CHƯƠNG 22
69

    
oddard rảo chân băng qua hành lang tới Trung tâm Chỉ thị Điều hành, và tôi vất vả mới bắt kịp ông mà không phải chạy. Trời, già rồi mà đi nhanh vậy, như con rùa dùng thuốc kích thích methamphetamine ấy. “Cuộc họp chết tiệt này rồi sẽ thành rạp xiếc đây,” ông lẩm bẩm. “Tôi triệu tập đội Guru tới để cập nhật trạng thái ngay khi tôi nghe tin họ sắp để lỡ ngày giao hàng Giáng sinh. Họ biết tôi đang tức phát điên lên rồi, và họ sẽ xoay tròn như đoàn kịch ba lê Nga múa vở ‘Điệu nhảy của nàng tiên Kẹo Bi’. Anh sắp thấy một mặt không hấp dẫn lắm của tôi đấy.”
  Tôi không nói gì - tôi nói được gì đây? Tôi đã thấy lúc ông giận dữ, và chúng thậm chí không so sánh nổi với những gì tôi thấy ở duy nhất một vị Tổng Giám đốc Điều hành khác mà tôi từng gặp. Cạnh Nick Wyatt, ông là Ngài Rogers hòa nhã. Và thực ra tôi vẫn còn run rẩy, cảm động vì cảnh thân mật nhỏ bé kia trong phòng làm việc ở ngôi nhà ven hồ - tôi chưa bao giờ tận mắt thấy người khác mở lòng mình đến thế. Cho tới giây phút đó, một phần trong tôi vẫn thấy vướng mắc chuyện tại sao Goddard lại chọn tôi, tại sao ông lại chú ý tôi. Giờ tôi hiểu rồi, và nó khiến thế giới của tôi rung chuyển. Tôi không còn chỉ muốn gây ấn tượng với ông, tôi muốn được ông tán thành, có thể điều gì đó còn sâu sắc hơn nữa.
  Tại sao, tôi đau khổ nghĩ, tại sao Goddard phải đảo rối tung mọi chuyện khi làm một người tử tế như vậy? Không phức tạp thế này thì làm cho Nick Wyatt cũng đủ khổ ải với tôi lắm rồi. Giờ tôi đang chống lại người bố tôi chưa bao giờ có, và nó đang làm loạn đầu tôi.
  “Trụ cột của Guru là một phụ nữ trẻ rất thông minh tên là Audrey Bethune, một người thực sự có triển vọng,” Goddard lẩm bẩm. “Nhưng tai họa này có thể khiến sự nghiệp của con bé trật đường ray. Tôi thật không có kiên nhẫn với sai sót ở quy mô như thế này.” Khi chúng tôi tiến đến phòng, ông đi chậm lại. “Giờ, nếu anh có ý kiến, đừng ngại lên tiếng. Nhưng hãy cẩn thận - đây là một nhóm chức cao và có chính kiến, và họ sẽ không tôn trọng anh chỉ vì tôi vứt anh vào cuộc chơi đâu.”
  Đội Guru tụ tập quanh bàn họp lớn, chờ đợi căng thẳng. Họ ngước lên khi chúng tôi bước vào. Một vài người cười và nói, “Chào Jock,” hoặc “Chào ông Goddard.” Họ trông giống như những con thỏ sợ hãi. Tôi nhớ chuyện mình đã ngồi ở bàn này cách đây không lâu. Có vài ánh mắt liếc tôi dò hỏi, vài lời thì thầm. Goddard ngồi xuống ở đầu bàn. Gần ông là một phụ nữ da đen ở tầm tuổi ba mươi, cùng người tôi thấy nói chuyện với Tom Lundgren và vợ hắn ở bữa tiệc ngoài trời, ông vỗ vào bên cạnh bàn để bảo tôi ngồi xuống cạnh mình. Điện thoại di động của tôi đã rung trong túi suốt mười phút nay rồi, nên tôi lén lấy nó ra và liếc mã của người gọi. Một loạt cuộc gọi từ một số tôi không nhận ra. Tôi tắt điện thoại đi.
  “Chào các bạn,” Goddard nói. “Đây là trợ lý của tôi, anh Adam Cassidy.” Một vài nụ cười lịch sự, rồi tôi thấy một trong số các khuôn mặt đó thuộc về bà bạn cũ Nora Sommers. Chó chết, mụ cũng ở trong đội Guru? Mụ mặc bộ vét sọc đen trắng và tô son trát phấn. Mụ đón ánh mắt tôi và tươi cười rạng rỡ như thể tôi là đứa bạn thời thơ ấu xa cách lâu ngày. Tôi lịch sự cười đáp lại, tận hưởng khoảnh khắc đó.
  Audrey Bethune, quản lý chương trình, mặc bộ vét hải quân đẹp đẽ, áo cánh trắng và hoa tai núm nhỏ bằng vàng. Chị có làn da sẫm màu, tóc bồng xịt gôm và ôm mặt. Tôi đã tìm hiểu nhanh về tiểu sử của chị và biết chị xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp trung thượng lưu. Bố chị là bác sĩ, cũng như ông chị, và mỗi mùa hè, chị lại ở khu nhà của gia đình ở thị trấn Oak Bluffs trên đảo Vườn nho của Martha. Chị cười với tôi, để lộ khoảng trống nhỏ giữa răng trước. Chị với tay ra sau lưng Goddard để bắt tay tôi. Lòng bàn tay chị khô và mát. Tôi thấy ấn tượng với chị. Sự nghiệp của chị đang bấp bênh.
  Guru - dự án có mã SÓNG THẦN - là máy trợ giúp số cầm tay siêu nạp, công nghệ tuyệt đỉnh và thiết bị hội tụ duy nhất của Trion. Nó vừa là PDA, vừa là máy liên lạc, vừa là điện thoại di động. Nó có sức mạnh của máy tính cá nhân trong một khối hai trăm ba mươi gam. Nó gửi được thư, tin nhắn tức thời, dùng được bảng biểu, có trình duyệt Internet hỗ trợ đầy đủ HTML và màn hình màu ma trận động TFT tuyệt vời.
  Goddard hắng giọng. “Vậy tôi hiểu là chúng ta có một chút thử thách,” ông nói.
  “Đó là một cách nói, Jock,” Audrey nói trôi chảy. “Ngày hôm qua chúng tôi vừa nhận được kết quả kiểm tra nội bộ, cho thấy chúng ta có một thành phần bị lỗi. Màn hình tinh thể lỏng hoàn toàn hỏng.”
  “À há,” Goddard nói với vẻ bình tĩnh tôi biết phải gượng ép. “Tinh thể lỏng không tốt, vậy hả?”
  Audrey lắc đầu. “Rõ rành rành là hệ điều hành tinh thể lỏng bị lỗi.”
  “Từng cái một?” Goddard hỏi.
  “Đúng vậy.”
  “Một phần tư triệu thành phẩm có hệ điều hành tinh thể lỏng lỗi,” Goddard nói. “Tôi hiểu rồi. Ngày giao hàng vào - bao giờ nhỉ? - ba tuần. Hừm. Giờ như tôi nhớ - và cứ chỉnh lại nếu tôi nhầm - kế hoạch của các anh chị là giao chúng trước khi kết thũc quý, nhờ đó góp vào doanh thu của quý ba và cho chúng ta trọn vẹn mười ba tuần của quý Giáng sinh để thu gom khoản doanh thu rất cần thiết.”
  Chị gật đầu.
  “Audrey, tôi nghĩ chúng ta đều đồng ý rằng Guru là bậc thầy vĩ đại của đơn vị này. Và như chúng ta đều biết, Trion đang trải qua một số khó khăn trên thị trường. Cũng có nghĩa là việc giao hàng Guru đúng kế hoạch càng trở nên tối quan trọng.” Tôi thấy Goddard nói thận trọng quá mức, và tôi biết ông đang cố kìm nén sự khó chịu cực kỳ.
  Giám đốc tiếp thị, Rick Durant trông bóng mượt, buồn rầu đế vào, “Thật là một khó khăn lớn. Chúng tôi đã thực hiện chiến dịch tiếp thị mở, đặt quảng cáo ở khắp nơi rồi. ‘Máy trợ giúp số cho thế hệ tiếp theo.’” Hắn đảo mắt.
  “Ờ phải,” Goddard lẩm bẩm. “Và có vẻ nó sẽ không được giao hàng cho tới thế hệ tiếp theo.” Ông quay sang kỹ sư chính, Eddie Cabral, mặt tròn, ngăm đen, đầu mái bằng kiểu lỗi thời. “Có vấn đề với bề mặt à?”
  “Giá như vậy,” Cabral trả lời. “Không, cả con vi mạch chết tiệt đó sẽ phải làm lại, thưa Tổng Giám đốc.”
  “Nhà sản xuất theo hợp đồng nằm ở Malaysia?” Goddard hỏi.
  “Chúng ta luôn may mắn với họ,” Cabral nói. “Dung sai và chất lượng luôn khá tốt. Nhưng đây là vi mạch tích hợp chuyên dụng phức tạp. Nó phải dùng màn hình tinh thể lỏng độc quyền của Trion chúng ta, và bánh ra lò không được ngon cho lắm...”
  “Vậy thay thế màn hình LCD thì sao?” Goddard cắt lời.
  “Không, Tổng Giám đốc,” Cabral nói. “Không làm được nếu không chế tạo lại toàn bộ, dễ phải mất thêm tới sáu tháng.”
  Tôi đột ngột ngồi dậy. Những biệt ngữ bật ra trước tôi. Vi mạch tích hợp chuyên dụng... màn hình LCD độc quyền của Trion...
  “Đó là bản tính của vi mạch tích hợp chuyên dụng,” Goddard nói. “Luôn có bánh bị cháy. Hiệu suất như thế nào, được bốn mươi, năm mươi phần trăm không?”
  Cabral khổ sở. “Không phần trăm. Một lỗi hệ thống dây chuyền.”
  Goddard mím chặt miệng, ông như thể sắp phát khùng. “Sẽ mất bao lâu để làm lại vi mạch tích hợp chuyên dụng?”
  Cabral ngập ngừng. “Ba tháng. Nếu chúng ta may mắn.”
  “Nếu chúng ta may mắn.” Goddard lặp lại. “Phải, nếu chúng ta may mắn.” Giọng ông to dần lên. “Ba tháng đẩy ngày giao hàng về tháng Mười hai. Không được chút nào, phải không?”
  “Không, Tổng Giám đốc,” Carbal đáp.
  Tôi gõ vào cánh tay Goddard, nhưng ông lờ tôi đi. “Mexico không sản xuất được cho chúng ta nhanh hơn à?”
  Trưởng nhóm sản xuất, người phụ nữ tên Kathy Gornick nói. “Có lẽ nhanh hơn một hai tuần, cũng không giúp được chúng ta bao nhiêu. Và rồi chất lượng tốt nhất cũng chỉ là dưới mức tiêu chuẩn.”
  “Đúng là mớ bòng bong chết tiệt,” Goddard nói. Trước giờ tôi chưa bao giờ nghe ông chửi thề.
  Tôi cầm tờ đặc tả sản phẩm lên, rồi lại vỗ vào cánh tay Goddard. “Tôi xin ra ngoài một chút nhé?”
  Tôi lao ra khỏi phòng, bước vào khu giải lao, mở điện thoại ra.
  Noah Mordden không ngồi ở bàn nên tôi thử số di động, và gã trả lời ngay hồi chuông đầu tiên: “Sao thế?”
  “Là tôi Adam đây.”
  “Anh trả lời điện thoại rồi mà?”
  “Anh nhớ con búp bê xấu xí trong phòng anh chứ? Con nói được ‘Ăn quần tao đi, Goddard’ ấy?”
  “Lucille Hãy Yêu Em. Không cho cậu đâu. Tự đi mà mua lấy.”
  “Có phải nó có màn hình tinh thể lỏng trong bụng không?”
  “Cậu định làm gì thế, Cassidy?”
  “Nghe này, tôi muốn hỏi anh về hệ điều hành tinh thể lỏng. Vi mạch tích hợp chuyên dụng.”
   
  Vài phút sau, khi tôi về phòng họp, trưởng nhóm kỹ sư và trưởng nhóm sản xuất đang tranh cãi kịch liệt về việc liệu một màn hình tinh thể lỏng khác có thể nhét được vào vỏ Guru nhỏ nhắn không. Tôi yên lặng ngồi lại và đợi cuộc tranh luận lắng xuống. Cuối cùng tôi có cơ hội.
  “Xin lỗi,” tôi nói, nhưng không ai để ý.
  “Ông thấy đấy,” Eddie Cabral nói. “Đây chính là lý do tại sao chúng ta phải hoãn đợt xuất xưởng lại.”
  “Chúng ta không đủ tiền cho việc lỡ đợt xuất xưởng của Guru,” Goddard bật lại.
  Tôi hắng giọng. “Xin cho tôi một giây.”
  “Adam,” Goddard nói.
  “Tôi biết chuyện này nghe có vẻ điên rồ,” tôi nói, “nhưng còn nhớ con búp bê rô bốt Lucille Hãy Yêu Em không?”
  “Chúng ta đang làm gì thế này,” Rick Durant càu nhàu, “đi bơi ở Hồ Hỏng Chuyện à? Đừng nhắc tới nó nữa. Chúng ta giao hàng nửa triệu con búp bê xấu xí đó và bị trả lại hết.”
  “Đúng vậy,” tôi nói. “Vì thế mà ta có ba trăm nghìn vi mạch tích hợp chuyên dụng, màn hình LCD tinh thể lỏng độc quyền của Trion, nằm trong nhà kho tại Van Nuys.”
  Vài tiếng khúc khích, có cả tiếng hô hố bật ra rõ ràng. Một kỹ sư nói với người khác, đủ to để mọi người đều nghe được. “Anh ta biết gì về đầu nối không vậy?”
  Người khác nói, “Thật khôi hài.”
  Nora nhìn tôi, nhăn mặt thông cảm giả tạo, và nhún vai.
  Eddie Cabral nói. “Giá mà dễ như thế, ừm, Adam. Nhưng vi mạch tích hợp chuyên dụng không thay thế nhau được. Chúng phải tương thích đầu nối.”
  Tôi gật đầu. “Vi mạch tích hợp chuyên dụng của Lucille dùng mảng đầu nối SOLC-68. Không phải cùng mảng nối với Guru sao?”
  Goddard trân trối nhìn tôi.
  Chung quanh chỉ có những nhịp im lặng và tiếng lật giấy sột soạt.
  “Đầu nối SOLC-68,” một kỹ sư nói. “Phải, dùng được đó.”
  Goddard nhìn quanh phòng, rồi vỗ bàn. “Vậy thì được rồi,” ông nói. “Chúng ta còn đợi gì nữa?”
  Nora tươi cười ướt át với tôi và giơ ngón tay cái lên.
  Trên đường về văn phòng, tôi lại lấy điện thoại di động ra. Năm tin nhắn, tất cả đều từ cùng một số, và một được ghi “Riêng tư”. Tôi bật thư thoại lên và nghe thấy tiếng Meacham, cái giọng xun xoe không lẫn đi đâu được. “Arthur đây. Tôi không nghe được tin gì từ anh trong ba ngày qua. Không chấp nhận được. Gửi thư cho tôi ngay trưa nay nếu không sẽ đón nhận hậu quả.”
  Tôi giật mình. Chuyện hắn gọi tôi, đó là việc mạo hiểm sự an toàn dù cuộc gọi được định tuyến như thế nào đi nữa, đủ cho thấy hắn nghiêm túc ra sao.
  Hắn nói đúng: tôi không giữ liên lạc. Nhưng tôi không định bắt lại liên lạc. Xin lỗi nhé, anh bạn.
  Tin tiếp theo từ Antwoine, giọng cao và căng thẳng. “Adam, anh phải đến bệnh viện ngay,” anh nói trong tin đầu tiên. Tin thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm - tất cả đều của Antwoine. Giọng anh càng lúc càng cấp bách.
  “Adam, anh ở chỗ quái quỷ nào vậy? Thôi nào, trời ạ. Đến đây ngay bây giờ đi.”
  Tôi qua văn phòng của Goddard - ông vẫn còn nói chuyện phiếm với vài người trong đội Guru - và bảo Flo, “Chị bảo giùm Jock tôi có việc khẩn cấp nhé? Việc của bố tôi.”

70
Tôi đã biết chuyện gì xảy ra ngay từ trước khi tới đó, dĩ nhiên, nhưng tôi vẫn lái xe như phát điên. Từng cột đèn đỏ, từng xe rẽ trái, từng biển hiệu hai-mươi-dặm-một-giờ-vào- năm-học - mọi thứ hùn vào trì hoãn tôi, không cho tôi đến bệnh viện gặp bố trước khi ông mất.
  Tôi đỗ sai chỗ vì tôi không có thời gian đi quanh bãi đỗ xe bệnh viện để tìm chỗ trống, rồi chạy vào cửa phòng cấp cứu, thúc toang cửa theo cách mà kỹ thuật viên y tế khẩn cấp làm khi đẩy cáng chở bệnh nhân, và lao tới bàn tiếp phòng cấp cứu. Người trực bàn mặt mày sưng sỉa đang nói chuyện điện thoại, vừa nói vừa cười, rõ ràng là cuộc gọi cá nhân.
  “Frank Cassidy?” tôi hỏi.
  Cô ta nhìn tôi và tiếp tục tán gẫu.
  “Francis Cassidy!” tôi hét lên. “Ông ấy đâu?”
  Cô ta bực bội đặt điện thoại xuống và liếc vào màn hình máy tính. “Phòng ba.”
  Tôi lao qua khu vực đợi, kéo cánh cửa nặng nề vào phòng bệnh và thấy Antwoine ngồi trên ghế cạnh tấm màn xanh. Khi anh nhìn thấy tôi, anh chỉ ngây ra, không nói gì, và tôi thấy được mắt anh đỏ ngầu. Rồi anh lắc đầu chậm khi tôi tới gần và nói, “Tôi rất tiếc, Adam.”
  Tôi giật màn ra và thấy bố đang ngồi trên giường, mắt mở, và tôi nghĩ, Anh thấy không, anh nhầm rồi, Antwoine, ông ấy vẫn còn ở với chúng ta, ông già quái gở, cho tới khi tôi nhận ra da mặt ông màu rất lạ, hơi màu vàng sáp, và miệng ông mở, một điều kinh khủng. Không biết vì sao tôi trân trối nhìn nó; miệng ông mở theo cách không bao giờ xảy ra khi người ta còn sống, cứng lại trong một hơi thở hổn hển đau đớn, hơi thở tuyệt vọng cuối cùng, giận dữ, gần như hầm hè.
  “Ôi, không,” tôi rên lên.
  Antwoine đứng phía sau đặt tay lên vai tôi. “Họ thông báo mười phút trước.”
  Tôi chạm vào mặt bố, gò má man mát trắng bợt. Không lạnh buốt, không ấm áp. Mát hơn vài độ so với thông thường, nhiệt độ bạn không bao giờ cảm nhận được ở người sống. Làn da như đất sét nặn, không sinh khí.
  Hơi thở như rời bỏ tôi. Tôi không thở nổi; tôi cảm thấy như ở trong chân không. Ánh sáng như lung linh. Đột nhiên tôi òa lên. “Bố ơi. Không.”
  Tôi trân trối nhìn bố qua đôi mắt nhòa đẫm nước mắt, chạm vào trán ông, má ông, chỗ da thô ráp đỏ ửng trên mũi với lông đen nhỏ trồi ra khỏi lỗ chân lông, rồi tôi cúi xuống hôn lên gương mặt giận dữ của ông. Nhiều năm trời tôi đã hôn trán hay bên mặt bố, dù ông hiếm khi đáp lại, nhưng tôi luôn chắc chắn mình có thấy chút hài lòng bí mật thoáng qua trong mắt ông. Dĩ nhiên giờ ông thực sự không đáp lại được nữa rồi, điều đó khiến tôi chết lặng.
  “Tôi muốn anh có cơ hội tạm biệt ông ấy,” Antwoine nói. Tôi nghe thấy giọng anh, cảm thấy nó run lên, nhưng không thể quay lại nhìn. “Ông lại suy hô hấp, và lần này tôi thậm chí còn không lãng phí thời gian tranh cãi với ông, tôi gọi cấp cứu ngay, ông hổn hển dữ lắm. Họ bảo ông bị viêm phế quản, và có lẽ đã được một thời gian. Họ cứ tranh cãi mãi có nên đặt ống cho ông không, nhưng họ không có cơ hội làm thế. Tôi cứ gọi, gọi mãi cho anh.”
  “Tôi biết.”
  “Có một ít thời gian... Tôi muốn anh được tạm biệt ông.”
  “Tôi biết. Không sao đâu.” Tôi nuốt nước bọt. Tôi không muốn nhìn Antwoine, không muốn thấy mặt anh, bởi nghe giống như anh đang khóc, mà tôi thì không chịu nổi điều đó. Và tôi không muốn anh thấy tôi khóc, dù tôi biết thế là ngu ngốc. Ý tôi là nếu bạn không khóc khi bố mình mất, thì bạn bị làm sao đó rồi. “Ông có... nói gì không?”
  “Phần lớn là chửi thề.”
  “Ý tôi là ông có...”
  “Không,” Antwoine nói chậm chạp. “Ông ấy không hỏi anh. Nhưng anh biết đấy, không hẳn là ông có nói gì cả, ông...”
  “Tôi biết rồi.” Tôi muốn anh ấy đừng nói nữa.
  “Hầu như ông chỉ chửi mắng bác sĩ, và tôi...”
  “Được rồi,” tôi nói, nhìn mặt bố. “Tôi không thấy ngạc nhiên.” Trán ông cứng lại đầy nhăn nhúm, cau có giận dữ. Tôi với lên và chạm vào những nếp nhăn, cố vuốt chúng mềm ra nhưng không thể. “Bố,” tôi nói. “Con xin lỗi.”
  Tôi không biết mình có ý gì khi nói như thế. Tôi xin lỗi điều gì? Đã đến lúc ông phải ra đi, và ông mất còn tốt hơn sống trong đau đớn triền miên.
  Màn bên kia giường được kéo lại. Một người da ngăm đen mặc áo xanh y tế đeo ống nghe xuất hiện. Tôi nhận ra anh ta là bác sĩ Patel đã gặp lần trước.
  “Adam,” anh nói. “Tôi rất tiếc.” Anh ấy có vẻ thật lòng thương tiếc.
  Tôi gật đầu.
  “Ông ấy bị viêm phế quản nặng,” bác sĩ Patel nói. “Chắc đã ủ bệnh được một thời gian, dù trong lần nhập viện trước, lượng bạch cầu trong máu không chỉ ra điều gì bất thường.”
  “Được rồi,” tôi nói.
  “Trong tình trạng của mình, bệnh quá sức ông ấy. Cuối cùng, ông bị nhồi máu cơ tim, thậm chí trước khi chúng tôi kịp quyết định có nên luồn ống vào khí quản cho ông không. Cơ thể ông không chịu nổi căn bệnh.”
  Tôi lại gật đầu. Tôi không muốn biết chi tiết; để làm gì cơ chứ?
  “Như thế cũng là tốt nhất, ông có thể phải thở máy hàng tháng trời. Chắc anh cũng không muốn thấy cảnh như vậy.”
  “Tôi hiểu. Cảm ơn. Tôi biết các anh đã làm tất cả những gì có thể.”
  “Chỉ có - chỉ có mình ông ấy, đúng không? Anh chỉ còn mình ông à? Anh không có anh chị em gì?”
  “Đúng vậy.”
  “Hai người hẳn rất thân thiết.”
  Thật sao? Tôi nghĩ. Và anh biết thế... nhờ? Đó là ý kiến chuyên môn y khoa chăng? Nhưng tôi chỉ gật đầu.
  “Adam, anh có muốn chúng tôi gọi tới nhà tang lễ nào không?”
  Tôi cố nhớ tên nhà tang lễ khi mẹ mất. Một vài giây sau tôi nhớ ra.
  “Cứ cho chúng tôi biết nếu chúng tôi giúp gì được anh,” bác sĩ Patel nói.
  Tôi nhìn cơ thể bố, hai nắm tay siết chặt, vẻ mặt tức tối, đôi mắt tròn trân trối, miệng mở to. Rồi tôi ngước lên bác sĩ Patel và bảo. “Anh xem anh giúp ông nhắm mắt lại được không?”

71
Khoảng một tiếng sau, người ở nhà tang lễ đến và đưa bố vào túi đựng thi thể, rồi đưa ông đi bằng cáng. Họ gồm hai người dễ chịu, chắc nịch, tóc cắt ngắn, và cả hai đều nói, “Tôi xin chia buồn với anh.” Tôi lấy di động gọi giám đốc nhà tang lễ, và lặng lẽ bàn về những chuyện tiếp theo. Ông ta cũng nói, “Tôi xin chia buồn với anh.” Ông muốn biết liệu có họ hàng lớn tuổi nào từ xa đến không, tôi muốn tang lễ cử hành vào khi nào, liệu bố tôi có đi lễ tại một nhà thờ nào không, phỏng như tôi muốn đám tang diễn ra ở đó. Ông hỏi gia đình đã có điểm chôn cất chưa. Tôi nói cho giám đốc nhà tang lễ nơi mẹ tôi an táng, và tôi đoán chắc bố đã mua hai vị trí, một cho mẹ và một cho ông. Giám đốc nhà tang lễ bảo sẽ liên hệ với nghĩa trang, ông muốn biết khi nào tôi tới để hoàn tất sắp xếp.
  Tôi ngồi xuống khu đợi cấp cứu và gọi tới văn phòng. Jocelyn đã biết bố tôi phải cấp cứu gì đó, và chị bảo, “Bố anh thế nào rồi?”
  “Ông vừa qua đời,” tôi nói. Đó là cách bố tôi vẫn nói: người ta “qua đời”, họ không chết.
  “Ôi,” Jocelyn kêu lên. “Adam, tôi rất tiếc.”
  Tôi bảo chị hủy lịch hẹn cho vài ngày tới, rồi yêu cầu chuyển máy tới Goddard. Flo cầm máy và nói, “Chào anh. Sếp ra khỏi văn phòng rồi - tối nay ông sắp bay sang Tokyo.” Rồi hạ giọng, chị hỏi, “Bố anh thế nào rồi?”
  “Ông vừa qua đời,” tôi nói nhanh. “Hiển nhiên tôi phải nghỉ làm vài ngày, và tôi muốn chị chuyển dùm lời xin lỗi trước cho Jock...”
  “Dĩ nhiên,” chị nói. “Dĩ nhiên. Xin chia buồn. Tôi chắc sếp sẽ hỏi trước khi lên máy bay, nhưng tôi biết sếp sẽ thông cảm thôi, đừng lo nhé.”
  Antwoine tới khu đợi, trông lạc lõng, mất phương hướng. “Giờ anh muốn tôi làm gì?” anh nhẹ nhàng hỏi.
  “Không làm gì cả, Antwoine ạ.”
  Anh ngập ngừng, “Anh muốn tôi dọn đồ đi không?”
  “Không, thôi nào. Anh từ từ cũng được.”
  “Chỉ là chuyện này đột ngột quá, và tôi không có chỗ nào khác...”
  “Cứ ở căn hộ đó bao lâu cũng được,” tôi nói.
  Anh đổi chân trụ. “Mà ông có nhắc tới anh,” anh bảo.
  “Ờ, chắc chắn rồi,” tôi nói. Anh rõ ràng thấy áy náy vì bảo tôi rằng cuối cùng bố không tìm tôi. “Tôi biết vậy.”
  Một tiếng cười nhẹ, dịu dàng. “Không phải lúc nào cũng tích cực, nhưng tôi nghĩ đó là cách ông bày tỏ tình thương của mình, anh biết mà?”
  “Tôi biết.”
  “Cha anh đúng là một lão già kiên cường đấy.”
  “Phải.”
  “Chúng tôi mất một ít thời gian để mọi chuyện suôn sẻ.”
  “Ông cũng quá đáng với anh.”
  “Chỉ là tính ông như vậy, anh biết mà. Tôi không để bụng.”
  “Anh chăm sóc ông,” tôi nói. “Với ông điều đó rất có ý nghĩa dù ông không thể nói ra.”
  “Tôi biết, tôi biết. Đến cuối cùng thì đại thể là giữa chúng tôi cũng có được một mối quan hệ.”
  “Ông quý anh.”
  “Chuyện đó thì tôi không biết đúng không, nhưng chúng tôi đã có một mối thân tình.”
  “Không, tôi nghĩ ông quý anh. Tôi biết vậy.”
  Anh ngừng lời. “Ông là một người tốt.”
  Tôi không biết phải đáp lại như thế nào. Cuối cùng tôi cất lời, “Anh thực sự rất tốt với ông, Antwoine,” cuối cùng tôi nói. “Tôi biết điều đó có ý nghĩa với ông rất nhiều.”
   
  Thật buồn cười: sau lần đầu tiên bật khóc bên giường bệnh của bố, trong tôi có cái gì đó đóng lại. Tôi không khóc nữa, trong một thời gian dài. Tôi cảm thấy như một cánh tay tê dại, đờ đẫn, đau như kim châm sau khi bị nằm đè lên cả đêm.
  Trên đường lái xe tới nhà tang lễ, tôi gọi Alana vào máy công ty, và nhận được thư thoại, nhắn rằng em “không ở nơi làm” nhưng sẽ thường xuyên kiểm tra tin nhắn. Tôi nhớ em tới Palo Alto. Tôi gọi số di động, và em trả lời ngay hồi chuông đầu tiên.
  “Alana đây.” Tôi yêu giọng em: nó nhẹ nhàng êm dịu, thoáng chút khàn khàn.
  “Adam đây.”
  “À, đồ khốn.”
  “Anh làm gì chứ?”
  “Không phải anh nên gọi cho con gái buổi sáng sau khi ngủ với cô ta hay sao, làm cô ta đỡ thấy tội lỗi vì đã lả lơi?”
  “Chúa ơi, Alana, anh...”
  “Có người còn gửi cả hoa,” em nói tiếp, lời lẽ đâu ra đấy. “Không phải em từng trải qua chuyện đó, nhưng em đọc được như thế trong tờ Cosmo.”
  Dĩ nhiên em đúng: Tôi chưa gọi cho em, hoàn toàn khiếm nhã. Nhưng tôi phải nói gì với em, sự thật? Rằng tôi không gọi cho em vì tôi đông cứng cả người như con côn trùng bị mắc trong hổ phách, và tôi không biết phải làm sao? Rằng tôi không tin nổi mình may mắn thế nào mới tìm được một người phụ nữ như em - em là một vết ngứa tôi không thể ngừng gãi - và thế mà tôi thấy mình như một thằng lừa đảo hoàn toàn và cực kỳ ác độc? Phải, tôi nghĩ, em đã đọc trong tờ Cosmo bọn đàn ông Sở Khanh như thế nào, cưng ơi, nhưng em không ngờ nổi đâu.
  “Palo Alto ra sao rồi?”
  “Tương đối, nhưng anh không chuyển chủ đề dễ như thế được đâu.”
  “Alana,” tôi nói, “Nghe này. Anh muốn nói cho em biết - anh có chuyện buồn. Bố anh vừa qua đời.”
  “Ôi, Adam. Ôi, em rất tiếc. Chúa ơi. Giá mà em ở đó.”
  “Anh cũng ước vậy.”
  “Em làm được gì không?”
  “Đừng lo chuyện đó. Không cần gì cả.”
  “Anh biết... tang lễ cử hành khi nào?”
  “Vài ngày tới.”
  “Em sẽ ở đây tới thứ Năm. Adam, em rất tiếc.”
  Tiếp theo tôi gọi Seth, cậu ấy cũng nói gần như thế. “Ôi trời, anh bạn, tao rất tiếc. Tao làm được gì không?” Người ta ai cũng nói vậy, và cũng tốt, nhưng rồi bạn bắt đầu tự hỏi, có gì để làm chứ? Đâu phải tôi muốn món thịt hầm. Tôi còn chẳng biết mình muốn gì.
  “Không cần gì đâu, thật đấy.”
  “Thôi nào, tao có thể xin nghỉ ở công ty luật. Không lo gì cả.”
  “Không, được rồi mà, cảm ơn mày nhé.”
  “Sẽ có tang lễ gì đó chứ?”
  “Ờ, có thể. Tao sẽ báo cho mày biết.”
  “Giữ gìn nhé, anh bạn?”
  Rồi điện thoại reo lên trong tay tôi. Meacham không chào gì cả. Lời đầu tiên của hắn là “Mày lẩn đi chỗ chết tiệt nào rồi hả?”
  “Bố tôi vừa qua đời. Khoảng một giờ trước.”
  Một quãng im lặng dài. “Trời,” hắn nói. Rồi hắn thêm vào cứng nhắc, như thể mãi sau mới nghĩ ra. “Rất tiếc nghe tin đó.”
  “Vâng,” tôi nói.
  “Thật không đúng thời điểm.”
  “Phải,” tôi nói, bừng lên tức giận. “Tôi đã bảo ông ấy đợi.” Rồi tôi bấm KẾT THÚC.

72
Giám đốc nhà tang lễ cũng là người đã sắp xếp đám tang của mẹ tôi. Ông tử tế, nồng nhiệt, tóc đen đậm và hàng ria rậm cứng. Tên ông ta là Frank - “cùng tên với bố cậu”, như lời ông nói. Ông dẫn tôi vào phòng khách của nhà tang lễ, trông giống như nhà ở ngoại ô chưa có đồ đạc đầy đủ, với thảm phương Đông và đồ sẫm màu, một vài phòng trên hành lang chính. Văn phòng ông nhỏ và tối, với tủ hồ sơ bằng thép lỗi thời và vài bức tranh sao chép đóng khung vẽ hình thuyền và phong cảnh. Ông không có điểm nào giả tạo; thực sự tỏ ra thông hiểu tôi. Frank kể chút ít về lúc bố ông mất, sáu năm trước, và bảo chuyện đó khó khăn như thế nào. Ông đưa tôi một hộp khăn giấy Kleenex nhưng tôi không cần. Ông ghi chép về cáo phó trên báo - tôi thầm tự hỏi ai sẽ đọc nó, ai sẽ thực sự quan tâm - và chúng tôi chọn xong lời lẽ. Tôi cố nhớ tên chị của bố, bà cũng đã mất rồi, cả tên bố mẹ ông, người tôi gặp không đến mười lần trong đời, và chỉ biết gọi là “bà nội” và “ông nội”. Quan hệ của bố với ông bà căng thẳng, nên chúng tôi hiếm khi gặp họ. Tôi hơi lờ mờ về lịch sử công việc dài và phức tạp của bố, nên tôi có thể đã bỏ qua trường ông từng dạy, nhưng tôi nhớ được những nơi quan trọng.
  Frank hỏi về lý lịch quân sự của bố, và tôi chỉ nhớ rằng ông từng tham gia huấn luyện cơ bản ở doanh trại nào đó và chưa từng đi đâu đánh trận, và ông ghét quân đội thậm tệ. Frank hỏi liệu tôi muốn phủ cờ lên quan tài không, bố tôi có quyền được như thế vì là cựu chiến binh, nhưng tôi bảo không. Bố hẳn sẽ không muốn có cờ trên quan tài mình. Ông hẳn sẽ xỉ vả điều đó, hẳn sẽ nói những điều như, “Mày nghĩ tao là ai, John F. Kennedy nằm trong tang lễ cấp liên bang khốn kiếp à?” Frank hỏi liệu tôi muốn quân đội chơi điệu “Taps” không, bố cũng có quyền được như thế, và ông bảo thời nay không có lính kèn, và họ thường bật đĩa thu ở bên mộ. Tôi bảo không, bố cũng sẽ không muốn “Taps” đâu. Tôi bảo Frank rằng mình muốn tang lễ và những chuyện khác tổ chức càng sớm càng tốt, ngay khi ông sắp xếp được. Tôi muốn cố nhanh cho xong.
  Frank gọi nhà thờ Thiên Chúa nơi chúng tôi tổ chức đám tang cho mẹ tôi và lên kế hoạch lễ tang vào hai ngày tới. Không có họ hàng nào ngoài thành phố, ít nhất như tôi biết; những người duy nhất còn lại là vài người anh em họ và một bà cô ông chả gặp bao giờ. Có vài người tôi cho có thể coi là bạn ông, dù họ chưa nói chuyện với nhau hàng năm trời rồi; họ đều sống quanh đây. Frank hỏi bố tôi có y phục nào tôi muốn chôn cùng ông không. Tôi bảo có thể. Tôi sẽ xem lại.
  Rồi Frank đưa tôi xuống cầu thang tới một dãy phòng trưng bày quan tài. Tất cả đều to và sặc sỡ, đúng kiểu bố hẳn sẽ lấy ra làm trò cười. Tôi còn nhớ hồi mẹ tôi mất, ông từng rủa xả ngành tang lễ và coi nó là trò gian lận khổng lồ, về cách người ta bơm giá cắt cổ cho các cỗ quan tài đằng nào cũng bị chôn xuống đất, thế thì để làm gì chứ, ông còn nghe nói họ thường thay thế quan tài đắt tiền bằng đồ rẻ tiền bằng gỗ thông khi bạn không để ý. Tôi biết không đúng vậy - tôi đã thấy quan tài của mẹ hạ xuống, và đất được xúc lên, và tôi không nghĩ có vụ lừa đảo nào xảy ra nổi trừ phi người ta đến lúc nửa đêm và đào nó lên, tôi thấy khó tin lắm.
  Vì sự ngờ vực này - dù sao cũng là cái cớ của ông - bố chọn quan tài thuộc loại rẻ nhất cho mẹ, gỗ thông rẻ tiền nhuộm cho giống gỗ gụ. “Tin tao đi,” ông nói với tôi ở nhà tang lễ khi mẹ tôi mất, khi tôi còn đang khóc sướt mướt. “Mẹ mày không thích lãng phí tiền bạc đâu.”
  Nhưng tôi sẽ không làm thế với ông, dù ông đã mất và không biết được sự khác biệt. Tôi lái xe Porsche, tôi sống trong căn hộ khổng lồ ở Harbor Suites, và tôi có thể mua được một cỗ quan tài tốt cho bố mình. Với số tiền tôi kiếm được từ công việc ông không ngừng xỉ vả. Tôi chọn quan tài gỗ gụ trông sang trọng, bên trong có thứ được gọi là “hộp kỷ niệm”, một ngăn tủ để người ta đặt những đồ từng thuộc về người đã khuất.
  Vài giờ sau, tôi lái về nhà và trèo lên cái giường chẳng bao giờ được dọn dẹp và lăn ra ngủ. Cuối ngày hôm đó, tôi lái tới căn hộ của bố và lục lọi trong tủ quần áo, tôi chắc khá lâu rồi không ai mở nó ra, và thấy một bộ com lê màu xanh trông rẻ tiền tôi chưa thấy ông mặc bao giờ. Trên mỗi vai đều có dải bụi. Tôi tìm được áo sơ mi nhưng không có cà vạt - tôi không nghĩ ông từng bao giờ đeo cà vạt - nên tôi quyết định lấy một cái của mình. Tôi lục khắp căn hộ tìm những thứ mình nghĩ ông muốn chôn cùng. Một bao thuốc lá, có lẽ vậy.
  Tôi cứ sợ đến căn hộ sẽ khó khăn lắm, rồi tôi sẽ lại bật khóc. Nhưng tôi chỉ buồn não lòng khi thấy những gì ông để lại ít ỏi như thế nào - mùi thuốc lá phảng phất, xe lăn, ống thở, ghế bành hiệu Barcalounger. Sau nửa tiếng khổ sở trong đống đồ của ông, tôi bỏ cuộc và quyết định mình sẽ không đặt gì vào “hộp kỷ niệm”. Cứ để nó trống trỗng như một biểu tượng, sao lại không?
  Khi về đến nhà, tôi lấy chiếc cà vạt mình ít yêu thích nhất, cà vạt xanh-và-trắng trông vừa đủ u sầu, và tôi không tiếc bỏ đi. Tôi không muốn quay lại nhà tang lễ nên mang nó xuống bàn của người giữ cửa và bảo đem chuyển nó đi.
  Ngày hôm sau là ngày viếng người đã khuất. Tôi tới nhà tang lễ sớm hơn bắt đầu hai mươi phút. Nơi này bật điều hòa tới mức gần như lạnh buốt, và sực mùi chất làm thơm phòng. Frank hỏi tôi muốn “kính viếng” bố một mình không, và tôi đồng ý. Ông chỉ về một căn phòng bên kia hành lang. Khi vào phòng, thấy quan tài đang mở, tôi như bị giật điện. Bố nằm đó mặc bộ com lê rẻ tiền màu xanh và đeo cà vạt sọc xanh của tôi, tay vắt chéo trên ngực. Tôi thấy cổ họng mình sưng lên, nhưng thoáng qua nhanh chóng, và tôi không bật khóc, thật lạ lùng. Tôi chỉ thấy trống rỗng.
  Ông nhìn không thật chút nào, nhưng người ta chẳng bao giờ, chẳng bao giờ như thế cả. Frank hay bất cứ ai chịu trách nhiệm đã làm tốt việc mình - không bôi quá nhiều sáp môi hay gì đó - nhưng trông bố vẫn giống một bức tượng trưng bày bằng sáp trong viện bảo tàng Madame Tussaud, giữa những hình nhân giống thật nhất. Sinh khí đã rời khỏi cơ thể và người làm tang lễ không thể làm gì để đưa nó quay trở lại. Mặt ông “hồng hào” giả tạo.
  Dường như trên môi điểm son nâu nhạt. Ông nhìn ít giận dữ hơn khi ở bệnh viện, nhưng họ vẫn không thể làm ông trông thanh thản được. Tôi đoán họ chỉ làm được có hạn để duỗi đôi lông mày khỏi nhăn lại. Da ông giờ đây lạnh giá, và bợt bạt hơn lúc ở bệnh viện. Tôi do dự một lúc rồi hôn má ông; cảm giác lạ lùng, không tự nhiên, không sạch sẽ.
  Tôi đứng đó nhìn cái vỏ xác thịt, cái bao bị vứt bỏ này, đó là cái kén từng chứa đựng linh hồn bí ẩn và đáng sợ của bố mình. Và tôi bắt đầu nói chuyện với ông, vì tôi đoán hầu hết tất cả những người con đều nói chuyện với bố khi ông mất. “Bố ạ,” tôi nói. “Cuối cùng bố cũng rời khỏi đây. Nếu thực sự có cuộc sống sau khi chết, con hy vọng bố sẽ hạnh phúc ở đó hơn nơi này.”
  Tôi thấy thương tiếc cho ông, có lẽ đó là điều tôi không bao giờ cảm nhận được khi ông còn sống. Tôi nhớ vài lần ông thực sự hạnh phúc, khi tôi còn nhỏ và ông kiệu tôi đi chơi. Rồi lần đội bóng của ông đoạt giải vô địch. Vài lúc như vậy. Nhưng ông hiếm khi cười, trừ khi phá lên điệu cười cay đắng. Có lẽ ông cần dùng thuốc chống suy nhược, có lẽ đó chính là vấn đề của ông, nhưng tôi ngờ lắm. “Con không hiểu được bố nhiều,” tôi nói. “Nhưng con thực sự đã cố hiểu.”
  Chẳng mấy ai đến trong ba giờ đồng hồ đó. Có vài người bạn từ thời trung học của tôi, một số đi với vợ, và hai người bạn đại học. Bà dì Irene tới một lúc và bảo, “Bố cháu thật may mắn khi có cháu.” Giọng bà hơi mang chất Ailen và bà dùng loại nước hoa sặc mùi mà các quý bà nhiều tuổi hay dùng. Seth đến sớm và về muộn, ở bên cạnh tôi. Cậu ta kể chuyện về bố, cố làm cho tôi cười, những giai thoại từ thời ông còn làm huấn luyện viên, những chuyện đã thành truyền kỳ giữa bạn bè tôi ở trường Bartholomew Browning. Có lần ông lấy bút đánh dấu và vẽ một đường thẳng ngay giữa mặt nạ của một thằng nhóc, một đứa ngốc nghếch tên là Pelly, rồi xuống đồng phục tới tận giày, và xuống cỏ thành đường dài dọc sân bóng, thậm chí dù bút dánh dấu không để lại vết trên cỏ được, và ông nói, “Em chạy hướng này, Pelly, hiểu không? Đây là hướng em chạy.”
  Có lần ông gọi hội ý rồi đi tới một cầu thủ bóng bầu dục tên là Steve, nắm lấy mặt nạ cậu ta và bảo, “Em có ngu không, Steve?” Rồi không đợi Steve trả lời, ông giật mặt nạ lên xuống, khiến Steve gật đầu như con búp bê. “Có, thưa huấn luyện viên,” ông the thé giả giọng Steve. Cả đội thấy hài hước và phần lớn phá lên cười. “Có, em ngu.”
  Có ngày ông gọi hội ý giữa trận khúc côn cầu và la mắng một thằng nhóc tên là Resnick vì chơi quá thô bạo. Ông vớ lấy gậy côn cầu của Resnick nói, “Anh Resnick, nếu tôi còn thấy anh đâm cầu thủ khác bằng chuôi gậy” - và ông thọc mạnh gậy vào bụng Resnick, ngay lập tức khiến nó bị nôn - “hay đầu gậy” - và ông lại thúc gậy vào bụng nó - “tôi sẽ tiêu diệt anh.” Và Resnick nôn ra máu, và rồi nôn khan. Không ai cười cả.
  “Ờ,” tôi nói. “Ông thật vui tính nhỉ?” Lúc này tôi muốn cậu ta đừng kể nữa, và may mắn thay, Seth ngừng lời.
  Buổi tang lễ sáng hôm sau, Seth ngồi bên cạnh tôi trên ghế nhà thờ, bên kia là Antwoine. Vị linh mục tóc bạc và đạo mạo, trông như một vị bộ trưởng trên ti vi, là Cha Josepth Iannucci. Trước đám tang, Cha gọi tôi sang bên và hỏi đôi chút về bố - “tín ngưỡng”, ông trông như thế nào, ông kiếm sống ra sao, ông có sở thích nào không, những câu hỏi như thế. Tôi bí rì rì.
  Có khoảng hai mươi người trong nhà thờ, vài người là giáo dân đến dự tang lễ và không biết bố. Vài người khác là bạn tôi thời trung học và đại học, rồi bạn bè trong vùng và bà lão nhà bên cạnh. Một người “bạn” của bố đến, ông ta từng ở câu lạc bộ Kiwanis cùng bố cách đây nhiều năm, cho đến khi bố bỏ đi vì tức giận chuyện vặt vãnh nào đó. Ông thậm chí còn không biết bố bị ốm. Có vài anh em họ lớn tuổi tôi chỉ lờ mờ nhận ra.
  Seth và tôi hộ tang cùng với những người ở nhà thờ và nhà tang lễ. Trước cửa nhà thờ có một vòng hoa - tôi không biết tại sao nó lại ở đấy, có người gửi hoa hay do nhà tang lễ mang đến.
  Đám tang là nghi lễ dài không tưởng nổi, đầy đứng lên với ngồi xuống và quỳ, có lẽ để bạn không ngủ gục. Tôi mệt lử, mờ mịt, vẫn còn sốc nặng. Cha Iannucci gọi bố là “Francis” và vài lần đọc tên đầy đủ của ông, “Francis Xavier”, như thể muốn bảo ông là tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo chứ không phải lão vô thần mà mối liên hệ duy nhất với Chúa là gọi tên Người trong những lời rỗng tuếch. Cha nói, “Chúng ta đều thương tiếc khi phải chia tay với Francis, chúng ta đau buồn trước sự ra đi của ông, nhưng chúng ta tin rằng ông đến với Chúa, rằng ông tới một nơi tốt đẹp hơn, và giờ ông cùng chia sẻ sự hồi sinh của Chúa bằng một cuộc sống mới.” Cha hỏi, “Tại sao Francis phải chịu đựng nhiều như vậy trong những tháng cuối cùng của cuộc đời?” rồi trả lời điều gì đó về sự chịu đựng của Chúa và nói “Chúa không bị đánh bại hay khuất phục trước khổ đau.” Tôi không rõ ông muốn nói điều gì, nhưng tôi cũng không lắng nghe lắm. Tôi thần người đi.
  Khi kết thúc, Seth ôm tôi, rồi Antwoine ôm và bắt tay tôi thật chặt, và tôi ngạc nhiên khi thấy một giọt nước mắt rớt xuống trên mặt anh chàng to con này. Tôi không khóc suốt cả buổi lễ; tôi không hề khóc cả ngày hôm nay. Tôi thấy mình như bị gây mê. Có lẽ với tôi chuyện đã qua rồi.
  Dì Irene run rẩy ra chỗ tôi và nắm lấy tay tôi bằng cả hai tay mềm yếu da đã đồi mồi. Son đỏ chót trên môi bà được tô bằng bàn tay run rẩy.
  Mùi nước hoa sặc sụa đến mức tôi phải nín thở. “Bố cháu rất tốt,” bà nói. Bà dường như đọc được gì đó trên mặt tôi, sự nghi ngờ tôi không định để lộ, và bảo, “Ta biết ông không phải là người dễ dàng chấp nhận tình cảm của mình, ông không thoải mái khi biểu lộ cảm xúc. Nhưng ta biết ông yêu cháu.”
  Được rồi, nếu dì nhất định thế, tôi nghĩ, rồi cười và cảm ơn bà. Ông bạn của bố ở Kiwanis, một người to lớn trạc tuổi bố nhưng nhìn phải trẻ hơn tới hai mươi tuổi, nắm lấy tay tôi và bảo: “Xin chia buồn với cháu.” Thậm chí cả Jonesie, người công nhân ở khu bốc dỡ của hãng Viễn thông Wyatt cũng đến với vợ, Esther. Cả hai đều nói chia buồn với tôi.
  Tôi đang rời nhà thờ, chuẩn bị vào xe limousine để theo xe tang đến nghĩa trang thì thấy một người ngồi ở hàng ghế cuối. Người này tới sau khi tang lễ bắt đầu một lúc, nhưng từ xa, dưới ánh đèn tối bên trong nhà thờ, tôi không nhìn rõ mặt ông.
  Ông quay lại và bắt gặp ánh mắt tôi.
  Đó là Goddard.
  Tôi không tin nổi. Ngạc nhiên và cảm động, tôi chầm chậm bước đến chỗ ông. Tôi mỉm cười, cảm ơn ông đã tới. Ông lắc đầu, xua tay từ chối lời cảm ơn.
  “Tôi tưởng ông ở Tokyo?” tôi nói.
  “Ôi dào, đâu phải bộ phận châu Á Thái Bình Dương chưa bắt tôi đợi hết lần này đến lần khác.”
  “Tôi không...” Tôi lóng ngóng, hoài nghi. “Ông xếp lại lịch công tác?”
  “Một trong những điều ít ỏi tôi học được trên đời là biết xác định thứ tự ưu tiên quan trọng như thế nào.”
  Tôi không nói nổi nên lời trong phút chốc. “Sáng mai tôi sẽ quay lại công ty,” tôi nói. “Có lẽ hơi muộn, vì chắc tôi phải giải quyết một số chuyện...”
  “Không sao,” ông bảo. “Cứ từ tốn mà làm. Chậm thôi.”
  “Tôi ổn rồi, thật đó.”
  “Nên tử tế với chính mình, Adam. Chúng ta sẽ xoay xở được khi vắng anh ít lâu.”
  “Không phải - không giống chuyện với con trai ông đâu, Jock. Ý tôi là bố tôi đã ốm yếu vì bệnh khí thũng khá lâu rồi, và... thế này thực tốt hơn. Ông ấy cũng muốn ra đi.”
  “Tôi biết cảm giác đó,” ông khẽ khàng nói.
  “Chúng tôi thực tình cũng không thân thiết đến thế.” Tôi nhìn quanh bên trong nhà thờ tối lờ mờ, những hàng ghế gỗ, các bức tranh vàng và đỏ trên tường. Vài người bạn đang đứng ở cửa đợi nói chuyện với tôi. “Tôi có lẽ không nên nói như vậy, đặc biệt là ở đây, đúng không?” Tôi cười buồn bã. “Nhưng ông ấy không phải là người dễ gần, ông già khắc nghiệt, như thế chuyện ông mất với tôi cũng dễ dàng hơn. Tôi cũng không suy sụp hoàn toàn hay gì cả.”
  “Ồ, không, như thế càng khó khăn hơn, Adam. Rồi anh sẽ thấy. Khi mà tình cảm của anh lại phức tạp đến thế.”
  Tôi thở dài. “Tôi không nghĩ tình cảm của mình với ông ấy là - từng là - phức tạp.”
  “Rồi sau nó sẽ ập tới. Những cơ hội bỏ lỡ. Những điều có thể đã xảy ra. Nhưng tôi muốn anh nhớ như thế này: Bố anh thật may mắn mới có anh.”
  “Tôi không cho là ông ấy nghĩ mình...”
  “Đúng vậy. Bố anh, ông ấy là người may mắn.”
  “Tôi chẳng nghĩ thế đâu,” tôi nói, và đột nhiên, không hề báo trước, cái van bị khóa trong tôi trượt đi, con đập vỡ tan, nước mắt tôi trào lên. Mặt đỏ bừng xấu hổ vì nước mắt cứ chảy xuống mặt, tôi thốt lên, “Xin lỗi, Jock.”
  Ông đưa cả hai tay lên đặt trên vai tôi. “Nếu anh không khóc được, anh không còn sống nữa,” Goddard nói. Mắt ông ươn ướt.
  Giờ tôi khóc như đứa bé, và tôi vừa xấu hổ vừa có chút gì nhẹ nhõm. Goddard vòng tay ôm chặt lấy tôi, và tôi thổn thức như thằng ngốc.
  “Tôi muốn anh biết điều này, con trai,” ông nói, rất khẽ khàng. “Anh không đơn độc đâu.”