Chương 8

    
gày nhận lương đã đến, bấm đót ngón tay, tôi đến xưởng gia công đã được ba tháng. Nghe đâu công nhân chính thức mỗi tháng sẽ được nhận lương một lần, công nhân hợp đồng ba tháng nhận một lần, nhận gộp cả ba tháng. Thế nào thì được gọi là hạng người thượng đẳng? Hạng người thượng đẳng mỗi tháng được phát lương một lần. Chúng tôi ba tháng được phát một lần, có thể được xem là loại người nằm giữa loại thượng đẳng và hạ đẳng, tạm xem là trung đẳng. Loại người hạ đẳng vĩnh viễn không bao giờ biết nhận lương!
Tôi vẫn nhớ đến cái ngày bầu trời cao và trong suốt ấy mặt trời tỏa sáng. Bên ngoài xưởng, dương liễu đã trút lá, những cành mềm buông lơi, đứng im lặng sừng sững thành hàng như những anh hùng cách mạng. Thời kỳ thu mua bông đỉnh cao đã qua, cánh đồng bông chỉ còn thân cây với những cành xác xơ cùng những vỏ trái bông năm cánh gắng gượng bám trên cành để chờ hy sinh một cách nhẹ nhàng nhưng bi tráng. Chiếc máy dầu trong xưởng đã bị một thằng nhóc họ Trương phá hỏng, cần phải đại tu, công nhân tạm nghỉ. Chúng tôi chuẩn bị nhận lương rồi về thăm gia đình.
Hai trăm người đang chen lấn nhau trước cửa phòng tài vụ, nữ nhiều nam ít. Các cô gái đều mặc những bồ quần áo đẹp nhất của mình, mặt có điểm chút phấn son, mái tóc có vẩy một chút nước hoa. Tôi không có áo mới để mặc, cũng chẳng có thứ gì để bôi lên mặt. Nhưng tôi chẳng cam tâm vì chuyện mình không đẹp như mọi người bèn ăn trộm kem đánh răng hiệu Bạch ngọc của Lý Chí Cao bôi lên mặt khiến mặt tôi vừa rát vừa ngứa, gió thổi qua là thấy mát rượi. Tôi còn dùng nước nóng gội đầu, rửa cổ rửa tay, dùng một mảnh kính vỡ cạo hàm răng vàng khè, cạo kỹ đến độ lợi tóe máu, chảy ra đầy miệng. Lý Chí Cao trang điểm thật phong độ, mái tóc đen nhánh trên đầu thật phù hợp với đôi giày đánh xi bóng lộn dưới chân, đen như than hầm và bóng đến độ phát sáng. Đương nhiên tôi nhận ra ánh mắt ngưỡng mộ của các cô gái đối với anh ta. Tôn Hồng Hoa cố tình làm duyên trước mặt Lý Chí Cao, thi thoảng lại cười rất khiêu gợi. Kiểu cười của cô ta làm tôi ác cảm, đồng thời lại sản sinh trong lòng những suy nghĩ cực kỳ lưu manh. Tôi nhớ đến những kinh nghiệm của những bà sồn sồn ở quê tôi: Gái cười lẳng, mèo kêu đêm, lừa chép miệng, chó cụp đuôi. Thông qua quan sát, tôi xác nhận đó là chân lý! Thế thì Tôn Hồng Hoa đưa đẩy với đại ca Lý của tôi, chứng tỏ cô ả nhất định có ý đồ gì đó. Chỉ cần Lý Chí Cao cần, cô ta sẵn sàng cởi bỏ tất cả quần áo. Nghĩ đến đó, toàn thân tôi nóng ran lên, như một kẻ phạm tội, tôi len lén nhìn tất cả những người đang đứng xếp hàng cùng với tôi, lo lắng rằng họ đã nhìn thấy những suy nghĩ không hề tốt đẹp ẩn chứa trong lòng tôi, đặc biệt là không thể để cho Phương Bích Ngọc nhìn thấy. Cô ấy đang đứng kia, sắc mặt chẳng biểu lộ một trạng thái tình cảm gì, cũng chẳng nói chuyện với ai, trông cô ấy giống như một loại cây nào đó màu đen.
Phụ trách phát lương chính là lão Sài có gương mặt đầy những nếp nhăn ngang dọc. Từ khi cướp súng rồi nhảy xuống giếng đến giờ, trông lão như già thêm đến mười tuổi. Lão đang rướn chiếc cổ dài ngoằng lên và căn cứ vào danh sách gọi tên từng người.
Cuối cùng thì tên tôi cũng đã được xướng lên. Tôi rẽ đám đông chen vào phòng tài vụ, hồi hộp đến độ chân tay luống cuống. Xưởng trưởng, bí thư cùng với những công nhân chính thức có chức có quyền đều đang ở cả bên trong và đang giương mắt nhìn tôi, tất nhiên là nhìn tất cả công nhân hợp đồng đến nhận lương. Bỗng nhiên lòng tôi trở nên trống vắng, hình như tôi đến đây không phải để nhận những đồng bạc mồ hôi nước mắt của mình mà nhận của bố thí của họ.
Xưởng trưởng nói thật nghiêm khắc:
- Mã Thành Công, nhận được tiền rồi thì hãy cố gắng mà suy nghĩ. Đảng cấp cho cậu số tiền này, cậu phải biểu thị một hành động gì đó để cảm tạ ân tình của Đảng.
- Tôi phấn đấu lao động, cố sống cố chết để khiêng được nhiều sọt bông! - Tôi lí nhí.
Xưởng trưởng và bí thư nhìn nhau. Bí thư gật đầu, nói:
- Phát cho nó đi!
Xưởng trưởng nói với lão Sài:
- Phát cho nó đi!
Lão Sài nói:
- Đến đây, đến đây! Đến trước mặt ấy!
Tôi nhìn cuốn sổ và lầm nhẩm đọc: “Mã Thành Công, thực công: 85 ngày, Ngày công: 1 đồng 3 hào 5 xu; Tổng cộng nhận được: 114 đồng 7 hào 5 xu. Khấu trừ tiền điện nước, tiền ký túc xá: 8 đồng 5 xu. Còn nhận 106 đồng hai hào năm xu”.
Lão Sài đẩy một đống tiền đến trước mặt tôi, nói:
- Trong này có cả tiền nộp cho đội sản xuất, trên nguyên tắc là phải nộp một nửa. Họ đã ghi đủ công lao động và tiền của cậu rồi, còn cụ thể phải nộp bao nhiêu, cậu về mà thương lượng với đội sản xuất.
Tôi ôm chặt mớ tiền trước bụng, rời khỏi phòng tài vụ. Lần đầu tiên cầm được nhiều tiền như vậy, lòng tôi tràn ngập một cảm giác hạnh phúc. Cho dù có nộp cho đội một nửa, vẫn còn hơn năm mươi ba đồng là của tôi. Tôi nghĩ, mình phải đi mua một chiếc áo đại cán ka ki quân phục màu lam, một chiếc quần màu tro, lại còn một đôi giày da không giây đế trắng và một đôi vớ nylon. Cũng nên mua một gói thuốc lá, loại cao cấp một tí, có thể là loại Kim Diệp hoặc Ngọc Diệp, mỗi gói hai hào chín, không nên mua loại Cần Kiệm hoặc Quỳ Hoa nữa vì chúng quá rẻ, mỗi gói chỉ có chín xu. Còn nữa, nên mua một chiếc bàn chải đánh răng, một hộp kem Bạch Ngọc hoặc Phấn Ngoại Hương. Tôi cũng cần phải đánh răng giống như Lý đại ca vậy. Chỉ cần cho một ít kem vào bàn chải là bọt trắng đã đầy miệng, nói chuyện mạnh miệng, biểu lộ phong độ cực kỳ có văn hóa, có địa vị, có thân phận. Đã mua bàn chải và kem thì cũng nên mua một hộp xà phòng thơm màu hồng cao cấp hiệu La Oa, gắn liền với nó là một chiếc khăn bông. Khi rửa mặt nhất định phải dùng khăn bông để lau giống như những vị cán bộ trong phim vậy. Tất cả những chuyện nhỏ ấy hoàn tất, tôi sẽ mua một chiếc xe đạp hiệu Kim Lộc, một chiếc đồng hồ đeo tay mười chín chân kính do Thượng Hải sản xuất với hai dây đeo, một dây bằng sắt mạ và một dây da. Mùa hè dùng dây sắt, mùa đông dùng dây da. Ngày ấy, tôi nhất định trở thành một công nhân chính thức, cưỡi chiếc xe đạp mới toanh, đeo đồng hồ sáng lấp lánh mặc áo đại cán vén ống tay, chiếc áo sơ mi bên trong nhất định phải bỏ vào trong quần không được bỏ xòe bên ngoài như một chiếc dù theo kiểu nông dân. Còn quần, nhất định là phải màu thâm, chất liệu phải là vải nỉ, viền vải phải được may cẩn thận. Nếu không có bàn là thì dùng nước sôi đổ vào trong chai thủy tinh để thay thế. Kiên quyết phải mua cho được đôi giày da bò, nhất định không mua giày da lợn. Da lợn gốc chân lông rất to, đánh không láng. Còn gì nữa nhỉ? Đủ rồi, chẳng cần gì nữa. Lúc ấy, tôi đã có thể tháng tháng nhận lương vào các ngày chủ nhật tuần cuối. À quên, còn một chuyện trọng dại nữa: Phải tìm người yêu! Phương Bích Ngọc! Phương Bích Ngọc còn cần thiết không nhỉ? Không cần! Kiên quyết không cần! Cần phải tìm một cô thật xinh đẹp, lại có văn hóa và nhất là phải đến tháng là nhận lương, ăn cơm nhà nước, lại phải biết hát, nhất là những bài hát trữ tình, chẳng hạn: Nước sông xanh biếc, uốn lượn quanh làng, Kênh mương đầy ắp nước tràn mênh mông... Sau đó là: Giải phóng quân về làng giúp dân gặt lúa tiếng cười ngân vang... Nếu không biết hát thì biết nhảy múa cũng được. Nhạn bay về phương nam như vẫy tay mời gọi tôi bay theo... Lúc ấy, Mã Thành Công - công nhân chính thức, một chàng thanh niên phong lưu anh tuấn cùng nàng tay trong tay, ngẩng cao đầu, ưỡn thẳng ngực, rẽ hoa vén liễu thả bộ men theo con đê đầu làng. Miệng anh ngâm nga những bài thơ Đường, từ Tống, tay cầm quạt phe phẩy cùng sóng đôi với người đẹp đi giữa muôn người, chẳng khác gì lạc đà giữa bầy dê, hạc tiên giữa bầy gà. Những cô gái đang cắm cúi trên những khoảnh ruộng bông ven đê đều thẳng người lên, đứng bần thần nhìn theo, miệng lầm bẩm những câu than thở: Xem người ta kìa, trai tài gái sắc, đẹp như tài tử giai nhân. Đúng là một đôi trời sinh đất dưỡng. Về nhà thái rau, con dao chặt xuống thớt lòng thầm mơ ước: Sinh con sao cho được như Mã Thành Công! Chúng tôi tay trong tay đi vào ruộng bông. Nàng mặc chiếc váy màu đỏ rộng, gió đồng xào xạc thổi qua người, chiếc váy tung bay như lá cờ đỏ dưới ruộng bông, lại vừa giống tiên nữ hạ phàm. Màu trắng tinh khiết của bông càng làm tôn thêm vẻ rực rỡ của chiếc váy đỏ. Da nàng bóng mượt, hai lúm đồng tiền hai bên má sao mà xinh! Tính cách nàng lại càng đáng yêu, nhu mì hiền thục, lễ độ với tất cả mọi người. Cô bà chú bác anh chị em như một đàn ong cũng có thể là một đàn bướm vây lấy nàng vào chính giữa. Một bà lão đưa bàn tay già nua nhăn nheo cầm lấy tay nàng, tán thưởng luôn mồm: Nhìn đôi tay này, trắng khác nào sắn đã bóc vỏ mượt mà, trơn bóng, mềm mại, thơm tho...! Các cô gái làng kéo váy nàng đưa lên trước mặt quan sát, có cô còn úp cả mặt vào chiếc váy. Lúc ấy, tôi nên kéo tay bà lão ra, chào hỏi hàn huyên với thái độ hòa nhã thân thiết khiến bà ta cảm động đến nỗi nước mắt rưng rưng, cứ ngỡ tôi là một cán bộ cao cấp nào trên tỉnh trên huyện về, biết đâu họ lại nghĩ tôi là một minh tinh màn bạc về thăm quê... Cuối cùng thì chúng tôi cũng thoát khỏi vòng vây của những người đàn bà, tựa vào nhau sao mà thân thiết và tin tưởng, kính trọng nhau như gặp khách quý và dắt tay nhau bước lên bờ đê. Trong khi cùng nhau leo lên đê, tốt nhất là đôi tay ngọc ngà của nàng sẽ bị những lá cỏ sắc như dao cắt cho rướm máu, không cần quá sâu mà cũng không nên quá cạn. Sâu quá thì đau, cạn quá thì khó lòng biểu hiện tình cảm. Nàng sẽ xuýt xoa kêu đau, tôi sẽ vội vàng cầm lấy tay nàng đưa lên và áp miệng mình vào vết thương. Cảnh này sao mà cảm động, chắc chắn sẽ làm những người đàn bà kia thèm muốn đến chết mất thôi! Tôi biết họ vẫn tròn mắt đứng nhìn theo chúng tôi từ phía sau, nhưng chúng tôi cố ý chẳng ngoái dầu để họ khỏi phải nghi ngờ là chúng tôi cố tình biểu diễn cho họ xem. Chúng tôi là một đôi tình nhân trời sinh. Những cử chỉ thân thiết của chúng tôi là xuất phát từ trong cốt tủy, từ trong máu thịt của những mối tình chân chính... Tôi đã hút sạch máu nơi vết thương của nàng, rút từ trong túi quần ra một chiếc khăn tay trắng tinh thêu những đóa hoa lăng tiêu đỏ tươi buộc chặt vết thương lại. Rồi, như nâng niu một con chim nhỏ, tay phải tôi đỡ lấy bờ mông mềm mại, tay trái vòng qua ôm lấy chiếc eo lưng thon thả. Đôi vòng tay nàng ôm chặt lấy cổ tôi, vùi khuôn mặt đỏ rực vào lồng ngực tôi... Suối tóc nàng như một dòng thác thuận theo bờ vai tôi đổ xuống hàng ngàn dặm, lại giống như dải lụa vạn trượng dùng để trói chim bằng. Tay phải tôi như đang ôm Thái Sơn, tay trái như đang bảo bọc một đứa hài nhi chân nam đá chân chiêu đi trên triền đê, lửa hạnh phúc bùng cháy dữ dội, thiêu đốt tôi đến độ đầu choáng mắt hoa. Chúng tôi quên hết tất cả, ôm chặt lấy nhau. Tôi lần dò tìm kiếm đôi môi đẹp và thơm ngào ngạt như hoa hồng mới hé... Cứ thế, chúng tôi dựa, níu, kéo, ôm, vỗ... nhau mà bước đi về phía trước. Con đường cách mạng gian nan gập ghềnh hình như không có điểm dừng. Bỗng nhiên, dưới chòm thùy liễu có một bóng người xuất hiện, đen và gầy, trông giống như một cây khô mùa đông. Phương Bích Ngọc cuối cùng cũng đã ra mặt. Nếu Phương Bích Ngọc không xuất đầu lộ diện trong câu chuyện của Mã Thành Công thì nó sẽ trở nên vô vị nhạt thếch chẳng khác nào một đầm nước chết. Lúc ấy, tôi - Mã Thành Công, một thanh niên chính nhân quân tử phải giữ phong độ cao sang và lịch sự từ tốn bước đến gần, chủ động dưa cánh tay đeo chiếc đồng hồ sáng lấp lánh dưới ráng chiều, bên trong là những chiếc kim vàng đang kêu tích tắc. Bàn tay của tôi nhỏ nhắn, bàn tay cô ta sao mà thô ráp xù xì! Da tôi trắng, da cô ấy đen! Nhưng tôi không hề kiêu ngạo vì chuyện ấy. Tôi nắm tay cô ấy, nắm một cách nhẹ nhàng từ tốn rồi cúi đầu thấp một tí, lấy lễ mà đối đãi với cô ấy: Chị Phương Bích Ngọc, chào chị! Nhất định mặt cô ấy sẽ biểu lộ sự hổ thẹn. Tôi giới thiệu nàng với cô ấy: Chị Phương, đây là vợ tôi, tên đi học là Lăng Tiêu Hoa, biệt danh là Bà Sơn Hổ! Sau đó tôi sẽ giới thiệu cô ấy với nàng: Bà Sơn Hổ - Đừng, chỉ nên gọi nàng thật thân thương là Tiểu Bà hoặc Tiểu Hổ thôi - Đây là người bạn thời niên thiếu ở nông thôn của anh, Phương Bích Ngọc! Hai người đàn bà sẽ xử trí như thế nào? Chắc rằng cả hai sẽ nhìn nhau ước lượng, sau đó tất nhiên là Phương Bích Ngọc sẽ tự cảm thấy hổ thẹn, còn Bà Sơn Hổ sẽ hờn ghen e ấp! Phương Bích Ngọc! Bây giờ thì cô hối hận rồi đấy! Tôi đã từng van xin tình yêu của cô, cô lại nhẫn tâm bảo tôi quá bé, cô chê tôi không có đường tiến thân, không có chí khí anh hùng. Bây giờ thì cô nói gì đi chứ! Đương nhiên Mã Thành Công tôi chẳng phải là hạng tiểu nhân đắc chí quên hình, tôi là người được phú quý không bao giờ quên những ngày bần hàn, ngày đêm tôi vẫn trằn trọc trăn trở nhớ về tình cũ nghĩa xưa. Quạ đã về tổ kêu nháo nhác rồi, chúng tôi cũng phải về thôi... Chúng ta ôm nhau lần cuối đi...
- Mã Thành Công!
Tôi nghe có ai đó đang gọi tên mình, đồng thời dập mạnh tay lên vai tôi. Tôi định thần lại, thoát khỏi những ảo giác mới phát hiện ra mình đang ôm một gốc cây liễu xù xì và đang gặm vỏ cây, những dòng nước mắt hạnh phúc vẫn còn đang ròng ròng trên má.
Phương Bích Ngọc đang kinh ngạc đứng nhìn tôi:
- Cậu mất trí rồi phải không?
Xấu hổ đến chết được! Tôi vội vàng chống chế:
- Tôi cố ý làm thế để đùa chị, làm cho chị cười thôi mà!
- Đùa kiểu ấy làm tôi suýt đứng tim, tưởng cậu nhận được mấy đồng đã vui quá hóa điên!
- Nghe chị nói kìa, Mã Thành Công tôi có nhận thêm nhiều nữa cũng chẳng thể hiện quá mức như thế đâu.
- Được rồi, được rồi! Chúng ta cùng về nhà chứ?
- Tôi đứng đây là để chờ chị đấy!
- Đi thôi!
Tôi đá mạnh vào mấy viên đá nằm trên đường, cùng cô ấy đi thẳng.
- Chị Bích Ngọc, mỗi ngày chị được bao nhiêu?
- Một đồng hai hào năm xu. Còn cậu?
- Một đồng ba hào năm xu.
- Cậu khiêng bông, công việc nặng hơn tôi nhiều.
- Kiếm tiền nhiều không cần bỏ sức, bỏ sức nhiều không kiếm được tiền!
- Cậu có biết là con em cán bộ như Tôn Hồng Hoa nhận được bao nhiêu không?
- Không biết.
- Một đồng ba hào!
- Vẫn nhiều hơn chị. Chị là người có tay nghề cao nhất, đúng không?
- Chuyện ấy thì có ăn nhằm gì.
Chúng tôi nhàn nhã rảo bước. Thực ra thì tâm trí tôi chẳng nhàn nhã tí nào, thứ nhất là dư vị ngọt ngào của những ảo cảnh vừa rồi chưa hoàn toàn bị đẩy ra khỏi suy nghĩ, một nửa con người tôi vẫn còn chìm trong men say của hạnh phúc, nói cách khác, tâm trí tôi vẫn còn phiêu diêu trên tận chín tầng mây, nhưng chân tôi thì đang đạp trên mặt đất. Cảm giác hạnh phúc giống như một con chó điên đang đuổi theo tôi mà sủa khiến tôi không thể rứt bỏ cái hình bóng Bà Sơn Hổ do mình tưởng tượng ra để mà nói chuyện một cách thực sự cầu thị với Phương Bích Ngọc. Bà Sơn Hổ lại vừa giống như những tia ráng chiều ở phía chân trời từ từ lụi tàn, cuối cùng chỉ còn lại một đốm sáng màu hồng tồn tại trong ý thức của tôi. Ở một phương diện khác, trong túi áo phía trước bụng tôi lúc này là những đồng nhân dân tệ mà tôi kiếm được trong ba tháng lao động, tôi đang cảm nhận sự tồn tại một cách mãnh liệt của chúng, cảm nhận được áp lực nặng nề của chúng lên lục phủ ngũ tạng, thậm chí lên cả hệ thần kinh của mình. Những đồng bạc này làm cho tinh thần của tôi nặng nề nhưng cơ thể tôi lại nhẹ tênh. Với hai góc độ vừa kể trên đã chứng minh được rằng, trong giai đoạn đồng hành đầu tiên giữa tôi và Phương Bích Ngọc, tôi là một kẻ nhị nguyên luận luôn tồn tại sự phân liệt giữa tinh thần và nhục thể.
Ráng chiều đã nhuộm hồng bầu trời theo những bước chân của chúng tôi. Bà Sơn Hổ đã dung nhập vào ráng chiều, thoát ly hoàn toàn khỏi những ảo tưởng quan hệ vợ chồng với tôi. Những người nông dân từ dưới ruộng lên đang lê những bước chân nặng trình trịch trên con đường đất đỏ. Mặt ai cũng phủ một lớp bụi dày. Khi tôi và Phương Bích Ngọc kề vai họ rảo bước qua, tôi có cảm giác ai cũng nhìn chúng tôi với cặp mắt thù địch. Một cách vô thức, tôi cho tay vào túi áo ép những đồng nhân dân tệ xuống. Chúng vẫn nằm an toàn trong túi áo. Cả cánh đồng hầu như trọc lóc, chỉ còn một vài khoảnh cây bông vẫn chưa kịp nhổ đi. Hai bên đường thi thoảng mới có vài cây cao là còn giữ được những tán lá màu xanh ẩn tàng đầy yêu khí thần bí, bởi trong khi hầu hết các loài cây đều đã trút lá thì duy nhất chỉ còn chúng có lá xanh. Lần về ấy, để lại ấn tượng sâu nhất và khó phai mờ nhất trong tôi là một gã đàn ông có khi nặng đến trên trăm ký lô đang điều khiển một chiếc xe cọc cạch nhỏ với đầu máy dầu mười hai sức ngựa. Cả đang ngồi trên buồng lái trông như một núi thịt, trên những chiếc cọc sắt ở phía sau thùng xe có cắm tám lá cờ đỏ to tướng, trông vừa kỳ quái vừa thần bí. Gã lái xe này chính là bạn học thời tiểu học với tôi. Chiếc xe đang gầm rú, khói đen bay cuồn cuộn, cờ đỏ phất phới, trông sao mà bi tráng! Tôi và Phương Bích Ngọc vẫy tay chào nhưng gã chẳng thèm quan tâm, gương mặt trang trọng phóng vụt qua mắt chúng tôi.
Tôi và Phương Bích Ngọc nhìn nhau cười, bỗng nhiên cả hai đều cảm thấy tinh thần hưng phấn. Như có một luồng điện nối kết, chúng tôi không hẹn mà hô to lên:
- Đuổi theo!
Người đi đường sợ sệt nhìn chiếc xe như thể nó chất đầy lửa, vội vàng tránh sang hai bên đường, có người quýnh quáng vấp ngã dúi dụi. Một con lừa hoảng kinh kéo cả chiếc xe sau đuôi nhảy ào xuống mương nước bên đường, người đàn ông đánh xe văng ra mấy câu chửi, không hiểu là ông ta đang chửi con lừa hay chửi chiếc xe quái quỷ. Hình ảnh này cứ hiện đi hiện lại trong tâm trí tôi như những đoạn phim: một chiếc xe cọc cạch quái quỷ như điên dại chạy phía trước, hai thanh niên một nam một nữ ngốc nghếch đuổi phía sau.
- Đuổi theo! Đuổi theo! Đuổi theo!... Kịp rồi!
Gã mập dừng xe, nhảy xuống, hỏi:
- Hai người đuổi theo tôi làm gì thế? Có việc à?
Tôi nói một cách bất mãn:
- Lái chiếc xe cà tàng này mà bạn học cũ gọi cũng không thèm trả lời, có lẽ khi lái xe Jeep, bố gọi cậu cũng chẳng thèm liếc mắt, đúng không?
- Bạn cũ à, nói nhăng nói cuội gì thế? - Gương mặt tròn vành vạnh như mặt Phật Di Lặc đang cười. - Tớ tập trung tinh thần để lái xe, chẳng dám liếc ngang liếc dọc, làm gì thấy được hai người. Chị Phương Bích Ngọc thấy tôi nói có đúng không?
Phương Bích Ngọc cười hi hi không nói.
- Cậu lái xe đi làm gì vậy? - Tôi hỏi.
- Không làm gì cả! - Gã trả lời rất thành thực.
- Thế cho chúng tôi quá giang về với, được không? Phương Bích Ngọc hỏi.
- Tất nhiên là được! - Gã nói. - Chỉ cần chị Phương mở miệng, đừng nói là đưa về đến nhà mà đưa đến bắc cực tôi cũng chẳng từ!
Đứng dưới đất, gã nắm chiếc vô lăng quay nửa vòng để điếu chỉnh cái đầu xe, nói:
- Lên xe đi!
Rồi gã vọt lên xe, nói to:
- Ngồi cho vững nhé, chạy đây!
Chiếc động cơ mười hai sức ngựa kêu ầm lên, khói đen cuồn cuộn, ngật ngưỡng chạy về phía trước. Tôi hét:
- Chạy nhanh lên tí nữa!
- Cậu đừng có làm ồn nữa, đang chạy chậm hơn so với đạn bay thôi!
:
- Phương Bích Ngọc! Phương Bích Ngọc! Tiểu Phương!
Té ra đó là Lý Chí Cao. Tôi nói:
- Đợi anh ta một tí!
- Cũng như cậu vậy, để anh ta đuổi theo - Lái xe nói.
Lý Chí Cao đã đuổi kịp, thỉ cần nắm lấy thành xe và nhún người là anh ta đã bay lên xe, ngồi bên cạnh Phương Bích Ngọc, thở dốc, nói:
- Chỉ trong chớp mắt mà đã không thấy bóng dáng hai người, tôi tìm khắp nơi, có người nói lại là hai người đã về nhà, chạy ra cổng đứng nhìn theo đã thấy hai người leo lên xe.
- Anh không về nhà à? - Phương Bích Ngọc hỏi.
- Không về! - Lý Chí Cao nói. - Làm cách mạng thì phải xem bốn biển là nhà!
- Tìm tôi có việc gì à? - Phương Bích Ngọc hỏi.
- Cũng chẳng có việc gì - Mặt Lý Chí Cao đỏ lên một tí - Chẳng qua là tôi không có nhà để mà về, muốn tiễn hai người một đoạn đường.
- Võ nghệ Phương Bích Ngọc cao như vậy, tám thằng đàn ông cũng không đến gần chị ấy nổi thì cần gì anh phải  tiễn. - Tôi nói - Lý Chí Cao, anh về đi thôi!
- Để tôi tiễn một đoạn đi - Lý Chí Cao nói - Chiếc xe đầy cờ phướn uy phong thế này, cho tôi ngồi một tí cho đỡ nghiện!
Bóng tối đã dần dần bao trùm không gian, một mảnh trăng lưỡi liềm treo rất thấp ở phía tây nam. Từ phía sau ngọn đèn cao áp trong xưởng gia công nhấp nháy màu xanh lục trông như mắt quỷ. Gã mập bật đèn pha, chỉ có một bóng đèn sáng, một bóng đã hỏng. Rồng một mắt đang phóng những tia sáng trắng xanh soi sáng con đường gập ghềnh.
Chạy một hồi lâu, gã mập đỗ xe bên vệ đường, nói:
- Ba người xuống đi bộ đi, sắp đến làng rồi!
- Cậu mập! Đưa người thì phải đưa đến nhà chớ? Tôi nói.
- Không được, không được. Tôi còn nhiệm vụ phải làm, lỡ việc là không được đâu.
- Xuống thôi - Phương Bích Ngọc nhảy xuống đất, nói - Cậu đi đi, làm mất bao nhiêu thời gian của cậu thật không nên.
Lý Chí Cao cũng nhảy xuống xe. Phương Bích Ngọc nói:
- Anh đừng xuống, cứ nhờ xe mà quay về!
- Không, không! - Lý Chí Cao nói - Tôi tự nguyện đi bộ quay lại.
Gã mập quay đầu xe, tăng ga vọt đi. Phương Bích Ngọc nói:
- Anh Lý! Quay về đi. Chúng tôi về làng rồi, chẳng có cách nào quan tâm đến anh được đâu.
- Không sao! Tôi đã từng thám thính địa hình làng, đầu làng có một đống rơm lúa mạch. Tiễn hai người về đến làng, tôi sẽ chui vào đống rơm khoét một lỗ ngủ qua đêm. Sáng mai hai người trở lại xưởng, đến đó kêu tôi một tiếng, chúng ta cùng quay về.
- Đúng là anh đã mắc bệnh thần kinh! - Phương Bích Ngọc nói.
- Tôi là thằng thích mạo hiểm, thích làm những việc mà người khác không thể làm được - Anh ta nói.
Phương Bích Ngọc không nói thêm gì nữa.
Đến đầu làng, quả nhiên Lý Chí Cao chui vào đống rơm. Phương Bích Ngọc đứng bên cạnh đống rơm muốn nói gì đó nhưng cuối cùng thì lặng thinh. Ánh sao mập mờ, tất cả trở nên mơ hồ nhập nhoạng, không thể trông thấy gương mặt Phương Bích Ngọc lúc ấy như thế nào.
 
Sau đó, lúc nào tôi cũng nghĩ rằng, nếu Lý Chí Cao không dũng cảm chui vào đống rơm ngủ qua đêm tất nhiên sẽ không có câu chuyện lãng mạn tiếp diễn ngay sau đó. Tôi còn tưởng tượng ra rằng, khi sự tình đã phát triển đến giai đoạn cao trào, Phương Bích Ngọc đã đấm thùm thụp vào ngực Lý Chí Cao, vừa bi thương vừa phẫn nộ nói: Tại sao? Tại sao anh lại ngủ qua đêm ở đống rơm? Đến nước này, anh lại yếu mềm như thế, như một con ba ba sợ sệt, rụt đầu rụt cổ trốn vào trong chiếc mai của mình?
.
 
 
“Rất nhiều câu chuyện ái tình thắm thiết lãng mạn đều chứng minh và tuyên bố một cách đau xót rằng: Lửa ái tình của đàn bà một ngày nào đó bốc cháy thì khó lòng dập tắt; còn đàn ông, trong thời điểm then chốt nhất thì giống như một con ba ba bị người ta làm cho sợ hãi, rụt đầu rụt cổ trốn vào trong chiếc mai của mình". Mười tám năm sau, tôi nốc một cốc rượu thật đầy và nói như vậy với người đối ẩm với mình - Lý Chí Cao.
Chân tóc trên đầu Lý Chí Cao tất cả đều có màu vàng, thoạt nhìn là biết ngay chúng đã được nhuộm đi nhuộm lại rất nhiều lần. Anh ta đã là một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, là phó xưởng trưởng xưởng chế biến dầu bông của huyện. Anh ta cũng nốc một ngụm rượu, dùng đũa gắp một cọng rau màu xanh lục cho vào miệng, gương mặt thiểu não nói:
- Sống cho đến giờ, tôi chỉ tin vào số mệnh, ngoài ra không còn tin vào bất cứ điều gì khác.
Tôi đang chuẩn bị phản bác những lời của anh ta thì đứa con gái mười tám tuổi của anh ta - Lý Miên Hoa mặc một bộ quần áo thật rực rỡ bước đến. Cô gái này giống Tôn Hồng Hoa như tạc. Lý Miên Hoa lí nhí nói với Lý Chí Cao:
- Bố ơi, con muốn đổi tên!
- Tại sao? - Lý Chí Cao hỏi.
- Bố đặt cho con cái tên chẳng ra gì, xấu xí, quê mùa. Bọn bạn của con cứ cười nhạo mãi.
- Bố làm quen với mẹ con ngay trong xưởng gia công bông, kết hôn rồi sinh con, do vậy mới gọi con là Miên Hoa - Lý Chí Cao nói.
Cô gái phản đối:
- Gặp nhau trong xưởng bông thì gọi Miên Hoa, nếu gặp nhau trong xưởng sản xuất phân hóa học thì gọi là Hóa Phì, trong xưởng sản xuất cao su thì gọi Tương Giao có đúng không?
Lý Chí Cao cười đau khổ:
- Nói càn nói quấy. Thế con định đổi thành tên gì?
- Con định đổi thành Lý Khẩu Bách Huệ Tử!
- Tùy ý con, - Lý Chí Cao nói. - Con có đổi thành Sơn Bản Ngũ Thập Lục bố cũng chẳng quan tâm.