôi đi đi vậy!
Bim từ biệt và ra đi, lững thững bước một, không ra kiểu chó chút nào. Nó đi ngược trở lại, dọc con đường sắt. Đường là đường, nó chỉ rõ đâu cần đi, nếu đi đúng hướng thì sẽ không bao giờ sợ lạc. Chỉ có điều là toàn thân ê ẩm vì trận đòn hôm qua của Lão Xám, chân bước đi mà miệng thở không ra hơi, - nhưng biết làm sao được! Cần phải đi. May mắn là đã được những người đàn bà tốt bụng kia bồi sức cho rồi, và cái lối mòn bên đường lại bằng phẳng, nhẵn nhụi. Dần dần quen chân, nó từ từ, từ từ chuyến sang nước kiệu. Chó là giống dễ nuôi và có sức sống dẻo dai như vậy đấy!
Nhìn bề ngoài thì chẳng thấy gì đặc biệt cả: một con chó ốm yếu chạy đủng đỉnh trên đường sắt. Có thế thôi.
Gần đến thị xã thì đường một đường hóa thành hai: thêm một đôi thanh sắt nữa dài vô tận chạy song song bên cạnh. Rồi chúng hóa thành ba. Tới cách cái chòi một quãng thì bỗng có hai con mắt đỏ lừ thay nhau nhấp nháy: trái, phái, trái, phải - liên tục bên này rồi bên kia. Màu đỏ đối với mọi con thú là màu đáng ghét; chẳng hạn như chó sói trông thấy dãy cờ đỏ buộc trên dây là bủn rủn cả bốn chân rồi, còn lũ chồn mà bị dây cờ đỏ bao vây thì nó đành ở lại trong vòng hai - ba ngày hoặc hơn nữa. Vì vậy Bim quyết định đi vòng, tránh đôi mắt to tướng đang nhấp nháy kia. Nó bước sang đường ray thứ ba, đứng dừng lại, ngoái nhìn con mắt đỏ đang nháy mà lưỡng lự xem có nên đi tiếp hay không. Nhưng rồi bỗng dưới chân có cái gì đó kêu ken két.
Bim rú lên vì cơn đau xé ruột. Không làm sao rút được chân ra khỏi đường ray: thân nó đã bị kẹp chặt giữa đường ghi khổng lồ. Tiếng rú của Bim chỉ có thể hiểu ra một nghĩa: Ối giời ơi, đau quá! Cứu tôi vơ-ới"'.
Quanh đấy không có người. Chẳng ai có lỗi cả. Dứt đứt chân mình như con sói có lúc đã làm khi bị sa vào cạm thì Bim chịu, không làm nổi. Nó trông chờ sự giúp đỡ, nó hy vọng người sẽ cứu nó.
Nhưng lại còn cái gì nữa thế này? Có hai con mắt trắng to tướng, sáng rực, chiếu xói vào mặt đường và vào Bim, làm nó lóa cả mắt, và cứ xích dần dần đến nó, lừ lừ chẳng nói chẳng rằng. Bim co dúm lại vì đau đớn và khiếp sợ Trong linh tính trước tai họa nó tự nhiên im bặt. Nhưng rồi con vật khủng khiếp có đôi mắt ấy đã đứng dừng lại cách nó chừng ba chục bước. Từ trong bóng đêm có người bước đến khu vực được chiếu sáng và chạy lại chỗ Bim. Lập tức xuất hiện người thứ hai.
- Sao mày lại sa vào đây. Khổ chưa. - Người thứ nhất hỏi.
- Làm thế nào bây giờ? - Người thứ hai hỏi người thứ nhất.
Từ người họ tỏa ra mùi gần giống như ở người lái xe. Cả hai đều đội mũ lưỡi trai, trên đính huy hiệu to tướng.
- Chúng mình sẽ ốm đòn vì cái cú đỗ tàu này đây, mặc dù là ta đã về sát đến ga rồi. - Người thứ nhất nói.
- Đến nước này thì cũng đành, - người thứ hai đáp và đi vào cái chòi.
Căn cứ vào giọng (chứ không vào lời) con Bim khốn khổ của chúng ta đã hiểu: đây là những người cứu tinh của nó. Bim nghe thấy tiếng chuông réo lên trong nhà chòi, sau đó một phút thì ghi đường đã nhả chân nó ra. Nhưng nó không nhúc nhích được, người nó cứng đờ. Một người ôm nó đưa ra khỏi đường ray. Bim xoay xoay người tại chỗ, kiểu sói, liếm đi liếm lại những ngón chân bị kẹp. Tuy nhiên nó vẫn nghe thấy tiếng nói vọng ra từ trong các ô cửa sổ và từ chỗ cửa ra vào của đoàn tàu (Thế mới biết giống chó tài quan sát thật). Trong bóng tồi, nhiều giọng nói khác nhau nhắc đi nhắc lại tiếng "chó" và "chó săn" - những tiếng rất dễ hiểu. Giờ đây, không bị quáng mắt nữa, nó đã nhìn thấy đoàn tàu nhô ra từ trong bóng tối, phía bên sườn nó.
Bim rất biết ơn những con người hiền lành tốt bụng ấy. Duyên do là: ở một chỗ nào đó có một ai đó đã bẻ ghi con đường trên đó. Bim đang đi một cách tin cậy. Và bây giờ đây chẳng có "một ai đó" nào hơi đâu để ý đến chuyện một con chó nào đó bị kẹt chân vào ghi, thành què. Từ nay có cho kẹo Bim cũng không bao giờ đặt chân lên đường sắt nữa; nó hiểu điều ấy cũng như hồi bé nó đã hiểu: đâu có ô tô chạy thì chớ đi qua.
Bim chạy tập tễnh bằng ba chân, nhức nhối. Nó phải dừng lại luôn, liếm những ngón chân tê dại đang sưng vù lên. Máu dần dần bớt rỉ ra. Bim vẫn liếm hoài cho đến khi những ngón chân không ra hình thù gì nữa ấy trở nên sạch bong. Làm như vậy rất đau đớn, nhưng còn có cách nào khác? Con chó nào cũng biết: đau thật đấy, nhưng ráng mà chịu, đau đấy, nhưng ráng mà liếm, đau đấy, nhưng ráng mà im lặng.
... Nó tập lệnh về đến cửa nhà thân yêu của nó lúc đã quá nửa đêm. Không có gì! Vẫn không có dấu vết của Ivan Ivanưts. Bim định cào cào vào cửa như mọi lần, nhưng không tài nào làm được: chân đau, đứng đã không được, ngay đến ngồi cũng không chịu nổi, - chỉ mỗi cách là đứng bằng ba chân hoặc nằm sóng soài. Lúc này nó rúc mũi vào góc của kiểm tra lại mùi bên trong phòng: ông chủ không có đây. Vậy là ông ta đã đi biệt rồi. Nó đứng như thế hồi lâu, lấy đầu làm chỗ dựa cho toàn thân yếu đuối của mình. Rồi nó quay sang cửa phòng bà Xtêpanôvna, và trong giây phút tuyệt vọng, nó kêu to lên một tiếng ngắn gọn:
"Gâu!" (Tôi ở đây).
Bà Xtêpanôvna thốt lên:
-Ôi chao, lạy Chúa tôi! Mày đi đâu mà bị thế kia! - Bà mở cửa cho nó vào, rồi cũng đi theo vào phòng - Trời ơi, con chó, con chó bất hạnh, tao biết làm gì cho mày bây giờ? Sẽ nói thế nào với Ivan Ivanưts đây?
Bim mới vừa đặt mình nằm xuống giữa phòng, duỗi chân ra, nhưng... thế là thế nào? "Ivan Ivanưts à?". Bim ngửng đầu cố quay về phía bà và nhìn bà, nhìn bà chằm chằm, không rời mắt, ý muốn hỏi: "Ivan lvanưts à? Ông ấy ở đâu?"
Bà Xtêpanôvna không biết cách đối xử với chó, không biết cho ăn uống và chăm nom nó, mặc dù vậy bà biết thương. Có lẽ cái tình cảm thương xót đã giúp cho bà hiểu được Bim, đoán ra được rằng tiếng "Ivan lvanưts" đã gợi lên trong lòng con chó một tia hy vọng.
- Phải, phải, Ivan Ivanưts, - bà nhấn mạnh. - Đợi tí, tao trở lại ngay. - Bà hấp tấp đi ra, rồi lập tức quay trở lại với lá thư trong tay, gí tận mũi cho nó ngửi: - Mày thấy chưa? Ivan Ivanưts thư về đấy.
Bim, con chó Bim tội nghiệp, đã chết đi sống lại, bị nghiến nát rồi được cứu thoát, ốm đau và không còn mảy may chút hy vọng, con Bim ấy run lên. Nó gí mũi vào lá thư rồi đưa lên mũi lần theo mép giấy: đúng, đúng, đúng rồi... Chính ông ta đã miệt ngón tay lên phong bì ở chỗ này chỗ kia. Khi bà Xtêpanôvna cầm phong thư dưới sàn lên, rút ở trong ra một lá thư, Bim gắng gượng đứng dậy và xích lại gần bà; bà rút tờ giấy trắng tinh ra ngoài phong bì, đặt xuống trước mặt Bim.
Nó vẫy đuôi mừng: ở đây có mùi các ngón tay Ivan Ivanưts. Đúng, ông đã cố ý cọ ngón tay vào đó.
- Ông ấy gửi thư cho mày đó, - bà Xtêpanôvna nói.
Ông ấy đã viết thế này: Đưa cho Bim tờ giấy trắng này.
- Bà ta chỉ trỏ sát vào tờ giấy và nói: - Ivan Ivanưts... Ivan Ivanưts đấy.
Bỗng dưng Bim bủn rủn nằm phục xuống sàn và vươn dài người ra, đặt dầu lên tờ giấy. Từ trong khóe mắt nó lăn ra những giọt nước mắt. Lần đầu tiên trong đời Bim khóc. Đó là những giọt nước mắt hy vọng, nước mắt sung sướng, và tôi xin nói với các bạn rằng đó là những giọt nước mắt đẹp nhất trên thế gian này, không kém gì những giọt nước mắt của niềm vui gặp gỡ và hạnh phúc.
Bạn đọc thân mến, có Chúa chứng giám, xin hãy tin tôi: Giống chó Xette biết cười và biết khóc đó.
… Bà Xtêpanôvna bắt đầu hiểu con chó, nhưng bà cũng thấy rằng mình bà thì không thể cáng đáng được, không làm gì được. Bà ngồi cạnh Bim rất lâu và ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. Bà đâm ra muốn về quê sống, về nơi bà sinh ra và lớn lên, và bà cảm thấy buồn phiền vì phải sống trong cái lồng bằng đá này, nơi những con người hàng bao nhiêu năm cùng sống chung một nhà, cùng ra vào một lối cổng, mà lại không hề quen biết nhau. Dù sao bà vẫn còn đoán ra là cần cho Bim uống nước.
Ôi chao, con chó khát nước quá!
Nó đứng khom khom, uống lấy uống để, làm bắn vung ra sàn, rồi sau đó lại về nằm giống như lúc đầu. Bim lim dim mắt, dường như thiếp đi.
Trước lúc trời sáng, bà Xtêpanôvna đi ra, chân bước nhẹ cứ như sợ làm mất giấc của người đang ốm nặng.
Ở giữa phòng chỉ còn một mình con chó nằm cô đơn. Bim đã ngủ được bao lâu, nó cũng chẳng hay: có thể chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng có khi đã mấy ngày rồi cũng nên. Vì cái chân nhức nhối mà nó đã thức dậy. Lúc này là ban ngày bởi vì có nắng chiếu vào. Mặc dù đau, nó vẫn nhớ ngửi tờ giấy. Hơi của chủ đã nhạt đi nhiều và chỉ còn thoang thoảng, nhưng cái đó đâu có quan trọng nữa. Cái chính là ông vẫn còn sống, đang ở đâu đó, vì vậy phải đi tìm. Bim đứng dậy, uống một hơi hết chỗ nước trong bát rồi đi cà nhắc khắp phòng bằng ba chân. Đau thì đau, nhưng nó cứ đi, cứ đi, đi từ trong phòng ra ngoài hành lang và ngược lại, đi loanh quanh trong phòng. Bản năng của nó mách nó: nêu nằm nghiêng một bên mà vẫn đau, thì phải đi lại. Không bao lâu nó đã quen được cách di chuyển mà không làm cái chân giập nát bị đau đớn. Chỉ cần khe khẽ nâng cao bàn chân bị đau lên, chứ đừng kéo lê trên sàn nhà - làm thế thì đỡ đau. Đến khi bà Xtêpanôvna đem thức ăn sang, con chó đã vẫy đuôi mừng bà, rồi ăn hết thức ăn. Sao lại không ăn nhỉ khi niềm hy vọng đã hiện ra và đã lại nảy nở trong đầu con chó hai tiếng kỳ diệu: "Tìm" và "Đợi".
Mặc cho nó có van nài hay cầu xin thế nào đi nữa, bà Xtêpanôvna vẫn không thả nó ra ngoài (Ngồi nhà thôi, mày đang ốm).
Rút cuộc rồi bà cũng hiểu ra rằng Bim là một thực thể sống cho nên cần phải cho nó đi ra ngoài giải quyết những việc cần thiết. Rõ ràng là bà ta không biết đã có trường hợp chó bị chết vì đứt ruột hoặc bị táo bón nếu quá ba ngày mà không được thả. Những trường hợp như thế không phải là hiếm.
Tình thương lớn lao đầy tính người và tấm lòng phúc hậu đã chỉ đạo bà trong suốt cuộc đời. Chỉ vậy thôi. Bà móc sợi dây da vào vòng cổ Bim rồi bước ra. Và Bim tập tễnh đi bên cạnh.
Ngoài sân, ở một góc xa xa, có một đôi đang đứng: một bà lão đầu bạc và một con chó gầy còm chân thọt, bức tranh là như thế đó.
Bọn trẻ ở trong cổng chạy ra, vội vã đến trường. Một số trong bọn chúng chạy lại hỏi:
- Bà ơi, bà, sao con Bim lại đứng ba chân thế hả bà?
Hoặc là:
- Bim ơi, mày bị đau hả?
Nhưng phải chạy đến trường thôi: đó là trách nhiệm lớn lao, - đi học là trách nhiệm đầu tiên trong đời - trước gia đình, trước thầy cô, trước chúng bạn. Do vậy mà chúng không dám nán lại lâu, đành phải chạy đi. Sự kiện này hóa ra rất quan trọng cả đối với bà Xtêpanôvna, cả đối với Bim, mặc dù lúc này cả hai đều không hề hay biết gì, chỉ biết quay trở về nhà vì thời gian đã hết.
Ông Pantitưts (Paven Titưts Rưđaep) gặp cả hai ngay ở cổng ra vào và quay sang nói với bà:
- Nghĩa là thế này, bà ơi! Con chó đực này là con chó quý giá, nó phải được trông nom cẩn thận. Một khi chủ nó đã ủy nhiệm cho bà, thì tôi khuyên bà: Phải xích nó lại. Bắt buộc phải thế. Không nó chạy mất đấy. Bà không canh nó được đâu. Nhảy ra khỏi cửa là nó đi mất, thế là xong đời!
- Chả lẽ con chó khôn ngoan thế này mà lại phải xích lại ư? - Bà Xtêpanôvna phản đối một cách không tự tin.
- Làm sao, lại còn phải dạy hay bà nữa ư? Nên nhớ rằng: vắng chủ, lại không bị xích nữa. Khi chó đực đánh hơi thấy được tự do, thế là xong đời!
- Nhưng bị xích thì nó sẽ phát khùng lên mất.
- Bà phải hiểu chứ, bà tối dạ quá! Nó khùng nhưng sẽ giữ được cái mạng, xích lại, xích nó lại, đấy là lời chỉ dẫn của tôi cho bà biết. Tôi nói điều mong muốn tốt lành đấy. Phải xích lại!
Bà Xtêpanôvna không thể không tuân theo đề nghị của ông tổ trưởng được, bà đã bỏ ra mười rúp để mua sợi xích và mỗi lần ra sân bà dắt nó đi. Nhưng khi về nhà bà lại tháo xích ra, vứt trong góc nhà. Bà Xtêpanôvna ranh mãnh thật: sói mà no thì đàn cừu nguyên vẹn. Vả lại bản thân bà chỉ phải đưa nó đi hai ba lần trong ngày thôi, nguyên nhân của việc làm này là do có nhiều sự kiện bất bình thường luôn xảy ra quanh cái tên con Bim này.