Khách du lịch

    
au chiến tranh, Berck nhận thêm các nạn nhân tội nghiệp trong cơn tàn phá cuối cùng của chứng lao, bệnh viện dần bỏ khuynh hướng chỉ tập trung cho bệnh nhi. Ngày nay, ở đây phần lớn mọi người dành cho việc chiến đấu với những bệnh tật do tuổi tác, những tàn phá không thể ngăn chặn trên cơ thể và tinh thần. Nhưng bệnh của tuổi già chỉ là một phần trong cả bức tranh cần vẽ để có thể hình dung chính xác về các bệnh nhân noi này. Cuối bức tranh sẽ là 20 bệnh nhân hôn mê thường trực, những con quỷ tội nghiệp chìm trong màn đêm bất tận trước ngưỡng cửa của cái chết. Họ chẳng bao giờ rời khỏi phòng. Tất cả bọn họ đều ý thức được mình đang ở đó. Sự hiện diện ấy đè nặng một cách kỳ quặc lên cả tập thể, như ý thức về một điều không lấy gì làm tốt lành. Ở phía ngược lại, bên cạnh tập đoàn già cả không người thân thích, ta thấy một vài bệnh nhân mắc chứng béo phì có vẻ mặt nhớn nhác, những người luôn được các bác sỹ kỳ vọng giúp họ giảm được các số đo quá khổ. Chiếm đông đảo giữa bức tranh là tiểu đoàn lính què, những kẻ sống sót qua các tai nạn thể thao, tai nạn giao thông, các kiểu tai nạn đang quá cảnh tại Berck trong lúc chờ được bó bột hoặc thay chân tay giả. Tôi gọi họ là “khách du lịch”.
Cuối cùng, để bức tranh hoàn thiện, cần tìm một góc để đặt những người như tôi vào, những con gà gãy cánh, vẹt mất tiếng, chim báo điềm dữ làm tổ trong hành lang cụt nơi khoa thần kinh. Tất nhiên, chúng tôi làm xấu đi cảnh vật nơi này. Tôi biết quá rõ sự khó chịu chúng tôi gây ra khi cứ cứng đờ và lặng lẽ lướt qua một vòng trước mặt các bệnh nhân may mắn hơn.
Nơi tốt nhất để quan sát hiện tượng này là trong phòng trị liệu vận động, nơi đủ loại bệnh nhân cần phục hồi chức năng có mặt. Đó là một nơi Thần kì ồn ào và đủ màu sắc. Trong hỗn độn những nẹp, tay chân giả hay máy móc từ đơn giản đến phức tạp, người ta đi kèm bên cạnh một thanh niên đeo khuyên tai - thân thể gãy nát trong một tai nạn xe máy, một bà cụ mặc bộ đồ phản quang đang tập đi trở lại sau khi rơi từ trên thang xuống và một người ăn xin nửa người nửa ngợm đã tự kéo được chân ra khỏi tàu điện ngầm một cách tài tình. Toán người này đang xếp theo hàng một, cử động tay và chân dưới sự kiểm soát lỏng lẻo khi tôi đến. Ban đầu người ta dựng nghiêng tôi lên, rồi dần dần thẳng đứng. Sáng nào tôi cũng được treo nửa giờ như vậy, trong tư thế nghiêm, gợi hình ảnh bức tượng Người nhận huân chương trong màn cuối vở Don Juan của Mozart. Bên dưới, họ cười, đùa cợt, hỏi han nhau. Tôi cũng thích tham gia vào không khí vui vẻ ấy nhưng ngay khi tôi hướng con mắt duy nhất của mình về họ, thì tất cả, từ thanh niên đến cụ già hay người ăn xin ngay lập tức quay đầu đi vì có lẽ đột nhiên nhận thấy nhu cầu khẩn thiết là chiêm ngưỡng nút báo cháy trên tường. Chắc hẳn những “khách du lịch” này là những người sợ lửa lắm.