CHƯƠNG 7

    
oonie đã bỏ học. Con người nó là như vậy, nó chỉ muốn đi lướt sóng mà thôi, nhưng cha nó không bằng lòng nên đã gởi nó vào nhà máy cưa. Loonie chẳng hề thích các việc này. Cha tôi nói là nó làm không được nửa tháng, nó sẽ không chịu tù túng, nó sẽ không chịu làm việc mà phải đeo máy lọc không khí, nó vốn làm biếng, và kết quả là rất nguy hiểm.
Thời gian nghỉ hè năm ấy gần như ngày nào tôi cũng đến nhà ông Sando. Bà Eva đã đi Mỹ được vài tuần, còn Loonie thì đang phải lao động trong nhà máy cho nên chỉ có một mình tôi với ông Sando. Tôi có được một cơ hội tốt, và đã tận dụng triệt để.
Vào những ngày biển êm thì chúng tôi đi lặn, và khi có một đợt sóng nhồi nhỏ nào xuất hiện thì chúng tôi quần quật ngoài Mũi đất, với những tấm ván mà ông Sando lôi lên từ các xó hốc trong tầng hầm - những tấm ván từ những năm sáu mươi, kềnh càng kỳ dị và tơi tả. Có những ngày chúng tôi chẳng làm gì cả, khi ấy ông ta ngồi xếp chân đục đẽo một khúc gỗ cây bách, còn tôi thì lặng lẽ ngồi xem. Mùa hè năm ấy, ông ta dạy tôi thổi ống didj, dạy cách thở xoay vòng vốn rất cần thiết để có được giọng thổi trầm thấp mà từ nơi bậc cấp nhà ông có thể vọng xa xuống tận đằng thung lũng dưới kia. Âm thanh của ống thổi này khiến con chó hoảng sợ chạy nhắng lên. Tôi thích cái kiểu âm thanh này, nó rút lấy hơi sức của mình và gây ra một cảm giác nghẹn uất mà chỉ sự hờn dỗi nặng mới có thể gây ra khi tôi còn bé. Tôi thổi cho đến khi thấy nảy đom đóm, nước dãi chảy xuống ròng ròng, hoặc cho đến khi ông Sando lấy cái ống đi.
Đôi khi không nên tìm cách trò chuyện với ông Sando. Những lúc ông ta bực bội thì tôi để cho ông ta một mình suy tưởng, và tôi tự tìm sự khuây khoả nơi bãi kanguru, một mình với cái ống didj. Đối với tôi, sự vắng mặt của bà Eva là một điều may mắn, nhưng tôi thấy ông ta thường xuyên bứt rứt vì sự vắng mặt nàyễ Thế nhưng hầu hết những buổi chiều, ông đều tỏ ra dịu dàng và cởi mở. Khi được ông quan tâm nhiều thì tôi thấy thật phấn khích, như gốc cây khô được tưới nước.
Khi chỉ có ông Sando với tôi quanh quẩn bên nhau thì mọi việc khác hẳn, câu chuyện không còn ở trong phạm vi các con sóng cùng những nơi lướt ván. Có khi ông say sưa nói về những người dân Spartan và về hoạ sĩ Gauguin. Ông kể cho tôi nghe về nhà văn Herman Melville ở Taihiti, và về cái chết của nhà thám hiểm James Cook. Khi tôi nói mình đã đọc Jack London và Hemingway thì ông vui hẳn lên. Ông lấy trên kệ xuống cuốn Men and Sharks của Hans Hass, một ấn phẩm bìa cứng cũ kỹ với những bức hình đen trắng.
- Cầm lấy đi, món quà tặng cậu đấy.
Ông kể cho tôi nghe về món thịt cá heo mà những ngư dân ở Java đã mời ông ăn, và ông đã phải ăn lấy lòng họ. Ông nói rằng ông có thể ăn thịt người khi cần, nhưng hy vọng là đừng bao giờ phải làm thế, và đó là tất cả những gì mà ông có thể nghĩ tới khi ông ăn thịt cá heo. Chúng tôi nói về vụ khủng hoảng dầu hoả, về toàn cảnh vụ huỷ diệt do vũ khí hạt nhân. Ông kể về những người sông sót mà ông được gặp ở Oregon, và khi nói về chuyện sống sót, tôi kể với ông sự khẳng định của Loonie rằng khi bị sóng đánh úp nó có thể hít ôxy từ trong bọt biển, hít khí này qua hàm răng để sống. Chúng tôi cười cho sự ngớ ngẩn và ngoốc nghếch của Loonie.
Tôi thấy ấm lòng trong sự quan tâm chú ý của ông Sando và rất trân trọng những giờ khắc ngắn ngủi ấy. Có những lần ông ôm chặt lấy tôi khi tôi ra về, nhưng thường thì ông tiễn tôi với một cái cốc thân mật vào đầu.
Một ngày kia trong nhà bếp, trong lúc ông Sando đang giã gia vị cho món cà ri cá đặc biệt của ông thì tôi nhìn thấy một tấm hình mà tôi đã không hề để ý đến trước đó. Tấm hình được lồng trong một khung gỗ sồi treo nơi chân tường bên cạnh bếp lò, mặt kính đã bị vấy bẩn dầu mỡ. Trong hình là một người mặc bộ đồ trượt tuyết màu đỏ, một hình người hơi chúc đầu xuống trên nền trắng toát của một ngọn núi. Nơi hậu cảnh hiện ra ba cây lớn, trông giống như cây trang trí trong dịp lễ Giáng sinh.
- Ô, cái gì thế này? - Tôi hỏi.
Ông Sando ngừng tay trên chiếc cối một lát. Hương vị rau mùi, thì là, và nghệ khác hẳn với thứ hương vị thường gặp trong nhà bếp của mẹ tôi. Mắt tôi cay cay vì hơi ớt bốc lên.
- Bà xã tôi đấy.
- Ông đùa đấy à?
Tôi nhìn gần hơn. Giữa cặp kính phòng hộ và chiếc mũ trùm đầu ló ra một chòm tóc vàng hoe. Toàn thân bà ấy dốc ngược xuống, hai cây trượt tuyết chĩa thẳng lên trời, khuôn mặt bà hướng xướng nền đất phía dưới.
- Tôi không đùa đâu.
- Phi thường.
- Phải, tôi nghĩ là nó còn bị che khuất đấy. Thao tác tuyệt vời, hả?
- Sao bà ấy làm thế được?
- Từ một cú nhảy. Phóng nhanh xuống dốc rồi lại lao lên. Đủ 360 độ.
- Và đáp xuống bằng hai chân.
- Phải, kế hoạch là như thế đó.
- Vậy bà ấy đã làm như vậy nhiều lần rồi hả?
- Cậu bạn ơi, bà ấy rất nổi tiếng đấy. Trượt tuyết tự do mà. Một kiểu trượt hoàn toàn mới. Nhiều cô cậu ngày nay trượt chẳng ra gìễ Đây là tại Utah năm 71 kia. Hiện nay bà ấy đang đến đó.
- Để trượt tuyết à?
- Trời ơi, không - với cái đầu gối như thế kia mà. Họ đang làm phẫu thuật lại cho bà ấy.
- À - Tôi lẩm bẩm - Tôi đã hiểu rồi.
- Bà ấy từng ở nơi ấy ba năm trước đó. Hơn thế nữa.
- Tôi nghĩ đến những viên thuốc, dáng đi khập khiễng, và tính khí cau có của bà.
- Bà ấy làm phẫu thuật nữa hả?
Ông Sando gật đầu, rầu rĩ.
- Lần này có thể là được - Tôi nói.
- Phải, nhưng lâu lắm.
- Ở đây không có tuyết, làm sao bà ấy chịu nổi?
Ông Sando nện cái chày trên cối gia vị. Tôi tì cằm trên mặt bàn và có thể nhận thấy sức mạnh của hai cánh tay ông trên thớt gỗ.
- Tôi nghĩ là bà ấy thích ở bên ấy hơn ở đây. Tôi muốn nói là nếu như không còn lướt sóng được nữa thì cậu có thích sống gần biển không?
- Biển rất đẹp mà. Đối với tôi như thế là đủ.
- Cậu nói dóc.
- Không, thật đấy mà - Tôi nói. Nhìn thấy biển là đủ với tôi rồi.
- Hãy tin tôi đi, cậu đang nói dóc.
Tôi đứng dậy, bực mình vì lời khẳng định của ông. Thật dị kỳ khi nhắc lại chuyện này, nhưng sau đó, tôi đã có lý do để hồi tưởng lại lúc này. Phải đến ngoài ba mươi tuổi tôi mới biết được rằng chính mình cũng không muốn nhìn thấy những gì mà mình không thể có được nữa.
- Đừng giận nhé - Ông ta nói.
- Đâu có - Tôi lẩm bẩm.
- Bà ấy gan dạ lắm.
- Phải, tôi đồng ý, và thấy rằng mình đã đánh giá thấp bà ta. Hình của bà Eva được treo trên tường nhưng chúng tôi chẳng thấy bức hình nào của ông Sando cả. Tôi không hiểu được. Họ có nhiều cái chung lắm mà. Bà ta đã bị trở ngại, nhưng theo tôi thấy thì ông ấy đã thành công. Tôi không biết là điều gì cần đến sự gan dạ hơn.
- Hai ông bà không phải là người ở đây.
- Không, chúng tôi trước ở Melbourne - Ông nói, không quan tâm đến giọng nói cáu kỉnh của tôi.
- Vậy sao lại đến đây?
- Rừng cây. Những bãi biển vắng. Những con sóng không có ai cưỡi. Những năm sáu mươi chúng tôi có đến đây một thời gian. Chúng tôi có một cái nhà nhỏ trong rừng. Tôi đi theo những cái gì thuần khiết, tôi nghĩ thế.
- Thuần khiết? - Tôi nói.
- Phải, tôi hiểu. Có cái gì là thuần khiết thực không?
Tôi nhún vai, và giữa chúng tôi lại có một sự hoà hoãn trong khi ông Sando nghiền gia vị, đun nóng cái chảo rồi từ từ phi lên cho đến khi căn nhà sực nức mùi thơm.
Loonie chưa kịp bỏ đi thì đã bị đuổi khỏi nhà máy. Hồi đầu năm, cha nó đã bảo nó kiếm việc làm ở Angelus trong ngành đồ hộp hay hàng thịt, nhưng đi làm ở những nơi này đều phải đi ô tô ba chục dặm, mà nó thì không có bằng lái xe, cho nên chỉ có xe buýt nhà trường là chở được nó. Thế là nó chấm dứt việc rửa ly, quét nhà nơi quán ăn. Nó mua một chiếc xe hai bánh địa hình cũ, và chạy không bằng lái đến nhà ông Sando theo những con đường cũ. Những khi văng tục hay hút vài hơi thuốc là nó làm thay đổi hẳn bầu không khí. Vào những ngày nghỉ nó đến càng lúc càng nhiều hơn, và chẳng bao lâu thì sự riêng tư giữa ông Sando và tôi không còn nữa.
Ông Sando chẳng bao giờ nói gì về chuyện đi Inđônêxia. Rõ ràng ông ta không muốn nói cho tôi biết là ông định dẫn Loonie đi với ông. Tôi không được biết là Loonie đã có hộ chiếu hoặc nó đã làm thế nào thuyết phục được ông Sando cho nó đi theo. Có thể nó đã lừa gạt ông, đó là cách duy nhất tôi thấy Loonie thường dùng để giải quyết cho được việc của mình. Tôi chẳng được biết gì cả. Họ đã ra đi Inđônêxia một cách đột ngột.
Con chó bị bỏ lại với một đống thức ăn khô và một tô nước được châm đầy bằng một vòi nhỏ giọt nơi bồn nước, nhưng ông Sando biết chắc là tôi sẽ đến đây để trông chừng nó. Tôi yên lặng ngồi với con chó suốt nhiều ngày liền trong sự chua chát. Một buổi chiều kia, khi tôi đến đây thì bà Eva đã trở về. Bà ta đang bực bội và cáu kỉnh hơn bao giờ hết. Tôi hỏi bà xem chuyện gì đang xảy ra và chỉ nghe bà chửi bới om sòm lên, đuổi tôi đi, bảo đừng bao giờ trở lại nữa.
Phải một tuần lễ sau tôi mới bình tĩnh trở lại để đến lấy tấm ván của mình ở bên dưới ngôi nhà của ông Sando. Tôi hy vọng là bà Eva lại đi khỏi nữa, nhưng khi tôi đẩy chiếc xe đạp vào trong khoảng đất trống thì bà ta bước ra hàng hiên với con chó, nó sủa lên rồi lao đến mừng tôi. Bà ta bước khó khăn trên đôi chân. Bà mặc một chiếc quần Levi’s cắt ngắn. Dù ở dưới này tôi cũng có thể nhìn thấy màu băng trắng nơi đầu gối của bà.
- Tôi chỉ đến để lấy tấm ván của tôi - Tôi nói, tay còn vịn chiếc xe đạp.
- Có cà phê đấy - Bà nói.
- Không, tôi chỉ lấy tấm ván thôi.
- Pikelet, cậu không cần phải lấy cái tấm ván chết tiệt ấy.
- Nhưng tôi phải đi đây.
- Ồ, chuyện gì cũng mặc - Bà nói, tựa người vào thanh chắn hàng hiên - Tôi xin lỗi đã gắt gỏng với cậu hôm ấy. Thật là tầm bậy.
Tôi vẫn đứng yên.
- Nào, vào uống cà phê đi. Thôi hãy hết giận đi mà.
Tôi do dự. Dù sao gió nhẹ đang từ ngoài biển thổi vào và thực ra tôi chẳng muốn quay đi lúc này để đạp xe thẳng về thành phố. Thế nên tôi dịu lại và bước lên hàng hiên.
Trong nhà trông thật hỗn độn với những đĩa bát, ly cốc và vỏ chai vương vãi khắp nơi. Cái bồn rửa bát giống như một bãi phế thải và thứ gì cũng bốc mùi rác rến.
Thấy thương hại cho sự khập khiễng của bà Eva nên tôi bước tới tự mình bưng ly cà phê. Tôi trở ra ngoài hiên và ngồi ở một khoảng cách an toàn.
- Hôm ấy tôi quá bực bội - Bà nói.
Tôi nhún vai, xếp hai chân lại trên sàn ván. Tôi hớp ngụm cà phê mà chẳng thấy ngon. Tôi vẫn là dân ghiền trà. Tôi ngồi yên một lát và khi nhìn lại thì tôi thấy bà đang thẫn thờ nhìn ra bãi đất kanguru. Có những quầng thâm xung quanh mắt bà, và tóc bà đã bạc. Đường may trên đầu gối hiện ra thật rõ.
- Cuộc phẫu thuật ra sao? - Tôi hỏi.
- Chẳng ăn thua gì. Thật uổng côngể
- Tôi có thấy một tấm hình của bàế Thật độc đáo.
- Phải - Bà nói phấn khởi - Ngày nay đó là một tư liệu lưu trữ, phải không?
Tôi không biết nên trả lời bà thế nào. Có lẽ không nên nói gì cả.
- Này, Pikelet, hai đứa mình cùng ở đây. Cả hai đều bị bỏ rơi.
- Ông ấy không nói gì với bà ư?
- Ông ấy có để lại một mảnh giấy.
- Nhưng ông ấy biết khi nào bà về à?
Bà ta gật đầu: - Để cho ông ấy đi ấy mà.
- Vậy bà sẽ làm gì?
- Ô - Bà nói - Tôi cứ ngồi đây chẳng cần gì ông ấy. Chứ còn biết làm gì nữa? Vài tuần nữa ông ấy sẽ trở về, tươi cười và có đủ thứ chuyện để kể. Cậu biết đấy, bình thường thì tôi cũng chẳng bận tâm mấy. Nhưng tôi có thể làm được nếu như có… phải, một sự giúp đỡ. Cậu thấy thế nào?
- Tôi à?
- Chàng pháo thủ ngự lâm đơn độc.
Tôi lại nhún vai, nhớ lại chuyện mình bị lăng nhục.
- Dù sao cậu cũng không thể ra đi được. Cậu đang đi học và có việc làm. Cậu bao nhiêu tuổi, mười lăm phải không?
- Trong vài tuần nữa.
- Đã đến thời của cậu rồi đấy.
- Lẽ ra ông ấy có thể nói cho tôi biết. Tôi đã đến đây hàng ngày, ông ấy phải nói chứ.
- Ông thầy tồi thì làm gì cũng tồi mà, Pikelet ơi.
- Đúng thế - Tôi lẩm bẩm mà thực ra chẳng hiểu bà ta định nói gì. Tôi ngồi mong cho hết ly cà phê rồi nôn nóng ra đi.
- Bà có cần giúp gì không? Tôi hỏi, hy vọng là bà sẽ nói không.
- Không, tôi không sao. Dù sao cũng cám ơn cậu.
Tôi đi xuống được nửa cầu thang thì bà gọi lớn, nói rằng nếu tôi có đi phóng cá thì vui lòng cho bà xin một ít cá tươi. Tôi nói là tôi sẽ nhớ, nhưng tôi chẳng có ý định trở lại đây.
Con chó chạy theo tôi ra tới đường lớn rồi dừng lại trong khi tôi đạp xe đi. Tôi đau lòng nhìn lại, có cảm tưởng như đang bỏ nó lại cho bà chủ nhà khó tính.
Suốt nhiều tuần lễ, tôi thấy đau đớn vì một cảm giác bị xem thường - bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài - và cú sốc này càng nặng nề vì thời gian vừa qua tôi tưởng là minh có một lợi thế hơn Loonie. Tôi nghĩ là ông Sando và tôi đã có một sự gắn bó đặc biệt, một kiểu quan tâm của giới trí thức, một điều mà Loonie, dù với tất cả sức mạnh bản năng của nó, vẫn không sao sánh nổi. Thế mà giờ đây tôi thấy mình như một thằng ngốc.
Tôi đi học rồi trở về nhà với sự rầu rĩ triền miên khiến cho cha mẹ tôi phát bực. Ban đêm trên giường tôi nhớ lại nụ cười ranh mãnh mà bà Margaret Myers đã dành cho tôi nơi quán, tôi nằm đó buồn bã trong khi gió thổi qua các chòm cây và ngôi nhà cót két trên các chân cột.
Queenie đã bắt bồ với chàng đội trưởng của đội bóng đá nhà trường. Anh chàng này có xe hơi và những chòm tóc mai giống như diễn viên điện ảnh Peter Fonda.
Đến cuối ngày tôi lại ngồi rũ trên chiếc xe buýt, đuối mệt với bao nhiêu chuyện thường tình.
Một vài buổi tối, tôi xuống sông bơi lội nơi bọn học trò tiểu học nhún nhảy trên tấm ván cũ ngày xưa. Có một đôi lần tôi lặn xuống bám vào mấy sợi rễ cây dưới đáy và nghĩ rằng trên mặt nước kia, sự hớn hở của bọn trẻ sẽ biến thành nỗi kinh hoàng, nhưng tôi không chắc là có một đứa nhớ là có tôi ở đấy nữa.
Ngày thứ sáu tiếp theo sau đó, tôi đi lướt sóng nơi Mũi đất với những người dân Angelus, họ có vẻ cảnh giác ít nhiều đối với tôi, nhưng qua ngày chủ nhật thì trời oi nồng và mặt biển lặng như một tấm gương, cho nên suốt nhiều giờ liền tôi đi phóng lao bắt cá đằng sau Mũi đất. Tôi bắt được một bao cá đầy, và vác cái bao này ra đến chiếc xe đạp là cả một công việc nhọc nhằn. Còn cách cửa nhà ông Sando một quãng xa thì tôi đã thấy là mình không thể chở cái bao này về nhà mình nổi. Tôi chẳng muốn vào nhà ông Sando, nhưng chẳng lẽ lại vứt những con cá ngon này vào trong bụi cây.
Eva có vẻ vui mừng đặc biệt khi nhìn thấy tôi. Trong khi tôi lóc thịt những con cá chỉ vàng dưới bóng cây trong sân thì bà bước xuống cầu thang với mấy lon cô caẻ Chân bà còn băng bó và sự khập khiễng càng nặng nề hơn, nhưng bà có vẻ hồng hào hơn là tôi thấy lần trướcế Tôi cắt một miếng thịt cá cho con chó ăn. Bà Eva ngồi trong bóng cây và đưa ly nước cho tôi.
- Hôm trước cha của Loonie có đến gặp tôi - Bà nói. Chao ôi, ông ấy bực tức lắm.
- Bực tức à? Ông ấy có say không?
- Không, bực tức là vì ông tưởng Loonie trở về hôm thứ sáu.
- Thứ sáu à? Ông Sando nói là thứ sáu nó sẽ về hả?
- Ô, ai mà biết. Khi ông ấy đã đi rồi thì thời gian biểu có ăn thua gì. Có vẻ ông ta không vui vì việc Loonie đi xa. Mình có thể nhìn thấy đứa con qua người cha, có phải không?
Tôi nhún vai.
- Cả hai người họ cùng nhìn mình một cách khác thường, bà nói. Giống như mình là một thứ... quái vật.
- Vì bà là người Mỹ à?
- Không, bởi tôi là một người đàn bà.
- Ở.
- Ông ta chỉ có một mình thôi hả?
- Ô, tôi đâu biết - Tôi nói, cố gắng để chuyển qua câu chuyện về bà Margaret Myers.
- Lẽ ra phải tội nghiệp cho ông ấy. Nhưng tôi lại không.
Thấy rằng hiểu biết của mình về ông chủ quán và về bà Margaret Myers có thể liên quan đến một số tình tiết kỳ dị, cho nên tôi bỏ qua.
- Bà có thấy nhớ không?
Bà nhìn tôi:
- Nhớ cái gì, nói chính xác?
- Tuyết ấy. Ông Sando có nói chuyện với tôi về môn trượt tuyết tự do.
- Tất nhiên là tôi nhớ - Bà nói. Sao cậu hỏi ngớ ngẩn thế?
Bà Eva uống hết ly cô ca rồi đặt mạnh cái ly xuống trên mặt ván, bên cạnh tôi. Tôi lóc các miếng thịt lưng rồi đặt vào trong cái đĩa cho bà, quyết định dọn rửa sạch sẽ rồi ra về càng nhanh càng tốt.
Làm sao bảo họ quay về nông trại được một khi họ đã nhìn thấy Paree.
- Xin lỗi, bà nói gì? - Tôi vừa nói vừa rửa máu và vảy cá trên mấy con dao.
- Một khi đã nếm một món đồ lạ, một thứ gì ở đằng ấy thì khó bỏ được. Nó cứ bám lấy mình. Sau đó thì chẳng còn gì khác có thể khiến cho mình có cảm giác như thế.
Tôi gật đầu. Rốt cuộc tôi đã hiểu.
- Tôi cho là tôi thích sự huyên náo - Bà nói - Chúng tôi đã có những giờ phút rùng rợn trên núi, nhưng nay thì như cậu đã biết đó, thời gian xoá nhoà tất cả. Thời khắc của mình vụt đến rồi vụt đi. Thật tàn nhẫn, phải không?
- Có thể rồi tự nó sẽ trở nên tốt hơn.
- Phải, có thể thánh Nicholas là người Do Thái.
Bị châm chọc, tôi đi qua bể nước để rửa tay. Con chó liếm muôi trên hai chân tôi.
- Tôi chưa hề thấy tuyết - Tôi nói.
- Màu trắng - Bà nói - Và lạnh. Cám ơn cậu về mấy con cá.
Bà ta có cách làm cho bạn cảm thấy mình bé nhỏ và ngu ngơ, cho dù bà ta đang vui vẻ. Tôi nhớ lại là mình thấy chẳng ưa gì bà.