Đi dạo

    
rời nắng như đổ lửa. Nhưng tôi vẫn muốn ra ngoài. Nhiều tuần, có khi nhiều tháng rồi tôi chưa bước chân ra khỏi bệnh viện để thực hiện nghi thức đi dạo dọc bờ biển. Lần cuối cùng trời còn là mùa đông. Gió lốc lạnh buốt thổi cát thành đám bay mù trời, chỉ còn vài kẻ rỗi hơi hiếm hoi quấn mình trong áo khoác dày liêu xiêu bước ngược chiều gió. Hôm nay tôi muốn được thấy Berck trong vẻ mùa hè, khi bãi biển mà tôi biết vốn vắng hoe lại được nói là đông nghẹt và thấy đám đông uể oải của tháng Bảy. Để ra đến phố, đi từ toà nhà Sorrel, cần băng ngang ba bãi đỗ xe trải nhựa sần sùi khiến mông phải trải qua thử thách đến là gian khổ. Tôi quên biến mất chặng đường chiến đấu với nắp cống, ổ gà và ôtô đậu vỉa hè để được đi dạo.
Biển đây rồi. Dù, ván trượt có buồm và một dãy người tắm biển chắn ngang đường hoàn thành bức hình trên tấm bưu thiếp. Thật đúng là biển mùa du lịch, nhẹ nhàng và hiền dịu. Chẳng có gì giống với khoảng không vô tận ánh màu thép tôi vẫn thường lặng ngắm từ sân hiên bệnh viện. Vậy mà vẫn những tiếng ầm ì ấy, vẫn những lớp sóng ấy, vẫn chân trời mù sương ấy.
Chúng tôi đi dọc bờ biển trong dòng qua lại tấp nập của kem ốc quế và đùi cháy đỏ. Tôi tưởng tượng cảnh mình khẽ quệt viên kem vani lên lớp biểu bì đỏ rực vì nắng của một anh chàng trẻ tuổi. Không ai thực sự chú ý đến tôi. Xe lăn ở Berck nhan nhản chẳng khác gì Ferrari ở Monte-Carlos. Đâu đâu cũng gặp những kẻ khốn khổ như tôi, trật xương và hay khạc nhổ vặt. Chiều nay, Claude và Brice đưa tôi đi. Một người tôi mới quen 15 ngày và một người 25 năm. Cảm giác thật lạ lùng khi nghe ông bạn già kể về mình cho cô gái trẻ hàng ngày đến cho tôi đọc chính tả. Tính cách nóng nảy, niềm đam mê sách vở, nỗi ham thích vô độ đối với đồ ăn ngon hay chiếc xe đỏ bỏ mui được của tôi, tất cả đều có trong câu chuyện. Giống một người kể chuyện đang khai quật những truyền thuyết của một thế giới đã bị phá huỷ. “Tôi không thấy ông như vậy” Claude nói. Từ giờ, thế giới của tôi chia đôi giữa những người biết tôi từ trước và những người khác. Họ sẽ nghĩ trước đây tôi có thể là người thế nào? Tôi chẳng có lấy một bức ảnh của mình trong phòng để cho họ xem.
Chúng tôi dừng lại bên trên cầu thang rộng - đường đi lại cho quán bar bãi biển và một dãy dài buồng thay đồ màu phấn, cầu thang gợi tôi nhớ đến lối vào rộng rãi của ga tàu điện Porte- d’Auteuil, khi còn nhỏ tôi đi từ bể bơi về nhà, mắt còn nhoà vì chất clo trong nước. Bể Molitor đã bị phá cách đây vài năm còn cầu thang giờ đã thành đường cụt.
“Cậu muốn về chưa?”, Brice hỏi. Tôi cương quyết phản đối bằng cách lắc đầu theo mọi hướng. Làm gì có chuyện quay lại khi còn chưa đạt được mục đích thực sự của chuyến du ngoạn này. Chúng tôi đi nhanh ngang qua vòng quay ngựa gỗ kiểu cổ với tiếng nhạc dội thẳng vào tai tôi. Chúng tôi gặp Fangio, “của hiếm” của bệnh viện, cậu ta nổi tiếng với biệt danh ấy. Lúc nào cũng thẳng đơ như công lý, Fangio không ngồi được. Luôn luôn phải đứng hoặc nằm, cậu ta di chuyển bằng cách nằm sấp trên chiếc xe bốn bánh cậu ta tự vận hành nhanh một cách đáng kinh ngạc. Cậu ta là anh chàng to lớn da đen dáng thể thao đang vừa đo đường vừa ầm ĩ: “Chú ý, Fangio đây!” Cậu ta không nhận ra tôi. Rốt cuộc chúng tôi cũng tới được điểm cuối của cuộc hành trình, tận đầu kia bãi. Tôi muốn đi đến hết đường không phải vì muốn khám phá cảnh vật mới lạ mà vì muốn thoả sức hít thở thứ mùi bốc ra từ lán trại nhỏ xoàng xĩnh nơi cửa bãi. Họ đặt tôi dưới ngọn gió và tôi cảm thấy cánh mũi mình run rẩy niềm vui được hít lấy thứ mùi tầm thường, nhức đầu và cực ki khó chịu với đại đa số mọi người, “ôi trời! một giọng nói phía sau tôi, mùi như mỡ khét ấy”.
Nhưng tôi hít mãi không chán cái mùi khoai tây rán này.

20 ăn một
Xong. Tôi đã nhớ ra tên con ngựa. Nó là Mithra-Grandchamp.
Vincent chắc giờ đang đi qua Abbeville. Nếu đi ôtô từ Paris thì giờ này là lúc chuyến đi bắt đầu có vẻ lâu đây. Ngay tiếp theo cao tốc vắng vẻ và cực nhanh là đường quốc lộ hai làn, noi lúc nào cũng chất đống cả đãy dài ôtô và xe tải.
Vào thời câu chuyện này xảy ra, cách đây 10 năm, Vincent, tôi và một vài người nữa có may mắn lạ thường là đã lãnh đạo một tờ nhật báo - hiện không còn tồn tại. Một nhà công nghiệp say mê báo chí, người sở hữu tờ báo đã liều cú chót phó thác đứa con mình cho êkíp làm việc trẻ nhất Paris trong khi âm mưu chính trị và ngân hàng đen tối ngấm ngầm muốn tước đoạt vị trí chủ bút của ông đã từ năm, sáu năm nay. Ông đã dốc toàn bộ số tiền còn lại vào cuộc chiến mà không để chúng tôi biết, cũng như chúng tôi đã dồn tâm huyết đến một nghìn phần trăm vào trận đấu ấy.
Vincent giờ đang đi qua các ngã tư, bỏ lại bên trái là hướng đi tới Rouen và Croytoy để đi vào con đường hẹp dẫn tới Berck qua một dãy các khu dân cư nhỏ. Ai không quen sẽ lạc đường ở những chỗ vòng vèo thế này. Nhưng Vincent thì không vì cậu ấy đã đến thăm tôi nhiều lần. Mà không chỉ có năng khiếu định hướng, cậu ta còn làm việc đó chính xác đến cực độ nữa.
Vậy là chúng tôi làm việc liên tục. Từ sáng sớm đến tối muộn, cuối tuần và đôi khi cả đêm nữa, năm con người không còn ý thức được mệt mỏi, chiến đấu vui vẻ với khối lượng công việc của người. Mỗi tuần, Vincent nghĩ ra đến 10 ý tưởng: ba xuất sắc, năm tốt và hai cái còn lại là thảm hoạ. Vai trò của tôi có một phần nhỏ là buộc cậu ta lựa chọn, trái với bản tính thiếu kiên nhẫn lúc nào cũng muốn thấy mọi điều hiện ra trong đầu thành hiện thực của anh chàng.
Từ đây tôi đã nghe tiếng cậu ta vặn vôlăng và càu nhàu về đám cầu đường. Hai năm nữa, đường cao tốc sẽ bảo đảm giao thông cho Berck nhưng hiện tại, nó vẫn chỉ là một công trường với đoàn ôtô xếp hàng dài, chậm chạp, kẹt cứng đằng sau các xe moóc cắm trại.
Thực tế, chúng tôi không rời nhau phút nào cả. Sống cùng, ăn cùng, uống cùng, ngủ cùng, yêu và mơ ước bằng tờ báo và vì tờ báo. Ai là người nảy ra ý tưởng đi xem đua ngựa chiều hôm đó nhỉ? Vào một ngày chủ nhật mùa đông đẹp, xanh, lạnh và khô, và chúng tôi chạy xe tới Vincennes(1). Không ai ở đây là người hay chơi cá ngựa, nhưng bác chuyên viết thời luận về đua ngựa quý chúng tôi nên mời ra nhà hàng trường đua thiết đãi và trao tin mật - hạt vừng hé mở cánh cửa thế giới đua ngựa bí ẩn. Cứ theo đó thì chắc chắc và bảo đảm là Mithra-Grandchamp sẽ thắng và vì con ngựa được đặt cược với tỉ lệ đến 20 ăn một nên nó hứa hẹn sẽ là một món hời nho nhỏ xinh xắn, hơn đứt thu nhập của ông bố trong gia đình.
Vậy là Vincent đã đến lối vào Berck và cũng như tất cả mọi người, đang thoáng lo âu tự hỏi không biết cậu ta đến đây làm cái quái gì.
Chúng tôi ăn trưa vui vẻ trong phòng ăn lớn nhô ra trên trường đua, nơi tiếp đón từng nhóm từng nhóm người ăn mặc bảnh choẹ, ăn cướp, ma cô, những kẻ bị cấm lưu trú và các thành phần xấu xa khác đều đang hướng về thế giới của những bước đua nước kiệu. Hài lòng và no nê, chúng tôi hút lấy hút để điếu xì- gà dài trong lúc chờ lượt đua thứ tư trong không khí nóng bỏng nơi đủ loại lý lịch tư pháp nở rộ như nấm sau mưa.
Vincent đã đến trước biển, cậu rẽ trái, đi lên con đường đất lớn mà không nhận ra phía sau đám đông người đi nghỉ hè vẫn là cảnh sắc hoang vắng và lạnh giá của Berck trong mùa đông.
Ở Vincennes, chúng tôi đã không kịp đến trước khi cuộc đua bắt đầu. Quầy đặt cược đóng sập cửa ngay dưới mũi trước khi tôi kịp rút tập tiền mà cả ban biên tập giao mang đi đặt. Dù có lệnh giữ bí mật, nhưng cái tên Mithra-Grandchamp vẫn truyền từ nơi này sang nơi khác và con ngựa đua vô danh tiểu tốt qua tin đồn đã thành một con vật huyền thoại khiến ai cũng muốn đặt cược cho nó. Chỉ còn việc xem và hi vọng. Vào đoạn ngoặt cuối cùng, Mithra-Grandchamp bắt đầu bứt lên. Qua khúc ngoặt, nó đã vượt hơn con thứ hai năm thân và phi về đích như một giấc mơ, trước đối thủ liền sau gần 40 mét. Một chú phi cơ thực thụ. Trong bản tin thời sự hôm nay, khán giả hẳn sê thấy nó hớn hở trên tivi.
Ôtô của Vincent trượt trên bãi đỗ xe của bệnh viện. Ánh nắng chan hoà. Tới đây, khách đến thăm phải đủ dũng cảm mới có thể vượt qua, với cổ họng thắt lại, những mét cuối cùng chia cách tôi với thế giới: cửa kính mở tự động, thang máy số 7 và hành lang nhỏ kinh khủng dẫn tới phòng 119. Qua cánh cửa khép hờ, người ta chỉ thấy những thân người nằm liệt giường mà số phận đã vứt bỏ đến sát ranh giới của sự sống. Nhìn cảnh tượng này, một số người thấy khó thở. Đầu tiên, họ sẽ phải lạc một chút mới đến được chỗ tôi, giọng nói quả quyết hơn và mắt bớt nhoà. Cuối cùng, khi họ đến, cứ như thợ lặn phải ngừng thở vậy. Tôi thậm chí còn biết, đến đây, trước ngưỡng cửa này, họ không còn đủ mạnh mẽ nữa và đã quay trở lại Paris.
Vincent gõ cửa và yên lặng bước vào. Tôi đã quen với việc thấy trong mắt người khác thoáng chút ánh sáng sợ hãi. Hoặc, dù sao chúng cũng không còn khiến tôi run rẩy như trước nữa. Tôi cố nhoẻn một thứ tôi hi vọng là nụ cười chào đón từ nét mặt teo tóp vì liệt. Vincent đáp lại cái nhăn nhó ấy bằng một nụ hôn lên trán. Cậu ta chẳng hề thay đổi. Mái tóc hung, vẻ mặt cau có, thân hình béo lùn nhún nhảy trên hai bàn chân tạo cho cậu ta vẻ lố lăng của một nhà hoạt động công đoàn xứ Gaule tới thăm bạn bị tai nạn do ngạt khí mỏ. Dáng nghiêng nghiêng cúi thấp, Vincent đi lại như thể một võ sĩ đấm bốc kiểu to béo nhưng yếu ớt. Hôm Mithra-Grandchamps thắng, sau vụ trễ giờ, cậu ta chỉ buông một câu: “Lũ ngu. Mình đúng là ngu. về toà soạn, bọn chúng sẽ tháo rời mình ra từng mảnh cho mà xem!” Đó là lối nói ưa thích của Vincent.
Thật thà mà nói, tôi đã quên biến mất Mithra-Grandchamp. Ký ức về câu chuyện này chỉ vừa quay lại tâm trí tôi nhưng dấu vết nó để lại thì đau đớn gấp đôi. Nỗi nhớ về một quá khứ đã qua và trên hết là dằn vặt về những gì đã bỏ lỡ. Mithra-Grandchamp, đó là những người đàn bà ta đã không biết yêu, những cơ hội ta đã không biết nắm bắt, những khoảnh khắc hạnh phúc ta đã để bay đi. Hôm nay, dường như sự tồn tại của tôi là một chuỗi thất bại. Một cuộc đua ta biết rõ kết quả nhưng không thể thắng cược. À mà chúng tôi còn phải xoay xở để trả lại hết tiền hùn cho mọi người nữa chứ.
Chú thích
______________________
(1) Thị trấn trong vùng đô thị Paris.